28/8/08

Lưu ý khi gắn bộ tản nhiệt CPU nguyên bản

Quả thật là lâu rồi không dùng đến cái máy tính để bàn bởi gần đây chuyển sang dùng laptop cho gọn nhẹ, tiết kiệm điện và cơ động hơn trong công việc cũng như ở nhà. Tuần vừa rồi nhân dịp mất điện và rỗi rãi một chút nên cũng nhớ lại rằng lâu không vệ sinh bên trong thùng máy. Chẳng ngờ khi tháo một số chi tiết, thiết bị ra thì gặp sự bực mình hết cỡ, và cũng nhận ra cái sự ngố của một người tự coi là hiểu biết tí ti về phần cứng máy tính. Phải chụp ảnh minh hoạ và viết ngay một entry để mọi người lấy làm kinh nghiệm đối với phần cứng máy tính.

Xin lưu ý lại rằng entry này chỉ nói đến bộ tản nhiệt của CPU nguyên bản (quen gọi là hàng BOX), chúng không nói đến các bộ tản nhiệt bán lẻ (hoặc theo hàng loại TRAY) hoặc các loại tản nhiệt được sản xuất riêng với chất lượng cao.

LÂU KHÔNG MỞ THÙNG MÁY, BỤI QUÁ

Nếu bạn chưa bao giờ chú ý đến cái máy tính của bạn thì đến một lúc nào đó nó sự cố, lỗi gì đó, rồi mở ra sẽ nhận thấy bên trong của nó thì bụi vô cùng. Bạn có thể nói rằng máy đặt trong phòng điều hoà, thường xuyên đóng cửa - nhưng nó vẫn bị bụi như thường - bởi vì trong không khí thì luôn luôn tồn tại lơ lửng những hạt bụi nhỏ.

Tôi đã dỡ cái máy của tôi ra thì thấy rằng tất cả các bộ phận được phủ một lớp bụi. Khiếp! Không tưởng tượng được, mới có khoảng sáu tháng không mở nó ra chọc ngoáy gì mà đã bụi đến như vậy.

Đây, hình này bạn xem, phần bên dưới: Bao gồm một bo mạch đồ hoạ và một bo mạch âm thanh thôi, đã nhận thấy nó bụi như thế nào rồi.

Bo mạch đồ hoạ và bo mạch âm thanh, phần dưới cùng của vỏ máy tính bị phủ một lớp bụi ; Ảnh: Trương Mạnh An

Ngước nhìn lên phía trên nó một chút: Ôi giời, cũng chẳng kém. Bụi kinh!

Bụi bặm trong thùng máy (vỏ máy tính) rất nguy hại cho quá trình làm việc của máy tính, chúng có thể gây các tác hại sau:

  • Làm giảm hiệu suất tản nhiệt: Đây là tác hại lớn nhất.
  • Tích tụ lâu ngày, gặp thời tiết ẩm ướt có thể trở thành tác nhân gây dẫn điện, nhiễu các bus và các trường hợp khác nghiêm trọng hơn: Hư hỏng do chập điện giữa các bộ phận.
  • Làm kẹt các cơ cấu chuyển động được như quạt, các cơ cấu quay của ổ đĩa quang, ổ đĩa mềm...(riêng ổ đĩa cứng thì chúng kín khít nên không ngại vấn đề này.
  • Hấp dẫn côn trùng thâm nhập (nếu chúng tè vào đó là mệt)

Chính vì những điều này mà các vỏ máy tính có chất lượng tốt đều có các phần lọc bụi ở đầu vào phía trước. Trong thời gian trước đây - khi mà các máy tính còn hiếm ở Việt Nam thì một chiếc máy tính cá nhân theo chuẩn IBM có thể có yêu cầu đặt trong phòng kín, có điều hoà (đảm bảo về nhiệt độ phù hợp với nơi sản xuất - chưa được nhiệt đới hoá sản phẩm do thời điểm đó thường nhập khẩu nguyên chiếc từ Hoa Kỳ).

Ảnh: Tản nhiệt của CPU còn bụi hơn

Hình trên vẫn chưa đủ minh hoạ cho sự kinh hoàng về lớp bụi ở phần tản nhiệt của CPU. Tôi cảm tưởng rằng bụi bặm đã dính vào các khe hở của tản nhiệt khiến cho nó bị bít và giảm khoảng 50% khả năng thông gió của nó.

Tản nhiệt CPU (box) bị bám bụi;

Đây là một bộ tản nhiệt bán kèm theo CPU hàng box của Intel. Nó là một tản nhiệt chuẩn đã được Intel đặt hàng của một hãng nào đó (thường là Sanyo) rồi gắn nhãn Intel để có thể đóng gói vào cùng một hộp với CPU để bán cho người sử dụng cuối cùng. Quạt này khác với các loại hàng TRAY mà giá của bộ CPU+quạt thường giảm hơn khoảng vài USD. Bạn nên chọn hàng box để đảm bảo hơn về chất lượng, đừng tiếc vài USD mà có thể có các rủi ro về sau này.

Chính vì có nhiều bụi nên tôi đành phải tháo cả cụm tả nhiệt ra khỏi CPU để có thể vệ sinh tốt hơn. Tôi nghĩ rằng việc vệ sinh trực tiếp chúng mà không tháo ra sẽ không thể đảm bảo sạch sẽ được.

Việc tháo các bộ tản nhiệt của CPU ra khỏi bo mạch chủ không phải là một điều khó khăn đối với mọi người, nhưng có lẽ rằng nó cũng chưa đến mức đơn giản để ai cũng làm được như việc tháo một thanh RAM. Bạn cần chú ý đến một số điều sau:

Mỗi tản nhiệt cho CPU đều có các phương thức gắn riêng sao cho chũng có thể được bám chắc vào bo mạch chủ với tư thế tạo một áp lực vừa phải xuống lưng CPU. Nếu muốn tháo chúng cần hiểu được nguyên lý gắn kết bộ tản nhiệt của CPU với bo mạch chủ như thế nào để có phương thức tháo chúng. Bạn không nên cố gắng dùng lực mạnh để tháo bỏ chúng.

Ví dụ như một bộ tản nhiệt nguyên bản của CPU hãng Intel theo mỗi CPU dùng đế cắm 775 chân của các dòng CPU của Intel thì thường được định vị với bo mạch chủ bằng 4 vị trí đối xứng (bốn lỗ này là yêu cầu bắt buộc trên bo mạch chủ). Với một bộ tản nhiệt nguyên bản thì cách gắn chúng với bo mạch chủ là lựa tản nhiệt với các phần định vị vào đúng vị trí, rồi giữ chặt ở điểm giữa của quạt, đồng thời tay phải ấn chốt chẻ xuống theo các vị trí lần lượt đối xứng nhau qua tâm của quạt. Bạn hãy nhớ cách này để chỉ một lát nữa là cần thiết phải sử dụng chúng cho việc lắp đặt lại tản nhiệt của CPU sau khi tháo chúng ra.

Đối với loại tản nhiệt của socket cũ hơn một chút của Intel là Socket 478 thì chúng lại có một cách định vị khác: hầu như các bo mạch chủ loại này đều gắn sẵn một khung vuông bằng nhựa để phần tản nhiệt có thể nằm lọt trong khung đó. Công dụng chính của khung có vẻ như dùng để phần tản nhiệt có thể móc định vị vào nó bằng bốn lẫy đối xứng.

Để có thể vệ sinh tốt toàn bộ khối tản nhiệt CPU nguyên bản thì tôi phải tách riêng phần quạt và phần khối tản nhiệt nhôm-đồng ra khỏi nhau. Hành động này rất đơn giản bởi vì phần quạt được gắn vào phần khối kim loại bằng hai nẫy đối xứng băng nhựa (hai nẫy còn lại chỉ định vị đúng vị trí mà không có vấu ngoàm vào). Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh phía dưới đây:

Tháo riêng phần quạt và phần tản nhiệt ra để vệ sinh từng bộ phận;

Và, khi tháo ra thì tôi đã gặp ... sự thật phũ phàng đến ... bực mình. Có lẽ phải viết riêng ra một mục để những người hay mày mò với phần cứng máy tính (hoặc có thể hiểu biết đôi chút) có thể tự kiểm tra và đề phòng với CPU của mình được tốt hơn.

CHÚ Ý ĐẾN VIỆC GẮN CPU VỚI TẢN NHIỆT

Kỹ thuật viên lắp ráp PC đã không cẩn thận

Tôi đã nhìn thấy dấu vết của kem tản nhiệt còn lại của bộ tản nhiệt CPU chuẩn và lưng của CPU, chúng bị mất cân đối, có các phần khuyết ở vị trí quan trọng và rõ ràng rằng không đồng đều.

Để hiểu được rằng tại sao lại như thế thì trên các bộ tản nhiệt của CPU (hàng box) có thể có các hình thức gắn sẵn kem tản nhiệt trên nó, để đảm bảo tính đồng đều thì các phần kem tản nhiệt này thường được chia thành ba vệt có hình dạng gần tương tự như hình tôi chụp lại ở dưới: Có nghĩa là chúng giống như ba lát cắt. Mục đích của điều này có lẽ rằng nhằm cho khi lắp ghép tản nhiệt với CPU thì chúng tự bè ra và lấp đầy vào các đoạn rỗng không chứa kem tản nhiệt.

Nguyên lý của kem tản nhiệt là không quá ít để bị thiếu hụt, tạo khe, bọt khí, nhưng cũng không quá nhiều để có thể tạo ra một lớp cách ly dày giữa lưng CPU và bộ tản nhiệt bởi điều này làm hạn chế sự truyền nhiệt giữa chúng.

Một sự truyền nhiệt có lẽ rằng lý tưởng nhất là áp trực tiếp hai mặt cực phẳng, bóng với nhau mà có thể không cần đến các loại kem tản nhiệt giữa hai mặt phẳng đó. Chính điều này đã khiến cho các overclocker đã mất rất nhiều công sức để mài bóng phần tiếp giáp tản nhiệt và thậm chí là mài cả lưng CPU để tạo ra một mặt phẳng và ít có các lỗ rỗng trên bề mặt.

Việc mài bóng phần ghép giữa tản nhiệt và CPU được thực hiện dần từ giấy giáp cỡ thô nhất, dần đến loại mịn hơn và cuối cùng là loại rất mịn (cỡ nhám 00) rồi đến loại vải mịn. Mặt càng bóng (đến nỗi dùng soi gương được) thì càng hạn chế các điểm chứa không khí khi áp sát các mặt với nhau[6].

Kem tản nhiệt trong lúc này chỉ đóng vai trò làm kín các vị trí có thể chứa không khí giữa mặt bóng của bộ tản nhiệt đối với lưng CPU mà thôi, do đó chúng chỉ cần một lớp đủ mỏng để lấp đầy bọt khí hoặc sự vênh nhau khi định vị bộ tản nhiệt đối với bo mạch chủ, sự giãn nở và cong vênh của bo mạch chủ trong quá trình lắp ghép chúng với vỏ máy tính và khi làm việc.

Các loại kem tản nhiệt có chất lượng kém sẽ truyền nhiệt kém, làm giảm khả năng truyền nhiệt từ CPU đến bộ tản nhiệt, do đó luôn hạn chế độ dày của lớp kem tản nhiệt.

Trên lý thuyết thì việc ghép một bộ tản nhiệt chuẩn theo hãng với CPU của hãng đó được thực hiện theo đúng kỹ thuật, nhưng kỹ thuật viên của cửa hàng bán linh kiện máy tính mà tôi mua đồng bộ các linh kiện đã lắp ráp chúng lại với nhau không đúng theo yêu cầu kỹ thuật - hoặc một lý do khác nữa.

Tôi nghĩ rằng phương pháp ghép CPU với tản nhiệt đúng kỹ thuật sẽ theo các bước như sau:

  • Làm sạch bụi (nếu có)
  • Kiểm tra trạng thái kem tản nhiệt được bôi sẵn trên bộ tản nhiệt đi kèm theo hộp (BOX): Nếu thấy bị khô thì phải lau sạch để sử dụng kem tản nhiệt khác.
  • Gắn CPU vào socket
  • Định vị tản nhiệt vào bo mạch chủ theo đúng phương pháp để đảm bảo phần bôi kem tản nhiệt được ép đều và phè ra lấp đầy diện tích của bộ tản nhiệt.

Phần "lý do khác nữa" đã nói ở trên là sự khô hoặc biến chất của kem tản nhiệt thì tôi nghĩ rằng sẽ không xảy ra đối với riêng trường hợp bộ máy tính của tôi, bởi vì trong thời điểm đó thì CPU tôi mua là loại vừa mới ra đời, do đó thời gian lưu kho chỉ trong khoảng dưới một tháng.

Đó là điều mà tôi cảm thấy bực bội khi viết ngay ở những dòng đầu tiên của entry này. Quả thực là xét kỹ ra thì hành động lắp ghép một số linh kiện với nhau theo chế độ mua rời chỉ là một sự "khuyến mại" của của hàng bán thiết bị, nhưng chính vì có một đội ngũ kỹ thuật chuyên việc này thì họ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thôi đành tự mình trách mình vì đã không kiểm tra lại chúng và đã quá tin tưởng vào sự lắp ráp miễn phí vậy.

Dấu vết kem tản nhiệt nguyên bản trên tản nhiệt và trên CPU;

Lắp ghép lại CPU với tản nhiệt

Nó đã thế rồi thì cần làm thế nào? Phải khắc phục nó thôi bởi vì khi bạn gỡ một bộ tản nhiệt ra khỏi CPU thì có nghĩa rằng bạn cũng phải thay lại kem tản nhiệt cho nó. Thông thường thì sau mộtt thời gian làm việc, đa số các loại kem tản nhiệt đều bị thoái hoá, khô cứng, giảm hiệu suất tản nhiệt bởi luôn phải làm việc nhiệt độ cao của CPU toả ra.

Kem tản nhiệt AS5, nguồn ảnh: http://www.arcticsilver.com/as5.htmNếu bạn không có loại kem tản nhiệt thì sao nhỉ? Thật nguy hiểm, bạn không thể lấy bất kỳ loại kem nào ra để thay thế được chúng, bởi vì các loại kem khác không có chức năng tản nhiệt (ví dụ kem đánh răng, kem thoa mặt...) thì lại không có tác dụng tản nhiệt đâu. Và do vậy thì cho dù bạn đang đọc những dòng này và chột dạ rằng không hiểu vấn đề trên CPU của mình đang như thế nào, nhưng chưa mua được kem tản nhiệt thì hãy chờ thêm cho đến khi bạn đang có loại kem đó. Hãy coi như chưa đọc entry này.

Tôi đề cử bạn sử dụng loại kem tản nhiệt mà ... tôi đang sử dụng (^_^). Quả thực là tôi đang sử dụng một loại khá được ưa chuộng trong giới overcloker trong thời gian trước đây (còn bây giờ thì tôi không biết có loại nào mới hơn và tốt hơn không ở Việt Nam) là loại "Arctic Silver 5", thường được gọi tắt là AS5[1][2][3][5]. Thật thú vị là khi mua vào vài năm trước thì tôi định rằng mua vài tuýp, nhưng được khuyên rằng chỉ cần một tuýp cũng đủ dùng thoải mái rồi nên đành mua một - và đúng là dùng mãi vẫn chưa hết bởi vì mỗi lần chỉ dùng có một chút mà thôi.

Có thể tại một số cửa hàng sửa chữa đồ điện tử cũng có thể có nhiều các loại kem tản nhiệt cho các linh kiện điện tử, chúng tạm thời thì vẫn sử dụng được, nhưng có vẻ về lâu dài thì chúng không được chất lượng tốt như các loại kem tản nhiệt chuyên dụng được dân overclocker chuyên dùng. Tôi nhận thấy một số loại kem tản nhiệt này có kích thước hạt có vẻ lớn hơn so với các loại kem tản nhiệt chuyên dụng cho máy tính (do đó có thể gây ra các phần tiếp giáp không được mỏng hẹp đến giới hạn mong muốn.

Nhân đây tôi cũng giới thiệu một số dụng cụ, và những món đồ cần thiết cho bạn bảo dưỡng máy tính của bạn như hình dưới đây:

Một số dụng cụ sử dụng cho vệ sinh PC và hình dáng loại kem hay keo tản nhiệt cần thiết.

Trong hình này bạn cần phân biệt ba loại kem, keo và giấy dán tản nhiệt. Keo thì có dạng tuýp như hình minh hoạ, kem tản nhiệt thường sản xuất dưới dạng tuýp kiểu xy lanh bơm ra, còn giấy dán dẫn nhiệt thì có dạng giống như giấy dán hai mặt như hình.

Bạn nên trang bị cho một mình một quả bóng bơm bởi dùng nó thổi bụi rất tốt. Tôi đã mua nó ở một trong số các cửa hàng bán dụng cụ y tế ở phố Phương Mai (Hà Nội). Hồi mua quả này khá vất vả: Ban đầu thì đi hỏi lung tung ở Chợ Hoà Bình (chợ Trời) người ta không biết ở đâu bán, sau mới có người cho biết quả bóng thổi bụi này là một bộ phận của cái đo thử huyết áp y tế, vậy là đến phố đó mua thôi :)

Làm sạch tản nhiệt, CPU

Bạn đã nhìn thấy dấu viết của phần tản nhiệt cũ bị khô? Bây giờ là lúc cần loại bỏ chúng để chuẩn bị thay bằng lớp kem tản nhiệt mới hơn. Phần này thì không có gì là khó khăn cả, bạn chỉ cần dùng tay miết hết các miếng khô (hoặc hơi khô) tản nhiệt cũ đi.

Tuy dễ dàng nhưng làm sạch phần tản nhiệt và phần lưng CPU cũng có một số lưu ý sau:

  • Không làm xước bề mặt của tấm tản nhiệt nguyên bản.
  • Không làm xước bề mặt phần tản nhiệt của CPU. Cả hai phần này thì bạn không nên sử dụng các loại giấy ráp (giấy nhám) thô, các loại vải thô mà có chứa sẵn bụi bặm có thể lưu chứa các hạt cát sắc nhọn - tốt nhất là dùng vải cotton mềm, sạch.
  • Lưu ý khi cầm vào CPU bởi một số loại CPU 775 chân sử dụng các điểm tiếp xúc chứ không phải chân cắm như các loại CPU trước đó nên có khả năng sẽ bị dính bẩn vào vị trí tiếp xúc của chúng.
  • Sau khi làm sạch thì cả hai bề mặt của bộ tản nhiệt và CPU cần phải khô ráo để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Ở một cách chuyên nghiệp hơn thì đối với dân overclocker có thể dùng đến các loại dung dịch làm sạch bề mặt các bộ tản nhiệt và CPU, tuy nhiên rằng những thứ này quá xa xỉ ở Việt Nam nên có lẽ chúng ít được nhắc tới[4]. Tôi có một ý tưởng rằng sử dụng cồn để làm sạch các bề mặt và lợi dụng đặc tính dễ bay hơi của chúng để tự làm khô, tuy nhiên sử dụng cồn có thể làm hư hại đến các khung tản nhiệt bằng nhựa nên cách này ... mới chỉ nghĩ vậy chứ chưa dám thực hiện bao giờ.

Phết kem tản nhiệt lên CPU

Bây giờ bạn nên phết kem tản nhiệt lên lưng của CPU. Một việc khá đơn giản để thực hiện việc bôi phết kem tản nhiệt này là định vị CPU cố định: bạn có thể có nhiều hình thức định vị CPU như sau:

  • CPU được đặt trong miếng đế nhựa gắn kèm khi bán: Cách thức này có ưu điểm nhất, nhưng cũng cần chú ý đến việc dùng tay định vị CPU để chúng bớt xê dịch. Đa số người sử dụng lại vất miếng nhựa đi mà không giữ lại để thực hiện.
  • CPU được đặt luôn trong socket của bo mạch chủ: Cách thức này đảm bảo cho bề mặt tiếp xúc của CPU được bảo vệ tốt, không bị tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt khác hoặc do tay người. Chúng có nhược điểm là khó quan sát, điều chỉnh mức độ và thao tác. Một mặt khác nếu thực hiện không tốt có thể gây bắn các kem tản nhiệt sang các vị trí linh kiện xung quanh.
  • Cầm tay để phết: Không nên thực hiện cách này bởi vì tay mỗi người đều có thể bao gồm: mồ hôi, bụi bẩn, dầu mỡ...khiến cho chúng bị bám dính vào phần tiếp xúc của CPU và do đó thì có thể gây ra sự tiếp xúc kém, trục trặc xảy ra về sau này.

Bạn thấy không, đây là một điều đơn giản khiến nhiều người có thể bỏ qua chúng, và cũng chính do sự bỏ qua này nên mới tạo ra sự khác biệt giữa một máy tính tự lắp và một máy tính được lắp ráp theo dây chuyền chuyên nghiệp (tất nhiên đây là những yếu tố nhỏ thôi, còn rất nhiều điều khác nữa).

Sau khi định vị CPU cố định rồi thì bắt đầu bôi kem tản nhiệt vào lưng CPU.

Bạn mở nắp của tuýp kem tản nhiệt, ấn xy lanh để có thể nó phùi bỏ đi một chút kem ban đầu (đây là vị trí có thể tiếp xúc với không khí nên chất lượng có thể bị xuống cấp), rồi chấm vào khoảng 5 điểm trên lưng CPU: Một điểm ở giữa, bốn điểm xung quanh gần các điểm đó. Lượng kem tản nhiệt khi chấm này phải nhỏ thôi, mỗi điểm chừng khoảng bằng một hạt gạo là được, nếu thấy thiếu sau này thì có thể bổ sung thêm - nhưng ban đầu thì cứ thế đã.

Bạn dùng một tờ bìa ly-non trong và cứng (mà thường dùng để làm bìa một tài liệu hay gì đó ở trong văn phòng, nếu không có thì có thể sử dụng các loại có tính chất tương tự: mềm, dễ uốn) cắt ra thành một đoạn - góc uốn nhớ không nhọn sắc) để miết kem tản nhiệt đều thành một lớp thật mỏng trên lưng CPU. Việc miết này có thể khiến bạn mất khoảng 10 phút hoặc hơn để có thể đảm bảo tạo ra một lớp kem tản nhiệt mỏng, đều khắp bề mặt của phần tản nhiệt CPU.

Hình: Bôi kem tản nhiệt và phết đều lên lưng CPU; (hơi bị rung hình vì chụp bằng một tay)

Sau khi quết xong kem tản nhiệt vào lưng CPU bạn tiến hành áp phần tản nhiệt vào chúng. Cách thức này tôi đã nêu ở phần phía trên như một sự suy đoán rằng kỹ thuật ghép các bộ tản nhiệt nguyên bản với CPU.

Hình ảnh minh hoạ dưới đây sẽ thể hiện việc một CPU được gắn với tản nhiệt đảm bảo yêu cầu thì sau khi tháo ra sẽ có dấu vết như thế nào. Hãy nhìn vào hai hình dưới để có thể phân tích một chút về chúng. Ở đây ta nhận thấy dấu vết còn lại là:

  • Phần kem tản nhiệt không quá dày: Dễ nhận thấy ở cả hai phần: Phần lưng CPU chỉ có một lớp mỏng, và phần dính lại trên tản nhiệt cũng rất mỏng.
  • Kem tản nhiệt được trải đều trên khắp bề mặt của cụm tản nhiệt (phần diện tích nào bé hơn thì phải phủ kín toán bộ bề mặt đó.

Ở hình này cũng thể hiện một sự khác thường, bạn có nhận ra điều đó không? Nếu không thì bạn có thể nhìn thấy tản nhiệt cầu bắc đã có gì đó khác thường. Đúng vậy, tôi gắn thêm một bộ tản nhiệt cầu bắc khác từ một bo mạch chủ hư hỏng lên trên phần tản nhiệt của bo mạch chủ này. Liên kết giữa chúng là băng dính hai mặt, điều này khiến cho tôi đã phải bảo hiểm trong thời gian bạn đầu vì sự sử dụng băng dính hai mặt này có thể gây ra trôi tuột phần tản nhiệt của chipset cầu bắc xuống phía dưới có thể gây chập chạp mạch điện của bo mạch đồ hoạ - chính do đó mà các hình minh hoạ cho entry "Vỏ máy tính" tôi chụp ảnh vào giai đoạn gắn kết này đã có một sự khác thường trong bức ảnh minh hoạ.

Dấu vết kem tản nhiệt trên bộ tản nhiệt của CPU nguyên bản và trên lưng CPU; Ảnh: sưu tầm từ: nguồn này.

Kiểm tra kết quả của sự gắn lại tản nhiệt CPU

Gắn xong tản nhiệt trở lại rồi thì bạn có cần kiểm tra chúng có đạt hiệu quả hay không? Có chứ. Ít nhất mong muốn của chúng ta là chúng phải cải thiện hơn trước - chứ không thể thực hiện kiểu "lợn lành thành lợn què" (hoặc tệ hơn là "lợn què thành lợn chết ^_^).

Một bộ tản nhiệt tốt có nghĩa rằng chúng có thể tản nhanh nhiệt độ ra khỏi CPU. Nếu như một phần mềm nào đó thông báo rằng nhiệt độ của CPU đang rất cao (khoảng 60-70 độ) mà bạn sờ vào tản nhiệt của nó lại thấy mát? Có nghĩa rằng hoặc là phần mềm đã báo nhiệt độ sai, hoặc là phần dẫn nhiệt từ CPU sang tản nhiệt là không đảm bảo.

Phần tiếp xúc nhiệt độ để truyền nhiệt giữa CPU với bộ tản nhiệt nếu đảm bảo sẽ làm cho nhiệt độ CPU nếu có tăng nhanh do xử lý những tiến trình nào đó thì cũng trở lên nóng dần CPU (thể hện thông qua các phần mềm kiểm soát nhiệt độ), khi tiến trình xử lý không còn nữa thì nhiệt độ CPU sẽ giảm xuống. Nếu như một bộ tản nhiệt tốt cùng với sự tiếp xúc hoàn hảo giữa CPU và bộ tản nhiệt thì nhiệt độ của CPU sẽ hạ nhanh xuống. Ngược lại điều này thì nhiệt độ sẽ giảm rất chậm. Lợi dụng những lý thuyết này mà bạn có thể kiểm tra xem sự truyền nhiệt giữa CPU và bộ tản nhiệt có đảm bảo tối ưu không. Sự suy luận này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thiết lập tốc độ quay quả quạt theo bo mạch chủ, nhiệt độ môi trường, kiểu tản nhiệt và hiệu suất của nó...

Tuy nhiên cách trên cũng mang nặng tính kinh nghiệm. Cách tốt nhất để kiểm tra có lẽ rằng sau một vài tuần lại tháo chúng ra để xem vết tiếp xúc. Nếu như bạn tự tin về các hành động của mình chuẩn mực thì cách này sẽ thực tế hơn so với cách phán đoán, suy luận trên.

***

Dù sao thì qua entry này thì bạn cũng nên thực hiện việc kiểm tra lại tản nhiệt giữa CPU và bộ tản nhiệt của nó sau một thời gian nhất định: Hoặc thời điểm chúng ta nhận thấy CPU nóng hơn trước đây (so với lúc mới lắp) hoặc là sau khoảng 6 tháng đến 1 năm. Kinh nghiệm này thì tôi mới phát hiện ra để có thể viết entry này, tôi hi vọng nó giúp ích được cho bạn.

Entry này cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, có đôi chút khéo tay để thực hiện được những điều trên. Nếu bạn không là người đủ "tiêu chuẩn" như vậy thì chưa nên tự thực hiện những điều này - hãy nhờ một người nào đó làm giúp bạn.

CHÚ THÍCH

1^. Ở HN mua AS5 chỗ nào ạ?, (trao đổi trên diễn đàn vOz): Tôi cũng mua AS5 ở chỗ giới thiệu trên topic này, nhưng bây giờ thì cửa hàng hình như chuyển địa điểm rồi thì phải.

2^. Hợp chất dẫn nhiệt AS5: làm sao gỡ heatsink sau khi đã gắn vào? (một topic trên diễn đàn amtech.com.vn): Sự trao đổi về phương thức miết keo tản nhiệt AS5 (lưu ý xem các cả các trang sau của topic này).

3^. Giới thiệu về kem tản nhiệt AS5 (en).

4^. Một số mặt hàng dành cho tản nhiệt với AS5 (ví dụ nước tẩy sạch), (en), những thứ này dùng cho sự chuyên nghiệp cao.

5^. Keo gắn CPU và quạt tản nhiệt, trao đổi trên GSM Forum, ở đây có một số thông tin hơi nhầm lẫn bởi một số thành viên giữa "kem tản nhiệt" (dùng để truyền dẫn nhiệt) và "keo tản nhiệt" dùng để gắn dính và có tác dụng tản nhiệt. Người đọc nên phân biệt kỹ chúng để khỏi mua nhầm các loại kem hay keo.

6^. Cách mài tản nhiệt, một phần trả lời trên diễn đàn Zing VN, (trang đầu tiên của topic này).

MỜI XEM THÊM

LẮP RÁP CPU LGA775, Phạm Hồng Phước đăng trên Echip.

Tản nhiệt kim loại cho PC - lý thuyết và thực tế, bài của Nguyễn Thúc Hoàng Linh đăng trên PCWorld VN (chưa tìm thấy link trên PCW, lấy tạm link này). Rất hay!

Các phương pháp tản nhiệt trên PC - ở blog này: Như một mục lục đơn giản về các phương pháp tản nhiệt. Chúng chưa kỹ bằng các phân tích cụ thể đối với từng loại tản nhiệt.

Vỏ máy tính, entry trên blog này có một vài hình minh hoạ khác khá khó hiểu: Trên bo mạch đồ hoạ của tôi có một vật gì màu trắng - xin giải thích rằng đó chính là tờ giấy để đỡ phần tản nhiệt mà tôi tăng cường cho tản nhiệt chipset cầu Bắc nếu chất lượng dán bằng băng dính tản nhiệt hai mặt không đảm bảo cho nếu chúng bị rơi thì không làm chập chạp gì đối với bo mạch đồ hoạ.

Trương Mạnh An (28/08/2008)

18/8/08

Hướng dẫn tạo tài khoản Gmail của Google

Có lẽ do Google vào thị trường Việt Nam muộn hơn so với Yahoo nên phần lớn bạn bè, người thân và đồng nghiệp của tôi vẫn trung thành sử dụng Yahoo! Mail, có vẻ họ không biết còn có Gmail. Trong một số thời điểm thì tôi cảm thấy rằng trong công ty sử dụng Yahoo! Mail rất chậm, khó khăn khi kết nối, thường xuyên quá tải. Những lúc đó thì Gmail lại kết nối và sử dụng rất nhanh. Để giảm tải cho Yahoo!Mail thì tôi đã hướng dẫn một số đồng nghiệp của mình sử dụng Gmail nhưng họ lại có vẻ khó khăn khi đăng ký.

Nếu như bạn lo ngại rằng Gmail được ít người sử dụng nên có thể gây khó nhớ với tên miền (@gmail.com) thì không phải ngại khi biết rằng Gmail đang là một đối thủ đáng gờm của Yahoo!Mail và Hotmail[7].

Larry Page & Sergey Brin: 'Hãy quan tâm tới điều không thể, hãy thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới' [Ảnh: VietnamNet: http://vietnamnet.vn/cntt/2006/12/639982/]Tôi phân vân khi bắt đầu viết entry này vì nó có vẻ rất giản đơn mà theo tôi nghĩ thì ai cũng có thể tự đăng ký hộp thư Gmail để sử dụng một cách rất dễ dàng. Quả thật là chỉ cần truy cập vào một địa chỉ của Gmail, điền các thông số và chỉ sau vài phút là có thể sở hữu một tài khoản hộp thư Gmail cho mình. Tuy nhiên tôi nhận thấy điều đó lại không đơn giản đối với một vài người thân, đồng nghiệp hoặc bạn bè của tôi bởi sau vài phú ngó nghiêng họ quay sang nhờ tôi lập luôn cho xong, nhưng tôi thì luôn cảm thấy áy náy với việc "lập hộ" bởi còn bao nhiên vấn đề bảo mật mà có lẽ rằng người lập tài khoản sẽ vô tình phải biết.

Vậy là tôi bắt đầu viết vài dòng đơn giản như thế này để điều mong muốn trước hết là dành cho những người thân và bạn bè và đồng nghiệp, còn sau đó là đưa lên blog để dành cho những người chưa hiểu nhiều về Internet hoặc quen thuộc với sử dụng máy tính khai thác Internet có thể tự đăng ký một tài khoản Gmail. Tôi nhận ra rằng nhiều khi mọi người trao đổi với nhau những kiến thức tưởng chừng như bất kỳ ai cũng biết rồi để rồi những điều đơn giản thì lại không được viết, hoặc viết một cách rất đơn giản kiểu như "có thế mà không biết"[6]. Cũng thông qua các từ khoá tìm kiếm đến hai blog của tôi thì tôi cũng còn nhận thấy rằng nhiều người thực sự chưa hiểu được các kiến thức mà đối với mình nó chỉ như là một kiến thức phổ thông đã được học thời cấp III (thậm chí cả ở cấp II). Vậy có lẽ rằng tôi sẽ định hướng blog của mình sẽ viết các kiến thức thấp hơn một chút nữa (tức là còn thấp hơn cả "dành cho những người không chuyên" như mong muốn của mình). Cũng như cái cây phải có gốc, có cành rồi nó mới vươn lên cao tít lên trời cao được.

Bạn có thấy rằng suy nghĩ như vậy là hợp lý? Bạn có muốn viết những kiến thức tưởng như giản đơn như thế? Tôi củng cố với bạn thêm một niềm tin rằng điều đó hợp lý khi tôi đọc được một bài báo nói về Google với tôn chỉ hành động của Larry Page và Sergey Brin: “Hãy quan tâm tới điều không thể, hãy thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới[1]

Nào, bắt đầu là những gì đơn giản nhất của một hộp thư mà tôi đề cử: Gmail của Google, Inc. Ở đây thì vì coi bạn là chưa biết cách sử dụng webmail nên tôi đã dùng nhiều hình ảnh chụp màn hình trong quá trình đăng ký để minh hoạ (có lẽ nên đặt tên entry này là "Hướng dẫn đăng ký và sử dụng Gmail bằng hình ảnh" thì hợp hơn so với tên hiện tại nhỉ).

TẠO TÀI KHOẢN GMAIL

Bước đầu tiên là bạn truy cập vào địa chỉ http://gmail.com bạn sẽ thấy nội dung của trang đăng nhập vào tài khoản Gmail thường được hiển thị như sau:

Bạn nghĩ là là trình duyệt web của bạn đang kết nối chúng bắt đầu một kết nối thông thường?. Không phải, ngay sau khi kết nối với máy chủ thì địa chỉ liên kết (link) trình duyệt web của bạn sẽ chuyển hướng sang một địa chỉ khác, bạn có thể thấy chúng không còn như ban đầu nữa. Đừng lo lắng vì điều này, bởi vì lúc này thì bạn đang ở một kết nối an toàn, có nghĩa rằng chỉ có bạn kết nối với Google mà sự chuyển dữ liệu đã được bảo mật trên quãng đường đi trên Internet. Đây là những điều thú vị mà có thể bạn chưa biết? Không sao, sau này bạn có thể biết được về chúng.

Để tạo một tài khoản Gmail thì bạn bấm vào liên kết "Sign up for Gmail" (xem hình minh hoạ bên trên). Nếu như máy tính của bạn lần đầu tiên truy cập vào Gmail hoặc các cache và thông số cũ trên trình duyệt sẽ hiển thị ra một trang với giao diện bằng tiếng Anh như hình minh hoạ trên và hình minh hoạ ngay phía dưới đây.

Bây giờ, bạn bấm vào phần thay đổi ngôn ngữ để có thể nhìn thấy được giao diện sử dụng bằng tiếng Việt. Trong ô lựa chọn thả xuống có tên "Change Language" bạn dễ dàng tìm thấy dòng "Tiếng Việt" ở đó. Mặc dù mong muốn rằng bạn sử dụng giao diện bằng tiếng Anh để bạn có thể quen dần với chúng (tư duy về nghĩa của từ một cách vô thức theo sự phán đoán công dụng của chúng), nhưng tôi tin rằng đến thời điểm hiện nay mà bạn chưa sử dụng Gmail và cần đọc entry này ngay từ dòng đầu tiên (bởi chưa biết) thì có lẽ rằng lựa chọn bằng tiếng Việt sẽ phù hợp hơn.

Sau khi lựa chọn ngôn ngữ sang "Tiếng Việt" bạn sẽ thấy trình duyệt web lúc này đã được chuyển sang một giao diện thân thiện hơn với bạn: Toàn bộ đã được viết bằng tiếng Việt. Bạn hãy nhớ thực hiện bước này ngay đầu tiên nếu bạn muốn thế bởi vì sau khi điền một số thông tin mà bạn mới bắt đầu lựa chọn thì các thông tin đã được điền sẽ biến mất hết - và bạn phải nhập lại từ đầu.

Bây giờ là lúc mà bạn điền thông tin của bạn cho quá trình đăng ký, xin hãy đối chiếu gữa dòng mà bạn nhìn thấy trên trình duyệt với hình dưới đây. Hầu như đa phần là bạn sẽ tự hiểu là mình sẽ cần làm gì, nhưng tôi khuyên bạn rằng: Nếu bạn đã biết về chúng thì sau khi điền hết các thông số thì nên xem lại một chút entry này, bởi vì có những gợi ý hoặc lời khuyên cho bạn mà không phải là mới và không phải là người nào cũng nói ra bởi nó tầm thường quá.

Bạn sẽ nhìn thấy dòng đầu tiên bằng tiếng Việt ở đây: "Tài khoản Google cho phép bạn truy cập vào Gmail và các dịch vụ khác của Google. Nếu bạn đã có một Tài khoản Google, bạn có thể đăng nhập ở đây." Tôi đoán rằng dòng này để đảm bảo rằng nếu bạn đã có một tài khoản rồi mà vô tình bấm phải nút này thì bạn có thể quay ra đăng nhập với tài khoản đó mà không cần thiết phải đăng ký lại - tránh nhầm lẫn rằng dù có tài khoản nhưng vẫn phải điền lại các thông tin.

Bây giờ là đến phần lựa chọn họ, tên của bạn. Đơn giản là bạn gõ họ và tên của mình vào đó. Gmail cho phép bạn gõ tên theo mã Unicode, có nghĩa là bạn có thể gõ tên đầy đủ dấu theo tiếng Việt.

Họ, tên và tên đăng nhập

Phần họ, tên thì chắc là đơn giản rồi, bạn điền họ và tên vào đó theo đúng ô. Hic, thực ra thì cũng không đơn giản lắm đối với một số thói quen hiển thị của các dịch vụ nước ngoài mà tôi sẽ trình bày ở phía dưới.

Phần "Tên đăng nhập mong muốn" sẽ rất quan trọng đối với bạn. Tên này sẽ chính là tên hộp thư của bạn nếu thêm phần đuôi @gmail.com. Ví dụ như tên bạn là Nguyễn Văn A mà bạn muốn tên hộp thư của mình gần với tên chính của bạn thì bạn có thể đặt "tên đăng nhập" là nguyenvana, và khi đó hộp thư của bạn sẽ là nguyenvana@gmail.com (không chỉ như vậy, bạn có thể sử dụng địa chỉ như trên như được cộng thêm các dấu chấm vào một cách thoải mái, ví dụ nguyen.van.a hoặc là nguyenvan.a mà địa chỉ gửi email đến bạn vẫn không thay đổi, không sợ thất lạc[4])

Lưu ý rằng bạn không thể đặt tên là đăng nhập là các ký tự theo như Unicode, ở đây đã không như phần đặt tên theo hai mục Họ tên đã nói ở trên. Vậy như bạn muốn đặt tên đăng nhập là NguyễnVănA thì chắc chắn rằng Gmail sẽ thông báo với bạn rằng không thể đặt tên như vậy. Tôi đã thử và Gmail đã thông báo rằng: Xin lỗi, chỉ được phép sử dụng các chữ cái (a-z), số (0-9), và dấu chấm (.) bằng màu đỏ.

Thông báo về tính khả dụng này chỉ xuất hiện sau khi bạn bấm vào nút "Kiểm tra tính khả dụng", bởi vì bạn có thể bỏ qua thủ tục này cho đến khi hoàn tất các thủ tục khác sẽ khiến bạn thất vọng vì tên đăng nhập của bạn đã được người khác sử dụng mất.

Tôi thấy Gmail đã rất thoải mái khi mà cho phép người sử dụng lựa chọn các tên phù hợp với người đăng ký miễn là nó chưa được sử dụng. So với một số nhà cung cấp dịch vụ email miễn phí khác thì người sử dụng thường bị hạn chế một số tính năng và ngay cả tên email không được ngắn tuỳ thích khiến cho người đăng ký nhiều khi phải lựa chọn thêm các con số đằng sau cái tên ưa thích của mình. Ở các nhà cung cấp dịch vụ như vậy thường thông báo đại khái rằng mặc dù phần tên của nó dù chưa có ai sử dụng nhưng nó lại không cho phép bạn sử dụng cái tên đó - đơn giản là vì bạn là người sử dụng miễn phí, cái tên đẹp không có số kia đang dành cho một người khác sẵn sàng trả tiền cho nó.

Chọn mật khẩu

Ngay sau khi lựa chọn được một tên đăng nhập hợp lý đối với bạn thì sẽ đến mục mật khẩu. Đơn giản ở đây chỉ là bạn sẽ điền một mật khẩu của bạn vào đó, ai cũng làm dược điều này. Tuy mật khẩu không còn là một sự bảo vệ tốt cho bạn để đảm bảo an toàn tuyệt đối, và chúng có thể được thay thế bằng hình thức nhận dạng khác trong tương lai[2], nhưng ít nhất là trong thời điểm này bạn cũng phải sử dụng mật khẩu để điền vào đó.

Những mật khẩu tốt là mật khẩu khó phán đoán cho người khác, khó bị dò ra bởi những phần mềm duyệt chúng theo kiểu thử các mục từ trong từ điển, và khó dùng chung để bạn vô tình sử dụng một forum, website nào đó lập ra hấp dẫn bạn đăng ký vào đó để có thể sử dụng các mật khẩu dùng chung cho các tài khoản khác nhau của bạn. Nói như vậy bạn có e ngại không? Đừng ngại, nếu bạn sợ rằng mật khẩu nào đó không nhớ được thì hãy gõ linh tinh dãy ký tự vào một tập tin nào đó để lưu trữ, rồi nén tập tin này lại với một mật khẩu chính (đủ mạnh để phần mềm nào dò ra chúng cũng mất vài chục năm trên một PC cấu hình thông thường) mà bạn bắt buộc phải nhớ đến chúng, điều này khiến bạn không bao giờ quên được các mật khẩu khác nhau cho các nơi khác nhau.

Mật khẩu của bạn bắt buộc phải lớn hơn 8 ký tự để đảm bảo chúng có một độ mạnh nhất định nào đó. Nếu nhỏ hơn 8 ký tự thì bạn phải lựa chọn lại mật khẩu cho đủ 8 ký tự trong quá trình đăng ký.

Nếu bạn chọn các mật khẩu không đúng các ký thự được chấp nhận của Gmail thì có thể sẽ nhận được thông báo rằng: "Các ký tự sau được phép sử dụng cho mật khẩu của bạn: a-z, A-Z, 0-9, và các ký tự dấu ngắt câu thông thường", lúc đó thì chắc chắn rằng bạn phải lựa chọn lại mật khẩu khác cho mình. Tôi đã nhận được thông báo này do một thủ thuật của mình khi mà sử dụng một ký tự đặc biệt để đặt làm mật khẩu - đó là ký tự € khi mà tôi đã có lần thổ lộ trên một entry của blog này. Thế cũng chẳng sao, dùng các ký tự thông thường cũng đã đủ mạnh rồi.

Nhưng những ký tự thông thường thì bạn cũng cần đạt được sự đánh giá là mật khẩu "Mạnh" của Gmail đó nhé. Bạn nên sử dụng các ký tự thường, ký tự hoa và các con số đúng như những gì đã cho phép của Gmail. Cho dù rằng một ai đó đang nhìn qua vai của bạn để phán đoán các mật khẩu, nhưng họ có thể rối trí khi mà ngón tay út của bàn tay trái bạn đè lên phím Shift để tạo ra một chữ hoa - họ sẽ không biết điều đó đâu. Chiêu này cũng lừa được các phần mềm dò mật khẩu dựa trên sự phán đoán và các thói quen sử dụng, loại bỏ các phím ở quá xa vị trí dễ bấm (thực tình thì tôi không rõ có phần mềm nào thông minh như thế không, nhưng khi mà tôi thử nghiệm dò mật khẩu bởi một tool cho tập văn bản thì tôi đã phán đoán hành vi người sử dụng để có thể loại bỏ một số từ, tuy nhiên kết quả cũng chưa được đúng cho lắm khi phần lớn là không phán đoán chính xác ^_^).

Phần lựa chọn "Nhớ thông tin đăng nhập của tôi trên máy tính này" tuy nhỏ nhỏ nhưng lại rất quan trọng đối với sự bảo mật. Gần đây tôi đã viết một entry về sự dò mật khẩu được lưu trữ sẵn thông qua một add-on của trình duyệt. Chính sự lưu trữ thông tin trên máy tính sẽ khiến cho một ai đó có thể tìm được mật khẩu của bạn.

Phần lựa chọn "Bật Lịch sử web" sẽ làm cho bạn có thể tra cứu lại các thông tin tìm kiếm trước đây của mình. Điều này cũng có ích nếu như bạn đã tìm kiếm theo một từ khoá nào đó, từ khoá đó sẽ được lưu lại trong lịch sử web. Lần sau đó bạn cũng tìm từ khác, nó lại lưu lại, và sau một thời gan thì bạn sẽ có thể xem lại mình đã từng tìm kiếm theo các khoá nào. Nếu như bạn không cần quan tâm đến điều đó thì có thể bỏ chọn ở mục này. Hic, nhưng tôi chưa chính xác điều này đã đúng bởi vì chưa thử lại chúng theo cách nghĩ của tôi, nếu như nó không phải vậy thì xin comment lại trong entry này. Một lúc nào đó tôi sẽ tìm hiểu lại và sẽ điều chỉnh những dòng này nếu nó chưa đúng để người đọc sau đó có thể sẽ được tiếp nhận thông tin chính xác hơn.

Câu hỏi bảo mật

Nếu bạn chưa gặp phải hình thức bảo mật này bao giờ thì có lẽ rằng tôi giải thích đôi chút về nó: Câu hỏi bảo mật là biện pháp xác định rằng bạn chính là chủ nhân của một tài khoản nào đó. Câu hỏi này chỉ bạn mới biết được câu trả lời.

Tôi khuyên bạn nên sử dụng câu hỏi bảo mật như một mật khẩu thứ hai. Ví dụ bạn lựa chọn mục "Số thẻ thư viện của tôi là gì" làm câu hỏi bảo mật, rồi gõ vào đó các dãy số, ký tự tuỳ ý làm mật khẩu (nhưng có khả năng phải nhớ được, hoặc viết ra giấy rồi cất vào một chỗ bí mật trong tủ của bạn để khoá lại - kiểu như dấu tiền vợ í mà ^^). Lý do của lời khuyên này bởi vì một số câu hỏi có vẻ như dễ đoán nếu như bạn trả lời đúng theo câu hỏi, ví dụ tôi thấy câu hỏi "Số chuyến bay thường xuyên" có thể bị đoán bởi đồng nghiệp của bạn, hoặc như số điện thoại đầu tiên cũng rất dễ đoán bởi có thể nó chính là số điện thoại hiện tại của bạn, hay như tên giáo viên đầu tiên cũng có thể được đoán bởi những người cùng học với bạn.

Tại sao lại không lựa chọn "Viết câu hỏi của riêng tôi"? Tôi không dám khuyên bạn lựa chọn vì chưa rõ rằng khi mất mật khẩu thì Gmail có hỏi rằng "Câu hỏi của bạn là gì?" rồi mới đến "Bạn trả lời như thế nào" để rồi nhớ loáng thoáng thì không rõ rằng câu hỏi đó là gì, viết như thế nào, viết có dấu hay không, dấu đặt ở đâu....thì cũng rất mệt!

Email phụ

Email phụ là một email được dùng với công dụng gần giống như câu hỏi bảo mật. Trong trường hợp bạn bị quên mất mật khẩu thì sau khi cập nhật được câu hỏi bảo mật một cách thành công để xác nhận rằng chính là bạn đã làm mất mật khẩu thì nhà cung cấp sẽ gửi mật khẩu mới đến email phụ của bạn.

Nên nhớ rằng công dụng của Câu hỏi bảo mật và email phụ chỉ dành cho sự quên mật khẩu chứ chúng có vẻ như không thiết kế để dành cho trường hợp bị mất mật khẩu vào tay một người khác. Tôi thấy có nhiều vấn đề cần cải thiện lại cho hợp lý hơn ở đây. Không rõ rằng Google có đọc được những dòng này không, nhưng nếu như bạn hoặc một nhà cung cấp email nào đó hoặc là bạn đang định làm một forum thì nên thực hiện những điều này một cách khôn khéo hơn nhằm đảo bảo quyền lợi tối đa cho người sử dụng.

Ở đây có một vài vấn đề mà tôi nghĩ nên cải thiện lại: Tôi giả sử rằng bạn đang sử dụng tài khoản Gmail của chính bạn, và bây giờ bạn muốn đổi mật khẩu và câu hỏi bí mật, vậy thì nếu một ai đó vô tình biết mật khẩu của bạn hoặc là truy cập vào tài khoản của bạn do sự bất cẩn đánh dấu lưu lại thông tin trên máy tính cũng sẽ có quyền như bạn. Tồi tệ ở chỗ rằng họ sẽ thay đổi mật khẩu, email phụ và câu hỏi bí mật - đến lúc này thì các thông tin này trở lên không còn ý nghĩa nữa - bạn khó có thể lấy lại mật khẩu cũ bởi vì bạn đã không quên chúng.

Tôi nghĩ rằng để chống lại điều này thì nên yêu cầu hộp thư phụ phải bấm vào một liên kết gửi đến thì Gmail mới thay đổi các thông tin nhận dạng (câu hỏi bí mật và email phụ). Có vẻ nó sẽ hơi phiền toán đối với chủ nhân của Gmail, nhưng nó sẽ đảm bảo an toàn hơn cho chủ nhân thực sự của một tài khoản Gmail.

Location

Chẳng hiểu sao từ này vẫn còn nguyên tiếng Anh quá trong một giao diện bằng tiếng Việt. Bạn có thể hiểu rằng mục này dùng để lựa chọn vùng sử dụng email của bạn, hay nói một cách khác là bạn đang sử dụng email ở đâu.

Lựa chọn này có thể không ảnh hưởng để sự lựa chọn ngôn ngữ hiển thị trên giao diện như đã nói ở trên. Tôi nghĩ rằng chúng chỉ muốn rằng sẽ hiển thị một số phần phù hợp với địa phương đó mà thôi - chẳng hạn về thời gian, điểm bắt đầu một ngày mới theo giờ quốc tế.

Nói chung là bạn nếu đang ở Việt Nam thì kệ nó bởi có vẻ chúng đã tự nằm trong phần Việt Nam nếu như phía bên trên bạn đang chọn là Việt Nam rồi.

Xác minh từ (word)

Còn một chút nữa thôi là hoàn thành một hộp thư Gmail. Ở đây lại có một hiình thù gì đó rất loằng ngoằng, khó đọc để bạn phải phán đoán xem chúng là các loại chữ nào (cũng từ chữ nghe hợp lý hơn là "từ", bởi vì "Xác minh từ" dễ bị hiểu nhầm là Xác minh từ đâu đó ^_^).

Ngày xưa tôi cũng chẳng hiểu nó là gì, nhưng sau này thì biết rằng nó được gọi là "CAPTCHA" (nếu bạn muốn tìm hiểu nó thì click vào nó để có thể đọc thêm trên Wikipedia tiếng Việt).

Bây giờ thì bạn cần gõ đúng những gì hiển thị ở phía trên để gó chúng vào ô phía dưới. Hành động này kỳ quặc? Không, nó chỉ giúp cho Gmail hiểu rằng bạn là một con người thật đang đăng ký chứ không phải một phần mềm nào đó đăng ký một tài khoản Gmail mà thôi. Đây là một hành động nhằm ngăn chặn những sự đăng ký một cách liên tục bằng các phần mềm tự động (gọi là các bot) để gây ra sự lãng phí địa chỉ hoặc làm tắc nghẽn băng thông của máy chủ Gmail. Rất nhiều website đã sử dụng phương thức xác minh người sử dụng bằng CAPTCHA nên đôi khi người sử dụng rất khó chịu về điều này đối với các chữ khó hiểu, khó đọc. Thôi, cố gắng vậy nếu bạn muốn đăng ký, bởi vì hãng nào hầu những cũng bắt buộc phải thực hiện điều này.

Nếu bạn gõ sai, sau khi bấm hoàn thành bạn có thể nhận thấy rằng Gmail sẽ thông báo rằng bạn gõ sai, bạn nên điền lại một số thông tin bị thiếu và bấm vào nút có dòng chữ "Tôi chấp nhận. Hãy tạo tài khoản cho tôi".

Hoàn thành đăng ký một tài khoản Gmail

Sau khi hoàn tất các thông tin được điền như trên thì bạn sẽ thấy một phần thoả thuận sử dụng dịch vụ. Hãy xem kỹ phần "Điều khoản dịch vụ" để biết bạn cần tuân thủ theo các điều khoản nào khi sử dụng dịch vụ của Gmail. Các điều khoản sử dụng luôn luôn rất quan trọng và bạn cần phải đọc kỹ trước khi sử dụng để tránh bị bất ngờ về sau này. Các điều khoản thường là rất chặt chẽ nên bạn cũng cần thoải mái một chút khi chấp nhận, bạn sẽ nhận thấy rằng không có nơi nào cung cấp các dịch vụ một cách nghiêm túc là không có điều khoản sử dụng dịch vụ bởi đó giống như những hợp đồng, thoả thuận ràng buộc giữa hai bên cung cấp và sử dụng dịch vụ.

Điều khoản sử dụng dịch vụ này của Gmail cũng có một liên kết đến phiên bản để in, bạn có thể in chúng ra giấy cho dễ đọc. Tôi đề cử bạn đọc chúng một cách nghiêm túc bởi vì tôi thấy chúng có các lợi ích đối với bạn. Thứ nhất là sự thoả thận giữa hai bên - đó là phần quan trọng và ý nghĩa đối với việc tạo lập một tài khoản Gmail. Nhưng quan trọng hơn là cái lợi thứ hai: Bạn có thể sẽ nhận ra một số sự chặt chẽ thế nào đối với một hợp đồng, hoặc như các trường hợp có thể xảy ra (mà hãng này đã có kinh nghiệm về chúng) để có thể mở rộng tầm mắt một vấn đề đơn giản là cung cấp và sử dụng một hộp thư điện tử thì người ta đã ngờ đến các tình huống như thế nào.

Và, bây giờ thì chúc mừng bạn, bạn đã có một hộp thư Gmail, bạn đã sở hữu một niềm mơ ước mà trước đây chúng tôi đã chờ đợi và tìm đủ cách để có những lời giới thiệu (invitation, thậm chí trong giai đoạn đầu thì nó còn được rao bán trên eBay với giá hơn 100 USD[5]) mà sử dụng chúng trong giai đoạn thử nghiệm Gmail của Google. Thời đó nhiều người đã mong chờ Gmail ra đời để có thêm một lựa chọn mới cạnh tranh với Yahoo! Mail đối với những người dùng ở Việt Nam thời bấy giờ[3] (tất nhiên là còn nhiều nhà cung cấp khác nữa, nhưng ở Việt Nam ít để ý đến chúng, ví dụ Hotmail của Microsoft).

Hãy xem lời giới thiệu đầu tiên về Gmail mà bạn nhìn thấy. Hình ảnh đó cũng được tôi chụp màn hình ra đây. Nào tôi thấy lời chúc mừng này bằng tiếng Việt, nhưng lại không được hoàn hảo được cho lắm. Tôi nhận thấy có một số lỗi trong sự hiển thị tiếng Việt làm cho một số câu bị lỗi. Có lẽ rằng một số nhân viên của Google đã sử dụng bộ mã Unicode tổ hợp để soạn thảo nên sự hiển thị tiếng Việt đã kém như vậy (nhất là nếu như để chế độ hiển thị nhỏ đi hoặc lớn lên trong các trình duyệt web (ví dụ IE7) thì chữ bị mất một cách thảm hại.

Việt Nam hiện nay đã sử dụng rộng rãi theo Unicode dựng sẵn nên đã hiển thị chữ rất tốt (phóng to nhỏ thoải mái mà không bị vỡ chữ), hỗ trợ tốt trên các hệ điều hành mã nguồn mở. Thật tiếc khi mà ngay cả Microsoft (trước đây trong vụ tranh cãi lựa chọn chuẩn chung thì một chuyên gia người Việt của hãng này đã thiên về Unicode tổ hợp) và một số hãng nước ngoài vẫn sử dụng tiếng Việt theo Unicode tổ hợp khiến cho sự hiển thị chữ hiển thị không được đẹp cho lắm. Ví dụ đơn giản nhất là ngay ở blog này (trong entry: Nhắn tin cho blog này có hình minh hoạ về các dấu bị lệch đi), hay như BBC Việt ngữ cũng thường xuyên sử dụng mã Unicode tổ hợp - bạn sẽ thấy dễ nhận biết nhất là các mũ, dấu sẽ không còn hiển thị đúng vị trí khi mà chúng ta phóng to hay thu nhỏ chữ.

Hiện nay thì tôi cũng nhận thấy rằng rất nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là Unicode tổ hợp, thế nào là Unicode dựng sẵn trong cách gõ tiếng Việt. Hi vọng rằng tôi sẽ viết một entry như thế để may ra giúp được chút gì cho những người chưa hiểu được về nó.

Phần thứ hai tôi nhận thấy phần giới thiệu về Gmail có các thông tin lỗi thời: Dung lượng hộp thư vẫn nói rằng khoảng 2.500 MB, nhưng thực tại thì các hộp thư của Gmail đã lên trên 7.000 MB rồi! Không sao, càng lớn càng tốt chứ sao.

Tiếp tục, bạn hãy bấm vào dòng "Tôi đã sẵn sàng - hãy cho tôi xem tài khoản của mình" để đến với hộp thư Gmail.

Email đầu tiên bạn nhận được là một sự giới thiệu về Gmail của nhóm phát triển Gmail bằng tiếng Việt. Nội dung của nó thì không có gì quá đặc biệt ngoài sự chú ý của tôi đến dòng đại ý rằng Gmail có công cụ chống spam hiệu quả - tôi thích nhất điều này (mặc dù so sánh thì hầu như bây giờ nhà cung cấp dịch vụ nào cũng tích hợp tính năng chống spam).

Giao diện sử dụng webmail của Gmail rất đơn giản nhưng lại thể hiện đúng là của Google: Tôi nhìn thấy chỗ tìm kiếm cho nội bộ các email của bạn và cả tìm kiếm trên web. Phần quảng cáo đã không thể thiếu được trong hãng thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến này được đặt bên phải thuận tiện cho chuột bạn bấm vào phía tay phải.

Ở đây tôi cũng chú ý đến cách hiển thị tên của tôi, khi mà tôi lấy họ là Minh, tên là Linh để cho ra kết quả Minh Linh nhưng khi hiển thị trong Gmail thì nó lại trở thành ngược lại thành Linh Minh. Nó đã ngược đối với tôi nhưng không ngược đối với cách viết tên của một số quốc gia khác trên thế giới - họ đã đặt tên trước rồi mới đến họ. Vậy thì nếu bạn muốn hiển thị đúng thì làm thế nào? Nếu bạn thực sự muốn nó thuận thì hãy khai báo ngược lại điều đó để hiển thị đúng (chỉ có trường hợp giả sử sau này Gmail có đảo lại tên cho phù hợp với đa số thì bạn cũng có thể dễ dàng thay đổi lại được).

Bạn muốn ngay lập tức sử dụng ngay Gmail bằng việc thử nghiệm viết một email?, nhưng bạn nên quan tâm một chút đến lựa chọn cá nhân của bạn trên Gmail thông qua việc cài đặt chúng theo để đảm bảo phù hợp hơn với địa phương của bạn.

Không khó khi tìm thấy liên kết có chữ "Cài đặt" ở phía trên.

CÀI ĐẶT GMAIL

Ngôn ngữ

Khung cài đặt cũng hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng ở đây bạn có thể chuyển đổi sang ngôn ngữ khác cho phần này và hoàn toàn các giao diện sử dụng về sau này của hộp thư của bạn. Bạn có thể nghĩ rằng ngôn ngữ tiếng Việt sẽ tốt hơn cho bạn? Nhưng đôi khi thì cách dịch của Google thì lại có thể khó hiểu nên đôi khi cũng phải cho nó thành tiếng Anh xem nghĩa của nó là gì.

Kích thước trang tối đa

Có lẽ tham số này giới hạn độ dài một trang khi bạn duyệt Gmail trực tiếp trên web. Thực tình thì tôi hiếm khi quản lý mail ở trên web nên tôi không hiểu lắm về giao diện hiển thị một số cuộc hội thoại trên một trang có nghĩa là gì(?) Có thể là một số tiêu đề email chăng?. Chắc là 50 dòng liên tục. Chắc là đơn giản nếu bạn tự thử những điều đó.

Ảnh của tôi

Phần tôi khoanh bằng những vòng tròn đỏ có vẻ là một sự thích thú của tôi trước đây: "Chọn ảnh" sẽ khiến cho bạn sử dụng được một ảnh avatar trong mỗi thư mà bạn gửi đi. Phần chữ ký sẽ khiến cho bạn có thể dễ dàng chèn vào các thông tin cá nhân hoặc doanh nghiệp của bạn (hoặc ngay cả blog nữa nếu bạn thích) trong mỗi phần cuối của email gửi đi.

Còn các phần mục khác tuy không được nói đến nhưng chúng cũng không có gì là khó hiểu đối với bạn phải không?, đến đây thì tôi xin giới thiệu một thủ thuật mà tôi đã thực hiện trước đây với một hộp thư của Yahoo! Mail mà tôi gặp lại tính năng này ở phần cài đặt này.

Tự động trả lời khi đi nghỉ

Tính năng "Tự động trả lời khi đi nghỉ" không phải là một tính năng mới, nhưng nó rất hữu ích đối với bạn trong một vài trường hợp. Bạn thấy đấy, tính năng này chúng được thiết kế phục vụ cho việc trả lời các thư gửi đến khi mà bạn đi vắng (thăm quan, du lịch, công tác...mà không có điều kiện kết nối với Internet) với một nội dung nào đó mà tôi giả sử như trong trường hợp điền sẵn vào đó như một ví dụ. Thật tiện lợi phải không? Chúng sẽ làm cho bạn trở lên lịch sự hơn khi giải thích lý do mà bạn không hồi âm các email nhận được được trong một khoảng thời gian nào đó.

Như thế thì bình thường, bởi Yahoo! Mail cũng có tính năng này, nhưng tôi đã lợi dụng nó để kiểm tra tất cả các địa chỉ thư gửi đến. Số là trước đây tôi có một địa chỉ email được sử dụng thường xuyên và xuất hiện khắp nơi trong các forum, diễn đàn mà tôi tham gia. Thời đó tôi không ngờ rằng chỉ một thời gian sau thì địa chỉ công khai này của tôi đã bị gửi đủ các loại email khác nhau: bomb (thời đó còn thịnh hành kiểu ghét nhau thì gửi bomb mail cho nhau nữa ^_^), email rác, email chứa virus, email lừa đảo...Tôi đã phải đặt chế độ đi vắng trong vài tháng để bất kỳ một email nào gửi đến đều bị hồi âm lại người gửi, điều này có lợi là nếu các địa chỉ gửi đi là mạo danh (mà có dịp tôi nói đến sự mạo danh email qua một entry trên blog này) thì đều bị gửi lại một lời xin lỗi nhã nhặn vì hồi âm muộn. Thật là hiệu quả bởi với mỗi email mà địa chỉ gửi đi là giả mạo, không có thật thì hệ thống email đã gửi lại một email thông báo rằng địa chỉ đó không tồn tại, và chính các email báo lỗi này đã giúp tôi biết được các email nào là giả mạo.

Nhưng tôi muốn lưu ý thêm một chút khi bạn sử dụng tính năng này: Bởi bạn có thể đăng ký ở một nhà cung cấp dịch vụ nào đó các email chứa thông tin mới, các email thường gửi một chiều đến bạn từ một dịch vụ nào đó mà nó nói rằng "Xin vui lòng đừng hồi âm thư này" thì cũng có thể địa chỉ gửi đến bạn là không tồn tại, nhưng cũng có thể chúng là địa chỉ thực và bạn đang làm phiền đến nguồn gửi email đó. Trong trường hợp này thì tốt nhất là bạn đánh dấu vào ô chọn "Chỉ gửi thư trả lời đến những người trong danh sách liên hệ của tôi" ở ngay dưới phần nội dung thư hồi âm. Kết hợp với cách này thì đừng chứa các email của nguồn gửi trong Danh sách liên hệ của bạn (nhưng điều này thì không thể chống lại các email mạo danh được nữa rồi ^_^).

Chế độ mã hoá thư gửi đi

Chế độ "Chế độ mã hoá thư đi" tôi đề cử bạn lựa chọn vào phần "Sử dụng mã hoá Unicode (UTF-8) cho các thư đi". Điều này nhằm đảm bảo rằng thư bạn được viết bằng tiếng Việt có dấu sẽ được hiển thị đúng đắn ở người nhận được email.

Cách dịch "chế độ mã hoá" này nghe cứ như là bảo mật vậy nhỉ? Nếu cảm thấy vô lý thì bạn hãy hiểu rằng chúng là Encoding thôi, tôi cũng chưa biết là dịch thế nào cho đúng nghĩa ra tiếng Việt bây giờ (nhưng đúng là mã hoá thì không ổn lắm với thói quen của tôi).

Thực tế là tôi gặp nhiều người sử dụng đã gõ dấu bằng tiếng Việt nhưng mà người nhận lại không thể đọc được. Xin lỗi, phải sửa thành "rất nhiều", và điều này thì khiến cho người ta không dám viết bằng tiếng Việt có dấu nữa - bởi người nhận luôn phàn nàn rằng họ không đọc được gì. Bạn lại nói rằng đang viết tiếng Việt bình thường, đọc email cũng bình thường, nhưng lỗi là ở chế độ mã hoá thư gửi di bạn đã không lựa chọn đúng.

Theo mặc định thì Gmail đã lựa chọn "Sử dụng chế độ mã hoá văn bản mặc định cho các thư gửi đi", tôi nghĩ rằng có lẽ Gmail đã cho rằng nhiều người sử dụng nó đã viết các email bằng tiếng Anh - tức là bộ mã ASCII hoàn toàn có thể đáp ứng được (vì không có dấu và các ký tự khác). Sự mã hoá mặc định này đã tạo ra các email viết bằng tiếng Việt theo mã Unicode có thể lại không đọc được ở người nhận vì chúng bị mã hoá sai.

Kết nối trình duyệt

Phần lựa chọn "Kết nối trình duyệt" tôi đề cử bạn lựa chọn vào phần "Luôn luôn sử dụng https" để đảm bảo an toàn hơn đối với tài khoản và email của bạn. Bạn chưa biết chúng là gì? Một lúc nào đó tôi sẽ giới thiệu về chúng - nhưng bây giờ thì chưa - nhưng hãy tin rằng https luôn luôn bảo mật tốt hơn cho bạn, chúng giúp bạn an toàn hơn đối với các cặp mắt tò mò trên đường vận chuyển thông tin của bạn.

Luôn nhớ lưu lại sự thay đổi

Và hãy luôn luôn nhớ bấm vào nút "Lưu thay đổi" để các thiết lập của bạn có hiệu lực.

Lúc này thì lời khuyên của tôi là bạn nên thoát khỏi email, đóng trình duyệt lại, chờ một lát rồi...mở trình duyệt trở lại để vào email. Tôi không hiểu rằng đây có phải một lỗi hay không khi mà trong một số trường hợp thì thay đổi trong mục "Kết nối trình duyệt" từ kết nối thông thường sang "Luôn sử dụng https" sẽ gây một lỗi kết nối (đối với tôi) ở Gmail sau khi lưu thay đổi.

Bây giờ thì tuy rằng mục Cài đặt vẫn còn nhiều tính năng khác nữa cần thiết đặt, nhưng có thể chúng chưa đến mức cần thiết đối với bạn (tôi đoán thế bởi bạn vẫn còn đọc những dòng này khi mà nhiều người không cần đọc từ những dòng đầu tiên nếu vô tình thấy entry này).

(Nhưng tôi sẽ trình bày tất cả các mục còn lại trong entry này hoặc một entry mới hơn của tôi mà tôi đang định soạn thảo chúng với ý giúp bạn có thể sử dụng Gmail trên phần mềm quản lý email thông dụng mà nhiều người đang dùng là Microsoft Outlook)

SỬ DỤNG GMAIL

Bây giờ thì tôi quay trở lại giao diện sử dụng của Gmail để giới thiệu giúp bạn cách sử dụng chúng với những tính năng tối thiểu và cơ bản nhất. Sau một thời gian thì chắc rằng những tính năng còn lại bạn sẽ sử dụng thông thạo chúng mà không cần hướng dẫn thêm.

Hộp thư đến

Hộp thư đến (inbox) là nơi chứa các email mà bạn nhận được. Đây là một mục quan trọng mà bất cứ ai sử dụng email đều quan tâm nhất. Chắc chắn là như vậy rồi.

Tôi đã có một hình ảnh ở phía trên về hộp thư đến: Tôi nghĩ rằng không cần giới thiệu nhiều đối với bạn thì bạn cũng sẽ biết cách sử dụng chúng. Ở Gmail có một số đặc điểm riêng về cách sắp xếp email như sau.

Qua hình ảnh minh hoạ trên đây thì bạn có thể nhận thấy rằng sự sắp xếp các email của Google rất thuận lợi cho bạn liên hệ các mối liên quan tới nhau trong một nhóm email gửi đi và nhận lại: Một email xin phép đăng lại một số entry trên blog của tôi được xuất hiện đầu tiên, tôi trả lời lại và một entry hồi âm sự trả lời của tôi được sắp xếp cuối cùng. Ba email này liên quan tới nhau và nằm sát nhau theo cách bố trí của Gmail mà đúng ra thì chúng đã bị xen kẽ bởi một số email khác. Đây là điều lạ mà tôi nhận thấy ở Gmail vì hầu như các dịch vụ email mà tôi biết đã không làm điều này. Chúng thật thuận tiện cho tôi. Chúng phá vỡ quy tắc rằng email nhận được thì ở mục "Hộp thư đến" (Inbox), còn email gửi đi thì lẽ ra phải được nằm ở mục "Thư đã gửi". Sự "không chuẩn" này và mối liên hệ đã tạo điều kiện cho ta xâu lại một chuỗi email cùng một sự kiện - đó có thể là sự khác biệt của Gmail.

Trong "Hộp thư đến" cũng có một số lựa chọn: Lưu trữ, Báo cáo spam, Xoá và một số tác vụ khác nữa. Đây là các tính năng thông thường mà các dịch vụ email khác cũng có thể có.

Bạn muốn chống lại tệ nạn thư rác (spam) không? Hãy làm như những người khó chịu với các email rác bằng cách: Khi nhận được một email nào đó bạn coi là thư rác thì hãy bấm vào nút "Báo cáo Spam" để Gmail có thể tổng hợp các email mà nhiều người cùng báo cáo là spam rồi tự động lưu chúng vào thư mục thư rác của hộp thư của bạn về sau này. Phản hồi này luôn giúp đỡ nhà cung cấp có thể nhận biết chính xác hơn các thư spam. Và ngược lại thì cũng đúng: Khi bạn nhận được một thư không phải là spam thì hãy giải oan cho chúng khỏi thư mục "Spam".

Mỗi thư đến đều có một liên kết "Trả lời" để giúp bạn soạn thảo nhanh một nội dung email trả lời cho email nhận được. Khi bấm vào đó thì ô trả lời rất nhỏ gọn sẽ mở ra rất thuận tiện. Chúng giống như là các quick comment trên blog hoặc là phần trả lời nhanh trên các diễn đàn.

Soạn thư

Soạn thư là một điều quan trọng thứ hai sau hộp thư đến. Ở đây cũng không có gì khó khăn cả, nhưng nếu bạn chưa hiểu lắm hoặc lần đầu làm quen với email thì chỉ cần mất một phút để biết cách viết một email gửi đi sau khi đọc những dòng dưới đây.

Bạn bấm vào mục "Soạn thư", thì sẽ thấy một khung soạn thảo như thế này:

Khung soạn thảo rất đơn giản phải không, nó sẽ giống như hầu hết các phần mềm soạn thảo đã từng quen thuộc đối với bạn nên chắc rằng bạn sẽ không có khó khăn khi sử dụng nó. Khi soạn thảo thì bạn có thể thoải mái sử dụng tiếng Việt có dấu bằng một bộ gõ tiếng Việt nào đó (tôi đề cử bạn sử dụng Unikey (miễn phí) với bảng mã Unicode dựng sẵn).

Bây giờ là lúc cần quan tâm rằng bạn đang muốn gửi thư đến ai thì bạn phải biết được địa chỉ email của người đó - đây là một điều hiển nhiên rồi. Hãy viết địa chỉ email của người nhận vào ô "Tới" (to) mà tôi đã vẽ một mũi tên chỉ vào nó rồi đó.

Tiếp đến, bạn muốn gửi email này với nội dung gì thì viết tóm tắt nội dung hoặc ý nghĩa của bức thư vào phần "Chủ đề" (subject). Bạn đừng nên bỏ qua phần này vì một email không có chủ đề sẽ có thể không được đọc đến hoặc vô tình bỏ qua. Điều này có vô lý không? Không đâu, bởi vì hiện nay thì tệ nạn thư rác tràn ngập các hộp email nào lộ liễu một chút thì những lá thư không tiêu đề hoặc tiêu đề không nổi bật, bị lẫn vào hàng loạt tiêu đề khác hấp dẫn của thư rác thì nguy cơ rằng nó bị báo cáo rằng thư rác theo kiểu hàng loạt hoặc là bị xoá đi mà chưa được đọc.

Ở phần dưới có một khung cho nội dung của email, bạn có thể viết thoải mái nội dung của bạn vào đó. Bạn có thấy phần cuối cùng của khung soạn thảo email này có một khoanh đỏ mà tôi bảo là "Chữ ký được lưu sẵn trong tuỳ chọn" đấy. Bạn có nhớ lại phần trên của entry này tôi đã nói đến chữ ký - bây giờ thì nó hiển thị ra đây giúp bạn khỏi quên mỗi khi gửi email. Bạn có thể chấp nhận chữ ký hoặc xoá đi nếu muốn (trong một số trường hợp cũng có thể không cần chữ ký mà).

Trong quá trình soạn email thì thỉnh thoảng Gmail lại lưu lại thư đang soạn thảo một cách tự động. Thật tiện lợi vì điều này có thể giúp bạn lấy lại được các email đang soạn thảo nếu chẳng may kết nối Internet của bạn bị lỗi, ngắt. Phần email lưu lại sẽ dược chứa trong mục "Thư nháp" ở phần cột bên trái.

Mặc định sự soạn thảo email là dạng HTML, có nghĩa là bạn có thể tô màu, chọn chữ to nhỏ...như trang trí một văn bản trên một trình soạn thảo nào đó vậy. Tuy nhiên HTML cũng đem lại nhiều rủi ro về bảo mật nên hầu như những người sử dụng Internet hiểu biết sẽ hiển thị email của bạn dưới dạng text đơn thuần để cảm thấy an toàn hơn. Nếu bạn muốn soạn thảo nội dung là chính thì chỉ cần bấm vào liên kết chuyển đổi định dạng có tên "Văn bản thuần tuý" ở ngay trên khung soạn thảo.

Ở bên phải của khung soạn thảo tôi cũng thấy có một mục "Kiểm tra chính tả", nhưng tôi chưa thử nghiệm xem chúng có đúng hay không. Bạn hãy thử tự mình thử nghiệm nhé. Quả thật là khi tôi viết entry này thì tôi mới biết được dạng thức sử dụng webmail của Gmail mới có những tính năng như thế này - còn lại tôi toàn dùng các phần mềm quản lý email ở máy tính của tôi thôi.

Có lẽ bạn đã soạn thảo xong bức thư? Bạn có muốn gửi ngay hay không hay là chờ đợi đến một dịp đặc biệt nào đó để gửi. Nếu muốn gửi ngay thì chỉ cần bấm vào nút "Gửi" ở bất kỳ vị trí nào (trên và dưới - vì chúng có đến 2 nút gửi). Nếu bạn chưa muốn gửi hoặc là quá trình soạn thảo chưa hoàn tất thì bạn có thể bấm vào nút "Lưu bây giờ" để tiếp tục gửi hoặc soạn thảo lại vào thời gian sau. Trường hợp nào đó bạn không muốn gửi email này (chẳng hạn email tỏ tình cũng khó gửi như thế ^_^) thì bạn có thể bấm nút "Huỷ" để loại bỏ toàn bộ công sức đã bỏ ra.

Nếu như bạn muốn đính kèm với email một tập tin nào đó thì sao? Hãy bấm vào liên kết: "Đính kèm tập" (với hình cái ghim tài liệu minh hoạ cho nó) rồi làm theo những gì hướng dẫn ở trong đó.

Bạn thắc mắc về hai tính năng Cc và Bcc mà bạn nhìn thấy?

Cc là sự gửi đồng thời email đó đến một người nhận phụ nữa. Cách gửi này rất hay khi mà người nhận chính biết được email này đồng thời giửi đến người nhận phụ, và người nhận phụ thì biết phải làm gì (tôi lấy ví dụ về sự hỗ trợ của một hãng thiết bị: Khi tôi gửi thư đến bộ phận kỹ thuật thì họ hồi âm lại rằng cần phải mua thiết bị này thay thế, anh ta nói bộ phận kinh doanh sẽ gửi email về tên, chi tiêt và giá đến cho tôi và khi hồi âm thì tôi thấy anh ta Cc luôn đến bộ phận kinh doanh - và sau một thời gian thì bộ phận kinh doanh đã thực hiện đúng như email của bộ phận kỹ thuật. Vậy là trong trường hợp này công việc được giải quyết dây chuyền rất đơn giản mà không phải có mối liên hệ với riêng nội dung của tôi giữa hai bộ phận trong cùng công ty nọ - không mất nhiều thời gian và sự quên lãng khi mà bộ phận kinh doanh nhận được thư đã biết mình cần làm gì).

Bcc là nơi viết địa chỉ email mà bạn muốn gửi cho người nhận chính, nhưng cũng đồng thời đến một người nhận phụ mà người nhận chính không biết. Ví dụ bạn cần trả lời khiếu nại gì đó của khách hàng và bạn Cc cho đại lý nào đó ở gần khách hàng, còn Bcc cho một sếp nào đó của bạn để làm bằng chứng. Trường hợp này thì đại lý sẽ nhận được sự phản hồi khiếu nại sẽ biết làm gì với lời lẽ trao đổi trong đó (ví dụ liên hệ để xem xét, thu hồi...), còn sếp của bạn chắc là chuyển email của bạn vào một thư mục lưu nào đó mà thôi.

***

Thôi, tạm thế đã, tôi nghĩ rằng mình chuẩn bị viết entry tiếp theo về cách sử dụng Gmail trong trong Microsoft Outlook. Hi vọng rằng entry mới sẽ ngắn hơn entry này. Hic, lúc đầu viết entry này thì tôi nghĩ rằng nó ngắn lắm cơ, ai ngờ bôi ra dài thế này ^_^.

CHÚ THÍCH

1^. Google: Quan tâm tới điều không thể, Nguyên tác "DAVID VISE và MARK MALSEED", đăng trên VietNam Net (Theo Khánh Chi - Tuổi Trẻ), 2006.

2^. Tạm biệt password, Quốc Khánh (Theo New York Times) đăng trên VTCNews, 8/17/2008 7:02:08 PM (GMT+7)

3^. Sử dụng e-mail miễn phí với... Google, Cầm Thi (theo AP) đăng trên VietNam Net (lấy theo I-today), 2004

4^. Trợ giúp của Gmail, phần trợ giúp thêm bằng tiếng Việt.

5^. Đăng ký Gmail không cần thư mời, T.N (theo AP) đăng trên VnExpress, 08/2/2007.

6^. Hướng dẫn tạo tài khoản Gmail. trên một blog, trong phần hướng dẫn này rất đơn giản, tôi chỉ lấy nó làm ví dụ về việc chúng ta thường coi những việc như entry này đang làm là một điều đơn giản. Trong phần đầu hướng dẫn của blog này có viết: Tại sao 1 công việc đơn giản như này mà cũng có người hỏi nhỉ ? Bây giờ mình sẽ hướng dẫn chi tiết, và đừng bao giờ hỏi những câu nhảm nhí đại loại như: “Gmail là cái m gì í nhỉ ?” nữa đấy…!

7^. Gmail sẽ “chiếm ngôi” Hotmail và Yahoo Mail?, Vũ Ngọc (theo Techspot), Dân Trí, 02/2009. Mặc dù chưa được sử dụng nhiều như Yahoo! Mail và Hotmail nhưng Gmail sẽ là một đối thủ đáng gờm của hai tên tuổi này.

XEM THÊM

Gmail: Mục từ trên Wikipedia tiếng Việt.

Hướng dẫn lập một blog với Blogger, Nếu như bạn đã có một tài khoản Gmail thì có nghĩa rằng bạn cũng đã có một tài khoản Google, tài khoản này có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ khác được cung cấp bởi Google - trong đó có Blogger. Bạn đang đọc bài này trên một blog cung cấp bởi Blogger và nếu như bạn muốn có một blog như thế này một cách miễn phí thì có thể đọc bài này.

Hướng dẫn cho người dùng Gmail, Văn Linh (Theo PCmag) đăng trên Quản Trị Mạng, 05/2009.

Gmail ra tính năng “chuyển nhà”, Lê Trí (Theo TechCrunch) đăng trên ICT News, 05/2009. Trích dẫn "Google vừa tung ra tính năng cho phép chuyển toàn bộ email và địa chỉ liên lạc từ các hòm thư khác sang Gmail để lôi kéo nốt những người còn đang “do dự”

KỲ QUẶC?!

"Đừng để con bạn dùng Gmail"!, một bài viết thể hiện sự phàn nàn rằng Gmail không đặt địa chỉ IP của người gửi vào phần đầu thư (giống như Yahoo!Mail hoặc Hotmail) bởi lý do tôn trọng quyền riêng tư đã bị một số người cho rằng làm như vậy sẽ không phát hiện được kẻ xấu ???. Đa phần người sử dụng email thì không thể biết thông tin về các IP được gửi trong email hoặc các lộ trình trên đường đi của chúng thông qua việc đọc mã nguồn. Do đó mà bài viết này hơi kỳ quặc đối với tôi.

Trương Mạnh An (18/08/2008)

10/8/08

ELCB - Cầu dao chống giật

ELCB (Earth leakage circuit breaker) thường được gọi tên theo các thói quen khác nhau là "Rơ le bảo vệ chạm đất", aptomat “chống giật”, “cầu dao chống giật”. ELCB là loại thiết bị làm việc trên nguyên tắc phát hiện sự chênh lệch dòng điện đi và về để có thể ngắt phía nguồn tiêu thụ nếu có sự chênh lệch giữa chúng. ELCB được dùng để bảo vệ an toàn cho lưới điện quan trọng hơn là sự an toàn của con nguời đối với các nguy cơ bị "điện giật".

Vì gia đình tôi có hai đứa con trai rất nghịch ngợm, lại đang ở trong lứa tuổi dễ bị tổn thương do điện (lứa tuổi từ 1 đến 5[1]), nên ngay từ khi chúng bắt đầu biết nghịch ngợm thì tôi phải lắp đặt các ELCB vào mạng điện gia đình. Lắp đặt thiết bị này là điều mà tôi khuyên bạn thực hiện để an toàn hơn cho con người, thiết bị và tài sản để hạn chế các rủi ro do điện lưới gây ra.

BỊ GIẬT ĐIỆN ?

Dòng điện (mA)

Hiện tượng

2 ¸ 3

Ngón tay tê mạnh

5 ¸ 7

Bắp thịt co lại

8 ¸ 10

Đau, khó rời vật mang điện

20 ¸ 25

Khó thở, tay không rời được

50 ¸ 80

Thở tê liệt, tim đập mạnh

90 ¸ 100

Thở tê liệt, nếu t >3s thì tim ngừng đập

Ghi chú: Bảng theo nguồn chú thích 3

Trước tiên thì tôi cũng giải thích một chút về tại sao lại có sự “giật” khi mỗi người chạm vào điện. Rất nhiều người chỉ hiểu rằng nếu sờ vào điện lưới dân dụng thì sẽ bị giật hoặc nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không hiểu nguyên nhân gây ra sự giật này.

Khi một dòng điện với cường độ đủ lớn đi qua người thì sẽ tạo ra cảm giác bị "điện giật". Tuỳ theo từng trường hợp, lứa tuổi mà mức độ ảnh hưởng của điện đối với cơ thể con người là khác nhau nhưng nói chung là đều gây ra có hại (tất nhiên cũng có các phương pháp điều trị bằng điện, ví dụ châm cứu điện ở các dòng điện cường độ thấp[2]) hoặc có nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.

Bảng bên phải là mức độ ảnh hưởng của dòng điện lên cơ thể con người[3]. Cũng trong bài viết này thì tác giả đã đánh giá rằng với tham số lưới điện 50 Hz ở Việt Nam thì dòng điện truyền qua người vào khoảng 40-50 mA là đã đủ gây nguy hiểm chết người.

DÒNG ĐIÊN DI CHUYỂN THẾ NÀO TRONG MẠCH ĐIỆN?

Dòng điện đi theo một mạch kín. Nguồn lấy ảnh: http://www8.ttvnol.com/forum/dtvt/597795/trang-3.ttvnCó hai loại dòng điện: Dòng điện một chiều và dòng điện xoay chiều mà chúng ta thường gặp hàng ngày.

  • Dòng điện một chiều là dòng điện có chiều chuyển động của các điện tích theo một hướng nhất định, không thay đổi theo thời gian. Các loại pin, ắc quy là các dòng điện một chiều.
  • Dòng điện xoay chiều là loại dòng điện mà chúng thay đổi chiều chuyển động của các điện tích một cách liên tục theo thời gian. Ví dụ lưới điện dân dụng ở Việt Nam thường sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số 50 Hz, có nghĩa là trong một giây nó thay đổi chu kỳ 50 lần, chiều của nó đảo đi đảo lại 100 lần.

Bất kỳ một dòng điện nào cũng đều có một sự chuyển động khép kín theo một vòng tròn. Chúng không thể chạy ra khỏi cái vòng tròn đó. Ví dụ một quả pin mà ta thường thấy thì dòng điện xuất phát bên trong quả pin, chạy đến cực dương, rồi đi qua mạch tiêu thụ (bóng đèn, đài, điều khiển, điện thoại...bất kỳ cái gì dùng pin) rồi đi về cực âm, vào bên trong quả pin đó để hoàn thành một quá trình chuyển hoá thành điện năng. (Tất nhiên rằng đây là cách nói dễ hiểu chứ thực ra thì dòng điện đi trong các dây dẫn kim loại thì lại là sự chuyển dời của các điện tích (electron) và điện tích đi ra từ cực âm rồi di chuyển qua tải - về cực dương).

Đối với các loại điện được sử dụng trong dân dụng, bạn có thể nhận thấy dòng điện được xuất phát từ biến thế hạ áp ở các trạm phân phối điện, đi qua dây dẫn đến nhà bạn, qua các thiết bị điện mà bạn sử dụng rồi lại quay trở lại bằng dây dẫn thứ hai song song với nó, trở lại máy biến áp. Do tính chất xoay chiều nên nó đổi chiều liên tục.

Vậy thì có bao giờ dòng điện đi không khép kín hay không? Chưa bao giờ! Bởi vì nếu bạn có nhận ra ở một trường hợp nào đó ở trong dân dụng có dòng điện đi không theo trường hợp khép kín thì đó hoặc là các trường hợp rất đặc biệt (ví dụ như tụ điện sau quá trình tích điện được phóng điện khi có dây nối hoặc phóng thủng qua lớp điện môi, hoặc các trường hợp đặc biệt khác như sét...).

THẾ THÌ SAO LẠI BỊ ĐIỆN GIẬT?

Hình minh hoạ: Khi người bị giật điện thì dòng điện vẫn đi theo một hình khép kínỞ trên bạn đã thấy rằng chỉ khi có một dòng điện chạy qua cơ thể người thì mới bị điện giật, mà dòng điện lại đi theo một mạch điện kín, như vậy thì tại sao người sờ vào một cực nào đó thì lại bị điện giật? Lúc này dòng điện chạy qua cơ thể người có tạo ra một mạch điện kín hay không? Có mâu thuẫn với điều trên không?

Bạn hãy nhìn vào hình minh hoạ bên sẽ nhận thấy rằng dòng điện được xuất phát từ nguồn đi đến thiết bị và nếu sự cách điện ở đâu đó bên trong thiết bị là không tốt thì sẽ xảy ra hiện tượng xuất hiện điện ở vỏ thiết bị. Khi người sử dụng sờ vào và sẽ bị giật. Điều này không cần chứng minh bởi vì nhiều người đã gặp rồi đối với các thiết bị điện bị rò rỉ điện, hoặc ngay như bạn sờ vào chiếc vỏ máy tính của bạn - tuy không giật mạnh nhưng có thể nó cũng tê tê.

Nhưng vì sao lại như thế. Đó là bởi vì hệ thống điện dân dụng luôn sử dụng một cực được nối với đất, do đó cực còn lại luôn luôn có một hiệu điện thế so với "đất", và như vậy thì dòng điện đã truyền thông qua người để xuống "đất" để tạo ra một mạch điện khép kín.

Vậy bạn có thể thấy khó hiểu đối với một số trường hợp khác thường hay không?

Có bao giờ nhìn thấy các con chim đậu trên các dây điện (không được bọc vỏ bảo vệ) hay không? Có! Ai đó đã giải thích rằng vì chân nó có sừng nên cách điện, nên nó đã không bị giật. Chưa đúng! Con chim đã không bị giật bởi vì không có dòng điện đi qua nó vì nó không tạo thành một mạch điện khép kín - bởi điện đi vào con chim rồi nó đi đâu? thế nên không có dòng điện (thực tế có một dòng rất nhỏ bởi các yếu tố khác, nhưng giải thích điều đó thì rất phức tạp nên tôi coi không có dòng điện).

Không giống như con chim, một số người thán phục một người nào đó đứng trên thang khô, ghế đẩu bằng gỗ...rồi cứ dùng tay "nối sống" điện. Người này đã biết được nguyên lý của dòng điện nên đã khéo léo thao tác với sự sờ tay vào dây điện đang có điện mà không bị giật. Nhưng bạn đừng thực hiện điều này nếu không hiểu biết - bởi có thể bạn sẽ trở thành vật dẫn điện từ tay phải sang tay trái - và nó giật đấy!!!.

ELCB HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Sự hoạt động của ELCB

Ta nhận thấy rằng dòng điện đi theo một mạch kín, do đó mà khi nào đó nó bị đi nhầm về một hướng khác với mong muốn theo thiết kế thì có thể dựa vào nó để chế tạo các thiết bị chống sự giật điện.

Nhìn vào hình minh hoạ trên thì ta nhận thấy rằng sự khép kín trong mạch điện này được phân thành hai nhánh: Dòng điện từ nguồn cung cấp đi đến ổ cắm vào thiết bị và quay trở lại ổ cắm, về nguồn phát - với một dây nối đất. Một phần còn lại đi qua tay người, xuống chân và đi xuống đất.

Như vậy tuy mạch điện ở phần tổng thể là một mạch kín, nhưng tại một số điểm nào đó trên sơ đồ thì chúng không còn là mạch kín nữa: Dòng điện đi và về là không bằng nhau, chúng đã bị "thất thoát". Phần mất cân bằng này đã đi tắt xuống đất mà không theo đường dẫn về nơi chúng sinh ra theo dây dẫn.

Chính phần dòng điện đi tắt này đã đi qua các bộ phận cơ thể người để gây ra sự "giật điện". Ở trên thì ta đã biết rằng điện giật nguy hại cho sức khoẻ của con người, chúng có nguy cơ gây tử vong rất cao.

Vậy thì nếu có một thiết bị nào đó có thể phát hiện ra dòng điện chạy trong dây dẫn bị lệch nhau giữa đi và về để kịp thời ngừng cung cấp điện thì chúng có thể hạn chế được tai nạn về điện giật. Có, thiết bị đó gọi là ELCB mà tôi đã tự định nghĩa lại chúng ngay ở đầu của entry này.

Qua những gì đã trình bày ở trên thì bạn thấy ngay rằng ELCB hoạt động dựa theo sự so sánh giữa dòng điện đi và dòng điện về để phát hiện sự chênh lệch dòng điện là bao nhiêu ở phía tải - tức là phía hộ tiêu thụ của bạn. Nếu sự chênh lệch này lớn hơn một giới hạn nào đó thì chúng sẽ ngắt điện. Thế thôi - cơ bản là như vậy - bạn là một người không chuyên về điện tử, thiết bị điện v.v.. hoặc các chuyên môn nào đó để hiểu cũng giống như tôi thì bạn chỉ cần biết đến đó để đến mục dưới: Mắc chúng như thế nào trong mạng điện.

Nhưng mà khoan đã, tôi lại phải giới thiệu một chút về các tham số của nó đã chứ nhỉ. ELCB thì có nhiều loại có các tham số khác nhau để phù hợp với từng cấp độ của mạng điện, chúng có một tham số cơ bản nhất là giới hạn của dòng điện rò để ngắt cầu dao. Các thông số còn lại là cường độ dòng điện chịu đựng, mức điện áp là việc. Bạn có thể nhận thấy một số tham số của các ELCB thông dụng:

  • Điện áp (xoay chiều): 230V
  • Dòng điện rò: 30 mA
  • Dòng điện chịu đựng: 30A

Lấy ngay ví dụ trên thì nhận thấy rằng tham số đó có nghĩa rằng chúng được sử dụng trong một mạng điện lưới có mức điện áp 220V, tổng dòng điện tải mà bạn có thể sử dụng khoảng 30A, nếu quá mức cường độ dòng điện này thì ELCB sẽ tự ngắt - nghĩa là lúc này nó hoạt động giống như một aptomat thông thường (chính vì vậy nhiều người đã quen gọi ELCB là "aptomat chống giật" theo thói quen). Tham số về dòng điện rò 30 mA sẽ là định mức để nếu có một sự chênh lệch dòng điện là 30 mA thì ELCB sẽ ngắt điện.

Vậy thì ELCB có công dụng gì?

Trong cả phần trên hoặc phần dưới tôi đều chú trọng nói đến ELCB cho mạng điện gia đình và văn phòng nhỏ với công dụng nổi bật là nhằm tránh sự giật điện cho con người. Điều này cũng có thể làm cho bạn nghĩ rằng ELCB chỉ có một công dụng như vậy.

Không chỉ có tác dụng đối với sự an toàn của con người, nhưng không phải là như thế ELCB còn có tác dụng đề phòng hoả hoạn xảy ra đối với mạng lưới điện. Bạn có thể sống trong một ngôi nhà được đổ bê tông và nghĩ rằng chúng không bao giờ bị cháy - nhưng thực tế là có các vụ cháy nhà, cháy chợ, cháy văn phòng mà chúng đều không phải xây dựng bằng vật liệu dễ cháy (chắc qua các thông tin đại chúng thì bạn cũng nhận ra điều đó).

Chập điện, rò điện cũng là một nguyên nhân gây ra cháy, hoặc chúng cũng có thể là tác nhân giúp cho đám cháy được bùng lên mạnh hơn. Ngày nay thì nguyên nhân cháy do điện có vẻ nhiều lên khi thống kê lại các vụ cháy lớn, còn các vụ cháy mang tính địa phương, gia đình do điện thì ít người thống kê nên tôi tin rằng chúng đã trở lên nhiều hơn so với các nguyên nhân khác (ví dụ: vứt tàn thuốc còn lửa, tàn lửa từ các động cơ, ...)

Khi chập điện thì tại vị trí chập nhau sẽ sinh ra nhiệt đủ để phát cháy đối với chính dây dẫn với vỏ cách nhiệt bằng nhựa, và chủ yếu là nhiệt đó sẽ tạo ra bén lửa đối với các vật xung quanh. Dòng điện có thể tăng cao đến mức làm các aptomat (hoặc cầu chì bảo vệ) ngắt điện. Sự ngắt này sẽ làm cho dòng điện dân dụng sẽ không còn là tác nhân tiếp tục làm đám cháy mạnh thêm nữa.

Như vậy bạn có thể nghĩ rằng trong trường hợp chập cháy gây hoả hoạn thì chẳng cần các ELCB bởi vì các aptomat thông thường cũng đã đủ ngắt điện? Không hoàn toàn đúng, bởi vì nếu đối với các sự chập điện xảy ra với một dòng điện nhỏ hơn so với định mức của một aptomat, hoặc là trường hợp cháy các loại quạt điện, động cơ hoặc các thiết bị điện khác trong gia đình/văn phòng, chúng chỉ cần một dòng nhỏ mà vẫn gây phát nhiệt, trường hợp này thì aptomat không bảo vệ được.

Trong các trường hợp sự cố đối với các thiết bị điện gây phát nhiên, nhiều khả năng là chúng làm cháy dây dẫn được bọc cách điện, do đó sẽ xuất hiện dòng điện rò ra vỏ thiết bị, và có thể chúng được truyền xuống đất. Không chỉ thế, trong các trường hợp khác thì dòng điện có nhiều khả năng rò xuống đất và làm mất cân bằng giữa dòng điện đi và dòng điện về trong một mạng điện gia đình. Vậy là ELCB có mặt để ngắt điện.

Và ELCB có thể còn có nhiều công dụng khác nữa, nhưng mà tôi thì vẫn chú trọng về mặt bảo vệ sự an toàn của con người hơn nên không trình bày nhiều về các công dụng khác của ELCB.

Nguyên lý làm việc

Phần này thì bạn có thể không cần đọc nó, bởi vì bạn là một người bình thường thì có thể khó hiểu, nhưng nếu như bạn đã học tập ở mức độ bình thường (nhớ được khoảng 50% kiến thức được học thời trung học là hiểu. Và ở đây thì đang là phần mở ngoặc để bạn thấy rằng chính bạn phê phán sự học giả, người giả, nhưng bạn lại không nhớ đến những kiến thức ấy - mà không phải các thầy cô đã không dạy bạn - mà chỉ do bạn không học và không nhớ đến chúng mà thôi. Vậy nên hãy hướng tới những thế hệ tiếp theo học tập được đều và tốt hơn nhé!)

Hình dạng một chiếc Ampe kìm dùng đo dòng điện, Nguồn ảnh: http://www.trunga.comBạn có nhớ đến một thí nghiệm khá lý thú về một dòng điện đi xuyên qua một tờ giấy, trên tờ giấy rắc các mạt sắt nhỏ, kho gõ gõ tờ giấy để cho mạt sắt tự chuyển động thì nó sẽ sắp xếp nhau theo một hình tròn xung quay tâm dây dẫn dòng điện đi qua không nhỉ? Thí nghiệm này rất lý thú và nó làm bạn nhớ đến nó chứ? Nếu không thì cũng không sao, bởi vì tôi cũng thấy có rất nhiều người không nhớ đến nó.

Ở đây thì mỗi một dòng điện đều sinh ra xung quanh nó một từ trường, nếu như dòng điện là xoay chiều thì từ trường này sẽ biến thiên liên tục xung quanh dây dẫn đó. Đây là những hình dung thôi đấy nhé, bởi vì bạn sẽ không nhìn thấy được từ trường của chúng, từ trường vô hình mà. (Và bạn có biết rằng chính bạn cũng đang sống trong từ trường đó bởi vì trái đất chính là một nam châm khổng lồ mà cực bắc là Bắc cực, cực nam là Nam cực - chính đó đã làm cho các la bàn bằng nam châm mới có thể xoay hướng để chỉ ra phương Bắc, phương Nam).

Rồi. Nếu như ta quấn quanh một dây dẫn có dòng điện chạy qua một vòng dây khác thì trong dòng điện này sẽ xuất hiện một dòng điện. Điều này thì cũng có vẻ đúng nhưng mà chưa chính xác, bởi vì nếu như ta quấn quanh một nam châm vĩnh cửu thì cũng không sinh ra dòng điện (bởi nếu được người ta sẽ tạo ra được các loại động cơ vĩnh cửu đã làm tốn bao giấy mực thời xa xưa).

Như vậy thì thấy rằng từ trường sinh ra không biến thiên sẽ không sinh ra một dòng điện cảm ứng nếu có các vòng dây quanh nó, mà điều này thì luôn được thực tế chứng minh với bạn bởi vì không có các loại máy biến áp một chiều sử dụng cuộn dây và lõi từ.

Ứng dụng của sự xuất phát một từ trường xung quanh một dây dẫn điện có dòng điện xoay chiều chạy qua đã được người ta tạo ra các dụng cụ đo dòng điện xoay chiều mà không phải mắc nối tiếp vào mạch điện của chúng. Tôi cũng có một thiết bị như vậy, nó là chiếc kìm đo dòng (chẳng biết gọi tên nó như thế có đúng không nữa), bạn thấy đấy, nó được tôi sử dụng để đo các dòng điện để có thể tính toán công suất các thiết bị trong phạm vi gia đình mình - thực ra thì lúc đầu tiên mua nó chỉ để đo dòng điện tiêu thụ của nguồn máy tính mà tôi thường nghiên cứu về nó trong phạm vi nhận thức của mình. Ở những thiết bị đo đếm điện với dòng điện lớn hoặc có mức điện áp cao thì người ta đều đo như vậy - nó có vẻ như trái với những suy nghĩ bạn đã được học rằng muốn đo một dòng điện thì mắc một đồng hồ nối tiếp với dòng điện đó phải không?

Khi mà tôi sử dụng chiếc đồng hồ kìm đo dòng để cặp vào một cặp dân dẫn điện cho một thiết bị nào đó, tôi nhận thấy kết quả của nó bằng không - tức là không có dòng điện nào đi qua nó cả - theo như kết quả hiển thị ra ở chiếc đồng hồ. Vô lý nhỉ, ví dụ tôi sử dụng để đo dòng cho chiếc nồi cơm điện, công suất của nó không phải là nhỏ, mà sao lại không có dòng nào đi qua? Hay là chiếc đồng hồ này sai? Không. (Đôi khi chúng ta nghĩ như thế: Những thiết bị đo đếm, kiểm chứng chúng thường hoạt động tương đối chính xác, chỉ có tư duy của chúng ta sai lầm, không giải thích được nên đổ lỗi cho chúng mà thôi. Tôi đã gặp nhiều người làm kỹ thuật có tư duy như thế, khiến cho họ luôn thất bại trong công việc và phá hỏng thiết bị, hoặc yêu cầu thay thế một cách vô lý chỉ bởi vì họ tin rằng họ đúng, họ rất giỏi và họ không chịu nghe và phân tích những ý kiến phản biện lại). Trong trường hợp này thì tôi đã sai khi mà đo dòng điện xoay chiều một cách cặp đôi hai dòng điện đi ngược chiều nhau: Có nghĩa là giá trị của chúng sẽ bằng không (0). Rất đơn giải bởi vì từ trường sinh ra đã bị triệt tiêu nhau bởi hai dòng điện trái chiều được đặt song song nhau.

Bên trong một ELCB, (ảnh từ ELCB)

Đến đây thì sau một hồi dài dòng để nói đến cái đồng hồ kìm đo dòng với các triết lý lồng ghép thì có lẽ rằng bạn đã nhận ra loáng thoáng về nguyên lý của ELCB: Chúng dựa trên sự đo đạc sự xuất hiện dòng điện bởi hai dây dẫn đặt song song nhau. Nếu phát hiện có sự sai lệch dòng điện giữa đi và về thì trong cuộn dây sẽ xuất hiện dòng điện, và tuỳ vào mức độ thiết đặt (hoặc số vòng dây nhiều hay ít) để chúng thiết lập kích hoạt sự ngắt cầu dao.

Có thể vẫn khó hiểu, nhưng thế này: Hai dây dẫn đặt song song nhau chứa một dòng điện chạy qua có cường độ bằng nhau và ngược chiều nhau thì từ trường của chúng sinh ra sẽ triệt tiêu nhau, và không có thiết bị nào đo được. Nếu như có các vòng dây để đo lại dòng điện của chúng thì chắc rằng ở điều kiện trên thì dòng điện đo được là bằng không. Nhưng nếu như có một dòng điện rò xuống đất thì có nghĩa là hai dòng điện này không bằng nhau. Sự chênh lệch khiến cho bên trong các vòng dây cảm ứng xuất hiện dòng điện, và chúng kích hoạt cho ELCB ngắt điện. Sự ngắt này thông qua một mạch điện nhỏ, chủ yếu chúng khuếch đại dòng điện cảm ứng lên lớn một chút và có một chút so sánh với mức chuẩn, rồi kích hoạt một aptomat thông thường để ngắt nguồn điện.

Bạn thấy không, rất đơn giản nếu như biết được nó, nhưng tôi đã cảm phục người phát hiện ra sự đơn giản này để chế tạo ra những chiếc ELCB làm cho con người được an toàn hơn với điện. Bạn cũng có thể phát hiện ra nhiều điều đơn giản như thế để cho cuộc sống loài người tốt đẹp hơn - chỉ cần chịu khó học tập, chú ý, suy luận và...xuất bản ý tưởng của mình.

Dưới đây là một số hình minh hoạ giúp bạn hình dung tốt hơn về sơ đồ nguyên lý của các ELCB

Sơ đồ nguyên lý hoạt động đơn giản của ELCB trong mạng điện gia đình, [Ảnh: http://www8.ttvnol.com/forum/dtvt/597795/trang-4.ttvn] Sơ đồ nguyên lý làm việc của một ELCB đơn giản. Ảnh: http://www.crossy.co.uk/
Ta nhận thấy một sơ đồ đơn giản về ELCB sử dụng một lõi từ hình xuyến (thường là lõi ferít) để xuyên hai dây dẫn đi qua, phần dòng điện được lấy làm cảm ứng được quấn quanh lõi từ đó. Ở hình này (trên) thì dây dẫn điện lại được quấn xung quay lõi từ hình xuyến một cách đều nhau (để không gây ra sự lệch từ)

Mặt sau của ELCB (tháo nắp), có thể thấy cuộn dây cảm ứng

Hình minh hoạ về một ELCB ba pha dùng cho động cơ điện. Nguồn ảnh: http://www.atcadvance.com/howELCB.html
Hình minh hoạ phía trên là một sơ đồ đấu nối của ELCB cho một mạch điện ba pha, nguồn tiêu thụ là một động cơ. Đây chỉ là một sự minh hoạ giúp bạn hiểu rằng ELCB không chỉ đơn thuần bảo vệ chống rò điện ở các mạch điện một pha trong dân dụng, mà chúng còn sử dụng trong các mạch điện 3 pha trong công nghiệp hoặc các xưởng nhỏ

LẮP ELCB TRONG MẠNG ĐIỆN GIA ĐÌNH, VĂN PHÒNG

Khảo sát trước khi lắp đặt

Vỏ ngoài của một ELCB của hãng LS

Không phải gia đình nào cũng có thể lắp đặt được các ELCB để bảo vệ cho con người chống bị điện giật. Điều này có vẻ như vô lý nhưng chúng đã là thực tế bởi "cơ sở hạ tầng" mạng điện của gia đình bạn. Tại sao lại như vậy? Ở đây là chất lượng dây dẫn điện và cách lắp đặt chúng hiện tại trong gia đình của bạn. Nếu như chất lượng dây dẫn tốt thì chắc rằng bạn dễ dàng lắp đặt một ELCB mà không gặp phiền toái nào, nhưng nếu dây dẫn điện có vỏ chất lượng kém, sử dụng lâu năm thì sự truyền điện ra ngoài tường và các thiết bị khác để xuống đất làm cho luôn có một dòng điện không hoàn chỉnh, và như vậy thì lắp đặt ELCB sẽ luôn luôn hoạt động, mà điều đó thì bạn chỉ có đường tháo bỏ chúng.

Có rất nhiều người đã gặp phiền toái với các ELCB được trang bị, sau đó thì chúng luôn nhảy mà chẳng hiểu tại do đâu. Thường thì những người sửa chữa điện cho gia đình bạn sẽ rò rẫm nơi nào là nguyên nhân, mà nếu không được thì họ hoặc là đề nghị tháo bỏ ELCB hoặc là điều chỉnh một chút bên trong ELCB để chúng có thể chịu đựng được dòng điện lớn hơn một chút nữa. Thủ thuật này không phải là tôi tưởng tượng ra mà là nghe được trực tiếp những người sửa chữa điện nói ra khi mà tôi đang đi mua chính các ELCB và được họ (cũng đang mua thiết bị điện cho công trình của gia đình nào đó) nhiệt tình nói ra với tôi và nói với nhau. Họ đã không chỉ rõ ra cách làm, nhưng tôi có thể suy đoán ra hành động của họ dựa vào nguyên lý làm việc của ELCB (có thể là đấu tắt, có thể là cắt bớt số vòng dây cảm ứng để ELCB vẫn có thể làm vệc được, nhưng lúc này chúng đã có thông số hoạt động khác hẳn (và lớn hơn nhiều về sự so sánh các dòng lệch) so với nhãn mác của thiết bị đã ghi. Cho dù là cách nào thì hành động này cũng có thể gây ra sự nguy hiểm cho gia đình của bạn.

Vậy thì trước khi lắp đặt bạn nên khảo sát xem chúng có phù hợp với hệ thống điện của gia đình bạn hay không. Tốt nhất là mượn được một chiếc ELCB nào đó để lắp thử với chế độ không định vị chắc chắn, rồi mới tiếp tục mua và lắp đặt cố định vào hệ thống lưới điện gia đình. Cách trên không phải là tối ưu đối với kiến thức bình thường, nếu bạn thạo hơn về vật lý và có thêm một số công cụ đo đạc thì sự khảo sát bằng cách đo điện trở cách điện sẽ là cách mang tính chất kỹ thuật hơn, hợp lý hơn mà không cần phải mượn hoặc mua thử một ELCB.

Lắp đặt ELCB trong mạng điện gia đình, văn phòng

Một mạng điện gia đình (hoặc cả đối với các văn phòng) lý tưởng nhất là lắp các ELCB theo các cấp độ khác nhau theo từng mức phân nhánh của sự cung cấp điện nhằm đảm bảo phù hợp với tình trạng làm việc của chúng.

Một ELCB lắp trong hệ thống điện gia đình (màu đen), bên trái là một aptomat. Hình ảnh lấy từ: http://www8.ttvnol.com/forum/dtvt/597795/trang-3.ttvn
(Hình mình hoạ: ELCB lắp đặt trong gia đình/văn phòng có màu đen ở giữa (bên trái là một aptomat). Ảnh theo ttvnol)

Với một ELCB lắp đặt tại nguồn tổng (tức là đầu vào của hệ mạng điện) thì chúng cần có tham số chịu dòng điện lớn và cường độ dòng điện lệch cao nhất. Điều này nhằm giúp cho hệ thống không bị ngắt điện toàn bộ khi một ELCB nào đó ở các nhánh dưới cũng bị ngắt do có sự dò điện: Ví dụ một thiết bị nào đó bị rò điện ra vỏ hoặc một ai đó vô tình sờ vào điện ở một nhánh nhỏ thì ở nhánh tổng ELCB sẽ cắt điện, và toàn bộ sẽ mất điện. Tất nhiên rằng sự an toàn là quan trọng nhất bởi vì sự ngắt điện có thể làm bực mình, thiệt hại, nhưng cứu được một người khỏi nguy cơ điện giật thì không có giá nào so sánh được. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bởi vẫn có cách mắc chúng mà các nhánh con có thể ngắt ở nhánh con mà nhánh tổng không bị ngắt. Vậy thì trong trường hợp này nếu bạn chỉ lắp một ELCB tại một nhánh tổng thì có nghĩa rằng hoặc bạn quá tiết kiệm, hoặc là bạn chưa hiểu biết và nhìn rộng các vấn đề (hoặc cả hai).

Giả sử mạng điện gia đình của bạn có nhiều nhánh (ví dụ nhiều tầng trong một ngôi nhà) thì sự không hoàn hảo của hệ thống dây dẫn có thể làm cho dòng rò xuống đất tổng là lớn. Ví dụ như tầng 1 của bạn rò một ít, tầng 2 rò một ít, v.v.. và tổng lại thì dòng rò có thể vượt ngưỡng có thể gây giật đối với con người - vậy thì nếu lắp một ELCB tổng có tham số nhỏ sẽ không làm việc được - chúng luôn ngắt nguồn ngay khi được lắp vào hệ thống điện.

Một số thiết bị điện thường xuyên làm việc với khả năng gây ra dòng rò lớn. Ví dụ như các loại máy giặt luôn ẩm ướt, các loại bình nước nóng sử dụng điện với hơi nước mù mịt...đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến dòng rò tổng cao. Tất nhiên là tôi viết điều này dựa trên các thiết bị chung, bởi vì các thiết bị mà nhiều người sử dụng đang dùng thường là chưa đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn (ví dụ tiêu chẩn của Châu Âu, Úc, hoặc Hoa Kỳ), chúng có khả năng rò điện cao và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng. Điều này là đương nhiên thôi khi mà chúng ta cố gắng mua những thiết bị dân dụng giá rẻ thì nhà sản xuất sẽ khó mà thiết kế chúng tuân theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được.

Như vậy thì cách lắp ELCB trong mạch điện gia đình là như thế nào. Tốt nhất là nên lắp một ELCB tổng với một tham số lớn về tổng cường độ dòng điện chịu đựng qua nó, có dòng rò định mức cao, lắp các nhánh con các ELCB có tham số nhỏ hơn. Cách lắp này còn giúp khoanh vùng các vùng bị rò điện mà không phải lật tung tường, dò từng vị trí xem chỗ nào gây rò rỉ nữa.

Tôi lấy một ví dụ cho sự lắp đặt như thế này theo từng cấp độ nhánh khác nhau của mạng điện trong gia đình/văn phòng: ELCB tổng: 300 mA, Nhánh từng tầng: 100 mA, nhánh từng phòng 30 mA. Xin lưu ý rằng đây chỉ là ví dụ gợi ý, tuỳ theo từng gia đình/văn phòng mà sử dụng các loại ELCB khác nhau, cách thức sử dụng điện lại cần nghiên cứu, thiết đặt lại cho phù hợp.

Hãy lưu ý đến các thiết bị sử dụng điện quan trọng hoặc thiết bị an ninh: Ví dụ như nguồn nuôi cho chiếc cửa cuốn của bạn và sự điều khiển từ xa, những hệ thống báo động đột nhập, những hệ thống điều khiển hoặc tự động hoá khác trong gia đình của bạn: Nếu chúng được lắp sau một ELCB thì có khả năng là nó sẽ bi vô hiệu hoá bởi ai đó muốn chúng vô hiệu (tạo ra sự rò giả bởi đấu một dây dẫn với đất với một dây ở ngoài ngôi nhà của bạn) hoặc là chính bạn cũng khó có thể vào được ngôi nhà của mình bởi cánh cửa không hoạt động nữa do sự cố nào đó về điện trong khi bạn vắng nhà. Vậy thì cần có một dường dẫn điện riêng không qua các ELCB đối với các thiết bị đặc biệt như vậy.

Cũng lưu ý thêm một ý rất phụ rằng một số loại bình nước nóng sử dụng điện năng hiện nay đã được trang bị sẵn các ELCB bên trong, chúng có thể làm tăng giá thành nên và được quảng cáo rằng đảm bảo an toàn cho người sử dụng với sự chống rò điện thì chính là tính năng này. Nếu như một bình nước nóng nào đó chỉ có thểm tính năng chống rò điện mà bạn lại được lắp sẵn các ELCB trong mạng điện rồi thì không nhất thiết phải dùng chúng. Còn nếu gia đình bạn chưa lắp các ELCB thì nên đầu tư chúng thay cho bỏ thêm tiền cho tính năng chống rò điện của bình nước nóng.

BẢO DƯỠNG ELCB

ELCB có cần bảo dưỡng không, tôi nghĩ là không nên tháo chúng ra sờ sịt vào nó để có thể bị sai lệch thông số nếu bạn không hiểu chúng. Nhưng thực ra chúng lại cần được bảo dưỡng theo một cách khác rất đơn giản.

Từ ELCB

Tôi để ý đến chiếc ELCB mà tôi mua của một hãng tại Nhật Bản sản xuất thì tại nút test (test switch) sự hoạt động nó có ghi "Mỗi tháng test một lần". Như vậy thì khuyến cáo của nó rằng một tháng chúng ta phải giả vờ bị giật điện một lần để cho chúng hoạt động được đúng đắn. Cách này làm cho các thiết bị được thường xuyên hoạt động để tránh không làm việc quá lâu, hoặc các phần thiết bị hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ khí đơn thuần quá lâu không được làm việc (ví dụ các lò xo nén quá lâu có thể gây két tại điểm nén. Sự test này định kỳ hàng tháng sẽ giúp cho chúng hoạt động với bất kỳ lúc nào xảy ra sự cố.

Một ELCB của hãng LS, nút test có màu đỏ. Giá thành khoảng 150.000 VNĐ (Ảnh từ ELCB)

Điều này có gì đặc biệt không, khi mà một số ELCB của các hãng khác lại cũng có nút đó, nhưng lại không khuyến cáo chế độ test hàng tháng như vậy? Đó là các hãng đã không chú trọng đến sự hoạt động ổn định lâu dài? hoặc là quá tốt đến không cần phải test? Tôi không rõ lắm, nhưng khi so sánh về giá trị khi tôi mua thì chiếc ELCB của Nhật Bản có giá khoảng 550.000 VNĐ thì có sự đề nghị test, nhưng một chiếc ELCB của Hàn Quốc giá khoảng 150.000 VNĐ thì không đề nghị như vậy. Và cũng có thể ELCB của Hàn Quốc có giá vừa rẻ, vừa tốt như lời quảng cáo của người bán hàng ?! Điều này thì tôi không rõ lắm.

Thôi thì nó có tốt thật hay không thì dù không được khuyến cáo nhưng tôi vẫn cứ bấm nút test hàng tháng.

CON NGƯỜI LÀ TẤT CẢ

Tôi gặp một số nhỏ các trường hợp thế này: Một người đi xe máy và bị ngã xe, người đó gượng dậy và việc đầu tiên là xem chiếc xe máy có bị hư hại gì không, rồi bắt đầu lo ngại nếu như chiếc xe đó không phải là sở hữu của họ, điều đáng làm mà họ cần quan tâm đến bản thân họ hoặc những người khác bị họ làm ngã. Không phải là hoàn toàn ai cũng vậy nhưng đôi khi cúng ta coi trọng những đồ vật hơn cả bản thân mình.

Con người luôn làm ra tất cả, con người là trung tâm so với các đồ vật phục vụ cho chúng ta. Vậy nên bạn đừng e ngại khi lắp đặt các ELCB để bảo vệ tính mạng cho chính mình và những người thân của mình.

Nếu bạn muốn lắp các ELCB vào cho gia đình hoặc văn phòng của mình thì hãy tự tìm các cửa hiệu bán đồ điện nào đó để hỏi và được tư vấn thêm (đôi khi chưa chắc người bán đã thấu hiểu về ELCB đâu). Nếu bạn hỏi tôi nên mua loại ELCB nào, mua ở đâu thì tôi sẽ không nói, bởi vì điều đó làm cho bạn nghĩ rằng entry này được viết ra để quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Không! Đây là kinh nghiệm của tôi bởi sự an toàn cho những đứa con của tôi mà thôi. Khi tôi biết những kinh nghiệm này thì tôi viết lên blog của mình để chia sẻ đến mọi người. Tôi đã nghĩ kinh nghiệm này sẽ tốt cho bạn và những người thân của bạn.

Tham khảo

Lắp thêm aptomat chống giật? Trên diễn đàn Trái Tim Việt Nam Online.

Chú thích

Lưu ý về cách gọi tên một số thiết bị hoặc hiện tượng. Chúng được tôi sử dụng theo cách gọi tên theo thói quen hoặc sử dụng trong một địa phương mà có thể chưa được sử dụng theo sự thống nhất chung. Chẳng hạn như "Nối đất" có thể được hiểu là "GND", "tiếp địa", "nối mát"...

1^. Điện giật và các tổn thương do điện, bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh đăng trên Y Dược ngày nay.

2^. Bộ Y tế không cho phép chữa bệnh bằng xung điện, nhân điện, VnExpress theo Thanh Niên.

3^. Rơ le bảo vệ chạm đất, chống điện giật độ nhạy cao. ThS Tạ Tuấn Hữu (Đại học Điện lực), đăng trên trang "Thông tin Khoa học công nghệ" - Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công nghiệp - VN)

Xem thêm

Cầu giao chống rò điện đất, trên Wikipedia tiếng Việt, mục từ do ... tôi khởi tạo - với mục đích minh hoạ cho một bài viết khác của tôi trên blog này. Bạn có thể thấy rằng hình thức trình bày trên Wikipedia khác hẳn so với viết trên blog, bởi vì blog có thể viết theo cách của mình, nhưng trên một từ điển "bách khoa toàn thư" thì lại khác hẳn bởi ràng buộc nhiều quy định, nguyên tắc khác nhau.

Earth leakage circuit breaker, mục từ trên Wikipedia tiếng Anh. (en)

Trương Mạnh An (10/8/2008)

(Bản quyền: Tôi cho phép sử dụng nội dung entry này cho mọi mục đích (bao gồm sửa đổi nội dung cho phù hợp, và bao gồm sự thương mại hoặc trên các website, blog có quảng cáo), với điều kiện để lại liên kết tới trang Internet chứa trang đăng lại ở comment ở entry này)