27/1/11

Lỗi khởi động máy tính (PC) khi trời lạnh

Máy tính được thiết kế để làm việc trong môi trường nhiệt độ phù hợp với nhiều nơi trên thế giới, có nghĩa là chúng có thể chịu được nhiệt từ âm vài độ C cho đến vài chục độ C. Vậy mà sao dịp rét này ở Miền Bắc vài máy tính ở công ty cũng như một chiếc máy tính ở nhà mình lại gặp lỗi khi khởi động? Mình đã có thắc mắc vậy và giờ đã tìm ra lời giải nên viết vài dòng để may chăng giúp được người nào cũng có thắc mắc này giống như mình.

Lỗi khởi động máy tính khi trời lạnh

Mấy hôm trời rét, chiếc máy tính bên cạnh mình khởi động khó lên, triệu chứng là khởi động lên, đang trong quá trình POST thì lại tắt ngúm. Bật đi bật lại (bấm vào nút Power) 3 lần mới được. Máy của mình cũng thỉnh thoảng bị vậy, nhưng sau khi máy đã bị tắt đi thì việc bấm nút Power không còn phản ứng gì nữa, phải rút nguồn điện ra rồi cắm lại mới bật được lên. Chiếc máy tính ở nhà mình (khủng ở 3 năm trước) lâu ít dùng cũng bị hiện tượng khi khởi động máy thông báo BIOS đã bị reset về trạng thái mặc định do một lỗi nào đó.

Mình nhận thấy là lỗi khó khởi động và bị mất thông tin cài đặt trong BIOS với các máy tính có tuổi đời từ 3 năm trở lên và thường xuyên ngắt ra khỏi nguồn điện ngoài giờ hoạt động (thường phù hợp với các văn phòng công sở có quy định tắt toàn bộ nguồn điện ngoài giờ làm việc để hạn chế cháy nổ). Như vậy rất có thể lỗi trên liên quan đến nguồn điện.

Bộ nguồn máy tính là một bộ phận khá quan trọng trong một máy tính, chúng có thể gây hư hỏng máy tính, gây ra các lỗi cho máy tính trong quá trình hoạt động, tuy nhiên trong trường hợp này có thể lỗi không thuộc về chúng. Lỗi xuất phát từ bộ nguồn thường xảy ra khi mà điện áp xuất ra bo mạch chủ không đạt định mức (mức 3,3V, 5V, 12V...) và mức điện áp này giao động thất thường. Lỗi này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sử dụng máy tính nên tôi dễ dàng coi nhẹ yếu tố lỗi xảy ra trong quá trình khởi động máy vào thời điểm đầu tiên trong ngày.

Vậy loại bộ nguồn máy tính thì còn yếu tố gì nữa liên quan đến nguồn điện? À, nếu bạn để ý thì sẽ thấy trên bo mạch chủ còn có một bộ phận khác cũng cấp điện, đó là pin máy tính. Pin sử dụng trong mỗi máy tính là nhằm nuôi một bộ phận được gọi là BIOS - nơi lưu trữ thiết đặt cấu hình phần cứng của máy tính (đúng ra tên phần cứng của chúng là CMOS, BIOS chỉ là dạng phần mềm - nhưng chúng được quen gọi như vậy thay cho phần cứng). Nếu như pin máy tính hết điện thì các thông số như thời gian (ngày, giờ) và các thiết đặt về phần cứng máy tính sẽ bị mất - và khi đó máy tính làm việc ở các thông số mặc định.

Pin máy tính thì tại sao lại không cấp điện khi thời tiết trở lạnh? Không, chúng thường xuyên cấp điện cho CMOS ngay từ khi sản xuất cho đến khi chúng hết điện (và phải thay thế). Với các máy tính có tuổi đời đã dài (thường là trên 3 năm) thì rất có thể pin này đã gần tụt điện áp đến dưới mức làm việc cho phép của CMOS. Khi pin hết BIOS không còn lưu được các thông số về thời gian và các thiết đặt khác nữa, chính vì vậy mà có thể gây lỗi hoặc máy khó khởi động. Pin máy tính sử dụng các phản ứng hóa học để sinh điện, khi nhiệt độ thấp thì nói chung các phản ứng hóa học thường xảy ra chậm hơn so với nhiệt độ bình thường và nhiệt độ cao, do đó pin máy tính lúc này sản sinh ra mức điện áp thấp và không đáp ứng được việc nuôi CMOS nhớ các thông số thiết đặt, và gây ra hiện tượng lỗi nói trên.

Pin nuôi (bên trái) và CMOS (bên phải)

Khi cắm điện của nguồn máy tính (không kể loại AT cổ điển trước đây) vào điện lưới, cho dù máy tính không bật thì nguồn vẫn làm việc ở chế độ "chờ", chế độ này luôn cấp điện áp 5V cho bo mạch chủ, chính điện áp này cũng cấp cho BIOS mà không cần sử dụng pin máy tính nữa. Nhờ điều này mà các máy tính nếu thường xuyên cắm điện (lưu ý là chỉ cần cắm điện, không cần bật máy tính lên) sẽ có tuổi thọ pin tăng lên nhiều, nếu như để cắm điện qua đêm thì buổi sáng bật máy sẽ không bị hiện tượng lỗi như trên.

Như vậy, khi thời tiết lạnh bạn có thể cắm điện liên tục cho máy tính để tránh hiện tượng lỗi khi khởi động vào buổi sáng, hoặc có thể thay thế pin nuôi CMOS nếu như máy tính của bạn sử dụng đã cũ. Pin nuôi máy tính thường là loại CR2032 với mức điện áp 3V (như hình minh họa trên). Giá của mỗi viên pin này vào khoảng 15 đến 30 nghìn đồng tùy nơi bán.

Khi máy tính không sử dụng nhiều ngày?

Khi máy tính không sử dụng nhiều ngày thì cũng gây hiện tượng khó khởi động hoặc hoàn toàn không khởi động được do lỗi phần cứng. Rất nhiều người đã gặp hiện tượng bỏ qua không sử dụng máy tính trong vài tháng và khi bật lên thì không được nữa. Sự cố này không chỉ xảy ra khi thời tiết lạnh mà xảy ra ở cả thời tiết mát mẻ hoặc nóng bức nên nguyên nhân không phải do hết pin nuôi BIOS hay pin nuôi bị tụt điện áp khi trời lạnh. Có thể sau thời gian nghỉ tết của bạn, khi bật máy tính trong ngày làm việc đầu tiên thì máy không khởi động được nữa - quả là không may mắn! Nguyên nhân có thể do đâu?

Nguyên nhân do không cắm điện và thời tiết như nêu trên cũng gây ra hiện tượng khó khởi động sau nhiều ngày tắt máy, tuy nhiên còn một nguyên nhân khác - đó là bụi bẩn và độ ẩm của môi trường. Khi sử dụng dài ngày trong môi trường có nhiều người qua lại và bên trong máy tính có thể xuất hiện một lớp bụi mỏng, lớp bụi này dạng mịn và bám vào các linh kiện điện tử bên trong máy tính. Nếu sự hoạt động của máy tính là thường xuyên thì nhiệt độ tỏa ra từ CPU, nguồn máy tính và các linh kiện khác sẽ làm cho lớp bụi này được khô và có tính dẫn điện kém, tuy nhiên trong trường hợp độ ẩm của không khí cao trong thời gian dài máy tính không làm việc thì lớp bụi này sẽ hút nước và ở một mức nào đó sẽ dẫn điện (trong một số trường hợp về bụi có tính chất dẫn điện như bụi than hoặc mạt bụi kim loại thì chúng có thể dẫn điện trực tiếp mà không cần phải có sự hiện diện của hơi nước). Sự dẫn điện qua lại giữa các chân của linh kiện hoặc mạch điện bên trong máy tính khiến cho máy bị hỏng nặng hoặc nhẹ tùy theo mức độ dẫn điện và vị trí bị dẫn điện. Một trường hợp tương tự như vậy là việc các côn trùng bò vào mạch điện hoặc nước tiểu của chúng làm chạm chập gây hư hỏng.

Quả bóng thổi bụi dùng vệ sinh máy tính

Vậy làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng này? Cách tốt nhất là tháo vỏ máy tính và vệ sinh bo mạch chủ bằng một quả bóng thổi bụi chuyên dụng mua tại các cửa hàng bán dụng cụ y tế (loại bóng này thường dùng cho các bộ đo huyết áp) hoặc sử dụng bình khí nén chuyên dụng để vệ sinh. Nếu không có dụng cụ trên, bạn có thể dùng một chổi quét sơn loại nhỏ để phẩy qua lớp bụi trước khi bật máy tính. Trong trường hợp lớp bụi bị ẩm và bết lại thì cần sấy khô trước khi bật máy. Một điều lưu ý là không nên dùng miệng để thổi bụi - bởi có thể bạn sẽ thổi cả nước bọt vào bo mạch chủ và càng làm hư hỏng.

Vệ sinh máy trước khi cắm điện sau lâu ngày không sử dụng là một cách tốt để giảm thiểu hư hỏng, tuy nhiên trong trường hợp máy hoàn toàn không khởi động được thì bạn cũng có thể thử thực hiện vệ sinh máy sạch sẽ rồi khởi động lại máy tính. Tuy nhiên cách tốt hơn là bạn nên vệ sinh máy trước khi ngừng làm việc với máy tính trong một thời gian dài (trong dịp nghỉ tết Nguyên đán hoặc nghỉ hè...) bởi việc làm sạch lớp bụi khi chúng khô sẽ dễ dàng và triệt để hơn nhiều so với lúc chúng đã bị ẩm.

Cứ bắt bấm F1 khi khởi động máy tính?

Nhiều người gặp trường hợp máy tính khi khởi động không tự động boot vào hệ điều hành, mà nó bắt bấm một phím nào đó (ghi rõ trên màn hình) để tiếp tục khởi động (đa phần nút phải bấm là F1). Đây là hiện tượng BIOS bị thiết đặt sai thông số hoặc pin máy tính bị hết, khi đó các thiết đặt trong BIOS của máy tính sẽ được đưa về trạng thái mặc định của nhà sản xuất (hoặc motherboard). Đa phần lỗi này chỉ gây khó chịu cho người sử dụng do mất thời gian bấm nút, tuy nhiên trong một số trường hợp khác thì việc thiết đặt các thông số của BIOS về mặc định của nhà sản xuất khiến cho máy tính không thể khởi động được hoặc hoạt động trục trặc trong hệ điều hành (chẳng hạn việc thiết đặt ổ cứng SATA chạy với AHCI thì sẽ dược đưa về mặc định là ATA - khi này máy tính sẽ không khởi động được vào Windows, các thiết đặt về bus và ratio...).

Để giải quyết hiện tượng này, nếu bạn là người am hiểu thì có thể thiết đặt lại các thông số trong BIOS cho phù hợp và ghi lại trước khi khởi động lại, nếu như bạn không rành lắm về phần cứng thì nên nhờ một người nào đó thiết lập lại cho đúng và thay thế pin nuôi CMOS để lỗi này không xảy ra sau khi tắt máy (và rút nguồn điện).

Trương Mạnh An (01/2011).