21/6/08

Quản lý RSS với Google Reader

Không phải đến bây giờ thì Google Reader mới ra đời, chúng đã xuất hiện khá lâu trước đây mà có lẽ đã có rất nhiều người sử dụng. Tôi phân vân khi bắt đầu định viết entry này bởi vì không dám chắc nó có thừa hay không, nhưng rồi quyết định vẫn viết bởi thấy rằng có nhiều người còn chưa biết đến nó.

Thật là dễ dàng khi mà dùng máy tìm kiếm google để tra từ “Google Reader” đối với ai muốn tìm hiểu nó. Nhưng mọi người có muốn tìm hiểu hay có muốn sử dụng nó hay không mà thôi bởi họ có thể dùng một tiện ích khác quản lý RSS[1] như Bloglines, My Yahoo…cũng có thể nổi tiếng tương tự.

Biết iGoogle trước Google Reader

iGoogleKhông phải biết đến Google Reader lần đầu tiên như sự tìm kiếm về nó, hoặc có ai giới thiệu về nó như bạn đã từng biết (còn bạn biết rồi thì chắc là không cần đọc entry này), tôi đã biết iGoogle trước khi biết đến nó. Xin mở ngoặc một chút vì điều này: Khi tôi mở trang google.com thì nhìn thấy phía trên bên trái của nó có một dòng iGoogle và tôi đã thử sử dụng nó (thật khâm phục chiêu thức quảng bá này của Google bởi vì nó đã làm cho người ta dần chú ý đến nó, đăng ký một tài khoản Gmail để sử dụng nó dễ dàng hơn, tôi nghĩ rằng đây là một điều mà các nhà tiếp thị nên học hỏi - từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt nhất như vậy). Sau quá trình tìm hiểu tôi thấy nó thật thú vị và quyết định đặt nó làm trang chủ (home page) trên trình duyệt của mình (mỗi khi tôi mở trình duyệt thì nó luôn luôn mở trang đó đầu tiên).

Bạn hãy nhìn những hình dưới dây, có thể thấy rằng các RSS được đặt thành các ô khối với mỗi một site chứa tối đa 9 tin mới nhất (mặc định thì iGoogle chỉ đặt 3, người sử dụng có thể đặt lên 9), trước mỗi tiêu đề cũng có một dấu (+) để mở rộng nội dung (xem minh hoạ, với blog của tôi đang mở rộng nội dung giới thiệu trên một bài).

Tuy nhiên iGoogle có vẻ được thiết kế ra cho mục đích tích hợp nhiều ứng dụng khác nữa mà không chuyên dụng chỉ cho các RSS nên ở đây còn có các ứng dụng được phép tuỳ biến thêm vào, chẳng hạn mặc định ban đầu tôi thấy "Đếm ngược", "Lịch vạn sự", "Thời tiết"...

Tuân theo mục đích cá nhân hoá web đến cá nhân, nhưng iGoogle đã không hấp dẫn tôi, bởi vì tính cách của tôi không hứng thú với các ứng dụng được viết sẵn đã được giới thiệu ở đó, một mặt khác việc quản lý các RSS quá nhiều khiến cho tôi phải đặt đến vài Tab khiến mỗi lần chuyển đổi rất khó khăn. Lần cuối cùng vào nó thì tôi đã biết được cách tạo một nút "Add to Google" mà bạn có thể nhìn thấy ở cột bên phải của blog này.

Bắt đầu sử dụng Google Reader

Sau khi dùng iGoogle được một thời gian thì tôi chú ý đến phần "My Account" cũng nho nhỏ ở phía trên, bên phải. Thử xem mình được sử dụng cái gì thì thấy hàng loạt tiện ích khác nữa mà Google cung cấp, và rồi tôi đã chú ý đến Google Reader như entry này định nêu. Xin xem hình dưới đây.

Google Reader

Và bây giờ bạn đã nhìn thấy hình ảnh về giao diện sử dụng của Google Reader, chúng thật chuyên nghiệp! có rất nhiều tính năng cho bạn lựa chọn, tuỳ biến và thêm các RSS để Google Reader quản lý giúp bạn.

Không giống như iGoogle để có thể tích hợp đủ mọi thứ tiện ích tích hợp của hãng thứ ba (hoặc của chính bạn), Google Reader đúng là chỉ thiết kế cho việc quản lý các RSS, không có một thứ gì ngoài các RSS.

Ở đây, bạn có thể đọc toàn bộ các nội dung web mới nhất bởi chúng theo thứ tự mới ở trên, cũ ở dưới. Bạn có thể sắp xếp các RSS với các thư mục (tập hợp các RSS có cùng chủ đề, nội dung) để có thể đọc ở mục chính để biết một cách tương đối rằng bài nào xuất hiện tước, bài nào sau, bài nào dã đọc rồi và đặc biệt sự nhìn nhận một cách tổng thể theo từng chủ đề.

Nút Home của Google Reader quả là một sự tài tình của tiện ích này khi mà nó giống như có một người biên tập giúp bạn (hình minh hoạ trên thể hiện điều đó), các tin tức mới được sắp xếp một cách tự động, tất nhiên là chúng không hoàn toàn chính xác về mặt nội dung, nhưng ít nhất về mặt thời gian thì khá chuẩn theo mức thu thập của nó).

Tuyệt không bạn? Tôi nghĩ đối với tôi thì khá tuyệt, với My Yahoo thì chưa rõ thế nào, bởi thực tình là sự rối rắm, nhiều vòng của Yahoo khiến tôi không biết nó nằm ở đâu (để có ý định gắn một nút sử dụng RSS của blog này với nó - cho tới thời điểm viết entry này), còn Bloglines thì tôi đã thử dùng qua, nó khó mà so sánh với Google Reader.

Thêm RSS vào Google Reader

Trước hết là việc thêm các RSS mới, tôi giả sử tìm một RSS mới tại một trang web mà không cung cấp nút "add to Google" như của tôi (bởi vì có thể họ không biết cách tạo nút như thế này) thì bạn sẽ làm thế nào?

Bạn sẽ nhìn thấy phần "+ Add subscription" ở ngay bên trên, bấm vào đó, và bắt đầu điền địa chỉ RSS mà bạn muốn nhập vào Google Reader. Ở đây tôi lấy ví dụ như trong entry RSS là gì" là trang chính của báo Việt Nam Net. Tôi copy và paste (chắc chẳng ai còn gõ địa chỉ nữa nhỉ^^) địa chỉ vào phần Add subscription như hình sau:

Nhập RSS vào Google Reader

Sau khi nhập dòng này, bấm "Add" bạn sẽ cần lựa chọn thư mục cần thêm vào như hình đưới đây. Việc thêm thư mục được lựa chọn theo các thư mục sẵn có hoặc có thể thêm vào một thư mục mới do bạn đặt tên.

Thêm vào thư mục riêng theo thể loại

Tất nhiên là quá trình trên chỉ thực hiện được sau khi Google Reader có thể kết nối với site mà bạn vừa thêm vào, nó có các phần nội dung, tiêu đề ...để có thể lấy các thông tin thông tin ban đầu, nếu quá trình này thực hiện không thành công (địa chỉ RSS sai, hoặc không kết nối được với site đó) thì bạn có thể sẽ không thực hiện được bước tiếp theo như trong hình trên.

Quản lý các RSS trên các thư mục

Sau khi đã có rất nhiều RSS, bạn cũng có thể điều chỉnh các thư mục này qua phần Settings của Google Reader. Chắc rằng ngay từ đầu bạn sẽ sắp xếp chúng không được khoa học cho lắm, và bay giờ là lúc cần điều chỉnh lại ở các thư mục - thì mục này sẽ giúp bạn thay đổi các thư mục theo chủ đề (hoặc theo cái gì là tuỳ vào bạn).

Cũng ở đây, bạn có thể sửa đổi lại tên mặc định của RSS được cung cấp bởi trang web hoặc blog. Ví dụ tôi có thể sửa đổi tên "7X nói gì" thành bất kỳ cái tên nào mà tôi thích để phù hợp hơn với việc quản lý của tôi.

Xem các tin tức bằng Google Reader

Chế độ xem Expanded view trên Google Reader sẽ mở rộng sự tóm tắt nội dung, thay vì chỉ một dòng trên chế độ List view

Khi xem các tin tức bằng bằng Google Reader bạn sẽ thấy có hai trạng thái:

  • Chế độ xem Expanded view trên Google Reader cũng cho phép xem toàn bộ nội dungChế độ List view sẽ cho bạn xem ở dạng danh sách, chế độ này phù hợp với việc bạn có một khối lượng RSS lớn và có thể khiến bạn không thể xem bằng chế độ phía dưới sẽ trình bày được, bởi chúng sẽ làm mất tính bao quát.
  • Chế độ Expanded view sẽ cho bạn xem toàn bộ phần tóm tắt mà mỗi web hay blog muốn hiển thị cho bạn. Nếu như web nào cho phép hiển thị toàn bộ nội dung bài viết hoặc entry trên blog thì bạn sẽ xem được toàn bộ. Ở đây tôi muốn đưa lại một ví dụ ở entry "RSS là gì"[1] để bạn có thể dễ hình dung với blog lamhong.sky.vn và blog của anh Lê Trung Nghĩa. Ở chế độ này thì bạn có thể xem một số blog của Sky.vn và nhiều blog của Yahoo! 360 mà không cần phải trực tiếp vào blog. Ở hình minh hoạ ngay dưới đây, bạn thấy rằng ở chế độ Expanded view, blog lamhong.sky.vn sẽ hiển thị toàn bộ nội dung của bài (lưu ý rằng nó chỉ đúng cho đến thời điểm viết entry này, trong tương lai có thể chủ nhân blog trên không thiết đặt như vậy thì điều này sẽ sai) bao gồm cả hình ảnh. Tôi đã lấy ví dụ này để thể hiện ưu điểm của Google Reader khi mà sử dụng RSS này với các trình duyệt thì nó không hiển thị đúng như ở đây. Cũng phải mở ngoặc thêm với một câu hỏi rằng: Hành động xem các web hay blog này có thể sẽ giết chết lòng ham muốn có nhiều người đọc trực tiếp trên blog của blogger hay không? Tôi nghĩ là không, bởi vì người muốn cung cấp thông tin kiến thức luôn luôn xác định rằng nó sẽ đến được với người đọc cho dù bằng bất kỳ hình thức nào, còn nếu người cung cấp RSS lại không muốn người khác đọc trên các tiện ích quản lý thì họ sẽ không thiết đặt chế độ xem đầy đủ như vậy. (Còn tôi, chắc rằng tôi muốn mọi người vào xem blog của tôi hay sao đó mà lại không cung cấp cách xem đầy đủ?^^, nhưng không phải vậy, thực tế là tôi muốn có lựa chọn để người sử dụng có thể lựa chọn bài phù hợp với mình mà thôi).

Hình phía bên là hiển thị đầy đủ bài của blog http://lamhong.sky.vn bạn có thể thấy rằng nó có thể hiển thị các hình ảnh minh hoạ trong các entry. Nhưng còn về các phần âm thanh hoặc video thì tôi chưa thử được xem Google Reader có thể thực hiện được hay không.

Đọc toàn trang blog của Yahoo360 qua Google ReaderVà hình phía dưới đây là phần nội dung của một blog Yahoo360 tiêu biểu trên blog của anh Lê Trung Nghĩa. Hầu hết các blog khác trên Yahoo!360 khác đều có thể cho phép đọc RSS như vậy. Như vậy thì bạn thẩy rằng việc dùng Google Reader với các blog Yahoo thì tiện lợi thế nào. Cũng có lần tôi gặp trường hợp như thế này: Khi mà đọc trên Google Reader với một blog cung cấp bởi Yahoo!360 thì được, nhưng khi bấm vào phần xem trên chính blog đó lại gặp một thông báo của Yahoo với các nội dung gì đó mà tlúc đó tôi không chú ý là gì, lúc này thì lại không tìm lại được trường hợp đó nữa.

Thực tình thì tôi không sử dụng Yahoo!360 nhiều nên không rõ cách quản lý và đếm số lượt visit của họ như thế nào, nếu như việc đọc qua Google Reader mà không làm kiểm soát số visit trên Yahoo thì quả là thiệt thòi cho các blogger. Tuy nhiên, với một đoạn triết lý nho nhỏ ở phía trên thì tôi vẫn tin rằng người truyền bá kiến thức không đến nỗi hẹp hòi với các con số vô nghĩa như vậy trừ khi họ lập blog với mong muốn khác^^.

Bây giờ là lúc bạn sẽ xem nội dung bài viết trên web đó hoặc trên blog, hãy để ý đến nút có ký hiệu (>>) ở trên, khi bấm vào đó thì Google Reader sẽ đưa bạn đến trang web hoặc blog mà bạn muốn xem.

Google Reader đã lấy thông tin thế nào

Tôi đã quan sát Google Reader đọc RSS trên blog của tôi, dưới đây là một hình ảnh được chụp màn hình một phần của công cụ quản trị blog, có một vài nhận xét sơ bộ như thế này.

Google đã đọc RSS trên blog của tôi thế nào

Trước hết là sự đọc RSS trên blog của tôi được Google thực hiện một cách định kỳ, bởi vì tôi đã thấy việc FEED thực hiện ở thời điểm mà tôi chụp ảnh màn hình thì ít khả năng xảy ra các lý do khác bởi các quan sát và phan tích của tôi trước đó (một số lý do khác: 1-Khi tôi đăng một entry mới hoặc sửa một entry cũ và sky.vn đã gửi thông báo đến google. 2-Khi có người sử dụng thêm RSS của tôi vào iGoogle hoặc Google Reader).

Việc feed dã giúp cho Google Reader chỉ lấy thông tin một lần cho đến lần thay đổi nội dung blog kế tiếp theo, ví dụ như tôi thử nghiệm trên chính RSS của mình và quan sát với công cụ thống kê của Sky.vn thì thấy rằng khi duyệt nội dung trên Google Reader thì nó không phải đọc từ blog của tôi. Đây chính là ưu điểm và cũng là nhược điểm mà tôi sẽ trình bày lý do ở phần dưới.

Đồng thời với việc feed thì Google đã lấy thông tin từ các bài một cách đầy đủ (thể hiện bởi Googlebot phiên bản 2.1 đã đọc các bài trên blog này. Tôi có thể nhận ra chúng bởi vì cái tên quá dễ gợi ra, còn thế nào là người dùng đang đọc các entry? Bạn sẽ thấy rằng trong mục "Trình duyệt" và mục "Hệ điều hành" thể hiện ở trên sẽ cho thấy rằng đây là những người sử dụng.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói một ý kiến cảm nhận về Yahoo: Thay vì lấy nội dung thông tin như Google đã làm thì Yahoo chỉ thực hiện feed một vài lượt, có thể rằng Yahoo đã cho rằng các blog khác với Yahoo!360 cũng chỉ thực hiện hành động này để có các kết quả cho máy tìm kiếm của mình, hoặc rằng Yahoo đã không quan tâm đến các blog khác ngoài blog của mình cung cấp - hai điều này có thể cho thấy sự khó thành công của Yahoo so với Google. Tất nhiên, đây cũng chỉ là các cảm nhận của cá nhân mà không có các bằng chứng cụ thể - nhưng tôi nghĩ cảm nhận này không phải là mới (bởi thực tế thì nhiều người đã nhận ra điều đó), và cũng không ảnh hưởng lớn đến hãng này nên cũng viết vào đây.

(Lưu ý rằng hình này mang tính quảng cáo cho blog của tôi và cho Sky.vn bởi sự tiện dụng trong việc quản trị blog giống như các trang web chính thống mà trước đây chỉ có những người quản trị (Administrator) mới có thể tiếp cận)

Google Reader khi offline

Cài đặt để sử dụng Google Reader ở chế độ Offline

Thường thì Google Reader phải xem ở chế độ online, nhưng có những thời điểm mà bạn không thể nào kết nối vào Internet (nhiều lý do: lỗi đường truyền, đang trên xe trên đường đi, ...) thì Google Reader cung cấp cho bạn một giải pháp offline để bạn có thể đọc các bài viết hoặc các entry với các dữ liệu đã được lưu vào máy tính của bạn trước đó.

Chế độ offiline có thể phù hợp với các trang web hoặc blog có cung cấp RSS đầy đủ nội dung (chẳng hạn như hai ví dụ ở trên) nhưng nó lại không hữu ích với toàn bộ các trang web khác bởi vì một tiêu đề và vài dòng giới thiệu ngắn thì không thể cung cấp cho ta sự đọc đầy đủ của bài viết.

Một đặc điểm hạn chế nữa của chế độ offline là chúng không tự động kích hoạt khi Internet bị ngắt, trước khi chuyển sang chế độ offline thì người sử dụng phải bấm vào một nút phía bên trên để chuyển trạng thái, khi này cần mất vài phút để Google Reader tải nội dung về máy tính của mình.

Ưu nhược điểm của Google Reader

Đến đây thì bạn có thể thấy rằng Google Reader có khá nhiều ưu điểm so với phương pháp quản lý RSS trên chính trình duyệt mà tôi đã giới thiệu sơ qua tại entry "RSS là gì". Tôi cũng xin tự nhận xét một chút về ưu nhược điểm của Google Reader như sau:

Ưu điểm

  • Có tính bao quát tốt khi quan sát một cách tổng thể toàn bộ các RSS. Quản lý RSS theo chủ đề một cách rõ ràng.
  • Dễ dàng tìm kiếm nội dung nào đó trên toàn bộ các web hoặc blog đã được tập hợp cho đến thời điểm tìm kiếm.
  • Dễ dàng đánh dấu các bài viết hoặc entry để có thể ghi nhớ đến chúng.
  • Tạo ra các thư mục chia sẻ với những người khác một cách đơn giản các tập hợp RSS của mình theo thư mục.
  • Khả năng tuỳ biến cao.
  • Có khả năng xem các tóm tắt (hoặc dạng đầy đủ) ở chế độ offline (tính năng này không mặc định, cần cài đặt thêm một phần offline).
  • Khả năng xem được các web, blog cung cấp đầy đủ nội dung ở chế độ hiển thị đầy đủ.
  • Không làm ảnh hưởng đến băng thông của máy chủ (server) chứa site có RSS bởi vì nếu nhiều người sử dụng cùng một RSS thì Google Reader chỉ cần đọc dữ liệu về trong một lần, các lần còn lại đã được ghi nhớ sẵn. Đây là ưu điểm nổi trội so với các quản lý RSS bằng trình duyệt, bởi có bao nhiêu người sử dụng RSS thì có bấy nhiên lần trình duyệt phải truy cập máy chủ của site chứa RSS đó, và đọc toàn bộ nội dung về máy tính của mình. Không những thế, trình duyệt còn tự động feed định kỳ khiến cho việc kết nối nhiều khi bị quá tải đổi với máy tính của bạn.

Nhược điểm

  • Không tức thời đọc các RSS như phương pháp quản lý bằng trình duyệt: Hầu như chu kỳ đọc một RSS của người sử dụng phụ thuộc vào số người dùng cùng một RSS đối với Google Reader hoặc iGoogle và một vài yếu tố khác nữa. Ở trong các hình trên, bạn chú ý đến blog của anh Lê Trung Nghĩa, khi một bài mới được post lên blog của anh thì chỉ sau một phút Google Reader đã lấy nội dung của RSS của mình về phục vụ người sử dụng. Nếu RSS đó ít người sử dụng thì có lẽ thời gian đó dài hơn. Đây chính là một nhược điểm cơ bản của Google Reader. Mặc dù nhà cung cấp các trang tin web hoặc blog thì luôn báo cho Google, nhưng có vẻ nó tự lựa chọn thời điểm feed cho mình khi mà có hàng triệu site cần thực hiện trên toàn thế giới.
  • Khi hiển thị trên Google Reader nhưng có thể người sử dụng lại không truy cập được vào site có RSS đó. Nguyên nhân này có thể do sự mất kết nối hoặc trang web bị sự cố. Điều này có thể giải thích đơn giản bằng ví dụ sau: bạn là A, Google Reader nằm tại vị trí B, còn site chứa RSS là C, A nối tốt với B, C nối tốt với B, nhưng A chưa chắc đã nối tốt với C.

Tuy nhiên, so sánh các ưu nhược điểm này thì rõ ràng rằng Google Reader cũng thuận tiện hơn nhiều so với cách quản lý RSS trên trình duyệt web của bạn. Quả thật là tôi chưa dùng Bloglines và My Yahoo nên không dám so sánh giữa chúng, vậy nếu bạn đã dùng hai tiện ích còn lại thì xin comment lại nhé.

Và cuối cùng, vẫn không thể không nói đến điều này, Google Reader không thể làm được điều mà nó không thể làm - có nghĩa rằng nếu bạn có một web, một blog mà không cung cấp tính năng RSS thì Google Reader tạo ra được cái RSS đó. Nhưng cũng không hẳn là như vậy, với toàn bộ các blog của Sky.vn thì tôi nhận thấy chúng có khả năng RSS thông qua địa chỉ dạng: http://blogging.sky.vn/feed (blogging ở đây là một ví dụ về một blog thủ thuật của nhà cung cấp dịch vụ Sky.vn, bạn đang dùng Sky.vn thì có thể tay từ này bằng địa chỉ thực của blog bạn (và sau đó thêm phần /feed nữa mà thôi).

Chú thích:

1^. RSS là gì, entry giải thích một chút cơ bản về RSS, trên blog này.

Xem thêm:

Google Reader, mục từ cùng tên trên Wikipedia tiếng Anh, (en)

Google Reader blog, Blog của Google Reader, sử dụng chính blog của hãng Google, (en)

Trương Mạnh An (21-22/6/2008)

20/6/08

RSS là gì

RSS

Lần đầu tiên gặp biểu tượng này, tôi chẳng biết nó là gì, và có lẽ đến bây giờ cũng vậy, tôi chỉ biết ứng dụng nó một cách triệt để mà thôi. Nhưng rồi đã viết thì nên giải thích nó một chút, tìm hiểu về nó một cách chính thống để có thể chia sẻ với bạn một cách quy củ một chút. Bởi vì tôi nhận thấy trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì RSS khá hữu ích cho việc chọn lọc đọc tin tức cho mỗi người một cách hiệu quả nhất. Nếu như đã quen thuộc với việc quản lý tin tức, blog với RSS của các website, blog thì bạn sẽ nhận thấy rằng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà vẫn có thể kiểm soát được nhiều nguồn tin tức, blog khác nhau.

Lưu ý rằng, do không có chuyên môn về lập trình web nên những cách trình bày dưới đây chỉ là sự hiểu của tôi về nó, nó không chứa đựng những từ chuyên nghành, và có thể có nhiều sai sót.

RSS THEO CÁCH HIỂU ĐƠN GIẢN

Một lần, tôi đã nghe người ta nói với nhau rằng "bây giờ toàn đọc các blog hoặc đọc tin qua RSS", tôi cũng chẳng hiểu nó là cái gì, ra làm sao, có ích lợi gì cho mình. Tôi vẫn thích cách đọc tin trên Internet một cách truyền thống, đó là: ghi nhớ hàng đống địa chỉ các trang web bằng bookmark của Firefox hoặc Favorites của Internet Explorer.

Rồi một hôm, tôi vào một trang web, và để ý đến một dòng chữ nhỏ RSS, tuy nhiên lần này cái tư duy cũ kỹ của tôi cũng không đòi hỏi tôi tìm hiểu về nó. Rồi một lần khác, rồi một lần khác nữa tôi lại thấy các biểu tượng quen thuộc đó. Thế này thì không ổn rồi, nếu không biết về nó thì có lẽ là tôi đã lạc hậu so với thời đại. Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu về nó. Dưới đây là các bước trong quá trình mà tôi tìm hiểu về RSS.

Trang web cuối cùng mà tôi bắt đầu chú ý để tìm hiểu đến nó là Việt Nam Net, nó có một liên kết RSS và mục nhỏ "RSS là gì"[1], thật là may vì đã có những thông tin đầu tiên đối với tôi, xin chép nội dung chính của ý này ra đây:

RSS là gì? RSS (Really Simple Syndication) là định dạng dữ liệu dựa theo chuẩn XML được sử dụng để chia sẻ và phát tán nội dung Web. Việc sử dụng các chương trình đọc tin (News Reader, RSS Reader hay RSS Feeds) sẽ giúp bạn luôn xem được nhanh chóng tin tức mới nhất từ VietNamNet.vn. Mỗi tin dưới dạng RSS sẽ gồm: Tiêu đề, tóm tắt nội dung và đường dẫn nối đến trang Web chứa nội dung đầy đủ của tin.

À ra thế, đến đây thì tôi nghĩ rằng đã hiểu một chút về nó: Theo cách hiểu thô của tôi là nó sẽ là một trang tóm tắt các nội dung bài ở một trang web nào đó, nó có tên đầu mỗi bài và một phần trích dẫn, giới thiệu sơ qua về bài đó để người ta có thể lựa chọn đọc hoặc không đọc (tất nhiên là tôi vẫn chưa tin ngay những điều này, mà còn củng cố chúng sau khi đọc bài giải thích về RSS trên wikipedia nữa[2], nếu như bạn muốn đọc thêm, mở rộng sự hiểu biết về chúng, bạn có thể xem phần "Xem mở rộng thêm" ở mục dưới, tôi thấy chúng đều hay, nhưng nó lại không phải hướng chính trong entry này của tôi nên không đề cập chi tiết vào nó).

Tôi đã bấm vào một liên kết chứa RSS đó của trang Việt Nam Net, thật diệu kỳ rằng nó đã hiển thị một danh sách các bài viết mới của tờ báo điện tử này. Nào, thử ví dụ xem sao, đây, trang này là liên kết mà tôi đã bấm vào: http://vietnamnet.vn/rss/vnn_trangnhat.rss bạn có thấy điều gì không? Một trang web đã mở ra như một mục lục cho bạn lựa chọn xem tất cả các bài được đặt ở Trang nhất của báo điện tử Việt Nam Net. Tất nhiên là tôi không rõ được bạn đang dùng trình duyệt nào nên không thể đoán trước được bạn đã nhìn thấy gì, nhưng rõ ràng rằng nó đủ tóm tắt cho bạn có thể lựa chọn định đọc bài nào.

Thật tuyệt phải không, ví dụ bây giờ bạn muốn đọc các trang tin của các blog trên Yahoo! 360, hãy vào trang chủ của một blog nào đó để tìm nút RSS nho nhỏ ở đâu đó và thử thực hiện xem sao. Tôi lấy một blog của anh Lê Trung Nghĩa (mà có dịp tôi đã giới thiệu về lời ngỏ của anh trên blog này)[3] và tôi đã thấy nút RSS nho nhỏ trên blog của anh có địa chỉ như thế này: http://blog.360.yahoo.com/rss-LU.CUQA9b6gRyol5jVT. Hãy bấm vào đó, và bây giờ bạn thấy sao? Rất nhiều bài viết được liệt kê trên trình duyệt của bạn mà không cần phải trực tiếp vào blog của anh để đọc nội dung, lúc này trang RSS với các blog của Yahoo! 360 lại trở thành chính trang blog ấy.

Từ phần "RSS với" ở mục bài đăng, bạn có thể bấm vào chúng để xuất hiện một hàng thả xuống. Chọn vào phần Atom ở dưới cùng để ra trang RSS trên trình duyệt web đang dùng.

(Nếu bạn đã hiểu thì có thể sụng dụng RSS này quản lý với các dịch vụ được liệt kê ở phía trên)

Ví dụ đối với blog này: Vào trang chính của blog hoặc theo địa chỉ.

Thật thú vị, nếu như chủ nhân blog viết đầy các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh hoặc các plug-in (những tiện ích được nhúng vào) khiến cho bạn nạp đầy đủ trang blog đó rất khó khăn thì bây giờ lại được hiển thị đầy đủ trên trình duyệt của bạn. Tuy nhiên, không phải blog nào cũng cung cấp RSS chứa đầy đủ nội dung, mà tuỳ thuộc vào sự thiết đặt mà người chủ nhân blog đó có cho phép bạn đọc toàn bộ hay là chỉ đọc một phần giới thiệu ngắn gọn như trường hợp đối với trang tin của Việt Nam Net đã nói ở trên.

Tôi quảng cáo một chút cho blog của tôi khi mà lấy ví dụ này: Bạn thử sử dụng RSS với blog của tôi, nó có địa chỉ: http://minhlinh36.blogspot.com/feeds/posts/default và nhìn hình minh hoạ với Firefox 3 thì bạn thấy rằng nó đã không hiển thị đầy đủ nội dung các entry - bởi vì tôi đã không thiết đặt tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó (xin giải thích một chút về nguyên nhân: Bởi tôi không muốn trang chủ của blog chứa nội dung rất dài để có thể hiển thị 10 bài ở dạng tóm tắt nội dung giúp người đọc có thể lựa chọn trước khi đọc mà không cảm thấy bắt buộc phải đọc những thứ không hứng thú đối với mình).

Tuy nhiên, với các blog chuyên một chủ đề nào đó, bạn sẽ thấy việc thiết lập hiển thị đầy đủ nội dung entry sẽ rất thuận tiện cho người đọc trực tiếp dạng FEED trên trình duyệt hoặc đọc qua các phần mềm đọc định dạng RSS (trong bài sau tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể về blog của anh Lê Trung Nghĩa để thây việc đọc các blog của Yahoo360 thuận lợi như thế nào trên Google Reader).

Cách thức xem các RSS của các blog trên nền Blogger như sau: Từ địa chỉ của blog (ví dụ của blog tôi là http://minhinh36.blogspot.com thêm vào phần /feeds/posts/default vào phía sau của địa chỉ này, bạn sẽ ra được một hình giống như hình (phía dưới)

Nếu như bạn không muốn copy phần đuôi loằng ngoằng như nêu trên thì bạn có thể sử dụng cách sau thực hiện như hình minh hoạ bên phải:

Khi bạn nhìn thấy hình này, bạn sẽ thấy chúng hiển thị thật đơn giản: Nội dung của blog không còn màu mè, cầu kỳ hoặc các nội dung rườm rà khác. Lúc này bạn có thể lựa chọn cho mình entry phù hợp mà không phải mất nhiều thời gian tải về những thứ không phù hợp trên blog của tôi đối với bạn. Không những thế, feed lại cho phép bạn có thể tìm được nhiều trang hơn theo các loại mà bạn không cần lật nhiều trang trực tiếp trên blog, thật nhanh chóng phải không.

Tuy nhiên thì RSS trong trang này vẫn còn có một nhược điểm rằng chúng chỉ thống kê đối với 25 entry gần nhất mà không phải là toàn bộ blog. Nếu bạn sử dụng RSS này với Google Reader thì sự lưu sẵn các phần RSS sẽ khiến bạn có thể tìm được các phần đầu của entry cũ hơn của blog được liệt kê.

Đến đây thì chắc bạn đã hiểu được tiện ích của RSS là thuận tiện như thế nào cho việc đọc tin tức hoặc các entry trên blog một cách chọn lọc thông qua các hiển thị theo kiểu mục lục. Tất nhiên là bạn sẽ không thể sử dụng các địa chỉ này bằng cách viết chúng ra giấy, bởi vì bạn sẽ sử dụng tính năng bookmark một cách nhanh chóng hơn thay thế cho việc gõ lại địa chỉ. Nhưng đó vẫn chưa phải là cách hay để bạn có thể quản lý các địa chỉ RSS bởi vì hầu hết các trình duyệt web hiện nay đều đã được tích hợp tính năng quản lý RSS, tôi chưa sử dụng nhiều trình duyệt để có thể khẳng định điều này, nhưng chắc chắn rằng trên Mozilla Firefox từ phiên bản 2 đến phiên bản 3 và trên Internet Explorer đều có các tính năng đó.

QUẢN LÝ RSS TRÊN TRÌNH DUYỆT

Không đơn thuần là bạn sẽ dùng rss để đọc một vài trang web, tôi nghĩ rằng bạn sẽ sử dụng nó cho rất nhiều trang web hay blog khác nhau bởi vì khi nhận ra nhiều lợi thể của phương pháp quản lý bằng RSS thì bạn sẽ thích thú đến nó thay vì duyệt nhiều trang web trong một lúc. Đến lúc này thì có lẽ bạn nên sử dụng tính năng quản lý các RSS trên trình duyệt ưa thích của mình (ví dụ nếu bạn thích Internet Explorer, Firefox hoặc Google Chrome)

Quả là hạn hẹp khi tôi chỉ nói đến hai trình duyệt được dùng phổ biến nhất hiện nay, đó là Internet Explorer 7.0[5] và Mozilla Firefox 3 (hoặc phiên bản 2). Chúng có các kiểu quản lý khác nhau mà không thể viết theo cách chung được. Các phiên bản trình duyệt khác thì tôi nghĩ rằng nó có lẽ cũng gần tương tự như của Firefox. Cũng xin lưu ý rằng cho đến thời điểm thử nghiệm hiện tại của trình duyệt Google Chrome (phiên bản được xây dựng 2200) thì có vẻ như chúng đã chưa hỗ trợ XML và không hiển thị đầy đủ.

Đối với Firefox 3

Bạn đã nhìn thấy chúng được thể hiện trên hình ảnh minh hoạ phía trên về blog của tôi. Ở đây thì bạn thấy có các lựa chọn trong mục "Subscribe to this feed using..." với các lựa chọn theo kiểu thả xuống, ở bản Firefox 3 thì tôi thấy có các dịch vụ của Bloglines, My Yahoo, Google (các hãng khác) và Live bookmarks của chính Firefox.

Với lựa chọn với Live bookmarks thì bạn sẽ thực hiện feed của một website hay blog giống như việc bạn ghi nhớ bất kỳ trang web vào bookmark của Firefox. Ở đây thì tôi khuyên bạn rằng nên lập các thư mục riêng để quản lý chúng một cách triệt để nhất, tránh để mọi thứ hỗn độn nhau khiến chính bạn tìm lại chúng khó khăn.

Như vậy thì việc sử dụng Live bookmark có gì khác so với việc thêm một liên kết như những trang web thông thường? Tôi cũng không hiểu có gì khác ở thời gian trước đây, nhưng sau đó mới chú ý đến việc có từ "Live" (sống) trong cụm từ Live bookmark. Nó có nghĩa là chúng tự động đọc các RSS này theo các thời gian mà ta thiết đặt trên trình duyệt.

Đối với Internet Explorer 7

Internet Explorer 7 (còn gọi tắt là IE7) thì chế độ quản lý RSS của nó có khá hơn Live bookmark của Firefox đối với blog của tôi. Nó đã hiển thị cả các tag được găn vào blog khiến cho bạn càng cảm thấy chúng tiện lợi và giống một blog giản tiện, thu nhỏ hơn. Việc hiển thị cả các tag đã khiến cho tôi nghĩ rằng IE đã quản lý tốt RSS tốt hơn là Firefox bởi vì chúng đã có cả các phần "Filter by category" (lựa chọn xem theo các chủ đề riêng biệt) như hình (mà chúng là các tag mà tôi gắn vào mỗi entry trên blog của tôi).

Hình này cho thấy rằng việc quản lý các RSS trên IE7 bằng một dấu hiệu hình ngôi sao màu vàng ở phía bên trái phần hiển thị các tab. Ở đây do không sử dụng trình duyệt để quản lý các RSS nên tôi có mỗi một RSS của tôi làm ví dụ, nhưng nếu bạn quen sử dụng nó thì có thể có rất nhiều RSS với các nội dung khác nhau và được quản lý hiệu quả trong các thư mục với tên thư mục đó mang ý nghĩa một chủ đề mà bạn quản lý.

ƯU NHƯỢC ĐIỂM KHI QUẢN LÝ RSS BẰNG TRÌNH DUYỆT

So sánh với các tiện ích quản lý RSS một cách chuyên nghiệp như Google Reader, Bloglines, My Yahoo thì việc quản lý bằng trình duyệt web có các mặt ưu điểm và nhược điểm sau:

Ưu điểm:

  • Vì quản lý trực tiếp trên máy tính của người sử dụng nên không bị phụ thuộc vào tiện ích của hãng cung cấp.
  • Có thể biết được tình trạng kết nối trực tiếp vào site có RSS từ máy tính của người sử dụng. Khi mà các tiện ích trung gian có thể lấy các RSS từ
  • Tức thời hơn so với dùng tiện ích nói trên. Bất kỳ một sự thay đổi nào mới trên web mà người sử dụng cũng có thể biết được ngay nếu người sử dụng quan tâm và click vào mục quản lý của web đó.

Nhược điểm:

  • Không tiện lợi bằng dùng các tiện ích chuyên cho quản lý các RSS.
  • Khó nhận biết một nội dung đã được đọc rồi hay chưa đọc
  • Nhược điểm khác thì...mời bạn xem thêm phần ưu điểm của entry viết về Google Reader trên blog này để thấy được mặt ưu điểm của nó, khi ấy, bạn sẽ tự nhận ra được nhược điểm của phương pháp quản lý RSS trên các trình duyệt.

Và đến đây, tôi nghĩ rằng bạn đã đủ hình dung về RSS một cách đơn giản nhất. Bạn có thể thất vọng khi thông tin này không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn? Đúng là thế nếu bạn là người học về lập trình web hoặc "dân IT" chính cống. Còn tôi, một người không học về IT, tự tìm hiểu tất cả, chỉ mong rằng bài này đến với những người như tôi để giảm bớt khó khăn khi tiếp cận với các công nghệ web mới. Cũng như thế, có thể rằng với nhiều entry trên blog này cũng có tôn chỉ như vậy "Biết đến đâu, nói đến đó. Người biết nhiều truyền lại cho người biết ít, và người biết ít truyền lại cho người không biết gì" - và bạn biết thế nào? dù chỉ chút ít, bạn cũng có thể truyền những kinh nghiệm cho mọi người, bởi vì chưa chắc mọi người đã biết điều bạn biết dù là sơ đẳng nhất về vấn đề bạn viết! Cám ơn bạn.

MỘT SỐ RSS CỦA CÁC BÁO ĐIỆN TỬ THÔNG DỤNG

Việt Báo Việt Nam: Trang thông tin tổng hợp nhiều tin tức, phần lớn trang này được sưu tầm từ các trang khác.

Báo điện tử Tổ quốc: Báo điện tử thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch VN.

Việt Nam Net: Báo điện tử thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông VN.

Tuần Việt Nam: Một mục của Việt Nam Net.

ICT News: Tin nhanh CNTT-TT của Bưu điện VN.

Dân trí Online: Báo điện tử của Hội khuyến học VN.

CHÚ THÍCH:

1^. RSS là gì, trên Việt Nam Net. (Lưu ý rằng các phần mềm ở đây giới thiệu đã có thể lỗi thời, hiện nay có rất nhiều phần mềm khác tốt hơn)

2^. RSS (định dạng tập tin), mục từ trên Wikipedia tiếng Việt, trên Wikipedia tiếng Anh.

3^. Blog của anh Lê Trung Nghĩa, tôi lấy blog này làm ví dụ vì biết chắc chắn rằng anh không bao giờ có các entry mang nội dung không lành mạnh để làm ảnh hưởng đến entry này của tôi^^.

4^. Google Reader, tiện ích quản lý RSS của Google, bạn cần có tài khoản email của Gmail để sử dụng dịch vụ này, nếu chưa có tài khoản, bạn có thể dễ dàng đăng ký sử dụng nó.

5^. Trình duyệt IE7 đã được cung cấp miễn phí đối với mọi phiên bản Windows XP-SP2 trở lên mà không còn yêu cầu chứng thực phải sử dụng trên hệ điều hành hợp pháp (như phiên bản trước đây của nó yê cầu), do đó bạn nên sử dụng nó thay thế cho phiên bản IE6 trước đây để tăng cường tính bảo mật hơn.

Xem mở rộng thêm:

What Is RSS, viết bởi Mark Pilgrim đăng trên XML.com, December 18, 2002 (en)

Lấy tin tức "nóng" nhất từ Web, đăng trên GP Giải pháp trực tuyến.

MỜI XEM THÊM:

Quản lý RSS với Google Reader, trên blog này, nêu rõ hơn về ưu điểm dùng blog mà không đơn thuần chỉ giới thiệu Google Reader.

Trương Mạnh An (20-21/6/2008)

10/6/08

Ổn áp nghiến răng

Hôm trước tôi lại thấy cái ổn áp nó nghiến răng lẹt kẹt cả buổi chiều. Kệ nó. Nhưng rồi đến lúc phải bật máy tính lên làm việc, thôi dành phải chuyển hệ điện gia đình sang dùng trực tiếp không qua ổn áp thôi vậy, không dám dùng ổn áp bởi thế này thì nguy hiểm quá.

Bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao cái ổn áp lại "nghiến răng" vậy không? Và tại sao tôi lại thấy điều này là nguy hiểm?

Sơ đồ nguyên lý máy biến áp

Trước tiên là nói đến cách gọi tên "cái ổn áp" đang được nói đến ở đây trong kỹ thuật được gọi theo một cách khác đầy đủ hơn là "thiết bị tự động ổn định điện áp xoay chiều một pha", không biết gọi thế có đầy đủ hay không, nhưng sẽ đại loại là như vậy. Và cũng thú thật rằng từ "nghiến răng" này tôi đã đọc được ở một nơi nào đó và thấy nó diễn đạt khá hay hay về sự làm việc của chiếc ổn áp hiệu LiOA của nhà tôi mỗi khi chúng phải điều chỉnh điện áp liên tục.

Thế nào gọi là ổn áp? Nói đến ổn áp là nói tắt cho "sự ổn định điện áp", mà vậy thì chung chung quá, sự ổn định điện áp trong các mạch điện tử một chiều, sự ổn định điện áp cho lưới điện dân dụng xoay chiều một pha, sự ổn định điện áp cho hệ thống điện xoay chiều ba pha trong các nhà máy công nghiệp (hoặc các xưởng nhỏ cũng sử dụng điện 3 pha này). Ở đây tôi đang nói đến mức điện áp xoay chiều một pha trong đời sống hàng ngày...

Nói thế vẫn khó hiểu. bây giờ nhắc lại một chút kiến thức cơ bản của học sinh cấp ba (hoặc là cấp hai cũng không chừng, bởi vì lâu rồi không ngó đến sách giáo khoa hiện nay): Dòng điện xoay chiều của chúng ta đang sử dụng có một mức hiệu điện thế giữa hai cực là một tham số nhất định phù hợp với các thiết bị tiêu thụ điện. Trong điều kiện lý tưởng thì chúng phải giữ nguyên mức điện áp đó, tuy nhiên do các điều kiện khác nhau mà mức này lại thay đổi cao thấp thất thường, do đó chúng ta phải sử dụng các thiết bị để làm cho chúng ổn định ở trong phạm vi gia đình của mình.

Ta biết rằng nguyên lý của máy biến thế là có một cuộn dây sơ cấp và một cuộn dây thứ cấp như hình phía trên, khi cho một điện áp xoay chiều ở đầu vào thì sẽ có mức điện áp xuất hiện ở đầu ra (đọc thêm phần liên kết ngoài). Nhưng các ổn áp hiện nay thì không thực hiện như thế, bởi vì chúng cần phải thay đổi liên tục một thông số đầu vào và muốn có đầu ra cố định. Thực tế có thể làm được điều này hay không nếu như vẫn sử dụng biến áp như trên? Có, nhưng chúng cần đến ba biến áp tách rời, và một hệ mạch điện tử - tôi đã gặp chúng trong một chiếc ổn áp công suất 315W của Liên Xô (cũ) thời trước đây. Cách này đã không được áp dụng trong các ổn áp ngày nay bởi giá thành cao, công suất thấp.

Bạn hãy nhìn đến hình dưới đây, đó là một bức ảnh về cấu tạo chính của một thiết bị ổn định điện áp xoay chiều một pha, chúng được quấn trên lõi hình xuyến để có thể thay đổi số vòng dây cuốn của cuộn sơ cấp (còn thứ cấp giữ nguyên) bằng cách tì một đầu tiếp xúc trên các vòng dây đó thường gọi là "chổi than". Một cơ cấu cơ khí chuyền động được điều khiển bằng mạch điện sẽ điều khiển chổi than di chuyển để lựa chọn số vòng dây đầu vào cho phù hơi với điện áp đầu ra. Sự di chuyển này đã phát ra tiếng kêu, tiếng kêu này rọt rẹt, xột xoạt hoặc cọt kẹt tuỳ theo từng loại khác nhau mà tôi đã nói là "nghiến răng" như phần đầu của bài viết này.

Thế thì có gì mà đáng ngại đâu. Hic, quan trọng là cơ chế điều khiển di chuyển của chổi than đó. Nó như thế nào đây?

Ta biết rằng để di chuyển chổi than đến vị trí thì cần chuyển động cơ khí, vì để thuân tiện cho chế tạo thì lõi biến áp dùng cho trường hợp này có hình tròn mà trục quay của chổi than trùng với tâm của đường tròn đó...

Đến đây thì bạn vẫn chưa hiểu tại sao nó lại cứ cọt kẹt nghiến răng như vậy. Quên mất tôi không nói ở đoạn đầu bài này rằng nhà hàng xóm của tôi đã làm một thứ gì đó rất ồn ào, tôi thấy rằng ánh chớp loé liên hồi và đều đặn. Hoá ra họ đang hàn một thứ gì đó bằng máy hàn điện hồ quang. Chính vì cái máy này mà điện áp của những nhà quanh khu vực bị dao động liên tục thấp khi đang hàn, cao trở lại mức điện lưới ở trạng thái bình thường. Chính vì vậy nên cái ổn áp mới cố gắng điều chỉnh liên tục để điện áp đầu ra là 220V~ theo như lưới điện mà địa phương tôi sử dụng. Sự điều khiển liên tục này đã khiến nó nghiến răng.

Thế thì có gì đáng ngại. Nhưng tôi giả sử rằng điện áp ổn định là 220V~, vì máy hàn điện có công suất lớn nên nó gây ra sụt điện áp trên đường dây điện quanh khu vực lân cận đó một mức điện áp là 180V~. Ổn áp của tôi điều chỉnh cho đầu ra là 220V~ thì phải có một hệ số giữa các vòng dây là 180/220, tất nhiên là tỷ số này bằng 0,181818181...rồi. Vậy thì khi người thợ hàn dừng, lại để chuyển đổi que hàn thì điện áp đầu vào lại là 220V~, lúc này ngay lập tức điện áp đầu ra sẽ là 180/220 = 220/xV~. Quá đơn giản để bạn tính ra xV~ có giá trị bằng 220x220/180 = 268V. Lúc này thì điện áp này đã xuất hiện ngay trên các thiết bị tiêu thụ điện của bạn. Ngay lập tức chiếc ổn áp sẽ bắt đầu hoạt động để đưa điện áp về mức 220V.

Để chổi than quay được, nhất thiết phải có một động cơ để quay - hoặc cái gì đó tương tự như động cơ để có thể gây chuyển động tròn được. Chắc chắn rằng động cơ này thì không thể có tốc độ cực kỳ cao nhưng lại có thể hãm lại cực kỳ nhanh trong điều kiện giá thành thấp được. Vậy nó phải có thời gian đáp ứng hơi chậm một chút khi muốn chuyển chổi than từ vị trí này sang một vị trí khác cách khá xa trong cái ổn áp tự động đó. Ở đây ta thấy rằng việc đưa điện áp đầu ra về mức 220V~ thì cần một khoảng thời gian cho chổi than quay về đúng vị trí của nó. Việc quay này không thực hiện tức thời, nên chúng ta sẽ thấy việc ổn áp chuyển mức điện áp đầu ra từ 268V về 220V cần có một thời gian nhất định để thực hiện điều chỉnh.

Như vậy khi điện áp đầu vào thay đổi liên tục thì điện áp đầu ra sẽ biến thiên theo, lúc này ổn áp không còn có tác dụng ổn định điện áp đầu ra nữa, mà nó lại có tác dụng làm cho sự dao động điện áp đầu ra một cách đột ngột và có khả năng đưa điện áp đầu ra tăng giảm bất thường so với mức điện áp thiết kế. Đây chính là điều mà tôi lo ngại khi đã viết ở đoạn đầu.

Như vậy thì khi mà bạn thấy chiếc ổn áp của bạn nghiến răng liên tục, bạn đừng nên dùng chúng nữa trong thời điểm đó, mà chuyển mạch điện gia đình mình sang trạng thái không sử dụng ổn áp. Tôi nghĩ rằng điều này không khó khăn, bởi khi thiết kế mạng điện trong gia đình thì nhiều người đã thiết kế cho việc có hoặc không sử dụng ổn áp. Tại sao? Bởi vì nếu không dùng ổn áp nữa thì dù điện áp có dao động đến mấy thì cũng chỉ giới hạn trong khoảng 180V - 220V~, đây là mức điện áp mà nhiều thiết bị vẫn có thể sử dụng được.

Xem thêm:

Các thế hệ ổn áp LiOA, trên blog này.

Máy biến thế, mục từ cùng tên trên Wikipedia tiếng Việt (bài còn rất sơ sài, mong bạn bổ sung giúp nó nếu có thể).

Transformer, mục từ trên Wikipedia tiếng Anh, khá đầy đủ

Trương Mạnh An (10/6/2008)

6/6/08

Các phương pháp tản nhiệt trong PC

Tản nhiệt máy tính, hay còn gọi cách khác là "giải nhiệt" hay "làm mát" trong máy tính (computer cooling) là các tên gọi khác nhau để nói đến hành động làm giảm nhiệt độ của các thiết bị trong quá trình làm việc của máy tính.

“Tản nhiệt” cho các linh kiện trong máy tính là hành động luôn được coi trọng từ các nhà sản xuất phần cứng, chúng luôn được thử nghiệm kỹ lưỡng để hệ thống có thể làm việc bình thường và phù hợp với môi trường khí hậu tại địa phương mà sản phẩm đó được dự định bán ra.

Luồng không khí đi lưu thông trong một vỏ máy tính kiểu ATXTôi không hi vọng rằng bài sẽ không liệt kê hết được toàn bộ các phương pháp, nhưng cố gắng đưa phần nào những quan sát của mình trong thời gian gần đây về các phương pháp tản nhiệt mà tôi đã gặp.

SỰ PHÁT SINH NHIỆT TRONG PC

Ta biết rằng mọi thiết bị sử dụng điện năng đều phát ra nhiệt bởi nhiệt năng được sinh ra trong quá trình truyền dẫn điện năng trong vật dẫn. Nói một cách dễ hiểu hơn, sự chuyển động của các electron hỗn loạn trong kim loại va đập vào các nút mạng trong cấu trúc tinh thể tạo ra nhiệt năng. Mọi thiết bị đều dùng dây dẫn dòng điện bằng kim loại hoặc các vật chất bán dẫn khác cũng sinh ra nhiệt khi làm việc.

Sự phát sinh nhiệt trong các thiết bị máy tính là điều luôn luôn không mong muốn. Một mặt khác khi nhiệt độ tăng lên đến một giới hạn chịu đựng nhất định thì các thiết bị này hoạt động sai thông số, không ổn định, có thể dẫn đến các sự cố cho hệ thống (ví dụ gây ngừng hoạt động, "treo" máy, hoặc hư hỏng thiết bị).

Trong hầu hết các phần cứng máy tính hiện nay, tôi chưa nhận thấy có một thiết bị, linh kiện nào nhận được sự có lợi, hoặc gia tăng hiệu năng làm việc khi nhiệt độ của chúng tăng lên (trên một giới hạn nào đó).

Nhưng cũng không phải là người ta không thích nhiệt độ, tôi đã nhìn thấy người ta nói đến một vài loại thiết bị dựa theo các ý tưởng khác thường sử dụng điện năng trong máy tính để đun nấu, hâm nóng thức ăn. Những thiết bị này không tận dụng lượng nhiệt toả ra từ các linh kiện máy tính, mà chúng sử dụng sự cung cấp năng lượng cho các thiết bị qua giao tiếp USB để nung nóng một dây điện trở cho mục đích phát nhiệt. Thật hài hước, nhưng tôi đã nhìn thấy vài bức ảnh về chúng, bây giờ khó có thể xác định chúng ở đâu, có vẻ như diễn đàn vOz thì phải.

Còn có linh kiện nào nữa phải làm việc với nhiệt độ mà nó không cần biết là lợi hay hại hay không? Vẫn còn, đó là các thiết bị cảm biến (sensor) nhiệt độ. Thiết bị này có mặt trong sự làm mát để đo lường lượng nhiệt phát ra của thiết bị nhằm kiểm soát và điều khiển các thiết bị khác hoạt động. Các cảm biến này có khá nhiều trong một chiếc máy tính: Ví dụ như:

  • Trong các bộ nguồn thiết kế tốt dùng để điều chỉnh tốc độ quạt làm mát.
  • Trong ổ cứng để kiểm soát nhiệt độ làm việc của ổ cứng
  • Đặt ngoài ở vỏ máy tính để kiểm soát nhiệt độ bên trong thùng máy, các cảm biến này không là một linh kiện đi theo các bo mạch chủ, mà chúng kèm theo các hệ thống điều khiển tốc độ quạt của một số vỏ máy tính.
  • Được tích hợp trên bo mạch chủ, thường thấy nhất trên các chip Super IO nhằm kiểm soát nhiệt độ của bo mạch chủ

CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN PHƯƠNG PHÁP TẢN NHIỆT

Trước khi bắt đầu vào liệt kê các phương pháp làm mát linh kiện trong máy tính, thử phân tích xem các yếu tố nào ảnh hưởng đến việc thiết kế, lựa chọn phương pháp làm mát các thiết bị. Nếu phân tích được các yếu tố này thì ta có thể định hướng được phương pháp làm mát một cách tối ưu cho từng loại thiết bị riêng biệt trong máy tính.

  • Yếu tố ảnh hưởng nhất đối với mọi hình thức tản nhiệt là nhiệt độ môi trường trong không gian chứa các máy tính cần tản nhiệt. Nếu như môi trường làm vệc thường xuyên xung quanh một máy tính có nhiệt độ cao (ví dụ thường xuyên ở 35 đến 40 độ C) thì cần xem xét tính toán các cách tản nhiệt cho máy tính đó để đảm bảo quá trình làm việc ổn định cho máy tính làm việc.
  • Các hình thức tản nhiệt có thể phát ra tiếng ồn ra môi trường làm việc của máy tính và con người làm việc với nó. Nếu chỉ làm việc với một thời gian ngắn thì các loại tiếng ồn có thể ảnh hưởng ở mức độ thấp mà người sử dụng thường có thể không chú ý đến. Nhưng nếu thường xuyên làm việc với máy tính hoặc trong một không gian làm việc có nhiều máy tính cá nhân cùng hoạt động và phát tiếng ồn lớn (hoặc làm việc lâu tại thời điểm tĩnh lặng ban đêm) thì sẽ thấy sự tiếng ồn phát ra từ các máy tính sẽ ảnh hưởng một phần đến con người và làm giảm hiệu suất làm việc. Do đó mọi thiết kế tản nhiệt của máy tính được tính toán đến giảm độ ồn đến tối thiểu.
  • Sự bảo trì hệ thống tản nhiệt: Hệ thống/thiết bị tản nhiệt này có làm việc suốt thời gian sống của nó mà không cần bảo trì hay không, cần thay thế sau thời gian nào...
  • Và cuối cùng là giá thành (đó là sự đương nhiên rồi), giá càng thấp thì càng tốt.

CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI NHIỆT TRONG PC

Mục đích của việc tản nhiệt trong máy tính là có thể truyền nhiệt độ từ một linh kiện phát nhiệt đến môi trường xung quanh. Quá trình tản nhiệt chỉ đạt mục đích khi lượng nhiệt sinh ra tại linh kiện phát nhiệt cân bằng với nhiệt lượng thoát ra môi trường ở một nhiệt độ nhất định của linh kiện phát nhiệt.

Tản nhiệt tự nhiên

Tản nhiệt tự nhiên được định nghĩa là phương pháp nói chung nhất cho mọi thể loại tản nhiệt theo hình thức không can thiệp bằng bất kỳ phương pháp nào.

Hình thức đơn giản nhất của tản nhiệt tự nhiên là: Để nguyên linh kiện mà không can thiệp. Hình thức này thường được sử dụng đối với một số bo mạch chủ các thế hệ trước đây khi không gắn tản nhiệt cho các chipset cầu nam (SB).

Gắn một phiến tản nhiệt bằng kim loại có khả năng tản nhiệt tốt cũng là phương pháp tản nhiệt tự nhiên. Tuy nhiên xét một cách kỹ lưỡng thì có thể không coi là tản nhiệt tự nhiên bởi chúng có thể được lợi dụng một số luồng gió được định hướng bên trong vỏ máy tính.

Mọi hình thức còn lại ngoài “tản nhiệt tự nhiên” có thể được coi là “tản nhiệt cưỡng bức”. Tản nhiệt cưỡng bức là hình thức tác động trực tiếp vào thiết bị, linh kiện cần tản nhiệt để làm hạ nhiệt độ của chúng khi làm việc. Tổng quát của mọi hình thức tản nhiệt bên trong vỏ máy tính đều được tản nhiệt một cách cưỡng bức bởi khối không khí di chuyển trong thùng máy tính hoàn toàn theo sự cưỡng bức. Tuỳ từng thể loại tản nhiệt cưỡng bức mà chúng được đặt tên thể loại riêng đặc trưng để tránh tạo thành thể loại quá rộng.

Tản nhiệt dùng quạt

Tản nhiệt dùng quạt là một hình thức tản nhiệt cưỡng bức. Thể loại này sử dụng các quạt nhỏ để lưu chuyển một luồng không khí từ phía sau của quạt đến phía trước chúng nhằm tản nhiệt cho các thiết bị.

Tản nhiệt dùng quạt thường phải thông qua các tấm, phiến tản nhiệt gắn trên thiết bị mà thông thường không làm mát trực tiếp thiết bị. Tuy nhiên trong một số trường hợp thiết kế thì việc lợi dụng luồng gió sau thiết bị được tản nhiệt chính vẫn có thể đi qua các thiết bị được làm mát một cách "vô tình" khác nữa - thì các thiết bị này không nhất thiết phải gắn các tấm, phiến tản nhiệt.

Tản nhiệt dùng chất lỏng

Tản nhiệt dùng chất lỏng sử dụng tính chất dẫn nhiệt của chất lỏng để truyền nhiệt từ linh kiện, thiết bị phát nhiệt đến một thiết bị tản nhiệt tự nhiên hoặc cưỡng bức khác.

Thường gặp nhất là các loại tản nhiệt dùng chất lỏng từ CPU, GPU, chipset cầu bắc (NB) đến một cụm thiết bị tản nhiệt cưỡng bức (gắn trong vỏ máy tính hoặc gắn phía ngoài).

Một số cụm thiết bị tản nhiệt đầu cuối của hệ thống này sử dụng phương pháp tản nhiệt tự nhiên bằng cách lưu chứa chất lỏng trên một thiết bị có các cánh tản nhiệt. Tuy nhiên thiết bị tản nhiệt đầu cuối kiểu này thường không có hiệu quả ngay ở cả một số quốc gia có nhiệt độ môi trường thấp, một số thử nghiệm tại diễn đàn VOZ (của Việt Nam) đã cho thấy điều đó.

Sơ đồ nguyên lý một hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng cao cấp của Thermaltake [Nguồn ảnh]

Tản nhiệt dùng ống dẫn nhiệt

Đây là phương pháp truyền nhiệt thì đúng hơn, chúng sử dụng các ống dẫn nhiệt chứa chất lỏng bên trong lòng nó, lợi dụng sự dẫn nhiệt tốt của chất lỏng và sự di chuyển chất lỏng thành từng lớp mà người ta đã sử dụng phương pháp này.

Hiện nay, đa số các bo mạch chủ, bo mạch đồ hoạ có chất lượng từ mức trung bình trở lên đều thấy có các ống dẫn nhiệt. Chúng từ xuất hiện cho đến tạo ra nhiều biến thể mới càng làm phong phú thêm cho các hình thức tản nhiệt.

Tản nhiệt dùng các môi chất đặc biệt

Làm mát bằng nitơ hoá lỏng

Phương pháp tản nhiệt dùng các môi chất đặc biệt thường không được sử dụng thường xuyên ở các máy tính, ngay cả đối với các overclocker kỳ cựu nhất, bởi giá thành của các môi chất này thường rất đắt.

Phương pháp này thường chỉ sử dụng trong các cuộc trình diễn hoặc khi lập các kỷ lục về overclock, cách sử dụng thường mang tính thủ công (không tự thực hiện trong toàn bộ quá trình làm việc lâu dài với máy tính), phải thường xuyên chú ý và có các biện pháp thực hiện đặc biệt.

Phương pháp tản nhiệt dùng môi chất có nguyên lý dựa trên một tính chất của chất lỏng – “chất lỏng lạnh đi khi bay hơi” – đây cũng là nguyên lý của các máy máy làm lạnh trong đời sống khi làm giãn nở đột ngột một chất lỏng bằng các máy nén. Không giống như vậy, phương pháp dùng dung môi này dựa trên tính chất bay hơi nhanh của một số môi chất đặc biệt để làm lạnh các thiết bị cần hạ nhiệt.

Thường thấy nhất là phương pháp tản nhiệt bằng nitơ hoá lỏng. Trong một số cuộc trình diễn thì nitơ hoá lỏng có thể hạ nhiệt độ tức thời xuống nhiệt độ âm rất sâu, do đó có thể làm mát ngay lập tức các thiết bị toả nhiều nhiệt.

Tản nhiệt bằng máy lạnh

Đây có vẻ là một phương pháp tản nhiệt khá đắt tiền đối với một chiếc PC thông thường, nhưng nó đã được sử dụng bởi một số người ép xung. Trên thực tế thì tôi chưa nhìn thấy một hệ thống như vậy, cũng chưa có ai chụp ảnh chúng để đưa lên các website, nhưng trong cuốn sách của Scott Mueller thì tôi đã thấy một hình ảnh như thế.

Một hình thức tản nhiệt khác bằng máy lạnh thì thường gặp hơn trong thực tế, đó là việc lắp đặt những máy lạnh không khí (điều hoà nhiệt độ) để làm mát toàn bộ môi trường làm việc của chiếc máy tính đó. Hầu hết các phòng chứa máy chủ đều thực hiện cách này, các máy lạnh chạy suốt chu kỳ sống của nó để đảm bảo phòng đủ nhiệt độ ở mức cân bằng với nhiệt toả ra. Ở đây, việc sử dụng máy tính trong một phòng làm việc có điều hoà nhiệt độ cũng là một hình thức tương tự.

KẾT HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP TẢN NHIỆT

Khi muốn tản nhiệt cho toàn bộ một hệ thống máy tính một cách tối ưu nhất, không gây ồn lớn khi làm việc, cần sử dụng mọi hình thức tản nhiệt một cách hợp lý. Kết hợp các phương pháp tản nhiệt hiện nay thường là:

  • Ngay trong khâu thiết kế vỏ máy tính đã chú trọng đến sự lưu thông không khí trong thùng máy. Tính toán sự chảy tầng và chảy rối của dòng khí nhằm định hướng luồng gió một cách tối ưu nhất.
  • Liên kết dẫn nhiệt trong các linh kiện trong máy tính.
  • Kết hợp tản nhiệt bằng chất lỏng.

Trên thực tế thì các máy tính đồng bộ hàng hiệu của một số hãng đã luôn luôn kết hợp các phương pháp tản nhiệt khác nhau cho một hệ thống của mình. Do việc tính toán thiết kế của chúng nhắm vào phần số những người sử dụng (tức là coi họ không có các hành động tháo lắp thường xuyên các thiết bị, linh kiện trong máy tính) nên sản phẩm máy tính nguyên chiếc này thường rất tối ưu trong tản nhiệt. Chúng có thể chứa đựng các thanh hướng gió, hút gió rất hiệu quả qua các linh kiện, và làm giảm tiếng ồn tới mức thấp nhất khi các máy tính làm việc.

THAM KHẢO

- Upgrading and Repairing Pcs, 17th Edition, Scott Mueller (ISBN-10: 0789734044); Có thể mua tại Amazon (phiên bản mới nhất: ISBN-10: 0789719037)

XEM THÊM

Computer cooling, mục từ trên Wikipedia tiếng Anh;

Lưu ý khi gắn bộ tản nhiệt CPU nguyên bản, trên blog này

Trương Mạnh An (2008)

(Lưu ý: Bài đã được tôi đưa lên một số website, hiện nay đăng lại và có sửa chữa, bổ sung, nhưng chưa hoàn thiện)