17/12/21

Tại sao chuột rất hay vào khoang máy xe hơi khi trời lạnh?!

Bạn đã bao giờ gặp tình trạng trục trặc khi khởi động xe hơi, và khi mở nắp khoang máy thấy một vài dây điện bị đứt nham nhở? Hoặc đôi khi mở khoang máy thì thấy những vết lấm chấm đầy trong khoang máy? Đó chính là hậu quả của chuột, và nhất là vào mùa đông thì hiện tượng này càng dễ thấy.

Tác hại thì khỏi phải nói: Chúng cắn các dây cảm biến khiến xe báo lỗi, cắn dây cấp cho mobin khiến xe bỏ nổ và rung giật, cắn dây số lùi khiến xe không hiển thị cam lùi cùng đèn lùi... rất nhiều người đã gặp, và thậm chí chúng còn làm tổ trong hốc hút gió ngoài của hệ thống điều hoà khiến cho mùi xe khó chịu.

Lâu lâu mấy năm trước mình hay bị chuột vào khoang máy, chúng tha đồ ăn vào khoang máy và làm tổ tại đó cho đến khi chúng cắn dây điện mới khiến mình phát hiện ra. (Nếu bạn để xe ở bãi, thỉnh thoảng hãy mở nắp xem có bị chúng viếng thăm và để lại các dấu chân trong khoang máy như hình dưới đây không).


Hình: Vết chân chuột khắp khoang máy xe hơi.

Sau nhiều lần bị chuột chui vào khoang máy, mình tìm cách đuổi chuột như đặt chất nọ kia như cao sao vàng, dầu gió, vân vân... theo các kinh nhiệm trên Internet nhưng đều không ăn thua. Rồi thì bẫy dính, bả chuột, thuốc viên...nhưng khi trừ khử được con này, im ắng một thời gian thì lại thấy con khác vào.

Sau mình để ý có vẻ như chúng chỉ thích chui vào khoang máy vào những mùa lạnh hoặc có gió bấc. Vậy mình nghĩ có thể chúng tìm chỗ trú ẩn ấm áp cho mùa lạnh, và tiện thể tha đồ vào ăn, rồi tiện thể mài răng (chuột có đặc tính răng tự dài theo thời gian nên chúng phải gặm nhấm để mài bớt răng) khi trú ẩn. Vậy nên - do có điều kiện - mình sau mỗi lần đi xe về, mình mở nắp capo xe lên cả đêm, từ đó đến nay đã vài năm và hiếm thấy bị chuột viếng thăm khoang máy xe mình nữa.

Có thể lý giải như sau: Khi xe vận hành về tới nhà thì động cơ sẽ có nhiệt độ khá cao, khoang máy sẽ nóng, tuy nhiên chúng sẽ nguội dần và cho đến đêm chúng trở thành một vị trí ấm áp lý tưởng cho chuột trú trong những ngày thời tiết giá rét. Nếu xe không di chuyển trong ngày  thì khoang máy cũng là một vị trí kín gió lý tưởng cho chúng trú thân. Khi chuột đã tìm được chỗ lý tưởng, chúng tha các đồ ăn đến tại chỗ và bắt đầu làm tổ, thậm chí còn đẻ con trong đó.

Khi mở nắp khoang máy, phần lớn các vị trí trú ẩn ưa thích của chuột (thường là hai bên bản lề nắp capo và phần máy ở giữa) đang ở vị trí cao ráo kín đáo, ấm áp nay trở thành trống trải, tuềnh toàng khiến cho chúng không còn hứng thú nữa. Có một vài lần mình thấy vết chân chuột trong đó, tuy nhiên chỉ là vết chúng chạy qua tìm chỗ, không thấy rác (đồ ăn của chúng) và phân chuột tại khoang máy như trước kia nữa.

Vậy, nếu bạn có gara riêng, hoặc đặt xe trong đất riêng, hãy thử cách như mình: Mở nắp capo mỗi tối, bạn sẽ thấy cách này hiệu quả hơn các cách nọ kia mà bạn thấy.

Hình: Mở nắp capo xe mỗi tối sẽ khiến chuột không hứng thú vào khoang máy nữa

Trương Mạnh An (12/2021)

____________________________________________________________

BONUS về "hiệu quả" của phương pháp đuổi chuột bằng cao sao vàng và thuốc đuổi chuột (sưu tầm)






8/6/21

Có hơi nước trong đèn pha, phải làm sao

Một số bạn nhận thấy có hơi nước tụ đọng thành dạng mờ sương hoặc thành từng giọt nhỏ phía bên trong đèn xe ô tô và có các thắc mắc về chúng, mình xin chia sẻ hiểu biết của mình và kinh nghiệm khắc phục như sau:

Hiện tượng

Tương tự như hiện tượng hơi nước hấp thụ bên ngoài cốc nước đá mà mình đã trình bày tại bài Xe hơi bị mờ kính lái, phải làm sao, hiện tượng đèn pha ô tô xuất hiện mù sương hoặc nước đọng phía bên trong kính đèn là do sự ngưng tụ của hơi nước ở lớp trong của kính khi mặt kính phía trước của đèn bị lạnh hơn so với các vị trí khác.

Lớp kính phía trước đèn lạnh hơn so với các vị trí khác trong đèn thường xảy ra khi: Đi trong thời tiết mưa gió, di chuyển với tốc độ cao, trong hoặc sau quá trình rửa xe...

Nguyên nhân

Việc độ đèn lên đèn bi cần tháo mặt trước, khi lắp lại có thể không kín gây hơi nước vào đèn
Nguyên nhân của hơi nước đọng trong đèn là có hơi nước ở trong bóng đèn, hơi nước này bình thường sẽ phân bố đều trong khắp không gian của đèn, khi gặp các tác nhân gây lạnh ở phía kính trước đèn thì sẽ đọng lại tại đó như hiện tượng nêu trên.

Để hơi nước có trong đèn có thể bởi một trong các lý do sau:

- Lượng hơi nước sẵn có trong không khí trong quá trình sản xuất/lắp ráp đèn.
- Hơi nước thâm nhập trong quá trình thay bóng đèn, độ đèn. Ví dụ như hình bên việc độ đèn lên đèn bi cần tháo mặt trước, khi lắp lại và gắn keo dán mặt trước có thể không kín gây hơi nước vào đèn.
- Nước hoặc hơi nước thâm nhập vào đèn qua các vết nứt của đèn (do tai nạn, đâm đụng) hoặc do quá trình độ chế đèn (thành đèn LED hoặc xenon phải đục đường dây điện, thay bi LED hoặc xenon phải gỡ lớp kính trước rồi dán lại, hoặc chế lại phần sau đèn)...mà việc độ đẽo này làm cho đèn không còn kín như ban đầu, dẫn đến hơi nước lọt vào trong quá trình sử dụng hoặc khi đi mưa.
- Đèn bị lão hoá khiến không còn kín nước trong quá trình sử dụng hoặc các cơ cấu làm kín (gioăng cao su nắp đèn) bị xuống cấp, lão hoá.

Tác hại của hơi nước trong đèn

Phần lớn các xe mới sản xuất ra đều có một lượng nhỏ hơi nước ở trong đèn do quá trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện trong môi trường thông thường. Để khắc phục tác hại của hơi nước trong đèn, nhà sản xuất thường đặt các túi chống ẩm trong đèn (có thể dạng túi, dạng gói gắn sẵn trong đèn hoặc mình thấy tại nắp chụp của đèn), do đó nếu thỉnh thoảng chúng mới xuất hiện một chút sương mù tại đèn thì bạn không cần lo lắng do vấn đề đã được tính trước.

Nếu do các hư hỏng (nứt vỡ, độ chế dẫn đến hở thông giữa trong đèn và phía ngoài) thì lượng hơi nước vào đèn nhiều hơn thông thường. Với lượng hơi nước lớn, lại thường xuyên bị thâm nhập nên các gói chống ẩm trong đèn sẽ không thể hút hết ẩm (vì bão hoà). Khi lượng hơi nước tăng cao có thể gây ô xy hoá các chi tiết của đèn (nhất là khi hoạt động, đèn sẽ trở lên rất nóng, là tác nhân rất tốt cho việc ôxy hoá). Quá trình ô xy hoá lâu ngày sẽ gây mờ đèn (thành một lớp kính hoặc nhựa đục) và ố choá đèn, làm giảm hiệu suất chiếu sáng của đèn.

Cách khắc phục:

Đối với đèn bị nứt vỡ, hở do nguyên nhân chủ quan

Cách khắc phục hiện tượng nơi nước hoặc nước thâm nhập vào đèn phải là xử lý triệt để các vết nứt hoặc các khe hở giữa bên trong và ngoài đèn do quá trình độ chế, nâng cấp bi đèn...gây ra.

Với việc độ chế đèn gây ra các lỗ cho đường dây ra khỏi đèn, các vết hàn gắn để lắp bi đèn....bạn nên đưa đến nơi đã độ chế đèn để người ta khắc phục lại (thêm keo làm kín hoặc các cách khác xử lý).

Đối với các đèn bị nứt, vỡ do va chạm hoặc tai nạn, nếu xe bạn có bảo hiểm thân vỏ thì rất khoát yêu cầu thay thế đèn mới bởi việc hàn đắp khắc phục thông thường sẽ chỉ được một thời gian, sau đó đèn bị hấp hơi và ố bên trong. Còn nếu không có bảo hiểm, bạn nên thay đèn mới hoặc có kế hoạch thay đèn mới sau khi hàn tạm để sử dụng.

Đối với đèn không bị nứt vỡ, độ chế
Đối với các đèn không bị nứt vỡ, độ chế, việc hơi nước lọt vào chỉ do có sẵn từ quá trình sản xuất hoặc do thời điểm tháo thay bóng đèn bị cháy hỏng, có thể thực hiện các cách sau:

- Phục hồi năng lực hút ẩm của gói hút ẩm đèn: Khi gói hút ẩm trong đèn đã hút lượng ẩm lớn, chúng ngậm nước và khó thực hiện hút ẩm tiếp cần phục hồi năng lực của gói hút ẩm này. Bạn có thể tháo gói hút ẩm (thường cài sau nắp đèn) hoặc mang cả nắp đèn đó đi sấy khô để phục hồi năng lực hút ẩm cho chúng. Nếu như sấy cả nắp đèn, cần lưu ý nhiệt độ không nên quá cao khiến cho nắp đèn bị biến dạng hoặc nóng chảy gây hỏng, mất tác dụng làm kín.
Lưu ý trong quá trình đưa đi sấy khô cần che đậy nắp để không khí ẩm không tiếp tục tràn vào trong đèn bằng cách che đậy (bằng màng bọc thực phẩm chẳng hạn) hoặc thực hiện tại thời điểm không khí có độ ẩm thấp (mùa đông - khi có gió Bắc).

- Làm khô không khí trong đèn bằng cách tự nhiên: Khi không khí trong đèn chứa nhiều hơi ẩm, nếu thời điểm hiện tại đang là mùa đông và có gió Bấc khiến cho độ ẩm trong không khí tự nhiên ở mức thấp (tầm 35-50%) thì bạn có thể mở nắp đèn để không khí tự nhiên tự làm khô không khí bên trong đèn. Việc mở nắp được thực hiện khoảng vài tiếng hoặc một đêm chẳng hạn.
Lưu ý trong quá trình mở nắp đèn, cần che chắn nắp bằng vải màn hoặc lưới có mắt nhỏ để ngăn côn trùng (muỗi, gián) thâm nhập vào trong đèn.

- Sấy khô không khí trong đèn: Nếu thời điểm hiện tại không là mùa đông hoặc không có gió bấc để không khí có độ ẩm thấp, bạn có thể sấy không khí bên trong đèn bằng cách sử dụng máy sấy tóc để thổi vào phía bên trong đèn để làm khô không khí trong đó. 
Quá trình sấy thực hiện như sau:
1. Vệ sinh các khu vực xung quanh đèn: Vệ sinh sạch các bụi, cát khu vực xung quanh nhằm tránh thổi bụi vào phía trong đèn (bằng cách lau bằng giẻ ướt, đợi khô, sấy chúng cho khô hoàn toàn).
2. Mở các nắp đèn.
3. Bật nấc sấy nóng nhất. Sấy phía ngoài đèn vào vị trí xuất hiện sương (từ phía ngoài lớp kính xuất hiện sương hoặc giọt nước đọng trong đèn), mục đích làm nóng kính và bay hơi lớp hơi nước hoặc giọt nước trong đèn.
4. Bậc nấc nóng nhất của máy sấy, thổi vào phía trong đèn thông qua các nắp đèn. Nếu đèn có 2 hay nhiều nắp thì thổi từ phía lỗ nắp này sang nắp kia và ngược lại. Thực hiện trong khoảng 5-10 phút.
5. Đậy các nắp đèn lại để hoàn thành quá trình sấy.
Nên kết hợp việc sấy khô này với phương pháp phục hồi năng lực gói hút ẩm nêu trên.

Nếu sau quá trình xử lý này, kiểm tra lại bằng cách phun nước bên ngoài đèn (tạo độ lạnh của kính phía trước đèn) nếu còn hơi ẩm thì tiếp tục thực hiện theo cách trên. Thực hiện cho đến khi không còn xuất hiện hơi ẩm hoặc giọt nước trong đèn.

Trương Mạnh An (06/2021)