7/11/10

Kích điện dùng ắc quy (inverter)

“Kích điện” là một cách gọi tắt và không chính thống của thiết bị điện dùng biến đổi điện được lưu trữ bằng ắc quy sang điện gần giống với lưới điện thông thường. Tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng và các vị trí lắp đặt mà kích điện có lợi thế hơn so với máy phát điện. Việc so sánh này mình đã thực hiện trong một bài trước, còn bài này tôi xin trình bày về phần kích điện qua những gì mà tôi biết.

Những đặc tính cơ bản của kích điện

Khác với loại “kích điện” mà một số người đã dùng để đánh bắt cá hàng loạt trước đây (mà cũng chính từ các loại đó mà có lẽ mới có tên là 'kích điện'), loại kích điện dùng trong dân dụng có các đặc tính kỹ thuật cơ bản sau:

  • Sử dụng ắc quy (12V, 24V hay 48V hoặc cao hơn tuỳ thuộc vào công suất)
  • Điện áp đầu ra có đặc tính giống như điện áp của lưới điện quốc gia: 220V, xoay chiều, tần số 50 Hz. Riêng phần dạng sóng điện đầu ra được trình bày sau bởi chúng tuỳ thuộc vào từng loại kích điện và nhu cầu sử dụng khác nhau.
Các đặc tính này xuất phát từ yêu cầu thông thường về nguồn điện của các thiết bị sử dụng điện trong dân dụng hàng ngày, tuy rằng không phải tất cả các thiết bị dùng điện đều có yêu cầu trên, nhưng để tương thích với phần lớn các thiết bị điện nên chúng bắt buộc phải có các thông số như vậy.

Nguyên lý làm việc của kích điện

Dưới đây liệt kê một số nguyên lý cơ bản đang được sử dụng trong các kích điện trên thị trường:

  • Biến đổi từ điện ắc quy một chiều sang điện xoay chiều 220V thông qua các transitor công suất và biến áp sắt từ ở tần số 50 Hz (bước biến đổi DC-AC, xin vui lòng xem các sơ đồ khối chính của các bước biến đổi trong bài UPS trên blog này). Loại này có hai sơ đồ nguyên lý khác nhau: Một loại giống như hình bên phải và một loại giống như cầu H (trình bày phía dưới) để tạo ra điện áp xoay chiều tại cuộn sơ cấp của biến áp sắt từ - do đó tại cuộn này thì biến áp chỉ có hai đầu dây.
  • Biến đổi điện theo hai bước: từ điện một chiều ắc quy ở mức thấp (12, 24, 36...Vdc) sang điện một chiều ở mức điện áp cao (khoảng 310-350Vdc) thông qua mạch dao động tần số cao và biến áp xung (bước biến đổi DC-DC), rồi từ điện một chiều điện áp cao điều tiết qua cầu H để thành điện xoay chiều 220Vac sử dụng trong dân dụng (tức bước biến đổi DC-AC).
Tuỳ loại nguyên lý làm việc mà kích điện được tạm phân ra thành hai loại: Loại biến đổi một bước, sử dụng biến áp sắt từ - thường gọi là kích điện từ (hoặc gọi là 'kích cơ' - tại sao lại gọi là kích cơ thì tôi trình bày tại phần hướng dẫn sử dụng ở dưới) và loại biến đổi hai bước – thường gọi là kích “điện tử”. Nói là tạm phân loại bởi đây không phải các cách gọi chính thống trong kỹ thuật, nhưng cách phân loại này sẽ có ích trong bài viết này để giảm thiểu việc nhắc lại nhiều lần.

Kích điện từ (kích cơ)

Hình bên giải thích phần nguyên lý của kích điện điện từ. Nếu nhớ lại kiến thức vật lý đã học một chút thì ta thấy rằng muốn tăng điện thế thì cần phải có biến áp (trừ một số trường hợp đặc biệt có thể không) mà biến áp lại chỉ hoạt động với dòng điện xoay chiều.

Để biến đổi thành dòng điện xoay chiều thì các đơn giản và thô thiển nhất là dùng một công tắc như hình trên và một biến áp: Khi chuyển đổi nhanh và liên tục công tắc sang các vị trí lên và xuống, ta sẽ có dòng điện lần lượt chạy vào nửa cuộn dây sơ cấp biến áp, tại cuộn thứ cấp (ghi chữ output) sẽ có điện áp xoay chiều có tần số tương ứng với tần suất chuyển mạch.

Tất nhiên chẳng ai lại dùng tay để vận hành kích điện một cách liên tục như vậy nên người ta đã sử dụng các linh kiện điện tử để thay cho việc chuyển mạch này. Bạn xem hình trên-phần phía dưới về một dạng mạch khác tự động hơn. Loại kích điện điện từ có mạch như vậy thường được biết đến khá lâu trước đây (tôi thấy trong các cuốn sách điện tử tại Miền Nam xuất bản những năm 197x đã thấy các mạch điện tương tự).

Kích điện tử

Đối với loại kích “điện tử”, mạch điện cấp thứ nhất (DC-DC) cũng có nguyên lý giống như kích điện từ, nhưng thay vì hoạt động ở tần số 50 Hz thì kích loại này sử dụng tần số cao hơn nhiều lần để có thể sử dụng loại biến áp xung có hiệu suất cao và kích thước nhỏ gọn. Sau biến áp xung, dòng điện xoay chiều tần số cao được nắn thành điện một chiều để phục vụ mục đích biến đổi thành điện xoay chiều với tần số 50Hz phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuỳ theo công suất của kích điện mà kích điện tử có thể dùng một hay nhiều các biến áp xung.

Cấp thứ 2 của kích điện tử là biến đổi điện một chiều thành điện xoay chiều với tần số phù hợp với lưới điện quốc gia (50Hz). Phần mạch biến đổi thành xoay chiều ở cấp tiếp theo này không cần sử dụng biến áp nữa bởi chúng không cần tăng thêm điện thế, mà chỉ cần dùng các linh kiện điện tử thay đổi chiều đi qua tải của dòng điện đầu ra. Vậy làm thế nào để biến đổi điện một chiều thành xoay chiều được? Lấy một ví dụ đơn giản và thô thiển như thế này: Bạn có một ắc quy, muốn cấp dòng xoay chiều qua một cái bóng đèn thì có thể nối hai cực ắc quy đó vào bóng đèn, rồi ngắt dây ra đổi ngược lại cực ắc quy, rồi lại đổi xuôi, đổi ngược cứ thế trong thời gian cực nhanh, bạn sẽ tạo ra một dòng điện xoay chiều đi qua bóng đèn.

Trên thực tế thì nguyên lý mạch điện tử biến đổi điện một chiều thành xoay chiều lúc này qua cầu H như sau (xem hình dưới): Ban đầu dòng điện đi từ (+) đến transistor phía trên-bên trái, đi qua tải theo chiều từ trái sang phải rồi đi qua transistor phía dưới bên phải để đi vào cực âm. Sau đó dòng điện đi từ cực dương đến transistor phía trên bên phải, đi qua tải (Load) theo chiều từ phải qua trái rồi đi qua transistor phía dưới bên trái để đi vào cực âm. Dòng điện đi như vậy theo các chiều khác nhau sẽ cho ra dòng xoay chiều trên tải. Việc dẫn các dòng theo các chiều như vậy được thực hiện nhờ sự điều khiển các transistor.

Phần lớn các kích “điện tử” luôn có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn so với loại kích còn lại nếu cùng công suất do không sử dụng biến áp sắt từ có kích thước lớn, một phần còn lại các kích điện tử có thể có trọng lượng lớn bởi chúng sử dụng biến áp sắt từ thông thường dành cho việc nạp ắc quy.

Dạng sóng điện đầu ra

Phần trên mới nói đến nguyên lý hoạt động của các kích điện để cho ra được điện áp xoay chiều 220V còn dạng sóng đầu ra chưa được nói đến dạng sóng điện đầu ra của kích điện, phần này nói đến dạng sóng điện đầu ra của các kích điện:

Lấy lại một hình ảnh ở bài trước để giải thích kỹ hơn về dạng điện áp đầu ra của một số loại kích điện:

Trên hình, có ba dạng sóng hình cơ bản thường thấy trong kích điện: Đường màu xanh là sóng hình sin (hay thường gọi là “sin chuẩn”); Đường màu màu vàng là dạng sóng xung vuông; Đường màu đỏ là mô phỏng theo sóng sin. Về biên độ sóng, mức điện áp của sóng sin ở lưới điện 220V dân dụng tại đỉnh trên là 310V còn dạng mô phỏng sin (modified sine wave) và loại xung vuông (square wave) thì có mức điện áp thấp hơn.

Chính vì các mức điện áp đỉnh này nên việc đo điện áp đầu ra của các kích điện bằng đồng hồ hiển thị số loại bình thường sẽ không chính xác bởi chúng thường đo theo mức điện áp đỉnh rồi chia căn 2, muốn đo chuẩn thì nên dùng một số loại đồng hồ kim hoặc đồng hồ số có chức năng đo RMS. Lưu ý thêm về điều này là nếu bạn dùng kích dạng mô phỏng hoặc dạng xung vuông với một ổn áp kiểu như LiOA thì sẽ cho ra mức điện áp cao với mức năng lượng lớn và chắc chắn sẽ gây cháy các thiết bị sử dụng điện trong nhà bạn.

Theo cách thức hoạt động của các loại kích điện mà chúng có dạng sóng đầu ra khác nhau. Ta thử xem với các loại nguyên lý nào sẽ cho ra dạng sóng gì trong các loại dưới đây:

Đối với các loại kích điện từ (kích cơ) có các dạng nguyên lý hoạt động:

Loại thứ nhất có nguyên lý giống như hình đã minh hoạ cho nguyên lý kích điện trình bày phía đầu bài này - nhưng có một mạch tạo ra mẫu sóng sin rồi sau đó khuyếch đại chúng lên bằng các transistor công suất và biến áp. Về nguyên lý thì cách này có thể thực hiện được, nhưng trong thực tế thì người ta không hoặc hiếm khi áp dụng bởi chúng làm tổn hao nhiều công suất cho cái hình sin đẹp đẽ ấy – dẫn đến hiệu suất của bộ kích điện là rất thấp. Lý do hiệu suất thấp bởi nguyên lý này hoạt động giống như một bộ amply công suất lớn mà đặc tính của các transistor thông thường có tổn hao thấp nếu như chỉ ở hai trạng thái: “đóng” (không cho dòng đi qua) và “mở” (cho dòng đi qua hoàn toàn theo khả năng của transistor đó), còn ở trạng thái mở một phần (biến thiên để cho được ra dạng hình sin hoặc dạng khuyếch đại âm thanh) thì transistor sẽ toả ra nhiều nhiệt và hiệu suất sử dụng điện là thấp. Bạn có chấp nhận sử dụng một kích điện với hiệu suất rất thấp (cỡ dưới 50%) chỉ để ra được dạng sóng sin cực chuẩn hay không?

Tuy nhiên, nguyên lý hoạt động này lại thường áp dụng cho các loại kích tạo ra dạng sóng vuông hoặc mô phỏng sóng sin (hai loại còn lại trong hình trên). Do sự hoạt động của transistor để tạo ra sóng vuông hoặc mô phỏng sin là đóng hoặc mở hoàn toàn nên với nguyên lý này cho các loại kích 'không sin' là phù hợp.

Đặc điểm nhận biết dạng kích hoạt động theo nguyên lý này là ở cuộn sơ cấp (cuộn có dây kích thước rất lớn để có thể cho dòng đến vài chục Ampe chạy qua) có 3 đầu dây ra: Một đầu là điểm giữa được nối với cực dương hoặc âm của ắc quy, đầu còn lại nối với các transistor - giống như hình trình bày nguyên lý ở phía đầu bài này.

Loại thứ hai tạo ra dạng sóng sin bằng cách sử dụng cầu H để cho ra dạng sóng xoay chiều ở mức điện áp thấp (mức điện áp ắc quy) rồi sử dụng biến áp sắt từ để biến đổi chúng thành mức điện áp 220Vac sử dụng thông thường. Nguyên lý này thường thấy ở nhiều loại kích thông dụng trên thị trường như các thương hiệu: MAXQ, Apollo, Netcca, Hồ Điện....

Đặc điểm nhận biết dạng kích hoạt động theo nguyên lý này là các đầu vào sơ cấp của biến áp sắt từ chỉ có hai đầu dây (thay vì 3 như loại sóng vuông hoặc mô phỏng).

Đối với loại kích điện tử, việc tạo ra dạng sóng hình sin được thực hiện nhờ vào việc điều tiết tại 4 transistor đầu ra (cầu H - như đã trình bày ở phần trên). So với loại kích điện từ đã nói ở trên thì do điều tiết dạng sóng ở phần điện đầu ra nên dòng điện cần điều chỉnh nhỏ hơn (ví dụ 1000VA thì dòng chỉ khoảng 5A), do vậy nhiệt hao phí thấp hơn so với điều chỉnh ở phần điện áp thấp (12,24...V) với dòng vài chục Ampe - chính vì vậy mà kết hợp với việc sử dụng các biến áp xung có hiệu suất cao ở tầng trước nên các kích điện loại này có hiệu suất cao, có thể đạt trên 80% đến trên 85% hoặc cao hơn nữa tuỳ thuộc vào công suất và loại tải. Một số thương hiệu cho loại kích này là: Thành Công, Hi-Lite và một số loại UPS online của các hãng sản xuất khác.

Trong cả hai loại trên chất lượng sóng sin hoàn toàn phụ thuộc vào việc điều khiển các transistor, nếu như các bước điều khiển được băm càng nhỏ (xem hình bên) thì sóng càng có chất lượng tốt. Không những thế, việc điều chỉnh điện áp và dạng sóng tuỳ theo mức tải (công suất), loại tải (thuần/kháng/dung/kết hợp) cũng rất phức tạp, chính do vậy mà chỉ với các nguyên lý cơ bản trên nhưng các hãng sản xuất khác nhau lại có cách làm khác nhau (hoặc ngay một hãng cũng có cách thiết kế khác nhau để phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng đối tượng) và cũng có chất lượng điện đầu ra khác nhau.

Ảnh hưởng của dạng sóng không sin tới thiết bị tiêu thụ điện

Bởi dạng sóng điện đầu ra của các kích điện không hoàn toàn với dạng sóng của lưới điện dân dụng (tức hình sin) nên chúng có thể gây ảnh hưởng đến một số thiết bị sử dụng điện, một số thiết bị khác lại hoàn toàn không ảnh hưởng bởi dạng này.

Dạng sóng xung vuông thường gây khó khăn cho sự hoạt động các thiết bị điện có tính chất cảm kháng – chủ yếu là các động cơ điện (ở trong quạt điện, điều hoà, tủ lạnh, máy bơm nước…). Nếu như với sóng sin chuẩn, các động cơ điện hoạt động một cách “mượt mà” thì với dạng sóng xung (như hình) các động cơ thường làm hiệu suất kém hơn, phát tiếng kêu và có thể gây nóng hơn bình thường. Nguyên nhân có lẽ do sự chuyển đổi mức điện áp của sóng vuông khiến từ trường giữa các cuộn dây thay cũng thay đổi đột ngột, dẫn đến các roto (phần quay của động cơ) làm việc cũng có mô men thay đổi đột ngột: tăng đột ngột (khi trạng thái từ 0V đến mức cực đại) hoặc hãm đột ngột (về mức 0V). Bạn nào hiểu nhiều về thiết bị điện thì thấy có vẻ lúc này động cơ làm việc giống như động cơ bước) và dẫn đến hiệu suất làm việc kém và các cuộn dây thường bị nóng.

Tuỳ thuộc vào chất lượng và các đặc điểm riêng các động cơ điện mà có thể có ảnh hưởng sau:

  • Nếu động cơ có chất lượng không cao (định vị cuộn dây không chắc chắn, lõi sắt không chặt…), do sự biến thiên đột ngột giữa các mức điện áp nên cuộn dây và lõi thép không chặt sẽ bị rung, gây ồn.
  • Nếu roto có quán tính không lớn (đa số các quạt bàn, quạt cây đều nằm trong trường hợp này) thì chính bản thân các roto quay không đều (thời điểm điện áp xung cao thì roto có mô men lớn – nhưng nó chưa kịp quay theo phù hợp thì mô men đó bị ngắt bởi đến thời điểm điện áp xuống thấp, do quán tính thấp nên tốc độ quay lại giảm đi, rồi lại đến mức điện áp cao…cứ như vậy liên tục nên roto quay một cách giật cục không đều như đối với dòng điện có dạng sin chuẩn (tuy nhiên điều này không nhìn được bằng mắt thường bởi sự quay giật cục đó xảy ra rất nhiều lần trong một giây).
Đối với loại động cơ có trọng lượng roto lớn thì hiện tượng quay giật cục xuất hiện rõ nét trong thời điểm khởi động và sẽ giảm dần đến mức tối thiểu khi đã đạt tốc độ quay. Thực tế khi sử dụng hai chiếc quạt trần khác nhau (một cái 5 cánh của Panasonic, một cái 3 cánh của Phong Lan) ở nhà tôi đã cho thấy điều này. Tôi cảm nhận rằng do qán tính lớn nên tốc độ quay của roto lúc này đã không tăng lên/giảm đi đột ngột tương ứng với sự thay đổi của điện áp. Như vậy trong đa số trường hợp khi sử dụng quạt với kích điện, bạn nên hạn chế sự giảm hiệu suất làm việc bằng cách sử dụng với tốc độ cao nhất của quạt (chứ không phải sử dụng tốc độ thấp nhất như một vài kinh nghiệm của các bạn khác chia sẻ trên Internet).

Còn điều mà nhiều người có thắc mắc: Kích điện mô phỏng sin có gây hỏng cho các thiết bị có tính cảm kháng hay không? Theo tôi thì đối với các thiết bị điện có động cơ với chất lượng quá tệ hoặc bạc/vòng bi quá mòn sẽ gây hiện tượng rung, nóng bên trong các cuộn dây và có thể gây om dây (làm mất tính chất cách điện của lớp vỏ dây quấn) rồi dẫn đến chạm chập sau thời gian dài. Còn lại với các thiết bị có chất lượng từ trung bình trở lên (đến tốt) nếu được làm việc ở chế độ tốc độ lớn thì sẽ không ảnh hưởng nhiều – có chăng là sự khó chịu đối với một số người bởi tiếng kêu khác lạ so với khi sử dụng điện lưới thông thường. Nếu bạn sử dụng kích điện sin mô phỏng đối với các thiết bị có động cơ, bạn có thể kiểm tra nhiệt độ làm việc của thiết bị (bằng cách sờ vào vỏ quạt chẳng hạn) nếu không nóng quá mức bình thường (so với khi sử dụng điện lưới) thì vẫn có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên những điều trên chỉ đúng cho loại kích điện sin mô phỏng loại điện từ (loại có biến áp sắt từ) bởi ngay cả loại kích đơn giản nhất (chỉ một mạch 2 transistor giao động và hai dàn transistor công suất) thì sau khi qua biến áp sắt từ, dạng sóng đầu ra của chúng cũng đã được trơn chu hơn (nhưng vẫn còn xa mới bằng loại cho ra gần giống sin) - khác hẳn với loại kích điện tử nhỏ gọn của TQ sẽ cho ra điện áp biến thiên giật cục (với loại này nếu dùng một biến áp cách ly-không ổn áp thì cũng hạn chế được hiện tượng giật cục phần nào).

Nếu quạt quá nóng thì bạn nên mua một bộ mà người ta gọi là "biến tần chống cháy quạt" để mắc vào (thực chất bên trong nó chỉ có một cuộn dây để làm mượt dạng sóng một chút cho đỡ vuông, nhưng chính cuộn dây này khiến cho điện áp bị mất mát và quạt quay chậm đi).

Ngoài các thiết bị điện có sử dụng động cơ điện trực tiếp được nêu trên, các thiết bị điện còn lại hầu như hoạt động tốt với các dạng sóng xung. Thật vậy, các thiết bị như ti vi, máy tính, màn hình máy tính, bóng đèn compact, đèn tuýp có chấn lưu điện tử đều biến đổi điện xoay chiều 220V thành điện một chiều ở đầu vào mạch của nó. Bạn có thể tham khảo một số mạch điện của ti vi hay của nguồn máy tính để thấy điều này.

Cũng lưu ý thêm về đèn tuýp bởi có hai loại thông dụng hiện nay: Loại đèn có chấn lưu dây quấn (mà đi kèm với nó là tắc te – hay “chuột”) và loại dùng chấn lưu điện tử. Đối với loại đèn tuýp sử dụng chấn lưu điện tử thì cơ chế sử dụng điện của chúng cũng như ti vi và máy tính – tức là chúng dùng cầu đi ốt để chuyển thành điện một chiều trước khi dao động thành tần số cao để cung cấp cho bóng đèn (tương tự, các loại đèn compact tiết kiệm điện cũng có các chấn lưu điện tử nằm ở đui đèn), vậy loại đèn này cũng sử dụng tốt với kích điện. Loại đèn tuýp còn lại sử dụng chấn lưu bằng các vòng dây cuốn thông thường cùng với tắc te (chuột): bật đèn khá khó khăn khi sử dụng với các kích điện đầu ra là xung vuông. Nếu như bạn sử dụng các bộ kích điện và cảm thấy bật đèn khó khăn thì bạn nên chuyển sang sử dụng một bộ chấn lưu điện tử (việc này chỉ cần thay thế chấn lưu và đấu lại mạch điện theo sơ đồ trên vỏ của chúng, tuy chấn lưu điện tử không bền bằng loại dây quấn, nhưng chúng đảm bảo sử dụng đèn tuýp không bị sáng nhấp nháy và gây cận thị như loại chấn lưu dây quấn).

Lựa chọn mua kích điện

Nếu bạn muốn mua một chiếc kích điện để đề phòng những khi mất điện, bạn sẽ chọn loại nào trong số hai loại trên? Phần dưới đây sẽ gợi ý một chút đối với bạn nếu như thị trường có nhiều loại.

Trước hết là bạn cần ước lượng đến công suất mà mình cần sử dụng để tìm loại công suất kích điện phù hợp. Để làm điều này bạn có thể ước lượng số đèn, ti vi, quạt, máy tính… sẽ sử dụng khi mất điện, sau đó tính tổng công suất của chúng lại.

Nếu công suất mà bạn sử dụng trong khoảng 500W thì có lẽ rằng bạn sẽ có nhiều lựa chọn bởi nhiều loại kích điện đáp ứng được công suất này, còn nếu vượt quá công suất này thì có lẽ rằng bạn phải chi khá nhiều tiền cho các bộ kích điện công suất lớn hơn.

Có một điều lưu ý rằng nếu như trong các thiết bị tiêu thụ điện mà bạn chọn có động sử dụng động cơ điện có công suất cỡ 100W trở lên (như bơm nước, tủ lạnh, điều hòa…) thì cần chọn công suất kích điện cộng thêm gấp 3-4 lần thiết bị đó – bởi vì dòng điện khởi động của các động cơ này khá lớn, nếu công suất kích điện chỉ vừa đủ thì khi khởi động các thiết bị này kích điện cũng bị quá tải, gây cháy cầu chì hoặc hư hỏng. Ti vi loại có ống phóng điện tử CRT (tức loại màn hình dày, không phải loại mỏng là LCD) hoặc màn hình máy tính kiểu CRT cũng cần một dòng điện lớn khi khởi động (để khử từ) nên cũng cần tính công suất gấp 3 lần cho các loại màn hình này.

Tiếp theo là lựa chọn loại kích điện: Tùy theo nhu cầu sử dụng hoặc tình hình tài chính mà có thể mua loại điện từ hoặc loại “điện tử”. Các tính chất cơ bản của từng loại được liệt kê trong bảng sau (bảng này chỉ nêu 2 loại chính, nhưng thực tế trên thị trường còn có các loại lai giữa hai loại hoặc cải tiến đi so với hai loại cơ bản này)

Tiêu chí
Kích “điện tử”
Kích điện từ (kích cơ)
Công suất Dễ chế tạo loại công suất lớn hơn Chế tạo loại công suất lớn khó khăn hơn do kích thước lớn.
Khả năng chịu quá tải Khả năng chịu quá tải thấp hơn do sử dụng linh kiện điện tử để điều tiết dạng sóng đầu ra. Tuy nhiên có thể khắc phục được nếu thiết kế tốt. Có khả năng chịu quá tải cao hơn
Độ bền Độ bền thường thấp hơn do các linh kiện điện tử dễ hư hỏng. Tuy nhiên độ tin cậy này có thể khắc phục được nếu thiết kế tốt. Có độ bền cao hơn do ít bước sử dụng linh kiện điện tử.
Mức độ gây nhiễu điện Thường gây nhiễu điện nhiều hơn do sử dụng tần số cao để biến đổi điện một chiều thành xoay chiều. Tuy nhiên hiện tượng gây nhiễu điện này có thể xử lý được ở bởi các nhà sản xuất. Ít gây nhiễu điện bởi tần số giao động là 50 Hz (+/- sai số) và sử dụng biến áp sắt từ vốn chỉ phù hợp với tần số thấp.
Dạng sóng điện đầu ra Loại trước đây hoặc các UPS offline thường có dạng xung vuông hoặc giả lập hình sin.

Loại hiện đại (có sử dụng CPU) cho phép tạo giả lập hình sin (dạng sóng răng cưa theo hình sin, sau đó lọc cho ra dạng sóng trơn). Hiện nay nhiều hãng sản xuất áp dụng cách này.

Loại trước đây đầu ra thường là dạng sóng xung vuông, hoặc giả lập hình sin. Do sử dụng biến áp sắt từ nên dạng sóng "trơn" hơn (nhưng vẫn chưa phải sóng sin)

Loại hiện đại có thể dùng CPU điều tiết đầu vào để tạo ra dạng sóng trơn giống hình sin.

Hiệu suất kích điện Hiệu suất cao hơn, dòng điện tiêu thụ khi không tải thấp hơn (thường chỉ trên dưới 1A - đây cũng là dấu hiệu nhận biết loại kích này) Hiệu suất thấp hơn, dòng điện không tải lớn (có nghĩa là bật kích điện dù có sử dụng hay không cũng tiêu tốn dòng ắc quy lớn, khoảng trên 3A đến 8A hoặc hơn tùy loại sử dụng điện áp 12V hay 24V hoặc cao hơn, điện áp ắc quy càng cao thì dòng không tải càng nhỏ đi).
Mức độ điều chỉnh theo công suất Mức độ điều chỉnh theo công suất tiêu thụ tốt hơn, tự động điều chỉnh điện áp ra theo công suất. Loại trước đây có sự điều chỉnh theo công suất kém hơn, một số kích điện phải điều khiển mức điện áp ra bằng núm vặn, số còn lại sử dụng các rơle để điều khiển tự động, nhưng hiệu quả không cao.

Loại hiện nay có thể điều chỉnh điện áp theo công suất tải.

Tính năng sạc ắc quy Một số loại không kèm chức năng sạc ắc quy (do chúng thiết kế để dùng trên ô tô chẳng hạn), một số loại chuyên dụng sẽ tích hợp sạc điện. Thường kèm sạc ắc quy do sử dụng ngược lại: Cuộn thứ cấp được cấp điện 220Vac, cuộn sơ dùng cấp điện cho ắc quy. Do người dùng thường phải điều chỉnh chế độ nạp nên có thể bị nạp quá hoặc nạp không đủ - dẫn đến ắc quy nhanh hỏng hơn.

Một số loại hiện đại sử dụng phần sạc ắc quy theo kiểu nguồn xung nên có thể điều chỉnh được dòng và áp nạp.

Giá thành Giá thành cho một đơn vị công suất (ví dụ: ngàn đồng/w) thấp, tuy nhiên các loại chất lượng tốt và công suất lớn thì giá thành có thể lớn hơn loại điện từ. Giá thành thường cao cho một đơn vị công suất do chi phí của lõi sắt từ và dây quấn thường đắt hơn.
Trọng lượng Thường nhẹ hơn, chỉ khoảng dưới 5 kg (nhưng vẫn có loại trọng lượng lớn do sử dụng biến áp sắt từ để cho phần nạp) Thường nặng hơn, khoảng trên 8 kg tùy thuộc công suất và dây quấn (Nhôm hay Đồng).
Các thương hiệu Đa phần các kích điện giá rẻ của Trung Quốc, có trọng lượng nhẹ (dưới 3 kg) thuộc loại này.

Loại hiện đại hơn, cho ra sóng giống sin: Một số UPS online, UPS true sin, kích Thành Công...

Đa phần kích điện của Trung Quốc loại có trọng lượng nặng (trên 8 kg) đều thuộc loại này.

Loại hiện đại hơn, cho ra sóng giống sin như: Một số UPS, kích điện của Hồ Điện, AST

Đến đây có lẽ bạn nhận ra rằng loại kích điện “điện tử” có nhiều ưu điểm hơn và lựa chọn nó. Tuy nhiên phần lớn loại kích điện tử hiện nay bạn gặp trên thị trường lại là loại có chất lượng trung bình kém, có giá rẻ và được ghi công suất với mức công suất đỉnh cực đại mà nó đạt được (khoảng 3 đến 4 lần) so với công suất làm việc liên tục của nó. Đã khá nhiều người đã sử dụng loại kích điện này và bị hư hỏng ngay sau một thời gian ngắn sử dụng bởi tin theo mức công suất ghi trên nó. Vậy không nên sử dụng loại này? Không phải, bạn có thể tìm thấy một số loại kích điện loại này và có chất lượng tốt, thường chúng được sản xuất tại Mỹ, Đài Loan và ngay cả ở Việt Nam.

Với mức giá trung bình từ 1,5 triệu đến 3 triệu, phần lớn những người đã mua kích điện trong thời điểm cắt điện luân phiên năm 2010 ở Việt Nam dùng loại kích điện từ. Loại này có ưu điểm là bền, chịu quá tải tốt (nên có thể dùng cho các bơm nước công suất thấp, tủ lạnh, ti vi loại CRT… chỉ với loại 1000 VA). Bạn cũng có thể lựa chọn loại này để đảm bảo độ bền với mức giá hợp lý.

Một số lưu ý khác khi chọn mua kích điện

Ngoại hình các loại kích điện và cách phân biệt

Theo phần nguyên lý kích điện đã nói ở trên thì kích điện chia thành hai loại chính: Loại điện từ (hay còn quen gọi là loại “kích cơ”) và loại biến đổi hai bước (hay quen gọi là “kích điện tử”)

Kích điện loại “cơ” là loại mà bên trong của nó có biến áp sắt từ để chuyển đổi điện từ 12V lên 220V xoay chiều – có tần số 50 Hz. Biến áp này chính là linh kiện có kích thước lớn và nặng nhất so với các linh kiện còn lại nên nó là đặc điểm để nhận dạng loại kích điện này.

Hình ảnh: Một dạng kích điện từ do Việt Nam sản xuất, loại có tên cụ thể trong ảnh thuộc loại mô phỏng sóng sin.

Kích điện dạng “điện tử” của TQ sản xuất thường nhỏ gọn hơn kích “cơ” nhiều lần do thay thế loại biến áp sắt từ ở bên trong bằng biến áp xung nhỏ gọn, nhưng hình dạng này thuộc loại kích điện giá thành thấp – chất lượng không cao (chúng thường có giá khoảng 500.000 - 700.000/1 kích điện ghi 1000W, chúng không được tích hợp sạc ắc quy bên trong):

Kích điện tử của Việt Nam sản xuất mang thương hiệu "Thành Công" thuộc loại sóng sin ở đầu ra, kích điện được thiết kế tốt nên có hiệu suất và chất lượng cao (hiện tôi đang sử dụng loại kích này). Hình ảnh phía bên trong của kích điện này:

Qua các hình trên bạn có thể thấy đặc điểm đầu tiên của loại kích điện “điện tử” là chúng có kích thước nhỏ gọn. Nguyên nhân của sự nhỏ gọn này đã được nói ở trên: chúng sử dụng loại biến áp xung nên làm giảm được kích thước tổng thể. Cũng do sự khác biệt của biến áp nên trọng lượng của kích điện cũng thay đổi: Loại kích điện “điện tử” có trọng lượng nhẹ hơn nhiều so với loại còn lại.

Ý nghĩa của thông số VA và W ghi trên kích điện

Một số loại kích điện thì ghi công suất là V.A, một số loại thì ghi là W, vậy thì đơn vị V.A và W này có gì khác nhau và hiểu chúng thế nào cho đúng.

Một cách nôm na thì V.A là Vôn nhân Ampe, có nghĩa là điện áp nhân dòng điện (V là đơn vị của điện áp, V là đơn vị của dòng điện mà). W đơn vị của công suất – điều đó là rõ rồi, và W là đơn vị thường được ghi trên thiết bị sử dụng điện.

Giữa V.A và W có mối liên hệ với nhau, để biết về mối quan hệ này ta hãy xem công thức tính công suất P = U.I; Công suất (đơn vị là W) bằng Điện áp (đơn vị là V) nhân với Dòng điện (đơn vị là A). Tuy nhiên đó là công thức đối với điện một chiều, còn với điện xoay chiều thì công thức này trở thành:

P = U.I.cos(phi).

Lưu ý lại rằng U tính bằng Vôn (viết tắt là V), I tính bằng Ampe (viết tắt là A) Như vậy thì W chính bằng tham số VA (được ghi trên vỏ của kích điện) nhân với một hệ số nữa là cos(phi). Hệ số cos(phi) luôn nhỏ hơn 1 (rất hiếm khi bằng 1) nên W luôn nhỏ hơn VA.

Hệ số cos(phi) này không cố định, mà phụ thuộc vào các thiết bị sử dụng điện của bạn, nhưng bạn có thể lựa chọn chúng trong khoảng từ 0,6 đến 0,7 để tính toán gần đúng.

Cũng dựa vào tính chất này nên thường thì các kích điện muốn có cảm giác công suất lớn, người ta thường ghi công suất theo VA. Nếu bạn tính công suất sử dụng theo W thì bạn cần phải lấy số VA của kích điện đó và nhân với 0,6 đến 0,7.

Lưu ý rằng trên thị trường có nhiều loại kích điện ghi là W nhưng thực chất chúng chỉ là thông số VA mà thôi!

Hướng dẫn sử dụng kích điện

Có nhiều dạng kích điện khác nhau mà nguyên lý hoạt động chính của chúng đều nằm một trong hai loại điện từ và "điện tử" đã được nêu ở phần trên. Ở phần hướng dẫn sử dụng này xin trình bày những phần chung nhất mà thôi. Mọi hướng dẫn chi tiết bạn cần tuân theo sách/tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất kích điện của bạn.

Nối ắc quy với kích điện

Kích điện nào cũng giống nhau về mặt sử dụng ắc quy (nếu ắc quy gắn sẵn bên trong kích điện thì có lẽ nó đã gọi là bộ lưu điện UPS rồi), còn tùy vào kích điện sử dụng các loại ắc quy bao nhiêu vôn mà thôi. Để nhận biết kích điện sử dụng ắc quy bao nhiêu vôn, bạn chỉ việc tìm một dòng nào đó ghi trên vỏ kích điện là 12V hay 24V hay 48V. Thông thường bạn dễ tìm thấy dòng này ở mặt trước kích điện hoặc tại phần dây nối ắc quy.

Nếu kích điện sử dụng ắc quy 12 vôn, bạn chỉ việc nối cực dương ắc quy vào dây dương (có ký hiệu là dấu cộng +) và cực âm ắc quy vào dây âm (thường có ký hiệu là dấu trừ –). Với loại kích điện có sẵn dây đầu ra, thường thì quy ước dây dương là màu đỏ hoặc màu trắng, dây âm là màu đen, hãn hữu lắm mới có các ký hiệu màu khác với quy ước này – và nếu có quy ước khác đi thì chúng được ghi rõ tại đầu ra.

Nếu như dây đấu có sẵn phần kẹp điện vào cực của ắc quy thì bạn có thể sử dụng chính kẹp này (tuy nhiên chúng thì không được tốt bằng cách đấu trực tiếp bằng “đầu bọt” – được nói ở dưới). Nếu không có các kẹp thì bạn phải mua kèm phần “đầu bọt” của ắc quy và vặn chặt dây nguồn vào các ốc của “đầu bọt” đó.

Trong trường hợp kích điện không có sẵn dây nối từ trong của nó ra thì nó sẽ có hai cực đấu dây (thông thường thì các loại kích điện tử có công suất nhỏ sẽ làm theo cách này), bạn có thể sử dụng dây đấu bán kèm hoặc dùng các dây đấu riêng của mình cho việc kết nối kích điện với ắc quy. Nếu sử dụng dây ngoài, bạn nên dùng dây có kích thước 2x6 mm2 trở lên để đảm bảo nhằm tránh sụt áp quá nhiề và gây nóng dây. Xin lưu ý rằng dây dẫn không nên dài quá 1 đến 2 mét, nếu như lớn hơn khoảng cách này thì bạn cần tăng tiết diện của dây dẫn lên: Khoảng 10 mm2 hoặc chập nhiều dây lại để được tiết diện lớn hơn.

Khi sử dụng công suất mỗi 100 W thì kích điện tiêu tốn một dòng khoảng 10 Ampe tại ắc quy (12V), và cần dùng tiết diện dây khoảng 2 mm2. Vậy nếu bạn dùng công suất khoảng 500W thì nên dùng dây tiết diện 10 mm2 để nối với ắc quy.

Tiết diện dây dẫn thông dụng được sử dụng trong nhà bạn thường là loại 1,5 mm2; 2,5 mm2 hay 4 mm2 mà thôi. Trên các vỏ dây dẫn cũng thường ghi tiết diện này - ví dụ 2 x 4 có nghĩa là dây 2 sợi, tiết diện mỗi sợi 4 mm2. Để đảm bảo, nên dùng 2 sợi 2x6 chập lại làm một dây cho kích điện có công suất khoảng 1000VA và chập 3 hoặc 4 lần cho các kích điện có công suất lớn hơn hoặc khoảng cách từ ắc quy đến kích điện lớn hơn 1 mét.

Chi tiết hơn về việc chọn dây và đấu nối, bạn có thể xem thêm tại bài này trên blog: Tư vấn sử dụng kích điện (phần đấu nối ắc quy với kích điện).

Đối với loại kích điện sử dụng ắc quy 24 vôn, bạn có thể dùng đúng loại ắc quy 24 vôn (loại này thường khá hiếm và giá đắt hơn) hoặc dùng hai ắc quy 12 vôn mắc nối tiếp nhau. Việc mắc nối tiếp hai ắc quy 12 vôn thực hiện như sau: Cực dương ắc quy thứ nhất nối với dây dương của kích điện, cực âm của ắc quy thứ nhất nối với cực dương của ắc quy thứ hai, và cực âm của ắc quy thứ hai nối với dây âm của kích điện. Với các loại kích điện sứ dụng ắc quy 36, 48 vôn hoặc hơn nữa thì cách nối cũng như trên, tức là nối tiếp nhau. Nếu như bạn không rành về điện hoặc đã quên hết các kiến thức vật lý phổ thông thì nên nhờ một người nào đó hiểu biết nối cho bạn bởi ắc quy có thể phát nổ trong một số trường hợp bị ngắn mạch hoặc đấu ngược cực với nhau giữa hai ắc quy.

Nối đầu ra đầu ra kích điện

Đầu ra kích điện là điện 220V có tần số 50 Hz mà kích điện xuất ra sẽ được đưa vào các thiết bị tiêu thụ điện. Trong một số trường hợp thì việc nối điện đầu ra rất đơn giản, nhưng bởi mong muốn của người sử dụng nó cho các thiết bị điện nào mà cũng khá phức tạp, đòi hỏi phải có người hiểu về điện thao tác chúng.

Nếu như bạn chỉ sử dụng kích điện chỉ cho một số thiết bị riêng lẻ (như TV, máy tính) hoặc bạn đang ở trong một phòng mà toàn bộ điện sử dụng được cắm bằng một phích cắm điện thì đây là trường hợp đơn giản: Bạn có thể cắm trực tiếp các thiết bị sử dụng điện vào ổ cắm đầu ra của kích điện (hoặc thông qua một bộ dây cắm chia ra nhiều ổ).
Để lắp đặt kích điện như một thiết bị cung cấp điện cho toàn bộ ngôi nhà thì sẽ phức tạp hơn – tuy nhiên bạn nên thực hiện theo cách này bởi nó thuận tiện cho sử dụng hơn nhiều.

Để thực hiện cách cung cấp điện cho toàn bộ ngôi nhà bằng kích điện, bạn cần tìm cầu dao hay aptomat tổng của hệ thống điện (thường nó nằm tại tủ điện tổng). Nếu ở đây không có sẵn một cầu dao hai ngả thì bạn cần lắp thêm một cầu giao hai ngả vào vị trí phía sau cầu giao tổng hoặc aptomat tổng này.

Việc lắp thêm cầu giao hai ngả như sau: Hai cực giữa của cầu giao nối với hệ điện tiêu thụ; Một đầu cầu dao nối với điện lưới (tức sau aptomat tổng hoặc sau bộ ổn áp – nếu gia đình bạn sử dụng ổn áp), một đầu của cầu giao nối với đầu ra của bộ kích điện. Khi sử dụng bạn chỉ có một lựa chọn dùng một nguồn duy nhất – điều đó nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc các sự cố khác như quá tải kích điện (xuất điện ra lưới điện phía ngoài) hay gây xông ngược điện lưới vào kích điện.

Điều chỉnh điện áp ra khi sử dụng

Sau khi nối hệ thống điện từ ắc quy vào kích điện và dây dẫn từ kích điện ra các thiết bị tiêu thụ bạn đã có thể sử dụng kích điện. Tuy nhiên hãy lưu ý về tải đầu ra xem chúng có quá lớn so với công suất của kích điện hay không. Hãy tắt tất cả các bình nước nóng, tủ lạnh, các hệ thống máy tính và máy in (máy in khi khởi động và làm việc cũng sử dụng một công suất khá lớn).

Tùy theo loại kích điện của bạn được thiết kế tự động hoặc phải điều chỉnh bằng tay mà bạn có thể phải điều chỉnh điện áp hoặc không. Các kíchd diện loại điện tử thường điều khiển điện áp ra một cách tự động bằng mạch điện bên trong. Các kích điện điện từ cũng có thể được thiết kế điều khiển tự động bằng các rơ le ở bên trong, hoặc được điều chỉnh bằng tay thông qua núm xoay ở bên ngoài. Nếu kích điện có sự điều chỉnh ở bên ngoài thì chúng thường có một hoặc hai núm xoay theo từng nấc, một trong hai núm đó dùng để điều chỉnh điện áp đầu ra, núm còn lại để điều chỉnh điện áp/dòng nạp cho ắc quy khi kích điện ở chế độ nạp. Ban đầu bạn nên điều chỉnh tất cả các núm ở nấc đầu tiên (tức vặn tận cùng theo chiều ngược kim đồng hồ, sau đó xoay xuôi chiều kim đồng hồ một nấc nhằm tránh điện áp ra quá cao khi có ít tải).

Sau khi đã nối dây, đặt các vị trí núm xoay về nấc ban đầu, kiểm tra các thiết bị sử dụng điện đầu ra, bạn đã có thể chuẩn bị bật kích điện hoạt động. Trước khi cấp điện cho toàn bộ các thiết bị điện sử dụng tại đầu ra, bạn nên ngắt điện các thiết bị tiêu thụ, sau đó bật kích điện lên để làm việc ở chế độ không tải. Nếu như đây là lần đầu tiên sử dụng kích điện, bạn nên bật chế độ không tải trong khoảng vài phút, điều này nhằm đưa kích điện bắt đầu vào hoạt động và chúng có thể sẽ tự sấy khô các hơi ẩm, thoát bụi nhờ quạt gió…Nếu như kích điện đã sử dụng nhiều lần, bạn cũng nên cho chúng chạy không tải vài giây trước khi đóng tải ở đầu ra, điều này nhằm tránh gây ra sốc điện hoặc gây ra hư hỏng trong quá trình quá độ của chúng.

Sau khi bật kích điện, nếu như loại kích có núm xoay, bạn hãy nhìn đồng hồ điện áp đầu ra để điều chỉnh chúng cho phù hợp. Thông thường khi sử dụng điện công suất thấp thì các nấc điều chỉnh đầu tiên cũng có thể cho phép điện áp đầu ra ở mức tiêu chuẩn 220V, nhưng công suất sử dụng lớn hơn thì bạn cần điều chỉnh chúng tăng lên bằng cách vặn từng nấc xuôi chiều kim đồng hồ cho đến khi điện áp đầu ra khoảng 220V. Thực chất của việc điều chỉnh này là thay đổi số vòng dây của cuộn thứ cấp trong các kích điện biến đổi một cấp để đạt mức điện áp ra phù hợp.

Sau khi bạn đã điều chỉnh điện áp ra phù hợp, nếu bạn tăng thêm công suất tải (ví dụ bật thêm đèn, ti vi….) thì có thể điện áp lại thấp xuống, bạn lại tiếp tục điều chỉnh theo cách trên.

Sau khi dùng một thời gian, điện áp của ắc quy cũng dần tụt xuống (thông thường điện áp ban đầu của ắc quy sau khi nạp đầy đủ và để một thời gian sẽ là khoảng 13V, chúng thấp dần xuống đến mức 10,7 vôn là giới hạn dưới – và bạn không nên sử dụng dưới mức điện áp này để bảo vệ ắc quy). Khi điện áp ắc quy tụt dần xuống thì các loại kích biến đổi một cấp có núm điều chỉnh sẽ bị thay đổi điện áp đầu ra – và khi này bạn lại cần tiếp tục điều chỉnh. Mức độ tụt điện áp của ắc quy phụ thuộc vào dung lượng, chất lượng của ắc quy và mức công suất tiêu thụ: Ắc quy có dung lượng lớn và chất lượng còn tốt sẽ lâu hết, tải sử dụng ít (dùng ít thiết bị điện hoặc tổng công suất thiết bị điện thấp) thì thời gian sử dụng cũng được lâu hơn

***

Và đến đây, tôi hi vọng rằng những gì tôi viết ra sẽ giúp bạn đã hiểu sơ qua về thiết bị biến đổi điện từ ắc quy lên điện xoay chiều theo thông số của lưới điện địa phương – mà gọi tắt là kích điện. Do giới hạn bởi kiến thức bản thân và chuyên môn không phù hợp nên bài viết còn nhiều sai sót, tôi mong được các bạn góp ý thêm để có thể chỉnh sửa cho phù hợp.

Và, bài này hoàn toàn thiếu về phần “Ắc quy dùng trong kích điện” (bao gồm việc tính toán chọn ắc quy, hướng dẫn nạp và bảo dưỡng ắc quy….), xin vui lòng đọc trên blog này tại đây.

Có một số nội dung khác về kích điện hoặc các thắc mắc liên quan đến kích điện đã được tôi trình bày tại một phần riêng mang tên: Hỏi đáp về kích điện và ắc quy cũng trên blog này.
____________________________

Ghi chú, Tham khảo, Xem thêm:

* Inverter, Wikipedia

* Ví dụ về một trang giới thiệu sản phẩm “chuẩn sin” nhưng hình ảnh sản phẩm lại cho thấy về là loại sản phẩm “Modified Sine Wave”.

* So sánh giữa kích điện và máy phát điện (trên blog này)

* Tư vấn về sử dụng kích điện (phần đấu nối ắc quy với kích điện). - trên blog này.

* Ắc quy dùng trong kích điện, trên blog này.

(Bài viết được 'bảo dưỡng' vào 05/2011 nên có thể khác với bản trước đây được lưu trong cache Google hoặc một số nơi khác copy lại).

19/5/10

So sánh giữa kích điện (inverter) và máy phát điện

Thời gian này (2010) ở Việt Nam đang thiếu điện trầm trọng, điện cắt luân phiên ở nhiều nơi khiến dân tình nhốn nháo. Vài thằng bạn gọi điện hỏi han tư vấn về lựa chọn sử dụng giữa máy phát hay kích điện, rồi khi được tư vấn nên sử dụng kích điện thì lại hỏi chi tiết về các vấn đề tiếp theo...Thôi thì cũng tổng hợp kinh nghiệm sử dụng của mình thành vài đoạn ghi chép ngắn lên blog để có người hỏi là đưa ngay link đến đây cho họ đọc :).

Vài dòng đầu này chỉ giải quyết vấn đề: Dùng máy phát hay là dùng kích điện cho mùa mất điện năm nay?

Máy phát thì có lẽ quá nhiều người biết về nó rồi, còn kích điện thì nó là cái gì?. “Kích điện” là tên gọi thông dụng về một thiết bị biến đổi từ điện áp thấp-một chiều của ắc quy (12, 24, 48Vdc…) thành điện áp cao hơn -xoay chiều có tần số phù hợp với lưới điện quốc gia đang dùng (ví dụ ở Việt Nam thì điện áp là 220V, tần số 50 Hz).

Kích điện có vẻ giống như những chiếc UPS được dùng cho máy tính, chỉ khác nhau là UPS được trang bị sẵn một vài ắc quy có dung lượng vừa phải ở bên trong, còn kích điện thì không. Có thể gọi kích điện là một cái UPS có ắc quy gắn ngoài cũng được. Nhiều bạn có ý tưởng dùng UPS để cấp điện cho sinh hoạt gia đình trong hoàn cảnh hiện nay, ý tưởng này là được bởi hai thiết bị này gần tương đồng nhau (tuy nhiên cũng có thể sẽ gặp một vài vướng mắc nho nhỏ trong cách sử dụng UPS với thiết bị dân dụng)

Kích đện chắc sẽ được nói thêm nhiều vào một phần ghi chép tiếp sau của phần này, còn bây giờ mình muốn so sánh, lựa chọn giữa sử dụng kích điện hay máy phát điện. Để thuận tiện cho việc so sánh, mình lập một bảng so sánh tóm tắt như sau:

Tiêu chí so sánh

Máy phát điện

Kích điện (Inverter)

Sử dụng năng lượng Chủ yếu là xăng, một số máy phát điện công suất lớn hơn dùng dầu diesel Năng lượng tích trữ trong các ắc quy (được nạp trước đó)
Công suất Có nhiều loại, công suất từ vài trăm W đến vài chục kW Công suất giới hạn, từ 100W đến vài kW. Công suất càng lớn càng đắt và yêu cầu nhiều ắc quy.
Dạng điện đầu ra - Sóng dạng sin chuẩn.
- Tần số 50 Hz (hoặc 60 Hz cho vùng khác) nếu ở chế độ hoạt động thiết kế chuẩn.
- Đa số dạng sóng dạng mô phỏng sin, một tương đối giống sin (rất hiếm loại đạt sin chuẩn và cũng không nhất thiết phải như vậy).
- Tần số 50/60 Hz.
Thích hợp sử dụng - Cho mọi loại thiết bị có công suất phù hợp (nhỏ hơn công suất máy phát)
- Tính cơ động cao, có thể hoạt động ở các vùng khác nhau
- Dùng tốt cho: Ti vi, đèn tuýp chấn lưu điện tử, máy tính, máy khoan/mài sử dụng chổi than...
- Nếu là loại sóng mô phỏng sin thì sử dụng không tốt đối với các thiết bị có các cuộn dây ở bên trong (quạt, động cơ, tủ lạnh, điều hoà)…Nếu là loại tương đối giống sin thì dùng tốt cho các loại này.
- Có thể vận chuyển dễ dàng, nhưng không dụng được tại nơi không có điện (tàu thuyền, địa phương chưa có điện lưới...)
Ảnh hưởng đến môi trường khi làm việc - Rất ồn, do đó không phù hợp cho việc hoạt động trong đêm.
- Khí thải độc hại cho con người và môi trường nếu trong không gian hẹp, do đó phải đặt ở nơi có không gian thoáng.
- Không ồn, chỉ nghe thấy chủ yếu là tiếng của quạt làm mát hoặc tiếng rung nho nhỏ của lõi sắt từ.
- Bản thân kích điện không thải khí có hại, nhưng ắc quy dùng kèm có thể có mùi (nếu là loại ắc quy nước, ắc quy kín khí hoặc loại không cần bảo dưỡng thì không gây mùi). Nếu dùng ắc quy khô thì có thể đặt tại mọi vị trí trong nhà miễn là thuận tiện.
Mức độ nguy hiểm khi làm việc Sử dụng nhiên liệu dễ cháy nổ nên khả năng nguy hiểm cao hơn. Sử dụng ắc quy là loại có khả năng gây cháy nổ nếu bị làm đoản mạch (chập) hai cực ắc quy hoặc gây tia lửa (hút thuốc, đóng cắt cầu dao/aptomat) gần vị trí ắc quy hở đang sạc điện.
Bảo dưỡng - Thay dầu nhớt thường xuyên khi hoạt động.
- Nổ máy vài phút mỗi tháng nếu như không sử dụng lâu dài.
Không phải bảo dưỡng, nhưng phải bảo dưỡng ắc quy đi kèm theo kích điện. (Bảo dưỡng ắc quy gồm: châm thêm nước cất, phụ nạp điện sau mỗi khoảng thời gian tuỳ loại ắc quy).

Nếu ắc quy gắn liên tục vào kích điện thì tuỳ loại kích điện mà phải nạp thường xuyên (loại kích có nút khởi động mềm thường là tiêu thụ dòng từ ắc quy)

Mức độ dễ sử dụng - Thường phải “giật nổ” bằng động tác dứt khoát khi khởi động nên gây khó khăn khi người sử dụng là phụ nữ và người già. Một số loại máy phát chạy dầu có thể có khả năng đề nổ. - Chỉ phải bấm hoặc gạt nút để khởi động nên thuận tiện cho mọi lứa tuổi.
Chi phí đầu tư Khoảng hơn 10 triệu (đối với loại máy phát chất lượng tốt) Khoảng hơn 4 triệu (bao gồm kích điện và ắc quy 100Ah, nếu ắc quy dung lượng lớn hơn thì chi phí này cao hơn)

Phần trên là phần so sánh giữa các tiêu chí một cách tóm tắt, mình phân tích thêm một số ý mà có thể là sẽ gây khó hiểu trong bảng trên ở dưới đây (tức là cái đơn giản thì thôi không phải nói gì nữa ^^).

Nhiên liệu, năng lượng

Tiêu chí sử dụng năng lượng thực ra mình chỉ quan tâm đến hiệu quả khi trả tiền cho năng lượng sử dụng đó thế nào. Đối với máy phát điện, nhiên liệu sử dụng là xăng (chiếm phần lớn, chủ yếu các máy công suất nhỏ dùng xăng) hoặc dầu (đối với các máy phát điện chính thống có công suất lớn).

Kích điện sử dụng điện lưới để nạp điện vào ắc quy, rồi sử dụng điện được nạp đó sau này để phát điện 220V. Xét về mặt giá trị phải trả thì rõ ràng nhiên liệu xăng sẽ phải trả tiền ngay, còn tiền điện nạp thì cộng vào hoá đơn điện hàng tháng. Phân tích về hiệu quả sử dụng thì chắc là còn phải tốn giấy mực, tuy nhiên mình nghĩ (cảm tính) rằng do giá thành điện ở Việt Nam còn thấp nên việc mua điện để nạp ắc quy sẽ rẻ hơn mua xăng để đổ cho máy phát. (Thực tế vài người sử dụng máy phát cũng cho thấy rằng việc mua xăng cho một tháng mất điện cách nhật cho một máy phát 900W đã gấp 3 lần tiền điện cho cả tháng đó khi không mất điện nên mình có cảm giác rằng dùng điện nạp đỡ tốn hơn tiền xăng)

Vậy về mặt này thì kích điện chiếm ưu điểm.

Công suất

Xét về lý thuyết thì hai thiết bị đều có đủ loại công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình cũng như cho cả một công ty nhỏ, tuy nhiên loại thông dụng của máy phát điện thì thường có công suất lớn hơn loại thông dụng của kích điện.

So sánh giữa hai loại này đều không bao giờ đạt chuẩn nếu không đưa thêm yếu tố giá thành vào. Đối với máy phát điện, tỷ số kw/đồng thấp hơn so với một bộ kích điện và ắc quy.

Vậy về mặt này máy phát điện chiếm ưu thế hơn.

Dạng điện đầu ra

Điện áp đầu ra của máy phát cũng như kích điện đều đạt mức 220V, tần số đầu ra có thể dao động quanh mức 50 Hz (nếu như không có sự điều chỉnh nào vào máy phát hoặc sử dụng máy phát điện chuẩn) do đó điện áp và tần số đầu ra của hai thiết bị này không cần phải mang ra so sánh.

Dạng điện đầu ra mới là vấn đề cần nói đến. Đối với máy phát điện – do có cùng nguyên lý hoạt động với các máy phát của các nhà máy điện nên dạng biên độ điện của nó hoàn toàn là hình sin chuẩn, nhưng đối với kích điện thì dạng biên độ điện đầu ra lại là xung vuông.

Dạng điện sin chuẩn thì phù hợp đối với mọi loại thiết bị sử dụng điện (bởi chúng được thiết kế sử dụng cho dạng điện này) nhưng dạng xung vuông lại không không phù hợp với tất cả các loại thiết bị điện. Bạn có thể xem hình dưới đây về vài dạng sóng đầu ra:

Trong hình trên, đường màu xanh là dạng sinh chuẩn, đường màu đỏ và màu vàng là dạng xung vuông. Tuy cùng là xung vuông như có một sự khác nhau một chút giữa đường màu đỏ và màu vàng: Đường màu vàng là hoàn toàn xung vuông, nhưng đường màu đỏ là dạng xung gần với dạng sin chuẩn hơn so với đường màu vàng. Mình sẽ đề cập đến các dạng này kỹ hơn ở phần viết về Kích điện (entry sau).

Dạng xung vuông hoặc mô phỏng hình sin thường dùng không tốt đối với các thiết bị có tính cảm kháng – hay hiểu một cách đơn giản là bên trong của nó có nhiều cuộn dây, các thiết bị này bao gồm: quạt điện, máy bơm nước, tủ lạnh, điều hoà (có động cơ máy nén), cửa cuốn, đèn tuýp loại sử dụng chấn lưu dây quấn thông thường (còn loại sử dụng chấn lưu điện tử hoặc loại đèn compact tiết kiệm điện thì vẫn sử dụng tốt bình thường). Khi sử dụng kích điện có điện ra dạng xung vuông thì các thiết bị kể trên nếu có chất lượng không tốt thì dễ gây ra nóng, phát tiếng kêu “tè tè”. Tất nhiên là dạng xung vuông này vẫn sử dụng được, nhưng chúng gây hại cho thiết bị mà thôi. Dạng kích cho ra sóng gần giống hình sin thì hoạt động tốt đối với các loại tải này.

Đối với các loại thiết bị còn lại: Đèn tuýp sử dụng chấn lưu điện tử, đèn compact, ti vi các loại (CRT, LCD…), máy tính, monitor…. thì sử dụng bình thường bởi bên trong các thiết bị này hầu như hoạt động theo nguyên tắc: biến đổi điện xoay chiều thành một chiều, rồi từ đó chuyển đổi sang các loại điện áp sử dụng ở bên trong.

Vậy thì ở tiêu chí này máy phát điện chiếm ưu thế nổi trội so với kích điện.

Ảnh hưởng môi trường

Mặc dù ảnh hưởng đến môi trường là vấn đề mà nhiều người chúng ta đã không quan tâm đến, nhưng cái ảnh hưởng của máy phát và kích điện ở đây chắc chắn là liên quan trực tiếp đến người sử dụng và hàng xóm nên chúng ta bắt buộc phải cân nhắc.

Máy phát điện là sự kết hợp giữa một động cơ đốt trong và một máy phát điện nên khi hoạt động chúng luôn phát ra tiếng ồn và thải ra sản phẩm của khí cháy. Tuỳ thuộc vào vị trí đặt máy, công suất của máy phát (và cả tiêu chuẩn khí thải mà máy áp dụng) mà mức độ ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào đối với chính người sử dụng và hàng xóm của họ. Đa số người sử dụng thường đặt máy phát trên mặt đất ở gần nhà của họ nên tiếng nổ của động cơ một cách đều đều liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không những thế mà những người hàng xóm đang khó chịu bởi không có điện cũng có thể lại tiếp tục khó chịu bởi tiếng máy nổ của người sử dụng. Vị trí đặt máy và hướng gió tự nhiên cũng có thể gây khuếch tán với không khí và vào nhà gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người trong nhà. Máy phát còn có thể không được chấp nhận khi sử dụng vào ban đêm bởi ảnh hưởng đến giấc ngủ của người sử dụng và những người hàng xóm của họ nữa.

Ngược lại với máy phát thì bộ kích điện hoạt động hoàn toàn im lặng hoặc phát tiếng ồn nhỏ do quạt làm mát hoạt động. Tuy nhiên cần lưu ý rằng một số loại bình ắc quy mà kích điện sử dụng có khả năng phát ra khí có mùi khó chịu khi nạp với dòng điện lớn. Nếu nhà có thiết kế tầng âm hoặc tầng mái thì việc đặt ắc quy cùng bộ kích điện tại đây là hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống cũng những người trong nhà.

Vậy về tiêu chí này thì máy kích điện hoàn toàn chiếm ưu thế.

Mức độ dễ sử dụng

Nếu không thuộc loại máy phát điện chạy diesel (hoặc một vài loại máy chạy xăng) có công suất lớn và hiện đại để có thể sử dụng ắc quy và hệ thống “đề” bằng điện thì đa số các loại máy phát đều phải giật nổ. Do động tác giật nổ các máy phát điện phải nhanh và dứt khoát nên gây khó khăn cho người sử dụng không có đủ sức khoẻ cần thiết – nhất là đa số phụ nữ và người già. Đối với kích điện thì việc sử dụng thuận tiện hơn nhiều bởi chỉ phải bấm công tắc khi khởi động.

Do vậy ở tiêu chí mức độ dễ sử dụng thì kích điện chiếm ưu thế hơn.

Chi phí đầu tư

Máy phát điện với công suất từ 1 KVA trở lên trong thời điểm hiện tại (5/2010) có giá khoảng từ 10 triệu đồng trở lên đối với máy phát điện chạy xăng có thương hiệu của Nhật Bản (còn lắp ráp ở đâu thì vẫn còn nhiều loại), các máy phát của Trung Quốc thì có giá rẻ hơn – khoảng vài triệu đồng.

Bộ kích điện luôn phải mua ít nhất hai thiết bị: bộ kích điện, ắc quy. Tuỳ theo dung lượng ắc quy và công suất thiết kế của kích điện mà giá thành bộ này giao động trong khoảng từ 3 đến 6 triệu đồng với loại thông thường, với loại công suất lớn với thương hiệu tốt thì giá thành có thể đến 10 triệu đồng hoặc hơn. Với loại thông thường sẽ có chi phí (với giá thời điểm 2010) như sau:

  • Ắc quy loại 100 Ah khoảng 1,5 đến 2 triệu; 150 Ah khoảng 2,5 – 3 triệu (tuỳ loại ắc quy kín khí hay ắc quy “nước”)
  • Kích điện: Loại có biến thế sắt từ 50 Hz (những loại này trọng lượng kích nặng hàng chục kg) giá khoảng 1 triệu cho loại 500W, 2 triệu cho loại 1000W hàng Trung Quốc. Đối với các loại của Việt Nam thì giá đắt thêm khoảng 500 nghìn đến 1 triệu cho cùng công suất. Loại kích điện tử (dùng biến áp xung nên có kích thước nhỏ hơn, nhẹ hơn – nhưng cũng có nhược điểm hơn về độ bền) có giá rẻ hơn từ 500.000 đến 1 triệu đồng so với loại biến áp sắt từ có cùng công suất.
  • Sạc ắc quy: Chỉ phải mua cho loại kích nào không tích hợp sẵn sạc, giá khoảng vài trăm ngàn (lưu ý rằng các loại kích có biến áp sắt từ đều được tích hợp sẵn sạc ắc quy)

TÓM LẠI

Vậy tóm lại là thế nào? Chắc chắn rằng tôi không thể lựa chọn thay cho bạn được bởi vì tôi chưa biết khả năng kinh tế và nhu cầu sử dụng điện của bạn như thế nào. Tuy nhiên cũng gộp lại thành một lời khuyên như sau:

- Nếu đất nhà bạn rộng để có thể đặt được máy phát mà ít ảnh hưởng đến bạn và những người xung quanh (hay có thể đặt máy phát trên nóc nhà được), có khả năng chi vài trăm ngàn (ngày nổ 2-3 tiếng) đến vài triệu (nổ máy phát nhiều hơn) tiền xăng cho một tháng (cắt điện 50%), muốn đun nấu, chạy điều hoà (hay muốn khi mất điện cũng như có điện) và sẵn sàng bỏ ra khoảng 15 đến vài chục triệu để mua máy ban đầu thì nên mua máy phát điện. Lưu ý về vấn đề phát điện ban đêm có thể gây phản ứng từ những căn hộ xung quanh hoặc quy định của khu chung cư về việc sử dụng máy phát điện!

- Nếu bạn muốn bỏ ra chi phí thấp, sử dụng điện tiết kiệm (không dùng tủ lạnh, điều hoà, nấu cơm điện hoặc các thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn), không quên bảo dưỡng ắc quy mỗi 3 tháng trong mùa đông, thì bạn nên mua bộ kích điện và ắc quy.

Còn với cá nhân tôi, mặc dù đã trang bị một máy phát điện 2,2 kVA (Honda) cho mùa mất điện mấy năm trước, nhưng tôi vẫn chọn phương án dùng máy kích điện trong mùa mất điện năm nay.

Trương Mạnh An

_________________

Xem thêm:

Kích điện dùng ắc quy, trên blog này.

Ắc quy dùng trong kích điện, trên blog này.

Tư vấn về chọn mua kích điện (inverter). Bài này nói về hai nhu cầu cụ thể khi họ gửi email hỏi tôi một số vấn đề về chọn loại kích điện.

18/5/10

Dùng Yahoo! Mail với Microsoft Outlook ?!

Hôm trước trong một entry về Microsoft Outlook thì mình viết rằng có thể dùng Yahoo! Mail với Microsoft Outlook (hoặc với Outlook Express được cài sẵn với một số phiên bản Windows). Hôm nay nhân nhận được một email hỏi về điều này nên thay vì trả lời mail, mình viết luôn vài dòng về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi Yahoo! Mail có hỗ trợ POP miễn phí (hay nói một cách khác là hỗ trợ các phần mềm quản lý email tại máy cá nhân của người sử dụng như Microsoft Outlook, Outlook Express, Thunderbird… một cách nhanh hơn) hay không, mình thấy rằng Yahoo! Mail tại từng quốc gia khác nhau thì sẽ được phép sử dụng POP miễn phí hoặc không. Đối với phiên bản trả phí thì chắc chắn rằng bạn sẽ luôn luôn được hỗ trợ POP.

Vậy đối với địa phương nào thì được sử dụng POP với Yahoo! Mail miễn phí? Trước đây mình biết là có Yahoo! Mail tại Anh (với đuôi email dạng abcdef @ yahoo.co.uk) và sử dụng một tài khoản này cho thuận tiện, sau đó mình lại được biết bản Yahoo! Mail tại Úc cũng vậy.

Nếu bạn đang sử dụng Yahoo! Mail tại Mỹ hay bản ở Việt Nam thì sao?, chắc chắn là đến thời điểm năm 2010 bạn sẽ không truy cập được bằng POP nếu không trả phí. Có một điều đáng quan tâm là: với các địa chỉ email đã tồn tại như vậy rồi thì có thể “đổi” sang các địa phương khác như Úc để có thể truy cập POP miễn phí hay không? Mình đã thử tìm mọi cách thay đổi điều này – nhưng cho dù việc chuyển địa phương thành công thì vẫn không truy cập được POP một cách miễn phí. Vậy chỉ còn cách lập một tài khoản email mới với khai báo tại Úc thì mới có thể truy cập được POP miễn phí mà thôi, nhưng đã lập tài khoản mới để thông báo cho bạn bè/đối tác của mình việc thay đổi địa chỉ email thì mình khuyên rằng nên sử dụng Gmail của Google với nhiều ưu điểm nổi trội hơn Yahoo! Mail.

Để đăng ký tài khoản email tại Úc, bạn truy cập vào trang Yahoo!7 có địa chỉ tại http://au.yahoo.com/ , ở đây bạn sẽ thấy có dòng Sign in và bấm vào đó, sau đó thực hiện các cách thức đăng ký thông thường. Trong trường hợp bạn vào liên kết Yahoo!7 nhưng lại bị tự động chuyển về các trang Yahoo khác (như Mỹ hay Việt Nam…) thì rất có thể trước đó bạn đã đăng nhập vào các tài khoản khác ngoài Yahoo!7, bạn cần thoát" khỏi các tài khoản cũ và xoá hết các cookie đi và vào lại từ đầu. Nếu bạn truy cập đúng, trang Yahoo!7 có hình như sau:

 

Tại phần đăng ký (sign in) của Yahoo!7 bạn có thể lựa chọn dạng domain của hộp thư của mình là yahoo.com.au, y7mail.com, yahoo.com, ymail.com, rocketmail.com (xem hình dưới). Việc cho phép đăng ký domain dạng @yahoo.com là một lợi thế khá tốt so với việc đăng ký ở một số Yahoo địa phương khác.

Bây giờ coi như xong phần đăng ký, vậy để thiết lập Microsoft Outlook có thể gửi và nhận email (mà không cần vào web) thì làm thế nào. Xin đọc lại một số đoạn trong bài trước bởi chỉ cần thay đổi lại một vài thông số là bạn có thể sử dụng Yahoo!7 với Microsoft Outlook.

Trong phần Email Accounts, phần Server Infomation của Y!7 Mail thì địa chỉ POP3 là: pop.mail.yahoo.com.au, SMTP bạn điền: smtp.mail.yahoo.com.au như hình minh hoạ (lưu ý rằng địa chỉ này dành cho Yahoo!7 Mail, còn các địa phương khác thì bạn thử thay đổi lại phần đuôi, chẳng hạn tại UK thì thay au bằng uk). Trong phần “More Settings”, bạn cũng phải thiết đặt các thông số các cổng là 995, 465 và SSL (như hình).

Lưu ý rằng do đặt server tại Úc nên nếu bạn ở Việt Nam thì việc check mail bị chậm hơn một chút (so với các tài khoản khác đang được thiết đặt trong Outlook của bạn - chẳng hạn mình thấy chậm hơn hẳn so với dùng POP miễn phí của Gmail), đôi khi có thời điểm không thể lấy mail từ server, phải chờ một vài phút sau và check lại mới được.

Trương Mạnh An

7/4/10

Hiren’s BootCD 10.3 có virus?

Nhiều người đã biết Hiren’s BootCD là đĩa công cụ phục vụ khắc phục, sửa chữa, sao lưu, phục hồi… hệ thống máy tính khi gặp sự cố. Nhiều người thường tải các phiên bản Hiren’s BootCD mới nhất mỗi khi nó phát hành để có được các tính năng mới và sửa chữa lỗi nếu có ở các tool cũ, tôi cũng thế.

Hôm trước khi thấy trên 9down có bản Hiren’s BootCD 10.3 liền vào tải về. Thông thường thì trên 9down có liên kết đến một trang nào đó cho tải về và có các trang mirror để giảm gánh nặng trong link tải chính, một trong các mirror đó còn trên chính 9down. Lần này không thấy mirror của 9down nên phải tải về thông qua các server khác bị chậm hơn đối với các tài khoản miễn phí thông thường tại hotfile, rapidshare…

Sau khi tải hoàn tất file 9Down.COM_Hirens.BootCD.10.3.rar về máy tính thì thấy Norton Internet Security báo rằng file có virus mà cụ thể là file hbcdcustomize.exe (hình dưới)

Chi tiết hơn:

Virus nhiễm vào file này được đặt tên là Suspicious.MH690.A, thông thường thì bạn có thể hiểu rằng đây là tên của một loại virus, tuy nhiên nếu chú ý thêm một chút và đọc thêm về “virus” này trên website của Symantec thì đây có lẽ chưa phải là một loại virus cụ thể nào, mà chúng được phát hiện dựa trên công nghệ nhận dạng virus thông minh của hãng Symantec. File này có thể chứa đoạn mã của virus nào đó biến thể, hoặc loại virus mới chưa được nhận dạng ra (mà loại này thì có nhiều bởi hàng ngày số lượng mã độc mới xuất hiện luôn lớn hơn số đã được phát hiện bởi các phần mềm diệt virus). Khi phát hiện có những dấu hiệu của virus của file trên, Norton Internet Security 2010 đã “nhốt” chúng lại và đồng thời gửi mẫu về trung tâm để phân tích.

Vậy thì với các phần mềm bảo mật hoặc phần mềm diệt virus thông thường (không có công nghệ nhận dạng thông minh) thì sẽ phát hiện được gì không? Có thể là có hoặc có hoặc không: Có nếu như đoạn mã nhận dạng đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của phần mềm diệt virus đó; Không (mà phần lớn là không) bởi hoặc chưa cập nhật mẫu, hoặc đã cập nhật nhưng virus đã kịp “biến” thành một loại virus khác mà thoát khỏi sự nhận dạng của phần mềm diệt virus thông thường. Để đối phó với các virus tự biến thể thì chỉ có các phần mềm diệt virus có công nghệ nhận dạng thông minh mới trị được chúng. Symantec Internet Security 2010 là một trong các phần mềm đứng hàng đầu năm 2010 (theo PCWorld) có công nghệ nhận dạng như vậy – nên đã phát hiện ra.

Khi thử quét Hiren’s BootCD 10.3 bằng bộ phần mềm bảo mật Symantec Client Security 10.1.9.9000 cũng của Symantec thì phần mềm này không nhận ra mã độc. Mặc dù dù cùng sử dụng cơ sở dữ liệu virus với Norton Internet Security nhưng rõ ràng là Symantec Client Security (phiên bản mới nhất) không có tính năng tự động nhận dạng thông minh nên đã để lọt lưới mã độc.

Symantec Client Security hiện nay được nhiều người sử dụng, thậm chí còn sử dụng các bản có engine 10.1.7 (rất cũ), bởi chúng không đòi hỏi nhiều về bản quyền như các sản phẩm mới hơn của Symantec.

Vậy thì trong số hơn 19.000 lượt xem tại trang này ở 9down thì có bao nhiêu là tải về, bao nhiêu là máy tính sẽ bị nhiễm mã độc chưa được biết đến và bao nhiêu máy tính khác được những người thạo IT (sử dụng được đĩa công cụ Hiren’s BootCD để sửa chữa sự cố phần mềm máy tính) này tiếp tục gây lây nhiễm? Con số đó có lẽ không nhỏ, do đó không có gì khó hiểu khi hàng ngày rất nhiều máy tính cá nhân trên thế giới gia nhập vào hệ thống botnet để tiếp tục truyền mã độc sang máy tính khác hoặc tham gia vào các vụ tấn công DDoS.

Như vậy tóm lại là: – Qua tải file trên Internet có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm mã độc; – File bị nhiễm mã độc nhưng chưa chắc phần mềm diệt virus của bạn đã phát hiện được bởi chúng quá thông minh và tự mình thay đổi để tránh sự phát hiện; – Để bảo vệ tốt nhất, hãy dùng phần mềm bảo mật có thương hiệu trên thế giới thay vì cảm tính hoặc lựa chọn theo quảng cáo (thật may là hiện nay ở Việt Nam, đa số người sử dụng đã trở thành “người tiêu dùng thông minh” khi lựa chọn đúng phần mềm bảo mật).

Trương Mạnh An (4/2010)

Cập nhật: Đến ngày 08/4/2010 đã có bản Hiren’s BootCD 10.4 (sửa một số lỗi nhỏ so với bản 10.30), tuy nhiên bản này vẫn còn mã độc.

3/4/10

Yahoo!Messenger 10: Bỏ quảng cáo

Ngày xưa mình cài đặt phần mềm Symantec Client Security (v10.1.9000.9) thì có thiết đặt loại bỏ tất cả các quảng cáo hiển thị trong trình duyệt, do đó mà khi dùng Yahoo! Messenger không thấy hiển thị các quảng cáo rối mắt. Hôm nay cảm thấy nhức mắt vì quảng cáo nhấp nháy trên Yahoo! Messenger nên muốn tìm cách loại bỏ nó đi. Cái lại phần mềm bảo mật cũ thì không được vì bản hiện tại tốt hơn, đành tìm trên Google xem có cách nào thực hiện lại điều này. Kết quả tìm kiếm của Google đã cho ra một số cách mà không cần thay đổi phần mềm bảo mật đang cài, cũng không cần cài đặt các phần mềm khác, cách mà mình lựa chọn như trình bày dưới đây.

Cách thức này là sửa file host của Windows, thực hiện được trên Windows XP, còn lại với Windows Vista và Windows 7 thì mình chưa thử thực hiện nên chưa rõ nó có tương thích hay không

Bước 1: Mở file hosts của Windows

Tìm file hosts của Windows bằng cách: Mở Windows Explorer, vào thư mục cài đặt Windows (thông thường ở phân vùng C của máy tính), thư mục chứa file hosts này thông thường sẽ có đường dẫn:

C:\Windows\System32\drivers\etc

(có thể copy đường dẫn trên và dán vào Windows Explorer cũng được)

Tại thư mục này, bạn sẽ thấy có khoảng 5 file, chỉ cần chú ý đến file tên là hosts (không có phần mở rộng). Chuột phải vào file này và chọn Open.

Bước 2: Sửa đổi file hosts của Windows

Bởi vì file hosts này không có phần mở rộng nên Windows không biết nó được mở với phần mềm nào cả, do đó một bảng thông báo sau sẽ xuất hiện. Bảng này hỏi bạn sử dụng các phần mềm/ứng dụng nào đã được cài đặt vào Windows để mở file đó.

File hosts của Windows chứa nội dung text là chủ yếu, do đó bạn chọn trong hộp trên để mở file này bằng Notepat. Sau khi chọn, bấm OK sẽ mở file này bằng Notepad (như hình dưới).

Phần lớn nội dung của file host là phần hướng dẫn, chỉ có một dòng duy nhất mà đằng trước nó không có dẫu # là có ý nghĩa, đó là dòng 127.0.0.1 localhost (nếu có thêm nhiều dòng nữa có nghĩa là file này trong Windows của bạn đã bị thay đổi, có thể thay đổi theo hướng tích cực hoặc có hại bởi virus).

Tuỳ theo phiên bản Yahoo! Messenger đang sử dụng mà bạn thêm một dòng text vào cuối cùng:

Nếu bạn sử dụng phiên bản Yahoo! Messenger tiếng Việt, bạn thêm dòng này:

127.0.0.1 vn.insider.msg.yahoo.com

Nếu là bản YM tiếng Anh, bạn thêm dòng này vào cuối

127.0.0.1 insider.msg.yahoo.com

Sau đó bấm Ctrl + S để ghi lại file hosts

File hosts của Windows có công dụng như một DNS (hệ thống phân giải tên miền) trên chính máy tính của bạn. Khi máy tính của bạn bắt đầu kết nối với một DNS trên Internet thì nó sẽ đọc file hosts trước để xem đã có sẵn chưa, nếu có sẵn nó không cần phải nhờ đến DNS khác.

127.0.0.1 là địa chỉ IP mặc định của máy tính hiện tại bạn đang sử dụng, nếu file hosts chỉ sang địa chỉ này thì nó sẽ không kết nối đi đâu cả :)

Dòng 127.0.0.1 vn.insider.msg.yahoo.com có ý nghĩa: Nếu như YM của bạn (hoặc bất kỳ ứng dụng nào) kết nối đến địa chỉ vn.insider.msg.yahoo.com thì nó sẽ … không kết nối đi đâu cả, mà chỉ ở lại trên máy tính của bạn. Địa chỉ trên là địa chỉ mà YM tải phần quảng cáo xuống, như vậy quảng cáo sẽ không tải được, và sẽ không hiển thị quảng cáo.

Do đặc tính này của file hosts nên một số virus đã sửa đổi nội dung của file này để máy tính của bạn không thể kết nối với máy chủ của các hãng viết phần mềm diệt virus, do đó các phần mềm diệt virus trên máy tính của bạn sẽ không cập nhật được các mẫu virus mới nhất. Cũng nhờ đặc tính này của file host mà đã có nhiều cách để tạo cache cho DNS hoặc các thủ thật khác…

Được rồi, bây giờ bạn thử tắt Yahoo! Messenger (nếu đang sử dụng nó) rồi bật lại phần mềm này, có thể phần quảng cáo phía dưới của Yahoo! Messenger sẽ không còn nữa.

Ngoài cách trên, khi tìm trên Google mình còn thấy có một phần mềm nhỏ chuyên dùng cho việc loại bỏ các quảng cáo trên Yahoo! Messenger, đó là Ad Banner Remover Plus (như bài hướng dẫn sử dụng phần mềm này tại đây). Có lẽ phần mềm này triệt tiêu quảng cáo tốt hơn nhưng mỗi khi có một phiên bản của YM mới thì lại phải cài đặt một phiên bản Ad Banner Remover Plus tương thích cho bản YM đó (mình đã thử tải bản Ad Banner Remover Plus như ở bài hướng dẫn kể trên nhưng nó không hỗ trợ phiên bản YM 10.0.0.1258 hiện tại nên không dùng được, sau đó tìm ra một bản mới hơn hỗ trợ bản này thì muốn tải nó lại phải đăng ký nên đã bỏ qua ^^).

Trương Mạnh An (04/2010)

_______________________________________

Phần dưới đây là nội dung mà mình tìm được qua Google, chép lại ra đây để bạn tham khảo hoặc thực hiện theo cách còn lại (cách 3).

Tuy phần dưới đây có 3 cách nhưng bạn không nên thực hiện theo cách 1 (phần chữ bị gạch đi, mà mình cũng bỏ các link ở trong đó) bởi chúng có nguy cơ chứa mã độc hoặc làm YM hoạt động không ổn định bởi file bị sửa chữa.

Cách 3 tuy được giới thiệu là hiệu quả hơn nhưng nó chứa nhiều rủi ro nếu như bạn không hiểu mình đang làm gì hoặc tác hại của nó (ví dụ việc chuyển định dạng từ FAT sang NTFS, xoá url có thể không vào room được…).

Cách 1: Gỡ bỏ hoàn toàn quảng cáo trên Yahoo Messenger 10 (Patch)

  • Tải bộ cài đặt Yahoo Messenger 10 offline install tại: Yahoo Messenger 10 Beta Download và tiến hành cài đặt Yahoo Messenger 10 Beta
    Tải file này về: Patch Yahoo Messenger 10.exe
    Copy file vừa tải được vào C:\Program Files\Yahoo!\Messenger\ đè vào file gốc (Nhớ Backup file gốc trước khi copy đè đề fòng trường hợp cần restore lại)
    Xong xuôi rồi, vào lại chat thử xem còn hiện quảng cáo không nhé
    Lưu ý: Vì thay đổi file gốc nên có thể Yahoo sẽ thông báo phiên bản cũ cần nâng cấp
Cách 2: đơn giản và hiệu quả để loại bỏ quảng cáo của Yahoo Messenger mọi phiên bản (cả 9x, 10x)
Ưu điểm:
  • 1. Không cần sửa registry: sửa registry luôn phải chạy theo phiên bản YM mới Click the image to open in full size.
    2. Không cần file patch (có thể có virus, trojan...)
    3. Chỉ cần Notepad

Nguyên tắc:

  • Chặn server quảng cáo của Yahoo (cái này Yahoo không thể thay đổi liên tục được Click the image to open in full size.)
Hướng dẫn:
  • 1. Dùng Notepad.
    2. Mở file sau:
    C:\Windows\system32\drivers\etc\hosts
    3. Thêm dòng sau vào cuối file:
    127.0.0.1 insider.msg.yahoo.com #chan server quang cao yahoo
    4. Save lại, restart YM nếu đang bật -> đã xong \^^/
Cách 3 (Hiệu quả hơn)
Yahoo! Messenger 9 lấy các link quảng cáo từ file cache\urls.xml trong thư mục cài đặt. Vì vậy muốn vô hiệu hoá các đoạn quảng cáo, bạn chỉ cần xoá trắng file này, sau đó đặt thuộc tính sao cho chương trình không thể thay đổi được nội dung của nó. Các bước thực hiện như sau:
- Đầu tiên hãy tắt hẳn chương trình bằng cách click phải vào biểu tượng của YM trên Task Bar, chọn Exit.
- Giả sử thư mục cài đặt của Yahoo! Messenger nằm trong ổ C, hãy vào C:\Program Files\Yahoo!\Messenger\cache > click chuột phải vào file urls.xml > Open With, chọn Notepad, sau đó xoá trắng toàn bộ file này và đóng lại.
Khuyên: Dòng nào có chữ ad thì xóa đi. Mấy dòng kia nên giữ lại
- Tiếp theo hãy khoá file urls.xml đã được xoá nội dung. Để làm điều này ổ C cần phải ở định dạng NTFS. Nếu ổ C đang ở định dạng FAT, hãy ấn tổ hợp Windows + R > gõ vào cmd > Enter để mở Command Line rồi nhập lệnh convert C: /fs:ntfs để chuyển định dạng ổ C sang NTFS.

Di chuyển vào thư mục cache bằng dòng lệnh cd C:\Program Files\Yahoo!\Messenger\cache, sau đó nhập lệnh cacls urls.xml /D Everyone để khoá file urls.xml. Chương trình sẽ hỏi lại xem bạn có chắc chắn muốn khoá file urls.xml không, gõ y và Enter để xác nhận.

Sau khi thực hiện các bước trên, mở lại Yahoo! Messenger sẽ thấy quảng cáo biến mất.

____________________

Có thể bạn nên xem thêm những bài liên quan đến Yahoo! Messenger:

23/3/10

Dùng Outlook gửi và nhận email

Dùng Microsoft Outlook hay một trình quản lý email ở client nào đó là điều bình thường ở những người sử dụng máy tính lâu năm. Gấu nhà mình cũng dùng máy tính lâu năm để soạn giáo án điện tử, nhưng không biết làm điều đó. Viết entry này có vẻ như là viết lại những cái ‘biết rồi’ nhưng chắc rằng nó không thừa đối với gấu nhà mình hoặc cho những ai chưa biết về nó.

Ở entry này mình chỉ nói về Microsoft Outlook (chứ không phải Outlook Express được cài kèm với Windows XP trở về trước), và cách viết theo kiểu hướng dẫn chi tiết cho người chưa biết gì về nó. Một số trình quản lý email khác cho client thì mình có thể sẽ có dịp viết về nó.

Outlook là một phần trong bộ phần mềm Microsoft Office. Thông thường Microsoft Outlook được cài đặt cùng với Word, Excel, PowerPoint trên nhiều máy tính. Phiên bản thông dụng nhất hiện nay là bản 2003, bản mới hơn là 2007 và 2010 (nhưng cho đến hiện tại thì ở Việt Nam chúng ít thông dụng bằng bản 2003).

Có hai cách để khởi động Microsoft Outlook nếu như máy tính của bạn đã được cài đặt nó cùng với bộ phần mềm Microsoft Office. Cách 1: Từ Start, vào Programs, vào Microsoft Office, bấm vào Microsoft Outlook như hình minh hoạ dưới. Cách 2: Nếu trên desktop của bạn có một biểu tượng của Microsoft Outlook thì bạn click đúp chuột vào đó.

Giao diện sử dụng của Microsoft Outlook như hình dưới đây, theo mặc định chúng cho 3 cột, trong đó: Cột bên trái chứa các thư mục email, cột ở giữa chứa các thông tin ngắn gọn về các email đã được tải về, cột bên phải chứa nội dung email tương ứng khi ta bấm vào email ở cột giữa. Ba cột này có thể được điều chỉnh bởi người sử dụng sao cho kích thước bề rộng các cột được phù hợp với kích thước màn hình.

Microsoft Outlook (cũng như các trình quản lý email ở client khác) có thể quản lý email ở chế độ offline, có nghĩa là không cần phải kết nối với Internet thì người sử dụng vẫn có thể tạo ra một email mới hoặc xem lại các email đã tải về trước đó. Có được điều này là do phương thức làm việc của Microsoft Outlook: chúng tải toàn bộ email về lưu trữ trên máy tính của người sử dụng.

Tuy nhiên Microsoft Outlook không phải là hỗ trợ toàn bộ các địa chỉ email bởi còn phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ email của bạn có cho phép hay không. Một số nhà cung cấp dịch vụ email đã không hỗ trợ phương thức truy cập POP hay IMAP thì Microsoft Outlook sẽ sử dụng được. Tại sao nhà cung cấp là không hỗ trợ POP hay IMAP? Bởi vì như vậy lượng ngườ dùng sử dụng email trực tiếp trên website của nhà cung cấp sẽ ít đi, cơ hội quảng cáo trên webmail do đó mà giảm đi. Hiện nay ở một số nhà cung cấp dịch vụ email lớn thì Gmail cho phép sử dụng POP hay IMAP một cách tự do, Yahoo! Mail chỉ cung cấp dịch vụ POP cho người sử dụng trả phí…Tuỳ thuộc vào nhà cung cấp email của bạn mà bạn có thể sử dụng Microsoft Outlook được hay không.

Để bắt đầu sử dụng Microsoft Outlook, cần phải nhập thông số các tài khoản email vào nó. Bấm ‘Tools’, chọn ‘E-mail Accounts…’ như hình dưới đây:

Một hộp hiển thị ra (như hình), chọn vào ô ‘Add a new e-mail account’ rồi bấm Next.

Ở phần tiếp theo, bạn chọn vào phần ‘POP3’ nếu như nhà cung cấp dịch vụ email của bạn hỗ trợ giao thức này. Nếu là Gmail hoặc Yahoo! Mail (Yahoo! Mail cho một số địa phương sẽ miễn phí cho sự truy cập POP, bạn có thể đọc entry này về thiết lập POP với Yahoo! Mail) thì bạn chọn POP. Sau bước này, bạn bấm Next để tiếp tục.

Đến bước này thì cần điền các thông tin về tài khoản email, hãy điền các thông số phù hợp vào các ô nội dung như hình minh hoạ phía dưới. Trong hình minh hoạ này thì tài khoản email làm mẫu là của Gmail và cụ thể là email của mình. Xin lưu ý rằng nếu bạn dùng Yahoo! Mail thì những thiết đặt dưới đây hoặc tương tự như vậy là không đúng.

Trong mục Incomming mail server (POP3) của tài khoản Gmail, điền dòng pop.gmail.com, phần Outgoing mail server (SMTP) điền dòng smtp.gmail.com. Mục Your Name: Điền tên (hoặc nickname) của chủ sở hữu địa chỉ email. Phần E-mail Address cần điền đầy đủ địa chỉ email (bao gồm @ và toàn bộ phần domain phía sau). Trong mục Logon Infomation, phần User Name thông thường sẽ được tự động điền vào khi mà bạn nhập địa chỉ email ở phía trên. Password có thể được nhập ngay từ lúc thiết đặt này hoặc Microsoft Outlook sẽ hỏi mỗi lần bạn kết nối với Internet để tải và gửi email. Nếu bạn không muốn bị nhập lại mật khẩu của hộp thư quá nhiều lần trong phiên làm việc thì nên lưu lại password tại mục này cùng tích lựa chọn vào ô Remember password.

Đó là các thiết đặt thông thường của một tài khoản email hỗ trợ POP, các thông số thiết đặt khác như chế độ kết nối bảo mật, cổng kết nối …. ở thông số mặc định. Tuy nhiên những nhà cung cấp dịch vụ email như Gmail hoặc Yahoo thì lại sử dụng các thông số không như mặc định nên phải tiếp tục thay đổi thiết lập cho Microsoft Outlook trong phần ’More Settings…’ như hình minh hoạ dưới.

Sau khi bấm vào nút More Settings như ở hình trên, vào tab Outgoing Server (như hình dưới), bấm lựa chọn vào ô ‘My outgoing server (SMTP) requires authentication’.

Chuyển đến tab Advanced (như hình dưới), hãy thay đổi các thông số và các thiết đặt như sau (vẫn lưu ý rằng ví dụ minh hoạ này là các thiết đặt cho Gmail):

  • Incoming server (POP3): 995
  • Đánh dấu vào mục: ‘This server requires an encrypted connection (SSL)’ ngay sau nó.
  • Outgoing server (SMTP): 465 hoặc 587
  • Cũng đánh dấu vào mục: ‘This server requires an encrypted connection (SSL)’ ngay sau nó.

 

Đến đây là hoàn tất quá trình thiết đặt một tài khoản Gmail ở Microsoft Outlook, từ đây người sử dụng có thể đọc email, lấy email và soạn thảo các email mới mà không cần liên tục phải kết nối với Internet.

Để bắt đầu tải và gửi email, bạn bấm vào nút Send/Receive như trong hình minh hoạ thứ hai ở trên, trạng thái hoạt động của Microsoft Outlook sẽ được thông báo chi tiết bằng một bảng hiện ra như hình dưới.

Để sử dụng được một tài khản Gmail trên Microsoft Outlook thì còn một bước nữa phải thực hiện, đó là thiết lập trong tài khoản Gmail của để cho phép truy cập POP. Để thiết đặt, vào Gmail theo phương thức webmail thông thường (tại địa chỉ http://gmail.com), đăng nhập, vào phần ‘Cài đặt’ như hình minh hoạ phía dưới. Trong phần ‘Cài đặt’, vào mục ‘Chuyển tiếp và POP/IMAP’, click lựa chọn vào phần ‘Bật chức năng tải POP cho tất cả thư (thậm chí cả thư đã được tải xuống)’ nếu như bạn muốn tải toàn bộ email từ Gmail xuống Microsoft Outlook (hoặc một trình quản lý email trên client khác), hoặc lựa chọn vào mục ‘Bật POP cho thư đến từ bây giờ trở đi’ nếu như bạn chỉ muốn tải về các email kể từ thời điểm hiện tại trở đi.

(Phần hướng dẫn bật POP cũng được Google hướng dẫn một cách đơn giản tại đây).

Sau khi thiết lập sự cho phép truy cập POP trên ở tài khoản Gmail, hãy nhớ bấm vào nút ‘Lưu thay đổi’ ở phía dưới để những thay đổi có hiệu lực.

Để tạo một email mới trong Microsoft Outlook, bạn có thể bấm vào nút New (như trong hình minh hoạ dưới đây), tại cửa sổ soạn thảo email này bạn có thể soạn thảo email như soạn thảo một văn bản trên phần mềm Microsot Word thông thường.

Sau khi soạn thảo hoàn tất một email, bạn lựa chọn tên tài khoản email gửi đi bằng nút Accounts (như hình minh hoạ) nếu như sử dụng Microsoft Outlook cho nhiều tài khoản email khác nhau đồng thời. Ví dụ như trong hình minh hoạ bên thì mình dùng Microsoft Outlook cho 4 email: Một của Công ty đang làm việc, hai email của Gmail và một email của Yahoo!Mail. Việc lựa chọn sử dụng địa chỉ email nào gửi đi sẽ được lựa chọn trước khi bấm nút Send để hoàn tất.

***

Khi sử dụng Microsoft Outlook, bạn có thể để Microsoft Outlook hoạt động ở chế độ ‘chạy nền’ tức là hiển thị một icon nhỏ ở khay đồng hồ của hệ thống. Ở chế độ như vậy sau mỗi một thời gian nhất định (do người dùng thiết đặt) thì Microsoft Outlook lại tự động kết nối với Internet để gửi các email đã soạn, nhận các email mới.

_______

Microsoft Outlook thì sử dụng khá thuận tiện cho việc quản lý email cá nhân, nếu chưa có tài khoản Gmail, bạn hãy đăng ký một tài khoản và sử dụng thử, biết đâu bạn sẽ chẳng bao giờ muốn sử dụng email trên nền web nữa :).

Trương Mạnh An (03/2010)

22/3/10

Esse Việt Nam

Mình hút thuốc lá, điều đó là không tốt, mình biết. Mình cũng không khuyên người khác không hút thuốc lá bởi vì lời khuyên đó mình cũng chưa thấy thành công đối với mình, tuy vậy nếu hút thuốc lá thì có thể làm hạn chế được tác hại của nó nhờ một số loại thuốc có hàm lượng nicotin nhẹ hơn.

Ngày trước mình hút Vinataba, có thời điểm mỗi ngày hết 2 bao. Sau chuyển sang Mild Seven thấy nhẹ hơn, rồi một thời gian nữa thì thấy một số người hút loại thuốc màu trắng, nhỏ như đầu đũa là Esse của Hàn Quốc, thế là chuyển sang nó.

Esse cũng có vài loại khác nhau từ loại nhẹ, bạc hà đến loại có hàm lượng cao hơn. Ví dụ về hàm lượng nicotin và tar (hắc ín) của một vài loại như sau:

  • Esse Light: Hàm lượng Nicotin: 0,45 mg/điếu; Tar: 4,5 mg/điếu
  • Esse Blue: Hàm lượng tương tự Esse Light
  • Esse …gì đó màu đỏ: Nicotin: 0,60 mg/điếu; Tar: 6,0 mg/điếu.

Ngoài ra còn một số loại Esse khác nữa, tuy nhiên ở thị trường Việt Nam ít thấy xuất hiện như Esse Menthol…

Thuốc lá Esse có đặc điểm là hàm lượng nicotin thường thấp hơn so với đa số các loại thuốc thông dụng khác trên thị trường. Ở phần lọc của điếu thuốc có 4 hàng lỗ để lấy không khí ngay từ lọc, luồng khói vào phổi người hút vì thế mà là sự pha trộn giữa khói thuốc được đốt cháy từ sợi thuốc lá và không khí thông thường. Chính vì thế mà hút Esse có cảm giác khá nhẹ, người nghiện thuốc nặng sẽ khó chấp nhận hút loại thuốc này bởi không đủ ‘phê’ đối với họ, nhưng sau khi chuyển sang hút Esse thì đa số họ sẽ cảm thấy giảm mệt mỏi và sức khoẻ cải thiện hơn so với trước - chính vì Esse nhẹ và có hàm lượng nicotin thấp như đã nói.

Một số người có thắc mắc về lượng hắc ín (tar) có trong thuốc lá Esse? Có lẽ do quen với tư duy rằng trong thuốc lá có thành phần độc hại chính là nicotin, tuy nhiên thuốc lá còn có khoảng vài ngàn chất khác có thể gây độc hại. Hắc ín được công bố hàm lượng trên vỏ bao Esse chỉ là một trong số các chất độc hại đó, nó là một thành phần được khống chế về lượng trong mỗi điếu thuốc Esse. Tuy không biết chắc chắn rằng các loại thuốc còn lại có hàm lượng hắc ín là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ lớn hơn so với hàm lượng có trong mỗi điếu thuốc Esse.

Esse tuy có phần đầu lọc màu trắng nhưng không có nghĩa là chúng có chứa bạc hà như nhiều người nhầm tưởng. Đúng là nhiều loại có lọc màu trắng thường chứa vị bạc hà như Everest, nhưng Esse chứa bạc hà thì chỉ có trong loại Esse Menthol. Mình cũng mở ngoặc ra rằng không nên hút các loại thuốc có bạc hà bởi bạc hà cùng các hương liệu khác được tẩm vào sợi thuốc khiến tăng thêm các thành phần độc hại trong khói thuốc. Một số người cho rằng hút thuốc có chứa bạc hà gây yếu sinh lý, vô sinh.

Esse ‘trúc’ là loại thuốc được nhiều người sử dụng

Trước đây số người hút thuốc lá Esse không nhiều nên việc mua loại thuốc loại này không phải dễ dàng, các đại lý nhỏ hoặc quán bán lẻ hầu như không có, các đại lý lớn hơn thì hiếm khi có hàng. Theo thời gian thì Esse trở thành phổ biến hơn, hình ảnh một người nào đó ngậm điếu thuốc nhỏ màu trắng đã gặp nhiều hơn. Khi mà có nhiều người sử dụng một sản phẩm nào đó thì có thể nguy cơ xuất hiện hàng giả, Esse cũng vậy, người ta cho rằng Esse đã bắt đầu có hàng giả từ Trung Quốc sang.

Người đầu tiên nói rằng Esse là hàng Trung Quốc là một anh trong phòng mình (anh này trước đây hút Vina nhưng được mình khuyên chuyển sang Esse cho nhẹ nên đã chuyển). Nghe được mấy người nói chuyện với nhau về nguồn gốc nhập hàng từ Trung Quốc nên đã hỏi một người quen làm đại lý bánh kẹo-thuốc lá và được xác nhận điều đó là đúng. Ông anh này chuyển sang hút Thăng Long (loại vỏ kim loại) với lý giải ‘Bây giờ Vina cũng bị giả nhiều, chỉ còn Thăng Long là loại thuốc thật thôi’. Quả thật thì mình cũng bắt đầu thấy nghi ngờ về chất lượng thuốc Esse mà mình đang hút bởi vì cũng có cảm giác rằng thuốc hiện nay không thơm và nhẹ như hồi mới chuyển sang hút thuốc này. Nghi ngờ là vậy nhưng mình cũng không biết chuyển sang hút loại thuốc khác bởi sau khi đã dùng quen đối với loại thuốc nhỏ, chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cảm thấy như ngậm một cái gì đó rất to – rất khó chịu ^^.

Trung Quốc thì có gì xấu? Hic, đừng nói câu này rồi đưa lên Internet bởi rất có thể sẽ bị ném đá tới tàn tật. Chỉ cần nghe những chuyện về những hàng giả và cách chế tạo cũng như chế biến chúng thì sẽ có cảm giác cảnh giác luôn với hàng Trung Quốc. Thuốc lá giả thì sao, mình nghe được tin rằng thuốc giả được sản xuất từ nguyên liệu là giấy vụn. Hic. Mình cũng bóc thử vài điếu ra xem ruột của nó, nhưng vẫn cảm thấy đó là những sợi thái ra từ lá thuốc lá chứ không phải giấy vụn. Chợt hãi khi có lần bị đứt tay rồi bóc ra một điếu để dịt vào cầm máu :(.

Đang còn lưỡng lự giữa việc tiếp tục hút Esse mà có nguy cơ cao về sự ‘mua nhầm vào loại thuốc giả’ hay chuyển sang một loại thuốc lá nào đó khác mà chất lượng đảm bảo hơn thì chợt thấy cửa hàng nơi mình hay mua thuốc có loại thuốc Esse có dán tem nhập khẩu của Việt Nam. Mua ngay một bao về hút thử!

Nói là Esse Việt Nam thì không phải bởi không giống như Mild Seven (thuốc Nhật, nhưng sản xuất tại Việt Nam) bởi nhìn kỹ bao thuốc thì thấy vẫn ghi ‘Sản xuất tại Hàn Quốc’ tem Nhập khẩu có ghi ‘Thuốc lá điếu nhập khẩu’. Như vậy Esse Việt Nam có điếu được sản xuất tại Hàn Quốc, nhập về Việt Nam dưới dạng điếu, đóng gói tại Việt Nam trên vỏ bao được in bằng tiếng Việt.

Vậy vỏ bao có được sản xuất tại Hàn Quốc không? Mình nghĩ là không, bởi vì dòng khuyến cáo ‘Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi’ không phải dạng dán thêm vào như một số loại thuốc khác, mà được in trực tiếp trên vỏ bao.

Sau khi hút thử Esse Việt Nam, mình chuyển ngay sang loại này. Dù sao thì Esse đóng gói tại Việt Nam cũng sẽ khó có hàng giả ngay được bởi nếu có hàng giả chỉ khi chúng chiếm lĩnh một thị trường rộng (như Vinataba chẳng hạn) với đa số người hút thuốc lá dùng nó.

Esse Việt Nam trên vỏ không thấy ghi hàm lượng nicotin nhưng có vẻ như nó không khác so với loại Esse Blue cũng đang được bán trên thị trường. Về giá bán trên thị trường thì Esse Việt Nam có giá cũng tương tự như hai loại Esse Light và Esse Blue.

Dưới đây là các hình ảnh so sánh loại Esse Việt Nam và hai loại anh em với nó thông qua các chú thích bằng hình ảnh.

Về hình dáng, kích thước của bao Esse Việt Nam: Chúng cũng tương tự như Esse trước đây:

Hàm lượng các chất trong thuốc lá được ghi ở cạnh bên của vỏ bao, tuy nhiên loại thuốc Esse của Việt Nam đóng gói thì không thấy ghi về hàm lượng này, có lẽ Việt Nam không bắt buộc phải ghi hàm lượng các chất trong thuốc lá tại vỏ bao nên Vinataba đã bỏ qua không ghi gì cả:

Một mặt của ba bao thuốc: Tất cả đều ghi dòng chữ ‘Sản xuất tại Hàn Quốc’:

Vậy cả entry này mình chỉ muốn nói là: Dù sao thì cũng không nên hút thuốc, mà đã hút thuốc thì nên chuyển sang loại Esse, mà đã hút Esse thì theo mình là nên chuyển sang Esse được đóng gói tại Việt Nam – nếu như bạn không có nguồn thuốc lá chuẩn từ Hàn Quốc.

Trương Mạnh An (03/2010)