28/8/08

Lưu ý khi gắn bộ tản nhiệt CPU nguyên bản

Quả thật là lâu rồi không dùng đến cái máy tính để bàn bởi gần đây chuyển sang dùng laptop cho gọn nhẹ, tiết kiệm điện và cơ động hơn trong công việc cũng như ở nhà. Tuần vừa rồi nhân dịp mất điện và rỗi rãi một chút nên cũng nhớ lại rằng lâu không vệ sinh bên trong thùng máy. Chẳng ngờ khi tháo một số chi tiết, thiết bị ra thì gặp sự bực mình hết cỡ, và cũng nhận ra cái sự ngố của một người tự coi là hiểu biết tí ti về phần cứng máy tính. Phải chụp ảnh minh hoạ và viết ngay một entry để mọi người lấy làm kinh nghiệm đối với phần cứng máy tính.

Xin lưu ý lại rằng entry này chỉ nói đến bộ tản nhiệt của CPU nguyên bản (quen gọi là hàng BOX), chúng không nói đến các bộ tản nhiệt bán lẻ (hoặc theo hàng loại TRAY) hoặc các loại tản nhiệt được sản xuất riêng với chất lượng cao.

LÂU KHÔNG MỞ THÙNG MÁY, BỤI QUÁ

Nếu bạn chưa bao giờ chú ý đến cái máy tính của bạn thì đến một lúc nào đó nó sự cố, lỗi gì đó, rồi mở ra sẽ nhận thấy bên trong của nó thì bụi vô cùng. Bạn có thể nói rằng máy đặt trong phòng điều hoà, thường xuyên đóng cửa - nhưng nó vẫn bị bụi như thường - bởi vì trong không khí thì luôn luôn tồn tại lơ lửng những hạt bụi nhỏ.

Tôi đã dỡ cái máy của tôi ra thì thấy rằng tất cả các bộ phận được phủ một lớp bụi. Khiếp! Không tưởng tượng được, mới có khoảng sáu tháng không mở nó ra chọc ngoáy gì mà đã bụi đến như vậy.

Đây, hình này bạn xem, phần bên dưới: Bao gồm một bo mạch đồ hoạ và một bo mạch âm thanh thôi, đã nhận thấy nó bụi như thế nào rồi.

Bo mạch đồ hoạ và bo mạch âm thanh, phần dưới cùng của vỏ máy tính bị phủ một lớp bụi ; Ảnh: Trương Mạnh An

Ngước nhìn lên phía trên nó một chút: Ôi giời, cũng chẳng kém. Bụi kinh!

Bụi bặm trong thùng máy (vỏ máy tính) rất nguy hại cho quá trình làm việc của máy tính, chúng có thể gây các tác hại sau:

  • Làm giảm hiệu suất tản nhiệt: Đây là tác hại lớn nhất.
  • Tích tụ lâu ngày, gặp thời tiết ẩm ướt có thể trở thành tác nhân gây dẫn điện, nhiễu các bus và các trường hợp khác nghiêm trọng hơn: Hư hỏng do chập điện giữa các bộ phận.
  • Làm kẹt các cơ cấu chuyển động được như quạt, các cơ cấu quay của ổ đĩa quang, ổ đĩa mềm...(riêng ổ đĩa cứng thì chúng kín khít nên không ngại vấn đề này.
  • Hấp dẫn côn trùng thâm nhập (nếu chúng tè vào đó là mệt)

Chính vì những điều này mà các vỏ máy tính có chất lượng tốt đều có các phần lọc bụi ở đầu vào phía trước. Trong thời gian trước đây - khi mà các máy tính còn hiếm ở Việt Nam thì một chiếc máy tính cá nhân theo chuẩn IBM có thể có yêu cầu đặt trong phòng kín, có điều hoà (đảm bảo về nhiệt độ phù hợp với nơi sản xuất - chưa được nhiệt đới hoá sản phẩm do thời điểm đó thường nhập khẩu nguyên chiếc từ Hoa Kỳ).

Ảnh: Tản nhiệt của CPU còn bụi hơn

Hình trên vẫn chưa đủ minh hoạ cho sự kinh hoàng về lớp bụi ở phần tản nhiệt của CPU. Tôi cảm tưởng rằng bụi bặm đã dính vào các khe hở của tản nhiệt khiến cho nó bị bít và giảm khoảng 50% khả năng thông gió của nó.

Tản nhiệt CPU (box) bị bám bụi;

Đây là một bộ tản nhiệt bán kèm theo CPU hàng box của Intel. Nó là một tản nhiệt chuẩn đã được Intel đặt hàng của một hãng nào đó (thường là Sanyo) rồi gắn nhãn Intel để có thể đóng gói vào cùng một hộp với CPU để bán cho người sử dụng cuối cùng. Quạt này khác với các loại hàng TRAY mà giá của bộ CPU+quạt thường giảm hơn khoảng vài USD. Bạn nên chọn hàng box để đảm bảo hơn về chất lượng, đừng tiếc vài USD mà có thể có các rủi ro về sau này.

Chính vì có nhiều bụi nên tôi đành phải tháo cả cụm tả nhiệt ra khỏi CPU để có thể vệ sinh tốt hơn. Tôi nghĩ rằng việc vệ sinh trực tiếp chúng mà không tháo ra sẽ không thể đảm bảo sạch sẽ được.

Việc tháo các bộ tản nhiệt của CPU ra khỏi bo mạch chủ không phải là một điều khó khăn đối với mọi người, nhưng có lẽ rằng nó cũng chưa đến mức đơn giản để ai cũng làm được như việc tháo một thanh RAM. Bạn cần chú ý đến một số điều sau:

Mỗi tản nhiệt cho CPU đều có các phương thức gắn riêng sao cho chũng có thể được bám chắc vào bo mạch chủ với tư thế tạo một áp lực vừa phải xuống lưng CPU. Nếu muốn tháo chúng cần hiểu được nguyên lý gắn kết bộ tản nhiệt của CPU với bo mạch chủ như thế nào để có phương thức tháo chúng. Bạn không nên cố gắng dùng lực mạnh để tháo bỏ chúng.

Ví dụ như một bộ tản nhiệt nguyên bản của CPU hãng Intel theo mỗi CPU dùng đế cắm 775 chân của các dòng CPU của Intel thì thường được định vị với bo mạch chủ bằng 4 vị trí đối xứng (bốn lỗ này là yêu cầu bắt buộc trên bo mạch chủ). Với một bộ tản nhiệt nguyên bản thì cách gắn chúng với bo mạch chủ là lựa tản nhiệt với các phần định vị vào đúng vị trí, rồi giữ chặt ở điểm giữa của quạt, đồng thời tay phải ấn chốt chẻ xuống theo các vị trí lần lượt đối xứng nhau qua tâm của quạt. Bạn hãy nhớ cách này để chỉ một lát nữa là cần thiết phải sử dụng chúng cho việc lắp đặt lại tản nhiệt của CPU sau khi tháo chúng ra.

Đối với loại tản nhiệt của socket cũ hơn một chút của Intel là Socket 478 thì chúng lại có một cách định vị khác: hầu như các bo mạch chủ loại này đều gắn sẵn một khung vuông bằng nhựa để phần tản nhiệt có thể nằm lọt trong khung đó. Công dụng chính của khung có vẻ như dùng để phần tản nhiệt có thể móc định vị vào nó bằng bốn lẫy đối xứng.

Để có thể vệ sinh tốt toàn bộ khối tản nhiệt CPU nguyên bản thì tôi phải tách riêng phần quạt và phần khối tản nhiệt nhôm-đồng ra khỏi nhau. Hành động này rất đơn giản bởi vì phần quạt được gắn vào phần khối kim loại bằng hai nẫy đối xứng băng nhựa (hai nẫy còn lại chỉ định vị đúng vị trí mà không có vấu ngoàm vào). Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh phía dưới đây:

Tháo riêng phần quạt và phần tản nhiệt ra để vệ sinh từng bộ phận;

Và, khi tháo ra thì tôi đã gặp ... sự thật phũ phàng đến ... bực mình. Có lẽ phải viết riêng ra một mục để những người hay mày mò với phần cứng máy tính (hoặc có thể hiểu biết đôi chút) có thể tự kiểm tra và đề phòng với CPU của mình được tốt hơn.

CHÚ Ý ĐẾN VIỆC GẮN CPU VỚI TẢN NHIỆT

Kỹ thuật viên lắp ráp PC đã không cẩn thận

Tôi đã nhìn thấy dấu vết của kem tản nhiệt còn lại của bộ tản nhiệt CPU chuẩn và lưng của CPU, chúng bị mất cân đối, có các phần khuyết ở vị trí quan trọng và rõ ràng rằng không đồng đều.

Để hiểu được rằng tại sao lại như thế thì trên các bộ tản nhiệt của CPU (hàng box) có thể có các hình thức gắn sẵn kem tản nhiệt trên nó, để đảm bảo tính đồng đều thì các phần kem tản nhiệt này thường được chia thành ba vệt có hình dạng gần tương tự như hình tôi chụp lại ở dưới: Có nghĩa là chúng giống như ba lát cắt. Mục đích của điều này có lẽ rằng nhằm cho khi lắp ghép tản nhiệt với CPU thì chúng tự bè ra và lấp đầy vào các đoạn rỗng không chứa kem tản nhiệt.

Nguyên lý của kem tản nhiệt là không quá ít để bị thiếu hụt, tạo khe, bọt khí, nhưng cũng không quá nhiều để có thể tạo ra một lớp cách ly dày giữa lưng CPU và bộ tản nhiệt bởi điều này làm hạn chế sự truyền nhiệt giữa chúng.

Một sự truyền nhiệt có lẽ rằng lý tưởng nhất là áp trực tiếp hai mặt cực phẳng, bóng với nhau mà có thể không cần đến các loại kem tản nhiệt giữa hai mặt phẳng đó. Chính điều này đã khiến cho các overclocker đã mất rất nhiều công sức để mài bóng phần tiếp giáp tản nhiệt và thậm chí là mài cả lưng CPU để tạo ra một mặt phẳng và ít có các lỗ rỗng trên bề mặt.

Việc mài bóng phần ghép giữa tản nhiệt và CPU được thực hiện dần từ giấy giáp cỡ thô nhất, dần đến loại mịn hơn và cuối cùng là loại rất mịn (cỡ nhám 00) rồi đến loại vải mịn. Mặt càng bóng (đến nỗi dùng soi gương được) thì càng hạn chế các điểm chứa không khí khi áp sát các mặt với nhau[6].

Kem tản nhiệt trong lúc này chỉ đóng vai trò làm kín các vị trí có thể chứa không khí giữa mặt bóng của bộ tản nhiệt đối với lưng CPU mà thôi, do đó chúng chỉ cần một lớp đủ mỏng để lấp đầy bọt khí hoặc sự vênh nhau khi định vị bộ tản nhiệt đối với bo mạch chủ, sự giãn nở và cong vênh của bo mạch chủ trong quá trình lắp ghép chúng với vỏ máy tính và khi làm việc.

Các loại kem tản nhiệt có chất lượng kém sẽ truyền nhiệt kém, làm giảm khả năng truyền nhiệt từ CPU đến bộ tản nhiệt, do đó luôn hạn chế độ dày của lớp kem tản nhiệt.

Trên lý thuyết thì việc ghép một bộ tản nhiệt chuẩn theo hãng với CPU của hãng đó được thực hiện theo đúng kỹ thuật, nhưng kỹ thuật viên của cửa hàng bán linh kiện máy tính mà tôi mua đồng bộ các linh kiện đã lắp ráp chúng lại với nhau không đúng theo yêu cầu kỹ thuật - hoặc một lý do khác nữa.

Tôi nghĩ rằng phương pháp ghép CPU với tản nhiệt đúng kỹ thuật sẽ theo các bước như sau:

  • Làm sạch bụi (nếu có)
  • Kiểm tra trạng thái kem tản nhiệt được bôi sẵn trên bộ tản nhiệt đi kèm theo hộp (BOX): Nếu thấy bị khô thì phải lau sạch để sử dụng kem tản nhiệt khác.
  • Gắn CPU vào socket
  • Định vị tản nhiệt vào bo mạch chủ theo đúng phương pháp để đảm bảo phần bôi kem tản nhiệt được ép đều và phè ra lấp đầy diện tích của bộ tản nhiệt.

Phần "lý do khác nữa" đã nói ở trên là sự khô hoặc biến chất của kem tản nhiệt thì tôi nghĩ rằng sẽ không xảy ra đối với riêng trường hợp bộ máy tính của tôi, bởi vì trong thời điểm đó thì CPU tôi mua là loại vừa mới ra đời, do đó thời gian lưu kho chỉ trong khoảng dưới một tháng.

Đó là điều mà tôi cảm thấy bực bội khi viết ngay ở những dòng đầu tiên của entry này. Quả thực là xét kỹ ra thì hành động lắp ghép một số linh kiện với nhau theo chế độ mua rời chỉ là một sự "khuyến mại" của của hàng bán thiết bị, nhưng chính vì có một đội ngũ kỹ thuật chuyên việc này thì họ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thôi đành tự mình trách mình vì đã không kiểm tra lại chúng và đã quá tin tưởng vào sự lắp ráp miễn phí vậy.

Dấu vết kem tản nhiệt nguyên bản trên tản nhiệt và trên CPU;

Lắp ghép lại CPU với tản nhiệt

Nó đã thế rồi thì cần làm thế nào? Phải khắc phục nó thôi bởi vì khi bạn gỡ một bộ tản nhiệt ra khỏi CPU thì có nghĩa rằng bạn cũng phải thay lại kem tản nhiệt cho nó. Thông thường thì sau mộtt thời gian làm việc, đa số các loại kem tản nhiệt đều bị thoái hoá, khô cứng, giảm hiệu suất tản nhiệt bởi luôn phải làm việc nhiệt độ cao của CPU toả ra.

Kem tản nhiệt AS5, nguồn ảnh: http://www.arcticsilver.com/as5.htmNếu bạn không có loại kem tản nhiệt thì sao nhỉ? Thật nguy hiểm, bạn không thể lấy bất kỳ loại kem nào ra để thay thế được chúng, bởi vì các loại kem khác không có chức năng tản nhiệt (ví dụ kem đánh răng, kem thoa mặt...) thì lại không có tác dụng tản nhiệt đâu. Và do vậy thì cho dù bạn đang đọc những dòng này và chột dạ rằng không hiểu vấn đề trên CPU của mình đang như thế nào, nhưng chưa mua được kem tản nhiệt thì hãy chờ thêm cho đến khi bạn đang có loại kem đó. Hãy coi như chưa đọc entry này.

Tôi đề cử bạn sử dụng loại kem tản nhiệt mà ... tôi đang sử dụng (^_^). Quả thực là tôi đang sử dụng một loại khá được ưa chuộng trong giới overcloker trong thời gian trước đây (còn bây giờ thì tôi không biết có loại nào mới hơn và tốt hơn không ở Việt Nam) là loại "Arctic Silver 5", thường được gọi tắt là AS5[1][2][3][5]. Thật thú vị là khi mua vào vài năm trước thì tôi định rằng mua vài tuýp, nhưng được khuyên rằng chỉ cần một tuýp cũng đủ dùng thoải mái rồi nên đành mua một - và đúng là dùng mãi vẫn chưa hết bởi vì mỗi lần chỉ dùng có một chút mà thôi.

Có thể tại một số cửa hàng sửa chữa đồ điện tử cũng có thể có nhiều các loại kem tản nhiệt cho các linh kiện điện tử, chúng tạm thời thì vẫn sử dụng được, nhưng có vẻ về lâu dài thì chúng không được chất lượng tốt như các loại kem tản nhiệt chuyên dụng được dân overclocker chuyên dùng. Tôi nhận thấy một số loại kem tản nhiệt này có kích thước hạt có vẻ lớn hơn so với các loại kem tản nhiệt chuyên dụng cho máy tính (do đó có thể gây ra các phần tiếp giáp không được mỏng hẹp đến giới hạn mong muốn.

Nhân đây tôi cũng giới thiệu một số dụng cụ, và những món đồ cần thiết cho bạn bảo dưỡng máy tính của bạn như hình dưới đây:

Một số dụng cụ sử dụng cho vệ sinh PC và hình dáng loại kem hay keo tản nhiệt cần thiết.

Trong hình này bạn cần phân biệt ba loại kem, keo và giấy dán tản nhiệt. Keo thì có dạng tuýp như hình minh hoạ, kem tản nhiệt thường sản xuất dưới dạng tuýp kiểu xy lanh bơm ra, còn giấy dán dẫn nhiệt thì có dạng giống như giấy dán hai mặt như hình.

Bạn nên trang bị cho một mình một quả bóng bơm bởi dùng nó thổi bụi rất tốt. Tôi đã mua nó ở một trong số các cửa hàng bán dụng cụ y tế ở phố Phương Mai (Hà Nội). Hồi mua quả này khá vất vả: Ban đầu thì đi hỏi lung tung ở Chợ Hoà Bình (chợ Trời) người ta không biết ở đâu bán, sau mới có người cho biết quả bóng thổi bụi này là một bộ phận của cái đo thử huyết áp y tế, vậy là đến phố đó mua thôi :)

Làm sạch tản nhiệt, CPU

Bạn đã nhìn thấy dấu viết của phần tản nhiệt cũ bị khô? Bây giờ là lúc cần loại bỏ chúng để chuẩn bị thay bằng lớp kem tản nhiệt mới hơn. Phần này thì không có gì là khó khăn cả, bạn chỉ cần dùng tay miết hết các miếng khô (hoặc hơi khô) tản nhiệt cũ đi.

Tuy dễ dàng nhưng làm sạch phần tản nhiệt và phần lưng CPU cũng có một số lưu ý sau:

  • Không làm xước bề mặt của tấm tản nhiệt nguyên bản.
  • Không làm xước bề mặt phần tản nhiệt của CPU. Cả hai phần này thì bạn không nên sử dụng các loại giấy ráp (giấy nhám) thô, các loại vải thô mà có chứa sẵn bụi bặm có thể lưu chứa các hạt cát sắc nhọn - tốt nhất là dùng vải cotton mềm, sạch.
  • Lưu ý khi cầm vào CPU bởi một số loại CPU 775 chân sử dụng các điểm tiếp xúc chứ không phải chân cắm như các loại CPU trước đó nên có khả năng sẽ bị dính bẩn vào vị trí tiếp xúc của chúng.
  • Sau khi làm sạch thì cả hai bề mặt của bộ tản nhiệt và CPU cần phải khô ráo để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Ở một cách chuyên nghiệp hơn thì đối với dân overclocker có thể dùng đến các loại dung dịch làm sạch bề mặt các bộ tản nhiệt và CPU, tuy nhiên rằng những thứ này quá xa xỉ ở Việt Nam nên có lẽ chúng ít được nhắc tới[4]. Tôi có một ý tưởng rằng sử dụng cồn để làm sạch các bề mặt và lợi dụng đặc tính dễ bay hơi của chúng để tự làm khô, tuy nhiên sử dụng cồn có thể làm hư hại đến các khung tản nhiệt bằng nhựa nên cách này ... mới chỉ nghĩ vậy chứ chưa dám thực hiện bao giờ.

Phết kem tản nhiệt lên CPU

Bây giờ bạn nên phết kem tản nhiệt lên lưng của CPU. Một việc khá đơn giản để thực hiện việc bôi phết kem tản nhiệt này là định vị CPU cố định: bạn có thể có nhiều hình thức định vị CPU như sau:

  • CPU được đặt trong miếng đế nhựa gắn kèm khi bán: Cách thức này có ưu điểm nhất, nhưng cũng cần chú ý đến việc dùng tay định vị CPU để chúng bớt xê dịch. Đa số người sử dụng lại vất miếng nhựa đi mà không giữ lại để thực hiện.
  • CPU được đặt luôn trong socket của bo mạch chủ: Cách thức này đảm bảo cho bề mặt tiếp xúc của CPU được bảo vệ tốt, không bị tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt khác hoặc do tay người. Chúng có nhược điểm là khó quan sát, điều chỉnh mức độ và thao tác. Một mặt khác nếu thực hiện không tốt có thể gây bắn các kem tản nhiệt sang các vị trí linh kiện xung quanh.
  • Cầm tay để phết: Không nên thực hiện cách này bởi vì tay mỗi người đều có thể bao gồm: mồ hôi, bụi bẩn, dầu mỡ...khiến cho chúng bị bám dính vào phần tiếp xúc của CPU và do đó thì có thể gây ra sự tiếp xúc kém, trục trặc xảy ra về sau này.

Bạn thấy không, đây là một điều đơn giản khiến nhiều người có thể bỏ qua chúng, và cũng chính do sự bỏ qua này nên mới tạo ra sự khác biệt giữa một máy tính tự lắp và một máy tính được lắp ráp theo dây chuyền chuyên nghiệp (tất nhiên đây là những yếu tố nhỏ thôi, còn rất nhiều điều khác nữa).

Sau khi định vị CPU cố định rồi thì bắt đầu bôi kem tản nhiệt vào lưng CPU.

Bạn mở nắp của tuýp kem tản nhiệt, ấn xy lanh để có thể nó phùi bỏ đi một chút kem ban đầu (đây là vị trí có thể tiếp xúc với không khí nên chất lượng có thể bị xuống cấp), rồi chấm vào khoảng 5 điểm trên lưng CPU: Một điểm ở giữa, bốn điểm xung quanh gần các điểm đó. Lượng kem tản nhiệt khi chấm này phải nhỏ thôi, mỗi điểm chừng khoảng bằng một hạt gạo là được, nếu thấy thiếu sau này thì có thể bổ sung thêm - nhưng ban đầu thì cứ thế đã.

Bạn dùng một tờ bìa ly-non trong và cứng (mà thường dùng để làm bìa một tài liệu hay gì đó ở trong văn phòng, nếu không có thì có thể sử dụng các loại có tính chất tương tự: mềm, dễ uốn) cắt ra thành một đoạn - góc uốn nhớ không nhọn sắc) để miết kem tản nhiệt đều thành một lớp thật mỏng trên lưng CPU. Việc miết này có thể khiến bạn mất khoảng 10 phút hoặc hơn để có thể đảm bảo tạo ra một lớp kem tản nhiệt mỏng, đều khắp bề mặt của phần tản nhiệt CPU.

Hình: Bôi kem tản nhiệt và phết đều lên lưng CPU; (hơi bị rung hình vì chụp bằng một tay)

Sau khi quết xong kem tản nhiệt vào lưng CPU bạn tiến hành áp phần tản nhiệt vào chúng. Cách thức này tôi đã nêu ở phần phía trên như một sự suy đoán rằng kỹ thuật ghép các bộ tản nhiệt nguyên bản với CPU.

Hình ảnh minh hoạ dưới đây sẽ thể hiện việc một CPU được gắn với tản nhiệt đảm bảo yêu cầu thì sau khi tháo ra sẽ có dấu vết như thế nào. Hãy nhìn vào hai hình dưới để có thể phân tích một chút về chúng. Ở đây ta nhận thấy dấu vết còn lại là:

  • Phần kem tản nhiệt không quá dày: Dễ nhận thấy ở cả hai phần: Phần lưng CPU chỉ có một lớp mỏng, và phần dính lại trên tản nhiệt cũng rất mỏng.
  • Kem tản nhiệt được trải đều trên khắp bề mặt của cụm tản nhiệt (phần diện tích nào bé hơn thì phải phủ kín toán bộ bề mặt đó.

Ở hình này cũng thể hiện một sự khác thường, bạn có nhận ra điều đó không? Nếu không thì bạn có thể nhìn thấy tản nhiệt cầu bắc đã có gì đó khác thường. Đúng vậy, tôi gắn thêm một bộ tản nhiệt cầu bắc khác từ một bo mạch chủ hư hỏng lên trên phần tản nhiệt của bo mạch chủ này. Liên kết giữa chúng là băng dính hai mặt, điều này khiến cho tôi đã phải bảo hiểm trong thời gian bạn đầu vì sự sử dụng băng dính hai mặt này có thể gây ra trôi tuột phần tản nhiệt của chipset cầu bắc xuống phía dưới có thể gây chập chạp mạch điện của bo mạch đồ hoạ - chính do đó mà các hình minh hoạ cho entry "Vỏ máy tính" tôi chụp ảnh vào giai đoạn gắn kết này đã có một sự khác thường trong bức ảnh minh hoạ.

Dấu vết kem tản nhiệt trên bộ tản nhiệt của CPU nguyên bản và trên lưng CPU; Ảnh: sưu tầm từ: nguồn này.

Kiểm tra kết quả của sự gắn lại tản nhiệt CPU

Gắn xong tản nhiệt trở lại rồi thì bạn có cần kiểm tra chúng có đạt hiệu quả hay không? Có chứ. Ít nhất mong muốn của chúng ta là chúng phải cải thiện hơn trước - chứ không thể thực hiện kiểu "lợn lành thành lợn què" (hoặc tệ hơn là "lợn què thành lợn chết ^_^).

Một bộ tản nhiệt tốt có nghĩa rằng chúng có thể tản nhanh nhiệt độ ra khỏi CPU. Nếu như một phần mềm nào đó thông báo rằng nhiệt độ của CPU đang rất cao (khoảng 60-70 độ) mà bạn sờ vào tản nhiệt của nó lại thấy mát? Có nghĩa rằng hoặc là phần mềm đã báo nhiệt độ sai, hoặc là phần dẫn nhiệt từ CPU sang tản nhiệt là không đảm bảo.

Phần tiếp xúc nhiệt độ để truyền nhiệt giữa CPU với bộ tản nhiệt nếu đảm bảo sẽ làm cho nhiệt độ CPU nếu có tăng nhanh do xử lý những tiến trình nào đó thì cũng trở lên nóng dần CPU (thể hện thông qua các phần mềm kiểm soát nhiệt độ), khi tiến trình xử lý không còn nữa thì nhiệt độ CPU sẽ giảm xuống. Nếu như một bộ tản nhiệt tốt cùng với sự tiếp xúc hoàn hảo giữa CPU và bộ tản nhiệt thì nhiệt độ của CPU sẽ hạ nhanh xuống. Ngược lại điều này thì nhiệt độ sẽ giảm rất chậm. Lợi dụng những lý thuyết này mà bạn có thể kiểm tra xem sự truyền nhiệt giữa CPU và bộ tản nhiệt có đảm bảo tối ưu không. Sự suy luận này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thiết lập tốc độ quay quả quạt theo bo mạch chủ, nhiệt độ môi trường, kiểu tản nhiệt và hiệu suất của nó...

Tuy nhiên cách trên cũng mang nặng tính kinh nghiệm. Cách tốt nhất để kiểm tra có lẽ rằng sau một vài tuần lại tháo chúng ra để xem vết tiếp xúc. Nếu như bạn tự tin về các hành động của mình chuẩn mực thì cách này sẽ thực tế hơn so với cách phán đoán, suy luận trên.

***

Dù sao thì qua entry này thì bạn cũng nên thực hiện việc kiểm tra lại tản nhiệt giữa CPU và bộ tản nhiệt của nó sau một thời gian nhất định: Hoặc thời điểm chúng ta nhận thấy CPU nóng hơn trước đây (so với lúc mới lắp) hoặc là sau khoảng 6 tháng đến 1 năm. Kinh nghiệm này thì tôi mới phát hiện ra để có thể viết entry này, tôi hi vọng nó giúp ích được cho bạn.

Entry này cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, có đôi chút khéo tay để thực hiện được những điều trên. Nếu bạn không là người đủ "tiêu chuẩn" như vậy thì chưa nên tự thực hiện những điều này - hãy nhờ một người nào đó làm giúp bạn.

CHÚ THÍCH

1^. Ở HN mua AS5 chỗ nào ạ?, (trao đổi trên diễn đàn vOz): Tôi cũng mua AS5 ở chỗ giới thiệu trên topic này, nhưng bây giờ thì cửa hàng hình như chuyển địa điểm rồi thì phải.

2^. Hợp chất dẫn nhiệt AS5: làm sao gỡ heatsink sau khi đã gắn vào? (một topic trên diễn đàn amtech.com.vn): Sự trao đổi về phương thức miết keo tản nhiệt AS5 (lưu ý xem các cả các trang sau của topic này).

3^. Giới thiệu về kem tản nhiệt AS5 (en).

4^. Một số mặt hàng dành cho tản nhiệt với AS5 (ví dụ nước tẩy sạch), (en), những thứ này dùng cho sự chuyên nghiệp cao.

5^. Keo gắn CPU và quạt tản nhiệt, trao đổi trên GSM Forum, ở đây có một số thông tin hơi nhầm lẫn bởi một số thành viên giữa "kem tản nhiệt" (dùng để truyền dẫn nhiệt) và "keo tản nhiệt" dùng để gắn dính và có tác dụng tản nhiệt. Người đọc nên phân biệt kỹ chúng để khỏi mua nhầm các loại kem hay keo.

6^. Cách mài tản nhiệt, một phần trả lời trên diễn đàn Zing VN, (trang đầu tiên của topic này).

MỜI XEM THÊM

LẮP RÁP CPU LGA775, Phạm Hồng Phước đăng trên Echip.

Tản nhiệt kim loại cho PC - lý thuyết và thực tế, bài của Nguyễn Thúc Hoàng Linh đăng trên PCWorld VN (chưa tìm thấy link trên PCW, lấy tạm link này). Rất hay!

Các phương pháp tản nhiệt trên PC - ở blog này: Như một mục lục đơn giản về các phương pháp tản nhiệt. Chúng chưa kỹ bằng các phân tích cụ thể đối với từng loại tản nhiệt.

Vỏ máy tính, entry trên blog này có một vài hình minh hoạ khác khá khó hiểu: Trên bo mạch đồ hoạ của tôi có một vật gì màu trắng - xin giải thích rằng đó chính là tờ giấy để đỡ phần tản nhiệt mà tôi tăng cường cho tản nhiệt chipset cầu Bắc nếu chất lượng dán bằng băng dính tản nhiệt hai mặt không đảm bảo cho nếu chúng bị rơi thì không làm chập chạp gì đối với bo mạch đồ hoạ.

Trương Mạnh An (28/08/2008)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.