25/7/08

Kinh nghiệm về tiết kiệm xăng xe máy

Có bao giờ bạn chợt nhận thấy lượng chi phí cho nhiên liệu của chiếc xe máy của bạn không phải là con số nhỏ nữa? hoặc như suy nghĩ rằng làm cách nào để tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn có thể khai thác hiệu quả tối đa với chiếc xe máy của mình? Hay là chỉ mua một chiếc xe máy về, đổ xăng và đi khắp nơi theo cách lái xe của mình mà không cần bận tâm gì về nó như mọi người đang từng làm?

Nếu như vậy thì thật là nguy hại cho chiếc xe của bạn, tiêu tốn nhiên liệu không cần thiết và có khả năng còn gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn khi vận hành. Trong entry này tôi cố gắng giải thích những gì tôi biết về xe máy để có thể hạn chế phần nào những nguy hại và tiêu tốn không mong muốn đó.

LƯỢNG TIÊU THỤ NHIÊN LIỆU CỦA CHIẾC XE CỦA BẠN LÀ BAO NHIÊU?

Có bao giờ bạn tự hỏi điều đó không nhỉ? Đa phần là không, bởi vì chúng ta thường đổ xăng vào bình, nổ máy, đi, đến lúc hết xăng thì lại đổ xăng vào bình, nổ máy, đi...cứ như thế mà không cần biết nó lượng tiêu thụ nhiên liệu cho nó.

Ở đây, tôi muốn trình bày với bạn một phương pháp tính toán lượng tiêu thụ nhiên liệu trên chiếc xe máy của mình một cách tuơng đối chính xác mà tôi thường xuyên sử dụng cách này. Đây không phải là một sự rỗi hơi hay thừa thời gian để làm những việc như vậy, nhưng nó là một cách tốt nhất để bạn có thể nhận biết mọi điều về tình trạng chiếc xe máy của bạn.

  1. Hãy chọn một thời điểm nào đó để bắt đầu, rồi bạn đổ đầy bình xăng chiếc xe của bạn. Ghi lại số công tơ mét hiển thị trên đồng hồ báo tốc độ.

  2. Sau khi đi gần hết hoặc bất kỳ lúc nào mà bạn thích đổ thêm xăng: Hãy đổ đầy bình xăng, ghi lại số công tơ mét lần thứ hai, ghi lại số tiền mua xăng và nhớ về giá tiền xăng thời điểm lúc đó. Các thông số này lại nhập vào một bảng tính nào đó (Excel chẳng hạn).

  3. Lần tiếp theo, cũng làm như thế.

  4. Trên bảng tính Excel, hãy thiết lập các công thức để biết được với mỗi 100 km thì số lít xăng tiêu thụ của xe của bạn là bao nhiêu.

  5. Cứ như vậy, sau khoảng một vài tháng, bạn sẽ biết một cách gần chính xác về lượng tiêu thụ xăng của chiếc xe của mình. Tất nhiên là càng nhiều thời gian thì con số tích luỹ càng chính xác.

  6. Sau một thời gian dài, nếu thấy lượng xăng tăng lên thì có thể nghi ngờ những điều gì đó bắt đầu xuống cấp hoặc gây ảnh hưởng, bạn có thể có từ đó quyết định thay thế linh kiện, bảo dưỡng...xe của mình.

Tất nhiên là cách này thì không hoàn toàn là chính xác nếu như bạn sử dụng xe máy để di chuyển một cách không đồng đều: Ví dụ đi làm, đi công tác xa bằng xe máy, chở hàng nặng nhẹ khác nhau...thì sẽ khó nhận biết được chính xác lượng xăng tiêu thụ, bởi vì chúng sẽ làm cho các thông số bị thay đổi nhiều trong các khoảng thời gian khác nhau.

Có thể bạn cho rằng những thống kê này là vô nghĩa, mất thời gian, nhưng khi mà tôi đều đặn thực hiện việc đó thì tôi đã rút ra được nhiều thông số cho mình: tình trạng xe, tình trạng làm việc hay như sự điều tiết trong chi tiêu cá nhân của mình và gia đình! Tất cả đều được lên kế hoạch cho cuộc sống thường nhật.

NHẬN THỨC LIÊN QUAN ĐẾN XE MÁY

Chiếc xe máy là phương tiện đi lại của bạn, không chỉ là vấn đề tiêu tốn nhiên liệu mà còn có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn. Hãy thử hình dung một lúc nào đó bạn đang đi xe thì lốp bị nổ, bạn không thể điều khiển được xe nữa, và có thể một tai nạn xảy ra.

Để đề phòng những sự cố đáng tiếc, bạn nên bảo dưỡng chiếc xe của mình định kỳ theo đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất. Hầu hết các loại xe máy bán ra đều có các cuốn sách hướng dẫn sử dụng, kèm theo tài liệu hướng dẫn sửa chữa các sự cố nhỏ trong phạm vi người sử dụng có thể thực hiện được.

Dầu nhớt

Mô phỏng hoạt động của động cơ đốt trong. Ảnh: Wikimedia CommonsTôi đã gặp rất nhiều người không chịu thay dầu nhớt cho chiếc xe của mình theo đúng như định kỳ của hãng sản xuất khuyến cáo. Một trường hợp nổi bật nhất là ông bố vợ của tôi ở thời kỳ mà tôi chưa lấy vợ, ông có một chiếc xe Honda 82 đời 89 mua "đập hộp" (sử dụng lần đầu tiên) mà có lẽ rằng không biết rằng cần phải thay dầu cho đến một hôm người yêu tôi(giờ tất nhiên là vợ tôi rồi ^_^) đang đi thì chết máy, sờ lốc máy nóng ran, mang ra sửa thì chỉ còn một chút nhớt đen kịt bên trong. Trường hợp thứ hai là đứa em gái tôi với chiếc xe Honda hiệu Wave anpha thì chỉ mỗi lần tôi thăm nó thì cũng tiện thể thay dầu luôn cho nó. Hai chiếc xe mà tôi kể đến thì luôn không đảm bảo độ bền, tiêu tốn nhiên liệu lớn hơn nhiều so với số tiền phải sửa chữa và thay dầu nhớt đúng theo định kỳ.

Bạn có thể đã biết rằng dầu nhớt quan trọng như thế nào đối với xe máy thông qua các hình minh hoạ của hai loại động cơ đốt trong được sử dụng thông dụng hiện nay: Động cơ 4 thì và động cơ hai thì (hình minh hoạ về động cơ 4 thì ở trên, động cơ 2 thì ở dưới).

Nhìn vào hình, ta nhận thấy rằng piston (phần chuyển động lên xuống liên tục) luôn luôn có sự làm việc ma sát với xy lanh. Dầu nhớt bôi trơn ở trong xe máy ở đây có phần rất quan trọng để làm giảm ma sát giữa quá trình làm việc nặng nhọc này. Nếu không thiếu dầu hoặc không có dầu hay như chất lượng dầu nhớt xuống cấp theo thời gian làm việc thì quá trình bôi trơn sẽ không hiệu quả, dẫn đến hiệu suất làm việc kém, gây tiêu tốn nhiên liệu, và thậm trí nếu hết dầu còn làm hệ thống nóng lên, gây giãn nở nhiệt và làm cho piston và xy lanh bó cứng, không thể làm việc được.

Khác với các loại động cơ 4 thì, loại động cơ 2 thì sẽ dùng dầu nhớt được pha sẵn trong chính nhiên liệu đốt để bôi trơn cho piston và xy lanh. Nếu như đối với các loại xe máy 2 thì đời trước đây, việc quên pha dầu nhớt vào nhiên liệu cũng làm hư hại thiết bị. Với các loại xe 2 thì đời mới thì có vẻ như dầu nhớt pha trộn được đặt ở một ngăn riêng, mỗi khi thiếu xe sẽ phát tín hiệu báo động việc thiếu dầu nhớt pha trộn nên chúng ta ít phải lo lắng nếu chịu khó bổ xung nhớt vào bình chứa riêng biệt. Ở đây có một chi tiết thú vị rằng lý giải cho việc xe hai thì thường có khói ở ống xả - theo tôi phán đoán thì chúng được sinh ra do đốt cháy dầu nhớt trong quá trình làm việc.

Thay bằng dầu nhớt nhãn hiệu gì?

Mô phỏng hoạt động của động cơ đốt trong (2 thì). Ảnh: Wikipedia tiếng ViệtCâu hỏi này không quá khó: Các loại dầu nhớt có tên tuổi trên thị trường như Castrol, BP...riêng cá nhân tôi thì thường lựa chọn loại dầu nhớt Castrol Power1 cho chiếc xe Honda Futuređời đầu của mình. Thực ra thì đây chỉ là cảm tính do sự quảng cáo của nó mà thôi - tôi không đủ các kiến thức và thiết bị để có thể phân tích rằng loại dầu nhớt đó là tốt và phù hợp nhất cho xe máy.

Không nên sử dụng các loại dầu nhớt có thương hiệu quá lạ mà chưa được chấp nhận rộng rãi trên thị trường trừ khi đó là một thương hiệu mới được giới thiệu ở Việt Nam nhưng đã nổi tiếng trên thế giới. Những loại dầu nhớt "chính hãng" được khuyến cáo theo như các hãng sản xuất xe máy thì lại là loại dầu mà có khả năng là đặt một hãng khác sản xuất và gắn thương hiệu của mình vào (việc này thì cũng tương tự như blog này của tôi vậy - khi copy một bài ở đâu đó mà quên ghi nguồn thì rõ ràng rằng nó đã gán mác của tôi như một sự đảm bảo nếu như bạn đã hơi tin tưởng vào tôi, nhưng thực chất thì có thể tôi chẳng hiểu gì về nó! Hehe) - đây có thể là lời khuyên duy nhất của tôi về cái sự "không nghe theo khuyến cáo của nhà sản xuất" trên các loại hướng dẫn sử dụng xe máy.

Cũng không nên sử dụng các loại dầu nhớt mà bao bì của chúng có vẻ mờ ám. Cũng không nên sử dụng các loại dầu nhớt được chiết ra từ các thùng phuy lớn (cỡ 200 lít) bởi vì có thể chúng được dùng cho các máy móc lớn mà không phải dành cho xe máy của bạn nên thiếu các loại phụ gia hoặc tính chất cần thiết. Không phải là thừa khi nhắc đến các thùnh phuy chứa dầu nhớt loại này nhưn giá thấp hơn so với loại đóng hộp chứa sẵn dầu nhớt cho xe máy.

Có một số ký hiệu loại dầu nhớt như 20W-50, 15W-40...nên chọn loại nào?

Là câu hỏi mà trước đây tôi đã từng đặt ra. Thông số này có vẻ liên quan đến cấp độ của dầu nhớt và phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường làm việc của xe máy. Bạn chỉ cần nhớ là môi trường chứ không phải là nhiệt độ làm việc của máy.

Tại sao nhiệt độ môi trường lại ảnh hưởng đến thông số này? Bạn biết rằng sau một đêm thì nhiệt độ của máy đã gần về nhiệt độ của môi trường xung quanh nó - như vậy thì nôm na là độ nhớt của dầu sẽ trở về một trạng thái nào đó. Nếu như tính chất của dầu nhớt lại không đảm bảo bôi trơn cho máy khi khởi động xe thì có nhiều khả năng là xe khó nổ, hư hại các chi tiết bên trong bởi không được bôi trơn hợp lý.

Có thể bạn đang đi chiếc xe ga? Bạn sẽ thấy ngay rằng đa số xe ga khó khởi động trong tiết trời lạnh của mùa đông - đó một phần là do loại dầu nhớt mà bạn sử dụng. Xe ga thì khó thực hiện việc khuyến cáo của nhà sản xuất rằng "Dựng chân chống lên, đạp đạp vài cái mỗi khi khởi động đầu ngày" bởi vì nó quá nặng cho các hành động này - vậy nên nó khó nổ. Với chiếc xe Future của tôi thì ngay tại yếm của nó đã ghi rõ đại loại thế này: "Đóng ga hoàn toàn, khởi động bằng cần đạp". Có dở hơi quá không khi mà tay phải của chúng ta đã có một nút START để đề một nhát rồi đi? Không! Bởi vì sau một đêm thì dầu nhớt đã chảy xuống các vị trí chứa của nó, do đó lúc khởi động máy là lúc mà bên trong máy ít được bôi trơn nhất. Khi đạp vài cái sẽ giúp cho dầu được bắn văng đến các vị trí cần thiết để bắt đầu thực hiện thuận tiện cho khởi động. (Nếu bạn muốn thấy sự văng bắn của dầu khi xe vận hành thì đơn giản là chỉ cần vặn cái nút đổ dầu ra, rồi đạp vài cái - hành động này đã khiến tôi bị bắn đầy dầu vào ống chân phải khi mà muốn thử xem nó thế nào ^_^).

Sự lựa chọn loại dầu nhớt sai hoặc tuỳ thích theo các ông thợ sửa xe mà không có suy nghĩ gì - vớ ngay phải ông thợ ấm ớ thay cho loại dầu nhớt mà giá mua vào của nó rẻ bèo hoặc là loại dầu nhớt tái chế đóng vào phuy thì thật là nguy hại.

Bạn xem hình bên phải về mối liên quan giữa nhiệt độ môi trường và sự lựa chọn mức độ dầu nhớt hợp lý. Tôi đã chọn loại 15W-40 thay thế cho chiếc xe của mình bởi vì chúng có vẻ như phù hợp với điều kiện khí hậu của miền Bắc Việt Nam và tình trạng xe của tôi.

Bao nhiêu lâu thì thay dầu nhớt một lần?

Lần đầu tiên sử dụng xe thì nên thay sau khoảng 100 Km đầu tiên, lý do bởi vì lúc này các bộ phận linh kiện làm việc trong xe máy mới được sản xuất đã có thể không được làm việc trơn chu với nhau. Trong khi làm việc chúng có thể tạo ra các mạt vật liệu chế tạo bởi sự ma sát. Thay sớm trong lần đầu tiên sử dụng một chiếc xe máy là nhằm loại bỏ các mạt vật liệu (sắt, nhôm...) để chúng khỏi làm tác nhân gây mòn cho các thiết bị khác.

Trong các lần kế tiếp thì tôi thay dầu sau mỗi 1.000 km vận hành. Đây có vẻ là một con số quá nhỏ đối với những người dễ dãi hoặc trên chính tài liệu hướng dẫn của hãng sản xuất xe máy (nếu tôi nhớ không nhầm thì nhà sản xuất khuyến cáo thay dầu sau mỗi 2.000 hoặc 2.500 km vận hành thì phải). Nếu như bạn chắc chắn rằng mình vận hành chiếc xe máy một cách bình thường theo đúng như khuyến cáo của nhà sản xuất thì cũng lên nghe theo lời khuyên của tài liệu hướng dẫn. Tôi thì vẫn giữ thói quen thay dầu sau mỗi 1.000 Km bởi vì lý do tôi tự cho rằng: có quá nhiều yếu tố môi trường tác động quá trình làm việc của chiếc xe nên đã thay sớm hơn so với hướng dẫn.

Kiểm tra dầu nhớt định kỳ

Không phải ngày nào trước khi dắt xe ra bạn đều phải kiểm tra dầu nhớt của nó, nhưng vài ngày hoặc một tuần thì bạn nên kiểm tra mức dầu nhớt còn lại trong lốc máy. Như ví dụ trên đã nhắc rồi: Luôn luôn có lượng dầu nhớt tiêu hao ra ngoài, do đó nếu với các chuyến đi dài hoặc liên tục ở tốc độ cao sẽ khiến cho lượng dầu nhớt hao đi nhanh hơn, lúc đó là lúc mà ta nên đổ bổ sung.

Nếu bạn muốn tự bổ sung dầu thì đơn giản là mua riêng một hộp dầu thường dùng ở một cửa hàng bán phụ tùng xe máy nào đó để tự bổ sung theo que thăm dầu sẵn có tại mỗi lốc máy. Cách thức bổ sung theo như sách hướng dẫn kèm theo xe.

Săm lốp

Thay lốp định kỳ

Lốp xe (mà hình như miền Nam VN gọi là vỏ xe thì phải) quá mòn khiến cho chiếc xe của bạn không còn đủ độ bám vững cần thiết với mặt đường. Bạn nên thay thế nó theo thời gian hoặc khi đã cảm thấy mòn bề mặt, mất ma sát và có dấu hiệu thoái hoá cao su chế tạo.

Nếu như lốp bị mòn, điều trước hết là sự điều khiển xe của bạn sẽ không còn đảm bảo: Trong khi trời mưa hoặc các đoạn đường trơn đến mức chấp nhận được thì chiếc xe có lốp mòn khó điều khiển hơn, dễ bị trượt mỗi khi chuyển hướng điều khiển với góc lớn.

Có một số quan điểm cho rằng vỏ mòn sẽ giúp cho xe đi nhanh hơn (?!), tôi thấy điều này không hợp lý. Xe chuyển động được là nhờ sự bám ma sát giữa bánh sau và mặt đường, do đó mà một chiếc lốp sau bị mòn có thể gây trượt và càng mòn nhanh hơn. Nếu như lốp xe bị mòn đến một mức tối thiểu nào đó thì xuất hiện nguy cơ không giữ được áp suất của săm xe, do đó chúng sẵn sàng gây sự cố "nổ lốp" khi đang vận hành.

Thời hạn thay thế tuỳ thuộc vào độ mòn của lốp xe mà không có một thời gian chuẩn nào có thể áp dụng cho mọi xe được. Nếu như phần ma sát của lốp bị mòn, khoảng cách giữa bề mặt của lốp và phần sâu nhất của rãnh ma sát còn quá nhỏ thì bạn nên thay thế ngay.

Bạn nên chú ý đến độ mòn của các lốp thường là không đồng đều nhau: Lốp sau nhanh mòn hơn lốp trước vì mức độ làm việc nặng nhọc hơn. Lốp trước thì ít mòn nhưng nếu sự cố nổ lốp trước khi đang vận hành thì lại là điều nguy hiểm hơn nhiều lần so với lốp sau - bởi vì khi nổ lốp, sự điều khiển của xe trở thành quá nặng so với sự ghì của tay bạn, nên phần nhiều là xe bị mất điều khiển và loạng choạng, đổ xe gây nguy hại cho bạn.

Với tôi thì khoảng 1,5 năm thay một chiếc lốp sau, 2 năm/lần thay lốp trước. Điều này phụ thuộc vào tuỳ từng chế độ vận hành xe, loại lốp và chất lượng đường đi thường xuyên.

Săm vá?

Bạn có bao giờ bị xịt lốp xe bởi cán phải đinh hay chưa? Khi đó bạn thường là dắt xe đến một điểm sửa xe nào đó để vá tạm nó rồi tiếp tục cuộc hành trình. Sau đó thì cuộc sống hối hả đã khiến bạn quên mất rằng mình đã bị thủng săm và vá lại lúc trước.

Rất nhiều mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh các miếng vá săm đó: Chúng gây ra thất thoát áp suất sau một thời gian làm việc bởi chất lượng miếng vá không đảm bảo lâu bền. Phần lớn các sự tụt hơi thường ngày do các miếng vá chất lượng kém, và cũng phần lớn sự thủng săm tiếp theo cũng xuất phát từ miếng vá trước đó.

Cá nhân tôi chưa bao giờ chấp nhận chiếc xe của mình có đến 2 miếng vá cùng tồn tại - và chỉ chấp nhận chúng theo kiểu "vá chín" chứ không ưa kiểu vá với các miếng vá được chế tạo sẵn rồi tiến hành theo kiểu "mì ăn liền" sau vài thao tác đơn giản. Đây là một sự khó tính riêng, bởi thực chất thì "vá chín" là một biện pháp sửa chữa lại săm một cách gần giống lại săm khi sản xuất bởi sự tái tạo lại liên kết cao su với nhau gần đạt như mức sản xuất cao su liền mạng. Thế thì tại sao lại phải thay? Bởi vì tôi chỉ có một chút cảm giác rằng nó vẫn chưa thực sự là một chiếc săm hoàn chỉnh - và miếng vá có thể vẫn hơi phồng lên một chút khiến cho tại vị trí này có thể tích tụ cặn mà thôi.

Kiểm tra áp suất hơi trong bánh xe

Sự kiểm tra này là một điều rất quan trọng trong khi vận hành xe bởi nó ảnh hưởng nhiều đến cả sự tiêu hao nhiên liệu và chính sự an toàn khi vận hành xe máy.

Nếu bạn quan sát một chiếc lốp xe khi làm việc, bạn sẽ thấy có một phần tiếp xúc với mặt đường. Nếu lốp quá căng thì tổng thể lốp tròn và phần tiếp xúc ít nhất. Nếu lốp quá "non hơi" (áp suất hơi trong săm thấp) thì lốp sẽ xệ xuống dưới trọng lượng của bản thân xe và những người ngồi trên nó. Có một số mặt lợi hại như sau:

  • Khi lốp bị xệ bởi áp suất hơi bên trong săm thấp thì luôn tạo ra ma sát lớn giữa lốp xe và mặt đường gây ma sát lớn và làm cản trở chuyển động của xe, gây tiêu hao nhiên liệu lớn cho xe. Nếu bạn đi xe bị "non hơi" bạn có thể sẽ cảm thấy xe ì và không được vận hành tốt như bình thường. Không những thế, non hơi còn tăng nguy cơ bị các vật sắc nhọn đâm thủng lốp, gây nguy hại cho bạn khi vận hành xe máy.
  • Nếu lốp được bơm quá căng sẽ dẫn đến xe xóc nhiều khi vận hành. Đa phần thì lốp căng sẽ làm giảm ma sát có hại để tăng hiệu suất xe, nhưng bạn phải không được hưởng sự êm ái khi vận hành. Lốp quá căng trong thời tiết nóng nực cũng có thể khiến cho xuất hiện nguy cơ nổ lốp bởi vì ngay khi vận hành sự ma sát giữa lốp xe với mặt đường cũng làm lốp nóng lên, kết hợp nhiệt độ môi trường và nhiệt độ mặt đường sẽ làm nhiệt độ tại bề mặt lốp tăng cao, gây tăng thêm áp suất hơi bên trong và nhanh lão hoá bề mặt lốp.

Dù thế nào thì quá căng hoặc quá non cũng có hại, do đó mà tôi luôn kiểm tra áp suất lốp xe trước khi bắt đầu cưỡi lên nó. Không mất quá nhiều thời gian đâu cho hành động này. Bạn xem hình bên phải nói về ba trạng thái của lốp (đây là minh hoạ của lốp xe hơi, nhưng cũng có thể minh hoạ gần phù hợp cho xe máy) sẽ nhận thấy điểm tiếp xúc giữa lốp và mặt đường như thế nào. Áp dụng ở xe máy thì hình minh hoạ trên khi áp suất thấp có thể cho ra hình thứ nhất và thứ hai từ trái sang, còn bơm đúng áp suất và bơm căng thì sẽ ở hình bên phải.

Áp suất của hai bánh xe là không đều như nhau, thường thì bánh trước sẽ có áp suất nhỏ hơn một chút. Có sự chênh lệch như vậy bởi vì cấu tạo và chức năng của các bánh là khác nhau.

Nhiên liệu

Trước khi vận hành xe, luôn chú ý đến điều kiện đảm bảo để vận hành. Thường thì nhiều người chẳng chú ý gì đến điều này, mỗi buổi sáng họ dắt xe ra, nổ máy và đi! Rất nhiều các sự cố xảy ra chỉ vì sự không chú ý như vậy.

Bước đầu tiên là liếc nhìn vào đồng hồ trên mặt điều khiển xe để kiểm tra lượng nhiên liệu còn lại. Hết nhiên liệu giữa đường là một điều phiền toái nhất trong các điều phiền toái mà tôi từng gặp. Nhễ nhại đẩy xe giữa đường một cách mệt mỏi. Nếu bạn bị thủng săm xe giữa đường vào một ngày nào đó thì bạn cũng có cảm giác tương tự như hết nhiên liệu vậy! Chính do đó mỗi lần trước khi đi tôi thường kiểm tra chúng như một thói quen đầu tiên.

Bạn lúc nào cũng tin rằng xăng bạn mua là đúng như chỉ số octan (mà ta quen gọi là xăng 90, xăng 92, xăng 95...) của nó? (Mà có khi bạn cũng chưa biết về chúng ra sao nhỉ?[9][6]) Thực tế thì người ta bán đúng mác xăng thì không sao nhưng tôi lại thấy một số cửa hàng kinh doanh dùng xăng 90 gắn nhãn 92, rồi 92 gắn nhãn 95 để mong trục lợi từ người mua - mà nói thẳng là lừa đảo. Vậy nên căn cứ vào màu sắc[7] để biết rằng một cửa hàng nào đó có bán sai cho bạn không. Tất nhiên là những điều này là hơi thừa thãi và có vẻ như cẩn trọng quá, nhưng thực tế thì đã là như vậy. Mà đó cũng còn là nhẹ khi chưa nói đến cách thức đếm ăn gian của các nơi bán xăng đâu đấy[11].

(Bảng: Lựa chọn đúng loại xăng có chỉ số octan phù hợp với tỷ số nén của xe máy của bạn, không phải cứ cao là tốt - mà còn có khi gây hại)

THAY ĐỔI CÁC THÓI QUEN VẬN HÀNH XE MÁY KHÔNG CÓ LỢI

Thói quen về tốc độ

Tốc độ điều khiển xe máy là một thói quen gây ra sự tiêu hao nhiên liệu không kém gì so với việc bảo dưỡng xe máy đã nêu ở phần trên. Nếu như hiểu về nguyên lý của hộp số xe máy nói riêng và các nguyên lý của các loại xe sử dụng động cơ đốt trong nói chung thì chúng ta sẽ hiểu được bản chất của tốc độ chuyển động và điều chỉnh lại thói quen của mình nhằm tiết kiệm nhiên liệu tối đa.

Bạn thấy trên hình nguyên lý về động cơ đốt trong sẽ thấy rằng động cơ hoạt động dựa trên chuyên tắc chuyển sự tịnh tiến của xy lanh (phần đi lên, xuống) thành các chuyển động quay, và từ đây thì chuyển động quay này qua hệ thống các xích cam, côn văng, hộp số, côn lá, xích...đến bánh sau của xe máy. Toàn bộ sự truyền chuyển động đó thì luôn có một nguyên tắc xuyên suốt: Làm thế nào để chỉ với các chuyển động tịnh tiến của xy lanh đó như nhau mà lại di chuyển xe máy đi nhanh và chậm, tải nặng và tải nhẹ, có "đà"(quán tính) hay là chưa có "đà".

Một chút giễn giải loằng ngoằng:

Ở đây, tôi nhớ lại một câu nói nổi tiếng của Acsimet[10]: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên". Đây là một câu nói bất hủ được giải thích từ các sách Vật lý cấp 2 mà bạn có thể đã được học rồi - và bạn chắc chắn biết được nó có ý nghĩa như thế nào.

Thôi, nói thế nhưng mà cũng phải giải thích lại một chút, bởi những kiến thức tầm thường này ít người chú ý đến. Hãy nhớ lại một công thức về công cơ học[2]

A = F.s; đại khái là Công = Lực x quãng đường (khỏi phải nói véc tơ làm gì, bởi vì tôi muốn trình bày với người không chuyên mà).

Qua công thức này ta thấy ông Acsimet đã nói đúng: Ông ta có thể nhấc bổng trái đất lên chỉ với sức của ông thôi (lực F), nhưng quãng đường ông phải đi thì rất dài[3]. Nói dễ hiểu là: lợi về lực thì sẽ thiệt về đường đi.

Thêm một ví dụ nữa dễ hình dung hơn: Bạn có bao giờ nhìn thấy bộ líp xe đạp nhiều tầng của những chiếc xe "quốc" (xe đua) không? Hình dung rằng sức đạp của bạn giới hạn như công suất của động cơ, còn sự di chuyển nặng hay nhẹ của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách điều chỉnh các tầng líp để cho lợi về lực thì sẽ thiệt về đường đi và ngược lại - một cách phù hợp nhất. Ở xe máy thì đóng vai trò của bộ líp nhiều tần trên là bộ hộp số[4] của xe.

Bây giờ là đến phần "công suất"[5]. Ta lại có một công thức nữa như thế này: P = F.v (Công suất = Lực x vận tốc).

Có lạc đề không nhỉ? Ở đây tôi chỉ muốn lấy toàn bộ những giải thích vòng vo trên cho một ý nghĩa duy nhất rằng cái khối động cơ đốt trong đó chỉ sinh ra các công đến một mức nào đó mà thôi, còn sự điều khiển tốc độ thì còn phụ thuộc vào cách thói quen vận hành xe máy của bạn.

Thế là sao?

Sau phần "lý thuyết" ở bên trên thì bây giờ bạn hiểu rằng chiếc xe di chuyển được chỉ nhờ sức giới hạn của phần động cơ. Mà bạn biết rằng khi bắt đầu lên xe, nổ máy, chuyển động thì lúc đó ta lại nhớ đến mối liên hệ giữa công suất phát của động cơ đốt trong của xe máy với các công thức ở trên.

Lúc đầu tiên khi chuyển động: Bạn thấy rằng ở công thức P = F.v thì P cố định trong một khoảng nào đó, lúc này v rất nhỏ (vì chưa chuyển động) thì rõ ràng là F phải lớn. Như vậy khi này xe đang ở "số 1", có nghĩa là tốc độ quay động cơ cao, nhưng truyền sang bánh sau một lượng thấp hơn để cho lực lớn hơn khi mà P giao động trong khoảng nhỏ.

Khi bắt đầu chuyển động và nhanh dần lên, để phù phù hợp thì cách đúng của vận hành là dần dần sang số cho phép công suất phù hợp hơn. Bạn thấy rằng nếu di chuyển xe ở tốc độ cố định thì có nghĩa rằng lúc này công suất sinh ra chỉ để tạo ra các lực thắng lực các lực ma sát và sức cản của gió đối với sự di chuyển của xe máy.

Trong các trường hợp làm trái với những gì nêu trên thì xe vẫn chuyển động bình thường, nhưng thời gian tăng tốc để đạt tốc độ sẽ rất chậm. Không những thế, xe rất hại máy khi bạn ép chúng làm việc quá công suất.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng khá buồn cười của các quý bà/quý cô khi đi xe máy như thế này: Nổ máy, giậm gót chân một cái cho sang số 4, xe giật khực một nhát rồi cứ thế xe phát tiếng gõ xu-páp lạch cạch mà lặc lè đi. Đây là một thói quen rất tai hại cho tuổi thọ của xe máy và lượng nhiên liệu tiêu thụ. Thật may là hiện nay các quý cô đã thích chuyển sang xe tay ga để có thể lười biếng hơn khi vận hành (và hợp thời hơn). Không ngoại lệ, vợ tôi cũng đi xe máy nữ, nhưng lại sang luôn một nhát đến số 2 rồi cứ thế đi. Tôi giải thích mãi rồi cũng kệ - bởi vì đó là thói quen và đỡ giật xe khi vận hành theo như ý kiến của vợ. Ờ, thế cũng được, đỡ khởi động xe - sang số 1 - rồi không điều khiển tay ga tốt là đâm xầm vào đâu đó thì mệt hơn là tiết kiệm nhiên liệu và bền xe :(

Tại sao xe sử dụng côn tay hay chết máy khi vận hành sai

Có bao giờ bạn đi thử một chiếc xe dành cho nam giới chưa nhỉ? Nói thế thì có vẻ hơi bực mình quá bởi không phải chúng ta cứ thích đi xe nữ, mà tôi cũng vậy! Ở đây thì chúng ta thường quen gọi xe có côn tay cùng bình xăng phía trước mà nữ giới không thể mặc váy để đi được là xe nam. Những ví dụ điển hình của xe nam là Win100 thời gian trước đây, hoặc cổ hơn là Simson, Misk hay như một chiếc FX125 rộ lên mấy năm gần đây tuy không có bình xăng nhưng cũng được coi là xe nam bởi chúng dùng côn tay. Đây là những sự phân biệt mang tính tương đối, bởi vì nhiều xe Vespa cũng có côn tay mà nữ giới đang ưa chuộng.

Xe nam không sử dụng hộp số tự động cho cơ chế côn và ly hợp, do đó chỉ cần bạn điều khiển xe không hợp lý là có thể dẫn đến "chết máy". Trường hợp này thì công suất của động cơ không đáp ứng được so với sự điều khiển tốc độ của bạn do đó máy sẽ dừng hoạt động. Khác với xe nam thì xe nữ sử dụng côn tự động, có nghĩa là nó được thiết kế để có các bộ ly-hợp linh hoạt phân phối tải của động cơ đến bánh sau một cách giới hạn nào đó khiến cho xe không bị chết máy khi bạn điều khiển không hợp lý.

Vậy thì...

Như vậy thì khi bạn vận hành một chiếc xe máy nữ, bạn sẽ thấy rằng cần phải lựa chọn hợp lý nhất thời điểm tăng tốc, sang số và giữ tốc độ hợp lý khi di chuyển trên đường. Tất cả những điều này nói thì dễ lắm, nhưng đòi hỏi bạn phải biết nghe và cảm nhận động cơ, sức vận hành và từng thời điểm khác nhau.

Đến khi nào đó, bạn đã tìm ra được quy luật về vận hành xe hợp lý nhất bạn sẽ thấy rằng chiếc xe bắt đầu tăng tốc độ cho đến khi đạt tốc độ ổn định thì nó hoàn toàn không bị khựng, giật trong một thời điểm nào cả.

Đường phố đông đúc, mạnh ai người đó đi ở các thành phố lớn thì càng cần thiết cho bạn cần chú ý hơn đến các phương thức điều khiển xe máy. Bất kỳ một khi tăng tốc, giảm tốc phụ thuộc vào tình huống điều khiển thì càng phải chú ý đến vận hành hợp lý bởi quá trình tăng tốc độ luôn là quá trình tiêu tốn nhiều nhiên liệu nhất.

Thói quen về sử dụng phanh

Đây chỉ là một thói quen về an toàn, nhưng cũng có chút cá biệt khi mà tôi nhớ lại câu chuyện về chiếc xe máy của tôi. Số là có lần có một người thân của tôi mượn xe đi xa, tôi thì không thích thú lắm chuyện cho một người có xe rồi mượn người khác chỉ vì lý do "cái xe mày nó tít mượn để đi cho thích", nhưng mà cái bản tính ngại mất lòng người khác nên cũng đành cho mượn. Ôi giời, khi xe hoàn chủ thì nó đã ọc ạch, may-ơ bánh sau vàng khè. Tra hỏi mãi người mượn mới nói "Xe bốc quá, cứ rà phanh cho nó chậm lại". Khổ(nhưng cũng sướng vì được khen xe đi ngon)! Đi trăm cây số mà rà phanh thì vừa ghì máy, vừa cháy may-ơ chứ còn gì nữa.

Vậy nên nếu như bạn có thói quen rà phanh khi di chuyển thì hãy bỏ qua thói quen không có lợi này nhé. Thực tế thì số người như trong ví dụ trên không phải là nhỏ bởi tôi đi trên đường mà thấy nhiều người đèn báo phanh sáng rực, nhìn chân là biết đang rà rà phanh. Ở đây không những làm giảm hiệu suất máy, tạo ma sát lớn giữa má phanh và may-ơ, tiêu tốn điện ắc quy (bởi đèn phanh hậu lấy điện từ ắc quy mà không từ bộ phát điện), mà tất cả điều đó gây tiêu hao nhiên liệu.

VỤN VẶT KHÁC VỀ CÁC THIẾT BỊ LÀM TIẾT KIỆM

Ở đâu đó người ta đã bán các thiết bị làm tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy. Tôi nghĩ rằng chúng chỉ có một chút bé tí xíu về lợi ích của nó mà thôi!

Lần đầu tiên là tôi thấy có một công trình khoa học gì đó nói rằng từ hoá hoặc phân cực xăng để tăng khả năng đốt cháy nhiên liệu ở ta. Tôi chẳng tin cho lắm! Việc đơn giản như lắp hai cực của một nam châm vĩnh cửu vào đường vận chuyển xăng sẽ làm chúng đốt cháy hết? Tại sao chưa thấy thế giới nói đến điều đó?. Hãy đọc thêm các bài ở phần Chú thích để thấy những vấn đề khác liên quan đến động cơ đốt trong.

Hay như lắp một bộ kích điện trước đường truyền vào bu-gi để tăng điện áp đánh lửa cho các xe 4 thì? Cũng nhảm nhí nốt. Một bu gi thiết kế tốt và còn sử dụng tốt - khe hở đảm bảo sẽ sinh ra một tia lửa, tia lửa này kích hoạt sự nổ nhiên liệu để tạo sự giãn nở đột ngột mà đẩy piston theo hướng giãn nở thể tích - thế thì việc tạo tia lửa to hay tia lửa to hơm một tí (mà cũng không đảm bảo rằng điện áp cao thì tia lửa điện sẽ xoè rộng hơn) có ích gì đâu. Đó là chưa kể đến sự lệch thời điểm nổ của thiết bị đó đem lại còn gây ra quá trình đánh lửa chậm hơn thời điểm cần thiết có thể làm giảm hiệu suất của động cơ. Do đó những phương thức này thì chỉ phù hợp với một số loại xe máy đời cũ với kiểu đánh lửa cổ điển dùng cơ, không nên sử dụng trong các loại xe máy hiện đại với hệ thống đánh lửa bằng điện tử như hiện nay.

TÓM LẠI LÀ...

Sau một hồi viết linh tinh, tóm lại là những thứ viết ở trên rất khó áp dụng nếu bạn không hứng thú tìm hiểu kỹ càng về chúng. Bạn nên tự tìm hiểu thêm để hiểu kỹ về nguyên lý hoạt động của một chiếc xe máy, từ đó sẽ thấy sử dụng chúng một cách bền nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất đối với bạn.

Tôi hi vọng rằng entry này gợi lên cho bạn được những hứng thú tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình một cách khoa học mà không dựa vào các phán đoán mang tính cảm tính, để rồi lại truyền lại sự cảm tính đó cho những người chưa hiểu bằng bạn, rồi tạo sự sai lầm trong nhận thức mà tôi gặp rất nhiều hiện nay.

Nếu bạn là người có thói quen khi đi đường nhìn thấy thằng nào nó vượt xe qua mặt mình rồi rồ ga vượt nó như một sự hiếu thắng thì entry này không phù hợp với bạn!

Và...nếu như bạn đã hiểu được cách vận hành sau khoảng vài tháng sau thì bạn nên đọc lại từ đầu tiên của mục này: Lúc đó bạn sẽ thấy lượng nhiên liệu tiêu hao cho chiếc xe máy của bạn đã giảm đi hay chưa (thấy không, phần đó không phải là vô nghĩa đâu, nó sẽ làm nản chí những người chỉ thích đọc hời hợt đấy), và có khi rằng lúc đó entry này đã dài gấp đôi hiện nay bởi vì tôi thường cập nhật vào các thắc mắc khi thấy người dùng tìm kiếm các khoá trên Internet dẫn đến bài viết này).

THAM KHẢO

1. Các trang tư vấn, hỗ trợ khách hàng của các hãng: Honda Việt Nam (phần tư vấn, phần câu hỏi thường gặp), Yamaha-motor Việt Nam, Suzuki Việt Nam, bạn cũng có thể tuỳ thuộc vào các xe của mình của hãng nào để có thể nhận sự hỗ trợ của các hãng đó.

2. Tài liệu hướng dẫn theo xe máy Future của Honda Việt Nam.

CHÚ THÍCH

1^. "Thì" hoặc là "kỳ" gì đó, tôi không biết từ nào dùng thông dụng hơn. Có vẻ người ta hay nói "động cơ 4 thì" nhiều hơn "động cơ 4 kỳ" (?!), tất nhiên là tuỳ vùng miền khác nhau.

2^. Công cơ học, mục từ trên Wikipedia tiếng Việt.

3^. Liệu Acsimet có thể nhấc bổng trái đất?, VnExpress theo Vật lý vui.

4^. Transmission (mechanics), mục từ trên Wikipedia tiếng Anh (en).

5^. Công suất, mục từ trên Wikipedia tiếng Việt.

6^. Lựa chọn chỉ số Octan phù hợp, Trọng Nghiệp, đăng trên VnExpress. (Bài này hợp cho xe hơi nhưng bạn có thể tham khảo để hiểu thêm và lựa chọn cho các xe máy của mình.

7^. Màu sắc phân biệt chất lượng xăng, Đài Loan, đăng trên VnExpress.

8^. Nguyên nhân sự kích nổ, Trọng Nghiệp, đăng trên VnExpress

9^. Lịch sử chỉ số Octan, Trọng Nghiệp, đăng trên VnExpress

10^. Acsimet - nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp cổ, KH (sưu tầm) đăng trên Khoahoc.com.vn.

11^. Nghệ An: Phát hiện 19 cơ sở gian lận xăng dầu, VnMedia theo DT, 11/8/2008.

XEM THÊM

Cách kiểm tra xe trước khi đi đường trường, Dân Trí, theo Long Châu (Autopro).

Trương Mạnh An (25/7/2008)

(Một số ảnh trong entry sử dụng từ: Website của Honda Việt Nam, Wikimedia Commons)

9/7/08

Ánh sáng đèn tuýp có gây cận thị?

Trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về các dụng cụ dùng để phát ra ánh sáng. Đến ngày nay thì dụng cụ phát ra ánh sáng là gì thì tôi không nhận biết rõ được, nhưng hiện tại thì tôi vẫn thấy nhiều người sử dụng “đèn tuýp”[1] (hay đèn huỳnh quang[2]).

Đèn tuýp đã là một sự phát minh khá hiện đại so với đèn bóng tròn sợi đốt trước đó, nó có chứa nhiều ưu điểm để người ta chuyển dần sang sử dụng nó, nhưng tôi thì lại thấy nó có một vàn vấn đề: chẳng hạn có khả năng gây ra cận thị(?), tại sao lại như vậy, và có thể sử dụng các thiết bị điện nào để thay thế nó?

(Lưu ý: Đây là những suy luận hoặc các lý giải của cá nhân tôi - Chúng có thể không đáng tin tưởng bởi chưa được kiểm chứng thực nghiệm hoặc nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng)

Cách đây một thời gian, tôi có về quê nội vào một buổi tối để vào nhà bà cô tôi vì một việc riêng. Từ xa, tôi thấy ánh sáng lù mù tưởng chừng như ở đây đang mất điện, nhưng không phải, bởi những nhà hàng xóm cũng đều có những ánh đèn mà ai cũng đoán là đèn điện, tức là đang có điện chứ không phải bị mất. Khi đến nhà thì tôi thấy cô tôi đang dùng một chiếc bóng điện sợi đốt (còn gọi với tên dân dụng là “bóng tròn”) có công suất khoảng chừng 25W. Cả nhà tối om như thắp đèn dầu hoặc nến vì một phần điện nông thôn rất “yếu” (điện áp ở người dùng cuối rất thấp) vì dây dẫn kém, một phần cũng vì ánh sáng kiểu đèn sợi đốt, phần nữa vì công suất chiếc đèn này là thấp so với một chiếc bóng đèn sợi đốt thông thường. Tôi hỏi “Sao cô dùng bóng đèn tối om thế này”. Bằng cái giọng chân thật, đặc sệt của miền quê này, cô trả lời rằng do bị hỏng chiếc đèn tuýp, mà mua nó giá thì đắt, nên chỉ mua tạm cái bóng này cho rẻ, mặt khác lại tiết kiệm. Khổ thật, đời sống hiện đại rồi mà vẫn phải chịu ánh sáng như thời đốt đèn dầu như vậy bao giờ. Lần sau tôi mua biếu cô một cái bóng đèn compact hiệu Rạng Đông của Việt Nam sản xuất, công suất của nó là 22W, nhưng hiệu suất khá cao, tương đương với các loại bóng đèn điện sợi đốt công suất 100W (đây là theo quảng cáo của nhãn sản phẩm).

Ở nhà tôi, tất cả các vị trí đều sử dụng loại bóng đèn compact. Trước đây thì toàn dùng bóng đèn tuýp, phần còn lại dùng đèn sợi đốt cho nhà tắm bởi vì nơi này chỉ cần một công suất thấp và có thể chịu đựng được hơi ẩm mù mịt vào mùa đông - khi mà mọi người đều tắm bằng nước nóng.

Phải nói rằng đèn tuýp đã được sử dụng khá lâu rồi, cũng khoảng tầm 15-20 năm hoặc nhiều hơn nữa ở gia đình tôi, còn ở miền Bắc Việt Nam thì thời gian còn lâu hơn nữa (những năm 197X tôi đã ngắm chiếc đèn kỳ lạ, rất sáng này ở nhà một người hàng xóm rất nhiều lần). Có lẽ đèn tuýp đã không được sử dụng phổ biến bởi vì giá thành của chúng khá đắt so với các bóng đèn sợi đốt hình tròn thông thường trong những thời điểm đó.

Một bộ đèn tuýp thời trước đây thường có cấu tạo từ các bộ phận chính: đèn, chấn lưu, và tắc te. Các tên gọi này hoàn toàn đơn thuần theo cách gọi của một địa phương ở miếng Bắc nơi tôi sống, chúng có thể được gọi theo cách khác ở các vùng miền khác (chẳng hạn như “tắc-te” là “chuột” ở miền Nam thì phải).

Khi mà nhiều người đã sử dụng đèn tuýp thì tôi có nghe thấy người ta nói rằng “dùng đèn tuýp dễ gây cận thị”. Tin này có vẻ hợp lý đối với tôi, nhưng tôi cũng chưa thấy nguồn nào khẳng định điều này một cách khoa học cả. Tất nhiên là tôi cũng không cố tình tìm hiểu thêm, mà chỉ đọc thông tin đó như một lời nói thoảng qua và phải thừa nhận vậy.

Tại sao tôi lại tin tưởng rằng bóng đèn tuýp có thể gây cận thị hoặc đại loại như là không có lợi cho mắt con người? Điều này hơi dài dòng một chút. Xuất phát có lẽ từ một lần tôi vung vẩy một chiếc đũa dưới ánh đèn tuýp. Tôi đã nhận thấy các vệt sáng và tối xen kẽ của bóng chiếc đũa di chuyển. Điều này không có gì khó hiểu bởi hiện tượng lưu ảnh của mắt con người, chính điều đó đã tạo ra loại hình phim chiếu bóng có sự chuyển động (gọi nó là video cho nó dễ hiểu, hic, tôi thường muốn dùng từ thuần Việt, nhưng thật khó) từ trước đây bằng cách thay đổi hàng loạt ảnh trong một khung nào đó như màn ảnh hoặc ti vi hiện nay.

Việc chiếc đũa tạo thành việt sáng-tối như vậy đã gợi cho tôi suy nghĩ rằng ánh sáng đèn tuýp sẽ có lúc sáng và lúc tối. Chính bởi vì hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc của con người nên chúng ta đã không nhận thấy điều này, nhưng nếu như sử dụng một máy quay phim tốc độ rất cao rồi phát lại với tốc độ rất chậm thì chắc chắn rằng hình ảnh của mọi vật dưới ánh sáng đèn tuýp sẽ có lúc sáng và lúc tối xen kẽ nhau.

Tôi bắt đầu đi tìm nguyên lý hoạt động của đèn tuýp (hôm nay, tôi lại tìm được một đoạn hỏi đáp khá hay và hợp lý cũng cùng với nhận thức của tôi về những điều này[3]) và nhận thấy rằng với loại đèn tuýp có sử dụng tắc-te thì ánh sáng của chúng sẽ không đồng đều liên tục bởi lý do chúng sử dụng lưới điện dân dụng xoay chiều có tần số 50 Hz. Hãy nhìn hình ảnh về hình sin dưới đây - lưới điện của chúng ta đang sử dụng cũng giao động như vậy đấy.

Biểu đồ hình sinh

Ở đây thì ta thấy rằng điện áp đã bị thay đổi liên tục với tần số 50 Hz, tức là dao động 50 chu kỳ trong một giây. Với một chu kỳ là một sự thay đổi mức điện áp từ điểm đầu cho đến khi nó lại trở về điểm đầu thì ta thấy rằng sẽ có 100 đỉnh nhọn như hình trong một giây (50 đỉnh ở nửa phía trên và 50 đỉnh ở nửa phía dưới theo như hình ảnh minh hoạ trên). Hình ảnh trên là một minh hoạ không đầy đủ về điều này, lẽ ra tôi phải vẽ lại chúng bằng cách chỉnh sửa lại hình, nhưng có lẽ rằng hiện nay tôi chưa đủ khả năng làm việc đó, nên nó chỉ có giá trị về mặt hình dung ra sự giao động của lưới điện chúng ta đang dùng mà thôi.

Theo tính chất làm việc của đèn tuýp, sự phát sáng (huỳnh quang) chỉ thực hiện khi mà giữa hai cực đối diện của đèn tuýp xuất hiện một hiệu điện thế lớn đến một mức nhất định. Không khó hiểu khi mà các tia tử ngoại chỉ có thể xuất hiện khi giữa hai cực của chúng phải có một điện thế đủ lớn để phát tia này. Bởi vì dòng điện của chúng ta hình sin như trên nên sẽ có một thời điểm mà giữa hai ống đèn của chúng sẽ thấp hơn giới hạn phát sáng của đèn tuýp có tắc te (hic, tại sao tôi cứ phải nhắc lại từ “có tắc te”, bởi vì loại đèn tuýp không có tắc te lại khác đấy, nó không bị hiện tượng này).

Như vậy, kết hợp với một giây đồng hồ, ở lưới điện tần số 50 Hz sẽ có 100 đỉnh nhọn như tôi phân tích trên thì có nghĩa rằng chúng đã có 100 lần điện áp giữa hai đầu đèn tuýp lớn hơn mức giới hạn để phát sáng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ sáng 100 lần trong một giây, và do đó mắt chúng ta không thể nhận biết được sự tắt sáng này. Để củng cố thêm điều này, tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong loại hình nghệ thuật chiếu bóng thì số lượt hình ảnh thay đổi chỉ có 24 hình/giây mà chúng ta cũng không thể cảm nhận được sự “giật giật” của hình ảnh.

Điều này có nghĩa là gì? Cái điều sáng tắt 100 lần trên một giây của đèn tuýp dùng tắc te ấy? Tôi nghĩ có thể điều đó làm cho mắt người thường xuyên làm việc dưới ánh đèn này có thể bị tổn hại. Tổn hại đến đâu thì tôi chưa rõ, bởi tôi không đủ khả năng và chuyên môn để tự nghiên cứu, mà đến lúc viết những dòng này thì tôi cũng chưa tìm được một công trình nghiên cứu nào về nó. Và, tôi đã nhớ đến ở đâu đó nói rằng đèn này làm cho người ta bị cận thị.

Trước đây tôi có đọc một số tài liệu của Liên Xô (cũ) rằng các hệ thống đèn kép (hai bóng song song) được thiết kế ở nước này đều phải sử dụng các linh kiện như tụ điện có điện dung cao (đảm bảo truyền dòng lớn) hoặc cuộn cảm (giống như chấn lưu dây quấn) để làm lệch pha điện áp cấp cho chiếc bóng còn lại để chúng có thể phát sáng bù cho khoảng tối của chiếc bóng thứ nhất. Hệ thống đèn kép này chứa nhiều linh kiện nên có giá thành cao, chắc rằng ở Việt Nam người ta đã làm đèn kép, nhưng chẳng có một công dụng như vậy - chúng chỉ đơn thuần làm tăng cường độ ánh sáng lên mà thôi.

Tuy không có các hệ thống đèn kép với các linh kiện cồng kềnh nhưng hiện nay đã có các loại “chấn lưu điện tử”. Bản chất loại chấn lưu này là dùng để thay thế cho loại chấn lưu dây quấn, chúng tạo ra các mức điện áp mồi cao rồi đặt giữa hai đầu bóng tuýp một hiệu điện thế ổn định ở điện áp một chiều đủ cao để đèn phát ánh sáng liên tục, hoặc tần số cao để số lần sáng trong một giây tăng cao lên rất nhiều so với mặc định.

Đèn compact mới được giới thiệu ở Việt Nam trong thời gian gần đây chính là một dạng biến thể của đèn tuýp sử dụng chấn lưu điện tử. Vậy nên cũng giống như đèn tuýp thông thường, chúng rõ ràng là có khả năng phát sáng tốt hơn nhiều so với loại bóng đèn sợi đốt thông thường. Nếu như bạn đang sử dụng loại bóng đèn sợi đốt, tôi hi vọng rằng bạn sẽ chuyển sang sử dụng đèn tuýp chấn lưu điện tử hoặc đèn compact.

(Dưới đây là một số hình ảnh về đèn compact đó).

Đèn compact

***

Trên thực tế thì đèn tuýp vẫn được sử dụng trong thiết kế nội thất cho các khoảng không gian rộng[4], tuy nhiên nếu như có thể dùng được đèn compact thì tôi khuyên bạn nên dùng loại đèn này với một gợi ý rằng bố trí chúng một cách nhiều hơn trên khoảng không gian ấy.

***

Chú thích:

1^. Chữ “tuýp” ở đây tôi không rõ rằng nó được xuất phát từ các từ ngoại nào, nhiều khả năng là tiếng pháp. Tôi gặp nhiều dụng cụ có ghép một từ “tuýp” vào, theo tôi cảm nhận thì có thể nó là tiếng Pháp, và ý nghĩa là một vật có dạng ống và dài. Chính vì vậy “đèn tuýp” ở đây tôi gọi là loại đèn dài, phát ánh sáng có màu gần giống với ánh sáng ban ngày (màu trắng).

2^. Huỳnh quang theo định nghĩa của từ điển Wiktionary tiếng Việt.

3^. Nguyên lý hoạt động của đèn tuýp?, hỏi đáp trên Yahoo! Hỏi và Đáp, tôi thấy nhiều thông tin khá hợp lý.

4^. Để sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện hiệu quả?, đăng trên Địa ốc online (theo PL.TPHCM)

8/7/08

Fn và các phím chức năng trên Laptop


Nhiều người có sử dụng máy tính xách tay (laptop) nhưng có thể ít chú ý đến một số phím chức năng mà bàn phím máy tính để bàn (desktop) không có. Có thể do mới chuyển qua sử dụng laptop, có thể do không chú ý đến chúng...nếu bạn từng chưa biết các chức năng đó thì bài này sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về sự thuận tiện của các phím chức năng này.

Những người sử dụng máy tính đều đã biết với các bàn phím (keyboard) thông thường của mỗi người đều có thể có một cách thiết kế thông dụng nhất theo chuẩn IBM PC, chúng có các loại bàn phím khác nhau: Ví dụ các loại bàn phím loại 83 phím (key), 84 key, 101, 102...107 key[3]

Trên các bàn phím chuẩn theo IBM PC, chúng ta thấy có một số phím chức năng như: ESC, F1, F2...F12, các phím Num Lock, PrtSc, Pause/Break, Ins...đã được dùng thông dụng. Tuy nhiên, đối với các loại máy tính xách tay thì bàn phím được thiết kế một cách nhỏ gọn nhất để có thể có một sự hài hoà giữa bàn phím, thân máy và kích thước màn hình (cũng có một số loại máy tính xách tay chuyên dụng hoặc có kích thước lớn, cho người sử dụng đồ hoạ thì có thể bàn phím có kích thước và vị trí tương tự như các loại bàn phím tiêu chuẩn theo IBM) do đó cách bố trí các phím trong các máy tính xách tay thường là khác một chút so với các bàn phím rời trên các hệ máy tính để bàn.

Fn và các phím chức năng riêng trên laptop
Bạn có nhìn thấy phím này hay không? Tôi đoán phần nhiều người đọc entry này dùng máy tính xách tay đều có thể dễ dàng nhìn thấy phím này (có thể một số loại máy tính xách tay không có phím này, và cũng có thể một số loại có nhưng được đặt dưới một tên khác).

Chắc bạn cũng biết chức năng của phím Shift trong chuẩn bàn phím IBM PC: Đó là khi bạn không đặc chế độ Caps Lock (đèn Caps Lock không bật sáng) thì bạn đang soạn thảo văn bản bằng chữ abc thường, khi bạn giữ phím Shift và bấm một phím nào đó thì văn bản của bạn sẽ biến thành chữ hoa ABC (và ngược lại, khi đang ở chế độ gõ toàn chữ hoa thì giữ phím Shift lại thành chữ thường. Ở đây chắc có nhiều bạn đã từng sử dụng các loại máy tính bỏ túi dùng cho phép tính cộng trừ? Nếu như đã từng dùng các loại máy tính bỏ túi thiết kế kiểu khoa học thì cũng có phím Shift như vậy.

Tại sao tôi lại nói đến phím Shift có vẻ chẳng liên quan gì ở đây nhỉ? Vâng, tôi muốn nói về nó để bạn có thể so sánh với phím Fn - bởi phím Fn cũng có chức năng tương tự. Có nghĩa rằng bạn bấm tổ hợp phím Fn và một phím khác nữa có dấu hiệu nhận biết riêng (khác nhau đối với một loại laptop khác nhau) thì chúng sẽ có công dụng giống như là bàn phím được thiết kế riêng nút đó dành cho chúng vậy.

Bàn phím Laptop IBM T60
(Hình minh hoạ: Bàn phím trên một máy tính xách tay hiệu IBM ThinkPad T60. Phím Fn ở dưới cùng, bên trái, các phím chức năng dùng với Fn có màu xanh giống như phím Fn)
Trên mỗi bàn phím thông thường, bạn có thể thấy rằng mỗi phím hầu như đã có hai công dụng (hầu như thôi nhé, chứ không phải toàn bộ): Chẳng hạn các phím ABC thông thường dành cho các ký tự thường và HOA (thông qua phím Shift, hoặc bấm nguyên nút Caps Lock), các phím dãy số 123... còn chức năng cho các ký tự !@#...các phím số ở phần Keypad thì còn có công dụng như các mũi tên: lên, xuống....

Tôi chú ý đến các phím chứ năng F: F1, F2, F3...đến F12, có lẽ rằng chúng là các phím chức năng dành riêng nên đã không sử dụng một ký tự thứ hai khi bấm phím Shift. Bạn thấy điều đó trên các bàn phím tiêu chuẩn thông thường hay không? Đúng quá đi chứ. Nhưng điều này thì đã không đúng với bàn phím của máy tính xách tay bởi vì chúng đã được gán thêm các chức năng khác thông qua phím Fn.


Đối với chiếc máy tính của tôi thì tôi đã nhận thấy có một số ký hiệu bằng màu xanh, tôi liệt kê ra như sau:
Phím F1: chữ màu xanh là: ? (dấu hỏi): Dùng thay cho chức năng Help. Hì, thật may mắn cho tôi rằng khi đã viết một loạt ra và suy đoán thì khi quay trở lại bấm thử từng phím một, khi bấm Fn+F1 thì nó hiển thị luôn một bảng sau đây lên trình duyệt web của tôi. Và tôi xoá đoạn vừa viết để sao chép một bảng chức năng đó ra đây:
Hot Key Function Description
Fn+F1 Hot key help Displays this help file.
Fn+F2 Acer eSettings Launch Acer eSettings Management. (Sử dụng cho một tính năng thiết đặt riêng của các máy tính hãng Acer, trước đây thì dùng nó, nhưng sau đó thì chẳng dùng bao giờ, có vẻ như nó dùng để thiết đặt tối ưu cho Windows và cài đặt các thông số trong Bios mà không cần phải thực hiện trực tiếp. Tôi thấy chức năng tối ưu ở đây với Windows thì chưa được hoàn hảo so với các kinh nghiệm của mình^^)
Fn+F3 Acer ePM Launch Acer ePower Management. (Sử dụng cho một tính năng quản lý năng lượng riêng của các máy tính hãng Acer)
Fn+F4 Sleep Puts the computer in Sleep mode, which can be defined via the advanced section of the Power Mangement Properties in the Windows Control Panel (Chuyển sang chế độ Sleep dành cho tiết kiệm điện năng chẳng hạn, tuy nhiên cách này thường thực hiện khi bạn đi ra ngoài, không sử dụng đến máy tính mà thôi.)
Fn+F5 Display toggle Switches display output between the notebook LCD, an external monitor and both the notebook LCD and external monitor. (Chuyển chế độ sang một ngõ hình ảnh đầu ra. Ví dụ như đầu ra thứ hai của bạn là một màn hình ngoài của laptop, hoặc một máy chiếu dùng cho thuyết trình với các dự án....chúng rất có ích đấy, nhưng cũng có vẻ bạn sẽ không dùng đến nó bao giờ)
Fn+F6 Screen blank Turns the LCD backlight off to save power; press any key to resume. (Bật hoặc tắt đèn backlight, nếu bạn ngồi trên máy tính thì hành động tắt đèn backlight là ngớ ngẩn, nhưng nếu như bạn lại dùng nghe nhạc thư giãn vào buổi trưa thì lại không ngớ ngẩn chút nào. Còn tôi, mỗi khi đi ra khỏi vị trí thì đều bấm tổ hợp Windows+L và bấm tổ hợp phím Fn+F6 để khỏi ai tò mò nhìn vào máy tính của mình, lại còn tránh được hiện tượng già bóng backlight một chút nữa chứ^^).
Fn+F7 Touchpad on/off Turns the internal touchpad on and off. (Rất quan trọng đối với tôi. Khi sử dụng chuột máy tính cắm ngoài thông qua cổng USB thì tôi dùng chứng năng này để tắt chế độ điều khiển chuột bằng Touchpad tích hợp sẵn trên máy tính xách tay. Nếu cần làm việc, đôi khi touchpad khiến cho tôi vô tình chạm vào chúng gây ra các tác động không mong muốn)
Fn+F8 Speaker on/off Turns the speakers on and off (Bật hoặc tắt chế độ loa của laptop cũng như khi sử dụng headphone)
Fn+F11 Number lock Turns on the numeric keypad on and off. (Bật tắt chế độ Number Lock)
Fn+F12 Scroll lock Locks and unlocks the scroll keys.
Fn+Right Arrow Brightness up Increases the screen brightness (Tăng độ sáng của màn hình laptop: Tôi thường dùng chúng khi sử dụng máy tính xách tay ở ngoài trời. Có nghĩa là tăng cho chúng được sáng hết cỡ. Thực chất việc điều chỉnh chúng chính là tăng độ sáng của đèn backlight thường thấy ở phía sau mỗi loại màn hình máy tính dạng tinh thể lỏng thông thường không sử dụng công nghệ OLED).
Fn+Left Arrow Brightness down Decreases the screen brightness (Giảm độ sáng của màn hình laptop. Với phím này tôi thường sử dụng giảm độ sáng tối đa mỗi khi sử dụng pin của laptop. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng tôi cảm nhận rằng chúng đã làm kéo dài được đôi chút thời gian sử dụng pin cho mỗi khi không thể sử dụng nguồn điện lưới)
Fn+Up Arrow Volume up Increases the volume. (Tăng âm thanh cho loa)
Fn+Down Arrow Volume down Decreases the volume. (Giảm âm thanh cho loa máy tính hoặc công suất đầu ra headphone. Chính cái tăng giảm này rất hay đối với tôi, bởi vì tôi đã dùng nó cho một cái earphone loại gắn sâu vào trong tai để có thể tận hưởng âm thanh mà không bị ồn nhiễu bởi bên ngoài. Tuy nhiên, trong một lúc nào đó lại phải điều chỉnh âm thanh to và nhỏ để có thể nghe được tiếng bên ngài - tôi thường dùng hai phím này - chúng thật hữu ích và thuận tiện.).
Euro Show Euro currency symbol (Hiển thị ký tự Euro, ký tự này rất hiếm trên các bàn phím chuẩn, do đó tôi lợi dụng để nhập mật khẩu một số trang web hoặc ngay chính đối với blog này^^)
$ Dollar Show Dollar currency symbol (Hiển thị ký tự USD, phím này có vẻ hơi thừa vì có một chức năng tương tự bằng cách bấm tổ hợp Shift+4)

Trong bảng trên cũng còn thiếu sự giải thích nguyên phần các phím chức năng cho trình nghe nhạc: Tôi còn thấy phím Play/Pause, Stop...dùng riêng cho Windows Media Player hoặc một trình nghe nhạc nào đó nếu nó tự tương thích.

Trong bảng trên thì tôi đã giải thích mộ số và nêu ra thủ thuật của tôi sử dụng đối với các phím đó. Tôi nghĩ rằng có thể ở bàn phím máy tính xách tay của bạn cũng có các phím tương tự. Vậy hãy tận dụng nó một cách triệt để nhé!.

Một số bàn phím khác


Bàn phím của laptop DELL Vostro có phím Fn bố trí như vị trí thông dụng, các chức năng phụ được in màu xanh trên các phím thông thường.



Bàn phím của laptop ASUS không in các chức năng phụ khác màu, tuy vậy vẫn có thể nhận biết các chức năng này tại vị trí phía dưới của các phím thông thường.

Keypad đi đâu?
Bây giờ thì tôi lại nhắc lại thêm một chút về cụm phím phía bên phải của một bàn phím chuẩn, thường quen gọi là cụm Keypad[4]: Nó đã không còn được xuất hiện nhiều trên các máy tính xách tay nữa (trừ các loại máy tính xách tay dành cho những người chơi game và xử lý đồ hoạ). Như vậy thì nó có bị mất đi không? Có gây khó khăn cho những người sử dụng thường xuyên nhập liệu với các con số bằng tay phải hay không.
Không, bạn có thể tìm một phím kiếu như Num Lock khác màu và kích hoạt chúng bằng phím Fn (bấm đồng thời Fn+NumLock). Ở chiếc máy xách tay hiệu Acer của tôi thì toàn bộ phần Key pad được nằm ở cụm phím phía phím U dọc xuống đến J, N.

Tất nhiên là Keypad này thì không thể thuận tiện bằng chính các loại bàn phím tiêu chuẩn để có thể thoải mái gõ theo thói quen. Nhưng nếu bạn chưa biết nó thì bây giờ đã biết nó thì vẫn còn hơn là phải bấm theo hàng dọc phía trên một cách chẳng thuận tiện một chút nào.
Nếu quả thực rằng bạn khó sử dụng loạt phím Keypad bởi chúng không được thẳng hàng giống như các phím chuẩn thì vẫn có thể mua một phần phím keypad gắn ngoài (không phải toàn bộ keyboard, mà chỉ gồm phần này riêng lẻ thôi) để tiện sử dụng với laptop của mình.
Các phím chức năng khác nữa
Ngoài các phím ở trên thì máy tính xách tay còn có các phím chức năng khác được thiết kế riêng biệt, chúng không dùng chung với Keyboard thông thường mà có vẻ như thiết lập ở một hàng riêng. Không phải chỉ có hãng Acer mới dùng vậy, mà tôi thấy trên nhiều phím khác cũng có các loại phím này. Một đặc điểm dễ nhận thấy là các phím/nút này nằm riêng biệt/tách rời khỏi phần bàn phím, điều đó có nghĩa rằng các bàn phím nếu bị hư hỏng thì có th.

Tuỳ theo các hãng sản xuất máy tính xách tay khác nhau, hoặc ngay trong cùng một hãng như có các loại model máy khác nhau sẽ thiết kế các phím này khác. Tôi ví dụ như ở chiếc Acer của tôi đang dùng thì có các phím sau:
  • Một phím có biểu tượng hình chữ e viết thường: Dùng cho "Acer Empowering Technology" (công nghệ riêng và độc quyền của hãng Acer)
  • Một phím có hình bức thư: Dùng cho phần mềm quản lý email tại chính máy tính của tôi (client): Ví dụ Outlook Express tích hợp sẵn trên Windows (hoặc Microsoft Outlook trong bộ Microsoft Office).
  • Một phím có hình trái đất: Dùng cho khởi động công nghệ riêng của Acer (Acer Empowering Technology)
  • Một phím có hình chữ P: Dành tuỳ biến cho khởi động một phần mềm nào đó do bạn lựa chọn.
  • Một phím có logo Bluetooth: Dùng bật hoặc tắt bluetooth.
  • Một phím dùng cho tắt hoặc bật wifi.
  • Và...không thể thiếu được phím nguồn điện - nó tựa như phím Power trên các máy tính để bàn vậy: Vì máy tính xách tay thường không có nút RESET như các loại máy tính để bàn nên nhiều khi phím này cũng thuận tiện cho bạn trong trường hợp xung đột phần mềm, virus hoặc cái gì đó làm cho máy tính treo đơ. Tất nhiên là đừng làm dụng nó nhé.
Không phải các phím chức năng riêng này có thể tự hoạt động sau khi bạn cài đặt Windows (trừ các phiên bản Windows OEM được dành cho những nhà sản xuất phần cứng tích hợp sẵn vào trong máy tính thì có thể tự chứa phần mềm điều khiển này), còn lại bạn phải cài đặt thủ công phần mềm điều khiển phím tắt hoặc các phím chức năng nếu muốn sử dụng chúng. Phần mềm này có thể đã chứa sẵn trên đĩa CD/DVD bán kèm với máy tính của bạn.
Phần mềm Launch Manager được cài trên một số máy tính của Acer cho phép tuỳ biến chức năng các phím tắt phù hợp với các laptop này. Phần mềm này sau khi cài đặt cũng kích hoạt toàn bộ các tác dụng của phím Fn. Mỗi khi cài đặt lại Windows cần chú ý cài đặt lại phần mềm này (chỉ trên một số đời máy của Acer, các máy khác có phần mềm tương tự tương thích).

Tất nhiên, đây chỉ là chiếc máy tính xách tay của tôi, còn của bạn nó sẽ có thể khác rất nhiều đấy, phần liệt kê này chỉ đưa ra như một sự dẫn chứng mà thôi. Cho dù máy tính của bạn có các phím nào thì hãy chú ý và khai thác mọi khả năng của nó bạn nhé!.

Chú thích:

1^. Phím vô dụng nhất trên bàn phím?, trên vozForums.com, (chú ý phần thắc mắc của DrCrazzzy: Không biết phím Fn là gì, đó cũng có thể như bạn - nếu bạn chưa biết, thực chất thì nhiều người cũng không biết điều đó, nhưng có điều họ ngại không dám hỏi mà thôi^^. Tôi thì có nhiều sự ngược lại khi tham gia các diễn đàn: Biết nhưng giả vờ không biết để hỏi, lúc đó có thể còn nhận được kinh nghiệm mở rộng hơn so với những gì mình đã biết)
2^. Bàn phím laptop phải nhấn Fn mới gõ được chữ (2), VnExpress, 03/7/2006.
3^. IBM PC keyboard, mục từ trên Wikipedia tiếng Anh.
4^. Keypad, mục từ trên Wikipedia tiếng Anh: Chú thích này chủ yếu giải thích tại sao gọi phần bên đó là Keypad đối với entry này.
Lưu ý:
  • Toàn bộ entry này được sử dụng chiếc máy tính xách tay của chính tôi cho việc dẫn chứng, minh hoạ. Nó không thể đúng với chiếc máy tính mà bạn đang có, nhưng có giá trị minh hoạ giúp bạn biết có một số phím chức năng như vậy.
  • Một số hình ảnh sử dụng trong entry này được lấy từ Wikimedia Commons. (kho chứa tập tin dùng chung, bạn cũng có thể đăng ký thành viên và gửi ảnh lên đó để cùng chia sẻ với mọi người, nhất là có thể đưa ảnh Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế^^).
Trương Mạnh An (7/2008)

5/7/08

Vỏ máy tính (computer case)

Vỏ máy tính (computer case) là một thiết bị dùng gắn kết và bảo vệ các thiết bị phần cứng trong máy tính. Vỏ máy tính có nhiều thể loại khác nhau, các thiết kế riêng biệt của vỏ máy tính đã tạo ra các sự khác biệt của các hãng máy tính khác nhau và các model khác nhau trong cùng một hãng.

Mặc dù gồm nhiều thể loại, hình thức khác nhau như thế nhưng bài này mới chỉ chú trọng đến các loại vỏ thuộc thể loại có thể được bán rời như một linh kiện độc lập. Với mong muốn rằng chia sẻ những kinh nghiệm về thứ linh kiện khá quan trọng trong máy tính nhưng lại thường không được chú ý bởi những người sử dụng nên tôi đã viết bài này, hi vọng bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của nó. Thông qua những tính chất cần thiết hoặc các phân tích đánh giá thì bạn nên lưu ý đến các đặc điểm này khi lựa chọn cho mình các loại vỏ máy tính phù hợp và hợp lý.

PHÂN LOẠI VỎ MÁY TÍNH

Vỏ máy tính cá nhân (PC) thường được chia thành các loại thông dụng như sau:

  • Full-tower: Loại đứng, đặt trên bàn hoặc trên mặt đất có kích cỡ lớn
  • Mid hoặc mini-tower: Loại vỏ máy đứng kích cỡ trung bình hoặc thấp.
  • Desktop: Loại vỏ nằm, đặt trên mặt bàn, có thể đặt màn hình lên trên vỏ.
  • Low-profile: Loại thanh, mỏng, nhỏ gọn. Loại này thường được thiết kế cho các máy tính cá nhân nguyên chiếc.

Các loại vỏ máy tính khác như: hệ thống máy tính, máy chủ, siêu máy tính...có các đặc trưng riêng đối với từng thể loại và không được bán sẵn trên thị trường, chúng được thiết kế riêng (do sự riêng biệt của chúng nên không được đề cập đến trong bài viết này).

Thị trường hiện nay có rất nhiều loại vỏ máy tính cho người dùng lựa chọn, các vỏ máy tính phổ thông thường có giá thành thấp (từ 15-30 USD) cho đến các loại vỏ máy tính cao cấp với giá cao (đến trên 300 USD tại thời điểm năm 2008).

YÊU CẦU VỎ MÁY TÍNH

Case_minhlinh36
Hình: Mặt trước một vỏ máy tính được tháo lớp mặt nạ bảo vệ

Vỏ máy tính cần đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

- Đủ cứng vững để đảm bảo chịu lực va đập (ở mức độ thấp) từ mọi hướng; không làm tác động lực đến các thiết bị bên trong khi di chuyển máy tính. Chịu được sự rung động nội tại phát ra từ các thiết bị gắn bên trong như: Các loại quạt tản nhiệt, các thiết bị có động cơ điện (ổ cứng, ổ đĩa quang...).

- Có các vị trí để gắn các thiết bị trong máy tính: Nguồn máy tính, bo mạch chủ, các loại ổ đĩa quang, ổ đĩa cứng, ổ đĩa mềm (hoặc ổ ZIP, nhưng hiện nay hai loại ổ này ít được sử dụng và dẫn biến mất), các thiết bị ngoại vi.

- Có khả năng thông gió tốt, có thể trang bị các quạt làm mát ở một số vị trí tuỳ thuộc vào bo mạch chủ.

- Có khả năng tiếp nhận nhiệt từ các thiết bị và tản nhiệt ra môi trường theo các hình thức khác nhau, đặc biệt vỏ máy tính không được là nơi tích trữ nhiệt nên không nên chế tạo bằng các vật liệu khó có khả năng tản nhiệt (như nhựa, gỗ, mika...)

- Có khả năng hạn chế sự thâm nhập của côn trùng và bụi vào trong máy tính.

- Hạn chế tiếng ồn lọt ra ngoài.

- Có gắn sẵn các thiết bị tối thiểu:

  • Nút Power (tiếp điểm mềm hoặc cứng) để khởi động máy tính.
  • Hai loại đèn LED để báo hiệu chế độ hoạt động của nguồn điện trong bo mạch chủ và chế độ làm việc của các ổ cứng, ổ quang.
  • Loa báo hiệu của máy tính. (Hiện nay một số case có thể bị thiếu loa dùng phát mã bíp khi khởi động của máy tính, nếu như không có một chiếc loa nhỏ tuy rằng không ảnh hưởng đến quá trình làm việc của máy, nhưng lại không thuận lợi cho quá trình chuẩn đoán lỗi và sửa chữa).
  • Có thể có nút Reset để khởi động lại hệ thống khi gặp lỗi cần reset lại chế độ làm việc của phần cứng (một số máy tính chuyên chiếc của các hãng sản xuất không sử dụng nút này)

ĐẶC ĐIỂM THIẾT KẾ

Để đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của vỏ máy tính, các thiết kế vỏ máy tính của các nhà sản xuất khác nhau rất ảnh hưởng đến quá trình làm việc của hệ thống máy tính.

Kích thước vỏ máy tính

Kích thước các bo mạch chủ để lắp ghép phù hợp với vỏ máy tính
Kích thước của các loại bo mạch chủ ảnh hưởng đến kích thước vỏ máy tính

Tuỳ theo các hệ thống máy tính khác nhau mà có sự thay đổi về kích thước vỏ máy tính. Nếu như chỉ chia ra thành hai loại: Máy tính được thiết kế riêng biệt, do các hãng sản xuất phần cứng thiết kế và lắp ráp mọi chi tiết (thường gọi là "máy đồng bộ") và loại máy tính được người sử dụng tự lắp ráp từ các linh kiện riêng lẻ.

Đối với các loại máy tính đồng bộ, vỏ máy tính thường nhỏ gọn, có kích thước phù hợp với bo mạch chủ trong máy tính. Các loại vỏ máy tính này thường được nhà sản xuất đặt hàng riêng phù hợp với tùng loại modem của máy tính mà hãng sản xuất định công bố, do đó các loại vỏ này thường không xuất hiện trên thị trường. Loại vỏ máy tính này thường khó khăn đối với việc tháo thay thế hoặc sửa chữa các linh kiện bên trong bởi chúng thường tận dụng tốt các luồng gió ra và vào thùng máy một cách hợp lý để tản nhiệt nhiều thiết bị đồng thời. Chúng ta có thể thấy có những máy tính kiểu này không dùng quạt tản nhiệt cho CPU hoặc không dùng cho nguồn máy tính bởi vì chúng dùng chung một luồng di chuyển không khí để tối ưu về kích thước.

Trái lại với thiết kế vừa đủ của các loai vỏ máy tính hàng hiệu nêu trên thì loại vỏ máy tính được bán ra thị trường lại thường có kích thước lớn. Nguyên nhân chủ yếu của chúng là sự phù hợp với đa số các kích thước bo mạch chủ đương đại - tức là các loại bo mạch chủ theo chuẩn ATX hoặc BTX.

Vật liệu chế tạo

Vỏ máy tính thường được chế tạo bằng tổng hợp nhiều loại vật liệu khác nhau tại các vị trí khác nhau. Chiếm đa phần nhất là thép để chế tạo các khung chính; các tấm đỡ và khoang ổ cứng, ổ quang; tấm đỡ định vị bo mạch chủ; phần mặt sau và phần trong của mặt trước.

Vỏ phần hai mặt bên: Chế tạo bằng tôn với các loại vỏ máy tính thông thường, bằng hợp kim nhôm đối với các vỏ máy tính chất lượng cao.

Mặt trước đa phần được chế tạo bằng nhựa. Đối với một số loại vỏ máy tính mặt trước được cấu tạo bằng lưới hoặc tấm hợp kim nhôm.

Phần vỏ ngoài của vỏ máy tính thường được sơn bằng công nghệ sơn tĩnh điện để đảm bảo về thẩm mỹ và chống gây rò rỉ điện ảnh hưởng đến người dùng.

Một số loại vỏ máy tính được cấu tạo bằng các vật liệu khác như mi ca ở toàn bộ vỏ ngoài (hoặc một phần) nhằm tạo ra sự độc đáo, giúp người dùng có thể nhìn xuyên vào bên trong máy tính, tuy nhiên vật liệu này thường không đủ các điều kiện về cứng vững và tản nhiệt, các loại vỏ máy tính kiểu này chỉ có giá trị về hình thức.

Trong một số trường hợp đặc biệt, một số phần của vỏ máy tính có thể được chế tạo bằng các loại vật liệu khác thường như: gỗ, thuỷ tinh...

Tính chất cứng vững

Bên trong một vỏ máy tính đạt tiêu chuẩn
Các cạnh bo tròn làm tăng độ cứng vững của các khay chứa đĩa 3,5 và 5,25"
Vỏ máy tính cần phải có tính cứng vững để đảm bảo định vị tốt các thiết bị bên trong. Đối với các ổ cứng, ổ đĩa quang và ổ mềm có thể không cần đến sự cứng vững bởi bản thân chúng đã có thể chịu đựng sự va đập nhưng đối với các bo mạch (bo mạch chủ cũng như các bo mạch mở rộng khác) cần yêu cầu sự cứng vững của vỏ máy tính bởi tính chất này có thể làm ảnh hưởng đến chúng. Nếu vỏ máy tính có thể bị biến dạng hoặc bị vặn vẹo thì các bo mạch đang được định vị chắc chắn vào chúng sẽ bị vặn xoắn dẫn đến hư hỏng. Một mặt khác, đa số các bộ xử lý hiện nay đều toả nhiều nhiệt, cần dùng đến các bộ tản nhiệt đồ sộ (chứa nhiều đồng hoặc thậm chí có các bộ tản nhiệt bằng đồng nguyên khối) hoặc các chipset cầu bắc và cầu nam đều được tản nhiệt kết hợp với các bo mạch đồ hoạ cao cấp rất nặng nề - Tạo ra tổng thể hệ thống thiết bị trên bo mạch chủ khá nặng, nếu như tấm định vị bo mạch chủ không đủ cứng vững sẽ làm uốn vặn, gây đứt mạch dẫn đến hư hỏng sau một thời gian sử dụng.

Sự vững chắc của hệ thống còn giúp chống lại các rung động phát ra từ các quạt tản nhiệt của hệ thống, nếu chiều dày các tấm kim loại của vỏ máy tính quá mỏng cũng có thể tạo nên sự rung động (dù rất nhỏ) cho hệ thống, điều này cũng không có lợi cho thiết bị.

Quan sát phần bên trong của vỏ máy tính ta thường thấy kiểu thiết kế bo tròn ở các mép thành kim loại, cách thiết kế này giúp cho hệ thống cứng vững hơn, mặt khác chúng còn giúp sự tháo lắp dễ dàng và không làm tổn hại đến tay người thao tác và thiết bị được tháo lắp.

Sự chính xác khi lắp ráp thiết bị

Sự chính xác khi chế tạo vỏ máy tính khi lắp ráp các bo mạch chủ và bo mạch mở rộng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị này. Bởi việc sản xuất vỏ máy tính bằng các phương thức khác nhau: tự động, bán tự động hay thủ công đều có thể dẫn đến việc chế tạo thiếu chính xác.

Khi các vị trí bắt ốc định vị bo mạch chủ vào vỏ máy tính không chính xác có thể dẫn đến bo mạch thường xuyên bị uốn vặn về một chiều nào đó trong quá trình định vị vỏ máy tính. Thông thường các vị trí định vị bo mạch chủ vào vỏ máy tính đã được chuẩn hoá kích thước, tuy nhiên do quá trình chế tạo hoặc do sự hoạt động thì chúng có thể bị sai lệch. Nhằm phòng tránh sự sai lệch gây lên sự uốn vặn các bo mạch chủ thì việc định vị giữa chúng ở một số vị trí được sử dụng bằng bộ bu lông hoặc các giá cài bằng nhựa dẻo.

Nếu các bo mạch mở rộng (bo mạch đồ hoạ, bo mạch âm thanh...) được gắn với bo mạch chủ nhưng việc định vị chúng vào thành sau của vỏ máy tính (bằng ốc vít hoặc bằng nẫy) thiếu chính xác sẽ gây ảnh hưởng đến bo mạch chủ và các bo mạch gắn kết này.

Lưu thông gió và tản nhiệt

Bên trong vỏ máy tính là các thiết bị sẽ sinh ra nhiệt, các nguồn nhiệt có thể phát ra từ: CPU, chipset cầu bắc, chipset cầu nam, RAM, ổ cứng, các transistor nguồn của bo mạch chủ...Do đó vỏ máy tính cần có khả năng lưu thông gió để làm mát các thiết bị toả nhiệt này. Nếu sự lưu thông gió không đảm bảo tốt, khi máy tính làm việc bên trong thùng máy sẽ tăng dần nhiệt độ, dẫn đến hệ thống làm việc không ổn định và gây giảm tuổi thọ các thiết bị gắn bên trong thùng máy.

Để đảm bảo thoáng và chống bụi thì mặt trước của vỏ thường thiết kế các lưới thoáng và có tấm mút lọc bụi (khay 5,25''). [Nguồn ảnh]

Sự lưu thông và quá trình làm mát trong thùng máy không thể thực hiện theo chế độ tự nhiên, các vỏ máy tính thường được thiết kế từ một, hai quạt trở lên và gắn ở các vị trí khác nhau tuỳ theo thiết kế của thùng máy và chuẩn của bo mạch chủ.

Thông thường nhất, vỏ máy tính được thiết kế với cách bố trí các quạt, ống dẫn gió, ô thoáng...như sau:

  • Quạt phía sau: Đa số các vỏ máy tính được thiết kế một quạt phía sau vỏ máy, quạt này có hướng gió thổi ra ngoài và sử dụng quạt kích cỡ 120 mm hoặc nhỏ hơn (ví dụ sử dụng loại 80 mm).
  • Quạt phía trước vỏ máy: Một (hoặc hơn) quạt thổi vào từ phía trước của vỏ máy tính qua các khoang gắn ổ cứng vừa có tác dụng làm mát ổ cứng, vừa có tác dụng định hướng luồng gió lưu thông.
  • Ống hút gió cho CPU: Bắt đầu xuất hiện ở các vỏ máy "kiểu 38°" (vỏ máy tính đảm bảo nhiệt độ bên trong thùng máy luôn là 38 độ), ống hút gió lấy gió trực tiếp từ bên trái vỏ máy tính cấp trực tiếp cho CPU thông qua sức hút của quạt làm mát CPU (quạt chuẩn thổi theo hướng vuông góc với bo mạch chủ).
  • Các khe, lỗ thoáng, lưới hút gió: Không thể thiếu đối với các vỏ máy tính, khi có sự lưu thông cưỡng bức gió trong hệ thống thì phải có các vị trí để định hướng luồng gió đi vào bên trong hệ thống.

Đối với các vỏ máy tính không lưu tâm đến sự định hướng luồng gió lưu thông, gió sẽ được hút vào từ mọi khe có thể: tại chính các khe trống của cụm cổng vào/ra của bo mạch chủ phía sau hệ thống, cũng có thể len lỏi qua khe trống của ổ đĩa mềm hoặc ổ đĩa quang...làm cho các thiết bị này xuất hiện nhiều bụi, nhanh kém chất lượng hoặc hư hỏng.

Các khe thoáng được thiết kế tối ưu ở phía dưới và gần các thiết bị toả nhiều nhiệt để thuận lợi cho quá trình lưu thông gió (theo tính chất: không khí nóng luôn có xu hướng đi lên phía trên) do đó thường ở các vị trí:

  • Khe ở bên trái thùng máy: Gần dịch về phía trước: nơi bố trí các ổ cứng và gần chipset cầu nam.
  • Khe hoặc lưới phía trước vỏ máy tính: Bố trí phía dưới - gần vị trí lắp ổ cứng.

Sự thuận tiện khi tháo lắp các thiết bị

Các hãng sản xuất máy tính nguyên chiếc thường không mong muốn người sử dụng tháo vỏ máy tính để có thể thao tác mà họ cho rằng có thể gây hại cho máy tính, cũng có thể do điều đó mà cá vỏ máy tính của các hãng sản xuất thường không tạo ra sự thuận tiện cho người sử dụng thay đổi thiết bị, hoặc nâng cấp, kết hợp với các điều kiện thiết kế tối ưu khác nên các vỏ máy tính loại nguyên chiếc khi tháo lắp thiết bị thường phức tạp và không thuận tiện.

Với các hãng sản xuất vỏ máy tính đơn lẻ, họ coi người sử dụng là người am hiểu về máy tính, sẵn sàng mua từng thiết bị để lắp ráp và đặc biệt là phù hợp với khả năng "đôn độ" của những người ép xung máy tính (overclocker).

Để thuận tiện cho việc tháo lắp các thiết bị và thao tác vào bên trong hệ thống, các thiết kế có thể là:

  • Tạo thuận lợi cho việc tháo vỏ máy thuận tiện nhất: Chỉ cần tháo tấm chắn bên trái của vỏ máy tính thông qua các ốc vít có thể vặn bằng tay.
  • Dễ dàng thay thế các bo mạch mở rộng bằng cách thay các ốc vít định vị truyền thống bằng các nẫy bẩy bằng nhựa hoặc kim loại đàn hồi.
  • Dễ dàng thay thế các ổ cứng, ổ CD bằng cách thay thế ốc vít định vị bằng các nẫy gạt và có thể thay đổi hướng rút của khoang ổ cứng ra phía bên trái thay cho thiết kế truyền thống về phía sau.

Vỏ máy tính thiết kế mở rộng tính năng

Nhằm hấp dẫn người dùng, các hãng sản xuất đã thiết kế các vỏ máy tính với nhiều tính năng cộng thêm ngoài các tiêu chuẩn thông thường.

  • Hiển thị nhiệt độ và điều khiển tốc độ quạt: Loại này có một màn hình LCD nhỏ ở phía mặt trước có chức năng hiển thị một số thông tin: Nhiệt độ bên trong thùng máy (thông qua một sensor cảm biến nhiệt của vỏ máy tính), tốc độ quạt của thùng máy, chế độ chuyển dữ liệu của ổ cứng và ổ quang (thông qua tín hiệu đèn của máy tính)...vỏ máy loại này có thể thiết lập để giữ nhiệt độ thùng máy ở một thông số nào đó do người dùng thiết đặt do sự điều khiển tốc độ quạt lưu thông gió của vỏ máy tính.
  • Vỏ máy tính có khả năng điều khiển từ xa: Một số loại vỏ máy tính có gắn một mạch điều khiển và một thiết bị điều khiển từ xa (hồng ngoại, giống như các thiết bị điều khiển từ xa dân dụng thông thường) cho phép điều khiển từ xa một số tính năng trong hệ điều hành họ Windows. Chức năng có thể là khởi động/tắt máy tính, điều chỉnh âm thanh, điều khiển một số chức năng khác thông qua phần mềm cài đặt trong hệ điều hành. Sự hoạt động của chức năng điều khiển từ xa được thông qua giao tiếp USB kết nối với bo mạch chủ.
  • Vỏ máy bảo mật với khoá chống trộm: Loại vỏ máy được tích hợp sẵn các khoá để khoá vỏ máy tính với một vật cố định nào đó (như bàn làm việc), đây là một trong các biện pháp bảo mật vật lý cho hệ thống máy tính ở nhà cũng như ở các doanh nghiệp.

THAY ĐỔI THIẾT KẾ VỎ MÁY TÍNH

Quạt 120 mm phía sau của vỏ giúp lưu thông không khí ra ngoài thuận tiện hơn
Lắp quạt lớn hơn, sử dụng bìa nhựa cứng để điều chỉnh luồng gió là các cách thay đổi làm tăng hiệu quả giải nhiệt

Một số người sử dụng luôn mong muốn hệ thống máy tính cá nhân của mình được hoạt động tốt hơn, có thể họ là những người ép xung muốn tăng tốc hệ thống nên muốn giải quyết các vấn đề về giải nhiệt hoặc chỉ đơn thuần là người sử dụng muốn hệ thống làm việc ổn định hơn hoặc muốn tạo ra một sự lạ mắt, khẳng định sự độc đáo của máy tính thông qua việc sửa đổi thiết kế các vỏ máy tính của mình.

Những sửa đổi vỏ máy tính thường được thực hiện trước khi lắp ráp các thiết bị, linh kiện rời rạc vào vỏ máy tính. Các hành động này (thường gọi là mod) thường đã được thực hiện như sau (phần dưới đây chỉ liệt kê những sự sửa đổi thường gặp, Wikipedia không khuyến khích điều này)

* Làm tăng sự lưu thông gió: Tạo ra các khe, lỗ để lưu thông gió hoặc lắp thêm quạt lưu thông gió, thường gặp nhất là việc khoét lỗ tại phần trên cùng của vỏ máy tính để lắp quạt thổi gió ra ngoài ở vị trí không khí nóng dễ tập trung nhất.

  • Tại vị trí ngang hông trái cũng được người sử dụng khoét lỗ để lắp thêm một (hoặc hơn) quạt thổi gió trực tiếp vào bo mạch chủ, vị trí có thể tương ứng với vị trí của bo mạch đồ hoạ hoặc chipset cầu nam.
  • Phần phía mặt trước của vỏ máy tính thường được thay thế một nắp che khoang gắn ổ quang còn trống bằng một hệ quạt thổi gió vào phía trong. Hệ quạt thổi này có thể sử dụng bằng các bộ ghép ổ cứng có quạt làm mát thổi trực tiếp theo chiều ngang.

* Thay đổi ngoại hình tạo ra sự độc đáo: Nhiều người sử dụng đã sửa đổi hoặc thay thế các nắp chắn phía trước và nắp trái của vỏ máy tính nhằm tạo ra sự độc đáo riêng của vỏ máy tính. Họ có thể thay thế tấm thép (hoặc hợp kim nhôm) bằng các tấm mica trong suốt để có thể nhìn thấy phần bên trong (có nhiều loại vỏ máy tính nguyên bản cũng thực hiện điều này khi thiết kế và bán ra thị trường), việc sửa đổi này đơn thuần chỉ giúp tạo sự độc đáo mà thường ít có ý nghĩa cải tiến hệ thống bởi chúng làm giảm bớt sự tản nhiệt của vỏ máy tính ra môi trường bên ngoài (đặc tính tản nhiệt của các vật liệu khác kém hơn nhiều so với kim loại).

* Bố trí sắp xếp lại cách lắp đặt các thiết bị: Cách bố trí lại vị trí các thiết bị có thể gồm rất nhiều phương thức khác nhau, thông thường là các cách:

  • Thay đổi vị trí của nguồn máy tính.
  • Thay đổi việc lắp ổ cứng lên khay gắn ổ CD/DVD để thuận tiện cho quá trình làm mát hoặc tạo ô trống đặt các thiết bị tản nhiệt nước cho hệ thống (bơm, thùng chứa dung dịch...)

* Trang trí nội thất bằng các loại đèn UV và ống dẫn nước làm mát UV: Rất nhiều người đã trang trí phần bên trong của máy tính bằng các loại đèn màu, quạt có đèn màu, đèn UV, đèn ống...cách này chỉ tạo ra sự độc đáo mà không giúp hệ thống hoạt động tốt hơn.

* Chế tạo và lắp đặt các thiết bị phía trước của vỏ máy tính: Các nắp đậy cho khoang chứa ổ quang là nơi tốt nhất để có thể chế tạo các thiết bị mở rộng (bán sẵn hoặc tự chế), thông dụng nhất là các hệ thống mở rộng các cổng giao tiếp, hệ thống điều chỉnh tốc độ quạt hoặc các đầu đọc thẻ nhớ đa năng.

MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU

Các thương hiệu

Có rất nhiều thương hiệu vỏ máy tính khác nhau, tuy nhiên không phải thương hiệu nào cũng thành công trên thị trường chung. Ở Việt Nam thì người sử dụng vẫn thường lựa chọn các loại vỏ không có thương hiệu rõ ràng, nhưng xét trên thị trường lớn hơn thì các loại thương hiệu sau thường được nhắc đến: Ahanix, Antec, AOpen, Chieftec, Cooler Master, Ever Case, Foxconn, Gigabyte Technology, HEC Compucase, IXIUM, Lian Li, NZXT, OrigenAE, Raidmax, Shuttle Inc., SilverStone Technology, Thermaltake và Zalman.

Bản thân tôi đang sử dụng một vỏ máy tính hiệu Cooler Master (như hình minh hoạ về quạt phía sau vỏ máy tính ở trên). Lý do lựa chọn bởi vì chúng có thiết kế tốt và giá thành khá hợp lý so với mức hiệu năng của nó mang lại cho hệ thống của tôi: Tôi không chọn một vỏ máy quá hầm hố để phải chi phí nhiều cho nó, nhưng lại hiệu quả bởi thiết kế mặt lưới thoáng hoàn toàn ở phía trước của vỏ máy tính nhằm đem lại sự lưu thông gió tối ưu. (Giá thành chiếc vỏ máy tính này khá rẻ, vào khoảng 54 USD theo thị trường Hà Nội năm 2006).

Các loại vỏ máy tính noname ở Việt Nam

Cũng giống như đã đề cập đến trong entry nguồn máy tính", hiện nay ở Việt Nam có các loại vỏ máy tính (cùng các loại nguồn máy kèm theo) có thương hiệu chưa được nổi tiếng hoặc chưa được đảm bảo yêu cầu về thiết kế vỏ máy tính. Cũng như bài đó, tôi cũng tạm gọi loại vỏ này là "noname" - giống như cách gọi đã được sử dụng nhiều ở các diễn đàn về phần cứng máy tính ở Việt Nam.

Có thể thấy rõ ràng rằng các loại vỏ máy tính loại này có thiết kế, chế tạo phục vụ cho tiêu chuẩn về giá thành thấp mà chưa chú ý đến các điều kiện làm việc của các thiết bị bên trong của máy tính.

Các nhược điểm của loại vỏ máy tính này thường là như sau:

  • Hệ thống khung của vỏ máy tính không chắc chắn, dễ dàng uốn vặn bởi chế tạo bằng các thanh thép nhỏ, mỏng.
  • Không đảm bảo sự chính xác khi lắp ráp thiết bị: Ví dụ đối với việc định vị bo mạch chủ, vị trí lắp ghép các bo mạch mở rộng (sử dụng giao tiếp AGP, PCI, PCI Express X1, X16...) dẫn đến nguy cơ gây tiếp xúc kém, uốn vặn các bo mạch mở rộng và uốn vặn bo mạch chủ.
  • Không chú trọng việc thiết kế lưu thông không khí qua thùng máy. Đa số không có các khe hút gió ở phía trước thùng máy.
  • Ít bo tròn các đầu mép ở khoang chứa ổ cứng, ổ quang nên không có sự cứng vững cần thiết ở các khoan này (khi hoạt động ở các ổ đĩa có chuyển động cơ khí dễ làm rung lắc nhỏ.
  • Thiết kế các lỗ thoáng hút khí ở bên hông rất tuỳ tiện, mang tính thẩm mỹ nhiều hơn là hiệu quả.
  • Việc tháo lắp, định vị thiết bị không thuận tiện, thường phải dùng các ốc vít để định vị theo phương pháp truyền thống, trong khi đa số các vỏ thương hiệu nổi tiếng bắt đầu chú trọng đến việc thuận tiện cho tháo lắp và định vị các thiết bị không sử dụng ốc, vít...Nhược điểm của sử dụng ốc vít đối với các bo mạch mở rộng là dễ làm chúng luôn chịu lực theo một phương nào đó để phù hợp, trong khi đó việc sử dụng cách hãm tự nhiên bằng các kẹp nhựa (có tính chất đàn hồi tốt).
  • Vật liệu chế tạo thường chỉ bằng tôn. Không thuận tiện cho tản nhiệt thông qua vỏ máy tính.

Thực tế thì rất nhiều người đã sử dụng các loại vỏ này do không chú ý đến những gì đã phân tích nêu trong bài. Đây không phải lỗi do người sử dụng máy tính bởi đơn thuần là họ ít chú ý đến chúng và ít có các bài báo, thông tin để nói lên điều đó. Thường thì các lựa chọn các linh kiện máy tính để lắp ráp những chiếc máy tính của đa số người dùng có thể là do họ tự lựa chọn, do bạn bè lựa chọn giúp hoặc được tư vấn bởi các kỹ thuật viên tại cửa hàng bán linh kiện máy tính. Những sự lựa chọn một bo mạch chủ tốt, CPU khá mới cùng với vỏ và nguồn máy tính noname thường là một sự cọc cạch.

Một số loại vỏ máy tính độc đáo

Vỏ máy tính độc đáo thường bao gồm các loại:

  • Người sử dụng tự sửa chữa dựa trên một vỏ máy tính nguyên bản nào đó.
  • Người sử dụng tự thiết kế các loại vỏ máy tính theo cách riêng của mình. Nhiều hình minh hoạ dưới đây (hoặc một số link ở phần xem thêm) thuộc loại vỏ máy tính này. Người sử dụng có thể thiết kế các loại vỏ máy tính dựa trên các chất liệu khác nhau, tuy nhiên phần lớn các loại vỏ này ít cải thiện hiệu quả làm việc của máy tính, chúng thường được chế tạo theo mục đích tạo ra những loại vỏ máy tính lạ, khác thường.
  • Vỏ máy tính đã được thiết kế khác biệt bởi các công ty chuyên nghiệp chỉnh sửa, đôn độ hoặc do chính hãng sản xuất nào đó sản xuất các mẫu lạ thường, đa phần số lượng sản phẩm độc đáo này chỉ giới hạn chứ không được bán rộng rãi để đảm bảo có ít khả năng "đụng hàng".

Dưới đây là một số loại vỏ máy tính độc đáo, khác thường (một số hình ảnh sưu tầm từ thành viên Tintin tại PCGuide tải lên)

Hệ thống máy tính được lắp rong các vỏ đặc biệt bằng chất liệu trong suốt và kết hợp với nhau. Lấy cảm hứng từ động cơ xe hơi, vỏ này khá độc đáo
Bằng cách tạo tro ảo của nhựa cháy, vỏ này thật ghê rợn Một vỏ máy tính độc đáo của Antec; Nguồn ảnh: Antec intros open-concept Skeleton PC case, 2008

Xin lưu ý rằng những loại vỏ máy tính đặc biệt trên thường không mang tính chất tối ưu hoá cho sự hoạt động nên bạn không nên làm theo nó nếu như muốn cải thiện hiệu năng hoạt động của máy tính (ngoại trừ vỏ độc đáo của Antec).

XEM THÊM

Cooler Master CM 690 NVIDIA Edition Case, review sản phẩm một vỏ máy tính chất lượng tốt sẽ nhận thấy thiết kế các vỏ máy tính hiện đại tối ưu nhiều hơn so với các mẫu cổ điển thông dụng trước đây.

Computer Case: Wikipedia tiếng Anh.

Chùm ảnh: Nghệ thuật “makeup” cho case PC, Hoàng Hải đăng trên Dân Trí, 11/2008.

Các kiểu "độ" PC "quái" nhất, trên VTC News, 01/2009.

Xu hướng case máy tính liền màn hình, Lê Nguyên (PCWorld) đăng trên VnExpress.

Những case máy tính… “không đụng hàng”, Phạm Thế Quang Huy đăng trên Dân Trí, 5/2009

Trương Mạnh An

(Bài này đã được tôi đưa lên Wikipedia tiếng Việt, tôi chịu trách nhiệm về sự công nhận này)