30/5/21

Xe hơi bị mờ kính lái, phải làm sao?


Vì sao kính chắn gió bị mờ như có một lớp sương phủ? Làm cách nào để hết mờ sương? Nguyên nhân tại đâu mà bị như vậy? ... là các câu hỏi mà thỉnh thoảng mình thấy thắc mắc trên mạng. Mình viết bài này để giải thích hiện tượng và cách khắc phục giúp cho quá trình điều khiển xe được an toàn hơn.

Nguyên nhân

Quan sát một cốc nước đá, bạn sẽ thấy phía bên ngoài cốc dần hình thành một lớp sương mỏng tựa như lớp sương mờ của kính lái đã làm giảm tầm nhìn của bạn. Nếu để lâu, các giọt sương tăng dần kích thước và trở thành các giọt nước lớn, chúng lớn dần rồi đủ nặng để lăn xuống phía dưới cốc. 

Trong ví dụ về cốc nước trên, hơi nước như màn sương mù phía bên ngoài cốc có phải chúng được thấm từ phía trong cốc ra không? Câu trả lời là không - vì thuỷ tinh không cho thấm nước qua chúng.

Sương mờ bên ngoài cốc nước được hình thành do sự ngưng tụ của hơi nước trong không khí lên bề mặt vật lạnh (ở đây là thành cốc nước đá), theo thời gian, nước càng tụ nhiều và hình thành các giọt nước.

Ở kính chắn gió xe hơi, hơi nước có thể ngưng tụ phía bên trong hoặc phía bên ngoài tuỳ theo điều kiện thời tiết và tình trạng vận hành của xe:

- Tụ hơi nước bên trong xe: Khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn so với nhiệt độ bên trong xe (thường xảy ra trong mùa đông hoặc mùa khác xe vận hành trong thời tiết mưa gió nhưng lại không bật điều hoà chiều lạnh trong xe), lúc này hơi nước có ở bên trong xe hơi sẽ tụ tại các vị trí lạnh nhất của xe, là kính chắn gió phía trước. Hơi nước bên trong xe có thể do có sẵn trong không khí, hoặc do những người ngồi trong xe thở ra (mang nhiều hơi nước).

- Tụ hơi nước bên ngoài xe: Thường xảy ra vào mùa hè khi nhiệt độ trong xe thấp hơn so với nhiệt độ ngoài trời do bật máy lạnh nhiệt độ thấp (trường hợp này thường ít xảy ra).

Khắc phục

* Đối với hiện tượng mù sương bên trong kính lái :

Hiện tượng sương mù bên trong kính lái là thường xuyên xảy ra nhất vào mùa đông hoặc các thời điểm  xe vận hành trong điều kiện mưa gió mà không bật điều hoà chiều lạnh dẫn đến nhiệt độ kính lái thấp hơn so với nhiệt độ bên trong xe. Để hết hiện tượng mù sương hoặc hấp hơi trên kính lái thì đối với các xe có điều hoà lạnh đều có chức năng khử hiện tượng mờ kính lái. Chức năng này bản chất là thổi luồng khí lạnh vào bề mặt trong của kính để làm bay hết hơi nước, giúp kính trong trở lại. Nhiều người quen gọi là nút "sấy kính" hay "sấy kính lái" - mặc dù bản chất của nó không phải là sấy (làm nóng) kính.

Để bật chế độ "sấy kính lái", bạn tìm một nút hoặc nấc có hình như sau để kích hoạt chúng. Lưu ý là nút này luôn luôn có hình rẻ quạt như hình, bạn cần phân biệt bởi có một nút hình vuông và có các mũi tên cong đi lên tương tự - lại có chức năng sấy kính sau - chứ không phải kính trước:

Bởi cấu tạo từng xe khác nhau và chế độ điều hoà khác nhau nên chúng có thể là nút hoặc là nấc.
- Đối với các xe có hệ thống điều hoà tự động thì chế độ sấy kính lái sẽ là một nút nhỏ. Người lái xe chỉ cần bấm vào nút này là xe sẽ tự động chuyển sang chế độ sấy kính lái.
- Đối với các xe có hệ thống điều hoà cơ (hay còn gọi là điều hoà cơm, chỉnh bằng tay) thì thường chế độ này là một nấc trên núm xoay để người dùng sử dụng. Người lái xe có thể xoay núm điều chỉnh về vị trí có chứa ký hiệu này để thực hiện làm hết mù sương trên kính lái.
Trong trường hợp vào mùa hè nhưng đi trong mưa lớn thì nhiệt độ kính chắn gió sẽ thấp hơn nhiệt độ trong xe nên cũng có thể tạo ra mù sương kính lái, bạn cũng cần sấy kính để bớt mù.
Do dùng luồng gió lạnh của điều hoà để hướng vào kính lái nên với một số xe khi thực hiện chức năng này điều hoà sẽ không thổi ở vị trí mặt người lái nữa, nếu như điều này gây nóng bức cho người lái và người ngồi trước thì bạn có thể thực hiện sấy vài giây - đến khi hết mù sương kính chắn gió trước thì chuyển sang chế độ điều hoà thông thường.
Mặc định chế độ sấy kính lái sẽ sử dụng gió ngoài (xe tự độ chuyển sang lấy gió ngoài), tuy nhiên nếu xe đang đi trên khu vực nhiều bụi, ô nhiễm hoặc khi tắc đường, có nhiều mùi khói xe phía trước...bạn có thể chuyển sang chế độ lấy gió trong mà không ảnh hưởng đến chức năng sấy kính này của xe.

* Đối với hiện tượng mù sương bên ngoài kính lái:

Hiện tượng mù sương bên ngoài kính lái ít gặp hơn, chỉ xảy ra trong trường hợp nhiệt độ bên trong xe lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

Nếu như bạn đặt chế độ sấy kính (ví dụ để tránh gió thổi trực tiếp vào người) trong thời gian dài, và xe không di chuyển thì kính lái sẽ bị lạnh hơn bình thường, lúc này phía ngoài kính sẽ tụ sương và làm giảm tầm nhìn. Một số xe có trích một chút khí lạnh lên phía kính lái cho dù không ở chế độ sấy kính - cũng làm cho kính bị lạnh hơn và gây tụ sương bên ngoài.

Gặp trường hợp này, bạn chỉ cần sử dụng gạt mưa một lần để gạt sạch lượng hơi nước bám bên ngoài kính lái. Nhằm hạn chế hư hại cao su gạt mưa, bạn có thể kết hợp phun nước kính để gạt.

Ngoài ra, cũng có trường hợp do bị mù sương bên trong kính lái, lái xe bật chế độ "sấy" kính trước quá lâu dẫn đến lạnh phía chân kính, khiến cho đọng sương bên ngoài kính lái. Trường hợp này cần gạt một lần và chuyển hướng điều hoà xuống chân hoặc mặt + chân là được (không cần bật lại chế độ sấy kính vì khi đã bật điều hoà trong thời gian dài sẽ làm giảm độ ẩm trong xe, khó gây mờ phía trong trở lại).

Một số hình ảnh nấc hay nút sấy kính lái

Nấc sấy kính lái trên một số xe có điều hoà kiểu cơ (hoặc tự động nhưng bố trí như kiểu cơ): Bạn cần vặn núm đến một trong hai vị trí có dấu hiệu sấy kính lái như hình:


Với điều hoà tự động, chế độ sấy kính có thể được bố trí riêng thành một hoặc hai nút như hình sau:

- Nút ở bên trái: Chỉ sấy kính trước.

- Nút ở giữa: Dùng chuyển các chế độ của xe, bạn có thể bấm vào để chọn chế độ sấy kính trước đồng thời với đường gió ra ở chân (hiển thị như hình tại màn hình của điều hoà xe trên nó) hoặc các chế độ khác nếu có.

- Nút ngoài cùng bên phải là nút sấy kính sau, do chúng chỉ sử dụng điện năng để sấy nên làm nóng kính chứ không dùng gió lạnh của điều hoà, bạn không nên nhầm lẫn với nút này.


Trên đây là hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về sấy kính chắn gió trước để hạn chế hiện tượng mờ sương khi lái xe. Nếu bạn có góp ý hoặc thắc mắc, xin vui lòng comment ở dưới. Xin cám ơn!

Trương Mạnh An (5/2021)