3/8/08

Thảo luận ở topic "Cái tôi của mỗi con người"

Đây là một đoạn thảo luận của một topic trên diễn đàn "Trí tuệ Việt Nam Online" vào khoảng năm 2002-2003 với topic "Cái tôi của mỗi con người" mà tôi tham gia và có copy lại. Đưa lên blog vì tôi thấy khá hay...và bởi vì "cái tôi" của tôi đã khiến tôi làm điều đó khi mà có tôi trong đó :)

____________________

manhan: Đưa ra một câu chuyện, câu chuyện đó nói lên một điều rằng: khi người ta trẻ, khi mà tầm nhận thức của người ta còn ít ỏi, thì người ta cho rằng mìnhlà trung tâm của vũ trụ, mình là nhân vật chính. Và khi người ta ở một tầm nhận thức nào đó. Người ta chợt nhận ra điều đó là không phải. Tôi và Mozart (đúng), Mozart và tôi, và cuối cùng là Mozart - đó là 3 thời điểm khác nhau của một con người, của sự nhận thức. Thật may cho nhân vật đã nhận ra điều đó. Trong cuộc sống thì còn nhiều người vẫn không thể nhận thức được ra cần phải nói câu Mozart chứ không nói câu Tôi và Mozart.

Koibeto81:" chung sống với cái Tôi của mình, điều này thật khó !" Là rất hay, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn muốn nói đến sự chế ngự cái tôi của chính mình, và bạn cũng muốn đánh thức nó dậy.

Congabeo: "Phải chăng chúng ta nên quên cái Tôi của mình để sống vì người khác ?"

manhan: Đó là điều mà người ta muốn nói, là điều mà trong các tác phẩm của mọi loại hình nghệ thuật khác nhau muốn đề cập. Thế nhưng, chỉ khơi dậy một phần nào, một cái gì đó trong mỗi con người. Và tôi không tin rằng có một người chỉ sống cho người khác có tồn tại thực ở trên đời. Cũng có thể có, nhưng khi người đó sắp chết đói, sắp bị dìm xuống bùn đen - họ sẽ hiểu rằng đời vô cùng khắc nghiệt, và họ đã đổi khác. Nên đó chỉ là một nhân vật trong tiểu thuyết mà thôi. Thế thì tôi chẳng tin một điều gì trên thế gian ? Và tôi nhận thấy mình cũng tầm thường quá ! Không đúng ! Tôi luôn đi tìm một sự dung hoà, một sự cân bằng trong cuộc sống và mọi vấn đề xung quanh nó.

Chitto: "Cái Tôi là một thuộc tính siêu nhiên và cố hữu" và đúng.

manhan: Triết học làm ta hoang mang trước nó. Nghe một người này, thấy đúng. nghe một người khác phản lại: cũng thấy đúng ! Cuối cùng đâm hoang mang. Đó là khi ta không có cái tôi của mình, không có chính kiến riêng của mình, nên bị dao động trước những lý luận của người khác.

manhan: "Tại sao Tôi sinh ra trong thân thể này, gia đình này, đất nước này, thời đại này mà không phải điều kiện khác? Quy luật nào quy định điều đó?" Là một điều mà thủa nhỏ đã bao lần mình thắc mắc, còn nhiều hơn thế chẳng hạn "Tại sao mình lại làm chủ cái thân xác của mình ? chứ không phải là một người nào khác, ở một nước khác như Liên Xô chẳng hạn" (bởi thời đó thấy trẻ em LX mà thích lắm). Nên thấy một người có suy nghĩ giống mình một thời. Nỗi ám ảnh đó đến tôi không còn trong tâm trí nữa.

Ledminh: đưa ra một dẫn chứng về cái tôi quá lớn của một người bạn mình. điều đó thật dễ hiểu khi mà khi người ta có cái tôi thì người ta dễ thành công hơn. Bởi luôn sợ người khác hơn mình, nên luôn luôn phấn đấu và hoàn thiện mình hơn. Trong trường hợp này cái tôi là nên khen ngợi hay đáng trách ? Nên khen, bởi thực chất người đó cũng có một chút gì đó trong mình và luôn tự hoàn thiện mình. Còn trong một số trường hợp khác thì vấn đề đó còn phải được xem xét lại.

manhan: "Đôi lúc đi bên cạnh nó tôi luôn cảm thấy mình là cái bóng mờ nhạt của nó. Nhưng như vậy phải chăng chính tôi mới là người có cái Tôi quá lớn ?" Không phải. Hay nói một cách dè chừng hơn là: Chưa chắc đã phải. Bởi bạn đã công nhận rằng mình là cái bóng mờ nhạt khi khi đặt bên cạnh người bạn ấy. Điều đó nói rằng cái Tôi của bạn không quá lớn. Và nếu như bạn làm mọi điều để tìm cách vượt lên khỏi người kia, không chịu lu mờ trước người kia – thì đó mới là chuyện cần tính lại. Nhưng trong trường hợp này thì nó (cái tôi của bạn) lại có tính chất tích cực.

Conqueror: “Em không dám dạy ai cả, nhưng theo em mỗi người chúng ta đều có thể tự làm biến mất cái tôi. Hãy thử làm cái tôi của các bác hoà nhập vào trong các bác luôn, đừng để nó đứng riêng lẻ. Khi các bác làm được điều đó, các bác sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, thấy mọi người xung quanh mình tuyệt vời hơn”

Oshin: “Một ngôi sao chẳng sáng đêm / Một thân lúa chín chẳng nên mùa màng…”

manhan: Cho dù lẽ ra tôi không nên trích ý kiến của bạn vào đây, thế nhưng gặp lại bạn, và biết bạn đã hiểu một vài điều gì đó thì tôi thực sự xúc động. Có thể như mình đã gặp lại một người bạn cũ…Và trong tôi đã có hai cuộc đấu tranh: lý trí và cảm tính. Giá như tôi có thêm một quyền nữa, thì phần cảm tính chắc sẽ không phải ghen tị với phần lý trí bởi nó không được quyền đánh giá một lần nữa…

Nguyen Xuan Hung: “Người ta nói đến cái " Tôi" để chỉ những gì rất riêng trong cuộc đời mỗi người. Trong đó không phải từ bẩm sinh chúng ta có những tính cách đặc biệt của cái tôi mà trải qua thời gian suốt cả cuộc đời khi mà chúng ta có thể đã trưởng thành về mặt nhân cách”

Hnimz: “Tặng các bác câu này " Phải biết cuối đầu trước nhân tài " / " Kiêu ngạo là động lực của sự tiến bộ "

Nguyen Xuan Hung: “Không hiểu Hnimz ?”

Chitto: “Kiêu ngạo là động lực cho sự tiến bộ được hay sao?”

(…đến đây thì chuyển hướng một đoạn…! chắc là thảo luận linh tinh)

NguyenQuynh: “Muốn chế ngự cái tôi cũng dễ thôi, chắc các bạn đã đọc cuốn Đắc Nhân Tâm ?”.

manhan: Thế nhưng cách chế ngự đó có thể thực hiện được hoàn hảo khi người đó có bản chất không khác với hành động và thể hiện. Nếu không thì cách chế ngự đó chỉ là lừa dối chính mình. Trừ một số người sống nghệ thuật đến mức lừa được cả bản thân mình ra, còn lại thì mọi cách “đắc nhân tâm” người khác đều dễ bộc lộ những lỗi và yếu điểm trước một người có khả năng “đắc nhân tâm” cao hơn. “Bản chất con người là cố hữu” (Chitto) nên một người không “nghệ thuật” sẽ chỉ có những lời sống sượng. Thế nên nhiều người đã chê bai cuốn sách này.

Halszka: “Cái "tôi" của mình như thế nào thì mình nhìn thế giới như thế và ngược lại.”

manhan: Chưa thực sự chưa hiểu sâu về câu này. Nên nghĩ ngược lại một chút “Cái "tôi" của mình như thế nào thì mình nhìn thế giới ngược lại” có được chăng ? Chẳng hạn: nếu bạn nghĩ mình giỏi thì bạn sẽ nghĩ rằng thế giới này đều dốt hết chứ không được giỏi như bạn.

Tuva: “Các bác tranh luận về cái Tôi, nhưng lại dùng nhiều từ “tôi” quá khiến em chóng hết cả mặt”.

manhan: Quả thực, sau khi đưa lên bài này thì chợt nhận ra điều đó. Nhưng biết làm sao được khi mà bài gửi đi rồi, không sửa chữa được nữa (cũng gặp nhiều trường hợp bài đầu như vậy, nên cũng là 1 trong số các nguyên nhân khiến bài dài thì chia ra làm nhiều đoạn). Chợt nhận ra rằng mình cũng có cái tôi hơi lớn, cho dù trong thâm tâm và thể hiện luôn cố ngược lại, và trong mình luôn luôn mâu thuẫn về điều đó.

One.in.a.million “Mọi người nên tôn trọng cái tôi của người khác như chính cái tôi của mình vậy”

Seecartoon: Rõ khổ,chắc bác manha(n) vì cái topic láo toét cũ rích của em mờ làm luôn cái này”.

manhan: Không phải đâu, thực sự là ý tưởng viết bài này đã lên khuôn, đang chờ trong danh sách để viết nốt rồi gửi đi từ trước bài của bạn khoảng 1 tuần, đang định gửi thì thấy bài của bạn. lại không dám gửi ngay vì ngại. Vấn đề khác mà bạn muốn nói thì quả thật các bài của tôi thì thường để tự nó tìm người đọc và người đọc tự tìm nó, nên ngoài các nội dung đặc biệt cần thiết ra – ít khi tôi làm nó xuất hiện lại khi đã bị khuất (trừ khi một người lại lôi nó ra). Cũng muốn viết về nhiều vấn đề khác nhau, bởi có nhiều người tìm kiếm bài bằng tiếng Việt trên Vinaseek. Nếu họ thấy, họ sẽ là thành viên trước hết để đọc bài, sau nữa là để nhận thấy đây là một diễn đàn đang sôi sục mà làm tăng đại gia đình này. Thật hay. Còn tìm kiếm nội bộ trong TTVNONLINE thì không nói - bởi họ đã là thành viên rồi. Và những người thực sự muốn tìm hiểu vấn đề chắc họ sẽ không thất vọng

__________________

Chú thích:

Diễn đàn "Trí tuệ Việt Nam online" là một diễn đàn được trao giải nhất trong cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" hàng năm mà nhiều người đã từng biết. Người lập diễn đàn này là Vương Vũ Thắng cùng nhóm những người cộng sự.

Diễn đàn này đã ngừng hoạt động sau một thời gian dài sau đó. Có lẽ rằng một số thành viên của diễn đàn này đã thành lập một diễn đàn khác tương tự nó, lấy tên là "Trái Tim Việt Nam online" với server đặt ở nước ngoài (?!), một số các nội dung của "Trí tuệ Việt Nam online" đã được chuyển sang "Trái tim Việt Nam online".

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.