9/7/08

Ánh sáng đèn tuýp có gây cận thị?

Trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về các dụng cụ dùng để phát ra ánh sáng. Đến ngày nay thì dụng cụ phát ra ánh sáng là gì thì tôi không nhận biết rõ được, nhưng hiện tại thì tôi vẫn thấy nhiều người sử dụng “đèn tuýp”[1] (hay đèn huỳnh quang[2]).

Đèn tuýp đã là một sự phát minh khá hiện đại so với đèn bóng tròn sợi đốt trước đó, nó có chứa nhiều ưu điểm để người ta chuyển dần sang sử dụng nó, nhưng tôi thì lại thấy nó có một vàn vấn đề: chẳng hạn có khả năng gây ra cận thị(?), tại sao lại như vậy, và có thể sử dụng các thiết bị điện nào để thay thế nó?

(Lưu ý: Đây là những suy luận hoặc các lý giải của cá nhân tôi - Chúng có thể không đáng tin tưởng bởi chưa được kiểm chứng thực nghiệm hoặc nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng)

Cách đây một thời gian, tôi có về quê nội vào một buổi tối để vào nhà bà cô tôi vì một việc riêng. Từ xa, tôi thấy ánh sáng lù mù tưởng chừng như ở đây đang mất điện, nhưng không phải, bởi những nhà hàng xóm cũng đều có những ánh đèn mà ai cũng đoán là đèn điện, tức là đang có điện chứ không phải bị mất. Khi đến nhà thì tôi thấy cô tôi đang dùng một chiếc bóng điện sợi đốt (còn gọi với tên dân dụng là “bóng tròn”) có công suất khoảng chừng 25W. Cả nhà tối om như thắp đèn dầu hoặc nến vì một phần điện nông thôn rất “yếu” (điện áp ở người dùng cuối rất thấp) vì dây dẫn kém, một phần cũng vì ánh sáng kiểu đèn sợi đốt, phần nữa vì công suất chiếc đèn này là thấp so với một chiếc bóng đèn sợi đốt thông thường. Tôi hỏi “Sao cô dùng bóng đèn tối om thế này”. Bằng cái giọng chân thật, đặc sệt của miền quê này, cô trả lời rằng do bị hỏng chiếc đèn tuýp, mà mua nó giá thì đắt, nên chỉ mua tạm cái bóng này cho rẻ, mặt khác lại tiết kiệm. Khổ thật, đời sống hiện đại rồi mà vẫn phải chịu ánh sáng như thời đốt đèn dầu như vậy bao giờ. Lần sau tôi mua biếu cô một cái bóng đèn compact hiệu Rạng Đông của Việt Nam sản xuất, công suất của nó là 22W, nhưng hiệu suất khá cao, tương đương với các loại bóng đèn điện sợi đốt công suất 100W (đây là theo quảng cáo của nhãn sản phẩm).

Ở nhà tôi, tất cả các vị trí đều sử dụng loại bóng đèn compact. Trước đây thì toàn dùng bóng đèn tuýp, phần còn lại dùng đèn sợi đốt cho nhà tắm bởi vì nơi này chỉ cần một công suất thấp và có thể chịu đựng được hơi ẩm mù mịt vào mùa đông - khi mà mọi người đều tắm bằng nước nóng.

Phải nói rằng đèn tuýp đã được sử dụng khá lâu rồi, cũng khoảng tầm 15-20 năm hoặc nhiều hơn nữa ở gia đình tôi, còn ở miền Bắc Việt Nam thì thời gian còn lâu hơn nữa (những năm 197X tôi đã ngắm chiếc đèn kỳ lạ, rất sáng này ở nhà một người hàng xóm rất nhiều lần). Có lẽ đèn tuýp đã không được sử dụng phổ biến bởi vì giá thành của chúng khá đắt so với các bóng đèn sợi đốt hình tròn thông thường trong những thời điểm đó.

Một bộ đèn tuýp thời trước đây thường có cấu tạo từ các bộ phận chính: đèn, chấn lưu, và tắc te. Các tên gọi này hoàn toàn đơn thuần theo cách gọi của một địa phương ở miếng Bắc nơi tôi sống, chúng có thể được gọi theo cách khác ở các vùng miền khác (chẳng hạn như “tắc-te” là “chuột” ở miền Nam thì phải).

Khi mà nhiều người đã sử dụng đèn tuýp thì tôi có nghe thấy người ta nói rằng “dùng đèn tuýp dễ gây cận thị”. Tin này có vẻ hợp lý đối với tôi, nhưng tôi cũng chưa thấy nguồn nào khẳng định điều này một cách khoa học cả. Tất nhiên là tôi cũng không cố tình tìm hiểu thêm, mà chỉ đọc thông tin đó như một lời nói thoảng qua và phải thừa nhận vậy.

Tại sao tôi lại tin tưởng rằng bóng đèn tuýp có thể gây cận thị hoặc đại loại như là không có lợi cho mắt con người? Điều này hơi dài dòng một chút. Xuất phát có lẽ từ một lần tôi vung vẩy một chiếc đũa dưới ánh đèn tuýp. Tôi đã nhận thấy các vệt sáng và tối xen kẽ của bóng chiếc đũa di chuyển. Điều này không có gì khó hiểu bởi hiện tượng lưu ảnh của mắt con người, chính điều đó đã tạo ra loại hình phim chiếu bóng có sự chuyển động (gọi nó là video cho nó dễ hiểu, hic, tôi thường muốn dùng từ thuần Việt, nhưng thật khó) từ trước đây bằng cách thay đổi hàng loạt ảnh trong một khung nào đó như màn ảnh hoặc ti vi hiện nay.

Việc chiếc đũa tạo thành việt sáng-tối như vậy đã gợi cho tôi suy nghĩ rằng ánh sáng đèn tuýp sẽ có lúc sáng và lúc tối. Chính bởi vì hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc của con người nên chúng ta đã không nhận thấy điều này, nhưng nếu như sử dụng một máy quay phim tốc độ rất cao rồi phát lại với tốc độ rất chậm thì chắc chắn rằng hình ảnh của mọi vật dưới ánh sáng đèn tuýp sẽ có lúc sáng và lúc tối xen kẽ nhau.

Tôi bắt đầu đi tìm nguyên lý hoạt động của đèn tuýp (hôm nay, tôi lại tìm được một đoạn hỏi đáp khá hay và hợp lý cũng cùng với nhận thức của tôi về những điều này[3]) và nhận thấy rằng với loại đèn tuýp có sử dụng tắc-te thì ánh sáng của chúng sẽ không đồng đều liên tục bởi lý do chúng sử dụng lưới điện dân dụng xoay chiều có tần số 50 Hz. Hãy nhìn hình ảnh về hình sin dưới đây - lưới điện của chúng ta đang sử dụng cũng giao động như vậy đấy.

Biểu đồ hình sinh

Ở đây thì ta thấy rằng điện áp đã bị thay đổi liên tục với tần số 50 Hz, tức là dao động 50 chu kỳ trong một giây. Với một chu kỳ là một sự thay đổi mức điện áp từ điểm đầu cho đến khi nó lại trở về điểm đầu thì ta thấy rằng sẽ có 100 đỉnh nhọn như hình trong một giây (50 đỉnh ở nửa phía trên và 50 đỉnh ở nửa phía dưới theo như hình ảnh minh hoạ trên). Hình ảnh trên là một minh hoạ không đầy đủ về điều này, lẽ ra tôi phải vẽ lại chúng bằng cách chỉnh sửa lại hình, nhưng có lẽ rằng hiện nay tôi chưa đủ khả năng làm việc đó, nên nó chỉ có giá trị về mặt hình dung ra sự giao động của lưới điện chúng ta đang dùng mà thôi.

Theo tính chất làm việc của đèn tuýp, sự phát sáng (huỳnh quang) chỉ thực hiện khi mà giữa hai cực đối diện của đèn tuýp xuất hiện một hiệu điện thế lớn đến một mức nhất định. Không khó hiểu khi mà các tia tử ngoại chỉ có thể xuất hiện khi giữa hai cực của chúng phải có một điện thế đủ lớn để phát tia này. Bởi vì dòng điện của chúng ta hình sin như trên nên sẽ có một thời điểm mà giữa hai ống đèn của chúng sẽ thấp hơn giới hạn phát sáng của đèn tuýp có tắc te (hic, tại sao tôi cứ phải nhắc lại từ “có tắc te”, bởi vì loại đèn tuýp không có tắc te lại khác đấy, nó không bị hiện tượng này).

Như vậy, kết hợp với một giây đồng hồ, ở lưới điện tần số 50 Hz sẽ có 100 đỉnh nhọn như tôi phân tích trên thì có nghĩa rằng chúng đã có 100 lần điện áp giữa hai đầu đèn tuýp lớn hơn mức giới hạn để phát sáng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ sáng 100 lần trong một giây, và do đó mắt chúng ta không thể nhận biết được sự tắt sáng này. Để củng cố thêm điều này, tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong loại hình nghệ thuật chiếu bóng thì số lượt hình ảnh thay đổi chỉ có 24 hình/giây mà chúng ta cũng không thể cảm nhận được sự “giật giật” của hình ảnh.

Điều này có nghĩa là gì? Cái điều sáng tắt 100 lần trên một giây của đèn tuýp dùng tắc te ấy? Tôi nghĩ có thể điều đó làm cho mắt người thường xuyên làm việc dưới ánh đèn này có thể bị tổn hại. Tổn hại đến đâu thì tôi chưa rõ, bởi tôi không đủ khả năng và chuyên môn để tự nghiên cứu, mà đến lúc viết những dòng này thì tôi cũng chưa tìm được một công trình nghiên cứu nào về nó. Và, tôi đã nhớ đến ở đâu đó nói rằng đèn này làm cho người ta bị cận thị.

Trước đây tôi có đọc một số tài liệu của Liên Xô (cũ) rằng các hệ thống đèn kép (hai bóng song song) được thiết kế ở nước này đều phải sử dụng các linh kiện như tụ điện có điện dung cao (đảm bảo truyền dòng lớn) hoặc cuộn cảm (giống như chấn lưu dây quấn) để làm lệch pha điện áp cấp cho chiếc bóng còn lại để chúng có thể phát sáng bù cho khoảng tối của chiếc bóng thứ nhất. Hệ thống đèn kép này chứa nhiều linh kiện nên có giá thành cao, chắc rằng ở Việt Nam người ta đã làm đèn kép, nhưng chẳng có một công dụng như vậy - chúng chỉ đơn thuần làm tăng cường độ ánh sáng lên mà thôi.

Tuy không có các hệ thống đèn kép với các linh kiện cồng kềnh nhưng hiện nay đã có các loại “chấn lưu điện tử”. Bản chất loại chấn lưu này là dùng để thay thế cho loại chấn lưu dây quấn, chúng tạo ra các mức điện áp mồi cao rồi đặt giữa hai đầu bóng tuýp một hiệu điện thế ổn định ở điện áp một chiều đủ cao để đèn phát ánh sáng liên tục, hoặc tần số cao để số lần sáng trong một giây tăng cao lên rất nhiều so với mặc định.

Đèn compact mới được giới thiệu ở Việt Nam trong thời gian gần đây chính là một dạng biến thể của đèn tuýp sử dụng chấn lưu điện tử. Vậy nên cũng giống như đèn tuýp thông thường, chúng rõ ràng là có khả năng phát sáng tốt hơn nhiều so với loại bóng đèn sợi đốt thông thường. Nếu như bạn đang sử dụng loại bóng đèn sợi đốt, tôi hi vọng rằng bạn sẽ chuyển sang sử dụng đèn tuýp chấn lưu điện tử hoặc đèn compact.

(Dưới đây là một số hình ảnh về đèn compact đó).

Đèn compact

***

Trên thực tế thì đèn tuýp vẫn được sử dụng trong thiết kế nội thất cho các khoảng không gian rộng[4], tuy nhiên nếu như có thể dùng được đèn compact thì tôi khuyên bạn nên dùng loại đèn này với một gợi ý rằng bố trí chúng một cách nhiều hơn trên khoảng không gian ấy.

***

Chú thích:

1^. Chữ “tuýp” ở đây tôi không rõ rằng nó được xuất phát từ các từ ngoại nào, nhiều khả năng là tiếng pháp. Tôi gặp nhiều dụng cụ có ghép một từ “tuýp” vào, theo tôi cảm nhận thì có thể nó là tiếng Pháp, và ý nghĩa là một vật có dạng ống và dài. Chính vì vậy “đèn tuýp” ở đây tôi gọi là loại đèn dài, phát ánh sáng có màu gần giống với ánh sáng ban ngày (màu trắng).

2^. Huỳnh quang theo định nghĩa của từ điển Wiktionary tiếng Việt.

3^. Nguyên lý hoạt động của đèn tuýp?, hỏi đáp trên Yahoo! Hỏi và Đáp, tôi thấy nhiều thông tin khá hợp lý.

4^. Để sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện hiệu quả?, đăng trên Địa ốc online (theo PL.TPHCM)

1 nhận xét :

  1. Cách giải thích rất hợp lý nhưng chưa đủ, ngoài tần số ra thì cường độ ánh sáng giảm theo khoảng cách tính từ nguồn sáng. Cho nên vấn đề này rất phức tạp, theo khuyến cáo của điện quang thì cần 1 bóng đèn huỳnh quang công suất 40w để đủ sáng. Nhưng phòng rộng bao nhiêu thì họ lại không nói :(

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.