3/8/08

Stress là gì?

Trong thời đại hiện nay thì có lẽ rằng nhiều người đã bắt đầu quen với STRESS nhưng đôi khi lại chưa hiểu về nó. Ở entry này thì tôi không có tham vọng giới thiệu một cách đầy đủ về STRESS bởi vì tôi đã từng được đọc một cuốn sách cỡ vài trăm trang chỉ nói về nó từ khoảng 15 năm trước đây. Vậy thì chỉ vài dòng ngẳn ngủi chưa đầy trang như thế này thì làm sao mà diễn tả nổi - nhất là tôi lại không phải là người có một chút gì về chuyên môn để nói về nó?

Nhưng dù sao thì theo cách hiểu của mình, tôi cũng tự cho rằng mình hiểu biết một chút về STRESS và đang áp dụng vào cuộc sống của mình. Thật hiệu quả! Và tôi muốn viết một chút về nó trên blog của mình

(Cũng xin thú thực rằng đây không phải là những dòng được viết trong những ngày gần đây, bởi vì entry này phần lớn được lấy lại từ những gì mà tôi lưu lại trước đây trong quá trình học tập và chia sẻ kiến thức thông qua Internet của mình vào khoảng 6 năm trước đây. Khi soạn lại entry này thì tôi chỉ cố tìm thêm một số nguồn dẫn chứng và tài liệu tham khảo mới để có thể cập nhật thêm vào mà thôi)

THẾ NÀO LÀ STRESS

Hãy xem những ví dụ sau để biết STRESS là gì theo các ví dụ đơn giản nhất.

  • Một người lính bị thương ngoài mặt trận, người mẹ già ở quê nhà được tin báo thì ngất xỉu, sau đó ốm yếu liên tục.
  • Một đứa con nhỏ đang ngủ, bỗng khóc thét lên, người mẹ giật mình hoảng hốt bật dậy, tim đập rộn lên một hồi.
  • Một người nghèo khổ quanh năm vất vả mà không đủ sống bỗng nhặt được một ví đầy tiền, vì sung sướng quá nên anh ta có thể ngất lịm.
  • Đời sống hàng ngày căng thẳng, cãi cọ, bất đồng giữa vợ chồng, con cái.
  • Ngày đên tiến ồn ào náo nhiệt của các loại động cơ, tiếng nhạc vũ trường, nếu không có cách âm thì cũng tác động đến đời sống con người quanh khu vực đó, làm mất ngủ người già, xốn xang người trẻ.
  • Sự cạnh tranh trên thương trường: gian lận, căng thẳng lo toan cho công việc, lương bổng, thăng quan tiến chức, tìm cách hơn trội so với bạn bè….
  • Người già bao năm làm việc, cống hiến cho xã hội hoặc giữ một trọng trách nào đó có uy tín, nay nghỉ hưu, đâm hụt hẫng về tâm lý, đơn côi về tinh thần, giảm sút về thể chất…
  • Sinh viên thi trượt một môn nào đó hoặc thi trượt đại học dẫn đến chán nản, tiêu cực, suy sụp tinh thần là một ví dụ gần nhất với đa số chúng ta, dễ cảm nhận được cảm giác đó.
  • Nghiên cứu căng thẳng để tìm ra một sự cố nào đó của thiết bị. Trong cuốn "STRESS trong thời đại văn minh" cũng có dẫn ra một ví dụ khá hài hước về một kỹ sư nghiên cứu bệnh của một chiếc máy bị hư hỏng bởi hoá đơn thanh toán như thế này: "Công nghiên cứu, tìm kiếm nguyên nhân sự cố: 999 USD, công trèo lên tháo máy sửa chữa: 1USD". Đây là một hoá đơn đánh giá cao sự trả giá của tư duy, tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh mà chúng đã gây lên sự căng thẳng, STRESS quá nhiều. Quả thực là qua ví dụ này thì cá nhân tôi gặp khá nhiều thực tế cứng nhắc là thế này: Ở một số doanh nghiệp người ta tính tiền công cho sự lao động tìm kiếm sửa chữa theo thời gian làm việc (ví dụ: Sửa mất 3 ngày, được 3 công - áp giá: Kỹ sư bậc 3 nhân nọ kia, được khoảng vài trăm ngàn...) nhưng không tính đến việc phải tìm tòi nghiên cứu ở cả ngoài thời gian làm việc, hoặc quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu dài trước đó của người đã sửa chữa một thiết bị mà một người kỹ sư bậc 3 bình thường mất vài tháng cũng không sửa được.

Tất cả các điều trên gây nên sự căng thẳng thần kinh con người, đó là STRESS. Tất nhiên rằng đó chỉ là những ví dụ dễ nhận thấy chứ không phải là các định nghĩa một cách khoa học về STRESS. Hiện tại thì tôi cố gắng tìm kiếm một số định nghĩa chính thống về nó, chỉ thấy một số kết quả sau:

Theo ThS. Lê Hưng thì: "Stress vốn là một thuật ngữ tiếng Anh dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Đến thế kỷ thứ 17, stress được dùng với nghĩa để chỉ một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra phản ứng căng thẳng. Ngày nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi để nói về sự căng thẳng cũng như những hậu quả và tác động của nó đến sức khỏe con người"[1]

Một định nghĩa khác (khá vui vui, chung chung): "Stress là hiện tượng các chức năng của cơ thể tạm ngưng để ưu tiên cho một chức năng nào đó trong một giai đoạn nào đó" (viết với phong cách viết về "đẹp da" và được in đậm ^_^)[2]

ThS Vũ Quốc dẫn lời Bác sĩ Eric Albert (nhà tâm lý học, người sáng lập Viện nghiên cứu STRESS) định nghĩa: "STRESS là nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay. Stress là một thuật ngữ chỉ sự quá tải về mặt thể chất và tinh thần. Theo tiếng Anh, stress có nghĩa là sức căng, sức ép, sự cố gắng quá mức..."[3]

Như vậy thì có thể nói rằng STRESS từng ngày, từng giờ diễn ra ở gia đình và xã hội, nó tác động đến từng con người. Hiếm có ai có thể không bị ảnh hưởng bởi nó, hoặc là nếu có thì là những người tu hành của đạo Phật đã đắc đạo mà thôi.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, ảnh hưởng đến bản tính con người mà nó còn tác động trực tiếp đến sự hoạt động của các cơ quan sinh học trong con người: như Hypothalamus (đồi thuỵ, một phần của hệ thần kinh trung ương) Tuyến Yên (Hypophysis), Các tuyến nội tiết…Do đó có thể nói STRESS gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người chứ không đơn thuần tác động đến tâm sinh lý.

CHỐNG LẠI STRESS

Cách đây khoảng trên 15 năm (và có thể còn nhiều hơn thế) tôi cũng có đọc một cuốn: “STRESS trong thời đại văn minh” với một ý chính rằng: "Sự phát triển công nghiệp cũng như xã hội cùng môi trường ô nhiễm và những yếu tố nội tại trong cơ thể con người đã trở thành tác nhân gây STRESS". Đó là những cuốn sách được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trong thời điểm mà Việt Nam vẫn chưa có nhiều các tác nhân gây STRESS như ngày nay. Đúng là sự so sánh giữa hai thời điểm là khác nhau thật, tôi cảm thấy những gì đã viết trong cuốn sách đó đã nói đúng đối với các nước đang phát triển đang đi trước chúng ta - và chúng ta thì đang đi đến những thời điểm đã qua của họ. Cũng có thể thốt lên rằng "Ồ, những thành quả hoặc sự nghiên cứu của họ đã đi trước ta, vậy sao ta lại không được đọc các cuốn sách như vậy ở thời điểm hiện nay?" và điều này thì phải mở ngoặc rằng: (Thói quen của độc giả đã làm ảnh hưởng đến các nhà xuất bản, khi mà không còn chế độ sách in theo chỉ tiêu thì cần chạy theo những gì người ta thích đọc để in các cuốn sách đó.)

Cuộc sống bình lặng, môi trường trong lành, nguồn thức ăn chân chất ... thời trước kia đã thay bằng những tiếng ồn ào của máy móc, xe cộ trên đường phố, môi trường ô nhiễm bởi khí thải động cơ và từ các nhà máy công nghiệp, thức ăn sử dụng nhiều chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, con người đối với con người trong nền kinh tế thị trường làm nảy sinh nhiều mâu thẫn phức tạp. Đó là những yếu tố dễ nhận thấy nhất do sự tác động từ bên ngoài dễ gây ra STRESS cho con người khi so sánh giữa hai thời điểm cách nhau chỉ khoảng 15 năm.

Thôi thì khách quan nó đã thế thì còn làm thế nào (?!), chỉ còn có cách làm sao để hạn chế ảnh hưởng của STRESS đến mình mà thôi.

Để khắc phục được hậu quả của do STRESS gây ra với con người, một số tài liệu đã khuyên chúng ta chú ý thực hiện những điều sau:

  • Loại bỏ các tác nhân gây STRESS. Điều này rất khó thực hiện vì xã hội hiện đại có chiều hướng gia tăng tác nhân đó.
  • Sử dụng tổng hợp các giải pháp sinh học, kỹ thuật, y, dược.. để hạn chế tác hại của STRESS, hạn chế các biến động tâm lý một cách quá mức, giữ cho cơ thể ổn định về mặt tâm lý cũng như sức đề kháng.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên – đây là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất, dễ thực hiện cho số đông mọi người: vậy thấy việc sáng sớm hay chiều tối, thanh niên hay các cụ già ra đường, công viên với không khí còn trong lành là điều dễ hiểu, đó là một cách hạn chế STRESS vô cùng hữu hiệu.
  • Luyện cho chính mình luôn vui tươi, yêu đời, không cáu gắt, sống hoà nhã với mọi người. Đây là điều dễ mà khó với mỗi con người.

Có một số một số thuốc tân dược hoặc như các loại thức ăn, nước uống nào đó được quảng cáo là có thể chống lại STRESS, nhưng tôi nghĩ rằng hiệu quả của nó không cao để mọi người có thể tin tưởng và giao phó hoàn toàn vào nó. Tôi nghĩ rằng các loại thuốc men, thức uống bổ dưỡng chỉ giúp điều trị hoặc tốt cho các bộ phận trên cơ thể con người. Chúng không thể can thiệp được vào sự nhận thức hoặc các tác động vào con người đến sự suy nghĩ của họ.

Như vậy thì thấy rằng, người có sự hiểu biết về STRESS, có sức khoẻ và tâm lý vững vàng sẽ vượt qua được những tác động của STRESS và vui tươi trong cuộc sống. Ngược lại, ở những người có cơ thể ốm yếu, suy sụp, không vượt qua và thích ứng nổi thì dễ phát sinh bệnh tật và có thể bị ảnh hưởng lớn bởi STRESS, dẫn đến tử vong nếu đột ngột có các cú sốc quá lớn chợt đến.

Có điều gì làm cho bạn cau có, khó chịu? Hãy cho điều đó là bình thường đi, như vậy sẽ giảm được STRESS đấy!

Chú thích

1^. Rèn luyện nhân cách chống lại stress, Sức khoẻ 360 (Theo ThS. Lê Hưng - Sức Khoẻ & Đời Sống)

2^. Ảnh hưởng của stress và tác dụng các chất chống oxy hóa với da, MT đăng trên VnExpress.

3^. Stress và chống stress, Sức khoẻ 360 (Theo ThS. Vũ Quốc - Sức khoẻ & Đời Sống).

Tham khảo

STRESS trong thời đại văn minh - Một cuốn sách mà tôi đã đọc cách đây (2008) khoảng trên 15 năm. Quả thực là tôi không nhớ tên tác giả, nhà xuất bản...nhưng nhớ rằng nó được in trên giấy xám đen, chữ bìa in hoa và nhấp nhô ^_^

STRESS trong đời sống con người (PGS Phạm Khắc Hiếu), Cũng như trên, tôi chưa rõ ràng về nguồn tham khảo này trong thời gian trước đây. Chắc chắn rằng tôi sử dụng nguồn này cho sự ảnh hưởng của STRESS vào các cơ thể con người với các tên khoa học mà tôi không thể biết được.

Xem thêm:

Làm thể nào để đối phó với STRESS?, Được dịch sang Tiếng Việt bởi Nguyễn Thanh Hương, sinh viên trường Lafayette College, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Phần này cụ thể hoá thêm các phương pháp đối phó với STRESS. Hãy xem từ trang đầu tiên.

Cơ thể khoẻ mạnh chống lại chứng stress tốt hơn, Vietnam Net theo TGPN. Nếu bạn là phụ nữ thì đọc bài này, bởi nó viết theo phong cách cho phụ nữ.


Trương Mạnh An (2002-2008)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.