23/11/08

Lỗi NTLDR và cách khắc phục

Lỗi NTLDR là một lỗi thỉnh thoảng hay gặp ở các hệ điều hành của Windows họ NT như Windows NT, 2000, XP nếu như bị xoá một số tập tin khởi động của chúng. Lỗi này có thể do sự vô ý của người sử dụng, virus phá hoại hoặc lỗi đĩa. Nếu đã bị lỗi NTLDR thì bạn không thể khởi động vào được hệ điều hành của mình và thông thường là phải nhờ sự giúp đỡ của người khác nếu như bạn không hiểu về chúng.

Entry này bắt nguồn từ việc một đứa em họ của tôi hỏi về lỗi này, tôi nhận thấy cần phải hướng dẫn cách phòng tránh, khắc phục nó để có thể may chăng giúp đỡ một số bạn đọc nếu gặp phải. Hy vọng bài này giúp ích được cho bạn để bớt ngỡ ngàng nếu gặp lỗi liên quan đến quá trình khởi động của hệ thống.

TÌNH TRẠNG LỖI

Vị trí tập tin NTLDR trên phân vùng khởi động và trong bộ cài đặt Windows XP (tương tự đối với các đĩa cài đặt Windows). Nếu các tập tin có thuộc tính ẩn và hệ thống này đột nhiên xuất hiện trước mắt bạn thì có lẽ rằng bạn sẽ xoá chúng. Lỗi này thuộc về phần mềm diệt virus đã làm chúng hiện ra chăng?

Lỗi này sẽ xuất hiện một dòng thông báo "NTLDR is missing. Press Ctrl + Atl+Del to restart" ngay sau khi quá trình POST (kiểm tra phần cứng ban đầu khi khởi động máy tính) hoàn thành và trao quyền cho các hệ điều hành cài đặt trên ổ cứng máy tính. Sau đó thì máy tính không tiếp tục khởi động được nữa, chờ cho ngườ sử dụng bấm tổ hợp ba phím trên để khởi động lại máy tính mà thôi.

Trong một số trường hợp khác, có thể thông báo lỗi như sau:

  • NTLDR is Missing
  • NTLDR is Corrupt
  • NTLDR is Compressed
  • Boot.ini is Missing

Dòng thông báo này khiến cho người sử dụng bấm tổ hợp ba phím trên để khởi động lại hệ thống, tuy nhiên hành động này đã không giúp đỡ được máy tính khởi động vào được hệ điều hành, bởi vì hệ thống đã không khởi động từ lần thứ nhất mà chúng ta không có tiến hành sửa chữa chúng thì lần kế tiếp theo cũng không thể khởi động được.

Nguyên nhân gây lỗi này được xác định rằng hệ điều hành đã không thể tìm thấy một số tập tin phục vụ cho quá trình khởi động với hệ thống Windows. Cụ thể là một trong số các tập tin dưới đây không được tìm thấy tại phân vùng "mồi" để khởi động hệ điều hành (phần thiếu từng tập tin sẽ ảnh hưởng như thế nào, bạn xem phần Kiểm nghiệm ở dưới):

  • NTLDR: (không có phần mở rộng tập tin, có lẽ chúng không cần thiết phải kết hợp với một ứng dụng nào để có thể thực thi chúng trong môi trường hệ điều hành). Dung lượng tập tin: 244 KB (có kích cỡ trên đĩa cứng: 248 KB). Tập tin này được chứa tại thư mục I386 của bộ cài đặt hệ điều hành (thư mục này nằm trên đĩa cài đặt Windows hoặc được chứa trên một thư mục nào đó trên ổ cứng do người sử dụng sao lưu dự phòng vào đó để phục vụ cho quá trình cài đặt hoặc sửa chữa hệ điều hành được thuận tiện hơn.
  • NTDETECT.COM có dung lượng 46,4 KB. Tập tin này cũng được chứa trong thư mục i386 của bộ cài đặt hệ điều hành.
  • boot.ini là tập tin dùng cho lưu trữ chế độ khởi động hệ điều hành ở các phân vùng làm việc, việc quy định khởi động các hệ điều hành khác nhau của hãng Microsoft cũng được thiết đặt trong tập tin này.

Nguyên nhân xảy ra thiếu các tập tin này có thể bởi các lý do sau:

Tập tin bị hư hỏng do lỗi của ổ cứng là một lỗi hiếm gặp nhưng không phải là không xảy ra. Đa số lỗi này xuất hiện ở các phân vùng cài đặt hệ điều hành được định dạng theo FAT 32 (định dạng từ những hệ điều hành Windows 9X), do khả năng chịu lỗi của định dạng FAT 32 mà có thể các tập tin này vô tình bị lỗi. Trường hợp còn lại đối với các ổ cứng có tuổi đời sử dụng cao, có khả năng bị bab một số khối đang chứa một số tập tin này.

Tập tin vô tình bị người sử dụng xoá đi là nguyên nhân thường xảy ra nhất trong những thời gian gần đây. Tôi đưa ra nguyên nhân này và nói đến chúng thường xảy ra gần đây là bởi vì sự gián tếp gây ra lỗi này ở các phần mềm diệt virus đã gián tiếp tiếp tay cho người sử dụng xoá các tập tin này khiến cho hệ thống không khởi động được. Bản thân các tập tin này đã được đặt thuộc tính "Ẩn" (hidden) và "Hệ thống" (system) do đó chúng không hiển thị với các thiết đặt bình thường của hệ điều hành, khi các phần mềm diệt virus đã muốn quét tất cả các tập tin cũng có thuộc tính này (do các loại virus hiện nay thường đặt thuộc tính các tập tin của chúng như vậy) nên đã thiết đặt lại chế độ hiển thị hai dạng thuộc tính ẩn này có thể hiển thị đối với Explorer để có thể "nhìn thấy" chúng cho công việc quét virus. Do sự hiển thị các tập tin quan trọng này nên những người dùng cảnh giác với virus chưa thực sự hiểu được công dụng của chúng đã xoá chúng và hậu quả không xảy ra ngay sau khi xoá tập tin, mà lần khởi động kế tiếp máy tính mới báo lỗi như vậy. Khá hài hước là tôi gặp một số người đã thực hiện việc "Dọn dẹp và xoá các tập tin linh tinh vớ vẩn" theo một ý tốt để rồi gây lỗi.

Tập tin bị virus hoặc các phần mềm độc hại xoá đi cũng là một nguyên nhân, tuy nhiên cũng hiếm gặp như đối với trường hợp tập tin bị lỗi do ổ cứng. Nguyên nhân có vẻ như lẽ ra xảy ra nhiều này nhưng thực tế ít xảy ra thì lại xuất phát bởi các loại virus ngày nay thường quan tâm đến việc đánh cắp thông tin hoặc biến máy tính nạn nhân thành một máy tính ma để có thể điều khiển từ xa thực hiện các hành động mờ ám chứ không còn là mục đích gây phá hoại như trước đây nữa. Nếu như virus muốn thực hiện các hành động trên thì chúng phải ở trong môi trường Windows, mà việc phá hoại việc khởi động hệ thống sẽ làm mất môi trường mà chúng không còn đất sống. Chính lý do này mà tôi tự tin nói rằng chúng ít xảy ra.

XÁC ĐỊNH LỖI VÀ KHẮC PHỤC

Kiểm nghiệm lại một chút

Menu lựa chọn các chế độ khởi động của Windows họ NT. Để vào menu này, bạn bấm F8 khi khởi động.

Thực tế thì tôi không nhớ chính xác đến từng chi tiết và cách khắc phục đối với lỗi này, do đó cần phải có bước kiểm nghiệm, kiểm chứng lại để xem có chính xác là như vậy hay không. Đây là hình thức mà tôi thường thực hiện đối với những bài viết của mình trên blog trước khi xuất bản nó nhằm tránh những sự phổ biến kiến thức sai, không đúng thực tế. Ở đây tôi viết ra một số bước kiểm chứng của mình để tránh sự hạn hẹp về tri thức của bản thân (ở một số bài khác thì kiểm nghiệm lại thường thông qua hình thức tìm kiếm các thông tin trên các website có uy tín hoặc sự thảo luận của nhiều người).

Để tiến hành kiểm nghiệm lại, tôi đã thử xoá đối với một số tập tin xem sao. Kết quả thử xoá một số tập tin như sau:

- Xoá tập tin NTDETECT.COM để giả một trường hợp hư hỏng tập tin hoặc virus phá hoại. Tập tin này có thể được xoá từ trong hệ điều hành, tức là khi bạn đang làm việc ở trong Windows và xoá chúng đi, hệ điều hành đã không có một hành động nào cảnh báo hoặc ngăn chặn chúng ta xoá tập tin này. Sau khi xoá thì quá trình khởi động hệ thống liên tục xảy ra hiện tượng khởi động lại: Cụ thể là khi khởi động thì sau quá trình POST, máy tính chuyển sang trao quyền cho hệ điều hành, và lúc này thì hệ điều hành nhận ra thiếu tập tin và chúng khởi động lại hệ thống mà không hiển thị bất kỳ một lỗi nào cả. Không ổn. Chờ một tiến trình khởi động tiếp theo tôi nhanh tay bấm phím F8 để hiển thị ra bảng lựa chọn các chế độ khởi động vào họ Windows NT. Ở đây bạn có thể nhìn thấy nhiều chế độ lựa chọn cho quá trình khởi động như Safe mode (chế độ khởi động tối thiểu và không nạp một số driver hoặc các service của Windows),... Tuy có nhiều lựa chọn như vậy nhưng bạn không thể lựa chọn bất kỳ chế độ khởi động nào mà thành công được bởi vì tất cả các lựa chọn đó đèu cần thiết đến tập tin này.

- Khi tôi thử xoá tập tin NTLDR thì mới đúng là hệ điều hành hiện thông báo như đã nói ở trên, tức là xuất hiện dòng "NTLDR is missing. Press Ctrl + Atl+Del to restart", việc này thì đã quá rõ ràng bởi nhiều người đã từng gặp và mới gây ra lỗi. Tôi lại thực hiện hành động bấm phím F8 khi khởi động, nhưng kết quả là bảng lựa chọn chế độ khởi động hệ điều hành đã không hiển thị ra. Như vậy càng thấy công dụng quan trọng của tập tin này.

- Khi xoá tập tin boot.ini thì...không có vấn đề gì xảy ra (?!), hệ điều hành vẫn khởi động bình thường sau khi hiển thị một dòng thông báo ngay sau quá trình POST:

Invalid BOOT.INI file
Booting from C:\windows\

Thử đối với một hệ thống khác: Chiếc máy thứ hai của tôi, chúng được cài đặt hệ điều hành Windows 98, Windows 2000 và Windows XP, và xoá tập tin boot.ini đi, kết quả là hệ thống không khởi động được nữa. Có một dòng thông báo như sau:

Windows could not start because the flowing file is missing or corrupt
\System32\hal.dll
Please re-install a copy of the above file

Như vậy là đối với hệ điều hành mặc định là Windows 98 mà tôi cài đặt ở phân vùng đầu tiên đã không thể khởi động được nếu thiếu tập tin boot.ini. Đối với trường hợp phân vùng đầu tiên của ổ đĩa cứng cài đặt Windows XP, hệ thống khởi động vào hệ điều hành. (trường hợp với các hệ điều hành họ NT như WinNT và Win 2000 có thể chúng cũng khởi động được như Windows XP, tôi chưa kiểm chứng lại điề này).

Những lỗi về boot.ini này sẽ được giải quyết khắc phục vào những phần sau của bài.

Sửa chữa lỗi

Sau khi kiểm chứng được nguyên nhân gây lên lỗi trên thông qua biện pháp thực hiện giả định xoá các tập tin, tôi đã có các bằng chứng chính xác về nguyên nhân xảy ra lỗi và tìm cách khắc phục chúng. Tất nhiên rằng phần trên đã nói rằng tập tin NTLDR đã được chứa trên thư mục i386 của đĩa cài đặt hệ điều hành, và do đó bạn cần làm một cách nào đó để có thể copy lại tập tin này đến đúng vị trí mà chúng lẽ ra phải hiện diện. Để làm điều này bạn cần có đĩa đã cài đặt hệ điều hành, nếu không thì tối thiểu là một đĩa nào đó có thể khởi động được máy tính để thao tác với các tập tin chứa trên ổ cứng của chiếc máy tính đó.

Đối với riêng tập tin boot.ini thì chúng không có trong thư mục i386 của bộ cài đặt, tuy nhiên bạn có thể soạn thảo lại tập tin này. Chi tiết xin xem mục cụ thể kèm theo trong bài viết này.

Sửa chữa trong trường hợp máy tính cài đặt nhiều hệ điều hành

Cách đơn giản nhất có lẽ là đối với những máy tính được cài đặt hai hoặc nhiều hơn các hệ điều hành khác nhau nhưng không đồng thời của Microsoft (ví dụ cài đặt Linux cùng với Windows chẳng hạn). Lý do bởi vì lỗi này sẽ khiến cho bạn không thể khởi động được vào các hệ điều hành cùng được cài đặt. Có một số trường hợp ngoại lệ: Windows Vista có vẻ không gặp lỗi này bởi cơ chế khởi động của hệ điều hành này khác biệt so với các hệ điều hành trước nó; một số trường hợp khác cũng như cài đặt đồng thời các hệ điều hành của Microsoft nhưng lại sử dụng một phần mềm quản lý boot riêng chứ không sử dụng khả năng tự quản lý việc lựa chọn sự khởi động các hệ điều hành.

Giả sử trường hợp này xảy ra, tức là bạn có thể khởi động vào một hệ điều hành khác mà không phải hệ điều hành đang bị lỗi, bạn có thể tiến hành khắc phục chúng một cách đơn giản bằng cách sao chép lại tập tin bị thiếu. Như trên đã nói, tập tin NTLDR có sẵn trong đĩa cài đặt Windows XP (hoặc NT/2000) hoặc có thể chứa trên chính máy tính của bạn, bạn chỉ việc sử dụng trình quản lý tập tin của hệ điều hành đó sao chép lại tập tin đó mà thôi.

Đa phần các máy tính theo chế độ tự lắp ráp đều có thể được chia thành hai phân vùng, một phân vùng chứa hệ điều hành và một phân vùng chứa các bộ cài đặt của phần mềm (rất nhiều máy tính như vậy ở Việt Nam bởi vì tôi nhận thấy chúng được ghost toàn bộ đĩa với hệ điều hành cùng với các bộ cài khi mà các cửa hàng bán linh kiện máy tính đã tiến hành vào ổ cứng của bạn sau khi lắp ráp) do đó rất thuận tiện cho việc khắc phục lỗi này.

Việc xác định vị trí tập tin không mấy khó khăn, thông thường thì chúng nằm trên thư mục gốc tức phân vùng đầu tiên nếu nhìn trong phần mềm quản lý các phân vùng Patition Magic hoặc phần nhiều có thể nói phân vùng được gán là C, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt thì chúng có thể được đặt trong một phân vùng khác so với thứ tự đầu tiên bởi vì tuỳ theo tình trạng thiết lập quyền được phép khởi động của các phân vùng.

Lúc đầu thì tôi có băn khoăn rằng nếu cài đặt Windows 98 cùng với Windows XP thì nhỡ tập tin này nằm ở phân vùng được định dạng theo NTFS ở phân vùng thứ hai (chẳng hạn) thì sao nhưng ý nghĩa đó bị loại bỏ ngay bởi vì nếu cài dặt cả Windows 98 và Windows XP thì các tập tin này luôn phải nằm trong phân vùng cài đặt Windows 98 và nó phải được định dạng theo FAT/FAT32 mà Windows 98 thì chắc chắn sẽ truy cập được vào chúng. Trường hợp cài đặt Windows 2000 cùng với Windows XP thì sẽ không thể khởi động được Windows 2000 để có thể vào sửa chữa lỗi, bởi vì chính Windows 2000 cũng dùng tập tin ntldr để khởi động chúng.

Trong trường hợp mà chính chiếc máy tính xách tay của tôi đang sử dụng thì mọi việc cũng đơn giản giống như trường hợp trên (hai hệ điều hành: 9X cùng với họ NT) bởi vì tôi thì cài đặt Ubuntu song song với Windows XP. Tôi chỉ việc khởi động vào Ubuntu và copy tập tin ntldr phục hồi lại vị trí cũ.

Sửa chữa với Live CD

Nếu như bạn có một Live CD nào đó để có thể khởi động vào hệ điều hành chứa trên nó rồi sao chép lại các tập tin trên cũng tương tự như hình thức cài đặt hai hệ điều hành. Công việc tiếp theo chỉ còn là copy mà thôi.

Những dạng đĩa này không quá khó khi tìm kiếm chúng, bạn có thể tìm một đĩa khởi động vào Windows XP vói các tính năng đơn giản hoặc vào Linux với đĩa cài đặt (và cũng là đĩa Live CD) Ubuntu. Đối với Windows XP bạn có thể tìm kiếm địa chỉ tải về đĩa tập tin (định dạng iso) dạng đĩa Live CD của hệ điều hành này theo từ khoá "Windows XP Live CD with Kapersky AntiVirus 2009". Đối với Ubuntu thì đơn giản hơn khi mà hãng phát triển đã cho phép tải về trên Internet tại đây (bạn cần chọn phiên bản muốn tải về và khu vực địa lý của mình rồi bấm nút Begin download. Ở thời điểm hiện tại thì có hai phiên bản: 8.04 LTS và 8.10, tôi thử nghiệm trên bản 8.10 thì một số máy tính khi sử dụng Live CD có hỏi mật khẩu đăng nhập, và thật tệ là không biết username và password đăng nhập là như thế nào?! tuy nhiên với bản 8.04 thì đăng nhập bình thường).

Lưu ý rằng các đĩa Live CD thường đề nghị lượng RAM sử dụng khoảng từ 256 MB trở lên, nếu như lượng RAM quá thấp thì quá trình khởi động sẽ rất chậm hoặc có thể khởi động không thành công. (Tuy nhiên có một tin vui đối với bạn: Thời điểm cuối năm 2008 loại DDR2 có giá khá rẻ, và bạn nên nâng cấp thì tốt hơn cho máy tính của bạn).

Sửa chữa với đĩa cài đặt của Windows

Khi mà bạn có một đĩa cài đặt Windows thì cũng sửa chữa được, tuy nhiên phần này có lẽ phức tạp hơn một chút đối với người bình thường và thường và vướng mắc đôi chút khi mà người sử dụng phần lớn lại không phải là người cài đặt Windows, do đó họ có thể không biết mật khẩu tài khoản mang tên Administrator của máy tính.

Cách thức này thật may mắn là tôi không phải gõ lại, bởi vì đã có một số nơi đăng hướng dẫn chi tiết rồi, đoạn trích dưới đây được đăng trên PC World Việt Nam[1].

- Khởi động máy với đĩa CD cài đặt Windows. Nhấn phím bất kỳ khi xuất hiện thông báo Press any key to boot from CD.
- Trong màn hình Welcome to setup, nhấn phím R (Repair) để khởi động Recovery Console (RC).
- Nếu hệ thống cài đặt nhiều hệ điều hành (HĐH) khác nhau, chọn HĐH bị lỗi cần khắc phục (lưu ý: nếu nhấn Enter khi chưa chọn HĐH, chương trình sẽ tự khởi động lại máy).
- Gõ mật khẩu của tài khoản Administrator.
- Tại dấu nhắc của RC, gõ dòng lệnh:

copy E:\I386\ntldr C:\
copy E:\I386\ntdetect.com C:\
(với E: là ổ CD-ROM, C: là phân vùng hệ thống).

- Chọn Yes (Y) nếu xuất hiện hộp thoại xác nhận việc chép đè tập tin cũ.
- Gõ lệnh Exit để khởi động lại hệ thống.

Lưu ý rằng trong trường hợp này thì cũng có một số trường hợp mà lệnh trên sẽ không thực hiện được nếu như Windows của bạn shutdown không đúng cách (tôi đã gặp một trường hợp tương tự như vậy khi dùng Recovery Console để sửa chữa lỗi này sau khi máy tính bị mất điện đột ngột)

Chế độ sửa chữa này cũng còn được thực hiện bằng cách khởi động từ ổ đĩa mềm theo như hướng dẫn của Microsoft, tuy nhiên hầu hết các máy tính trong thời gian gần đây không còn sử dụng đĩa mềm nữa nên tôi không viết ra đây. Nếu bạn tìm mua được các đĩa mềm và muốn tạo ra một đĩa boot thì có thể xem thêm các phần trong các mục cuối (chú thích, xem thêm) của bài này.

Sửa chữa với đĩa công cụ Hiren's Boot CD

Những kỹ thuật viên kinh nghiệm hoặc người sửa chữa hệ thống hiểu biết một chút trở lên thì luôn có sử dụng một đĩa cứu hộ dùng cho chữa nhiều lỗi. Có nhiều loại đĩa có khả năng boot và có các phần mềm kèm theo phục vụ việc sửa chữa hệ thống, nhưng có lẽ đĩa thông dụng nhất là đĩa Hiren (tên đầy đủ là Hiren's Boot CD). Tôi sử dụng đĩa này và cảm thấy chúng có rất nhiều ứng dụng giúp cho mình khắc phục khá nhiều lỗi của các hệ điều hành.

Khi sử dụng đĩa Hiren thì bạn cần lưu ý đến khởi động với trình quản lý các tập tin: Cho phép việc thực thi đọc và ghi đối với định dạng NTFS (bởi đa phần thì các trình quản lý tập tin kiểu cũ như Norton Commander của Symantec trước đây đều chỉ hỗ trợ đối với các phân vùng được định dạng kiểu FAT hoặc FAT32 mà không hỗ trợ NTFS). Tiếp theo là tìm tập tin ntldr chứa trong thư mục i386 trên thư mục chứa bộ cài đặt hệ điều hành và copy chúng vào thư mục gốc.

Khi sử dụng đĩa Hiren's Boot CD, bạn cần khởi động vào Volkov Commander để có thể sao chép lại các tập tin vào thư mục gốc. Chi tiết về đĩa Hiren's Boot CD và cách sử dụng với Volkov Commander, bạn có thể xem ở bài viết này trên blog (đúng ra thì tôi định viết bài này và đưa lên blog trước bài về Hiren's Boot CD, nhưng do liên quan đến Hiren's Boot CD có thể trở lên khó hiểu đối với bạn nên đã chú trọng vào viết bài đó trước, và giờ đây thì nó đã sẵn sàng cho bạn).

Cũng như các phần trên đã nói: Việc khắc phục lỗi này là sự copy trở lại đối với các tập tin đang bị mất, và như thế thì chỉ việc xác định các tập tin cần thiết đang đặt ở đâu mà thôi. Như trên đã nói thì các tập tin này được nằm trong thư mục i386 của bộ cài đặt hệ điều hành mà bạn đang sử dụng (cho dù là Windows 2000, XP hay 2003). Vậy thì bạn chỉ việc sử dụng Volkov Commander copy từ nguồn tới phân vùng khởi động các hệ điều hành mà thôi.

Sau khi copy trả lại các tập tin như nêu trên, khởi động lại hệ thống để hoàn tất quá trình.

Sửa chữa với chế độ "cài đè" lại Windows

Nếu như bạn không thực hiện được với các phương thức trên thì có lẽ việc tìm ra một đĩa cài đặt Windows không phải là một điều khó khăn đối với bạn, có thể lục lọi lại những đĩa đã được bán kèm với máy tính của bạn, nếu thất lạc bạn có thể mượn những người cũng có máy tính như bạn để khắc phục.

Biện pháp khắc phục này là cài lại hệ điều hành Windows theo phương pháp "cài đè". Rất nhiều người thực hiện theo cách này bởi vì chúng là một cách đơn giản nhất và mất nhiều thời gian hơn so với các phương pháp trên.

"Cài đè" là cụm từ mà có lẽ được nhiều kỹ thuật viên dùng đến, nó chỉ có ý nghĩa đơn giản là cài đặt lại hệ điều hành nhưng không làm thay đổi mọi phần mềm hoặc thiết đặt ở trên hệ điều hành đó. Các hệ điều hành họ Windows đều có tính năng "cài đè" này.

Cài đè không phải là một biện pháp tốt để khắc phục các lỗi trên hệ điều hành bởi vì chúng không hoàn toàn đáp ứng và sửa chữa các lỗi hiện có. Nguyên nhân bởi vì toàn bộ các phần mềm đã được cài đặt đều được giữ nguyên như cũ. Khi cài đè thì hầu như chỉ có các tập tin bị lỗi (có thể do virus phá hoại hoặc bị hư hỏng do nguyên nhân khác như lỗi ổ cứng, phần mềm khác ghi đè vào tập tin nguyên bản, do các quá trình nâng cấp...), do đó chúng hầu như là sự nhận dạng lại phần cứng và thay thế lại các tập tin cũ của hệ điều hành mà thôi.

Nếu như có một lỗi nào đó về phần mềm khác (giả sử ngay trên chính bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office của Microsoft) thì biện pháp cài đè này cũng không có hiệu quả. Nếu như máy tính bị lây nhiễm virus, chúng phát tác và nhân bản các đoạn mã độc vào các tập tin thì cài đè cũng là một biện pháp để khắc phục tình trạng các tập tin của hệ điều hành không còn nguyên vẹn. Xin lưu ý rằng cài đè không phải là biện pháp diệt virus, bởi vì nếu như máy tính đang bị nhiễm virus mà chưa xử lý được triệt để thì sau khi cài đè thì các tập tin vẫn bị nhiễm virus. (các tập tin bị nhiễm trở lại ngay sau khi hoàn thành tiến trình cài đặt).

Nếu như xoá hoàn toàn các tập tin trên phân vùng cài đặt hệ điều hành cũ (tương đương với việc định dạng lại phân vùng) rồi cài đặt hệ điều hành thì hành động đó thường được gọi là "cài mới"

Phương pháp cài đè thì thật may mắn là đã có một bài viết giới thiệu về nó, tuy rằng không đầy đủ và chi tiết để đến nỗi người sử dụng bình thường nào cũng thực hiện được, nhưng chúng thì có nhiều hình minh hoạ khá rõ ràng. Bạn xem các bài viết đó tại đây (có rất nhiều nơi đăng lại bài này, nên có thể coi nó là "chuẩn" ^^).

Soạn thảo lại tập tin Boot.ini

Tậpt in Boot.ini không có trong thư mục i386 của bộ cài đặt Windows do đó khi bị mất tập tin này thì bạn có thể căn cứ vào tình trạng cài đặt cụ thể mà có thể soạn thảo lại. Sự soạn thảo tập tin này cùng với một vài thủ thuật vui vui mà tôi từng thực hiện đối với nó đã khiến tôi viết chi tiết về phần này. Một mặt khác thì boot.ini là một tập tin quy định sự khởi động, lựa chọn hệ điều hành khi cài đặt nhiều hệ điều hành của Microsoft nên cũng có một vài vấn đề thường xảy ra đối với chúng trong các quá trình sử dụng như: Loại bỏ menu lựa chọn hệ điều hành cũ, thừa và không tồn tại, chỉnh sửa lại thời gian lựa chọn hệ điều hành khởi động....

Tìm hiểu ý nghĩa của nội dung tập tin

Hãy xem một tập tin mẫu sau đây để biết về nội dung các tập tin boot.ini và có cách soạn thảo nó cho phù hợp với máy tính của bạn.

[boot loader]
timeout=30
default=multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(1)\WINDOWS
[operating systems]
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(1)\WINDOWS="Microsoft Windows XP Professional" /fastdetect

Ở đây thì có hai phần chính, là boot loaderoperating system, mỗi phần này có chức năng riêng được trình bày dưới đây.

[boot loader] chứa sau nó những nội dung về lựa chọn khởi động mặc định của hệ thống, trong đó:

  • timeout= là dòng quy định thời gian lựa chọn khởi động đối với hệ điều hành nào (được tính bằng giây). Nếu như sau khoảng thời gian này mà bạn không lựa chọn thì hệ thống sẽ tự động khởi động vào hệ điều hành được ghi mặc định. Có một thủ thuật mà tôi thường áp dụng là thay đổi con số mặc định 30 giây thành 5 giây. Tôi nghĩ rằng bạn cũng nên lựa chọn theo sự thay đổi này để giúp cho giảm thời gian chờ đợi nếu bạn không chú tâm vào màn hình khi nó khởi động để có thể bấm ENTER, (như công việc của một ngày mới, trước hết là bấm nút khởi động rồi làm một vài việc nào đó trước khi ngồi vào máy tính thì thời gian chờ đợi sẽ nhanh hơn chứ nhỉ ^^). Nếu như máy tính của bạn chỉ có một hệ điều hành thì thời gian này đặt bằng 0 hoặc đặt bằng bất kỳ giá trị nào đều không có ý nghĩa, bởi vì chúng sẽ khởi động trực tiếp vào hệ điều hành đó.
  • default= là lựa chọn hệ điều hành mặc định để khởi động nếu không có sự thay đổi khi lựa chọn.

[operating systems] chứa sau nó sự liệt kê các hệ điều hành được cài đặt trên máy tính của bạn. Mỗi một dòng tương ứng với một hệ điều hành đã được cài đặt (hoặc đã từng được cài đặt, nhưng còn sót lại trong tập tin boot.ini sau khi đã xoá bỏ hệ điều hành này.

Xem xét một tập tin boot.ini của hệ thống có chứa hai hệ điều hành thì thấy nội dung chúng như sau:

multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(1)\WINDOWS="Windows XP Professional" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(2)\WINNT="Windows 2000 Professional" /fastdetect

Thứ tự các phân vùng (partition) của ổ cứng được đếm bắt đầu từ 1 sau đó bỏ qua các phân vùng mà Windows không nhìn thấy (của Linux) rồi đến 2 và 3...

Trong các tham số 0, 1, 2 ... ở đây là thứ tự của các ổ cứng, trong một số trường hợp được bắt đầu đếm bằng số 0 và có trường hợp bắt đầu đếm từ số 1 (có một điều thường thấy ở các hệ thống máy tính là thứ tự được tính từ số 0 thay vì từ số 1 như cơ số đếm tự nhiên).

Nhìn vào các dòng trên thì bạn có thể nhận thấy rằng tham số \WINDOWS\WINNT sẽ phụ thuộc vào thư mục chính của hệ điều hành, ở Windows XP thì thư mục này là \WINDOWS, còn ở Windows NT và Windows 2000 thì thư mục này là \WINNT.

Dòng chữ Windows 2000 Professional hay Windows XP Professional không thực sự quan trọng, bạn có thể thay đổi lại các dòng chữ này theo ý của bạn mà không ảnh hưởng đến chút nào đến hệ điều hành. Trước đây tôi cũng cài đặt với ba hệ điều hành, và tách ra thành các đoạn chữ (xuống dòng) như "Learn...more learn....and forever!" để thành một khẩu hiệu mỗi khi khởi động máy tính. Một số bạn còn dùng những dòng này để hiển thị thông tin cá nhân khi khởi động máy tính nữa[2] :).

* partition(1) dễ giải thích hơn đối với cả tôi và bạn, bởi vì chúng thì là tham số về phân vùng trên ổ cứng. Bạn có thể dễ hình dung về các phân vùng của ổ cứng thông qua Disk Management (khởi động bằng cách chọn chuột phải vào My Computer ở trên Desktop, chọn Manage, vào mục Disk Management) như hình minh hoạ. Bạn có thể thấy rằng phân vùng đầu tiên của một ổ cứng nào đó sẽ được đặt là 1, sau đó thì các phân vùng tiếp theo được đánh số thứ tự là 2, 3, ... Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ nếu như bạn cài song song cả hệ điều hành Windows với Linux, bởi vì hệ thống Windows không nhận ra phân vùng này nên chúng sẽ bỏ qua mà không đếm chúng. Tức là phân vùng thực tế là thứ tư nhưng vẫn được coi là thứ hai và được đặt số đếm là 2 như hình minh hoạ về trường hợp cụ thể này.

* rdisk(0) được hiểu là các ổ cứng vật lý trên máy tính của bạn. Nếu như một máy tính được gắn nhiều hơn một ổ cứng thì có nghĩa là chúng được đếm theo thứ tự nào đó cũng bắt đầu từ 0. Thực tế thì có nhiều hệ thống được gắn đến 2, 3, 4....ổ cứng vật lý (tránh nhầm là các phân vùng nhé).

* Trên thực tế chỉ có hai thông số trên là thay đổi, còn lại multi(0)disk(0) thì có thể không thay đổi đối với các hệ thống bình thường (ví dụ như không dùng raid). Đến nay thì thực sự tôi cũng không hiểu lắm về chúng bởi vì chưa chịu tìm hiểu. Giả sử như tôi xây dựng một hệ raid hoặc hệ thống nhiều ổ cứng trên máy chủ thì có lẽ sẽ tìm hiểu về chúng trên Internet :).

* /fastdetect chỉ là một trong các tham số đi kèm, bạn không cần bận tâm đến chúng. Nếu có muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể tham khảo thêm về chúng trong bài: "Boot INI Options Reference".

Đối với Windows 9X thì không có các thiết đặt rắc rối đối với chúng như những dòng như vậy bởi vì chúng thì có cơ chế khởi động đơn giản hơn so với họ Windows NT. Mỗi dòng khởi động của chúng chỉ là:

C:\="Microsoft Windows 9X"
(Trong đó C là ký tự được gán cho phân vùng đầu tiên tính riêng theo các phân vùng có định dạng FAT hoặc FAT32)

Thứ tự trước sau đối với các dòng đại diện cho mỗi hệ điều hành được nêu trong phần này không quan trọng, bạn có thể thay đổi chúng để phù hợp đối với tình trạng khởi động của bạn (chẳng hạn những hệ điều hành nào thường xuyên được sử dụng thì xếp lên trên cùng, càng ít sử dụng bao nhiêu thì càng xếp nó xuống phía dưới). Còn nếu như bạn muốn thay đổi hệ điều hành mặc định của hệ thống thì chỉ việc viết dòng tương ứng với hệ điều hành đó ở đằng sau cụm: default=

Nếu như bạn thấy khó khăn cho việc thực hiện soạn thảo một tập tin boot.ini để thay thế, bạn có thể thử dùng các nội dung của một tập tin boot.ini như sau để thử khởi động máy tính cho những lần khác nhau. Đây là một ý tưởng rất hay khi mà tôi gặp ở một diễn đàn trong quá trình tìm kiếm thông tin minh hoạ và bổ sung cho bài viết này. Bản chất của nội dung này là liệt kê các trường hợp có thể đối với các phân vùng khác nhau (có đến 4 phân vùng được liệt kê) và hai ổ cứng độc lập khác nhau.

[Boot Loader]
timeout=30
Default=multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(1)\Windows

[Operating Systems]
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(1)\Windows="1. Thu khoi dong lan thu nhat" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(1)partition(1)\Windows="2. Thu khoi dong lan thu hai" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(2)\Windows="3. Thu khoi dong lan thu ba" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(1)partition(2)\Windows="4. Thu khoi dong lan thu bon" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(3)\Windows="5. Thu khoi dong lan thu nam" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(1)partition(3)\Windows="6. Thu khoi dong lan thu sau" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(0)partition(4)\Windows="7. Thu khoi dong lan thu bay" /fastdetect
multi(0)disk(0)rdisk(1)partition(4)\Windows="8. Thu khoi dong lan thu tam" /fastdetect
C:\="9. Thu khoi dong lan thu chin"
D:\="10. Thu khoi dong lan thu muoi. Neu khong duoc thi moi tho ve sua nhe!"

Với nội dung của tập tin boot.ini như trên mà hệ thống khởi động được đối với lựa chọn nào thì bạn chỉ việc xoá các dòng có lựa chọn khác không có nghĩa và thay đổi dòng "Thu khoi dong.." thành tên của hệ điều hành đó (Windows 98, Windows XP...) hoặc theo ý của bạn là xong.

Cách soạn thảo tập tin boot.ini

Ở trên thì bạn đã hiểu được nội dung và ý nghĩa của tập tin, hoặc là nếu bạn không hiểu gì về nó thì cũng có thể có giải pháp dành cho bạn. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để soạn thảo chúng?

Nếu như bạn đang ở trong hệ điều hành Windows, và đọc được bài viết này bạn muốn thay đổi một chút thì không mấy khó khăn. Bạn có thể xem bài "How to edit the Boot.ini file in Windows XP" ở mục xem thêm (bằng tiếng Anh, nhưng chúng rất dễ hiểu thôi). Nếu như không đọc ở đó thì bạn chỉ việc thực hiện đơn giản theo vài bước như thế này để sửa đổi boot.ini trên trình soạn thảo Notepad của Windows (sau khi bạn chuột phải vào biểu tượng My Computer ở màn hình Desktop rồi chọn Properties, rồi sau đó bấm vào các tab và nút được đánh số lần lượt 1, 2, 3 theo như hướng dẫn ở ảnh minh hoạ.

Còn nếu như bạn đang bị mất tập tin này và đang ở trong DOS và sử dụng Volkov Commander trong đĩa Hiren's Boot CD? Cách đơn giản và nhanh nhất có lẽ là bạn nên tìm một tập tin cũng có định dạng INI nào đó ở trong thư mục Windows (hoặc ở đâu đó, chúng rất nhiều), copy ra phân vùng chứa cùng với các tập tin NTLDR rồi mở tập tin này ra (với phím F4), xoá toàn bộ nội dung đi, gõ các nội dung ở trên vào rồi đổi tên chúng thành boot.ini (với phím F6).

Nếu như bạn khởi động với một đĩa Live CD của một hệ điều hành nào đó như Windows hoặc các bản phân phối của Linux thì chắc rằng cũng có nhiều phần soạn thảo text để tạo ra một tập tin có tên boot.ini cùng với những nội dung như vậy.

Nhưng những cách này đều phức tạp, bạn nên thực hiện việc sao các tập tin boot.ini cùng với hai tập tin quan trọng nói ở trên đến một thư mục nào đó như phần "Phòng ngừa" viết dưới đây.

PHÒNG NGỪA

Vì các thuộc tính của tập tin NTLDR nên theo mặc định thì chúng không hiển thị ở trên Explorer, còn Total Commander thì có thể biết được chúng và thay đổi các thuộc tính này một cách dễ dàng (bạn không nên thay đổi chúng)

Phòng ngừa là một biện pháp tốt hơn là khắc phục bởi vì chúng ta chủ động biết trước và kiểm soát được lỗi này nếu như vô tình gặp phải, hoặc là còn có thể giúp đỡ người khác sửa chữa lỗi này được. Do không có biện pháp hạn chế triệt để nên chúng ta không thể phòng ngừa theo cách ngăn chặn lỗi xảy ra, mà chỉ có thể lưu lại các tập tin để rồi từ đó có thể dễ dàng phục hồi lại chúng sau khi xảy ra lỗi.

Cách thức phòng ngà là chúng ta sao lưu ba tập tin boot.ini, NTDETECT.COM, ntldr đến một thư mục nào đó (khác phân vùng so với phân vùng mồi khởi động của các hệ điều hành để tránh xảy ra lỗi đối với chính các tập tinh dự phòng này bởi phân vùng cài đặt hệ điều hành thường có mức độ rủi ro cao hơn so với các phân vùng khác. Tôi đề cử bạn lựa chọn phân vùng được gán ký tự thứ hai sau phân vùng cài đặt hệ điều hành. Cụ thể nếu máy tính của bạn chỉ có một phân vùng thì nên đặt trong một thư mục nào đó, nếu có hai phân vùng trở lên mà thì đặt chúng ở các phân vùng của ổ cứng có ký tự được gán sau cùng.

Những tập tin này có thuộc tính [Ẩn] (Hidden), [Hệ thống] (System) nên bạn cần lưu ý tránh nhầm tưởng rằng chưa lưu được (bởi vì chúng không hiển thị ở chế độ bình thường ở Explorer). Nếu như bạn sử dụng phần mềm Total Commander thì thao tác đối với tập tin và thư mục sẽ thuận tiện hơn nhiều (xem giao diện của Total Commander như hình minh hoạ ở phía trên).

Tuy rằng biện pháp phòng ngừa này có thể không có tác dụng triệt để vấn đề hư hỏng hoặc bị xoá các tập tin quan trọng viết ở trên, chúng chỉ giúp bạn sửa chữa một cách thuận tiện hơn mà thôi. Chúng thì hữu ích cho các trường hợp mà bạn không thể tìm thấy thư mục chứa bộ cài đặt Windows hoặc không tìm thấy đĩa Windows mà thôi. Tôi nghĩ rằng sự phòng ngừa tốt nhất là bạn đã hiểu ra tầm quan trọng của hai tập tin này nhằm tránh xoá chúng đi.

HÌNH NHƯ ... CHẲNG CÓ ÍCH GÌ VỚI BÀI NÀY?

Hình như là tôi chẳng thấy ích lợi nào từ bài này đối với bạn - khi mà bạn không bao giờ bị lỗi như vậy, hoặc bạn không có ý định tự sửa chữa các lỗi của máy tính của mình bởi vì đã có nhân viên phụ trách sửa chữa máy tính, hoặc có những người bạn thông thạo sẵn sàng giúp đỡ khi sự cố xảy ra. Có lẽ thế chăng?

Nhưng tôi nghĩ là không, bạn có thể nhận ra nhiều điều thú vị: Có thể sử dụng các đĩa Live CD để copy một tập tin quan trọng từ máy tính mà không cần biết mật khẩu của máy tính đó? Điều này đã xảy ra đối với tôi khi mà một đồng nghiệp nghỉ việc do lý do riêng, mà chúng tôi lại cần một số tập tin được lưu lại trên máy tính của người đó. Tôi đã dùng đĩa Ubuntu để khởi động và copy vào một USB flash (Ubuntu hoặc đĩa Live CD chứa hệ điều hành Windows XP nhận dạng khá tốt với USB flash) mà không phải hỏi mật khẩu nhạy cảm của đồng nghiệp đó (nếu thực hiện điều này thì bạn nên hỏi về quyền truy cập vào máy tính hoặc thông báo lại khi chủ nhân máy tính đó có mặt nhé) .

Một trường hợp khác là khi cần phải ghi đè, xoá, thao tác với các tập tin hệ thống mà chính hệ điều hành không cho phép, bạn cũng có thể sử dụng đĩa Live CD hoặc Hiren Boot CD để thao tác mà không cần tìm kiếm một phần mềm (có các phần mềm như vậy) cho phép thực hiện điều này

________________

CHÚ THÍCH

1^. Khắc phục lỗi khởi động với Recovery console, trên PC World VN.

2^. Làm sao để hiện thông tin cá nhân, trao đổi trên diễn đàn Cửa sổ tin học.

XEM THÊM

Khắc phục lỗi NTLDR đăng trên VnExpress. (Thắc mắc của người đọc và một số trả lời cũng của người đọc, tuy nhiên ở đây có nhiều phần trả lời mà theo tôi là không chính xác).

How to troubleshoot the "NTLDR Is Missing" error message in Windows 2000, trên website của Microsoft. (hoặc tìm kiếm với từ khoá liên quan đến thông báo này của Microsoft) (en).

Boot INI Options Reference, trên Microsoft TechNet.

How to edit the Boot.ini file in Windows XP, trên website của Microsoft

LIÊN QUAN

Hiren's Boot CD (và McAfee Antivirus cho DOS), trên blog này.

Trương Mạnh An(23/11/2008)

17/11/08

Hiren's BootCD: Công cụ mạnh cho hệ thống

Đúng như vậy, Hiren's Boot CD là một công cụ dùng sửa chữa hệ thống rất mạnh đối với các hệ thống máy tính sử dụng hệ điều hành của Microsoft. Hầu như các kỹ thuật viên hoặc người có kinh nghiệm đều sử dụng đĩa công cụ này. Tuy rằng tôi nhận thấy có một số đĩa công cụ khác nữa nhưng chưa thấy chúng mạnh mẽ bằng Hiren's Boot CD, chính vì vậy mà tôi muốn giới thiệu đối với các bạn để có thể tự làm chủ chiếc máy tính của mình, hạn chế việc thuê hoặc nhờ vả sửa chữa mỗi khi máy tính gặp lỗi mà có thể khắc phục được chúng.

Nhãn đĩa Hiren's BootCD [nguồn]

Đơn giản nhất cho sự sở hữu đĩa công cụ Hiren's Boot CD là bạn có thể mua tại các cửa hàng đĩa CD bởi vì đĩa này chứa các công cụ, phần mềm mà phần lớn chúng sử dụng trong DOS với các tình trạng bản quyền cho phép sử dụng (nhưng cũng có một số phần mềm/tiện ích chứa trên đó không được phân phát rộng rãi ngoài chủ nhân sở hữu của nó). Việc tự tạo ra đĩa này dù có thể có tính tuỳ biến cao hơn nhưng lại yêu cầu phải có một ổ ghi đĩa quang.

Phần dưới đây tôi xin trình bày các bước để bạn thực hiện việc tạo ra một đĩa Hiren's Boot CD với phiên bản mới nhất cho đến thời điểm đăng bài. Hình thức viết vẫn theo kiểu phần lớn các entry trên blog của tôi, tức là theo kiểu "mỳ ăn liền", hướng dẫn từng chút một để người chưa hiểu nhiều về công nghệ thông tin cũng có thể biết được. Trong từng phần cũng có giải thích lý do/nguyên nhân/mục đích hoặc phân tích thêm mà chúng cũng có ích cả cho người "hiểu sơ sơ, mỗi thứ một ít...".

TẢI VÀ GHI RA ĐĨA HIREN'S BOOT CD

Tải về Hiren's Boot CD

Để biết được phiên bản hiện tại của đĩa HBC, bạn vào trang website của đĩa này tại http://www.hiren.info/pages/bootcd. Ở đây có chứa các thông tin về các phần mềm, tiện ích được liệt kê theo một danh sách. Tuy nhiên trang website này thì lại không chứa các tập tin ISO mà ta cần tải về - nó đơn thuần là một danh sách mà thôi. Vậy thì cần gì ở trang này? tôi vẫn vào đó để xem đã có phiên bản mới hay chưa, và phiên bản mới này thì có những thay đổi gì so với phiên bản trước đó. Kiểm tra sự thay đổi thì không phải là sự thừa bởi vì đôi khi một phiên bản nào đó mới mà lại không có nhiều thay đổi, hoặc có thay đổi nhưng ở các phần mà tôi không sử dụng nhiều thì tôi sẽ không tải về để ghi ra thành một đĩa mới.

Nếu như trang trên không chứa tập tin ISO thì trang này chứa các phiên bản của Hiren's Boot CD ở rất nhiều phiên bản gần nhất, và do đó bạn có thể tải phiên bản mới nhất tại trang này. Ý nghĩa của việc sử dụng các phiên bản cũ nhằm sự tương thích đối với một số hệ thống cũ, khi mà các phiên bản mới thì hỗ trợ các hệ thống mới sẽ tốt hơn đối với các hệ thống cũ. (vậy thì điều này cho thấy rằng không phải cứ sử dụng các phiên bản mới của một phần mềm nào đó là tốt, tôi cũng cảm nhận thấy điều này đúng như một số người sử dụng kinh nghiệm khác).

Không phải trang trên là nơi duy nhất có thể cho phép tải về tập tin iso của Hiren's Boot CD, một vài trang web khác cũng cho download về, chẳng hạn như www.9down.com cũng là nơi thường xuyên cập nhật các phiên bản mới của đĩa này (có một mục dành riêng cho nó tại: http://www.9down.com/topic-Hiren-s-BootCD/ ).

Giản nén

Nếu như quá trình tải hoàn tất thì tập tin tải về sẽ có dạng: Hirens.BootCD.9.6.zip hoặc có phần mở rộng là rar (trong đó con số 9.6 thay đổi theo những phiên bản khác nhau). Tất nhiên rằng tập tin này thuộc dạng nén bởi chúng có phần mở rộng như vậy (zip khi bạn tải ở trang các phiên bản khác nhau đã nói ở trên, và rar thường đối với server của 9down), bạn cần giải nén chúng với một phần mềm thích hợp nào đó - chẳng hạn WinRAR.

Nếu như bạn không cài đặt sẵn phần mềm WinRAR để giải nén thì với tập tin ZIP bạn vẫn có thể giải nén chúng bằng công cụ thuật sĩ (wizard) của Windows XP. Việc này rất đơn giản, bạn chỉ cần bấm chuột phải vào tập tin và lựa chọn vào phần "Extract All..." để giải nén.

Kết quả giải nén của tập tin này là một thư mục có tên Hiren's.BootCD.9.6, bên trong nó chứa một tập tin Hiren's.BootCD.9.6.iso và một thư mục có tên keyboard patch.

Bạn có thể thắc mắc rằng tại sao đuôi của tập tin (phần mở rộng) là ISO? nó có liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế nào đó hay không? Không phải, nó chỉ là một chuẩn định dạng về tập tin chứa trên các đĩa quang mà thôi. Theo mặc định thì các tập tin có phần mở rộng là ISO thì là bước cuối cùng để có thể ghi ra đĩa quang, tuy nhiên có một vài phần mềm đã cho phép sửa đổi chúng để có thể thêm hoặc bớt các tập tin chứa đựng bên trong của tập tin iso đó. Một trong các phần mềm đó là UltraISO mà chỉ lát nữa thôi là tôi đề cập đến nó cho mục đích của bài này.

Keyboard patch

Sau khi giải nén thì bạn đã có tập tin ISO rồi có thể ghi ra đĩa quang chứ? Có thể chưa đến lúc, bởi vì Hiren's Boot CD thì được thiết kế phù hợp cho nhiều loại máy tính khác nhau, nhiều bàn phím khác nhau nên bạn cần xác định xem bàn phím của mình thuộc loại ngôn ngữ nào? Nếu bằng tiếng Anh thì không có vấn đề gì bởi bạn đã có thể ghi ra đĩa quang để sử dụng, nhưng nếu là bàn phím bằng các ngôn ngữ khác (chẳng hạn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...) thì bạn cần tiếp tục thực hiện việc làm cho Hiren's Boot CD được phù hợp với các bàn phím đó. Bây giờ bạn chú ý đến thư mục keyboard patch, trong đó có các tập tin như sau: keyb.dat, keyb.sys, patch.bat, readme.txt, bạn nên đọc tập tin readme.txt trước (mà đối với bất kỳ phần mềm nào, hệ điều hành hoặc game nào thì cũng có tập tin này, tôi cũng khuyên bạn rằng cần đọc tập tin đó trước khi tiến hành cài đặt (hoặc .doc hoặc .pdf hoặc bất kỳ định dạng văn bảo nào khác) để biết sơ bộ về tính năng, khả năng hoặc các phần lưu ý khác về sự tương thích đối với phần cứng hoặc hệ thống chung). Ở đây tập tin này nói cụ thể phương thức patch bàn phím (mà cũng lưu ý rằng đối với bàn phím kiểu U.S thì không cần thiết phải patch), nó viết như sau:

  • Step 1: Extract all three files (KEYB.DAT, KEYB.SYS, PATCH.BAT) to Desktop: Bước 1: Giải nén tất cả ba tập tin (...) ra màn hình Desktop. (Thực ra thì bạn có thể giải nén ra bất kỳ thư mục nào cũng được - miễn là chúng có đường dẫn rõ ràng, không nên sử dụng các đường dẫn thư mục có chứa các ký tự khác thường, chẳng hạn có dấu như tiếng Việt).
  • Step 2: Copy "Hiren's.BootCD.9.6.iso" to Desktop: Bước 2: Copy tập tin Hiren's.BootCD.9.6.iso cũng ra Desktop. (Nếu như ở bên trên bạn sử dụng thư mục khác so với Desktop ở phía trên thì bạn cũng phải đặt tập tin này ở vị trí như vậy)
  • Step 3: Dubble click on "patch.bat": Bạn cần chạy tập tin patch.bat bằng cách click đúp vào nó, khi này sẽ có một bảng lựa chọn xuất hiện để bạn có thể lựa chọn kiểu keyboard phù hợp với bạn. Đa phần chúng ta sử dụng là keyboard tiếng Anh nên nếu bạn có thể chọn Y cho tiếng Anh thông thường.
  • Step 4: Burn The new file called "XX Patched Hiren's.BootCD.9.6.iso": Lúc này thì tuỳ theo lựa chọn kiểu bàn phím của bạn mà sẽ tạo ra một tập tin phù hợp, chẳng hạn với tiếng Anh thì bạn sẽ được một tập tin mang tên US Patched Hiren's.BootCD.9.6. Tập tin cũ không bị xoá đi mà vẫn còn nguyên, bạn có thể sử dụng chúng cho việc tạo ra một tập tin Hiren's.Boot.CD.9.6.iso cho loại keyboard khác.
  • Done. Hoàn tất. Lúc này là lúc mà bạn có thể xoá đi các tập tin không cần thiết ở Desktop của bạn nếu như bạn nghe lời phần readme.txt nói trên mà copy ra Desktop ^_^.

Có nên ghi (burn) ngay ra đĩa quang hay không?

Bây giờ thì tôi có tập tin US Patched Hiren's.BootCD.9.6.iso trong tay, chúng có thể được ghi ra đĩa quang (burn) bằng một phần mềm ghi đĩa nào đó để bắt đầu sử dụng đĩa công cụ này. Nhưng xin chờ đôi chút, bạn có thể xem lại dung lượng tập tin này được hay không, tôi thấy chúng quá nhỏ, chỉ với khoảng 118 MB mà thôi, nếu như so sánh chúng với dung lượng của một đĩa CD-ROM có dung lượng khoảng 650MB hoặc 700MB mà chỉ có ghi khoảng hơn 100MB thì quả là hơi lãng phí.

Tôi nghĩ là nên ghi thêm một chút gì đó vào đĩa nếu như không muốn có sự lãng phí về vị trí lưu trữ của đĩa này. Bạn có thể ghi thêm nhiều phần mềm hoặc các ứng dụng nào đó mà bạn thích hoặc ngay như cả ca nhạc nữa là tuỳ thuộc vào sở thích và sự cần thiết phải lưu trữ của bạn, nhưng với tôi thì sẽ ghi thêm vào đó một số phần mềm, ứng dụng dựa trên nhu cầu cần thiết sau khi sửa chữa một hệ thống Windows bị lỗi. Nếu như đặt trường hợp mà không thể sửa chữa khắc phục được hệ thống thì có thể phải cài đặt lại hệ điều hành, sau khi cài đặt này cần thiết thêm những gì nữa? Bạn nên ghi thêm vào đĩa đó các phần mềm/ứng dụng phục vụ cho quá trình cài đặt sau đó như vậy. Dưới đây là một số loại phần mềm mà tôi đưa thêm vào, nhưng sẽ nêu ra ý nghĩa cần thiết của nó.

- Một vài phần mềm diệt virus: Mặc dù bản thân đĩa Hiren Boot CD đã có đến 2 phần mềm diệt virus tích hợp sẵn, nhưng đó là phần chạy trong môi trường DOS (có khả năng quét các phân vùng được định dạng theo NTFS[tiếng Anh]), phần mềm diệt virus đưa vào đĩa là bộ cài đặt để chạy trong môi trường 32bit. Giả sử việc sửa chữa thất bại thì cũng cần phải cài đặt lại Windows và ngay sau đó cần cài một phần mềm diệt virus để đảm bảo cho các tập tin sử dụng thông thường (văn bản, bộ cài đặt của các ứng dụng khác...) nếu đã nhiễm virus thì có thể được phát hiện, ngăn chặn. Thực tế thì nhiều người nghĩ rằng cứ cài lại hệ điều hành là hệ thống không nhiễm virus, nhưng chúng có thể phát tác ngay khi cài đặt các ứng dụng hoặc tiếp tục làm việc với các tập tin đã chứa mã độc. Ngoài ra bạn có thể lưu thêm các phần mềm bảo mật như: Tường lửa, chặn spam cho email, chống spyware...

- Các bộ gõ tiếng Việt, font thông dụng...: Cũng như trên đã nói về sự cài đặt lại hệ điều hành, bạn cần cài các bộ gõ bỏ dấu cho tiếng Việt ngay sau khi cài đặt các phần mềm xử lý văn bản. Cũng có thể trên máy tính được sửa chữa cũng có sẵn các bộ cài đặt đủ để sử dụng, tuy nhiên nếu như còn nghi ngờ chúng cũng bị lây nhiễm virus thì bạn nên sử dụng phần mềm được chứa trên đĩa CD thì tốt hơn. Cũng lưu ý đến các font cài đặt, bởi vì đôi khi chủ nhân chiếc máy tính bị hỏng về phần mềm đó cũng có thể cần thiết sử dụng đến các font lỗi thời như hệ ABC, VNI trong các tập tin văn bản cũ.

- Một số phần mềm dành cho Internet, ví dụ các trình duyệt (nên ghi vào bản Internet Explorer 7 để có thể cài ngay lên hệ điều hành XP), các phần mềm IM, download...

- Các phần mềm khác mà bạn cảm thấy cần thiết, cũng có thể là phần mềm đặc biệt, chuyên nghành của riêng bạn hoặc các dữ liệu thành quả làm việc của bạn. Đối với cá nhân tôi thì với một tập tin Ghost của hệ điều hành đang sử dụng sẽ được chứa trên đĩa Hiren's Boot CD ghi trên đĩa DVD! Nếu như máy tính xách tay của tôi bị lỗi thì chắc rằng chỉ sau 15 phút là có thể khôi phục được hoàn toàn trạng thái sẵn sàng làm việc - duy nhất những sự cập nhật mới nhất (các bản vá lỗi của hệ điều hành, các phiên bản trình duyệt có thể chưa được cập nhật mới nhất, cơ sở dữ liệu của phần mềm diệt virus...) là có thể chưa được đầy đủ mà thôi, nhưng chúng có thể thực hiện được trong một thời gian ngắn sau khi kết nối vào Internet. Để có được kết quả này thì các dữ liệu làm việc của tôi đã được chứa trên một phân vùng khác đối với phân vùng cài đặt hệ điều hành (xem thêm entry này nếu bạn muốn hiểu được ý nghĩa sâu xa về nó).

Sử dụng UltraISO để thêm các ứng dụng vào tập tin Hiren's.BootCD.9.6.iso

UltraISO là một phần mềm chỉnh sửa các tập tin ISO và một vài dạng tập tin hình ảnh của đĩa quang trên ổ cứng máy tính. UltraISO thì khá mạnh cho việc chỉnh sửa nên được nhiều người sử dụng chúng, bạn có thể tìm kiếm trên Internet để có thể thấy chỗ tải về sử dụng phần mềm này. Do có tính năng cho phép dùng thử nên bạn có thể chỉnh sửa tập tin của đĩa Hiren's Boot CD nếu như muốn thực hiện như những gì viết tại đây.

Bạn có thể tải bản UltraISO tại website của hãng theo địa chỉ này. Cũng có thể tìm kiếm trên trang web 9down bằng cách gõ tên (UltraISO) vào ô tìm kiếm của site đó.

Lưu ý là không phải UltraISO là phần mềm duy nhất có thể mở tập tin ISO để thêm bớt các tập tin, mà còn nhiều phần mềm khác cũng có chức năng này, tuy nhiên do sự thông dụng của phần mềm này trong đa số những người sử dụng và khả năng tải về dùng thử của nó mà tôi giới thiệu trong bài này của mình.

Giao diện sử dụng của UltraISO khá giống như trình quản lý các tập tin Explorer mà bạn quen dùng, chúng có hai cột để duyệt thư mục ở cột trái và hiển thị những gì đang có trong thư mục đó ở cột bên phải. UltraISO được chia thành hai phần trên và dưới với các mục đích riêng biệt: Phần trên chứa các thư mục/tập tin sẽ được ghi lại vào file iso (và chúng sẽ có mặt trong đĩa quang sau khi ghi ra). Phần phía dưới để hiển thị duyệt các tập tin/thư mục có chứa trên máy tính của bạn (hoặc ngay ở cả các đĩa quang/USB flash hiện thời đang được gắn vào máy tính hay các máy tính khác cùng mạng LAN với máy tính của bạn).

Bây giờ là lúc mà bạn thêm các phần mềm vào tập tin ISO của Hiren's Boot CD. Nếu như bạn đã cài đặt phần mềm UltraISO thì tất cả các tập tin có phần mở rộng là iso sẽ tự động được liên kết với phần mềm này, bạn chỉ cần click đúp vào tập tin Hiren's.BootCD.9.6.iso là phần mềm này sẽ khởi động và mở ra một giao diện sử dụng như hình phía trên (lưu ý rằng chúng có thể hơi khác một chút ở máy tính của bạn bởi vì phiên bản của UltraISO có thể khác nhau, mặt khác tôi thu gọn lại để dễ chụp ảnh màn hình trong một hình kích thước nhỏ để phù hợp cho việc hiển thị blog trên các màn hình có độ phân giải 1024x768).

Như hình trên, ở góc trên-bên phải bạn có thể thấy rằng dung lượng nguyên thuỷ của tập tin iso này là quá nhỏ so với một đĩa CD-ROM (nếu như bạn muốn ghi lại với một đĩa DVD-ROM thì chúng còn lãng phí nữa). Hãy lưu ý luôn quan sát trạng thái dung lượng của tập tin iso sau khi hoàn tất việc thêm các tập tin/thư mục để tránh sự thêm vào quá nhiều so với dung lượng đĩa có thể ghi ra (theo kinh nghiệm của tôi thì nhằm đảm bảo cho đĩa quang hoạt động tốt, nên để dư khoảng 30-50 MB so với dung lượng tối đa).

Việc đưa các tập tin/thư mục vào tập tin iso lúc này thì rất dễ dàng, bạn chỉ việc bấm vào các tập tin/thư mục ở phần dưới rồi kéo vào phần bên trên. Hành động kéo-thả này còn thực hiện được nếu bạn thu nhỏ cửa số của UltraISO để có thể nhìn thấy một cửa sổ trình quản lý file Explorer rồi kéo từ đó vào UltraISO.

Sau khi hoàn tất việc thêm các tập tin/thư mục, bạn có thể có hai lựa chọn cho việc hoàn tất: Ghi thành một tập tin iso khác trên máy tính, hoặc trực tiếp ghi luôn ra đĩa quang. Mỗi lựa chọn này đều có thể được thực hiện để phù hợp với mục đích của bạn. Tuy nhiên tôi khuyên bạn rằng nên ghi tập tin này ra đĩa rồi muốn thực hiện hành động nào đó sau đó thì có thể thực hiện tiếp theo. Lý do của lời khuyên này bởi:

  • Dùng một phần mềm khác mà theo như bạn sẽ ghi tốt hơn để thực hiện ghi ra đĩa (chẳng hạn bạn có thể cho rằng UltraISO ghi không tốt bằng Nero nên bạn ghi ra đĩa cứng rồi mới ghi ra đĩa quang). Thông thường thì việc tạo ra một tập tin trước khi ghi ra đĩa quang sẽ "an toàn" hơn so với việc ghi ngay ra đĩa quang - nhất là trường hợp các tập tin được thêm vào lại nằm ở một ổ cứng mạng hoặc trên ổ cứng của máy tính khác trong cùng mạng của bạn. Mặt khác việc tạo ra tập tin iso cho quá trình ghi cũng tương tự như việc tạo cache vậy, do đó cải thiện đáng kể tốc độ ghi khi mà phần mềm burn chỉ việc bệ nguyên tập tin vào đĩa quang. Viêc này thì phù hợp với cấu hình các máy tính có lượng RAM thấp (khoảng dưới 1 GB, khi mà chúng không nhiều để tăng lượng cache khi ghi đĩa).
  • Lưu lại trên đĩa cứng: Hành động này vừa phù hợp cho việc lưu trữ vừa có thể tạo ra được một tập tin ảnh để có thể "đưa đĩa này vào ổ ảo" để thực thi các ứng dụng có thể hoạt động trên nền 32bit của Windows.

Có lẽ đến đây là hoàn tất việc tạo ra một đĩa cứu hộ cho nhiều trường hợp sự cố máy tính. Phần này rất cơ bản mà có lẽ rằng nhiều entry về sau này sẽ dẫn đến bài này để giới thiệu về đĩa Hiren's Boot CD cũng như phần mềm UltraISO.

MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA HIREN BOOT CD

Menu của đĩa Hiren Boot CD trong chế độ DOS để lựa chọn ứng dụng theo các mục chính

Ứng dụng của đĩa Hiren's Boot CD thì rất nhiều, nhưng chúng có thể chia thành các nhóm chính như ở menu của nó như sau (bạn xem phần hình minh hoạ về menu của đĩa khi khởi động trong chế độ DOS):

1. Disk Partition Tools: Chứa các ứng dụng dành cho việc quản lý các phân vùng (partition) trên đĩa cứng. Ở đây có các phần mềm từ loại cũ cho đến các loại mới nhất để giúp bạn có thể tạo ra các phân vùng, quản lý các phân vùng, thay đổi kích thước các phân vùng hiện tại mà không làm mất dữ liệu chứa trên chúng.

2. Disk Clone Tools: Chứa các phần mềm cho việc sao lưu các phân vùng hoặc sao lưu lại đĩa dưới dạng một hoặc vài tập tin, (tuỳ theo dung lượng của chúng). Ở mục này bạn chú ý đến phần mềm Norton Ghost 11, chúng đã được khá nhiều người sử dụng cho việc sao lưu hệ điều hành.

3. Antivirus Tools: Chứa các phần mềm diệt virus, nổi bật nhất trong số các phần mềm diệt virus ở đây là phần mềm Mcfee Antivirus chạy trên nền DOS. Hầu như các phần mềm diệt virus chạy trên nền MS-DOS đều không giải quyết triệt để các vấn đề mà virus gây ra trên máy tính, nhưng chúng lại giải quyết tốt vấn đề phát hiện ra virus ở các tập tin quan trọng hoặc các tập tin khởi động cùng hệ điều hành. Tôi thích sử dụng McAfee bởi vì ngoài Norton Antivirus, Kaspersky Antivirus thì thêm một phần mềm nổi tiếng nữa cùng quét virus sẽ có cơ hội phát hiện tốt hơn.

4. Recovery Tools: Chứa các phần mềm, tiện ích dùng cho việc khôi phục lại những gì có thể bị xoá mất trên đĩa cứng: có thể là các tập tin, phân vùng...Tuy chúng không hoàn toàn có thể khôi phục lại được toàn bộ các tập tin, nhưng có thể tìm lại được một số tập tin vừa mới được xoá trong thời gian gần (để vị trí chứa các tập tin đó trên đĩa cứng không bị ghi bởi một tập tin mới) hoặc các phân vùng vừa bị xoá nhầm. Nếu như các đĩa cứng không bị phân mảnh quá nhiều thì khả năng khôi phục lại các tập tin là cao hơn. (Tuy vậy tôi ít sử dụng các phần mềm/tiện ích dành cho việc khôi phục như vậy).

5. Testing Tools: Chứa các phần mềm/tiện ích dùng để kiểm tra phần cứng máy tính. Do MS-DOS thường sử dụng ít tài nguyên hơn, cho phép can thiệp trực tiếp vào phần cứng, nên sử dụng các phần mềm trong môi trường MS-DOS sẽ cho kết quả tốt hơn.

6. Hard Disk Tools: Chứa đựng các phần mềm/ứng dụng dành cho việc quản lý đĩa cứng. Ở đây có một số lượng lớn các phần mềm của các hãng sản xuất đĩa cứng như Maxtor, Quantium, Seagate...Mục đích của chúng có thể dành cho việc định dạng cấp thấp (low format), kiểm tra sự hoạt động hoặc sửa chữa các lỗi đĩa liên quan đến sự hư hỏng, thất lạc liên kết của các tập tin chứa trên đĩa cứng.

7. System Info Tools: Dành cho các phần mềm/tiện ích hiển thị các thông tin chi tiết về hệ thống.

8. File Managers: Chứa các phần mềm/tiện ích dành cho việc quản lý các tập tin/thư mục trên đĩa cứng. Thuận lợi nhất trong phần này có lẽ là tiện ích Volkov Commander (phiên bản trên đĩa 9.6 là 4.99), chúng có giao diện giống như một tiện ích quen thuộc với chúng ta thời gian trước đây là Norton Commander (thường gọi tắt là NC), điểm mạnh ở tiện tíc Volkov là chúng hoạt động được cả trên các phân vùng theo định dạng NTFS.

Thực tế thì việc chia ra thành các mục này không phải là hoàn hảo, bởi vì các phần mềm/tiện ích thường là có nhiều chức năng (tức là một phần mềm có thể chiếm chức năng cho vài mục)

KHỞI ĐỘNG VỚI ĐĨA HIREN'S BOOT CD

Hầu như phần lớn các phần mềm chứa trên Hiren's Boot CD hoạt động trong môi trường DOS thực, có nghĩa là khởi động bằng chính đĩa Hiren's Boot CD thay vì sử dụng các phần mềm đó trong môi trường Windows.

Để có thể khởi động bằng đĩa Hiren's Boot CD thì bạn chỉ việc cho đĩa này vào ổ đĩa quang và khởi động lại máy tính, hoặc một cách thông dụng nhất là trong quá trình khởi động máy tính, thì cho ngay đĩa vào ổ quang khi mà chúng chưa kịp khởi động hệ điều hành. Nếu như thiết lập trong BIOS của bạn ưu tiên thứ tự khởi động từ đĩa quag trước so với đĩa cứng thì quá trình này diễn ra bình thường (đây là thiết lập mặc định của BIOS, nếu bạn không thay đổi thì luôn luôn có thứ tự khởi động ưu tiên như vậy).

Quá trình khởi động đĩa Hiren's Boot CD sẽ xuất hiện một bảng menu để cho phép người sử dụng lựa chọn theo chế độ nào:

  1. BootCD: Khởi động với đĩa Hiren's Boot CD, đây là lựa chọn mặc định. Nếu không lựa chọn nào thì sau 10 giây hệ thống sẽ tự động chọn với chế độ này.
  2. Hard Drive: Khởi động với ổ cứng gắn trên máy tính, nó tựa như không có bất kỳ đĩa nào trong ổ quang, và tiến trình khởi động diễn ra bình thường với hệ điều hành được cài đặt sẵn trên máy tính.

Nếu chọn khởi động vào đĩa Hiren's Boot CD thì một bảng menu sẽ xuất hiện (như hình phía trên) cho phép người sử dụng lựa chọn các ứng dụng chính theo từng chủ đề rồi đến các phần mềm/ứng dụng cụ thể.

Khi khởi động một ứng dụng nào đó thì đĩa Hiren Boot CD bắt đầu nhận dạng phần cứng để có thể đọc trọn vẹn nội dung đĩa quang của nó. Phần này rất quan trọng để đĩa Hiren's Boot CD có thể nhận dạng được đúng phần cứng hiện có trong máy và khả năng khai thác được tối đa đối với chúng (chủ yếu là chipset cầu nam bởi vì chip này liên quan đến các phần giao tiếp chậm hơn được dùng cho ổ cứng, ổ quang, USB...). Đây không phải là một vấn đề dễ được thực hiện, bởi vì các loại chipset mới ra đời đã khiến cho trong nhiều phiên bản việc nhận ra đĩa CD ROM không phải là dễ dàng, đôi khi khiến cho người sử dụng lúng túng.

Phần lựa chọn này bao gồm các chế độ: AUTO/QCDROM/OAKCDROM/.../1394CD/USB/SCSI/MANUAL/EXIT. Đa phần bạn có thể lựa chọn chế độ AUTO để đĩa Hiren's Boot CD có thể tự động nhận dạng loại giao tiếp của đĩa CDROM (hoặc DVD ROM) với hệ thống để làm việc. Trong một số trường hợp khác nếu như chế độ này không thể khởi động các ứng dụng thì bạn mới cần tìm hiểu thực sự là ổ quang đang có giao tiếp nào đối với máy tính: USB chăng? nếu vậy bạn rất dễ nhận biết, IEEE 1394 chăng? hay là SCSI? - Đa phần những loại đĩa này khá đặc biệt nên đối với cấu hình bình thường thì không phải, mà nếu như bạn đã sử dụng các loại ổ quang như vậy thì chắc bạn cũng hiểu chúng đang sử dụng loại giao tiếp gì. Tóm lại là 99,9% bạn không gặp phiền toái gì nếu như sử dụng phiên bản mới nhất của Hiren's Boot CD với một bộ chipset không thuộc loại vừa được Intel hay AMD, nVIDA, VIA hay SiS... mới trình làng.

Tiếp sau quá trình này thì Hiren's Boot CD sẽ tạo ra một ổ RAM ảo để làm việc. Bạn sẽ thấy một số dòng lệnh hiện ra như sau:

  • Creating 100 Mb Ram Drive as R:
  • Extracting File to R
  • Keyboard US
  • Loading Mouse...

Không có vấn đề gì đối với những dòng trên, nó chỉ cho ta thấy rằng Hiren's Boot CD sẽ tạo ra một ổ ảo lấy tên là R bằng lượng RAM vật lý đang có của máy tính của bạn. Trên ổ ảo này sẽ được chứa các tập tin phần mềm/ứng dụng mà bạn đang chuẩn bị sử dụng. Một mặt khác thì đĩa này cũng sẽ nạp cho bạn driver của bàn phím và chuột để cho bạn điều khiển được thuận tiện hơn đối với các ứng dụng trong DOS với giao diện đồ hoạ.

Volkov Commander

Như vậy thì việc sử dụng các phần mềm/ứng dụng có sẵn trên đĩa Hiren's Boot CD cũng không mấy khó khăn, chúng hầu như tận dụng được hết các ưu thế của hệ thống về tốc độ xử lý cũng như dung lượng RAM được cài đặt (trong phạm vi địa chỉ mà chúng quản lý được, nhưng thế cũng là quá đủ cho các ứng dụng chạy trên DOS). Ở đây tôi có một chút lưu ý với những bạn nào sử dụng Hiren Boot CD lần đầu tiên (hi, đa số là lần đầu thì mới cần đọc bài viết này) về tiện ích quản lý file là Volkov Commander và xin lưu ý rằng chúng được viết tắt thành VC ở trong đĩa này (nên khi nào thấy VC là hiểu rằng Volkov Commander nhé!).

VC sẽ hỏi một số câu hỏi khi mà bạn khởi động vào nó hoặc ứng dụng khác đòi hỏi đến nó trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là khi xuất hiện câu hỏi "Do you want run VC to delete temp file?" (bạn có muốn khởi động VC để xoá đi các tập tin tạm thời, tập tin rác không?) nếu chọn Yes thì Volkov Commander sẽ khởi động để cho bạn có thể xoá các tập tin rác hoặc bạn thích làm gì với trình quản lý file này cũng được.

Không phải rằng việc khởi động Volkov Commander diễn ra bình thường, nó sẽ hỏi một vài câu như sau:

Do you want to use NTFSDOS? Bạn có muốn thực thi chế độ NTFS trong DOS hay không, tức là bạn có thể thao tác được với các tập tin/thư mục trong các phân vùng ở định dạng NTFS hay không? Tất nhiên là tôi sẽ chọn Yes rồi, bởi vì chúng mới cho phép tôi được truy cập vào các tập tin ở định dạng này. Thật may mắn là có NTFSDOS bởi vì DOS cũng như hệ điều hành sau đó là Windows 95, 98, Me đều không thể truy cập được vào các phân vùng định dạng NTFS nếu không có NTFSDOS.

Tiếp sau đó, có một câu hỏi: What you want to use? với hai lựa chọn: Read OnlyRead Write. Với câu hỏi này thì bạn chọn Read Only nếu như chỉ muốn đọc thôi, còn Read Write nếu muốn cả đọc và cả ghi được. Có vẻ như câu hỏi này hơi thừa chăng? Không, tôi nghĩ rằng nếu như lựa chọn Read Only sẽ an toàn hơn đối với các tập tin, bởi vì chúng chỉ nhìn thôi mà không can thiệp gì với việc ghi lại. Tất nhiên là an toàn như vậy nên bạn không xoá được, không copy được và không di chuyển (move) được vào các phân vùng định dạng NTFS rồi!.

Vẫn còn câu hỏi nữa: Do you want to run CHKDSK? Câu hỏi này thì tuỳ bạn, nếu bạn muốn chạy trình kiểm tra đĩa thì chọn Yes, còn nếu không thì thôi - chọn No.

Rồi, còn câu hỏi cuối cùng: Do you want mount NTFSPRO with VC? Nghe giống như là Linux vậy nhỉ? Chọn Yes! (có vẻ giống như phần câu hỏi về NTFSDOS ở trên, và tôi cũng không rõ sự khác nhau giữa chúng). Và bây giờ thì bạn có thể sử dụng Volkov Commander được rồi.

Còn một điều khó hiểu nữa có thể đối với bạn rằng khi khởi động Volkov Commander sẽ thấy chỉ có panel bên phải, còn bên trái thì không có. Bạn bấm Ctrl+P để hiện đầy đủ.

Xin lưu ý rằng Volkov Commander có thể làm việc đối với mọi loại định dạng mà các hệ điều hành của Microsoft hỗ trợ, nhưng lại không làm việc với các phân vùng được định dạng cho Linux.

Khi hoàn tất công việc với Volkov Commander thì cũng như Norton Commander, bạn bấm phím F10.

Và muốn khởi động lại máy, bạn có thể sử dụng một lệnh quen thuộc trong dòng lệnh DOS hoặc ngay ở con trỏ trên Volkov Commander, lệnh này rất quen thuộc (và có thể là nỗi ám ảnh) với người dùng Windows mỗi khi bị lỗi - đó là restart

GIỚI THIỆU: MCAFEE (CHO MÔI TRƯỜNG MS-DOS)

Có rất nhiều các phần mềm, tiện ích ở trong đĩa Hiren Boot CD, để giới thiệu được hết về chúng phải mất rất nhiều thời gian. Ở đây tôi xin giới thiệu về một vài phần mềm, ứng dụng mà chúng có vẻ thiết thực với nhiều người hơn (hoặc cần thiết hơn), các ứng dụng khác có thể được giới thiệu trong các bài viết khác đó là phần mềm McAfee phiên bản chạy trên DOS.

Cập nhật cơ sở dữ liệu cho McAfee

Cập nhận cơ sở dữ liệu là một hành động cần thực hiện thường xuyên để phần mềm diệt virus có thể nhận dạng được các loại virus mới nhất theo khả năng của nó. Ngày nay, khi mà Internet phát triển mạnh, hầu hết các loại virus mới và nguy hiểm đều phát tán thông qua con đường này thì càng phải chú trọng đến việc cập nhật này (chi tiết hơn về sự cần thiết, bạn có thể xem thêm entry này).

Cơ sở dữ liệu của McAfee trong Hiren's Boot CD có thể cập nhận được so với việc sử dụng cơ sở dữ liệu được ghi cứng trong đĩa CD. Việc cập nhật này đòi hỏi phải kết nối vào Internet để tải về các tập tin dữ liệu của chúng.

Bạn có thể thực hiện theo các cách sau các cách như sau (đây là phần hướng dẫn của Hiren's Boot CD).

Cách 1: Cập nhật từ website của McAfee.

  • Vào website của McAfee theo cách như sau: http://www.mcafee.com/apps/downloads/security_updates/superdat.asp bằng trình duyệt mặc định của bạn, tốt nhất là bằng Internet Explorer.
  • Trong đó có một thoả thuận, bạn click vào nút "I AGREE" để chấp nhận thoả thuận đó (nó không nguy hiểm gì đâu)
  • Sau đó khởi động Virus Definitions Update bằng cách thực thi tập tin theo đường dẫn sau: CD:\BootCD\Wintools\Vdefs.exe (hoặc từ menu của Hiren's Boot CD, vào phần Other, vào Virus Definitions Update). Hành động trên chủ yếu là chấp nhận cho việc tải về tập tin từ website của McAfee bằng trình duyệt chính của hệ điều hành sẽ tạo ra một cookie trong thư mục của hệ điều hành. Lúc này Virus Definitions đóng vai trò tải về và giải nén vào đúng thư mục cần thiết thay cho trình duyệt mà thôi. Cũng xin lưu ý rằng thời gian tải về là khá lâu (tuỳ thuộc vào tốc độ đường truyền Internet của bạn) bởi vì dung lượng tập tin tải về khá lớn, vào khoảng trên 90 MB trong thời điểm tháng 11/2008 và còn tăng lên nữa trong tương lai.

Cách 2: Chỉ thực hiện đối với các máy tính đã được cài đặt phần mềm McAfee Antivirus hoặc các phần mềm khác của hãng này được tích hợp tính năng diệt virus.

  • Tạo ra một thư mục mới: "VDEFS" trong phân vùng C:\ (mà phân vùng này có thể ở định dạng FAT hoặc NTFS đều được)
  • Copy các tập tin mới của virus defination của phần mềm McAfee đã được cài đặt sẵn trong máy tính (scan.dat, names.dat, clean.dat, ...) vào thư mục mới tạo ra ở trên (C:\VDEFS\). Nếu như thư mục C:\DVEFS này đã tồn tại thì xoá hết các tập tin của chúng đi, rồi copy các tập tin mới vào đó, hoặc bạn có thể copy đè vào các tập tin ở trên đó.

Cách 3: Là cách thức tải tập tin sdat về và tự giải nén vào thư mục C:\VDEFS. Các bước thực hiện cũng giống như cách 1 ở phần đầu, tức là cũng truy cập vào website của McAfee nhưng thay dùng Virus Definitions Update để thay cho một trình tải về và giải nén thì ta thực hiện việc tải tập tin theo cách thông thường và giải nén thủ công.

Ví dụ như trong thời điểm viết bài này thì tập tin cơ sở dữ liệu của McAfee là sdat5432.exe, tôi tải về và đặt chúng vào một thư mục nào đó hoặc là một vị trí đường dẫn có tên dễ gõ trong chế độ lệnh, - tôi lấy là phân vùng D chẳng hạn. Thực hiện việc giải nén chúng vào thư mục C:\VDEFS như sau:

  • Vào chế độ DOS của Windows bằng cách: Từ menu Start, vào Run, gõ cmd, ấn enter. (xem hình minh hoạ)
  • D: để chuyển con trỏ đến thư mục D:\ , (nếu là thư mục khác thì có thể gõ theo đường dẫn đến luôn tập tin này và các tham số như ở bước sau, tuy nhiên để dễ hiểu thì tôi viết theo cách như vậy)
  • Ở đây có tập tin sdat5432.exe mà tôi đã tải được, gõ lệnh sau: sdat5432.exe_/e_c:\vdefs (lưu ý "_" là dấu "cách")
  • Chờ một lúc cho quá trình giải nén hoàn tất rồi đóng cửa sổ này lại (chờ khoảng 1 - 2 phút cho chắc chắn, bởi vì quá trình giải nén này không hiển thị khi nào đã hoàn thành)
  • Vào thư mục C:\VDEFS để xoá các tập tin khác đi, chỉ để lại các tập tin sau: scan.dat, names.dat, clean.dat để đỡ rối mắt. Lý do về điều này bởi vì mỗi tập tin sdatXXXX.exe (trong đó XXXX là ký hiệu của mỗi phiên bản khác nhau) đều chứa toàn bộ phần nâng cấp engine cho phần mềm McAfee (bản trên MS-DOS) nên chúng bao gồm các tập tin khác.

Những phần cập nhật này bạn nên thực hiện trước khi quét virus như ở phần dưới đây để đảm bảo cho quá trình nhận dạng các loại tập tin bị lây nhiễm virus được hiệu quả nhất. Thông thường thì cơ sở dữ liệu mặc định của đĩa Hiren's Boot CD là thời điểm phát hành đĩa hệ thống này.

Quét virus với McAfee trong môi trường Windows

McAfee là một phần mềm diệt virus khá mạnh và có tên tuổi lớn trong danh sách các phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới. Mặc dù ít được sử dụng ở Việt Nam trong thời điểm tại nhưng trong quá khứ McAfee cũng đã được sử dụng nhiều với hệ điều hành Windows 9x. McAfee có một kho cơ sở dữ liệu nhận diện các loại virus rất lớn, tính đến ngày 27 tháng 10 năm 2008 đã nhận diện khoảng 474.572 loại virus, trojan và các phần mềm mã độc khác.

Với đĩa Hiren's Boot CD mà bạn đang có thì có thể không cần cài đặt phần mềm McAfee Antivirus bạn cũng có thể quét virus với số lượng kho mẫu khổng lồ nói trên (bạn xem thêm bài phần mềm diệt virus trên blog này sẽ thấy được sự quan trọng của cơ sở dữ liệu virus của mỗi loại phần mềm diệt virus khác nhau). Để tương ứng với cơ sở dữ liệu lớn như vậy thì tập tin cập nhật cho phần mềm này có dung lượng khá lớn, khoảng trên 90 MB!!!

Viết đến đây thì tôi có một ý nghĩ vui vui thế này: Không biết rằng hãng viết phần mềm diệt virus này có học tập BKIS ở Việt Nam là nén cơ sở dữ liệu cho phần mềm diệt virus Bkav bằng WinRAR hay chưa mà kích thước lớn như vậy? - Theo phát biểu của một chuyên gia viết phần mềm diệt virus của BKIS thì cơ sở dữ liệu của Bkav nén lại còn 5-6MB khi giải nén sẽ tương đương 30 MB. Ngày nay Bkav có dung lượng khoảng trên 10 MB thì có nghĩa là sẽ tương đương với khoảng 60 MB so với trước. Vậy thì McAfee chắc cũng chỉ hơn Bkav khoảng 30 MB, vậy nội suy là Bkav cũng có thể nhận diện được khoảng 1/3 của 474.500.

Tất nhiên rằng việc sử dụng phần mềm diệt virus McAfee trên đĩa Hiren's Boot CD thì không có đầy đủ tính năng bởi phiên bản này dành cho DOS, tức là chúng không thể làm được những gì hơn so với khả năng của một phần mềm diệt virus không cần cài đặt. Điều này có nghĩa là như thế nào? Bởi vì chúng thì không thể can thiệp vào các tập tin trong quá trình khởi động, hoặc các khoá trong Registry...do đó mà quét virus kiểu này chỉ đơn thuần là loại bỏ các mã virus đã được lây nhiễm vào các tập tin mà thôi. Với tôi thì điều đó cũng là quá đủ!

Quét virus bằng McAfee bằng đĩa Hiren's Boot CD trong hệ điều hành Windows như thế nào? điều này có thể thực hiện được nhờ môi trường MS-DOS trong Windows XP. Bước đầu tiên là bạn mở Menu trong môi trường hệ điều hành Windows của đĩa Hiren's Boot CD. Mở menu này có thể thông qua chức năng autorun của các hệ điều hành, nhưng nếu bạn tự nhận thấy việc để autorun đối với đĩa quang hoặc USB flash là một sự nguy hiểm (ngay như tôi cũng có một lời khuyên rằng loại bỏ tính năng này ở bài này) và đã disable chúng thì có thể mở menu này bằng đường dẫn: CD:\BootCD\WinTools\Autorun.exe (trong đó "CD" là ký tự của ổ đĩa quang của bạn). Trong menu đó (như hình minh hoạ phía trên), bạn vào ngay phần đầu tiên: AntiSpyware sẽ thấy mục McAfee để khởi động chúng.

Sự hoạt động của McAfee như hình minh hoạ bên, chúng ta có thể nhìn thấy các thông số và trạng thái làm việc của chúng. Bạn chỉ việc khởi động thì phần mềm đã tự động quét virus theo cấu hình mặc định (quét toàn bộ các tập tin) và loại bỏ virus đối với các tập tin có thể phát hiện được. Cũng xin lưu ý rằng có một vài thông báo rằng chúng sẽ không truy cập được các tập tin bởi vì chúng có thể đang trong chế độ được bảo vệ bởi hệ điều hành hoặc là các nguyên nhân khác, và chính điều này cũng khiến cho việc chạy trong MS-DOS trong ảo trong môi trường Windows cũng không phải là hoàn toàn hiệu quả. Vậy thì bạn nên quét virus trên nền MS-DOS thực, tức là khởi động bằng đĩa Hiren's Boot CD từ khi khởi động máy tính, sau đó quét virus bằng McAfee

Quét virus với McAfee trong môi trường DOS

Trong môi trường MS-DOS, tức là khi mà bạn khởi động bằng đĩa Hiren's Boot CD thay cho hệ điều hành bạn đang sử dụng.

Sau khi khởi động vào Hiren's Boot CD, bạn có thể thấy lựa chọn số 3 trên menu chính (và ở trang đầu tiên của menu này): Antivirus Tools... Ở trong này với phiên bản Hiren's Boot CD 9.6 thì chỉ có hai lựa chọn:

  1. McAfee Antivirus v.X.X.X.X_DD-MM-YYY. (trong đó X là các ký tự đại diện cho phiên bản sdatXXXX.exe mà tôi nói ở phần trên, D-M-Y là đại diện theo ngày-tháng-năm theo như ngày tháng của tập tin cơ sở dữ liệu sdatXXXX.exe).
  2. Settings...

Có vẻ hụt hẫng vì phiên bản 9.6 chỉ có duy nhất một lựa chọn là McAfee, các phiên bản trước đây còn có thêm một phần mềm diệt virus khác, nhưng nay đã bị bỏ đi mà có lẽ rằng chúng không được hiệu quả cho lắm, tôi nhớ rằng chúng chỉ quét được vài tập tin chính và boot mà thôi.

Nếu tiếp tục vào lựa chọn 1. McAfee Antivirus thì sẽ còn hai lựa chọn:

  1. McAfee Antivirus with EMM386
  2. ... Back

Tiếp tục lựa chọn 1, tất nhiên là thế rồi, bởi không có lựa chọn khác!

Tiếp đến bạn sẽ có các lựa chọn sau trong menu hiện ra (menu có màu xanh):

  1. Scan of all file (Recommended)
  2. Quick scan (.dll, .exe, .com...)
  3. Manual scan

Bạn nên lựa chọn theo đề cử, tức là lựa chọn 1.

Trong các tiến trình trên thì bạn có thể gặp một số thông báo như việc sử dụng Volkov Commander(en), nếu như chưa hiểu thì bạn có thể xem lại mục Hiren's Boot CD đã nêu ở phía trên.

XEM THÊM

Hiren's boot CD(en>vi), mục từ trên Wikipedia tiếng Anh

Trương Mạnh An (17/11/2008)