31/5/08

Dân ép xung với sở thích kỳ quặc

Dân ép xung (tạm dịch từ: overclocker) là những người có những ham mê đặc biệt về chế ngự phần cứng máy tính nhằm giúp cho hệ thống máy tính của họ có thể hoạt động quá mức thiết kế cho phép. Hiện nay thì từ này vẫn chưa được sự chấp nhận của nhiều từ điển, những "dân ép xung" vẫn là những người có ham mê của mình, không cần đòi hỏi thú đam mê đó có được chấp nhận một cách chính thống hay không.

Không có một tổ chức hợp pháp nào đặt biệt danh hay công nhận danh hiệu cho một cá nhân ép xung, cũng không có một trường lớp chính thống nào đào tạo ra người có sở thích này. Những kiến thức trang bị cho sở thích của họ thường là tự tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với những người cùng sở thích khác (qua thư điện tử, diễn đàn…). Do vậy biệt danh dân ép xung thường là do những người cùng sở thích công nhận, đặt biệt hiệu khi nhận thấy người đó đã đủ hiểu biết về phần cứng và các phương pháp làm tăng tốc phần cứng máy tính.

Để giải thích về sự không công nhận này, tôi lấy một ví dụ sau:

  1. Trên Wikipedia tiếng Anh, nếu tra từ overclocker (dịch thô là: người làm quá xung nhịp) thì nó sẽ tự động chuyển sang bài về overclocking (hành động làm quá xung nhịp). Rõ ràng rằng điều này là không đúng, nếu nhưng người ta muốn tìm hiểu về sở thích của con người, nhưng anh lại cho người ta đọc về những gì người ta làm, đó là điều không đúng.
  2. Trên Wikipedia tiếng Việt, với mong muốn mở rộng và phát triển số người tham gia, và đặc biệt là muốn có người có cùng sở thích để cùng nhau viết lấp đầy các khoảng trống trong kiến thức về phần cứng, tôi đã viết bài này với mục đích chính là muốn lôi kéo một số thành viên ở vOz tham gia cùng viết. Tuy nhiên khi mục từ này xuất hiện thì đã gặp một sự phản đối. Tất nhiên, mục từ này vẫn còn tồn tại, nhưng nó vẫn có vẻ như gượng gạo, và một phần được chấp nhận bởi sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên có nhiều đóng góp (điều này bất quy tắc).
  3. Trên các từ điển được biên soạn bởi các tập thể biên soan khác thì cũng không có từ này. Ở đây tôi đang nói đến từ overclocker bằng tiếng Anh, có nghĩa là một từ mà nếu được công nhận thì nó sẽ được nhiều người sử dụng nhất. Việc dịch ra tiếng Việt là "người ép xung" hoặc là "dân ép xung" thì vẫn còn gượng gạo (chưa thông dụng, chưa được chấp nhận rộng rãi), bởi vì có thể tôi là một trong những người đầu tiên đề xuất cách dịch từ này.

Xin lưu ý thêm về "được công nhận", ở đây được hiểu là được một vài người công nhận một cách công khai hay là âm thầm trong lòng họ (cũng như có nhiều quan điểm về cách gọi từ hacker, blogger... thế nào là đúng, thế nào là được công nhận hay là tự chủ nhân công nhận điều đó - tôi sẽ có bài phân tích điều này theo ý hiểu của tôi).

Hiểu biết về phần cứng

Hai overclocker đang 'chế' bộ giải nhiệt cho máy tính. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Dân ép xung thường là người có hiểu biết về phần cứng máy tính một cách khá thành thạo để có thể thực hiện các hành động ép xung một cách có bài bản mà không chỉ thực hiện theo các lời khuyên, kinh nghiệm của những dân ép xung thực sự khác truyền lại. Điều này xuất phát do mỗi người trong số họ thường sở hữu các hệ thống máy tính có cấu hình khác nhau, do đó mọi hành động thực thi và kết quả của việc ép xung là không giống nhau.

Thế nào được coi là đạt về "hiểu biết phần cứng", cũng có nhiều quan điểm cho rằng chỉ cần biết đâu là CPU, đâu là RAM, đâu là HDD thì gọi là hiểu biết phần cứng máy tính, nhưng cũng lại có quan điểm rằng cần phải hiểu sâu hơn nữa: ví dụ về RAM cần thông số gì (dung lượng RAM, bus của RAM), nhưng lại còn sâu hơn nữa khi biết thêm từng nguyên lý hoạt động, các tham số CAS, điện áp... đó là do sự khắt khe của từng người khi nhìn nhận, và cũng là những yếu tố lớn ảnh hưởng đên sự thành công của hành động ép xung.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào có thể làm tăng tốc phần cứng máy tính cũng có thể được gọi là dân ép xung bởi hành động ép xung ngày nay đã trở lên rất đơn giản do sự tạo điều kiện của các nhà sản xuất phần cứng. Chính sự tạo điều kiện thuận lợi này khiến cho nhiều người có sở thích này không cần hiểu biết nhiều đến nguyên lý hoạt động của phần cứng máy tính nữa mà vẫn thực hiện ép xung thành công.

Lịch sử hình thành tính cách

Xuất phát đầu tiên là cho lịch sử của việc overclock tốc độ máy tính cá nhân có lẽ từ những chiếc máy tính của AT của hãng IBM với cơ chế hoạt động của nó khiến cho người ta chú ý đến nó để thực hiện việc ép xung.

Thiết bị dùng ép xung bằng cách thay đổi giao động thạch anh - năm 1985

Chúng ta biết rằng các hoạt động của máy tính đều dựa trên một số thiết bị phát xung nhịp chuẩn. Những thiết bị này nhằm tạo ra các chu kỳ hoạt động để đảm bảo sự đồng nhất khi chuyển dữ liệu làm việc giữa các bộ phận khác nhau. Trong máy tính cũng như nhiều thiết bị khác phải làm việc dựa trên xung nhịp chuẩn đều sử dụng một thiết bị có nguyên lý hoạt động dựa trên sự giao động của tinh thể, và đa phần vật liệu này là thạch anh.

Những chiếc máy tính AT của IBM đầu tiên sử dụng bộ dao động tinh thể để vận hành bộ xử lý. Hai hệ thống XT của máy tính IBM dùng các bộ dao động tinh thể thạch anh có tần số 12 Mhz và 16 Mhz. Các chip kiểm soát xung nhịp chia dao động đó cho 2, và kết quả là các bộ xử lý đó hoạt động ở xung nhịp 6 Mhz và 8 Mhz. Những dân ép xung đầu tiên đã sử dụng các tiểu xảo bằng cách thay thế các bộ dao động tinh thể 12 Mhz và 16 Mhz bằng các linh kiện dao động tinh thể 18 Mhz và 20 Mhz để các hệ thống máy tính này hoạt động ở tốc độ cao hơn: 9 Mhz và 10 Mhz.

Những hành động overclock này đã được một số công ty cho ra đời các mạch cho phép thay đổi sự dao động mà không phải thay thế từng linh kiện một trong hệ thống thời bấy giờ. Thiết bị này có các nấc điều khiển để thay đổi các dao động tinh thể (hình dạng của nó gần giống với các đồng hồ vạn năng dùng đo các thông số về điện/điện tử ngày nay). XCELX là tên một thiết bị như vậy (xem ảnh) có thể cho phép thay đổi xung nhịp của các máy tính IBM ban đầu các xung nhịp từ 6,5 Mhz đến 12,7 Mhz.

Đây là những hành động ép xung đầu tiên mà có thể nhiều người ép xung ngày nay chưa biết về những người đi trước họ đã làm.

Dân ép xung ngày nay

Những người ép xung đầu tiên thường chỉ tập trung vào xung nhịp của CPU mà ít chú ý đến các hình thức làm tăng hiệu năng các thiết bị khác như GPU, RAM...Ngày nay, khi mà xung nhịp của CPU đã đạt đến các mức giới hạn về tốc độ xử lý của CPU thì dân ép xung còn sử dụng thêm nhiều hình thức khác để thực hiện việc làm tăng hiệu năg máy tính của mình.

Sự thay đổi tần số xung nhịp làm việc của máy tính ngày nay không còn chỉ còn phụ thuộc vào các tinh thể thạch anh bởi linh kiện này chỉ còn được sử dụng cho việc tạo ra các giao động cơ bản, việc điều chế các giao động cho CPU được các chipset đảm nhiệm và có thể thay đổi trong BIOS máy tính cũng như ngay trên hệ điều hành thông qua các phần mềm của hãng sản xuất bo mạch chủ. Do đó những người ép xung hiện nay chỉ việc điều chỉnh tần số thông qua chuột và bàn phím mà không phải thay thế linh kiện phần cứng hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như các bậc tiền bối của họ nữa.

Một mặt khác, hiệu năng hiện nay đánh giá cho các phần mềm xử lý đồ hoạ, game còn phụ thuộc vào nhiều loại phần cứng khác như: Bo mạch đồ hoạ, RAM, nguồn máy tính, vỏ máy tính...nên người ép xung càng cần chú ý thêm đến các kiến thức tổng thể của một hệ thống máy tính.

Nhà sản xuất tiếp tay cho sở thích

Mặc dù không được công nhận trên cả phạm vi quuốc gia và quốc tế, nhưng hiện nay đa số các nhà sản xuất bo mạch chủ, RAM và một số linh kiện khác phụ cho quá trình ép xung như nguồn máy tính, vỏ máy tính đều có xu hướng phát triển theo.

Nếu tinh ý, các bạn có thể nhận thấy sự phát triển của bo mạch chủ đã phát triển theo hai hướng sau: Ban đầu là các tính năng mở rộng và khả năng ép xung - những điều này làm nổi trội các thương hiệu cho các hãng sản xuất. Sau đó đến khả năng tiết kiệm điện năng (đó là thời điểm năm 2007-2008 hiện nay).

RAM được thiết kế sao cho các thông số làm việc của chúng tối ưu cho tổng thể chung hệ thống, tức là các loại RAM chất lượng cao thì có các chỉ số CL thấp đi đến mức tối thiểu có thể. RAM còn cho phép ép xung bằng cách chịu đựng được mức điện áp lớn hơn, thiết kế tản nhiệt trên các chip RAM được tốt hơn.

Vỏ máy tính cũng được thiết kế sao cho thuận lợi nhất cho quá trình tản nhiệt mà vẫn đảm bảo tính mỹ thuật, độc đáo.

Các thiết bị gải nhiệt được bán nhiều trên thị trường phần cứng máy tính. Ngoài tác dụng làm ổn định hệ thống thì phần lớn các hệ thống giải nhiệt (mà giá của chúng có thể lớn hơn cả những hệ thống máy tính giá rẻ - không bao gồm màn hình) thì rõ ràng rằng chúng phục vụ cho mục đích ép xung. Trước đây các hệ thống này đều được những tay overclocker tự chế tạo theo cách hiểu biết của mình thì ngày nay đa số chúng được chế tạo sẵn.

Chính do sự cho phép đến mức lộ liễu (thậm chí khuyến khích ép xung đạt các kỷ lục quốc tế để làm nổi tiếng các thương hiệu) nên người sử dụng hiện nay có thể vô tình bị đẩy trở thành những người ép xung theo cách thức tò mò tiếp cận lĩnh vực này.

Sở thích khó hiểu

Những dân ép xung có thể không cần thiết hệ thống máy tính của họ cần đạt được một tốc độ cao để đảm bảo có thể thực thi các ứng dụng nặng nề (các phần mềm biên tập video, xử lý đồ hoạ nặng, game yêu cầu cấu hình hệ thống cao…) nên ép xung đối với họ nhiều khi chỉ là một sở thích mà chính họ cũng không lý giải nổi hành động ép xung nhằm mục đích gì (tôi cũng vậy, khi mua các loại linh kiện máy tính luôn chú ý đến khả năng ép xung của chúng. Giá thành các thiết bị này có thể tăng gấp 2-3 lần so với các linh kiện thông thường).

Nếu nói về sự tăng tốc phần cứng nhằm phục vụ các phầm mềm, game mạnh thì điều này trở lên vô lý khi họ sẵn sàng chi phí một lượng tiền lớn để có được các hệ thống làm mát đắt tiền. Giá trị của các thiết bị, hệ thống làm mát này còn đắt hơn cả những CPU có hiệu năng và xung nhịp cao hơn mà khi họ ép xung (với CPU cũ và hệ thống làm mát mới) không đạt đến được.

Chính điều này gây ra sự khác biệt giữa sở thích của dân ép xung thời nay với các dân ép xung trước đây (đơn thuần là làm tăng hiệu năng với tất cả các CPU mới nhất xuất hiện). Những mâu thuẫn đó khiến nhiều người cảm nhận về sở thích của dân ép xung là: khó hiểu, kỳ quặc. Và thực chất, không có một nhận xét chính xác nào về những người có sở thích ép xung như vậy.

Tham khảo:

Upgrading and Repairing Pcs, 17th Edition, Scott Mueller (ISBN: 0789734044); Có thể mua tại Amazon (phiên bản 18: ISBN-10: 0789719037)

Dân chơi tăng tốc độ máy tính, VnExpress, 15/11/2007.

Ép xung hệ thống: Đôi điều cần biết, Xemsach.com.vn (Nguồn dẫn này không nổi trội, mang tính mở rộng thông tin là chính).

Xem thêm:

Vietnam Overclocker Zone Forum (vOz): Diễn đàn của những người yêu thích Overclock lớn nhất ở Việt Nam;

Trương Mạnh An (2008)

(Ghi chú: Bài này đã được tác giả đóng góp chính viết trên Wikipedia tiếng Việt. he he, lập blog thì lấy về, khỏi phải cám ơn wiki^^)

26/5/08

Lưu ý về máy phát điện dân dụng

Có bao giờ khu vực bạn sống bị cắt điện theo lịch? chắc là không thoát được với mùa hè này. Hôm nay nhiều người đã bắt đầu rục rịch hỏi nhau các loại máy phát điện để trang bị cho mình phòng khi mất điện lưới.

Cũng khó khi mà ngồn một chỗ mà không đi đến thị trường khảo sát các loại máy phát điện để viết bài này, vậy thì đành viết theo cách ngồi một chỗ vậy.

Máy phát Elemax 3200

Về cơ bản thì máy phát điện trong dân dụng là các máy phát ra dòng điện xoay chiều một pha có công suất thích hợp vói nhu cầu của người sử dụng nó. Hiện nay, tôi thấy ba loại máy phát điện dân dụng như sau thường được người sử dụng mua về[1]:

  1. Loại máy phát điện mang nhãn hiệu nhái theo các hãng nổi tiếng, xuất xứ thường từ Trung Quốc, chạy bằng xăng.
  2. Loại máy phát điện của các hãng nổi tiếng như Honda, chạy bằng xăng.
  3. Loại máy phát điện sử dụng động cơ nổ giống như các đầu nổ thông thường, chạy bằng dầu diezen (hoặc ít hơn là chạy bằng xăng).

Bạn có thắc mắc gì không, tôi cho rằng có thể có hai câu hỏi sau:

  • Các máy phát điện dân dụng trên sẽ có thể cung cấp ra các điện áp để sử dụng cho tất cả các loại thiết bị điện trong gia đình? Đúng.
  • Các máy có thương hiệu nổi tiếng thì bền hơn, tốt hơn so với các loại làm nhái hoặc hàng không làm nhái nhưng được sản xuất với quy mô địa phương ở Trung Quốc đang có rất nhiều trên thị trường hiện nay? Đúng rồi, ai chẳng biết vậy.

Vậy thì còn cần gì đọc bài này nữa.

Thế nhưng, ở đây tôi muốn nói đến một số kinh nghiệm của mình khi lựa chọn mua máy phát điện, bởi vì bạn có thể tiết kiệm các chi phí để mua một chiếc máy phát giá rẻ, nhưng hậu quả của nó lại làm cho bạn mất các khoản tiền lớn hơn việc đầu tư một chiếc máy phát tốt bởi vì chúng đã gây ra hư hỏng thiết bị điện của bạn. Thêm nữa là tôi muốn chia sẻ một số phương pháp sử dụng hiệu quả của máy phát điện nhằm hạn chế ảnh hưởng của nó gây ra. Xin hiểu rằng bài này là kinh nghiệm của tôi trong quá trình tìm mua máy phát điện vào mấy năm trước - cuối cùng đã chọn chiếc máy đúng mác mã với hình minh hoạ trên - và quá trình sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng nó).

Tại sao lại như vậy? Bởi trong một cuộc tranh luận mới đây của các anh em trong cơ quan tôi thì có ý kiến cho rằng: Để tiết kiệm, chỉ cần sử mua loại máy phát điện giá rẻ thôi, vì đề phòng là chính mà, không phải liên tục phát điện nên không nhất thiết phải sử dụng các máy tốt, có thương hiệu uy tín.

Tần số là yếu tố quan trọng nhất

Tần số là yếu tố quan trọng nhất mà người sử dụng lại không để ý đến. Người dùng chỉ biết mua máy phát điện, nổ máy, rồi cứ thế sử dụng các loại thiết bị điện thông thường. Tần số thường là đi đôi với điện áp đầu ra, nhưng những nhà sản xuất lại không chú trọng vào điều chỉnh điện áp đầu ra bằng tần số của chúng.

Ở việc sử dụng các thiết bị điện thông thường như: bóng đèn sợi đốt, lò sưởi điện, một số loại thiết bị điện hoạt động dựa trên nguyên lý như động cơ điện một chiều. Có thể hoạt động tốt với các tần số giao động không quá lớn. Nhưng các thiết bị điện tử lại rất yêu cầu về sự ổn định của tần số.

Thông thường thì ở máy phát điện sẽ có các động cơ nổ, động cơ này làm quay máy phát điện. Để đảm bảo tần số đầu ra ổn định ở một mức phù hợp với lưới điện địa phương (để phù hợp với các thiết bị ở địa phương đó) thì tốc độ quay ở đầu phát điện này phải không đổi. Điều gì sẽ xảy ra khi mà điện năng tiêu thụ đầu ra tăng lên? Nếu không có sự điều chỉnh động cơ thì lúc này tốc độ quay sẽ giảm xuống, và tần số đầu ra thấp đi. Muốn điều chỉnh cho tần số không thay đổi thì máy phát phải tăng ga, có nghĩa là tăng lượng xăng (hoặc dầu) vào buông đốt để chúng có thể cấp thêm công suất truyền cho đầu phát điện.

Như vậy, thấy rằng việc quan trọng nhất là điều chỉnh thế nào cho máy phát có thể luôn phát ở tần số cố định khi mức công suất đầu ra thay đổi. Sự điều chỉnh này mới làm lên một thương hiệu máy phát đảm bảo hoặc là không đảm bảo cho các thết bị điện nhạy cảm. Còn việc điện áp thì sao? Chẳng nhẽ lại không có một sự điều chỉnh nào về nó? Trên thực tế thì các đầu phát điện lại được thiết kế để làm việc với một công suất nhất định phụ thuộc vào từng mã máy (model), các cách quấn dây của đầu phát đã đảm bảo cho việc quay ở một tốc độ nhất định sẽ cho phép cung cấp một điện áp cố định. Do vậy việc điều chỉnh tần số cũng là điều chỉnh điện áp.

Những máy phát điện được sản xuất ở quy mô tư nhân tại các địa phương ở Trung Quốc có thể không đảm bảo điều chỉnh tần số đầu ra một cách nhanh nhạy, linh hoạt như các máy phát điện của các hãng có tên tuổi như Elemax, Honda...

Đối với các máy phát bằng cách lai ghép một động cơ nổ diezen với một đầu phát thì cực kỳ nguy hiểm trong cách kiểm soát tần số làm việc. Tôi đã chứng kiến tận mắt một chiếc máy phát như vậy ở nhà một người bạn của mình: Khi quan sát kỹ, tôi không nhận thấy có bất kỳ một cơ chế tự động điều chỉnh lưu lượng nhiên liệu để điều chỉnh tốc độ quay của phần máy phát nào cả. Nếu như các loại thiết bị điện như: Máy tính, ti vi, đầu phát mp3/VCD/DVD hoặc các dàn âm thanh dân dụng sử dụng nguồn điện từ các loại máy phát kiểu này thì không nhanh chóng hư hỏng thiết bị cũng sẽ bị giảm tuổi thọ trầm trọng. Vậy bạn không nên sử dụng các máy phát này cho việc giải trí thông thường với các thiết bị điện tử nhạy cảm với điện, mà chỉ dùng cho các máy điều hoà, quạt, tủ lạnh khi cần thiết mà thôi. Tất nhiên, với quy mô sản xuất công nghiệp (như tôi gặp ở một số công trường) thì loại máy này lại tỏ ra hiệu quả với chi phí đầu tư thấp và có công suất phát cao.

Khi sử dụng

Cho dù thế nào thì việc tăng giảm tần số cũng sẽ diễn ra, nhưng chúng ở thời gian được khống chế là bao nhiêu hay thôi. Ta biết rằng tất cả các động cơ đều tăng và giảm công suất sau một khoảng thời gian nhất định - chứ không thể xảy ra tức thời, do đó bao giờ cũng có một thời điểm máy phát bị tăng và gảm đột ngột tần số ở thời điểm mà công suất tiêu thụ bị thay đổi.

Để tránh thời điểm này, bạn nên sử dụng các thiết bị một cách ổn định công suất tiêu thụ khi đang dùng máy phát điện. Nếu như bạn bật công tắc nguồn một chiếc ti vi 21in thông thường, bạn sẽ nhận thấy máy rồ lên một nhát chừng 1/2 giây (đối với máy phát của hãng Elemax) rồi bắt đầu ổn định. Đó là thời điểm quá độ trong nguồn điện của chiếc ti vi kia (về bản chất, chúng nạp điện vào tụ nguồn vốn có điện dung cao, và quá trình này cũng rất phức tạp, hy vọng tôi còn nhớ để có thể viết một bài về nó), và tiêu thụ đột ngột một lược công suất lớn và gây ra hiện tượng giao động về tần số. Tương tự với nó là máy tính, chúng cũng làm giao động lớn về tần số trong khoảng thời gian đầu tiên.

Sử dụng ổn định là như thế nào, chúng ta có thể đặt chung một chế độ sẵn sàng khởi động vào hệ thống điện khi máy phát bắt đầu khởi động xong quá trình và chuẩn bị đi vào hoạt động ổn định. Có nghĩa rằng nên cắm sẵn ti vi, máy tính vào nguồn, bật chúng công tắc hai thiết bị này, nhưng lại không bật để làm việc ngay. Sau khi nổ máy phát ở chế độ không tải thì mới bắt đầu đóng mạch cấp vào hệ thống lưới điện gia đình. Các thiết bị điện khác có công suất thấp (cứ mỗi thiết bị khoảng 100W) thì không ảnh hưởng nhiều về tần số khi chúng được bật hoặc tắt trong quá trình sử dụng.

Tôi khuyến cáo rằng bạn không nên sử dụng đồng thời ti vi, máy tính và một thết bị tiêu thụ công suất không ổn định như: tủ lạnh và máy giặt. Hai thết bị này làm việc theo chu kỳ: Tủ lạnh thì làm việc đến nhiệt độ tới hạn rồi ngắt, đến khi nhiệt thấp xuống quá, chúng lại bật động cơ nén gas, còn máy giặt thì hầu như thay đổi liên tục chiều quay nên có giao động lớn về công suất tiêu thụ.

(Các mục kế tiếp sẽ viết trong bài: Bảo quản, bảo dưỡng - Cách đấu mạch trong gia đình...)

Chú thích

1. Máy phát điện "nóng" vì lo bị cắt điện, Lao Động, 04/4/2008

Website của một số hãng sản xuất

Elemax (Nhật Bản). Nhãn hiệu này thông dụng ở Việt Nam, các máy này có thể sử dụng động cơ của hãng Honda.

Xem thêm:

Máy phát điện - mục từ trên Wikipedia tiếng Việt. Để giúp bạn hiểu thêm về các máy phát điện nói chung. Bài khá tốt nhưng chưa đầy đủ hoàn toàn.

Trương Mạnh An (27/5/2008)

23/5/08

Ổ đĩa SSD (Solid-State Drive)

Ổ SSD là tên gọi của một thiết bị mới được nhắc đến gần đây trong thế giới phần cứng máy tính nên có lẽ người dùng chưa hiểu rõ chúng là gì. Bài này xin giới thiệu các nét cơ bản trước khi cập nhật nó đầy đủ vào các thời gian sau đó.

SSD (Solid-State Drive) là một thiết bị lưu trữ dữ liệu tương tự như ổ cứng, nhưng chúng không có các cơ cấu cơ khí truyền động. SSD thường sử dụng các loại bộ nhớ SRAM hoặc DRAM để lưu trữ dữ liệu nhưng lại không bị mất dữ liệu khi ngừng cung cấp điện cho chúng làm việc (còn gọi là thiết bị nhớ kiểu: non-volatile), chúng thường sử dụng các loại chip nhớ NAND flash.

SSD sử dụng các thẻ CF
Một SSD sử dụng hai thẻ nhớ CF để lưu trữ dữ liệu. Ưu điểm của loại SSD kiểu này là chúng có thể thay đổi và nâng cấp dung lượng một cách rất thuận tiện

SO SÁNH VỚI HDD

Ưu điểm

  • Không có các thiết bị cơ khí nên giảm rủi ro hư hỏng khi làm việc.
  • Không ồn khi làm việc.
  • Tiêu tốn ít năng lượng.
  • Thông thường thì tốc độ đọc và ghi dữ liệu nhanh hơn so với ổ cứng tryền thống[1][10]. Một số loại ổ SSD trong tương lai có thể có tốc độ đến 1 GB/s[7].
  • Trọng lượng nhẹ hơn (Theo HP thì máy sử dụng ổ SSD có thể nhẹ hơn khoảng 25% so với sử dụng ổ cứng truyền thống)
  • Chịu đựng sốc tốt hơn hẳn so với ổ cứng truyền thống.

Nhược điểm

  • Giá thành sản xuất còn cao trong thời điểm hiện tại. Theo ước tính của hãng Toshiba thì với mỗi một GB dung lượng trên ổ SSD đắt gấp 2,9 đến 6,4 lần so với 1 GB ổ cứng thông thường có kích thước 1,8 và 2,5". HP thì cho rằng mỗi máy tính xách tay của hãng này đã phải tăng giá lên 1.000 USD so với khi sử dụng ổ cứng thông thường[1] (tuy nhiên sau này chắc chắn giá thành sẽ giảm khi chúng tiêu thụ được nhiều hơn).
  • Dung lượng hiện thời chưa theo kịp các ổ cứng truyền thống, tuy nhiên dung lượng của chúng có thể được cải thiện trong tương lai khi mà công nghệ phát triển hơn.
  • Có tuổi thọ làm việc hạn chế[10].

KÍCH THƯỚC

Kích thước của ổ SSD cũng tương thích với ổ cứng tiêu chuẩn về kích thước như: các loại ổ 1,8" cho điện thoại thông minh, PDA. Các loại ổ kích thước 2,5" cho máy tính xách tay và loại 3,5" cho máy tính để bàn. Trong thời điểm hiện tại thì do giá thành cao nên SSD thường được sử dụng đối với các máy tính xách tay và netbook nhiều hơn, do đó loại 2,5" xuất hiện nhiều hơn. Với loại kích thước lớn như ổ cứng cho máy để bàn thì còn hiếm gặp.

Một SSD của Toshiba mới ra đời (9/2008) có dung lượng 256 GB

Cũng theo như nguyên lý hoạt động của SSD thì hoàn toàn có thể xảy ra khả năng ổ này được tích hợp vào với bo mạch chủ cho một số máy tính yêu cầu kích thước nhỏ gọn, các máy tính công nghiệp và các máy tính chuyên dụng dành cho một số mục đích riêng nào đó. Lý do dẫn đến có khả năng này vì tuổi thọ của các loại chip nhớ tương đương với tuổi thọ tổng thể của bo mạch chủ. Đây không phải là nhận định của cá nhân tôi, mà Giám đốc tiếp thị bộ phận lưu trữ của Samsung Brian Beard cũng cho rằng như vậy[8].

Nếu bạn muốn lắp một ổ SSD 2,5" (kích thước thông thường nhất hiện nay đối với loại ổ này) vào vỏ máy tính thì phải gắn vào khay dành cho ổ mềm hoặc ổ ZIP trước đây. Đa số các loại vỏ máy tính đều có ít nhất 1 đến 2 vị trí cho lắp ráp các loại ổ 2,5".

DUNG LƯỢNG

Dung lượng hiện nay (2008) của SSD đang thông dụng từ 32 đến 128 GB, tuy nhiên trong tương lai chúng còn có dung lượng lớn hơn nữa bởi đến thời điểm đầu năm 2009 đã có một số laptop được trang bị ổ SSD dung lượng 1 TB[11].

Để tăng dung lượng và giảm giá thành của SSD thì Toshiba đã bắt đầu sản xuất theo công nghệ 43 nm vào tháng Ba năm 2008 và dự kiến chuyển sang sản xuất với công nghệ 30 nm vào cuối năm 2009. Cùng trong cố gắng đó thì hãng đã sản xuất 3bit-1 đơn vị nhớ và dần chuyển sang 4bit-1đơn vị nhớ.

Đến tháng 9 năm 2008 thì Toshiba đã công bố loại SSD có dung lượng tới 256 GB, điều này hứa hẹn rằng SSD sẽ ngày càng tăng dung lượng trong tương lai khi chúng trở lên thông dụng đối với các máy tính xách tay hoặc các thiết bị cần sử dụng thiết bị lưu trữ dữ liệu kiểu non-volatile khác[5].

GIAO TIẾP

Giao tiếp của các ổ SSD cũng giống như các loại ổ cứng thông thường, tức là chúng kết nối với bo mạch chủ với kiểu ATA hoặc SATA thông thường[2]. Tuy nhiên, không phải các ổ SSD đều sử dụng các loại giao tiếp như trên, trong tương lai chúng vẫn có thể thiết kế lại để phù hợp với tất cả các loại thiết bị di động, chúng có thể tương thích với có các giao tiếp khác, chẳng hạn như các máy tính được thiết kế cho các mục đích chuyên dụng hoặc một số loại máy tính công nghiệp (như vậy chúng không thể sửa chữa thay thế một cách dễ dàng, một mặt khác có thể người ta sẽ không gọi chúng là các ổ SSD ^^).

Một ví dụ về giao tiếp khác với các ổ đĩa thông thường là sự ghép nối dạng ổ nhớ SSD trên một bo mạch nhớ (cái này tôi chưa biết gọi tên chúng là gì cho phù hợp ^^, bạn xem hình minh hoạ phía dưới). Mới đây hãng OCZ đã gắn các modul nhớ lên một bo mạch PCI Express để tạo thành một dạng ổ SSD với dung lượng khoảng 256 GB. Thực tế thì đây có thể coi là một ổ lai bởi chúng kết hợp cả dạng bộ nhớ MLC và DDR2 trong cùng một bo mạch. Sự kết hợp này cho phép tốc độ đọc dữ liệu (tối đa) 600 MB/s, tốc dộ độ đọc trung bình 500 MB/s và tốc độ ghi là 400 MB/s[13][14].

ỨNG DỤNG

Do các kích thước nhỏ nên SSD được sử dụng trong các loại máy tính xách tay có kích thước nhỏ, mỏng. Một số loại thiết bị số cũng sử dụng loại thiết bị lưu trữ dữ liệu này thay cho các thẻ nhớ flash bởi chúng có dung lượng thường lớn hơn so với một thẻ nhớ flash đơn lẻ.

HP (Hewlett-Packard) có kế hoạch đưa ra ổ SSD bắt đầu từ tháng 10/2007 như là một tùy chọn trong tất cả các series MTXT chuyên nghiệp vì ổ SSD. Những sản phẩm đầu HP sử dụng ổ SSD 64GB là: HP Compaq 2710p, 2510p, 6910p, 8000 series và sẽ tiếp tục sử dụng các ổ SSD trong các sản phẩm phù hợp của mình.

Theo như dự đoán của hãng Toshiba thì vào năm 2011, có thể có đến 25% các máy tính xách tay sẽ sử dụng SSD thay cho ổ cứng truyền thống. Trong thời điểm hiện tại thì chiếc máy tính xách tay MacBook Air đang sử dụng một SSD có dung lượng 64 GB để đảm bảo cho kích thước của chiếc máy này được mỏng dẹt.

Không những chỉ là những chiếc ổ đĩa để chứa dữ liệu gắn trên các máy tính thông thường, hiện nay ổ SSD còn có xu thế được sử dụng như những ổ đĩa di động (điều mà trước đây thường thông dụng với USB flash hoặc ổ cứng kích thước 2,5")[6]. Với đặc điểm ít chịu tác động bởi sốc hoặc chấn động liên tục nên xu thế này dần sẽ được sử dụng thường xuyên trong tương lai - khi mà giá thành sản xuất giảm đi[8]. Đầu năm 2009, Intel đã giảm 1/3 giá bản cho các ổ SSD của mình sản xuất đã khiến cho người sử dụng dần có cơ hội sử dụng các loại ổ này hơn[9].

Và cuối cùng, tôi muốn giới thiệu một đoạn video trên YouTube về sự sử dụng 24 ổ SSD để thiết lập raid cho một hệ thống có tốc độ đọc và ghi rất ấn tượng: Nạp toàn bộ các ứng dụng của bộ Microsoft Office trong 0,5 giây, copy 700 MB DVD rip trong 0,8 giây...[12]

Ổ SSD đa năng có thể gắn trong các máy tính, thiết bị hoặc được sử dụng như một thiết bị lưu trữ gắn ngoài

CHÚ THÍCH

1^. HP có kế hoạch sử dụng ổ SSD trong các MTXT, Bạch Đình Vinh (theo IDG News Service) đăng trên PC World VN, 19/9/2007

2^. Transcend tung ra ổ cứng SSD 2,5 inch mới, đăng trên CMS.

3^. Toshiba prez: 25 percent of all laptops will have solid state drives by 2011, Dennis Sellers đăng trên MacsimumNews, 23/4/2008

4^. '1/4 of Notebook PCs to Have SSD in 3 Yrs,' Toshiba Semiconductor Says, Mami Akasaka đăng trên Tech-On!, 21/4/2008

5^. Toshiba công bố ổ cứng SSD dung lượng 256GB, Thanh Quang (Theo MyDrivers) đăng trên Thông tin Công nghệ, 27/9/2008.

6^. Ổ cứng SSD đa năng, Thanh Quang (Theo Sina) đăng trên Thông tin Công nghệ, 11/2008.

7^. Micron sẽ tung ra ổ SSD siêu nhanh, Bạch Đình Vinh (Theo Computerworld, 26/11/2008) đăng trên PC World VN, 12/2008.

8^. 5 năm tới ổ cứng sẽ như thế nào? Duy An (theo Computerworld) đăng trên ICT News, 02/2009

9^. Intel giảm 1/3 giá ổ SSD cho laptop, Văn Hân (theo PCMag), đăng trên VnMedia, 02/2009.

10^. Có nên mua ổ SSD, Văn Hân (theo PC World, LaptopMag, PCMAG) đăng trên VnMedia , 03/2009

11^. Laptop đầu tiên ổ cứng SSD 1TB, Duy An (theo Computerworld) trên ICT News, 03/2009

12^. Samsung 24 SSD Raid Viral Marketing trên gHack, 03/2009

13^. OCZ Z-Drive, trên gHack, 04/2009

14^. Ổ SSD RAID mới của OCZ hứa hẹn tốc độ cao, Bạch Đình Vinh theo PC World Mỹ đăng trên PC World Việt Nam, 4/2009

XEM THÊM

Solid-state drive, mục từ cùng tên tại Wikipedia tiếng Anh. Mục này không được coi là tham khảo, chú thích chính, bởi chúng được viết bởi các thành viên với các nguồn dẫn khác.

RAM máy tính, trên blog này, để có thể hiểu được một số công nghệ về bộ nhớ khác...

Trương Mạnh An (23/5/2008)

21/5/08

Phân tách dữ liệu của bạn khỏi Windows XP

Một ngày đẹp trời nào đó, bạn không thể khởi động được Windows XP nữa, nhưng lại không thể tự khắc phục cho nó hoạt động trở lại được, bạn đã nhờ một người có vẻ thành thạo đến sửa chữa giúp bạn, anh ta loay hoay một hồi, vã mồ hôi rồi bảo, cài lại. Vẫn không được, anh ta lẩm bẩm "cài mới". Thế rồi Windows cũng đã khởi động được lên, nhưng...các dữ liệu và thiết đặt cũ của bạn đã biến mất hết.

Cảnh tưởng tượng đó không là tưởng tượng, tôi đã gặp nhiều lần như vậy, nhưng kịch bản không hẳn như trên mà có thể là người sử dụng tự thực hiện, hoặc chính những quản trị mạng của cơ quan bạn lạnh lùng ghost lại bộ Windows của bạn để tiết kiệm thời gian của anh ta.

Lỗi là ở chỗ: Bạn đã không sao lưu lại dữ liệu, hoặc đơn giản hơn, bạn chứa dữ liệu trên phân vùng cài đặt hệ điều hành.

Thông thường thì Windows sẽ được cài đặt trên phân vùng đầu tiên của ổ đĩa (được gán ký hiệu là C) nếu như không có những thay đổi so với mặc định hoặc không cài đặt song song vài hệ điều hành. Tất cả các dữ liệu làm việc của bạn cũng mặc định được đặt tại phân vùng C này nếu như bạn không có sự thay đổi so với mặc định.

Nếu như máy tính của bạn có từ hai phân vùng trở lên (tôi nói điều này vì nhiều máy tính nguyên chiếc chỉ có duy nhất một phân vùng) tôi khuyên bạn điều này: Hãy chuyển toàn bộ dữ liệu, thiết đặt của bạn sang phân vùng còn lại của ổ cứng.

Nói như thế thì đơn giản, có thể ai cũng hiểu, cần gì viết dài dòng thế này. Nhưng thực tế là bạn có thể chuyển dữ liệu sang phân vùng còn lại, hoặc sao lưu hàng ngày bằng các thiết bị nhớ USB flash. Đúng vậy. Nhưng những gì tôi viết ở đây thì lại có những sự chuyển nhiều dữ liệu, thiết đặt mặc định của hệ điều hành hơn là những dữ liệu thường thấy của bạn. Những hành động chuyển đổi vị trí lưu trữ dưới đây tuy rất dễ thực hiện, ai cũng có thể làm được qua một vài hướng dẫn hoặc hình ảnh minh hoạ, nhưng tôi muốn định hướng việc chuyển đó mới là cốt lõi của bài này.

Chuyển thư mục My Documents

Mặc định thì tất cả các phần mềm được tích hợp sẵn trên Windows, các phần mềm của hãng thứ ba thường lưu trữ thành quả làm việc của bạn ở My Documents, như vậy thì đây là một thư mục khá quan trọng đối với dữ liệu thành quả làm việc của bạn.

Ở Windows 9X, thư mục My Documents nằm ở ngay thư mục gốc, có nghĩa là chúng có đường dẫn thường là C:\My Documents\ tuy nhiên, ở họ Windows NT thì thư mục này lại nằm ẩn tít sau một loạt thư mục khác. Ví dụ:C:\Documents and Settings\Tên người dùng\ (Trong đó tên người dùng là tên đăng nhập của bạn vào Windows).

Cho dù mỗi lần bạn ghi lại thành quả của mình dưới một thư mục khác hoặc một phân vùng khác, thì có nhiều khi bạn vẫn quên, kết quả lại được đặt trên phân vùng C, như vậy thì nếu xảy ra sự cố với Windows như trên, bạn sẽ mất hết dữ liệu.

Vậy là việc chuyển hẳn thư mục này sang một phân vùng khác là tốt hơn cả. Nếu chẳng may phải cài đặt lại hệ điều hành, bạn vẫn có thể thực hiện thiết lập lại cho thư mục My Documents tới đường dẫn mới, và tất cả dữ liệu vẫn còn nguyên cho dù bạn thay đổi tên người đăng nhập vào hệ điều hành.

TweakUI

Làm cách này đơn giản đến không ngờ: Bạn chuột phải vào thư mục My Documents trên Desktop, chọn Properties, bấm vào nút "Move.." để chuyển đổi thư mục này đến một phân vùng khác với phân vùng cài đặt hệ điều hành. Thư mục mới bạn đặt tên thế nào cũng được, chỉ cần bạn dễ nhớ đến nó để có thể lần cài đặt lại hệ điều hành kế tiếp có thể chỉ đến địa chỉ đó để thiết lập lại.

Sau khi thực hiện điều này thì tất cả các dữ liệu đang có ở My Documents sẽ được chuyển sang một thư mục mới tuy nhiên tên hiển thị trên Desktop của bạn vẫn như cũ, như chưa từng có gì xảy ra.

Chuyển Favorites

Nếu bạn quen dùng trình duyệt được cài đặt sẵn vào Windows XP là Internet Explorer thì bạn sẽ nhận thấy Favorites rất quan trọng. Nó là nơi lưu trữ các đường dẫn tới các website mà bạn quen dùng để bạn có thể chỉ cần vài thao tác chuột là có thể duyệt trang web đó. Nếu bạn không biết điều này? Tôi không ngạc nhiên, bởi vì tôi gặp nhiều người như vậy, họ ghi địa chỉ trên một cuốn sổ để rồi mỗi lần truy cập lại gõ đi gõ lại vào trình duyệt. Không có gì đáng trách, bởi họ chưa biết tận dụng nó mà thôi, mới đầu tiên tôi cũng như vậy mất vài tháng trời liền.

Số lượng tập hợp các địa chỉ trong Favorites lớn có thể là thành quả suốt một thời gian của bạn, nếu nó bị mất, sẽ rất phiền toái. Để lưu lại, bạn có thể thực hiện theo hai cách sau:

Copy chúng lại

Copy thì rất dễ, bạn chỉ cần mở một cửa sổ Explorer bất kỳ, ở mỗi chúng cũng đều có một mục Favorites phía trên (như một sự liên thông với Internet Explorer hoặc một trình duyệt mặc định khác mà bạn quen dùng). Rồi rê chuột xuống một thư mục bất kỳ, chuột phải, chọn open. Sau đó lên một cấp độ thư mục, bạn sẽ thấy thư mục Favorites hiện giờ đang nằm ở đâu. Copy toàn bộ chúng lại để dán (paste) vào một thư mục mà bạn muốn sao lưu.

Sau này, nếu có hỏng Windows, bạn chỉ cần copy ở chỗ sao lưu, và dán đè vào thư mục trên là được.

Dùng TweakUI để di chuyển các thư mục mặc định

Cách trên đơn giản, dễ làm nhưng lại chỉ lưu được những nội dung tại thời điểm bạn sao lưu, còn sau quá trình sao lưu đó bạn lại thêm nhiều địa chỉ mới, và như vậy thì có thể những địa chỉ mới bị mất đi nếu như bạn chưa kịp tiếp tục sao lưu.

Để thực hiện việc chuyển đổi vị trí chứa thư mục này (giống như làm với My Documents đã nói ở trên, tức là chuyển vị trí chứa), bạn có thể dùng phần mềm TweakUI để thực hiện (nơi chứa liên kết tải xem ở phần dưới cùng của bài).

Chạy TweakUI, vào phần My Computer, tiếp đến Special Folders, ở đây bạn thấy có thể thay đổi rất nhiều thư mục mặc định của Windows sang các phân vùng khác ở thư mục khác. Ở đây tôi đang nói về Favorites, bạn chọn ở hộp lựa chọn thả xuống đúng mục Favorites, rồi bấm vào nút Change Location ở bên phải sau đó chỉ việc chỉ đến thư mục mới mà bạn lựa chọn ở phân vùng khác.

Quên chưa nói với bạn rằng, hành động này lại khác so với việc chuyển đường dẫn như đã làm đối với My Documents ở trên, bởi vì nó không tự động sao chép toàn bộ nội dung thư mục Favorites sang vị trí mới, mà chỉ là thiết lập lại địa chỉ trong Registry sang một chỗ mới mà thôi. Vậy có nghĩa rằng trước khi làm điều này bạn cần thực hiện phần trên "Copy chúng lại" và dán các nội dung đang tồn tại vào thư mục mà bạn lựa chọn. Chỉ khi nào bạn mới dùng Favorites thì nó chưa có nhiều nội dung mà thôi.

Nếu như Windows bị hỏng, chỉ cần cài đặt TweakUI và thực hiện như trên, có nghĩa là làm lại mà không có sự copy thư mục Favorites - chỉ việc chỉ đến địa chỉ đã chứa thư mục Favorites là bạn lại có thể tiếp tục sử dụng chúng mà không cần phải nhập vào từng địa chỉ từ đầu.

Lưu các thiết lập của phần mềm Microsoft Office

Đây chỉ là lưu thôi nhé, chắc là rồi thì cũng có cách chuyển, nhưng mà tôi chưa tìm ra (nếu bạn tìm ra, bạn hãy chia sẻ với tôi nhé, hãy viết vào phần bình luận dưới bài này). Lưu thì cũng chỉ là lưu tại các thời điểm nhất định mà thôi.

Tại sao lại phải lưu, thường thì những thiết đặt của bạn như: khổ giấy in (rất cần thiết đặt lại là A4 bởi chúng mặc định là letter, mà các máy in và thói quen ở Việt Nam lại sử dụng giấy A4 là chính, nhiều người quên điều này khiến cho họ soạn thảo văn bản một kiểu, nhưng in ra lại một khác mà không hiểu vì sao - chỉ vì chúng cố muốn vừa vặn khổ giấy thiết đặt), các chế độ gõ tắt (nhiều người xây dựng một hệ thông các từ viết tắt trong AutoCorrect, nhưng cài lại Windows thì lại mất sạch), và các thiết đặt khác mang tính cá nhân.

Ở Office 2003, bạn vào Start/Program Files/Microsoft Office Tools/Microsoft Office 2003 Save My Settings Wizard (hình minh hoạ) để mở phần "Save My Settings Wizard" ở đây bạn thực hiện theo trình thuật sĩ để tiến hành. Bấm Next, có hai lựa chọn: "Save the settings from this machine""Restore previously saved settings to this machine", bạn chọn "Save..." để lưu lại thiết đặt, còn phần Restore dành cho việc khôi phục lại. Sau phần này bạn bấm Next.

Phần "File save settings to" để bạn lựa chọn khu vực lưu lại dữ liệu thiết đặt của Office. Bạn có thể đặt ở bất kỳ nơi nào trên ổ cứng máy tính, và có thể thay đổi lại tên tập tin sao lưu (ví dụ bạn có thể đặt thêm các tham số về ngày tháng sao lưu chẳng hạn) nhưng cũng như ý định ban đầu là không đặt lại ở phân vùng cài đặt hệ điều hành Windows XP.

Sau khi bấm Finish, bạn chờ thuật sĩ này lưu lại các thiết đặt, vậy là hoàn tất. Lưu ý rằng sự sao lưu này bạn nên thực hiện vài tuần một lần để có thể cập nhật dữ liệu sao lưu mới được thiết đặt theo thời gian.

Chuyển rồi, sau đó thì sao?

Sau khi bạn đã thực hiện tất cả các bước trên, có nghĩa là bạn có thể yên tâm với việc sử dụng máy tính. Nhưng nếu máy tính bị sự cố, không khởi động được Windows XP mà bạn lại muốn làm việc ngay, không phải chờ đợi, cài đặt gì mất thời gian?

Tôi thì thường dùng phần mềm Ghost để tạo một bản sao lưu lại hệ điều hành của mình. Chẳng may nếu sự cố gì đó thì chỉ việc phục hồi (restore) ảnh ghost trở lại phân vùng chính đã cài đặt hệ điều hành. Lúc đó thời điểm của việc cài đặt hoàn toàn như quay trở lại, nhưng dữ liệu của mình thì lại hoàn toàn như vừa mới làm việc trong lần cuối cùng trước khi bị hỏng hệ điều hành. Cách này ưu thế hơn hẳn các phần mềm sao lưu dữ liệu hoặc chính tính năng System Restore vốn được tích hợp sẵn vào Windows từ khi có Windows Me. Phần mềm của hãng thứ ba để thay thế ư ? Theo ý nghĩ chủ quan của tôi thì vẫn chưa tối ưu được như cách này bởi vì chúng chỉ tạo tại một điểm, và nếu chúng có giám sát theo thời gian thực để sao lưu thì vẫn sẽ có nhược điểm: Làm chậm hệ thống, hoặc là sự restore tại thời điểm ngay khi trước đó, vẫn có thể bị lây nhiễm virus.

Nói thêm về phần mềm Ghost:

Phần mềm này của hãng Symantec, Đây là một phần mềm không thể thiếu cho người thành thạo với các hệ điều hành của Microsoft. Nó thông dụng đến nỗi "ghost" có thể đã được nhiều người dùng như một động từ (tương tự từ "google" vậy - đã trở thành một từ chỉ sự tìm kiếm bởi sự thành công của hãng này). Nếu bạn chưa biết về ghost, bạn có thể tìm hiểu về nó thông qua google (áp dụng luôn, có nghĩa là tìm kiếm thông qua máy tìm kiếm-cho dù là của hãng Google hay khoong^^), bởi vì nó đã quá nhiều trên Internet, tôi mà viết lại thì thật là buồn cười. Chỉ có điều rằng, tôi viết cái gì cũng nhìn nhận trên quan điểm một người chưa hiểu biết gì về điều định viết, nên có thể nó phù hợp với bạn hơn.

Còn với Linux thì sao? Tôi chưa hiểu lắm và cũng chưa thử ghost với hệ điều hành này, nhưng tôi nghĩ là nó không thực hiện ghost các phân vùng và swap của hệ điều hành này, phán đoán thế thôi.

Nếu bạn muốn đọc thêm về phần mềm Ghost cũng như các phương thức thực hiện đối với nó, tôi có riêng một bài nói về điều đó. Mời bạn xem tại đây.

Tạo ảnh ghost lúc nào mới là quan trọng, tôi thì thường làm thế này: Ngay sau khi cài đặt hệ điều hành, vào được Internet là tôi ghost luôn một lần. Hình ảnh đầu tiên này được lưu trữ cẩn thận trên đĩa DVD (phải đĩa DVD mới đủ chứa đấy nhé). Tất cả các thay đổi sau này đều phụ thuộc vào nó mà.

Tạo ảnh ghost lần thứ hai sau khi bạn cài đặt hoàn toàn các phần mềm cơ bản mà bạn thường xuyên sử dụng để có thể giúp bạn làm việc được một cách bình thường cho công việc của bạn. Không nên cài đặt các phần mềm "râu ria, lặt vặt" không cần thiết khác trong giai đoạn này bởi vì chúng thì cài đặt sau, ví dụ như các phần mềm IM, trình duyệt, phần mềm nghe nhạc...Những phần mềm nhỏ này không ngại vấn đề dung lượng tập tin ghost, mà là chúng rất dễ trở thành lỗi thời ở thời điểm khôi phục (restore) lại hệ thống.

Hạn chế của phương pháp

Điểm hạn chế nhất của phương pháp này là nó không chống lại được sự mất dữ liệu nếu bạn bị hư hỏng toàn bộ ổ cứng - có nghĩa là sự hư hỏng vật lý hay một cách nào khác đó khiến cho tất cả dữ liệu của bạn biến mất bởi các lý do chủ quan cũng như khách quan trong quá trình sử dụng. Để khắc phục hạn chế này thì bạn nên sao lưu toàn bộ dữ liệu quan trọng của bạn mà đã chứa ở thư mục trên phân vùng còn lại được nói ở trên.

Để sao lưu, cũng lại có một phần mềm tự động sao lưu hàng ngày cho bạn (đỡ phải nhớ đến nó) vào USB hay qua mạng nội bộ. Hy vọng bài sau tôi sẽ giới thiệu về phần mềm Second Copy để làm điều này một cách thuận tiện và chuyên nghiệp nhất - trong lúc chờ đợi (nếu quả thực bạn muốn vậy), xin hãy tìm kiếm phần mềm này trước và thử sử dụng nó. Lưu ý rằng phần mềm Second Copy không miễn phí.

Nguồn lấy phần mềm TweakUI: Bạn xem bài: Chống virus lây lan qua USB flash với TweakUI trên blog này sẽ có nguồn lấy phần mềm TweakUI. Tại sao lại phải như thế mà không đưa luôn liên kết ở đây. Tôi đã giới thiệu cách cài và thực thi phần mềm ở bài đó, mặt khác bạn xem liên kết một cách chính xác ở website của Microsoft để bạn tin tưởng hơn.

Xem thêm

Quy hoạch bộ nhớ trong Windows, trên blog này, để biết cách phân biệt các phân vùng (partition) mà không nhầm lẫn gọi là "ổ C, ổ D..."

_____

Trương Mạnh An (21/5/2008)

19/5/08

Chống virus lây lan qua USB flash

Vấn nạn hiện nay có lẽ là virus lây lan qua các thiết bị nhớ USB flash (tên đúng của các loại "ổ USB" mà người dùng quen gọi; USB là một cổng giao tiếp, không nên gọi tắt nó là các loại thiết bị nhớ gắn qua cổng giao tiếp này). Có nhiều nơi đưa ra cách phòng chống virus lây lan qua nó. Tôi thấy một số cách đòi hỏi người sử dụng phải thành thạo Registry, hoặc ít nhất là cũng phải biết cách vào đó để thay đổi các khoá của chúng. Thật phiền toái cho người không thành thạo.

Tôi có cách sau sử dụng phần mềm TweakUI rất hiệu quả để loại bỏ tính năng autoplay của hệ điều hành và ngăn chặn sự lây lan virus qua các ổ USB flash như cách sau.

Thực trạng lây nhiễm virus thông qua USB flash

Khác với những người sử dụng Internet trên thế giới bị lây nhiễm virus thông qua truy cập website, tải tập tin...thì có vẻ như giới học sinh, sinh viên và những người làm văn phòng ở Việt Nam lại bị quốc nạn virus lây nhiễm qua USB flash. Tôi gặp đến 95% những người sử dụng thiết bị nhớ này hoặc ngay trong các thẻ nhớ của điện thoại di động, máy ảnh số hoặc các loại thiết bị giải trí di động số như máy nghe nhạc MP3, xem hình MP4 đều đã từng bị nhiễm virus, có điều là đã được diệt hay chưa được diệt mà thôi.

Tại sao virus kiểu này lại không tha cả những loại thẻ nhớ? Bởi vì chúng không cần biết rằng thiết bị lưu trữ dữ liệu dưới hình thức nào, chỉ cần chúng được cắm vào máy tính - qua bất kỳ hình thức nào để tạo ra một ký tự phân vùng (C, D, E, F...đến Z không chừng) thì đều bị lây nhiễm hết.

Đến đây tôi mở ngoặc một chút thế này: Có người sử băn khoăn rằng liệu các virus đó lây nhiễm vào máy nghe nhạc MP3/MP4, máy ảnh...thì có làm hại đến các thiết bị đó hay không, hay làm nó chậm đi hay không? chụp sai, nghe sai hay không? Câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn đối với một số người hiểu biết, nhưng tôi thì muốn nói với người chưa biết thế này: Dù có bị lây nhiễm vào các thiết bị trên, loại virus này không phát tác được vì các hệ điều hành nhúng ở máy ảnh, máy nghe nhạc đó không phải là môi trường cho chúng phát tác. Điều hại chút xíu là nó chiếm mất một chút dung lượng thẻ nhớ, điều nguy hại lớn hơn là chúng bị lợi dụng bởi sự hiểu nhầm rằng các loại thiết bị này không bị nhiễm và phát tác virus, nên cắm vào một máy tính khác để sao chép nhạc, hoặc đơn giản là muốn chia sẻ những hình ảnh nóng hổi mới sưu tầm, thì kết quả là virus đang chứa sẵn lại có thêm một mảnh đất sống mới trên một máy tính mới.

Thế tôi mới gọi là quốc nạn, thói quen tốt là chúng ta đã sở hữu những thiết bị nhớ di động tiện lợi thay thế cho chiếc đĩa mềm quá nhiều nhược điểm, thói quen tốt là có những sự chia sẻ với nhau trong công việc, nhưng nó lại làm cho virus phát tán nhanh kỷ lục trong phạm vi toàn quốc (VN). Ai chặn được quốc nạn này, tôi phong anh hùng - còn nhiều người dùng đã phong anh hùng cho một phần mềm diệt virus gọn nhẹ đã thực hiện được việc diệt virus này.

Cơ chế lây nhiễm

Hành động lây lan virus qua USB flash thường là: Ngay khi cắm thiết bị nhớ USB flash vào máy thì máy tính đã bị lây nhiễm nếu không có một phần mềm diệt virus nào được cài đặt trên nó. Mà nếu có, nó vẫn có thể bỏ qua các phần mềm này nếu gặp một loại virus mới hơn khả năng nhận biết của phần mềm.

Vậy nhờ đâu nó lại phát tác được? Có lẽ nó quá thông minh để chưa kịp làm gì thì đã tự lây nhiễm chăng? Không. Nó phải nhờ tính năng tự động chạy các ổ đĩa của Windows để phát tác.

Virus sẽ tạo ra một tập tin autorun có phần mở rộng là inf . Tập tin này sẽ được Windows đọc nó để thực hiện những gì trên đó, có thể đơn giản chỉ là hiển thị biểu tượng (icon) cho đĩa CD/DVD đó, nhưng có thể là chỉ dẫn để chạy một tập tin thực thi nào đó.

Dùng TweakUI để diệt virus lây lan qua USB flash bằng tay. Ảnh: Minh Linh, phát hành tự do
Bỏ chọn ở các ô trên

Ta biết rằng tính năng tự động chạy (autorun) rất hữu ích cho các CD-ROM cài đặt các phần mềm nào đó. Nó giúp cho người sử dụng không cần hiểu biết gì nhiều cũng có thể dễ dàng cài đặt các gói phần mềm được phân phối. Không những thế, nó còn có thể giúp cho các phần mềm tự chơi nhạc, tự bật video nếu các đĩa CD-ROM (hoặc đĩa DVD) được đưa vào khay của ổ đĩa. Một cách lười biếng thì người sử dụng chỉ việc thưởng thức các ca khúc hoặc xem video mà không cần nhiều thao tác gì cả. Thế nhưng, chính sự tiện lợi này lại gây ra phiền toái trong thời kỳ virus phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Tập tin thực thi này có thể chính là các phần mềm được đặt sẵn trên đĩa CD/DVD hoặc USB flash đó. Trước đây tôi đã rất ngạc nhiên khi rõ ràng rằng mình cài đặt phần mềm nghe nhạc Winamp mới nhất, nhưng khi cho một đĩa vào thì thấy nó khởi động một trình Winamp cũ hơn, với giao diện (skin) loè loẹt hơn, sau tôi mới hiểu rằng đó chính là tính năng autorun, và hệ điều hành đã khởi động phần mềm nghe nhạc Winamp đã được chứa trên chính đĩa CD kia chứ không chạy phần mềm nghe nhạc của tôi cài trên ổ cứng.

Virus lợi dụng điều này, thay vì một phần mềm nào đó thì tập tin autorun đã mồi hệ điều hành thực thi tập tin virus hoặc là một tập tin nhìn có vẻ hiền lành, vô hại nhưng đội lốt nó là virus. Thế là hệ thống bị nhiễm virus bởi chế độ mặc định của hệ điều hành, nhưng tất nhiên Microsoft là hãng bị lợi dụng, tính năng này không có lỗi.

Khi Windows của bạn bị lây nhiễm, virus được nạp vào bộ nhớ chính mỗi khi khởi động, và nó nhân bản luôn nó và các tập tin autorun.inf vào các phân vùng trên ổ đĩa cứng. Không những thế, bất kỳ một loại thiết bị lưu trữ dữ liệu nào được gắn vào đều bị chúng ghi thêm tập tin autorun trên ổ đĩa đó - trong đó có các thiết bị nhớ USB flash của bạn - đó là điều gây ra quốc nạn trong thế giới máy tính của chúng ta.

Sử dụng TweakUI để ngăn chặn sự lây lan tự động

Để chống lại sự lây nhiễm virus, cần phải vô hiệu hoá tính năng autorun của hệ điều hành. Có nghĩa là phải làm cho nó không bị lây nhiễm vào hệ điều hành ngay khi bạn gắn thêm thiết bị nhớ USB flash vào máy tính. Một cách dễ hiểu rằng USB chứa virus thì nó chỉ phát tác khi mà phải thực thi nó. Người ta đã nói rằng virus thông minh đến nỗi không làm gì mà cứ cắm USB flash vào là bị lây nhiễm ngay - chính là chức năng autorun này.

Có các cách loại bỏ tính năng autorun khác nhau, nhưng chúng đòi hỏi thao tác khá phức tạp khiến cho người sử dụng bối rối. Nếu như có có phần mềm nào đó để thực hiện những điều này qua một vài cái click chuột thì đơn giản hơn là phải lọ mọ học cách chế ngự các khoá registry phức tạp, có thể gây lên các lỗi với hệ điều hành với chỉ một vài sai sót nhỏ.

TweakUI là một phần mềm đã được sử dụng từ rất lâu trước đây cho các hệ điều hành Windows của Microsoft (phiên bản cũ hơn bản tôi giới thiệu dưới đây là 1.33, còn bản này là 2.10 và đòi hỏi chạy trên Windows XP-SP1 trở lên, Vista thì chưa rõ có dùng được không). Tôi cũng không rõ rằng phần mềm này có phải do chính hãng Microsoft viết ra hay không bởi nó không có một dòng thông tin nào cả, nhưng nó đã được cung cấp trên website của hãng này.

Cách sử dụng phần mềm TweakUI để loại bỏ tính năng autorun của Windows như sau:

  1. Bạn tải về phần mềm TweakUI ở trang download của hãng Microsoft, rồi cài đặt chúng.
  2. Sau khi cài đặt thì thực thi TweakUI (nó mặc định đặt tại: Start>Programs>Powertoys for Windows XP>TweakUI)
  3. Thực thi TweakUI, chọn đến mục như hình bên (tức là phải chọn đến mục mẹ là My Computer rồi đến AutoPlay, rồi mới đến mục đó. Nếu hình khó nhìn, bạn tải hình này để phóng to lên, tôi phải để như vậy bởi không muốn làm cho chúng chiếm đứt bài viết trên các máy tính có độ phân giải bề ngang quá thấp)
  4. Thấy rằng cả hai ô được mặc định đánh dấu chọn, bạn bỏ chọn hai ô này (click một lần vào ô cho biểu tượng hình chữ V mất đi). Điều này có nghĩa rằng bạn không cho phép Windows có thể tự động chạy các đĩa CD/DVD và đối với các loại ổ đĩa USB flash, ổ đĩa tháo lắp để có thể bị lợi dụng lây nhiễm virus.
  5. Tìm đến mục gần đó: Drive (cũng trong mục lớn AutoPlay) bỏ chọn toàn bộ các ổ đĩa được liệt kê trong đó: Từ A đến Z - kể cả nó có dấu hỏi chấm đo đỏ. (Tại sao vậy? Bởi vì nó làm cho các ổ đĩa được gán các ký tự trên cũng không tự động chạy tập tin autorun được. Những dấu hỏi quanh hình tròn màu đỏ có ý nghĩa rằng các ký tự ổ đĩa đó chưa được gán cho các phân vùng và các ổ đĩa nào. Nếu như gắn thêm một ổ cứng, ổ đĩa lắp ngoài, thiết bị lưu trữ dữ liệu USB flash thì chúng được lần lượt gán tên theo các ký tự hiện nay chưa được gán. Việc bỏ kiểm chọn này không cho phép hệ điều hành có thể kích hoạt chế độ tự động chạy ở các ổ phân vùng, ổ đĩa hiện tại và các phân vùng, ổ đĩa được tiếp tục xuất hiện về sau này. Một cách chắc chắn thì bạn nên bỏ kiểm chọn đến ký tự Z, nhưng nếu đã đến M, L rồi mà thấy chán thì cũng dừng lại được rồi.)
  6. Sau khi thiết đặt xong, bạn phải bấm nút OK hoặc Apply (Apply cho mỗi lần thiết lập tại một trang trong phần mềm trên chắc ăn nhất) rồi khởi động lại máy tính.

Diệt virus USB bằng tay không?

Diệt virus bằng tay không là cách nói đến việc vô hiệu hoá virus mà không phải sử dụng bất kỳ công cụ nào của hãng thứ ba. Nếu như người sử dụng luôn cảnh giác trước Internet hoặc với người sử dụng thành thạo thì việc ngăn ngừa virus vào hệ thống mà không sử dụng phần mềm diệt virus là chuyện bình thường. Nhiều người dùng Linux có thể chẳng biết đến phần mềm diệt virus là gì - nhưng hãy coi chừng.

Nào, bạn tìm tập tin autorun.inf có trên các USB flash để xem nội dung của nó (bằng notepad) thì bạn có thể thấy rằng chúng chứa các đường dẫn đến các tập tin được lây nhiễm virus trên chính USB flash đó. Bạn có ngại ngần gì khi mở xem tập tin autorun.inf hay không, đừng ngại ngần gì cả, hãy mở ra để xem bởi chúng thì không thể chứa virus vì chứa các text thông thường, và kể cả chúng có chứa các đoạn mã độc thì cũng không thực hiện được bởi môi trường thực thi tập tin này là notepad có sẵn trên Windows, do đó bạn đừng ngại về điều này khi mở ra xem chúng.

Mở một tập tin autorun.inf, bạn sẽ thấy dạng như sau (phần màu đỏ):

[autorun]
OPEN=setup.exe

...với các nội dung linh tinh khác nữa mà tôi không nhớ (nhưng thật tiếc rằng tôi không tìm thấy một tập tin như vậy trong máy tính của mình để lấy ra làm minh hoạ cho trực quan hơn, tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng tìm kiếm chúng trong vài ngày tới ở cơ quan tôi), chủ yếu những nội dung linh tinh này làm rối mắt bạn, nhằm tránh bạn cũng có thể thực hiện những điều tương tự như đang định làm ở đây.

Ở đây, bạn nhìn thấy dòng OPEN=setup.exe, tức là hệ điều hành sẽ thực thi tập tin setup.exe để chuẩn bị cho quá trình cài đặt phần mềm (một giao diện cài đặt mở ra như bạn thường thấy, và một mẹo nhỏ là nếu bạn đưa một đĩa CD/DVD chứa phần mềm vào mà nó tự mở ra như vậy thì có nghĩa cách vô hiệu hoá tính năng autorun như trên đã không thành công, hoặc là thành công rồi nhưng virus hoặc một phần mềm khác lại làm nó trở thành mặc định như ban đầu của Windows). Trong trường hợp cụ thể thì không phải là tập tin setup.exe nữa, mà là các tập tin cụ thể, chẳng hạn explorer.exe (giống của Windows cho tin tưởng) hoặc giả định là fun.exe...bất cứ cái gì chúng thích và không phải tập tin nằm ngay ở sau dấu bằng (=), mà ở các đường dẫn khác khôn khéo hơn.

Ở các tập tin autorun.inf mồi cho virus, đường dẫn đến tập tin chứa virus sẽ phức tạp hơn, có thể chúng nằm trong thư mục của thùng rác (Recycle bin, mỗi phân vùng có một thư mục như vậy, vì cơ chế làm việc của nó là tại từng phân vùng, đôi khi người ta lại cứ nghĩ là nó nằm ở màn hình desktop), bởi vì chúng lợi dụng một số phần mềm diệt virus đã bỏ qua các thư mục thùng rác mà không kiểm tra các tập tin chứa trong đó (thường các phần mềm có engine cũ thì không quét thùng rác, còn những phần mềm mới thì chúng lại đã quan tâm đến mọi thứ rác rưởi và kiểm tra chúng - ở đâu đó tôi đã nói rằng cố gắng sử dụng các phiên bản phần mềm diệt virus mới nhất một phần là thế)

Nếu như bạn có thể nhìn thấy chúng thì cũng có thể tiêu diệt được chúng - nhưng chỉ có điều rằng hãy cẩn thận, đừng bấm nhầm để thực thi chúng là được. Có cần nhắc lại với bạn cách xoá tập tin được cho là virus này không nhỉ? chỉ cần bạn chú ý đừng kích hoạt nó bằng cách click đúp (theo thiết đặt thông thường) là được. Tuy nhiên, có thể bạn đã không thể xoá được tập tin này, điều đó có hai nguyên nhân sau:

  1. Phần mềm diệt virus được cài trên máy bạn cố gắng cách ly tập tin nhiễm virus này ra khỏi sự tác động của người sử dụng. Trong trường hợp này nếu bạn có xoá được thì hệ điều hành sẽ thông báo lỗi rằng tập tin không tồn tại. Thường thì các phần mềm của hãng Symantec sẽ ngăn chặn ngay, bạn sẽ thấy tập tin đó bị biến mất ngay khi bạn vừa nhìn thấy một lát.
  2. Virus đã được kích hoạt, do một thao tác nào đó bị sai ở phía bên trên (bạn đã kích hoạt nó hoạt động) hoặc là chức năng autoplay của Windows đã làm việc rồi.

Có cần thết thực hiện những điều trên (diệt virus bằng tay - hoặc là kiểm tra virus xem chúng có hay không khi mà bạn đã có một phần mềm diệt virus để bảo vệ máy tính rồi? Thực tế là vẫn cần, bởi vì phần mềm diệt virus không phải lúc nào cũng nhận biết được các loại virus mới.

Tàn dư virus để lại

Còn có chuyện gì xảy ra nếu bạn không thể nào mở được phân vùng C, D, E...? hoặc ổ USB flash bằng cách click đúp vào nó. Nó thường thông báo rằng không tìm thấy một tập tin thực thi nào đó để có thể mở các phân vùng này.

Nếu như vậy thì có lẽ bạn đã từng bị nhiễm virus (đã diệt hoặc không diệt được). Khi thực hiện điều này có thể nó đã tạo ra một tập tin là autorun.inf ở trên các phân vùng này. Tập tin này sẽ định hướng cho việc tự động chạy một tập tin có khả năng thực thi được (thường đuôi mở rộng của chúng là EXE) để có thể lây nhiễm mã độc vào bộ nhớ và tiếp tục lây nhiễm tới bất kỳ ổ đĩa, phân vùng nào có thể hiện hữu ở hiện tại hoặc sẽ được gắn vào.

Để loại bỏ phiền toái này, bạn tìm các tập tin có tên autorun.inf trên các phân vùng, các ổ USB để xoá đi, rồi khởi động lại máy, lần sau bạn có thể kích đúp vào các ký tự của phân vùng ổ đĩa mà không gặp một thông báo không thấy tập tin liên quan nào đó. Tuy nhiên, tập tin này thường được đặt thuộc tính "Hệ thống" và thuộc tính "Ẩn". Để bắt nó hiện ra, bạn làm cách sau:

Mở Explorer, chọn vào Tools>>Folder Options>>View>>Chọn sang mục "Show hidden files and folders", ở mục dưới nó một chút, bỏ chọn ở "Hide protected operating system files".

Hai hành động này sẽ hiện hết tất cả các tập tin có thuộc tính ẩn và hệ thống. Từ đây bạn sẽ thấy các file hiện ra la liệt. Đừng xoá gì ngoài các tập tin mang tên autorun.inf. Thực ra thì tôi chẳng bao giờ phải làm loằng ngoằng như vậy, bởi tôi dùng phần mềm Total Commander (giống NC, nhưng nó chạy trên nền 32bit) để quản lý tập tin và thư mục (rất tiện lợi), nhưng không dám giới thiệu cách làm, vì thực tình không biết cách chỉ cho bạn ở chỗ nào an toàn mà tải phần mềm Total Commander này về.

Hãy nhớ rằng cho dù tập tin autorun.inf là vô tội, nó không phải virus (nhiều bạn đã cho rằng autorun.inf là virus). Do đó tập tin vẫn tồn tại khi mà USB đó hoàn toàn trong sạch (có lẽ là một phần mềm nào đó đã diệt chúng trước đó rồi). Do chúng còn có các công dụng khác nữa nên các phần mềm diệt virus chính thống không bao giờ xoá chúng đi. Vậy tại sao lại phải cố gắng xoá chúng đi? Bởi vì rằng chúng làm cho bạn không thể click đúp vào các phân vùng, ổ USB flash như đã nói ở trên (hãy nhớ rằng chúng ta đã coi như đã xoá được tập tin chứa virus rồi, và chỉ còn lại tàn dư của chúng theo đúng tên mục này).

Rồi bạn lại phải khởi động lại máy tính để các thiết lập này có hiệu lực (thực chất, bạn cũng có thể khởi động lại Explorer, nhưng cách này hơi phức tạp nên tôi lười hướng dẫn ra ^_^).

Nếu bạn không biết làm cách trên, bạn có thể mở các phân vùng, ổ đĩa bằng cách bấm tổ hợp phím Windows+E (phím Windows có logo windows của Microsoft), sau đó bấm vào tên phân vùng hoặc ổ đĩa ở cột bên trái, toàn bộ chúng sẽ hiển thị ở bên phải. Đây là cách mà bạn không xoá được tập tin autorun.inf thôi - Nhưng tôi tin rằng bạn làm được.

Với cách làm hiển thị các tập tin và thư mục ẩn như trên, sau khi xoá các tập tin autorun.inf, bạn cần đặt lại cho chúng ẩn lại như cũ, bởi vì bạn có thể khó chịu và ngứa ngáy xoá đi các tập tin khởi động của họ WindowsNT (các tập tin sau quan trọng: ntldr, NTDETECT.COM, boot.ini, IO.SYS, MSDOS.SYS ở phân vùng cài đặt hệ điều hành NT/2K/XP) khiến cho bạn không khởi động được máy tính (lỗi ntldr). Không phải là thừa khi nói vậy, nhiều người đã xoá đi chúng bởi thấy bẩn mắt, hoặc cố xoá một số thư mục hệ thống của hệ điều hành. Cũng thật tệ là một vài phần mềm diệt virus việt đã làm cách trên (bỏ mọi hiển thị ẩn và hệ thống của tập tin) để có thể nhìn thấy được các tập tin autorun này (tôi cho rằng để phục vụ việc truy cập vào các tập tin ẩn và các thư mục ẩn như thùng rác để diệt virus), rồi chúng không trả lại trạng thái ẩn nữa sau khi thực hiện việc quét virus. Điều này khiến cho người dùng cố gắng làm công việc mà họ cho rằng "dọn dẹp rác" (đã được đặt thuộc tính ẩn và hệ thống, trước không thấy, nay mới nhìn thấy ở đâu mọc ra).

Hạn chế của phương pháp

Mặc dù bản thân tôi có thể dùng phương pháp này để tóm các loại virus lây lan qua thiết bị lưu trữ dữ liệu USB flash mà không cần bất kỳ phần mềm diệt virus nào cả, nhưng bạn nên trang bị một phần mềm diệt virus để phòng ngừa tốt hơn. Phương pháp này không đảm bảo rằng nó sẽ được thiết lập như vậy vĩnh viễn. Các virus lại mới và thông minh hơn lại có thể thay đổi các khoá registry của Windows để các thiết lập trên lại được trở thành mặc định. Người viết ra virus thường là thông minh hơn những người muốn chế ngự nó nên có thể có loại virus sẽ được tích hợp tính năng thiết đặt lại các khoá registry của hệ điều hành họ Windows.

Sự thay đổi thiết lập này không độc quyền bởi TweakUI, các phần mềm khác nhau với các cách thiết lập khác cũng có thể thay đổi lại các thiết lập trên trở về mặc định. Như vậy, điều tốt nhất là bạn hãy quan tâm thường xuyên đến các thiết lập này bằng cách thỉnh thoảng lại kiểm tra xem nó có bị thay đổi hay không.

Các cách khác

Tôi không dám nói rằng cách này là tối ưu, để khách quan, tôi tìm kiếm để ra một số cách khác cho bạn tham khảo thêm, xem các bài trong "các cách khác" ở dưới.

______

Trang này dẫn đến chỗ tải về: http://www.microsoft.com/windowsxp/downloads/powertoys/xppowertoys.mspx

Địa chỉ tải về phần cài đặt TweakUI: http://download.microsoft.com/download/f/c/a/fca6767b-9ed9-45a6-b352-839afb2a2679/TweakUiPowertoySetup.exe

(Để địa chỉ này cho bạn dễ nhìn thấy rằng nó đặt tại máy chủ của hãng Microsoft)

Các cách khác:

Các cách đơn giản để phòng tránh virus lây qua USB, Trần Ngọc Dũng, đăng trên VnExpress, 11/3/2008.

Giải pháp khắc phục tác hại của virus lây qua USB, Trần Ngọc Dũng, đăng trên VnExpress, 6/3/2008.

Xem thêm trên blog này:

Virus máy tính ngày nay

Phần mềm diệt virus

Lưu ý:

  1. Tôi dùng từ virus trong bài này là chỉ virus máy tính hoặc các phần mềm độc hại - như một thói quen của những người dùng máy tính. Nó không phải các loại virus sinh học.
  2. Cách gọi tên: Phân vùng, ổ đĩa có thể khiến bạn khó hiểu? Hãy xem bài: Quy hoạch bộ nhớ trong Windows.

Trương Mạnh An (19-20/5/2008)

14/5/08

PSU: Nguồn máy tính

Nguồn máy tính (Power Supply Unit) hoặc được quen gọi tắt là PSU là một thiết bị cung cấp điện năng cho toàn bộ các linh kiện lắp ráp bên trong thùng máy tính hoạt động (tuy nhiên không phải các PSU đều là nguồn máy tính, bởi chúng được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị điện tử).

Nguồn máy tính là một bộ phận rất quan trọng đối với một hệ thống máy tính, tuy nhiên có nhiều người sử dụng lại ít quan tâm đến. Sự ổn định của một máy tính ngoài các thiết bị chính (bo mạch chủ, CPU, RAM, ổ cứng...) phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn máy tính. Một nguồn chất lượng kém, không cung cấp đủ công suất hoặc không ổn định sẽ có thể gây lên sự mất ổn định của hệ thống máy tính, hư hỏng hoặc làm giảm tuổi thọ các thiết bị khác sử dụng năng lượng của nó cung cấp.

CÁC NGUỒN ĐIỆN CUNG CẤP CHO LINH KIỆN MÁY TÍNH

Mục này nhằm giải thích về tại sao nguồn máy tính lại như vậy, hay nói một cách khác là tại sao người ta thiết kế nguồn máy tính theo kiểu đó.

Trước hết, xin giải thích một chút về năng lượng được sử dụng trong máy tính: Cũng như mọi thiết bị sử dụng điện năng khác, máy tính được cung cấp bằng các nguồn điện dân dụng thông thường, có nghĩa là các loại điện áp tuỳ theo đặc thù lưới điện của từng quốc gia: Ví dụ:

  • Điện áp: 220 V, xoay chiều, tần số 50 Hz ở một số nước Đông Âu, Việt Nam
  • Điện áp 110 V, xoay chiều, 60 Hz ở Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

(Lưu ý rằng những liệt kê trên là không đầy đủ, và các tham số mang tính minh hoạ)

Bất kỳ một thiết bị sử dụng điện năng nào cũng có thể lấy điện từ lưới điện dân dụng, đó như một sự hiển nhiên. Như vậy có phải các thiết bị khác trong máy tính cũng sử dụng được với nguồn dân dụng hay không? Trường hợp này là không, bởi vì lúc này coi toàn bộ các thiết bị nằm bên trong máy tính chính là một thiết bị duy nhất. Các linh kiện bên trong máy tính không thể sử dụng các mức điện áp của lưới điện dân dụng bởi các linh kiện này được thiết kế khá nhỏ, không có các thiết bị tự động chuyển đổi điện áp nên có một thiết bị chuyên cung cấp điện cho chúng là một sự tất nhiên.

Bởi các linh kiện sử dụng trong máy tính sử dụng với các mức điện áp khác nhau, với các mức công suất khác nhau nên các nguồn máy tính phải đảm bảo cung cấp toàn bộ các mức điện áp đó, và điều tiết công suất cho các đường điện áp khác nhau một cách linh hoạt trong một phạm vi nhất định theo thiết kế của từng nguồn riêng biệt. Các mức điện áp thường là: +12V, - 12V, +5V, +3,3V....toàn bộ các mức điện áp này đều là một chiều.

Như vậy, có thể có các cách nào để cung cấp các dòng điện một chiều này?

Nguồn điện một chiều lý tưởng

Nguồn điện một chiều lý tưởng là các nguồn cung cấp điện áp bằng phẳng, có điện trở trong bằng 0 ôm (ohm). Tất cả các thiết bị sử dụng điện một chiều sẽ hoạt động tốt nhất đối với nguồn điện này nếu chúng tương ứng về điện áp.

Điều này có nghĩa là thế nào? tại sao lại có nội điện trở bằng 0 ? Có lẽ chúng ta đã nhớ rằng kiến thức phổ thông cho thấy rằng hiệu điện thế cung cấp cho mạch điện phụ thuộc vào suất điện động của pin, điện trở mạch ngoài và nội điện trở của pin. Nếu như nội điện trở bằng 0 thì hiệu điện thế đầu ra là một hằng số không đổi, cho dù dòng điện tiêu thụ có lớn bằng bao nhiêu đi chăng nữa.

Tất nhiên, chẳng có một nguồn nào đạt mức lý tưởng như vậy, bởi lẽ không thể sinh ra một dòng điện cỡ vài tỷ A được. Nhưng xét trong một giới hạn sử dụng với cường độ dòng điện đến định mức nào đó thì nguồn máy tính phải cố gắng đạt được một mức gần như lý tưởng.

Nguồn điện một chiều truyền thống

Ta thẩy rằng có các loại nguồn điện một chiều truyền thống như sau: Dùng một biến áp để biến đổi dòng điện xoay chiều dân dụng xuống mức điện áp sử dụng cho máy tính, ví dụ 12V, rồi dùng các đi ốt để nắn thành dòng một chiều, và cung cấp cho máy tính sử dụng. Tại sao không nhỉ? Đây là một cách đơn giản mà tôi nghĩ rằng nhiều người đọc bài này có thể thực hiện được với các kiến thức phổ thông.

Tuy nhiên, xét kỹ vấn đề này thì chúng ta cần thêm một yếu tố nữa: Các dòng điện tiêu thụ trong các máy tính là rất lớn, ví dụ đường điện áp 12V có thể cần đến 18A hoặc lớn hơn. Với phương thức cấp nguồn trên thì để cấp được một dòng điện cỡ này sẽ cần các sợi dây thứ cấp khá lớn (hoặc quấn chập nhiều sợi dây nhỏ lại để có thể cho phép một dòng điện lớn như vậy chạy qua mà chúng không quá nóng). Kèm theo các yêu cầu này là biến áp phải có các khe lớn hoặc kích thước lớn để giảm số vòng dây cuốn thứ cấp, do đó sẽ tạo ra một hệ thống nguồn rất lớn, chúng chỉ có thể lắp bên ngoài máy tính mà không thể đặt vào bên trong máy tính được chính bởi kích thước đó.

Không những thế, việc sử dụng các biến áp thông thường sẽ gây ra một mức điện áp đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào mức điện áp đầu vào bởi các biến áp này có đặc tính điện áp tuyến tính. Nếu thay đổi điện áp đầu vào - sẽ có thay đổi mức điện áp đầu ra, giả sử cần đến mức điện áp tiêu thụ đầu ra ổn định thì lại cần đến một thiết kế biến áp tự thay đổi số vòng dây đầu vào (hoặc đầu ra) mà các cuộn này phải độc lập nhau (để đảm bảo an toàn) với cơ chế hoạt động giống như các bộ ổn định điện áp thông thường (ví dụ như các bộ ổn áp hiệu LiOA mà chúng ta quen sử dụng). Hoặc nếu không, phải thiết kế một mạch ổn định điện áp đầu ra.

Và, đường đó mới là nói đến một mức điện áp 12V, mà máy tính của chúng ta lại cần sử dụng nhiều hơn các mức điện áp này, cụ thể là cần đến +5V (hoặc thậm chí là đường -12V nữa). Ta thấy rằng đáp ứng được các yêu cầu này thì thiết kế cung cấp điện một chiều thông thường sẽ khó mà đáp ứng được với một không gian giới hạn.

NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG

Nguyên lý hoạt động sau được nêu ra theo hướng cơ bản nhất, người viết không có tham vọng giúp người đọc hiểu được chi tiết, bởi có một thực tế rằng người viết không am hiểu thấu đáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực điện tử.

Từ nguồn điện dân dụng (110Vac/220Vac xoay chiều với tần số 50 hoặc 60Hz) vào nguồn máy tính qua các mạch lọc nhiễu loại bỏ các nhiễu cao tần hoặc làm nhiễu ngược lại nguồn điện lưới, được nắn thành điện áp một chiều. Từ điện áp một chiều này được chuyển trở thành điện áp xoay chiều với tần số rất cao, qua một bộ biến áp hạ xuống thành điện áp xoay chiều tần số cao ở mức điện áp thấp hơn, từ đây được nắn trở lại thành một chiều.

Sở dĩ phải có sự biến đổi xoay chiều thành một chiều rồi lại thành xoay chiều và trở lại một chiều do đặc tính của các biến áp: Đối với tần số cao thì kích thước biến áp và kích thước dây dẫn nhỏ đi rất nhiều so với biến áp ở tần số điện dân dụng 50/60Hz.

Sơ đồ mạch PSU 200W loại ATX. [hình kích thước lớn], [nguồn ảnh theo VOZ forum]

CÁC LOẠI NGUỒN MÁY TÍNH

Nguồn máy tính có thể có các loại dành cho các máy tính cá nhân để bàn, các máy chủ, và các máy tính xách tay...

  • Nguồn máy tính dành cho các máy tính để bàn (Desktop Computer): Bạn có thể dễ nhận thấy rằng nó là một bộ phận có rất nhiều đầu dây dẫn ra khỏi nó và được cắm vào bo mạch chủ, các ổ đĩa, thậm chí cả các bo mạch đồ hoạ cao cấp.
  • Ở máy chủ, nguồn có dạng tương tự như máy tính để bàn, tuy nhiên chúng còn có các biến thể khác dành cho các loại máy chủ có khả năng tháo lắp nóng (tháo, thay thế nguồn mà máy chủ vẫn làm việc bình thường - thông thường các loại máy chủ này có đồng thời từ hai nguồn trở lên).
  • Ở máy tính xách tay nó có dạng một hộp nhỏ có hai đầu dây, một đầu nối với nguồn điện dân dụng, một đầu cắm vào máy tính xách tay. Đặc điểm khác biệt nhất ở máy tính xách tay là các nguồn này chỉ cung cấp một loại điện áp một chiều. Mức điện áp này cũng khác thường, chúng là một tham số cố định trong khoảng từ 15V cho đến 24V tuỳ theo từng hãng sản xuất máy tính xách tay khác nhau.

Mặc dù có thể đến ba dạng nguồn nêu trên, nhưng các nguồn máy tính có chung các nguyên lý làm việc. Trong bài này ta đề cập nhiều hơn đến các nguồn máy tính cho máy tính để bàn, lấy nó làm mục đich chính để mổ xẻ bởi nó tiêu biểu nhất trong số các nguồn máy tính.

CHUẨN KÍCH THƯỚC

Cũng như các linh kiện khác, các loại nguồn máy tính phải được thống nhất về các chuẩn kích thước đối với từng loại. Điều này nhằm giúp chúng có thể phù hợp với các loại bo mạch chủ và các vỏ máy tính khác nhau.

Nếu liệt kê từ khi lịch sử máy tính cá nhân ra đời, có lẽ có rất nhiều loại nguồn với các chuẩn khác nhau, tuy nhiên phần lớn các loại nguồn quá cũ đã trở lên lỗi thời, không còn được sử dụng nữa. Bảng dưới đây cho thấy một số loại nguồn đó:

Chuẩn kích thước

nguồn lỗi thời

Năm

giới thiệu

Kiểu kết nối

Sử dụng với các bo mạch chủ

PC/XT

1981

PC/XT

PC/XT, Baby-AT

AT/Desk

1984

AT

Full-size AT, Baby-AT

AT/Tower

1984

AT

Full-size AT, Baby-AT

Baby-AT

1984

AT

Full-size AT, Baby-AT

LPX (PS/2)

1987

AT

Baby-AT, Mini-AT, LPX

Bảng sau đây cho thấy một số chuẩn kích thước ở các nguồn hiện đại, xuất hiện trong vòng một thập kỷ gần đây.

Chuẩn kích thước

nguồn hiện đại

Năm

giới thiệu

Kiểu kết nối

Sử dụng với các chuẩn bo mạch chủ

ATX/ATX12V

1995

20/24-chân

ATX/ATX12V

ATX, microATX, BTX, microBTX

SFX/SFX12V/PS3

1997

20/24-chân

ATX/ATX12V

microATX, FlexATX, microBTX, picoBTX, Mini-ITX

EPS/EPS12V

1998

24-chân

ATX/ATX12V ATX, extended ATX

TFX12V

2002

20/24-chân

ATX12V microATX, FlexATX, microBTX, picoBTX, Mini-ITX

CFX12V

2003

20/24-chân

ATX12V microBTX, picoBTX

LFX12V

2004

24-chân

ATX12V picoBTX, nanoBTX

SFX12V cũng là một phiên bản gần giống như PS3, chúng là một phiên bản rút gọn của ATX12V

Các phiên bản xxx12V bao gồm có một đầu cắm 4 chân 12V, phiên bản LFX12V gồm có đầu cắm 8 chân 12V.

Chuẩn ATX/ATX12V bắt đầu được đưa ra vào năm 1995, khi này các máy tính đã bắt đầu tiêu thụ công suất lớn hơn so với các loại máy tính trước đó, với các công suất này thì các bộ nguồn cũ đã không đáp ứng được.

KẾT NỐI ĐẦU RA

Các kết nối đầu ra của một nguồn máy tính thông thường, loại dành cho máy tính cá nhân để bàn bao gồm:

  • Đầu cắm vào bo mạch chủ (Motherboard Connector): Là đầu cắm có 20 hoặc 24 chân - Tuỳ thể loại bo mạch chủ sử dụng. Phiên bản khác của đầu cắm này là 20+4 chân: Phù hợp cho cả bo mạch dùng 20 và 24 chân.
  • Đầu cắm cấp nguồn cho CPU (+12V Power Connector): Có hai loại: Loại bốn chân và loại tám chân (thông dụng là bốn chân, các nguồn mới thiết kế cho các bo mạch chủ đời mới sử dụng loại tám chân.
  • Đầu cắm cho ổ cứng, ổ đĩa quang (giao tiếp ATA) (Peripheral Connector): Gồm bốn chân.
  • Đầu cắm cho ổ cứng, ổ quang giao tiếp SATA: Gồm bốn dây.
  • Đầu cắm cho ổ đĩa mềm: Gồm bốn chân.
  • Đầu cắm cho các bo mạch đồ hoạ cao cấp: Gồm sáu hoặc tám chân.

    (Một số đầu cắm khác đã có ở các nguồn thế hệ cũ (chuẩn AT) đã được loại bỏ trên mười năm, không được đưa vào đây)

Các đầu cắm cho bo mạch chủ và thiết bị ngoại vi được nối với các dây dẫn màu để phân biệt đường điện áp, thông thường các dây dẫn này được hàn trực tiếp vào bản mạch của nguồn. Tuy nhiên có một số nhà sản xuất đã thay thế việc hàn sẵn vào bản mạch của nguồn bằng cách thiết kế các đầu cắm nối vào nguồn. Việc cắm nối có ưu điểm là loại bỏ các dây không cần dùng đến để tránh quá nhiều dây nối trong thùng máy gây cản trở luồng gió lưu thông trong thùng máy, nhưng theo tôi thì nó cũng có nhược điểm: Tạo thêm một sự tiếp xúc thứ hai trong quá trình truyền dẫn điện, điều này làm tăng điện trở và có thể gây nóng, tiếp xúc kém dẫn đến không thuận lợi cho quá trình truyền dẫn.

Màu sắc được quy ước như sau:

Quy ước màu dây

Màu dây

Tín hiệu

Điện áp

Chân

Chân

Tín hiệu

Điện áp

Màu dây

Orange

+3.3V

11

1

+3.3V

Orange

Blue

- 12V

12

2

+3.3V

Orange

Black

GND

13

3

GND

Black

Green

PS_On

14

4

+5V

Red

Black

GND

15

5

GND

Black

Black

GND

16

6

+5V

Red

Black

GND

17

7

GND

Black

White

5V

18

8

Power_Good

Gray

Red

+5V

19

9

+5VSB (Standby)

Purple

Red

+5V

20

10

+12V

Yellow

Quy ước chung về các mức điện áp theo màu dây trong nguồn máy tính như sau:

  • Màu đen (black): Dây chung, Có mức điện áp quy định là 0V; Hay còn gọi là GND, hoặc COM. Tất cả các mức điện áp khác đều so với dây này.
  • Màu cam (Orange): Dây có mức điện áp: +3,3 V
  • Màu đỏ (Red): Dây có mức điện áp +5V.
  • Màu vàng (Yellow): Dây có mức điện áp +12V (thường quy ước đường +12V thứ nhất đối với các nguồn chỉ có một đường +12V)
  • Màu xanh nước biển (Blue): Dây có mức điện áp -12V.
  • Màu xanh lá cây (Green): Dây kích hoạt sự hoạt động của nguồn.
  • Dây màu tím (Purple): Điện áp 5Vsb (5V Standby)

(lưu ý: cách hiển thị màu sắc qua màu chữ ở trên nhằm tạo ra sự trực quan, nhưng có thể không phù hợp thực tế)

Tuy nhiên, trên thực tế thì các nguồn không chỉ sử dụng các màu sắc trên bởi có những nhu cầu phát sinh khi khoa học công nghệ phát triển. Ví dụ khi mở rộng các đường cấp điện áp khác nhau, các nguồn có thể sử dụng một số dây dẫn có màu hỗn hợp:

Các đường +12V2 (đường 12V độc lập thứ 2); +12V3 (đường 12V độc lập thứ 3) có thể sử dụng viền màu khác nhau (tuỳ theo hãng sản xuất) như vàng viền trắng, vàng viền đen, chúng vẫn sử dụng màu cơ bản (màu vàng) để chỉ ra mức +12V, nhưng để phân biệt đường điện áp độc lập thứ hai, thứ ba hoặc nhiều hơn nữa bằng các viền màu đan cải với các màu sắc khác như đã nêu.

Đầu cắm vào bo mạch chủ

Bảng dưới đây cho ta thấy sơ đồ các chân, dây dẫn và màu sắc của chúng. Nếu như bạn phân vân không biết đâu là chân số 1, đâu là chân số 10 thì bạn có thể nhìn theo màu sắc để phân biệt chúng cho đúng.

Các mức tín hiệu/điện áp

Sẽ không phải là thừa khi muốn nhắc lại một chút về điện áp: Từ "điện áp" ở đây được dùng như một thói quen của tôi, nó có bản chất là hiệu điện thế giữa một mức điện thế tại một điểm, một dây dẫn so với mức 0 vôn (GND hay là dây màu đen). Cách này có vẻ như là tiện hơn so với phải dùng từ "hiệu điện thế", bởi đã nói đến hiệu điện thế lại phải giải thích rằng chúng so với điểm nào, dây nào, màu gì cho mỗi lần nhắc đến nó, và phiền phức hơn là giải thích chiều đối với một hiệu điện thế âm hơn so với mức 0.

Mức điện áp +12V

Bạn có thắc mắc về dấu + không? Tất nhiên là có, bởi tôi cũng từng thắc mắc như vậy. Dấu + ở đây không vô nghĩa khi cần có nó để so sánh với một mức điện áp - 12V. Một mặt khác nó chỉ ra rằng mức điện áp này lớn hơn so với mức 0 V.

+12V là mức điện áp được sử dụng nhiều nhất trong các linh kiện máy tính. Chúng thường được thiết kế để cung cấp dòng điện lớn nhất trong phân bổ công suất của nguồn.

Mức điện áp +3,3V

Mức điện áp +5V

Điện áp +5Vsb

Dây này luôn luôn có điện ngay từ khi đầu vào của nguồn được nối với nguồn điện dân dụng cho dù nguồn có được kích hoạt hay không (Đây cũng là một cách thử nguồn hoạt động: Đo điện áp giữa dây này với dây đen sẽ cho ra điện áp 5V trước khi kích hoạt nguồn hoạt động). Dòng điện này được cấp cung cấp cho việc khởi động máy tính ban đầu, cung cấp cho con chuột, bàn phím hoặc các cổng USB.

Việc dùng đường 5Vsb cho bàn phím và con chuột tuỳ theo thiết kế của bo mạch chủ - Có hãng hoặc model dùng điện 5Vsb, có hãng dùng 5V thường. Nếu hãng hoặc model nào thiết kế dùng đường 5Vsb cho bàn phím, chuột và các cổng USB thì có thể thực hiện khởi động máy tính từ bàn phím hoặc con chuột máy tính.

CÔNG SUẤT VÀ HIỆU SUẤT

PSU_CoolerMaster_RS-600-ASAA
(Hình: Các nguồn máy tính chất lượng cao đều ghi rõ dòng điện và công suất thực. Ảnh: Tr Minh Linh)

Công suất

Có nhiều loại công suất có thể được nói tới ở nguồn máy tính:

  • Công suất tiêu thụ từ lưới điện (công suất tính theo đầu vào).
  • Công suất cung cấp (đầu ra) cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng.
  • Công suất cung cấp (đầu ra) đỉnh điểm tức thời.

Hiệu suất

Hiệu suất của nguồn thường không được ghi trên nhãn hoặc không được cung cấp khi nguồn máy tính được bán cho người tiêu dùng, do đó cần lưu ý đến thông số này trong các tài liệu kèm theo hoặc tự đánh giá, tìm hiểu.

Mọi thiết bị chuyển đổi năng lượng từ các dạng khác nhau đều không thể đạt hiệu suất 100%, phần năng lượng bị mất đi đó bị biến thành các dạng năng lượng khác không mong muốn (cơ năng, nhiệt năng, từ trường, điện trường...) do đó hiệu suất của một thiết bị rất quan trọng.

Trong nguồn máy tính, năng lượng tiêu hao không mong muốn chủ yếu là: nhiệt năng và từ trường.

  • Nhiệt năng là năng lượng bị hao phí do biến đổi thành nhiệt từ các linh kiện điện tử. Toả nhiệt là một thuộc tính cố hữu của các thiết bị điện tử nên lượng hao phí này là chủ yếu trong các nguồn máy tính nói riêng và các linh kiện điện tử khác nói chung.
  • Từ trường bị tổn thất do các thiết bị điện tử hoạt động trên nguyên lý cảm ứng: Các biến áp, cuộn cảm, tụ điện...tuy nhiên từ trường là lượng hao phí ít hơn, không đáng kể nhiều như nhiệt năng.

Vậy, hiệu suất của nguồn máy tính được xác định bằng hiệu số giữa công suất cung cấp và công suất tiêu thụ của nguồn. Ví dụ, các linh kiện bên trong máy tính cần tiêu thụ một công suất là 80W, nguồn sử dụng một mức công suất ở lưới điện là 100W thì ta nói rằng hiệu suất của nguồn đạt 80% (Đây chỉ là ví dụ về một con số chẵn, trên thực tế thì các máy tính sử dụng công suất lớn gấp nhiều lần như vậy).

Các bộ nguồn máy tính tốt thường có hiệu suất đạt trên 80%. Thông thường các nguồn được kiểm nghiệm đạt hiệu suất trên 80% được dán nhãn "sản phẩm xanh - bảo vệ môi trường" hoặc phù hợp chuẩn 80+.

Chiếm đa số các nguồn máy tính trong các máy tính tự lắp ráp hiện nay trên thị trường Việt Nam là các nguồn chất lượng thấp hoặc ở mức trung bình. Hiệu suất các nguồn này chỉ đạt nhỏ hơn 50-70%.

ĐIỀU KHIỂN NGUỒN MÁY TÍNH

Bạn có cần điều khiển nguồn máy tính của mình hay không? Chắc là không, bởi ngoài các thiết đặt thông thường như: Đặt chế độ sử dụng điện áp 220/110V, công tắc tổng của nguồn, hoặc cắm phích cắm vào ổ điện dân dụng thì bạn không còn phải thực hiện một thao tác nào nữa trên nguồn máy tính của mình.

Đa số các nguồn máy tính với chất lượng từ loại thấp cho đến cao cấp hiện nay đều là các nguồn dạng tự động làm việc mà không cần can thiệp bởi phần mềm hay con người. Chúng có thể tự động điều chỉnh để có thể cung cấp các mức điện áp cố định cho các thiết bị mặc dù mức điện áp đầu vào có thể bị thay đổi, dao động.

Tuy nhiên có một số loại nguồn đặc biệt có thể cho phép người sử dụng can thiệp vào quá trình làm việc, thiết lập các thông số điện áp đầu ra...thông qua phần mềm điều khiển. Các nguồn này cho phép tinh chỉnh chế độ làm việc, theo dõi công suất. Hãng Gigabyte (Đài Loan) trong thời điểm 2007 đã đưa ra một số model cho phép thực hiện điều này.

TẢN NHIỆT TRONG NGUỒN MÁY TÍNH

Nguon_3quatNguồn máy tính là một bộ phận biến đổi điện áp, sử dụng các linh kiện điện tử nên thường sinh ra nhiệt. Vấn đề giải nhiệt (hoặc gọi một cách khác là tản nhiệt) trong nguồn máy tính rất được các hãng sản xuất coi trọng.

Hầu hết các nguồn máy tính được thiết kế đến thời điểm hiện tại đều có một tính năng kết hợp: Lưu thông không khí trong vỏ máy tính (computer case), do đó không khí dùng để tản nhiệt trong nguồn máy tính thường có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của không khí nơi đặt máy tính. Nhiệt độ này do các thiết bị bên trong máy tính toả ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đối với hệ thống sử dụng tản nhiệt bằng chất lỏng thì sự chênh lệch nhiệt độ (khối không khí lưu thông qua nguồn và nhiệt độ không khí bên ngoài) có sự chênh lệch ít hơn.

Các linh kiện điện tử cần tản nhiệt cưỡng bức (gắn tấm tản nhiệt):

  • Các transistor.
  • Cầu chỉnh lưu đầu vào (thường không gắn tản nhiệt đối với các nguồn công suất thấp) hoặc 04 đi ốt chỉnh lưu cầu.
  • Các đi ốt nắn thành dòng một chiều.

Các linh kiện khác không cần giải nhiệt hoặc giải nhiệt tự nhiên bằng luồng gió cưỡng bức qua nguồn: IC (ít toả nhiệt), tụ điện , điện trở (thường), biến áp (có sinh nhiệt nhưng ít hơn nên có thể giải nhiệt tự nhiên) và các linh kiện khác.

Các linh kiện điện tử được giải nhiệt bằng các tấm tản nhiệt kim loại áp sát trực tiếp vào linh kiện. Các tấm tản nhiệt kim loại thường sử dụng dùng hợp kim nhôm. Các tấm tản nhiệt thường có hình dạng phức tạp để có diện tích tiếp xúc với không khí lớn nhất, có định hướng đón gió từ các quạt làm mát nguồn.

Để lưu thông không khí, tạo điều kiện trao đổi nhiệt giữa các tấm tản nhiệt và không khí, nguồn được bố trí ít nhất một quạt để làm mát cưỡng bức. Phân loại cách cách giải nhiệt cho nguồn dùng không khí lưu thông như sau:

Hút gió ra khỏi nguồn: Thông dụng nhất là các quạt có kích thước 80 mm gắn phía sau nguồn để hút khí từ thùng máy - qua nguồn để thổi ra ngoài. Đa số các nguồn chất lượng thấp hoặc trung bình với công suất thấp đã sử dụng loại quạt kích thước này (tuy nhiên không phải rằng cứ sử dụng quạt 80 mm là chất lượng thấp).

Thiết kế này thường phù hợp với các nguồn công suất thấp, bởi chúng không có ưu thế về tải nhiệt cho các linh kiện có trong bộ nguồn.

Thổi gió vào nguồn: Dùng một quạt đường kính 120 mm (hoặc lớn hơn, tuỳ model và hãng sản xuất) thổi gió vào nguồn.

Thiết kế này thường kèm theo mặt sau nguồn bố trí các ô thoáng để gió thổi qua nguồn ra ngoài thùng máy. Các ô thoáng được đục lỗ theo kiểu tổ ong để vừa đảm bảo độ cứng vững của mặt sau nguồn (phần tiếp xúc với bên ngoài của vỏ máy tính).

Một số nguồn dùng hai quạt nhỏ hơn thay thế cho một quạt lớn. Cách này sẽ tạo luồng gió tập trung hơn tại các điểm cần tản nhiệt.

Ưu điểm đối với việc sử dụng quạt có đường kính lớn (thường là 120 mm) thường như sau:

  • Tốc độ quạt đường kính lớn thấp hơn quạt đường kính nhỏ nếu cùng một lưu lượng, do đó nguồn ít phát tiếng ồn khi làm việc so với các quạt có đường kính nhỏ.
  • Quạt thường gần CPU nên hút gió nóng sau khi làm mát CPU thổi ra ngoài, tạo sự lưu thông hợp lý với các bo mạch chủ theo chuẩn ATX (chiếm đa số hiện nay, nhưng lại không đúng đối với bo mạch chủ tuân theo chuẩn BTX)

Kết hợp cả hai cách trên: Sử dụng với các nguồn công suất lớn (thường gặp ở một số nguồn công suất thực lớn hơn 600W - 700 W)

Đa số các nguồn chất lượng tốt đều có cơ chế điều chỉnh tốc độ quạt, khi nguồn làm việc với công suất thấp, các quạt quay chậm để đảm bảo không ồn. Khi công suất đạt đến mức cao hoặc cực đại thì các quạt quay ở tốc độ cao.

Đa số các quạt cho nguồn là loại quạt dùng bạc, ở một số nguồn chất lượng tốt dùng quạt dùng vòng bi. Quạt dùng vòng bi thường bền hơn (đạt khoảng 400.000 giờ làm việc), quay nhanh hơn, ít ồn hơn so với quạt dùng bạc (quạt dùng bạc có tuổi thọ cao nhất khoảng 100.000 giờ làm việc).

NHẬN BIẾT MỘT BỘ NGUỒN MÁY TÍNH ĐẠT YÊU CẦU

Tiêu chí đánh giá

Một bộ nguồn máy tính được coi là đạt yêu cầu nếu như đáp ứng được các yếu tố sau:

  • Sự ổn định của điện áp đầu ra: không sai lệch quá -5 đến + 5% so với điện áp danh định khi mà nguồn hoạt động đến công suất thiết kế.
  • Điện áp đầu ra bằng phẳng, không nhiễu. Càng gần với mức nguồn một chiều lý tưởng càng tốt.
  • Hiệu suất làm việc cao, đạt trên 80%.
  • Nguồn không gây ra từ trường, nhiễu sang các bộ phận khác xung quanh nó và phải chịu đựng được từ trường, nhiễu từ các vật khác xung quanh tác động đến nó. Không gây nhiễu ngược lại nguồn điện lưới.
  • Khi hoạt động toả ít nhiệt, gây rung, ồn nhỏ.
  • Các dây nối đầu ra đa dạng, nhiều chuẩn chân cắm, được bọc dây gọn gàng và chống nhiễu.
  • Đảm bảo hoạt động ổn định với công suất thiết kế trong một thời gian hoạt động dài.
  • Dải điện áp đầu vào càng rộng càng tốt, đa số các nguồn chất lượng cao có dải điện áp đầu vào từ 90 đến 260 Vac, tần số từ 47-63 Hz.

Nhận biết bằng mắt

Làm thế nào để nhận biết nếu bạn không thể sử dụng hoặc đủ khả năng kiểm tra nó trước khi mua.

Đo kiểm bằng đồng hồ vạn năng

Đồng hồ vạn năng (multimeter) là một thiết bị dùng để đo các thông số về điện. Nó là thiết bị nên có nếu bạn là người thích tìm hiểu về phần cứng máy tính. Tôi cũng dành khoảng 1/4 tháng lương (khoảng 600K) để mua một chiếc KYORITSU Model 1009 ở Chợ Hoà Bình (Hà Nội) để phục vụ cho mình.

Một cách kiểm tra đơn giản và tự thực hiện được là dùng đồng hồ vạn năng, cách này không tốn nhiều chi phí với các hệ thống đo kiểm đắt tiền như các thiết bị chuyên nghiệp, nhưng nó là cách trực quan nhất mà bạn có thể thực hiện được.

Cũng cần nói thêm là nhiều bạn đã sử dụng các phần mềm để nhận biết đủ thứ thông số trên hệ thống như một điều diệu kỳ. Trên thực tế thì các phần mềm này không phải lúc nào cũng chính xác được, bởi các phần mềm đều dựa trên tín hiệu phần cứng gửi về, nếu phần mềm không hỗ trợ được các sensor tích hợp trên phần cứng thì chúng sẽ thông báo sai kết quả.

Nếu bạn muốn kiểm chứng về chất lượng của các nguồn noname này, điều dễ dàng nhất là bạn hãy kiếm một chiếc đồng hồ vạn năng. Trước hết là đo trực tiếp các điện áp đầu ra theo tiêu chuẩn: 5V, 12V để xem nó bị sụt giảm thế nào trong quá trình làm việc. Sau đó là đo tần số đối với

Kiểm tra nguồn một cách độc lập

Nếu nguồn ở trạng thái không hoạt động, hoặc không được nối với máy tính, ta có thể kích hoạt nguồn làm việc bằng cách nối dây kích hoạt (xanh green) với dây 0V (Hay COM, GND - màu đen). Đây là thủ thuật để kiểm tra sự hoạt động của nguồn trước khi nguồn được lắp vào máy tính. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể dùng để thử nghiệm rằng nguồn có thể được hoạt động hay là đã hư hỏng hay không mà thôi, bởi vì các phép đo ở đầu ra không tải thường không phản ánh chính xác sự làm việc của nguồn.

CÁC THƯƠNG HIỆU NGUỒN MÁY TÍNH TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Mặc dù có nhiều hãng sản xuất nguồn máy tính ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên trên thị trường Việt Nam có một số hãng sản xuất có uy tín như sau (thứ tự được sắp xếp ngẫu nhiên, hoàn toàn không có hàm ý rằng hãng nào tốt hơn hãng nào)

Cooler Master

Nhãn hiệu Cooler Maser được những người sử dụng có kinh nghiệm đánh giá khá tốt. Bản thân tôi đang sử dụng một nguồn của hãng này cho chiếc máy tính cá nhân để bàn. Hãng Cooler Maser được biết đến như một hãng chuyên sản xuất các linh kiện rời phụ cho máy tính như những món đồ gắn thêm để trang trí, các sản phẩm chủ lực của hãng là vỏ máy tính, nguồn máy tính, các thiết bị tản nhiệt, phụ kiện cho máy tính xách tay...

Nguồn Cooler Master được bán ở Việt Nam thông thường được sản xuất ở Trung Quốc, tuy nhiên không phải rằng chất lượng các hàng xuất xứ Trung Quốc là không tốt (nhiều người thường cho rằng như vậy, nhưng theo nhận xét của tôi thì có khoảng trên 80% linh kiện máy tính hiện nay đang sử dụng ở Việt Nam đều được sản xuất tại Trung Quốc).

(tôi đang sử dụng một nguồn ký hiệu: RS-600-ASAA, với thời điểm mua năm 2007 thì giá của nó ở thị trường Hà Nội là 136 USD, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến tính khách quan khi nhận xét nguồn của hãng này với các hãng khác được trình bày trong bài này)

ASUS

Một nhãn hiệu khá mới trong lĩnh vực nguồn máy tính, với tham vọng lớn của mình mà ASUS từ một hãng được biết đến nhiều do các sản phẩm bo mạch chủ, bo mạch đồ hoạ, máy tính xách tay (xuất hiện khá lâu trước khi vào thị trường Việt Nam), thì hãng này đã sản xuất nguồn, vỏ máy tính và các thiết bị giải nhiệt cho linh kiện máy tính. Tôi cũng có một chiếc nguồn của hãng này trước khi thay thế nó bằng nguồn hiệu Cooler Master. Nó mang nhãn A-45GA, sử dụng khá tốt đối với tôi nếu như tôi không lắp thêm một bo mạch đồ hoạ mới cho hệ thống crossfire để bắt buộc phải nâng công suất nguồn.

(Noname)

Phần bên trong một nguồn máy tính noname thông dụng ở VN, Ảnh: Tr Minh Linh
(Hình: Phần bên trong một nguồn máy tính noname thường sử dụng ở VN bởi giá rẻ. Nhận thấy rằng: Toàn bộ phần mạch lọc nhiễu đầu vào trên bản mạch bị nối tắt hoặc không có linh kiện. Ảnh: Tr Minh Linh)

Xin lưu ý rằng đây không phải là tên một hãng, những người sử dụng máy tính đã truyền nhau cách gọi này. "Nguồn Noname" được coi là loại nguồn có thương hiệu nhưng chưa thể hiện sự nổi trội của thương hiệu đó bởi cũng có thể người thiết kế và sản xuất nó không chú tâm đến điều này. Từ này được dùng một cách không chính thống, nhưng lại được nói nhiều đến nó không phải một sự sính ngoại, mà có thể do nó hàm chứa nói đến sự không có tên tuổi, không nổi tiếng, không đảm bảo, chất lượng kém...

Được sử dụng nhiều nhất trong các máy tính tự lắp ráp ở Việt Nam là các loại nguồn có thương hiệu chưa được khẳng định đẳng cấp này. Chúng thường được bán kèm với một vỏ máy tính với giá khá thấp. Thông thường, khi gắn với vỏ máy tính, cả bộ này được bán với giá từ 15-25 USD. Khi bán riên lẻ, chúng thường có định mức khoảng 10-20 USD. Nếu như trừ đi các khoản thuế, lợi nhuận thì giá thành sản xuất của chúng là tương đối thấp. Tôi thì không cho rằng giá thấp là kém chất lượng, nhưng giá thấp quá, kết hợp với quan sát, đo kiểm để đánh giá về nó thì cũng có thể nói rằng "tiền nào của ấy".

Nó có đáng tin cậy hay không? Tôi nghĩ là không. Rất nhiều sự cố, lỗi được xuất phát từ các nguồn này mà cả những người sử dụng máy tính một cách kinh nghiệm lại đổ lỗi cho các thiết bị khác mà không nghĩ đến nó. Nếu nói một cách ví von rằng nguồn máy tính cũng giống như con tim của mỗi người, nếu có bệnh tật gì khiến cho nó không cung cấp đủ lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, lúc đó chắc rằng các bộ phận này sẽ hoạt động không được như ý muốn.

Vậy bạn nên làm gì nếu như đang sử dụng các nguồn này? Nếu giá trị của chiếc máy tính của bạn là thấp, hãy bằng lòng với nó để bớt tốn kém. Nếu như chiếc máy tính của bạn được trang bị các linh kiện đắt tiền hơn, hãy nghĩ đến việc thay thế nó. Nếu bạn không quá sốt ruột hoặc chưa đến kỳ lĩnh lương, hãy chờ một vài tuần, sau khi tôi viết bài "Vỏ máy tính", có lẽ bạn sẽ đổi ý thay thế luôn cả chiếc vỏ máy tính vốn được mua cùng chiếc nguồn máy tính của bạn với giá rẻ.

NHỮNG LƯU Ý THÊM

Phần cắm cung cấp cho màn hình máy tính

Một số nguồn máy tính có các loại đầu ra cung cấp điện cho màn hình máy tính, các đầu ra này đơn thuần chỉ là các ổ cắm được gắn nhờ trên chúng mà không có công dụng ổn định hay điều chỉnh. Tuy nhiên có một vài nguồn máy tính có thiết kế một mạch lọc nhiễu cho đầu cắm cấp nguồn cho màn hình máy tính. Tôi đã gặp ở nguồn mang nhãn hiệu Codegen có thiết kế mạch này.

Ở các nguồn chất lượng cao hầu như không xuất hiện các loại ổ cắm đầu ra cấp điện cho màn hình máy tính. Nguyên nhân có thể chúng chiếm một vị trí làm giảm độ thông thoáng của nguồn ở phía mặt sau và không muốn có ảnh hưởng của nhiễu xuất hiện từ phía màn hình máy tính đến nguồn. Như vậy tại sao các nguồn điện trên thị trường lại hay có các đầu cắm này cho màn hình ? Tôi cho rằng đây là một thiết kế nhằm tạo ra sự đơn giản, thuận tiện để lắp ghép một hệ thống máy tính với chỉ có một đầu cắm vào duy nhất.

Cháy cầu chì

Đa số các nguồn máy tính thường được trang bị một cầu chì ống (thuỷ tinh) có kích thước nhỏ để bảo vệ ngắn mạch đầu vào (bảo vệ cho lưới điện và cho các linh kiện trong nguồn, tránh gây hoả hoạn phát sinh). Điểm đặc biệt là cầu chì này không được thiết kế để dễ dàng thay thế, chúng thường được hàn trực tiếp vào bản mạch của nguồn.

Trong các thường hợp nguồn gặp sự cố, hư hỏng, không còn hoạt động được thì có một trong các nguyên nhân là cầu chì bị đứt. Nếu đã hết hạn bảo hành thì người dùng có thể gỡ tem bảo hành để tự thay thế cầu chì này (cần có đồng hồ đo, mỏ hàn điện).

Nối đất

Mức điện áp 0V (hay GND) ở đây có bằng với mức 0V tuyệt đối hay không? Không, bởi vì có thể vỏ máy tính của bạn không được nối với đất, hoặc là ổ cắm của chiếc máy tính của bạn không thuộc loại 3 chân.

Không phải là thừa khi các nguồn điện dân dụng khác nhau lại có 3 chân cắm, trong đó có một chân được nối đất. Ngoài các mức an toàn thì nối đất khá quan trọng cho sự hoạt động của cả máy tính bởi vì chúng có thể giúp hạn chế tình trạng tĩnh điện tập trung tại vỏ hoặc các linh kiện khác trong máy tính (hoặc còn được gọi là khử tĩnh điện, cũng tương tự như việc sử dụng vòng đeo tay khử tĩnh điện được nối với vỏ máy tính hoặc nối đất để hạn chế hư hỏng các linh kiện khi lắp ráp).

Cắm nhầm mức điện áp

Một thắc mắc mà tôi gặp phải trong quá trình xem kết quả các từ khoá đã đẫn đến blog của tôi là thắc mắc về sự cắm nhầm điện. Có một số trường hợp như sau:

* Nguồn 220V nhưng cắm điện áp 110V AC: Vấn đề này không đáng e ngại bởi vì chúng chỉ tương đương với chế độ điện áp thấp của mức 220V mà thôi.

* Nguồn 110V cắm vào điện 220V. Trên thực tế thì việc nhập nguồn nguyên chiếc loại 110V về Việt Nam là hiếm (dành cho thay thế các loại nguồn của các máy tính của các quốc gia khác sử dụng mức 110V mà thôi), đa phần là gạt nhầm sang mức điện áp 220V sang nấc 110V rồi sử dụng với lưới điện 220V. Trường hợp này bạn tháo PSU ra, kiểm tra các linh kiện bên trong xem có hiện tượng nổ tụ (hai tụ to nhất của nguồn) hoặc hư hỏng nổ, vỡ các linh kiện khác hay không và xem xét đến cầu chì (bằng thuỷ tinh, có một sợi dây ở bên trong). Đa phần thì hiện tượng cắm nhầm điện này chỉ gây cháy cầu chì và chưa kịp làm nổ tụ lọc nguồn phần đầu vào bởi vì các tầng sau của mạch thì chúng được bảo vệ khá tốt về mức điện áp. Bạn chỉ việc tìm kiếm một loại cầu chì khác tương đương (về trị số cường độ dòng điện) và hàn thay thế vào mạch của nguồn.

Sau khi hàn thay thế, cần thực hiện thử kiểm tra (test) nguồn trước khi cắm vào máy tính, tức là cắm điện vào nguồn, đo mức điện áp 5V stand-by có hoạt động hay không (nếu không thì cách sửa trên không giải quyết được vấn đề, bạn cần đưa ra nơi sửa chữa chuyên nghiệp hoặc mua nguồn mới). Tiếp sau đó thử nghiệm bằng cách kích hoạt nguồn hoạt động bằng cách đấu chân 14 vào bất kỳ mức điện áp 0V (GND) nào, đo các mức điện áp để kiểm tra. (Lưu ý rằng đo mức điện áp ở chế độ không tải như vậy thì nguồn có thể điều chỉnh sai lệch so với mức chuẩn, do đó nếu có thấy mức 12V quá cao hoặc quá thấp cũng chưa chính xác là mức điện áp hoạt động của nguồn.

Lưu ý rằng một số nguồn noname có chất lượng kém (như hình minh hoạ phía trên) thì có thể không có cầu chì.

XU THẾ PHÁT TRIỂN

Xu thế tiếp theo về sau này các nguồn máy tính tôi nghĩ sẽ là sự điều khiển đến các mức điện áp như hãng Gigabyte đã từng sản xuất.

Gần đây, tôi đọc được một thông tin khác thú vị trên một bài báo rằng: "tương lai nguồn máy tính sẽ chạy bằng gas" với nội dung như sau: "Bên trong hộp nhôm 4 x 6 cm là hợp chất hydro có thể giải phóng 9,3 lít khí gas. Hợp chất này cần được đốt nóng trước khi sử dụng và sau đó, sức nóng tự nhiên tỏa ra từ laptop đang hoạt động sẽ đủ để kích hoạt năng lượng". Tôi nghĩ rằng đây có thể là một phương thức sản xuất pin máy tính chứ không phải dạng nguồn[1]. Nhưng mà, biết đâu đấy ^_^.

Chú thích

1^. Tương lai nguồn máy tính sẽ chạy bằng gas, Phương Thúy (theo The Inquirer) đăng trên VnExpress, 02/2008

______________________

Trương Mạnh An (2008)

(Bài viết này trước đây đã được tôi đưa lên Wikipedia tiếng Việt và được phân phối theo giấy phép GNU, tôi công nhận bài viết gốc là của mình và chịu trách nhiệm hoặc chứng minh khi cần thiết. Tình trạng bài hiện tại đã được cải thiện và mở rộng hơn nhiều so với phiên bản bài xuất hiện trước đó).