1/12/08

Ghost là gì? thế nào và tại sao?

Norton Ghost đã quá quen thuộc đối với nhiều người - nhất là những kỹ thuật viên sửa chữa hệ thống máy tính, quản trị mạng công ty hoặc những người sử dụng máy tính nghiệp dư hiểu biết. Đối với bạn thì sao? Có phải là quá mới? Có phải là bạn đã nghe tên đến ghost nhưng chưa hiểu rõ về phương thức và ý nghĩa của chúng? Tôi sẽ giúp bạn hiểu và thực hiện sao lưu hoặc phục hồi một cách rõ ràng nhất có thể.

Ghost là một danh từ chỉ phần mềm, tuy nhiên do phần mềm này được sử dụng quá nhiều, quá thông dụng nên chúng đã trở thành một động từ. Khi người ta nói "ghost" thì có nghĩa là bạn cần sử dụng phần mềm Norton Ghost để thực hiện việc sao lưu dữ liệu từ một ổ cứng/phân vùng thành tập tin ghost. Sau khi sao lưu bạn có thể phục hồi lại hệ thống trong bất kỳ thời điểm nào và trong bất kỳ một máy tính nào. Không những thế, bạn còn có thể sử dụng các tập tin ảnh đó để có thể lấy lại các tập tin nhất định nào đó chứa trong nó mà không cần thiết phải khôi phục lại hoàn toàn trạng thái làm việc như khi sao lưu.

Những điều này có hấp dẫn đối với bạn hay không? đối với tôi Ghost là một phần mềm mà có lẽ rằng tôi không thể bỏ qua nó nếu chừng nào còn sử dụng các hệ điều hành của Microsoft và muốn sao lưu dữ liệu một cách thuận tiện và thông dụng đối với nhiều máy tính khác nhau.

Tìm hiểu ý nghĩa của việc Ghost lại một ổ cứng hoặc một phân vùng

Để hiểu sâu một chút về các hành động ghost lại các ổ cứng, phân vùng trên ổ cứng thì phần này tôi sẽ giúp bạn thông qua một ví dụ đơn giản và dễ hiểu như sau:

Bạn hãy nhìn vào căn phòng của bạn, bất kể là căn phòng làm việc, phòng khách hay phòng ngủ cũng được. Bạn sẽ nhìn thấy gì? đồ đạc, các bức tranh treo trên tường, ... đủ thứ. Bạn nghĩ rằng nó sẽ thay đổi theo thời gian chứ, có thể lắm vì sở thích của bạn thay đổi, và thời gian sẽ làm cũ mòn chúng đi, hay như các lớp bụi sẽ bao trùm. Để giữ lại những kỷ niệm của căn phòng đó, bạn có thể chụp ảnh chúng lại, sau một thời gian nhìn lại chúng, có thể điều đó sẽ giúp bạn khơi lại những kỷ niệm, mang dấu ấn của một giai đoạn sống của bạn với những suy nghĩ, tư duy và phong cách có thể sẽ khác với thời điểm mà bạn đang nhìn lại bức ảnh đó.

Có vẻ như hơi lạc đề rồi (?). Bây giờ - khi mà bạn đang xem lại bức ảnh căn phòng của bạn - bạn muốn tất cả trở lại như xưa, tức là như những gì đang xuất hiện trong bức ảnh của bạn thì cũng thật dễ dàng thực hiện điều đó. Bạn bắt đầu sắp xếp lại đồ vật như chúng được hiển thị trong bức ảnh. Nếu như chẳng may đồ vật nào đó bị vỡ, hư hỏng thì nhờ có một phép thần kỳ nào đó, chúng lại trở lại y như cũ để bạn sắp xếp lại chúng trong căn phòng của mình.

Lấy ví dụ như trên chưa ổn. Hic, tôi lấy một ví dụ khác: Bây giờ bạn thử nhìn vào một chiếc giá sách chứa rất nhiều sách mà bạn đã sắp xếp chúng một cách rất khoa học, rất dễ lấy từng cuốn sách với thói quen sử dụng của bạn bởi các phân mục rõ ràng. Bạn đã chụp lại một bức ảnh mà tất cả các gáy sách sẽ giúp bạn nhận biết cuốn nào đặt ở tầng nào, chỗ nào. Một hôm những người bạn của bạn đến chơi và lục tung sách của bạn lên, làm đảo lộn mọi thứ. Khi họ ra về thì bạn bắt đầu sắp xếp lại, mọi việc rất đơn giản vì bạn đã dùng bức ảnh chụp để có thể sắp xếp lại đến từng vị trí của các cuốn sách như cũ.

Nhiều người sử dụng không biết có sự hiện diện của System Restore trong hệ thống và không khai thác đến nó. Nếu không sử dụng có thể tắt System Restore một cách đơn giản thông qua vài bước nếu như bạn không dùng đến nó - Đánh dấu vào mục "Turn off System Restore on all drives", bấm OK và khởi động lại hệ thống.

Hình như vẫn chưa ổn lắm. Tôi sửa lại đôi chút. Một hôm bạn sẽ đi công tác xa trong vài tháng, bạn chụp lại bức ảnh của giá sách của mình, rồi cất hết sách vào các bao tải, cất vào kho. Xong, chẳng ai động chạm đến được. Sau khi đi công tác về bạn sắp xếp lại chúng như cũ bởi vì bức ảnh đã hiển thị rõ ràng đến từng vị trí của các cuốn sách trên giá sách.

Trong ví dụ này thì tôi muốn nói đến phần mềm Ghost, chúng sao chụp lại vị trí từng tập tin ở các thư mục trên một phân vùng của đĩa cứng (hoặc cả đĩa cứng) sau đó lưu lại tất cả các nội dung của chúng. Sau khi có các sự cố nào đó khiến cho hệ thống của bạn không hoạt động được thì bạn sẽ sử dụng lại tập tin ảnh đã sao lưu lại này để phục hồi lại chúng. Sau khi phục hồi thì toàn bộ sẽ trở lại như cũ. Các ví dụ trên thì ghost có vẻ giống như ví dụ cuối cùng là hợp lý hơn với trường hợp tập tin ảnh ghost sẽ được lưu trữ, bởi vì chúng không những lưu lại toàn bộ cấu trúc của tập tin mà còn lưu trữ vào một tập tin (giống như việc cất sách vào kho vậy). Tuy nhiên ví dụ thứ hai thì lại hợp lý hơn về mặt phân vùng và hệ điều hành đang tồn tại, chúng thì sẽ được thay đổi, xáo trộn bởi quá trình sử dụng của bạn và khi nào chúng bị lộn xộn, hư hỏng thì bạn có thể sắp xếp lại, tuy sự sắp xếp lại này thì không phải là di chuyển các tập tin ở các vị trí khác nhau về đúng chỗ của nó, mà là lấy lại tập tin ở thời điểm đã sao chụp lại để đưa chúng trở về vị trí cũ. Nếu như bạn từng đọc cuốn truyện thiếu nhi về chú mèo máy Đô-rê-môn và biết rằng truyện đó có một cỗ máy thời gian để đi ngược lại thời điểm trước đó thì bạn sẽ hiểu hành động ghost trả lại này là tạo mọi vật trở lại vị trí ở thời điểm ghost đó vậy.

Như vậy thì nhược điểm của ghost cũng bộc lộ giống như trường hợp ví dụ về đồ vật trong một căn phòng. Nếu như các đồ vật trong căn phòng đã bị thay đổi theo cách thêm mới thì sẽ không được lưu trữ trong bức ảnh, và do đó Norton Ghost chỉ làm công việc là sao lưu lại nguyên hiện trạng để phục hồi lại khi xảy ra lỗi mà thôi. Đây là sự khác nhau giữa phương pháp sao lưu dùng phần mềm Ghost và phương pháp sử dụng tính năng System Restore của hệ điều hành (có mặt từ Windows Me cho đến các phiên bản hiện tại của Microsoft).

So sánh Norton Ghost với tính năng System Restore sẵn có

Như những nhược điểm nói trên thì System Restore sẽ hoàn hảo hơn đối với việc sao lưu hệ thống chăng? Tôi không nghĩ như vậy bởi dựa trên các tiêu chí so sánh mà tôi cho rằng quan trọng như sau:

  • System Restore thì phụ thuộc vào trạng thái của hệ điều hành, do đó muốn khôi phục được lại một trạng thái trước đó thì phụ thuộc vào hệ điều hành có bị lỗi hay không. Ngược lại với điều này thì Norton Ghost hoạt động riêng biệt với hệ điều hành, do đó có khả năng khôi phục ngay cả khi hệ thống bị lỗi.
  • System Restore có thể tạo ra hàng loạt thời điểm sao lưu mà trong đó ở cả các thời điểm xác định được (do người sử dụng thực hiện) và cả các thời điểm không kiểm soát được (do hệ thống tự động sao lưu. Khi hệ thống bị lỗi hoặc virus thì người dùng sẽ bối rối trước những thời điểm mà họ xác định là "an toàn" - tức là không có chứa lỗi và virus.
  • Norton Ghost có thể sao lưu hệ thống từ một máy tính sang máy tính thứ hai hoặc nhiều máy khác (nếu sao lưu phân vùng cài đặt hệ điều hành thì tuỳ hệ điều hành mà có thể tương thích hay không giữa các máy tính với nhau, đa số các máy tính có cùng cấu hình đều có thể có tính tương thích tốt). System Restore thì không, chúng chỉ sao lưu và phục hồi trên một máy tính duy nhất. Đây là ưu điểm nổi trội nhất khi so sánh.
  • System Restore có thể tự động loại bỏ các thời điểm sao lưu quá xa so với hiện tại (mặc định thì chúng sẽ sử dụng một lượng dung lượng đĩa cứng nào đó), do đó các thời điểm nguyên thuỷ (khi máy tính hoàn toàn an toàn) sẽ không còn được lưu trữ sau một thời gian dài sử dụng. Norton Ghost thì sao lưu theo từng thời điểm nhất định mà người sử dụng cảm thấy lúc đó máy tính an toàn nhất.
  • System Restore có thể theo dõi toàn bộ những diễn biến trong máy tính để có thể khôi phục lại theo như thiết đặt mặc định của nó, nếu phục hồi lại đến các thời điểm trước đó thì các tập tin cũng có thể được khôi phục lại phiên bản trước, đó là một điều tệ hại đối với các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin văn bản, bảng tính đã được thay đổi theo thời gian và là thành quả làm việc của người sử dụng.

Do có một số phần mềm khác cũng có tính năng tương tự như Norton Ghost nên sự so sánh ở đây cũng đúng khi so sánh giữa System Restore với phần mềm đó.

Sử dụng Ghost khi nào?

Như một bài trước đã viết trên blog này về cách thức sử dụng ghost đối với việc tối ưu sự sắp xếp dữ liệu và sao lưu các dữ liệu quan trọng, ở đây xin dẫn lại nội dung về thời điểm khi ghost theo các ý chính ở bài viết đó (bạn nên tham khảo bài viết đó sẽ tốt hơn và bổ trợ cho bài này).

Thời điểm tạo bản sao lưu bằng Ghost đầu tiên

IBM sử dụng 7 đĩa CD ROM để tạo bộ đĩa phục hồi hệ thống; [nguồn ảnh]. Có thể tự tạo ra các bộ đĩa như vậy thông qua Norton Ghost

Thời điểm tạo bản Ghost đầu tiên được tiến hành ngay sau khi cài đặt hệ điều hành cùng toàn bộ các trình điều khiển sẵn có của hệ thống. Nếu bạn muốn thực hiện Ghost, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên theo các bước sau đây:

  1. Cài đặt hệ điều hành Windows. Đây là bước đầu tiên và cần có (ai cũng biết là phải như vậy ^^) để từ đó có cơ sở cho việc tạo bản sao lưu cơ bản. Nếu như bạn thực hiện việc tạo bản sao lưu cho một phân vùng chứa dữ liệu, hoặc chứa các bộ cài đặt thì không nhất thiết phải thực hiện bước này. Ngay sau khi cài đặt Windows, bạn cần thiết cài đặt các phiên bản service pack trước khi tiếp tục các công việc khác (cho dù rằng lúc này có thể giao diện đồ hoạ còn ít màu sắc với độ phân giải thấp).
  2. Cài đặt các trình điều khiển quan trọng cho bo mạch chủ và bo mạch quan trọng. Bạn biết rằng bo mạch chủ là một thiết bị quan trọng trong máy tính, là nền tảng cơ sở cho các thiết bị phần cứng khác hoạt động. Trình điều khiển (driver) được khuyên cài đặt ở đây được nằm trên đĩa quang bán kèm theo máy tính hoặc kèm theo bo mạch chủ khi mua. Mọi hành động cài đặt nhanh hoặc chậm trong các quá trình cài đặt sau này đều phụ thuộc vào bước này, bởi vì chúng thì khai thác các khả năng hoạt động nhanh hay chậm của các giao tiếp tại chipset. Trình điều khiển cho bo mạch chủ ở đây có thể bao gồm: 1. Trình điều khiển cho chipset bao gồm cầu bắc và cầu nam (cái này quan trọng nhất, nhưng chúng cũng có thể được tích hợp cùng với hệ điều hành nếu như chipset quá cũ), 2. Trình điều khiển cho bo mạch đồ hoạ được tích hợp trên bo mạch chủ (nếu không có nó thì hệ điều hành chỉ có thể sử dụng giao diện với độ phân giải thấp và vài màu cơ bản, chúng sẽ làm khó khăn cho các giao diện cài đặt phần mềm có bảng thông báo, với các nút tiến trình nằm ngoài màn hình. 3. Trình điều khiển cho bo mạch âm thanh được tích hợp trên bo mạch chủ. 4. Các trình điều khiển khác do các chức năng tích hợp trên bo mạch chủ như: Enthernet, USB phiên bản mới như 2,0; 3.0 chẳng hạn....Sau các bước cài đặt này có thể phải khởi động lại hệ thống sau mỗi đề cử của thuật sĩ hoặc yêu cầu của phần mềm cài đặt.

  3. Cài đặt phần mềm diệt virus hoặc bảo mật tích hợp. Lý giải về điều này bạn nên chú ý đến các hình thức cài đặt ở phía trên thường là sử dụng các bộ cài được lưu trữ trên đĩa quang, chúng thì được các nhà sản xuất kiểm tra kỹ lưỡng về các loại mã độc trước khi in thành đĩa công nghiệp, do đó hầu như chúng sẽ không chứa các phần mềm độc hại, nhưng từ phần cài đặt các phần mềm khác trở đi thì sẽ có nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của mã độc hại. Khi cài đặt các phần mềm diệt virus hoặc các phần mềm bảo mật tích hợp (có chức năng phòng chống virus và tưởng lửa cùng kết hợp) sẽ làm giảm nguy cơ mắc virus từ những bộ cài đặt phần mềm đang được lưu trữ trên máy tính của bạn. Ngay sau khi cài đặt phần mềm diệt virus thì cũng cần cập nhật các cơ sở dữ liệu của chúng cho đến thời điểm hiện tại thông qua Internet hoặc các bản nâng cấp offline (không cần kết nối với Internet).
  4. Cập nhật các bản vá lỗi cho hệ điều hành của bạn. Ngay sau khi cài đặt phần mềm diệt virus thì bạn nên sử dụng tính năng Windows Update (thông qua trình duyệt Internet Explorer) để có thể cập nhật các miếng vá của hệ điều hành. Nếu như phiên bản cài đặt Windows của bạn chưa được cài đặt các bản service pack thì có lẽ giai đoạn này là khá mất nhiều thời gian kết nối với Internet. Ở phần này bạn cũng cần thực hiện việc Activate sản phẩm của mình (đối với các hệ điều hành Windows từ XP trở đi) để có thể không mất nhiều thời gian và rủi ro về sau này (tôi có một bài học về vấn đề này khi mà sau khi Activate vài lần
  5. Cài đặt các phần mềm chính phục vụ cho quá trình làm việc của bạn. Chẳng hạn một số phần mềm chuyên nghành, phần mềm văn phòng hoặc một số phần mềm khác thiết yếu. Những cài đặt này mang tính căn bản, tức là bạn thường xuyên sử dụng trong quá trình làm việc của mình. Ở phần tạo bản ghost cơ bản này bạn không nên cài đặt các phần mềm mang tính chất phụ, lặt vặt mà chúng có thể có các phiên bản tốt hơn trong tương lai.

Sau các hành động trên, bạn tiến hành sao lưu lại phân vùng cài đặt hệ điều hành cũng các phần mềm quan trọng để tạo ra một bản lưu trữ cho mình. Có thể nói đến đây là bạn đã thực hiện được một sự sao lưu tương tự như hành động của một số hãng tích hợp máy tính (như HP, IBM, Acer...) đã từng thực hiện, đó là tạo ra bộ đĩa cứu hộ (còn gọi là bộ đĩa Rescue hoặc Restore) chứa đầy đủ phần cài đặt cơ bản cho một người sử dụng máy tính bình thường thực hiện (không bao gồm bộ phần mềm văn phòng), mỗi khi lỗi hệ thống thì có thể sử dụng bộ đĩa cứu hộ này khắc phục sự cố một cách triệt để, tựa như hành động đưa máy tính về trạng thái xuất xưởng.

Thông thường thì sau khi bạn cài đặt hệ điều hành theo các bước như trên thì [các] tập tin ghost được tạo ra sẽ có dung lượng có thể nhỏ hơn so với một đĩa DVD, bạn có thể sao lưu lại dưới một đĩa DVD-ROM (hoặc vài đĩa CD-ROM nếu bạn không có ổ ghi đĩa tương thích với DVD) khi tích hợp chúng với một đĩa boot nào đó như Hiren's Boot CD để có thể sẵn sàng khôi phục trong trường hợp gặp lỗi. (Bạn xem thêm bài Hiren Boot CD để có thể tự mình tạo được một đĩa có khả năng khởi động hệ thống từ đĩa quang và tích hợp các tập tin ghost vào nó).

Tạo các bản ghost theo định kỳ

Sau khi đã có một bản sao lưu như trên thì bạn đã có thể chuẩn bị vào làm việc hoặc giải trí. Đã đến lúc bạn cài đặt đủ thứ phần mềm phục vụ cho bạn trong quá trình làm việc và giải trí lên hệ điều hành của mình. Những phần mềm cài đặt thêm thì có thể là: Phần mềm nghe nhạc, phần mềm quản lý ảnh, các phần mềm IM, phần mềm quản lý email (hoặc là lúc thiết lập chúng) các phần mềm, tiện ích nhỏ khác...

Sau khi đã cài đặt toàn bộ phần mềm, khi mà bạn có thể sử dụng máy tính như một thứ đa năng phục vụ cho nhu cầu làm việc và giải trí của bạn thì bạn nên tiếp tục sử dụng máy tính của mình trong vòng một hai tuần mà không cần chú ý thêm gì đến vấn đề sao lưu nữa. Sau thời gian này thì bạn có thể sẽ có nhiều thứ cần phải cài đặt hoặc tinh chỉnh hệ thống (tweak hệ thống, thay đổi các thiết đặt của các hệ điều hành như màn hình nền, cỡ chữ,...), và mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường.

Sau khoảng thời gian mà bạn nhận thấy rằng hệ thống của bạn đã đi vào hoạt động bình thường, thì đã đến lúc bắt đầu tiến hành sao lưu lại hệ điều hành bằng phương pháp ghost thêm một lần nữa. Nếu như sau này có các sự cố nào đó thì bạn đã có thể đưa hệ thống trở lại làm việc chỉ sau 10 đến 30 phút.

Các tập tin cho sao lưu theo định kỳ như thế này nên đặt tại một phân vùng nào đó trên chính ổ cứng của bạn để đảm bảo cho thời gian phục hồi nhanh nhất có thể. Không cần thiết phải sao lưu trên đĩa quang, bởi vì việc phục hồi lại từ đĩa quang trong môi trường MS-DOS sẽ chậm hơn so với việc chuyển trên chính nội bộ đĩa cứng đó.

Định kỳ theo thời gian bạn nên tiếp tục tạo ra các bản ghost để chúng phù hợp với những thay đổi mới nhất đối với hệ điều hành của bạn. Theo kinh nghiệm mà tôi thường thực hiện đối với sự sao lưu định kỳ này là khoảng từ 2 đến 3 tháng. Khoảng thời gian này sẽ có những thay đổi của hệ thống đối với phiên bản sao lưu trong 2 - 3 tháng trước đó.

Hướng dẫn cách sử dụng phần mềm Ghost trên nền MS-DOS

Sau khi bạn đã hiểu về tác dụng của việc ghost như phần trên, đến đây tôi hướng dẫn bạn làm việc với phần mềm Norton Ghost của hãng Symantec. Tuy rằng bộ phần mềm Norton Ghost mới nhất hiện nay là phiên bản 14 hoạt động trên nền Windows sẽ có thể giúp bạn sao lưu và phục hồi một cách đơn giản, nhưng ở đây trước hết là tôi muốn giới thiệu với bạn phiên bản chạy trên nền MS-DOS. Lý do rằng không nhiều bạn có thể sở hữu được bộ phần mềm Norton Ghost 14 và lý do quan trọng hơn là có thể bạn đã sẵn có đĩa công cụ Hiren's Boot CD 9.6 mà tôi mới có dịp giới thiệu gần đây trên blog này và khai thác chúng.

Để sử dụng Ghost trong nền MS-DOS thực, bạn cần khởi động máy tính bằng đĩa Hiren's Boot CD. Từ menu chính, thực hiện theo các bước sau:

  • Vào phần Disk Clone Tools...
  • Vào phần Norton Ghost 11.5. (Phiên bản 11.5 là phù hợp với đĩa Hiren's Boot CD 9.6, các phiên bản đĩa khác có thể có con số khác. Ở trong phần Disk Clone Tools này còn có một số phần mềm khác nữa, bạn sẽ tìm hiểu sau nhé)
  • Trong phần Norton Ghost này có nhiều lựa chọn khác nhau:
  • Ghost with USB support: Trường hợp này là bạn thực hiện hành động ghost đối với các USB flash, các ổ cứng gắn ngoài thông qua giao tiếp USB của máy tính...
  • Ghost with SCSI support: Lựa chọn này nếu như máy tính của bạn sử dụng các ổ cứng giao tiếp nhanh - cụ thể là giao tiếp SCSI thường dành cho các máy chủ. Nếu như bạn sử dụng máy tính không có các ổ SCSI thì bạn không sử dụng lựa chọn này.
  • Ghost with network support: Hỗ trợ ghost thông qua mạng, khá phức tạp, có lẽ chỉ phù hợp với những người quản trị hệ thống mạng cần sửa chữa các máy tính client.
  • Ghost (-FFX...)
  • Ghost (-Z9 -Span...)
  • Ghost (-Z9 - Auto - Split=700...): Nếu như bạn muốn ghi ra đĩa CD-ROM ảnh ghost thì bạn sử dụng lựa chọn này, khi đó quá trình ghost sẽ tự động cắt tập tin ảnh ghost ra thành các tập tin có dung lượng 700 MB để phù hợp với dung lượng đĩa CD-ROM. Quá trình restore sẽ đơn giản chỉ việc thực hiện đối với tập tin đầu tiên, sau đó đưa liên tiếp các đĩa tiếp theo từng số khi mà phần mềm yêu cầu.
  • Ghost (Normal): Bạn lựa chọn chế độ này, nó phù hợp với phần hướng dẫn ở phía dưới đây.

Phiên bản giới thiệu ở đây là bản 11.5 hoạt động trên nền MS-DOS[vi.wiki], có lẽ đây là phiên bản mới nhất cho đến thời điểm cuối năm 2008 của hãng này. Hãy xem hình minh hoạ giao diện chính của Norton Ghost trên nền MS-DOS như hình minh hoạ phía dưới:

Bảng Menu có vẻ giống như của hệ điều hành Windows quen thuộc của Microsoft, các menu của phần mềm chứa các lựa chọn rất rõ ràng đối với những người đã hiểu biết đôi chút. Đối với những người bình thường lần đầu tiên sử dụng Ghost thì nó cũng dễ để suy luận ra: Quit dùng để thoát khỏi phẩn mềm; Help chứa các hỗ trợ đơn giản sử dụng phần mềm, Options chứa các lựa chọn chế độ làm việc...

Phần mà chúng ta làm cần thực hiện đối với chúng là Local, có nghĩa là những gì đang ở trên máy tính đang chạy phần mềm Norton Ghost. Ở đây có hai sự lựa chọn mà nếu như nhầm lẫn sẽ khiến cho bạn làm mất hoàn toàn dữ liệu của một ổ cứng trong một số trường hợp, hoặc có thể tạo ra các bản ghost kích thước lớn hoặc lỗi không thực hiện được. Xin được trình bày cụ thể về hai lựa chọn Local -> Disk và Local -> Partition như sau:

Local\Disk sẽ thao tác với sự ghost đối với chủ thể là toàn bộ ổ cứng nào đó. Trong đó bao gồm:

Disk To Disk: Tạo ra một sự sao chép giống nhau y hệt từ một đĩa cứng tới một đĩa cứng khác: hành động này nếu bạn muốn sao lưu mang tính chất nhân bản (giống như kiểu bạn sao một đĩa quang sang một đĩa quang vậy). Có thể so sánh hành động ghost disk-to-disk này giống như việc trên đĩa cứng thứ hai được quy hoạch hoàn toàn giống như đĩa cứng thứ nhất về kích thước phân vùng, rồi copy toàn bộ các thư mục/tập tin trong từng phân vùng tương ứng sang nhau.

Nếu như bạn thắc mắc rằng một công việc đơn giản như vậy thì cần gì đến phần mềm hỗ trợ chúng? Thực ra thì việc sử dụng Norton Ghost trong môi trường MS-DOS với sự đọc từ cấu trúc của ổ cứng ở mức tiếp cận tốt hơn sẽ thực hiện nhanh, chính xác và an toàn hơn là bạn sử dụng lệnh copy trong hệ điều hành. Tổng thời gian sử dụng Norton Ghost để hoàn tất việc sao chép một ổ cứng chắc chắn rằng sẽ nhanh hơn so với copy trong các hệ điều hành Windows.

Rất nhiều kỹ thuật viên tại các cửa hàng/công ty máy tính đã thực hiện phương pháp này cho việc "tặng không" một hệ điều hành cùng nhiều phần mềm cài đặt khi người sử dụng mua một bộ máy tính lắp ráp hoặc tự lựa chọn cấu hình.

Disk To Image: Là lựa chọn cho việc tạo ra một tập tin ảnh chứa thông tin của toàn bộ một đĩa cứng nào đó. Như vậy là lựa chọn này cho phép bạn sao lưu toàn bộ một ổ cứng trở thành một vài tập tin ghost duy nhất. Có một điều thuận tiện rằng nếu như toàn bộ đĩa cứng có dung lượng tuy rất lớn, nhưng tập tin ghost được tạo ra thì chỉ có dung lượng nhỏ hơn so với chúng, nguyên nhân do Norton Ghost chỉ ghi tập tin ghost của mình theo những dung lượng dữ liệu.

Lựa chọn Disk to Image cũng thường được sử dụng cho việc tạo ra bộ đĩa quang khôi phục hệ thống giống như các bộ đĩa đi kèm với máy tính khi mua (còn gọi là bộ đĩa Rescue hoặc Restore) mà có thể bạn sẽ thấy ở các hàng IBM, Compaq, Acer...Khi thực hiện việc ghost với các lựa chọn phụ thêm về phân chia kích thước mỗi tập tin ghost, bạn sẽ dễ dàng thực hiện được điều đó (xem các phần sau của bài).

Disk From Image: Là lựa chọn phục hồi lại toàn bộ một ổ cứng từ một tập tin đã được ghost lại trước đó (như đã thực hiện ở Disk-To-Image).

Phần trên thì tôi cảm thấy có ít người sử dụng, nguyên nhân rằng đa số các máy tính đều chỉ được trang bị một ổ cứng duy nhất, số ít còn lại có thể có hai hoặc nhiều hơn ổ cứng, việc thực hiện theo theo phần Disk thì chỉ có thể xảy ra đối với máy tính có hai ổ cứng trở lên. Một lý do quan trọng hơn nữa là sự cần thiết của việc thao tác với toàn bộ các phân vùng trên ổ cứng thì ít có ứng dụng hơn: Giả sử muốn sao lưu như vậy đối với hệ điều hành + dữ liệu thì ta nên tiến hành ghost phân vùng chứa hệ điều hành, sau đó copy dữ liệu (hoặc ghost phân vùng chứa dữ liệu) sẽ chủ động hơn trong các thời điểm và chu kỳ ghost khác nhau. Các trường hợp khác như đối với các máy tính nguyên chiếc thường sử dụng chỉ duy nhất một phân vùng, tức là ta coi là toàn bộ đĩa cứng, việc quy hoạch bộ nhớ như vậy sẽ không được tối ưu trong sử dụng và tăng hiệu quả làm việc khi chia ra các phân vùng riêng cho hệ điều hành và chứa dữ liệu (hình như cho tới thời điểm hiện tại thì tôi chưa viết điều này ở đâu trên các entry của blog mình, có lẽ phải nhét nó vào đâu đó cho hợp lý về kinh nghiệm này ^^).

Trên thực tế thì hành động ghost đối với các phân vùng thì thường được sử dụng nhiều hơn, và phần dưới đây xin trình bày về cách thức ghost đối với các phân vùng của đĩa cứng.

Đối với thao tác với các phân vùng (partition) bạn có thể thấy rằng chúng gần như tương đương với việc thao tác với toàn bộ ổ cứng (disk) về mặt ý nghĩa. Xin tóm lược lại những ý chính như sau:

Local/Partition

Partition To Partition: Ghost từ một phân vùng đến một phân vùng. Hành động này tương tự như việc tạo ra một phân vùng sao lưu hoàn toàn một phân vùng sang một phân vùng khác để tạo ra một sự copy giống y hệt về mặt nội dung (không quan trọng về mặt cỡ dung lượng của phân vùng).

Partition To Image: Ghost từ một phân vùng trở thành một ảnh ghost. Lựa chọn này thường xuyên được sử dụng để sao lưu. Lựa chọn này thường xuyên sử dụng nên tôi sẽ giới thiệu chi tiết về nó ở mục phía dưới.

Partition From Image: Phục hồi một phân vùng từ một ảnh ghost đã thực hiện ở bước trên (Partition To Image). Lựa chọn này cũng thường được sử dụng cho trường hợp phân vùng cài đặt hệ điều hành bị lỗi, hư hỏng hoặc virus phá hoại, bạn cần khôi phục lại một hệ thống sạch. Lựa chọn này bạn có thể xem thêm hướng dẫn ở mục Xem thêm (Hướng dẫn Ghost Win) tại cuối bài để có thể thấy hình ảnh minh hoạ trực quan hơn khi thành viên diễn đàn này sử dụng máy ảnh để chụp màn hình các thao tác.

Sau phần chính này bạn có thể thao tác đối với Ghost như sau:

Thực hiện sao lưu một phân vùng tới một ảnh ghost

Việc thực hiện sao lưu một phân vùng tạo ra một ảnh ghost tương ứng với lựa chọn Partition To Image đã được liệt kê ở phần trên. Đây là lựa chọn thường được sử dụng nhiều nhất bởi chúng tạo ra một bản sao lưu của hệ điều hành nhằm làm tăng khả năng khôi phục dữ liệu nếu như hệ điều hành gặp lỗi.

Ngay sau khi lựa chọn từ Local, sang Partition, sang To Image như ở bên trên, bạn sẽ thấy một giao diện lựa chọn các ổ đĩa cứng vật lý có trong máy tính của bạn như hình dưới đây:

Hình này cho thấy các ổ cứng vật lý (tức là nguyên một chiếc ổ cứng của bạn), nếu như bạn có hai ổ cứng thì chúng sẽ có hai dòng, và tương tự - nếu có 3 ổ cứng, 4 ổ cứng thì chúng đều liệt kê hết thành một hàng dọc ở đây. Bạn muốn ghost một phân vùng nào thì bạn chọn ổ cứng đó.

Trong hình trên thì chiếc máy tính mà tôi đang sử dụng để viết bài này chỉ có một ổ cứng, do đó chỉ có một lựa chọn, và tất nhiên là tôi bấm chuột vào đó, ổ cứng được chọn sẽ chuyển sang màu xanh.

Phần tiếp theo sẽ hiển thị toàn bộ các phân vùng đã có trong ổ cứng đã được lựa chọn như bước trên. Ví dụ với trường hợp cụ thể của chiếc máy tính tôi dùng thì nó hiển thị như hình dưới đây.

Trong phần này bạn chỉ việc tìm đến phân vùng mà bạn định ghost thành tập tin ảnh để lựa chọn vào chúng bằng cách bấm chuột cho dòng phân vùng đó chuyển sang màu xanh. Ở đây có một số thông tin có thể khiến bạn nhận ra phân vùng đang cài đặt hệ điều hành (nếu bạn muốn ghost lại phân vùng đó), ví dụ như ký tự gán tên cho phân vùng ở cột Letter, tên của phân vùng ở cột Volume Label...

Sau khi lựa chọn xong, bạn bấm OK. (Nút OK này không hiển thị rõ thành chữ nếu bạn chưa lựa chọn).

Tiếp đến là bạn cần chỉ ra nơi chứa tập tin ảnh ghost của bạn. Lúc này thì bạn sẽ nhìn thấy một hộp có tựa đề File name to copy image to như ở hình dưới đây.

Ở đây việc đầu tiên là bạn cần chọn phân vùng dự định chứa tập tin ảnh ghost. Phần Look in (xem hình) sẽ có dạng xổ xuống để bạn chọn phân vùng nào và bạn có nhận thấy rằng các phân vùng này bị biến mất phân vùng đã cần tạo ảnh ghost không? Tất nhiên là thế rồi, bởi không thể lưu được chính phân vùng cần ghost.

Trong hình trên thì tôi đang chọn phân vùng được ghi là 1:5 có tên là SET (mà tôi viết tắt là SETUP - nếu bạn muốn hiểu ý nghĩa), tôi chọn phân vùng đó ô cụm này sẽ cho tôi nhìn thấy toàn bộ các thư mục, tập tin được chứa trên phân vùng này.

Nếu như bạn muốn tạo ra một thư mục mới trong phân vùng này, bạn bấm vào nút có hình icon thư mục và có dấu * ở bên trên (xem hình). Bạn nên đặt tập tin ghost của bạn vào một thư mục, đừng đặt tại phân vùng chính (tức là không nằm trong thư mục nào cả, nó chỉ là E không thôi chẳng hạn). Điều này sẽ thu gọn các tập tin khác có thể tạo ra bởi quá trình Ghost (bởi vì các tập tin chứa trên các phân vùng có định dạng khác nhau thì sẽ được phân tách ra khác nhau đấy, ví dụ phân vùng định dạng theo FAT32 thì nó chỉ chấp nhận các tập tin có kích thước lớn nhất là bao nhiêu MB đó thôi (tôi quên mất rồi ^^)).

Trong hình này tôi giả sử đặt vào một thư mục có tên là GHOST như hình trên.

Tiếp đến là bạn cần đặt tên cho tập tin ghost của bạn. Bạn có thể đặt tên gì là tuỳ ý bạn. Trong trường hợp này tôi đặt tên là ACER_XP_081201 chẳng hạn (ý nghĩa là bản ghost của máy Acer, cài đặt Windows XP, ghost vào năm 2008, tháng 12, ngày 01 - rất dễ nhớ và dễ phân biệt phải không bạn). Việc đặt tên tập tin này không nhất thiết phải đặt phần mở rộng (*.GHO), bởi vì tập tin sẽ tự động được gắn phần mở rộng này.

Tiếp đến là bạn bấm nút Save.

Ghost sẽ tiếp tục thực hiện với một câu hỏi gì đó đối với bạn với lựa chọn No, FastHigh. Với tôi thì câu hỏi là Not enough space - use compression ? (Không đủ khoảng trống dung lượng? Sử dụng nén nhé ?). Ba lựa chọn ở đây là:

  • No: Không nén. Khi đó tập tin ảnh ghost tạo ra sẽ có dung lượng bằng với dung lượng chứa dữ liệu của phân vùng nguồn - tức là phân vùng mà bạn đã chọn ở phần trên. Lựa chọn này tuy an toàn nhất về mặt nén, nhưng chúng là chiếm nhiều dung lượng đĩa cứng của bạn, bởi vì rất nhiều tập tin trong hệ điều hành đã thuộc dạng được giải nén từ bộ cài đặt hệ điều hành. Lựa chọn này bạn chỉ nên sử dụng nó khi mà bạn cần nén một phân vùng chứa các tập tin multimedia (chúng thì thường đã được nén tối đa rồi) mà thôi, không nên sử dụng với việc ghost các hệ điều hành.
  • Fast: Nén, nhưng với chế độ nén nhanh, tức là không nén triệt để. Tôi thì thường dùng lựa chọn này, chúng nén cũng khá tốt, vả lại còn tạo cho tôi cảm giác an toàn về tập tin ghost đã được nén nữa.
  • High: Nén hết cỡ thì thôi. Đây không phải là lựa chọn an toàn đối với việc nén các tập tin của hệ điều hành, dù tôi chưa thường hay sử dụng lựa chọn này và tất nhiên cũng chưa thể biết rằng chúng có thể tạo ra nguy cơ gây lỗi cao hơn (bởi chưa sử dụng mà), nhưng tôi có cảm giác rằng nén quá nhiều như vậy sẽ không ổn định bằng mức nén vừa phải như lựa chọn Fast.

Bạn có thể lựa chọn nào là tuỳ bạn, nhưng nếu bạn muốn một lời khuyên thì tất nhiên là tôi khuyên bạn nên chọn lựa chọn Fast rồi!

Sau các lựa chọn ở phía trên bằng cách bấm vào một trong các nút No/Fast/High thì một bảng sau sẽ xuất hiện trước khi phần mềm tiến hành Ghost. Tất nhiên là bạn sẽ hiểu ngay ý nghĩa rằng nó hỏi bạn có chắc chắn tạo ra ảnh của phân vùng đó không. Nếu như đến giờ phút này bạn đổi ý, không muốn ghost nữa thì chọn No, còn muốn tiếp tục thì tất nhiên là phải chọn Yes rồi!.

Sau khi bấm nút Yes ở trên, việc bạn cần làm có lẽ không còn gì nữa. Bạn có thể kiên nhẫn ngồi chờ phần mềm thực hiện theo số % mà nó đạt được. Kết thúc quá trình ghost này bạn có thể bấm nút Quit để thoạt khỏi phần mềm.

... Còn phần làm thế nào để Restore, tức là khôi phục ngược lại từ tập tin GHO trở về phân vùng thì bạn nên đọc thêm ở các bài viết trong phần "Xem thêm" của bài này. Tôi nghĩ rằng khi bạn đã hiểu về ghost thì xem thêm ở đâu cũng dễ hiểu thôi.

Hướng dẫn sử dụng Ghost Explorer trên Windows

Không chỉ có phần mềm Ghost để phục vụ cho việc sao lưu, phục hồi tập tin Ghost, mà Symantec còn có một tiện ích khác nữa liên quan - đó là Ghost Explorer. Ghost Explorer thì giúp cho bạn thao tác đối với các tập tin ảnh (tức là có phần mở rộng là *.GHO) như trích xuất ra khỏi tập tin ghost, xoá chúng trong tập tin...đây là những tính năng cần thiết trong một số trường hợp.

Để sử dụng Ghost Explorer, bạn cần có đĩa Hiren's Boot CD các phiên bản mới nhất (nói vậy cho chắc ăn vì tôi không rõ rằng các phiên bản cũ trước đây có nó hay không ^^). Để có được đĩa Hiren's Boot CD thì bạn chỉ cần đọc bài viết về nó trên blog này, tải về rồi thực hiện như hướng dẫn (^_^). Khi có đĩa Hiren's Boot CD rồi thì trong menu của nó sẽ có phần Ghost Explorer. Nếu muốn lấy tập tin chỉ chạy này bạn chỉ cần sau khi kích hoạt Ghost Explorer rồi vào thư mục Temp của user sử dụng để copy nó ra, lưu lại dùng về sau.

Nếu bạn không có đĩa Hiren Boot CD, bạn có thể mua bộ phần mềm mới nhất của Symantec (cho đến thời điểm viết này) là Norton Ghost 14. Nó thì có nhiều tính năng hơn so với những gì giới thiệu ở đây.

Mở một tập tin Ghost

Để mở một tập tin ghost với Ghost Explorer, bạn thực hiện như sau:

Từ cửa sổ giao diện của phần mềm, bấm vào nút Open (xem hình minh hoạ) hoặc vào File\Open, sau đó bạn chỉ da đến đường dẫn chứa tập tin đã được ghost.

Sau khi mở một tập tin GHO, bạn có thể nhìn thấy các hình ảnh của chúng được hiển thị như sau:

Ở đây bạn có thể có các hành động như:

  • Xuất một tập tin (hoặc thư mục) bên trong tập tin ảnh ghost bằng lựa chọn Extract.
  • Chạy tập tin bên trong ảnh ghost bằng lựa chọn Launch.
  • Cắt (cut) một tập tin ... bằng lựa chọn Cut.
  • Copy tập tin ... với Copy
  • Xoá tập tin...với Delete

Các thao tác này thực hiện có vẻ giống như những thao tác của Windows Explorer thông thường, chúng cũng giống như ta thao tác đối với các tập tin nén.

Nếu như hành động Cắt, Xoá thực hiện thì sau đó trong tập tin ghost sẽ bị mất đi các tập tin đã bị Cắt, Xoá đó. Tính năng này không rõ rằng đối với bạn sẽ khai thác nó như thế nào cho hợp lý, đối với tôi thì thường thực hiện việc Xoá một tập tin bên trong tập tin ghost nếu như phát hiện chúng bị nhiễm virus và nếu như tập tin đó không thuộc dạng quan trọng trong hệ điều hành.

Bạn có thể thêm các tập tin khác trong Windows của bạn vào tập tin Ghost. Hành động này rất đơn giản, ở Windows Explorer bạn chỉ cần lựa chọn tập tin, bấm Ctrl + C (tổ hợp phím tắt để copy), rồi sang Ghost Explorer bạn bấm tổ hợp phím Ctrl + V (tổ hợp phím để dán - paste) thì tập tin vừa copy - paste trên sẽ được thêm vào tập tin ghost. Như vậy kết hợp việc xoá di một tập tin nào đó trong tập tin ghost và việc thêm vào (add) một tập tin thì bạn có thể thực hiện việc thay thế hay là "ghi đè" hoặc kết hợp ra các công việc khác phục vụ nhu cầu riêng của bạn.

Tích hợp Ghost Explorer vào hệ thống

Ghost Explorer tuy không thuộc loại phần mềm cài đặt vào hệ điều hành (khi chúng ta chỉ cần một tập tin duy nhất để chạy chúng) nhưng chúng cũng có thể tự động tích hợp với các tập tin có đuôi mở rộng là GHO như những phần mềm khác (kiểu như với dạng tập tin *.DOC đã được đăng ký với Microsoft Word khi cài đặt phần mềm này nên khi sử dụng chỉ cần click đúp (double click) vào tập tin DOC là chúng sẽ tự động mở Microsoft Word).

Để tích hợp Ghost Explorer, bạn nên copy tập tin GHOSTEXP.EXE ra một thư mục nào đó trên máy tính của bạn (để khi không cần cho đĩa Hiren's Boot CD vào thì cứ kích hoạt các tập tin này thì Ghost Explorer sẽ khởi động ra). Sau đó chạy lần đầu tiên đối với Ghost Explorer, từ lần sau trở đi thì chúng đã tự liên kết rồi, mỗi khi bạn mở một tập tin có đuôi GHO thì Ghost Explorer sẽ tự động mở ra.

Lời khuyên

Hãy ghost trước khi sửa chữa lỗi phần mềm/hệ điều hành

Tôi đã sửa chữa các sự cố máy tính giúp người thân và bạn bè nhiều, do đó Ghost thì không thể thiếu đối với tôi. Trước khi sửa một máy tính nào đó mà qua nhận xét ban đầu thấy rằng mức độ của nó đã được đánh giá là phức tạp, khó khăn và có thể xảy ra những rủi ro thì cứ ghost một nhát trước khi sửa.

Thực tình thì nhiều người không hiểu được vấn đề của sửa chữa phần mềm hoặc các giải thích khác nữa nếu bắt buộc phải xảy ra một vài điều hạn chế nào đó. Ví dụ như quá trình sửa chữa không thành công hoặc thành công không như mong muốn của mình (mất thứ nọ, thiếu thứ kia mà trong thời gian ngắn chưa đáp ứng được ngay). Ví dụ một máy tính nhiễm đầy virus thì nó chạy chậm, nhưng vẫn chạy được, lớ rớ mà diệt mấy con virus đấy lại hỏng mất vài tập tin, lỗi mất vài phần mềm thuộc loại không biết copy ở đâu trả về cho chủ của nó, hay như các dữ liệu quan trọng hoặc phần mềm chuyên nghành nào đó mua mấy chục triệu của người ta bị hỏng thì cũng mệt. Nhiều hệ thống virus nhiễm la liệt mà cài lại thì lần mò các driver cho nó cũng mệt - chẳng nhẽ lại để người ta dùng màn hình với 256 màu? âm thanh mất hết vì loại bo mạch đồ hoạ với lại bo mạch âm thanh của cái máy tính đó nó cũ rích từ thủa nào rồi mà phải mất một thời gian nữa mới kiếm được? Vậy lên bài ghost lại hoàn nguyên như ban đầu là thượng sách. Vậy nhé, trả lại nguyên vẹn như ban đầu nhé, không sai một chút nào cho chủ nhân chiếc máy tính đó.

Các trường hợp khác thì việc ghost lại thành một tập tin sẽ còn giúp người sửa chữa có thể thao tác lấy ra một vài tập tin nào đó cần thiết, hoặc trình điều khiển của hệ thống .... phục vụ cho quá trình sửa chữa hoặc cài đặt mới cho hệ thống...

Tóm lại là ghost trước khi sửa một máy tính ở mức độ nặng là thế này: "Tạo ra một con đường quay lại nếu như chẳng may đi phải đường cụt mà không có lối về" (^_^)

Ghost trước khi thử nghiệm

Phần nhiều những bạn trẻ thường thích tìm hiểu xung quanh chiếc máy tính của mình về phần cứng và cả các phần mềm. Từ những sự "vọc" máy tính như vậy sẽ khiến cho họ tìm hiểu được tốt hơn, có nhiều kiến thức sâu hơn và có thể nói là sẽ làm chủ được chiếc máy tính của họ. Như một sự trả giá - nếu như học nhiều, vọc nhiều thì tất sẽ có lúc làm hư hỏng cái gì đó: phần cứng, phần mềm.

Ở đây thì tôi không nói đến phần cứng, nhưng việc hư hỏng phần mềm thường xuyên sẽ khiến cho họ cũng thường xuyên phải cài đặt lại hệ điều hành, đó là một điều tất yếu xảy ra cho những kinh nghiệm của họ sau này. Tôi nhớ rằng với những chiếc máy tính đầu tiên sử dụng thì có lẽ trung bình một tháng tôi phải cài lại Windows 98 đến 2 lần, và càng sau này thì sẽ ít đi. Với thời đại hiện nay thì những kinh nghiệm đã đến nhanh hơn qua thông tin có thể được đăng tải đầy trên các diễn đàn hoặc blog hoặc các báo điện tử nên có thuận tiện hơn nhiều so với tự mình mò mẫm những vấn đề - chẳng hạn bạn có thể biết ngay đến ghost để thực hiện sự sao lưu (ngay sau khi cài đặt hệ điều hành và cài đặt đầy đủ các driver) trước khi bắt đầu "tấn công vào máy tính" của mình.

Không những chỉ là thử nghiệm, vọc, học hỏi dẫn đến gây hư hại đến hệ điều hành và các phần mềm, mà sự hấp dẫn của các phần mềm được chia sẻ tự do trên Internet sẽ khiến cho bạn muốn tải về, cài thử. Phần nhiều những phần mềm cho không này cũng sẽ cho thêm một số mã độc hại, virus và sự trả giá là mất tính ổn định của hệ thống. Sau nhiều lần sử dụng các phần mềm hoặc những thứ phần mềm trang hoàng làm đẹp cho Desktop, các phần mềm hấp dẫn khác sẽ khiến cho máy tính của bạn tan hoang, nhiễm đầy virus....thì đó là lúc bạn cần ghost lại hệ điều hành.

Do vậy, Ghost rất hữu ích trong các trường hợp như trên (^_^)

Xem thêm

Dùng Norton Ghost 14, topic trên diễn đàn PTTH Lam Sơn.

Phục hồi hệ điều hành với Norton Ghost, trên CMS.

Hướng dẫn Ghost Win, trên diendantinhoc.com, Phần hướng dẫn bằng hình ảnh khi sử dụng đĩa Hiren's Boot CD (phiên bản cũ - 6.0) để phục hồi lại từ một ảnh đã Ghost.

Trương Mạnh An (01/12/2008)

6 nhận xét :

  1. rắc rối thiệt..máy em mới mua về cho cái đĩa dùng để ghost.. có nghĩa là khi máy bị virus mà đem cái đó ra sài là ổ đĩa của mình về giống như khi mới mua máy phải không anh

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh11:05 13/12/13

    Vô cùng cảm ơn bạn Mạnh An đã giúp tôi hiểu được và tạo được file ghost.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh09:31 13/12/14

    mình phải tạo file GHO lúc trc thời điểm nhiễm vi rút à anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau khi cài xong hệ điều hành và đầy đủ các phần mềm để có thể sử dụng được cho công việc thì nên ghost, nhưng phải đảm bảo các bộ cài cũng không bị nhiễm virus. Nếu tạo file ghost khi máy nhiễm hoặc khi lỗi thì khi restore lại vẫn bị lỗi hoặc nhiễm virus

      Xóa

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.