17/12/21

Tại sao chuột rất hay vào khoang máy xe hơi khi trời lạnh?!

Bạn đã bao giờ gặp tình trạng trục trặc khi khởi động xe hơi, và khi mở nắp khoang máy thấy một vài dây điện bị đứt nham nhở? Hoặc đôi khi mở khoang máy thì thấy những vết lấm chấm đầy trong khoang máy? Đó chính là hậu quả của chuột, và nhất là vào mùa đông thì hiện tượng này càng dễ thấy.

Tác hại thì khỏi phải nói: Chúng cắn các dây cảm biến khiến xe báo lỗi, cắn dây cấp cho mobin khiến xe bỏ nổ và rung giật, cắn dây số lùi khiến xe không hiển thị cam lùi cùng đèn lùi... rất nhiều người đã gặp, và thậm chí chúng còn làm tổ trong hốc hút gió ngoài của hệ thống điều hoà khiến cho mùi xe khó chịu.

Lâu lâu mấy năm trước mình hay bị chuột vào khoang máy, chúng tha đồ ăn vào khoang máy và làm tổ tại đó cho đến khi chúng cắn dây điện mới khiến mình phát hiện ra. (Nếu bạn để xe ở bãi, thỉnh thoảng hãy mở nắp xem có bị chúng viếng thăm và để lại các dấu chân trong khoang máy như hình dưới đây không).


Hình: Vết chân chuột khắp khoang máy xe hơi.

Sau nhiều lần bị chuột chui vào khoang máy, mình tìm cách đuổi chuột như đặt chất nọ kia như cao sao vàng, dầu gió, vân vân... theo các kinh nhiệm trên Internet nhưng đều không ăn thua. Rồi thì bẫy dính, bả chuột, thuốc viên...nhưng khi trừ khử được con này, im ắng một thời gian thì lại thấy con khác vào.

Sau mình để ý có vẻ như chúng chỉ thích chui vào khoang máy vào những mùa lạnh hoặc có gió bấc. Vậy mình nghĩ có thể chúng tìm chỗ trú ẩn ấm áp cho mùa lạnh, và tiện thể tha đồ vào ăn, rồi tiện thể mài răng (chuột có đặc tính răng tự dài theo thời gian nên chúng phải gặm nhấm để mài bớt răng) khi trú ẩn. Vậy nên - do có điều kiện - mình sau mỗi lần đi xe về, mình mở nắp capo xe lên cả đêm, từ đó đến nay đã vài năm và hiếm thấy bị chuột viếng thăm khoang máy xe mình nữa.

Có thể lý giải như sau: Khi xe vận hành về tới nhà thì động cơ sẽ có nhiệt độ khá cao, khoang máy sẽ nóng, tuy nhiên chúng sẽ nguội dần và cho đến đêm chúng trở thành một vị trí ấm áp lý tưởng cho chuột trú trong những ngày thời tiết giá rét. Nếu xe không di chuyển trong ngày  thì khoang máy cũng là một vị trí kín gió lý tưởng cho chúng trú thân. Khi chuột đã tìm được chỗ lý tưởng, chúng tha các đồ ăn đến tại chỗ và bắt đầu làm tổ, thậm chí còn đẻ con trong đó.

Khi mở nắp khoang máy, phần lớn các vị trí trú ẩn ưa thích của chuột (thường là hai bên bản lề nắp capo và phần máy ở giữa) đang ở vị trí cao ráo kín đáo, ấm áp nay trở thành trống trải, tuềnh toàng khiến cho chúng không còn hứng thú nữa. Có một vài lần mình thấy vết chân chuột trong đó, tuy nhiên chỉ là vết chúng chạy qua tìm chỗ, không thấy rác (đồ ăn của chúng) và phân chuột tại khoang máy như trước kia nữa.

Vậy, nếu bạn có gara riêng, hoặc đặt xe trong đất riêng, hãy thử cách như mình: Mở nắp capo mỗi tối, bạn sẽ thấy cách này hiệu quả hơn các cách nọ kia mà bạn thấy.

Hình: Mở nắp capo xe mỗi tối sẽ khiến chuột không hứng thú vào khoang máy nữa

Trương Mạnh An (12/2021)

____________________________________________________________

BONUS về "hiệu quả" của phương pháp đuổi chuột bằng cao sao vàng và thuốc đuổi chuột (sưu tầm)






8/6/21

Có hơi nước trong đèn pha, phải làm sao

Một số bạn nhận thấy có hơi nước tụ đọng thành dạng mờ sương hoặc thành từng giọt nhỏ phía bên trong đèn xe ô tô và có các thắc mắc về chúng, mình xin chia sẻ hiểu biết của mình và kinh nghiệm khắc phục như sau:

Hiện tượng

Tương tự như hiện tượng hơi nước hấp thụ bên ngoài cốc nước đá mà mình đã trình bày tại bài Xe hơi bị mờ kính lái, phải làm sao, hiện tượng đèn pha ô tô xuất hiện mù sương hoặc nước đọng phía bên trong kính đèn là do sự ngưng tụ của hơi nước ở lớp trong của kính khi mặt kính phía trước của đèn bị lạnh hơn so với các vị trí khác.

Lớp kính phía trước đèn lạnh hơn so với các vị trí khác trong đèn thường xảy ra khi: Đi trong thời tiết mưa gió, di chuyển với tốc độ cao, trong hoặc sau quá trình rửa xe...

Nguyên nhân

Việc độ đèn lên đèn bi cần tháo mặt trước, khi lắp lại có thể không kín gây hơi nước vào đèn
Nguyên nhân của hơi nước đọng trong đèn là có hơi nước ở trong bóng đèn, hơi nước này bình thường sẽ phân bố đều trong khắp không gian của đèn, khi gặp các tác nhân gây lạnh ở phía kính trước đèn thì sẽ đọng lại tại đó như hiện tượng nêu trên.

Để hơi nước có trong đèn có thể bởi một trong các lý do sau:

- Lượng hơi nước sẵn có trong không khí trong quá trình sản xuất/lắp ráp đèn.
- Hơi nước thâm nhập trong quá trình thay bóng đèn, độ đèn. Ví dụ như hình bên việc độ đèn lên đèn bi cần tháo mặt trước, khi lắp lại và gắn keo dán mặt trước có thể không kín gây hơi nước vào đèn.
- Nước hoặc hơi nước thâm nhập vào đèn qua các vết nứt của đèn (do tai nạn, đâm đụng) hoặc do quá trình độ chế đèn (thành đèn LED hoặc xenon phải đục đường dây điện, thay bi LED hoặc xenon phải gỡ lớp kính trước rồi dán lại, hoặc chế lại phần sau đèn)...mà việc độ đẽo này làm cho đèn không còn kín như ban đầu, dẫn đến hơi nước lọt vào trong quá trình sử dụng hoặc khi đi mưa.
- Đèn bị lão hoá khiến không còn kín nước trong quá trình sử dụng hoặc các cơ cấu làm kín (gioăng cao su nắp đèn) bị xuống cấp, lão hoá.

Tác hại của hơi nước trong đèn

Phần lớn các xe mới sản xuất ra đều có một lượng nhỏ hơi nước ở trong đèn do quá trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện trong môi trường thông thường. Để khắc phục tác hại của hơi nước trong đèn, nhà sản xuất thường đặt các túi chống ẩm trong đèn (có thể dạng túi, dạng gói gắn sẵn trong đèn hoặc mình thấy tại nắp chụp của đèn), do đó nếu thỉnh thoảng chúng mới xuất hiện một chút sương mù tại đèn thì bạn không cần lo lắng do vấn đề đã được tính trước.

Nếu do các hư hỏng (nứt vỡ, độ chế dẫn đến hở thông giữa trong đèn và phía ngoài) thì lượng hơi nước vào đèn nhiều hơn thông thường. Với lượng hơi nước lớn, lại thường xuyên bị thâm nhập nên các gói chống ẩm trong đèn sẽ không thể hút hết ẩm (vì bão hoà). Khi lượng hơi nước tăng cao có thể gây ô xy hoá các chi tiết của đèn (nhất là khi hoạt động, đèn sẽ trở lên rất nóng, là tác nhân rất tốt cho việc ôxy hoá). Quá trình ô xy hoá lâu ngày sẽ gây mờ đèn (thành một lớp kính hoặc nhựa đục) và ố choá đèn, làm giảm hiệu suất chiếu sáng của đèn.

Cách khắc phục:

Đối với đèn bị nứt vỡ, hở do nguyên nhân chủ quan

Cách khắc phục hiện tượng nơi nước hoặc nước thâm nhập vào đèn phải là xử lý triệt để các vết nứt hoặc các khe hở giữa bên trong và ngoài đèn do quá trình độ chế, nâng cấp bi đèn...gây ra.

Với việc độ chế đèn gây ra các lỗ cho đường dây ra khỏi đèn, các vết hàn gắn để lắp bi đèn....bạn nên đưa đến nơi đã độ chế đèn để người ta khắc phục lại (thêm keo làm kín hoặc các cách khác xử lý).

Đối với các đèn bị nứt, vỡ do va chạm hoặc tai nạn, nếu xe bạn có bảo hiểm thân vỏ thì rất khoát yêu cầu thay thế đèn mới bởi việc hàn đắp khắc phục thông thường sẽ chỉ được một thời gian, sau đó đèn bị hấp hơi và ố bên trong. Còn nếu không có bảo hiểm, bạn nên thay đèn mới hoặc có kế hoạch thay đèn mới sau khi hàn tạm để sử dụng.

Đối với đèn không bị nứt vỡ, độ chế
Đối với các đèn không bị nứt vỡ, độ chế, việc hơi nước lọt vào chỉ do có sẵn từ quá trình sản xuất hoặc do thời điểm tháo thay bóng đèn bị cháy hỏng, có thể thực hiện các cách sau:

- Phục hồi năng lực hút ẩm của gói hút ẩm đèn: Khi gói hút ẩm trong đèn đã hút lượng ẩm lớn, chúng ngậm nước và khó thực hiện hút ẩm tiếp cần phục hồi năng lực của gói hút ẩm này. Bạn có thể tháo gói hút ẩm (thường cài sau nắp đèn) hoặc mang cả nắp đèn đó đi sấy khô để phục hồi năng lực hút ẩm cho chúng. Nếu như sấy cả nắp đèn, cần lưu ý nhiệt độ không nên quá cao khiến cho nắp đèn bị biến dạng hoặc nóng chảy gây hỏng, mất tác dụng làm kín.
Lưu ý trong quá trình đưa đi sấy khô cần che đậy nắp để không khí ẩm không tiếp tục tràn vào trong đèn bằng cách che đậy (bằng màng bọc thực phẩm chẳng hạn) hoặc thực hiện tại thời điểm không khí có độ ẩm thấp (mùa đông - khi có gió Bắc).

- Làm khô không khí trong đèn bằng cách tự nhiên: Khi không khí trong đèn chứa nhiều hơi ẩm, nếu thời điểm hiện tại đang là mùa đông và có gió Bấc khiến cho độ ẩm trong không khí tự nhiên ở mức thấp (tầm 35-50%) thì bạn có thể mở nắp đèn để không khí tự nhiên tự làm khô không khí bên trong đèn. Việc mở nắp được thực hiện khoảng vài tiếng hoặc một đêm chẳng hạn.
Lưu ý trong quá trình mở nắp đèn, cần che chắn nắp bằng vải màn hoặc lưới có mắt nhỏ để ngăn côn trùng (muỗi, gián) thâm nhập vào trong đèn.

- Sấy khô không khí trong đèn: Nếu thời điểm hiện tại không là mùa đông hoặc không có gió bấc để không khí có độ ẩm thấp, bạn có thể sấy không khí bên trong đèn bằng cách sử dụng máy sấy tóc để thổi vào phía bên trong đèn để làm khô không khí trong đó. 
Quá trình sấy thực hiện như sau:
1. Vệ sinh các khu vực xung quanh đèn: Vệ sinh sạch các bụi, cát khu vực xung quanh nhằm tránh thổi bụi vào phía trong đèn (bằng cách lau bằng giẻ ướt, đợi khô, sấy chúng cho khô hoàn toàn).
2. Mở các nắp đèn.
3. Bật nấc sấy nóng nhất. Sấy phía ngoài đèn vào vị trí xuất hiện sương (từ phía ngoài lớp kính xuất hiện sương hoặc giọt nước đọng trong đèn), mục đích làm nóng kính và bay hơi lớp hơi nước hoặc giọt nước trong đèn.
4. Bậc nấc nóng nhất của máy sấy, thổi vào phía trong đèn thông qua các nắp đèn. Nếu đèn có 2 hay nhiều nắp thì thổi từ phía lỗ nắp này sang nắp kia và ngược lại. Thực hiện trong khoảng 5-10 phút.
5. Đậy các nắp đèn lại để hoàn thành quá trình sấy.
Nên kết hợp việc sấy khô này với phương pháp phục hồi năng lực gói hút ẩm nêu trên.

Nếu sau quá trình xử lý này, kiểm tra lại bằng cách phun nước bên ngoài đèn (tạo độ lạnh của kính phía trước đèn) nếu còn hơi ẩm thì tiếp tục thực hiện theo cách trên. Thực hiện cho đến khi không còn xuất hiện hơi ẩm hoặc giọt nước trong đèn.

Trương Mạnh An (06/2021)

6/6/21

Bảo dưỡng 1000 km cần làm những gì ở xe hơi?

Mình thấy khá nhiều bạn có câu hỏi "Khi xe vận hành được 1.000 km thì cần bảo dưỡng những gì?". Câu hỏi này dễ gặp ở một số người nhưng lại gây khó hiểu ở một số người khác bởi các quy định bảo dưỡng của từng hãng xe là khác nhau.

Hãng nào yêu cầu bảo dưỡng sau 1.000 km lăn bánh đầu tiên?

Đây là ảnh trang Nhật ký bảo dưỡng của Sổ bảo hành dành cho các xe Hyundai do Huyndai Thành Công phân phối . Như bạn thấy: Mốc bảo dưỡng đầu tiên  là 1.000 km hoặc một tháng được in sẵn, các mốc còn lại được để trống để điền bằng tay vào trong quá trình bảo dưỡng sau này. Đó thể hiện Thành Công Motor rất chú trọng mốc bảo dưỡng 1.000km này với các xe của mình phân phối.

Khi bạn mua xe, nhân viên bán hàng của hãng dặn bạn đi bảo dưỡng ở mốc 1000km lăn bánh đầu tiên. Bạn có thể hỏi hoặc nói chuyện với bạn bè của bạn cũng có xe, họ nói không, chỉ bảo dưỡng ở 5.000 km đầu tiên cơ. Điều này khiến bạn thắc mắc, hoài nghi về lời nói của nhân viên bán xe cho bạn, và có thể bạn đã tra Google về câu hỏi này.

Ngay trên website của một số đại lý 3S của Huyndai, bạn có thể thấy lịch bảo dưỡng định kỳ của hãng như hình sau:

Theo bảng trên, ở 1.000 km đầu tiên sẽ cần Thay dầu, Thay lọc dầu, Kiểm các loại nước làm mát, dầu phanh/dầu ly hợp, dầu trợ lực lái (nếu có). (Trên thực tế mình đi bảo dưỡng lần đầu thì thấy các cố vấn kỹ thuật thường chỉ yêu cầu thay dầu mà không thấy yêu cầu thay lọc dầu như bảng trên).

Vậy nếu bạn đang đi xe Hyundai thì sẽ cần bảo dưỡng ở quanh giá trị 1.000 km lăn bánh đầu tiên mà không cần phải hỏi thêm những người đi xe của hãng khác đâu nhé.

Tại sao 1.000 km đã bảo dưỡng? hợp lý hay lãng phí?

Có lẽ có nhiều người thắc mắc là tại sao phải bảo dưỡng khi mới lăn bánh được 1000 km, có lãng phí quá không khi các hãng khác thường chỉ thực hiện bảo dưỡng ở các mốc 5, 10, 15 ... nghìn km?

Trong quá trình bảo dưỡng xe ở 1000km đầu tiên tại đại lý của Hyundai, mình thấy họ thực hiện kiểm tra toàn bộ xe và thay dầu máy như sau:

- Lắc các bánh xe, kiểm tra các mũ ốc,  liên kết trong xe ... có lẽ để kiểm tra sự rơ lỏng nếu có.
- Vệ sinh các lọc gió động cơ, lọc điều hoà.
- Kiểm tra hệ thống điện của xe.
- Thay dầu máy (miễn phí bởi có phiếu thay dầu lần đầu) với loại dầu Hyundai 5W-30 (dầu này do S-Oil làm OEM cho hãng).

Theo mình thì sự bảo dưỡng này là rất hợp lý, nó đảm bảo rằng các xe sau khi xuất xưởng (dù đã được kiểm tra kỹ thế nào) sẽ được kiểm tra một lần nữa sau khi khách hàng vận hành 1000 km đầu tiên. Nếu có các khiếm khuyết thì có thể sẽ được hãng xử lý ngay.

Về dầu nhớt thay lần đầu ở 1000 km có lãng phí không? Mình nghĩ cũng hợp lý bởi như một quá trình chạy roda cho xe, các chi tiết cơ khí trong xe (xéc măng, xi lanh, các bánh răng, trục khửu...) khi làm việc tiếp xúc với nhau lần đầu có thể tạo ra các mạt kim loại mà việc thay thế ở mức này sẽ giúp loại bỏ sơm mạt kim loại (nếu có) ... Mặt khác có thể công thức dầu mà hãng xe đổ cho lần đầu được đặc chế riêng, giúp cho quá trình chạy roda tốt hơn, bảo quản tốt khi vận chuyển đường biển, hoặc gì đó mà mình không biết được - nên nhất thiết phải thay thế khi vận hành ở tầm 1000km đầu tiên. Có thể việc sử dụng chúng như loại dầu nhớt chạy nhiều km sẽ không phù hợp hoặc có thể còn gây hại cho máy.

Vì ý nghĩ đó, mình thường thay luôn cả lọc dầu trong lần thay dầu đầu tiên: Một là để xả bỏ các mạt kim loại nếu có lẫn trong dầu và lọc dầu, hai là xả nốt loại dầu nhớt cũ trong lọc dầu để hạn chế lượng pha trộn hai loại dầu khác nhau. Chi phí chiếc lọc dầu này có giá chính hãng là 110.000 đồng, khá rẻ cho việc tốt hơn cho động cơ xe cho. Lưu ý là một số đại lý của hãng không đề xuất thay lọc ở lần đầu tiên này nên nếu muốn thay lọc, bạn phải đề nghị kỹ thuật viên ở đại lý về việc thêm lọc này.

Và giờ thì đến lúc trả lời câu hỏi: Có lãng phí không khi thay sớm như vậy? Mình nghĩ là không nếu nó tốt cho động cơ, và cũng là yêu cầu bắt buộc của hãng sản xuất.

Đối với các hãng xe khác mà không yêu cầu bảo dưỡng ở mốc 1.000 km thì sao? Mình nghĩ nếu bạn đang sở hữu các xe này thì vẫn nên thực hiện bảo dưỡng, thay dầu máy ở mức 1.000 km bởi các lý do trên. Hyundai Thành Công thực hiện bảo hành 5 năm cho các xe du lịch mà mình phân phối thì mình cho rằng họ tự tin như vậy cũng một phần bởi chế độ bảo dưỡng tối ưu như trên.

Nên bảo dưỡng lần tiếp theo ở 5.000 km hay 6.000 km?

Sau lần bảo dưỡng 1000 km đầu tiên, hãng sẽ khuyến cáo bạn thực hiện bảo dưỡng sau mỗi 5000 km tiếp theo, tức là ở mốc 6.000 km, rồi tiếp nữa là các mốc 11.000, 16.0000 vv...Lần bảo dưỡng tiếp theo này hãng cũng sẽ kiểm tra mọi thứ và thay dầu máy.

Đối với mình, do có suy nghĩ rằng trong thời gian vận hành xe ban đầu trong vài nghìn km có thể các chi tiết cơ khí vẫn chưa hoàn toàn trơn chu với nhau, vẫn còn mạt kim loại nên mình sẽ thay dầu sau 4.000 km tiếp theo, tức là ODO báo ở mức 5.000 km. Việc thay dầu ở mức 5.000 km cũng thuận tiện cho việc nhớ bảo dưỡng ở các mức là bội số của 5.000, tức 10.000, 15.000, 20.000 ...

Vậy, nếu bạn muốn tốt nhất cho chiếc xe của mình, bạn có thể bảo dưỡng lần tiếp theo ở mốc 5.000 km, hoặc nếu bạn muốn tốt không thôi thì bảo dưỡng ở mốc 6.000 km.

Ở lần bảo dưỡng tiếp theo này hãng vẫn chưa khuyến cáo thay lọc dầu, vậy nếu mốc 1.000 km đầu bạn chưa thay lọc thì mình nghĩ để tốt nhất cho xe, mốc này bạn nên thay lọc dầu, còn nếu đã thay thì để mốc 10.000 km hãng sẽ khuyến cáo thay.

Tham khảo:

- Bảo dưỡng định kỳ xe Hyundai (Hyundai Phạm Văn Đồng, HN).

Trương Mạnh An (06/2021)

30/5/21

Xe hơi bị mờ kính lái, phải làm sao?


Vì sao kính chắn gió bị mờ như có một lớp sương phủ? Làm cách nào để hết mờ sương? Nguyên nhân tại đâu mà bị như vậy? ... là các câu hỏi mà thỉnh thoảng mình thấy thắc mắc trên mạng. Mình viết bài này để giải thích hiện tượng và cách khắc phục giúp cho quá trình điều khiển xe được an toàn hơn.

Nguyên nhân

Quan sát một cốc nước đá, bạn sẽ thấy phía bên ngoài cốc dần hình thành một lớp sương mỏng tựa như lớp sương mờ của kính lái đã làm giảm tầm nhìn của bạn. Nếu để lâu, các giọt sương tăng dần kích thước và trở thành các giọt nước lớn, chúng lớn dần rồi đủ nặng để lăn xuống phía dưới cốc. 

Trong ví dụ về cốc nước trên, hơi nước như màn sương mù phía bên ngoài cốc có phải chúng được thấm từ phía trong cốc ra không? Câu trả lời là không - vì thuỷ tinh không cho thấm nước qua chúng.

Sương mờ bên ngoài cốc nước được hình thành do sự ngưng tụ của hơi nước trong không khí lên bề mặt vật lạnh (ở đây là thành cốc nước đá), theo thời gian, nước càng tụ nhiều và hình thành các giọt nước.

Ở kính chắn gió xe hơi, hơi nước có thể ngưng tụ phía bên trong hoặc phía bên ngoài tuỳ theo điều kiện thời tiết và tình trạng vận hành của xe:

- Tụ hơi nước bên trong xe: Khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn so với nhiệt độ bên trong xe (thường xảy ra trong mùa đông hoặc mùa khác xe vận hành trong thời tiết mưa gió nhưng lại không bật điều hoà chiều lạnh trong xe), lúc này hơi nước có ở bên trong xe hơi sẽ tụ tại các vị trí lạnh nhất của xe, là kính chắn gió phía trước. Hơi nước bên trong xe có thể do có sẵn trong không khí, hoặc do những người ngồi trong xe thở ra (mang nhiều hơi nước).

- Tụ hơi nước bên ngoài xe: Thường xảy ra vào mùa hè khi nhiệt độ trong xe thấp hơn so với nhiệt độ ngoài trời do bật máy lạnh nhiệt độ thấp (trường hợp này thường ít xảy ra).

Khắc phục

* Đối với hiện tượng mù sương bên trong kính lái :

Hiện tượng sương mù bên trong kính lái là thường xuyên xảy ra nhất vào mùa đông hoặc các thời điểm  xe vận hành trong điều kiện mưa gió mà không bật điều hoà chiều lạnh dẫn đến nhiệt độ kính lái thấp hơn so với nhiệt độ bên trong xe. Để hết hiện tượng mù sương hoặc hấp hơi trên kính lái thì đối với các xe có điều hoà lạnh đều có chức năng khử hiện tượng mờ kính lái. Chức năng này bản chất là thổi luồng khí lạnh vào bề mặt trong của kính để làm bay hết hơi nước, giúp kính trong trở lại. Nhiều người quen gọi là nút "sấy kính" hay "sấy kính lái" - mặc dù bản chất của nó không phải là sấy (làm nóng) kính.

Để bật chế độ "sấy kính lái", bạn tìm một nút hoặc nấc có hình như sau để kích hoạt chúng. Lưu ý là nút này luôn luôn có hình rẻ quạt như hình, bạn cần phân biệt bởi có một nút hình vuông và có các mũi tên cong đi lên tương tự - lại có chức năng sấy kính sau - chứ không phải kính trước:

Bởi cấu tạo từng xe khác nhau và chế độ điều hoà khác nhau nên chúng có thể là nút hoặc là nấc.
- Đối với các xe có hệ thống điều hoà tự động thì chế độ sấy kính lái sẽ là một nút nhỏ. Người lái xe chỉ cần bấm vào nút này là xe sẽ tự động chuyển sang chế độ sấy kính lái.
- Đối với các xe có hệ thống điều hoà cơ (hay còn gọi là điều hoà cơm, chỉnh bằng tay) thì thường chế độ này là một nấc trên núm xoay để người dùng sử dụng. Người lái xe có thể xoay núm điều chỉnh về vị trí có chứa ký hiệu này để thực hiện làm hết mù sương trên kính lái.
Trong trường hợp vào mùa hè nhưng đi trong mưa lớn thì nhiệt độ kính chắn gió sẽ thấp hơn nhiệt độ trong xe nên cũng có thể tạo ra mù sương kính lái, bạn cũng cần sấy kính để bớt mù.
Do dùng luồng gió lạnh của điều hoà để hướng vào kính lái nên với một số xe khi thực hiện chức năng này điều hoà sẽ không thổi ở vị trí mặt người lái nữa, nếu như điều này gây nóng bức cho người lái và người ngồi trước thì bạn có thể thực hiện sấy vài giây - đến khi hết mù sương kính chắn gió trước thì chuyển sang chế độ điều hoà thông thường.
Mặc định chế độ sấy kính lái sẽ sử dụng gió ngoài (xe tự độ chuyển sang lấy gió ngoài), tuy nhiên nếu xe đang đi trên khu vực nhiều bụi, ô nhiễm hoặc khi tắc đường, có nhiều mùi khói xe phía trước...bạn có thể chuyển sang chế độ lấy gió trong mà không ảnh hưởng đến chức năng sấy kính này của xe.

* Đối với hiện tượng mù sương bên ngoài kính lái:

Hiện tượng mù sương bên ngoài kính lái ít gặp hơn, chỉ xảy ra trong trường hợp nhiệt độ bên trong xe lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

Nếu như bạn đặt chế độ sấy kính (ví dụ để tránh gió thổi trực tiếp vào người) trong thời gian dài, và xe không di chuyển thì kính lái sẽ bị lạnh hơn bình thường, lúc này phía ngoài kính sẽ tụ sương và làm giảm tầm nhìn. Một số xe có trích một chút khí lạnh lên phía kính lái cho dù không ở chế độ sấy kính - cũng làm cho kính bị lạnh hơn và gây tụ sương bên ngoài.

Gặp trường hợp này, bạn chỉ cần sử dụng gạt mưa một lần để gạt sạch lượng hơi nước bám bên ngoài kính lái. Nhằm hạn chế hư hại cao su gạt mưa, bạn có thể kết hợp phun nước kính để gạt.

Ngoài ra, cũng có trường hợp do bị mù sương bên trong kính lái, lái xe bật chế độ "sấy" kính trước quá lâu dẫn đến lạnh phía chân kính, khiến cho đọng sương bên ngoài kính lái. Trường hợp này cần gạt một lần và chuyển hướng điều hoà xuống chân hoặc mặt + chân là được (không cần bật lại chế độ sấy kính vì khi đã bật điều hoà trong thời gian dài sẽ làm giảm độ ẩm trong xe, khó gây mờ phía trong trở lại).

Một số hình ảnh nấc hay nút sấy kính lái

Nấc sấy kính lái trên một số xe có điều hoà kiểu cơ (hoặc tự động nhưng bố trí như kiểu cơ): Bạn cần vặn núm đến một trong hai vị trí có dấu hiệu sấy kính lái như hình:


Với điều hoà tự động, chế độ sấy kính có thể được bố trí riêng thành một hoặc hai nút như hình sau:

- Nút ở bên trái: Chỉ sấy kính trước.

- Nút ở giữa: Dùng chuyển các chế độ của xe, bạn có thể bấm vào để chọn chế độ sấy kính trước đồng thời với đường gió ra ở chân (hiển thị như hình tại màn hình của điều hoà xe trên nó) hoặc các chế độ khác nếu có.

- Nút ngoài cùng bên phải là nút sấy kính sau, do chúng chỉ sử dụng điện năng để sấy nên làm nóng kính chứ không dùng gió lạnh của điều hoà, bạn không nên nhầm lẫn với nút này.


Trên đây là hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về sấy kính chắn gió trước để hạn chế hiện tượng mờ sương khi lái xe. Nếu bạn có góp ý hoặc thắc mắc, xin vui lòng comment ở dưới. Xin cám ơn!

Trương Mạnh An (5/2021)