20/10/08

Lưu ý về pin và bộ sạc pin của bạn

Tôi có một cái máy ảnh dùng pin sạc (rechargeable), kèm theo nó là một bộ sạc pin cùng hãng sản xuất với máy và 4 viên pin cho sử dụng chính thức và dự phòng. Thật tuyệt là sau khi nâng cấp thẻ nhớ từ 16 MB gắn kèm trong máy lên đến 128 MB rồi lên cao hơn nữa thì tôi không còn phải e ngại bị giới hạn số lượng ảnh chụp nữa, và tuyệt hơn là sau khi mua thêm một vỉ pin sạc thì có thể thoải mái chụp ảnh khi mà không cầm theo sạc hoặc đến những nơi không có điện

Rồi một ngày tôi nhận ra rằng chiếc sạc pin của tôi bị hỏng, tháo ra thì thấy có một con gì đó đã chui vào trong và làm chập các bản mạch điện, thật tệ là nó làm nổ một IC điều khiển nên bộ sạc không hoạt động được nữa. Nhằm cố cứu vớt bộ sạc chuẩn bán theo máy, tôi đã cố công tìm mua chiếc IC đó để thay thế nhưng không có. Đành chịu, bởi vì nó không phải là những linh kiện dễ tìm để có thể sửa chữa được chúng.

Tất nhiên là tôi đã mua một cái sạc mới. Cái sạc này của hãng Energizer và có thể sạc đến 4 quả pin cùng một lúc, hơn hẳn so với việc chỉ sạc được hai quả so với chiếc sạc trước đây của tôi. Giá của chúng thì cũng khá rẻ: 150.000 đ/chiếc (chẳng nhớ có bao gồm pin hay không, nhưng chắc là không). Thế là ổn, tôi có đến 8 quả pin AA mà trước đây thường thì tôi phải mất rất nhiều thời gian để lần lượt sạc cho chúng cho mỗi chuyến đi.

Tôi có một thói quen rằng sạc đầy pin cho mỗi chuyến công tác hoặc đi đâu đó để có thể chụp ảnh một cách thoải mái nhất. Đây là một thói quen mà nhiều người sẽ thường gặp trong thời đại sử dụng các loại máy ảnh kỹ thuật số ngày nay, chúng đã không phải tiêu tốn phim mà giá thành thì đắt, nên chụp cùng một thứ đến 4, 5 kiểu cũng chẳng sao, sẽ chọn ảnh nào đẹp nhất thì giữ lại, xấu thì xoá đi. Tiện lợi phải không bạn, chẳng nên tiết kiệm những thứ không tiêu tốn làm gì.

Và như thế, mọi chuyện diễn ra bình thường, có thể chẳng có vấn đề gì nữa đáng nói thêm.

Một thời gian sau, tôi nhận ra rằng những quả pin của tôi đã nhanh chóng xuống cấp, chúng không tích nổi lượng điện năng cho thời gian dài như trước đây nữa. Biểu hiện cụ thể của tình trạng này là máy ảnh chụp nhanh hết pin, hoặc một đôi pin thì chỉ sử dụng được với một số lượng ảnh chụp thấp trong những điều kiện sử dụng là như nhau khi so sánh. Thậm chí có những đôi pin thì chỉ vừa lắp vào máy, chụp một hai kiểu, máy ảnh đã báo hết pin. Thật lạ.

Tôi bắt đầu tìm hiểu xem có vấn đề gì đối với cái máy ảnh của mình hay không bằng cách mượn một đôi pin đã được xạc đầy của một người bạn để dùng. Kết quả rất tốt, có nghĩa là thời gian chụp ảnh dài, như thời điểm mới mua chiếc máy ảnh này vậy.

Như vậy thì còn có một vài khả năng khác nữa: Tôi đã nghĩ đến những đôi pin đã bị chai dần sau khi sử dụng với thời gian dài? Có thể như thế lắm, nhưng cũng chưa đến nỗi dài lắm khi mà mỗi đôi pin thì lại được quảng cáo rằng chúng có thể được sạc lại 1.000 lần. Nếu nói đó là một con số quảng cáo thì ít nhất chúng cũng phải được khoảng vài trăm lần chứ, nhưng thực tế thì số lần sạc lại của một số đôi pin mà tôi đang sử dụng thì không được dài như thế, có nghĩa rằng chúng chỉ được vài chục lần, tôi chắc chắn là như vậy bởi vì mình không phải là người chuyên nghiệp cho việc sử dụng pin, có nghĩa là cách thức sử dụng chỉ như hoặc hơn những người bình thường một chút mà thôi.

Tôi bắt đầu chú ý đến bộ sạc pin mà mình đã mua thay thế cho chiếc sạc cũ bị hư hỏng. Nó được sản xuất bởi một hãng danh tiếng về sản xuất pin và các loại pin sạc lại. Chưa chắc rằng nó đã được sản xuất bởi chính hãng, bởi vì một hãng về pin chưa chắc đã có các nghiên cứu tốt về điện tử để sạc điện. Không sao, họ có thể đặt một hãng khác sản xuất rồi sử dụng nhãn hiệu của mình cũng được mà, những điều này thì đã được thực hiện bởi nhiều hãng khác nhau mà tôi đã từng gặp (ví dụ như một số sản phẩm điện thoại Pocket PC, Smartphone có nhãn hiệu nổi tiếng như O2, HP...lại được HTC sản xuất tại Đài Loan, thương hiệu đã tôn chất lượng và giá thành của chúng lên, cũng như thương hiệu về sữa nổi tiếng được đóng hộp tại các địa phương cũng được nhượng quyền sản xuất thương hiệu vậy ^^). Như vậy thì có thể xem xét đến bộ sạc lắm chứ, biết đâu đó nó làm hỏng mất pin của mình thì làm sao.

Và khi quan tâm lại đến bộ sạc, tôi chợt nghĩ rằng có thể mình đã thực hiện sai so với những hướng dẫn sử dụng của nó. Với sự ghi chú trên bộ sạc rằng nó sẽ tự động ngắt sau 15 giờ sạc thì không có nghĩa rằng chúng sẽ phù hợp với đa số các loại pin sạc khác nhau. Như vậy thì bộ sạc này hoạt động theo chế độ thủ công, tức là cần có sự can thiệp của con người trong quá trình sạc cho phù hợp với các loại pin sạc khác nhau.

Tôi đọc thấy dòng này: "15 hours timer controlled charge for NiMH (connection to power start timer), (for NiCd sizes AA and AAA, remove after 5-6 hours charge time)" Có nghĩa rằng chúng chỉ điều khiển tự động cho việc ngắt hành động nạp sau mỗi 15 giờ khi mà ta sạc với pin kiểu Ni-MH (Nickel Metal Hydride), còn với loại pin Ni-Cd thì xin mời người sử dụng tự gỡ pin ra sau khoảng 5-6 giờ. Thật bất tiện.

Bạn có nghĩ rằng pin sạc thì chúng ta thích sạc như thế nào thì sạc hay không? Không chắc như vậy, nếu như trạng thái pin còn lại ít hay là nhiều dung lượng, loại pin có dung lượng cao hoặc dung lượng thấp thì chắc rằng chúng sẽ có chế độ sạc khác nhau. Lấy một ví dụ như thế này: Nếu bạn đang đói, bạn sẽ ăn theo khẩu phần nào đó cho đến no thì thôi, nhưng nếu bạn không đói thì bạn chỉ ăn thêm được một ít mà thôi. Còn như nếu bạn đã ăn no rồi, nhưng vì một lý do nào đó mà người ta nghĩ rằng bạn chưa ăn, lại bắt ép phải ăn hết khẩu phần như bạn đã từng ăn. Tất nhiên là bạn không chịu được điều này và có thể có phản ứng không tốt đối với người đang bắt ép bạn ăn chẳng hạn (biết đâu đấy do chính sự tự nguyện của bạn, ví dụ như bạn đã ăn tối với bồ của bạn rồi mà vẫn phải ăn hết suất cơm mà vợ bạn đang chờ bạn về ăn thì sao nhỉ ^^). Tôi nghĩ trường hợp này bạn sẽ bị quá tải, stress...và quả pin cũng vậy thôi, chúng sẽ bị ảnh hưởng và tổn thọ.

Vậy là tôi nghĩ rằng chính cách sử dụng của tôi đã làm cho những quả pin của mình sớm hư hỏng và không còn tích điện được như bạn đầu nữa. Mặc dù đối với một một vỉ 4 viên pin giống nhau thì tôi thường đánh dấu từng cặp pin một để sử dụng chúng đồng thời hoặc sạc đồng thời cho chế độ như nhau, nhưng tôi đã quên mất rằng chúng cần phải được sử dụng hết trước khi đưa vào cái máy sạc mà chúng chỉ ngắt sau mỗi 15 giờ. Trong trường hợp có dùng hết pin đi nữa để đưa vào sạc thì trong quá trình sạc, bị "nháy" điện một nhát thì cái sạc ngu ngốc đó lại tiếp tục tính lại thời gian từ khi có điện trở lại cho đến 15 giờ nữa mới ngừng. Biết làm sao được khi mà tôi không thể ngồi chờ và canh chừng thời gian cho mỗi lần sạc pin? Tiện lợi nhất là gắn pin vào sạc, rồi để khi nào đèn nạp tắt đi có nghĩa là chúng đã được nạp xong (!).

Tôi thì có những cặp pin sạc có dung lượng khác nhau, cặp thì 1700 mAh, cặp thì 2300 mAh và cặp lớn nhất mà tôi từng có là 2500 mAh (đều tính cho 1 quả). Như vậy thì mặc dù toàn bộ pin sạc của tôi là loại Ni-MH thì chúng cũng đều được sạc với chế độ như nhau, có nghĩa là ép buộc chúng với một đòng điện cố định trong một thời gian cố định. Điều này lại được ví von với hành động bắt ép ăn như sự so sánh mức ăn của người trưởng thành với trẻ nhỏ vậy: Một đứa bé thì không thể bắt chúng ăn hết khẩu phần ăn của một người bình thường. Khốn khổ cho thằng bé nếu người ta lại quên rằng nó vừa ăn để tiếp tục bắt nó ăn thêm một suất nữa.

Và như vậy nên tôi đã làm hại đến cả những quả pin có dung lượng 1300 mAh vốn được bán kèm với bộ bàn phím và chuột không dây của tôi. Số là khi những quả pin dung lượng cao đã không còn đủ mức độ lưu điện (hoặc có nội điện trở đủ nhỏ để có thể nạp được đèn flash của máy ảnh mà không làm sụt điện áp) cho vài chục kiểu ảnh dùng đến đèn flash, tôi đã lấy chúng cho máy ảnh số của mình. Khi mà dùng chung với lũ đàn anh có dung lượng lớn gấp đôi nó thì những quả pin này lại bị sạc theo chế độ đúng như cho loại dung lượng lớn hơn: Tức là với dòng nạp từ 255 - 265 mA trong thời gian 15 giờ.

Những điều trên đã cho thấy tôi đã sai lầm trong việc sạc pin dẫn đến chúng giảm tuổi thọ như thế nào. Biết làm thế nào được khi mà bộ sạc mà tôi mua cũng không có bất kỳ một hướng dẫn hoặc bảng tra cứu nào dành cho việc sử dụng các dung lượng pin nào thì sạc với thời gian bao nhiêu, nó chỉ chú ý nhắc nhở rằng bộ sạc này dùng cho cả pin loại pin NiCd và pin NiMH nên chú ý phân biệt chế độ sạc giữa chúng mà thôi. Sự sai lầm này một phần bắt nguồn từ thói quen sử dụng bộ sạc pin được bán kèm theo máy ảnh số ban đầu - tức là chúng tự động hoàn toàn cho việc sạc pin một cách tối ưu nhất mà không làm hư hại hoặc ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.

Vậy thì một bộ sạc chuẩn sẽ có điều gì khác khi chúng làm việc so với bộ sạc mà tôi đã mua để thay thế chúng ở trên. Tôi nghĩ rằng chúng được thết kế với những tính toán kỹ lưỡng dựa trên các đặc tính làm việc của pin để tự đưa ra chế độ sạc phù hợp.

Biểu đồ sạc của một bộ sạc PULSE POWERTM (Lưu ý: không phải mọi bộ sạc đều áp dụng như vậy). [Nguồn ảnh]

Trước đây, trong thời kỳ mà pin đèn (loại có nhãn hiệu "Con thỏ") còn được sử dụng nhiều trong các thiết bị dân dụng như đèn pin, radio, ... thì tôi đọc được một phương pháp sạc pin cho loại pin không dùng cho sạc lại này. Phương pháp sạc rất đơn giản nhưng cũng có phần hợp lý khi mà sử dụng một dòng điện xoay chiều không đối xứng có biên độ một chiều lớn gấp 10 lần chiều ngược lại. Lý giải về điều này thì bài viết (có lẽ đăng trên một báo nào đó, bởi thời đó Internet chưa phát triển nhiều như hiện nay) cho rằng dòng điện nạp bất đối xứng có tác dụng điều tiết sự bám lại của Kẽm (Zn) vào vỏ ngoài pin. Tôi đã thực hiện điều này và quả nhiên thấy hiệu quả bởi có thể tái sử dụng các loại pin dùng một lần cho khoảng 2-3 lần tiếp theo - cho đến khi vỏ của nó bị mềm bởi chúng không còn cứng vững được nữa. (Lưu ý rằng đây là cách sạc pin khô chứ không phải theo một phương thức khác là phá lớp vỏ bảo vệ của pin rồi ngâm chúng vào bát nước muối như một phương thức khác cũng từng thực hiện đối với pin "Con thỏ"). Từ đó tôi nhận thức rằng sự nạp điện cho pin hoặc ắc quy cần đến một quá trình được tính toán cẩn thận chứ không phải là cứ cấp điện vào hai cực của nó với thời gian bất kỳ.

Những điều này có nghĩa thế nào? Sạc điện cho các loại pin và ắc quy phải là một quá trình được tính toán, thiết lập biểu đồ cho chúng một cách phù hợp với thiết kế và tình trạng hoạt động của nó. Nói một cách khác thì quá trình sạc pin phải được thực hiện bởi những thiết bị thông minh, chúng đáp ứng được quá trình sạc theo biểu đồ phi tuyến một cách tự động. Như vậy là tôi phải đi tìm một bộ sạc cho những quả pin của mình đáp ứng được yêu cầu về sạc pin một cách tối ưu nhất đối với tôi. Một cách khác, tôi không muốn luôn phải chú ý đến đồng hồ để xem thời gian sạc đã đầy đủ chưa, tháo cặp quả pin nào ra vào giờ nào, những đôi pin dung lượng bao nhiêu thì phải tính toán xem chúng cần được sạc trong bao lâu. Những sự tính toán này thì mang tính nội suy và không chính xác, bởi vì các loại pin khác nhau, tình trạng sử dụng khác nhau ... nếu như sạc quá nhiều, quá lâu thì pin sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, tăng nội điện trở và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Với những suy nghĩ như vậy, tôi đã bắt đầu tìm kiếm cho mình một bộ sạc pin mới cho dù bộ sạc cũ vẫn còn hoạt động được. Cần phải loại bỏ bộ sạc với sự hoạt động có thể gây hư hại pin nếu như không tự tính toán ra các chế độ phù hợp. Nếu như xét đến tính "kinh tế" thì tôi cho rằng chúng sẽ tiết kiệm cho tôi khá nhiều về lượng pin phải mua mới vì chúng nhanh bị hư hỏng.

Khi quan sát bộ sạc đầu tiên, tôi nhận thấy rằng mức điện áp đầu vào mà nó sử dụng là một dải rộng: từ 110 VAC đến 230 VAC. Bộ sạc hiện tại thì chỉ có một mức điện áp duy nhất: 220 VAC. Ở đây có một điều quan trọng liên quan giữa điện áp đầu vào đối với nguyên lý hoạt động của sạc: Nếu như dải điện áp rộng, tức là chúng phù hợp với toàn bộ lưới điện dân dụng trên thế giới thì chắc rằng cơ chế làm việc của chúng sẽ có tính tự động cao, sẽ hơn hẳn so với chế độ một mức điện áp. Trong dân dụng cũng vậy, hầu hết các thiết bị làm việc ở dải điện áp như vậy sẽ có khả năng ổn định điện hơn so với thiết bị chỉ có một mức điện áp trong một phạm vi hẹp.

Bộ sạc pin Ni-MH của Sanyo

Và tôi đã tìm thấy một chiếc sạc chuyên dụng cho pin AA và AAA loại Ni-MH như ý muốn. Nó có hình dáng giống như chiếc sạc được bán kèm với máy ảnh của tôi, có nghĩa là chỉ dành cho việc sạc đồng thời hai quả pin chứ không nhiều như loại 4 pin trước đó. Có một điểm chú ý là loại sạc này có tính tự động cao, dùng cho tất cả các loại pin Ni-MH với dung lượng khác nhau. Thật tuyệt, chúng đã tính toán sự sạc điện theo đúng như mong muốn.

Nó là bộ sạc hiệu SANYO (nó ghi là Sanyo battary charger, Model: NC-MDR02NU), được sản xuất tại China, được bảo hành 1 năm kể từ khi mua. Tôi mua nó với giá 270.000 VNĐ ở một cửa hàng tạp hoá. Thông số của bộ sạc này như sau:

  • INPUT: AC: 100-240V; 50/60 Hz, 7-11 VA (Có nghĩa rằng sử dụng được với mọi lưới điện ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, tôi thấy chúng ghi nhãn là một logo có hình tượng thế giới, có dòng chữ: World wide voltage; AC110/AC220V)
  • OUTPUT: DC 1,2 V; 550 mA x 2 (AA); 380 mA (AAA) (Điều này có nghĩa rằng chúng sạc theo kiểu song song chứ không sử dụng nối tiếp các quả pin với nhau giống như là một số loại sạc khác cũng như chính bộ sạc thứ hai của tôi. Hai cấp dòng điện là mức trung bình cho hai loại pin khác nhau mà sạc này có thể sử dụng: Loại pin AA với kích thước pin tiểu và loại pin AAA nhỏ hơn chúng một chút).

Thử nghiệm đầu tiên của tôi đối với bộ sạc này là sử dụng ngay cho việc sạc hai quả pin được bán kèm theo với nó. Với dung lượng 2500 mAh thì thời gian sạc lần đầu vào khoảng 6-7 giờ. Một đèn LED màu đỏ sẽ hiển thị chế độ sạc: khi hoạt động thì đèn này sáng lên, và khi pin đã được sạc đầy thì đèn này tắt đi.

Sau khi sạc một thời gian với quả pin mới, tôi đã dùng nó trong một vài lần chụp ảnh với đèn flash và mang pin ra sạc lại, thật tuyệt, thời gian sạc chỉ trong vòng 5 phút thì sạc báo hoàn thành. Không còn nghi ngờ gì nữa, bộ sạc đã tự tính toán dòng điện, thời gian sạc để đảm bảo cho nó được dừng lại khi pin đã tích đủ dung lượng của nó.

Và cũng nhờ vào tính năng tự động nên tôi đã có kế hoạch hồi phục lại những quả pin đã bị chai trước đây do sạc không đúng cách: Xả hoàn toàn chúng bằng các thiết bị tiêu thụ pin, rồi nạp đầy, rồi lại xả, rồi lại nạp. Thật tuyệt là kết quả khá khả quan: Những quả pin đã có vẻ được hồi phục khi chúng cho phép sử dụng với thời gian lâu hơn trong cùng các điều kiện sử dụng. Lúc này thì tôi lại nhớ lại về hành động sạc những quả pin "Con thỏ" trong thời gian trước đây, có lẽ rằng chúng đang được hồi phục do sự thay đổi chế độ làm việc ở bên trong nó do sự lặp lại nạp - xả hợp lý.

Ba loại sạc mà tôi đã từng sử dụng: Trên cùng, bên trái: Bộ sạc Sanyo; Dưới, bên trái: Bộ sạc bán kèm theo máy ảnh của tôi, hiện chỉ còn cái vỏ vì phần ruột bị tôi tháo tung ra rồi ^^. Hình bên phải: Bộ sạc của Energizer mà tôi đả phải thay thế do chúng làm hư hại đến pin của tôi
Mặt sau của ba sạc nói trên

***

Có lẽ rằng với niềm vui về sự nhận ra nguyên nhân hư hỏng pin nhanh, cũng như mua được một chiếc sạc phù đã khiến tôi viết entry này. Nó có vẻ vô nghĩa nếu như bạn chưa từng sử dụng những quả pin sạc loại Ni-HM, nhưng tôi nghĩ rằng nếu sau này cần phải sử dụng pin sạc thì bạn hãy chú ý đến kinh nghiệm này của tôi. Hãy chú ý đến các tính năng của sản phẩm mà bạn mua, phân tích chúng theo nguyên lý hoạt động để có thể hạn chế những chi phí không đáng có.

***

Ồ, có lẽ phải viết một số thông tin vụn vặt mà tôi biết xung quanh mấy quả pin để bạn người đọc đỡ phát ngán với những gì viết ở phía trên, hi vọng rằng đây là thông tin mới đối với bạn.

Thông số hoạt động của pin

Hình minh hoạ: Những kiểu pin sạc Ni-HM

Energizer 2300
Powerex 2300

Uniross 2300
Powerex 2200
Sanyo 2100
Rayovac 2000
(15-30 minutes in Rayovac charger)
Uniross 2100
Powerex 2000
Nexcell 2100
Nexcell 2000
Sanyo 1850
Energizer 1850
GP 2000
Kodak 1850
Jetcell 1850
GE/Sanyo 1850*
Panasonic 1950
Quest 1800
Powerex 1800
Nexcell 1800
Lenmar 2000
Ansmann 1800
Duracell 1800
GP 1800
Sony 1750
LenMar 1800
Energizer 1700
Kodak 1700
Sanyo 1700
Olympus 1700
Powerex 1700
iPowerUS 2100**
Sanyo 1600
Powerizer 1800
Kodak 1600
Digipower 1600
Radio Shack 1600
Powerex 1600
Rayovac 1600
Panasonic 1600
GP 1600
Sunpak 1600

[Nguồn ảnh]

Bạn thường được đọc các thông số về pin được ghi trên nhãn như: Loại pin, Điện áp, và Dung lượng. Những thông số này có ý nghĩa như sau:

Loại pin: Ví dụ loại Li-ion, Ni-Cd, Ni-MH...đó có ý nghĩa về các thành phần cấu tạo lên viên pin. Những loại pin này có tính chất khác nhau và quyết định đến trạng thái làm việc của pin bởi vì chúng có đặc tính khác nhau. Với mỗi đặc tính sử dụng của thiết bị tiêu thụ điện thì cần lựa chọn loại pin phù hợp cho chúng. Sự phù hợp ở đây chủ yếu là sự cung cấp các dòng điện tối đa có thể.

Điện áp: Là mức hiệu điện thế giữa hai cực của pin. Các loại pin nói chung đều là loại nguồn cung cấp một chiều do đó chúng có cực dương (+) và cực âm (-). Mức điện áp có thể là: 1,2 V đối với đa số pin sạc loại rời; 1,5 V đối với pin dùng một lần; và các mức điện áp khác đối với các pin được cấu tạo riêng hoặc ghép nối thành khối.

Dung lượng: Là thông số đánh giá mức độ tích trữ năng lượng của pin. Dung lượng pin được tính bằng mAh hoặc Ah (đọc là mili-ampe-giờ, hoặc Ampe-giờ). Một cách dễ hiểu thì bạn có thể hiểu chúng là: khả năng cung cấp một cường độ dòng điện trong một giờ. Ví dụ pin 2500 mAh có nghĩa là chúng có thể cung cấp một dòng điện 2500 mA trong một giờ thì hoàn toàn hết sạch pin.

Thực tế thì đây là cách hiểu về dung lượng pin, chúng không có nghĩa là cứ phải cung cấp đúng một dòng điện đó trong thời gian một giờ, bởi vì khả năng cung cấp điện của pin là phụ thuộc vào bản thân viên pin, tải tiêu thụ. Đa phần mỗi viên pin đều không cung cấp được một dòng điện cực đại bằng thong số mA được ghi, chúng thường nhỏ hơn nhiều.

Điện trở trong

Ba thông số trên là các thông số chính của pin, nhưng còn một thông số nữa thì rất quan trọng cho quá trình hoạt động của mỗi viên pin mà không được nêu ra (không được ghi trên nhãn của mỗi viên pin). Thông số này là "điện trở trong" (hoặc gọi là "nội điện trở") của pin.

Ta nhớ lại một công thức tính toán đến dòng điện của các loại ắc quy, nguồn điện một chiều hoặc pin một chiều như sau:

I = E / (R + r)

Trong đó: I: Cường độ dòng điện (tính bằng Ampe); E: Suất điện động của nguồn (chính là điện áp của pin, tính bằng Vôn); R (Điện trở mạch ngoài của vật tiêu thụ; tính bằng Ohm); r: (Điện trở trong của nguồn, tính bằng Ohm - đọc là "ôm").

Như vậy thì dòng điện được tính bằng Suất điện động của pin chia cho tổng điện trở mạch ngoài và điện trở bên trong của nguồn. Theo các quy ước thì nguồn điện một chiều lý tưởng là nguồn mà có điện trở trong bằng 0. Khi đó nếu xét theo công thức trên thì dòng điện sẽ trở lên vô cùng lớn nếu như ở mạch ngoài ta nối bằng một dây dẫn điện trở gần bằng 0 Ohm từ cực dương sang cực âm. Trong thực tế thì không có nguồn nào có điện trở trong nhỏ đến bằng 0 Ohm bởi vì giới hạn của công nghệ sản xuất.

Ở đây, ta nhận thấy rằng điện trở trong là một thông số rất đáng chú ý, bởi chúng có thể cho biết được rằng loại pin nào thì phù hợp với các thiết bị tiêu thụ điện kiểu như thế nào. Để mở rộng ra thì tôi xét đến quá trình làm việc của một thiết bị sử dụng pin thông qua hiệu điện thế đặt vào đầu nguồn của thiết bị.

Tôi lại có công thức như thế này:

U = I x R (đây là định luật Ohm, rất cơ bản mà có lẽ bạn đã được học từ lớp 7). Từ đó tính ra hiệu điện thế giữa hai cực của pin khi ghép nối vào thiết bị sử dụng:

U = E x R / (R + r) và được tính bằng Vôn. [Công thức này tính đơn giản vì được suy ra từ U = I x R, và tôi chỉ việc bệ nguyên I (dòng điện) từ công thức đã nói phía trên vào đây mà thôi]

Bây giờ thì chúng ta nhận thấy những điều gì thông qua công thức này? Nếu như điện trở trong càng lớn thì U càng nhỏ và ngược lại, còn điện trở ngoài thì không xét tới, bởi vì chúng gần như là cố định trong một dải thời điểm. Như vậy thì qua công thức này ta nhận thấy rằng điện áp đặt vào hai đầu thiết bị tiêu thụ (máy ảnh, máy nghe nhạc, ....) không thể bằng được so với mức điện áp của suất điện động pin.

Điện trở trong của pin thì không phải là một con số cố định theo suốt thời gian sử dụng. Nó sẽ lớn dần lên theo thời gian mà pin phải cung cấp dòng điện cho thiết bị hoạt động. Ban đầu (khi viên pin sử dụng một lần mới sản xuất hoặc với pin sạc mới được sạc đầy điện) thì điện trở trong sẽ nhỏ, sau khi dùng theo thời gian thì nó sẽ tăng lên, tăng cho đến khi hiệu điện thế giữa hai cực của thiết bị sử dụng nhỏ đi đến một mức ngưỡng nào đó thì thiết bị sẽ có thể từ chối làm việc, thông báo pin yếu hoặc hết pin.

Thông thường thì các thiết bị có thiết bị thông báo trạng thái hoạt động (ví dụ màn hình LCD nhỏ, đèn LED báo hiệu trạng thái nguồn điện...) sẽ thông báo về trạng thái pin sử dụng của nó. Sự thông báo này hữu ích khi chúng ta có thể biết chúng còn hoạt động được bao nhiêu thời gian nữa hoặc có kế hoạch với công việc sử dụng của mình. Trạng thái pin này được đo bằng điện áp đầu vào của thiết bị, chúng có thể là một cảm biến hoặc sự so sánh mức điện áp. Ở máy ảnh số (hoặc máy nghe nhạc cá nhân chẳng hạn) có màn hình LCD hiển thị thì chúng sẽ thông báo về trạng thái của pin theo từng nấc vạch (hoặc đơn thuần chỉ cảnh báo rằng chúng sắp hết pin). Những điều này thì bình thường và chẳng có gì đáng phải viết, nhưng có một số điều mà chúng đã thông báo có thể khiến bạn cảm thấy vô lý khi lắp các loại pin không phù hợp. Tôi lấy ví dụ rằng trong một buổi mà tôi cầm máy ảnh số đi chụp ảnh, nhưng không mang theo nhiều pin, khi cần thiết quá tôi đã phải mua pin sử dụng một lần để dùng tạm. Với một cặp pin hiệu Energizer loại AA được bán với giá 15.000 tôi đã gắn vào máy ảnh, và...thật kỳ lạ rằng chiếc máy ảnh số của tôi đã báo hiệu rằng pin yếu, tôi cố zoom ống kính máy ản thì máy ảnh thu ống kính và tắt máy ngay lập tức. Trong thời điểm này thì tôi cho rằng đôi pin đã được để khá lâu trước khi bán đến tay tôi. Lần sau tôi tìm kiếm một đôi pin cũng như vậy nhưng được sản xuất vào thời gian gần nhất, và hiện tượng cũng xảy ra như vậy, có nghĩa rằng không chụp được tấm ảnh nào thì đôi pin sử dụng một lần đã không còn sử dụng được nữa do máy ảnh báo "pin yếu" hoặc "hết pin".

Rất thắc mắc về hiện tượng này, bởi vì đôi pin Energizer thì là một thương hiệu tốt (nhưng một số model bộ sạc của hãng này thì chẳng tốt chút nào đối với tôi ^^), chúng có hiệu điện thế 1,5 V (trong khi đó mỗi pin sạc của tôi thì chỉ có điện áp 1,2 V mà thôi), cũng không phải rằng là máy ảnh của tôi đã bị quá điện áp khi không dùng đúng loại pin, bởi vì chúng được ghi ở đế rằng sử dụng điện áp 3 VDC, có nghĩa là sử dụng tốt với đôi pin kia. Tôi đã mang đôi pin này sử dụng cho các thiết bị điện tử khác dùng pin tiểu, và chúng hoàn toàn bình thường, vậy rằng nhà sản xuất và nhà phân phối đã không có lỗi, có thể chiếc máy ảnh của tôi có một lỗi nào đó? Tôi không nghĩ như vậy bởi vì khi sử dụng pin sạc thì chúng hoàn toàn bình thường.

Cuối cùng tôi đã lý giải ra rằng điện trở trong của đôi pin tiểu Energizer đã lớn hơn so với pin sạc (cũng của hãng này, bởi vì tôi đã sử dụng vài đôi pin sạc của Energizer). Có nghĩa rằng khi chúng xuất ra một dòng điện lớn cho việc chụp ảnh (bao gồm: điện cung cấp cho đèn flash, điện cung cấp cho động cơ (motor) của ống kính....) thì chúng đã gây ra sự sụt giảm điện áp, do đó mà máy thông báo rằng pin đã yếu, không cho phép tiếp tục làm việc nữa. Không khó khi mà suy luận rằng giả sử lúc này dòng điện cần tiêu thụ lớn đã chỉ còn đặt vào hai đầu nguồn của máy ảnh một mức điện áp khoảng chừng 2 Vdc mà thôi, mức điện áp này có lẽ rằng là mức mà máy nhận ra rằng điện áp không đủ để làm việc, hay ít nhất là không đủ để tắt máy (bao gồm thu ống kính lại và shutdown máy cho an toàn, bởi vì hết điện ngang chừng thì với một máy ảnh số có ống kính zoom điều khển bằng điện sẽ làm ta không thể nhét ống kính vào thân máy để cất đi ^^).

Và những điều này hoàn toàn không khó hiểu khi ta áp vào công thức U = E x R (R + r) ở trên, ở đây thì R là điện trở tượng trưng của máy ảnh, chúng sẽ như nhau trong trường hợp sử dụng cả hai loại pin (sạc và pin dùng một lần), do đó chỉ còn mỗi lý do rằng r (điện trở trong) đã quá lớn mà thôi.

Có thể rằng trải nghiệm này của tôi sẽ không đúng đối với chiếc máy ảnh của bạn, bởi vì có nhiều yếu tố khác nhau: Chế độ đèn flash, động cơ zoom của ống kính (đối với máy ống kính nhỏ thì có thể việc zoom không gây tiêu tốn nhiều dòng điện)...Ngay như chiếc máy ảnh của em rể tôi sử dụng 4 pin AA thì cũng không bị hiện tượng này, tôi lý giải rằng máy của tôi chỉ dùng 2 viên pin AA nên chúng sẽ cần một dòng điện tức thời lớn hơn so với 4 viên (bởi vì công suất thì bằng dòng điện nhân điện áp, nếu cùng công suất thì điện áp lớn sẽ chỉ cần một dòng điện nhỏ hơn).

Qua trải nghiệm này bạn nhận thấy điều gì không? Tôi nghĩ rằng điện trở trong là một thông số rất có ý nghĩa đối với các thiết bị. Không phải rằng pin nào cũng dùng thay thế cho loại pin sạc được cả - cho dù chúng có suất điện động cao hơn.

Pin laptop là sự ghép nối các viên pin nhỏ

Có vẻ như lạc đề khi mà tôi nói đến pin máy tính, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải viết vào entry này, bởi vì tôi thì không hiểu biết sâu về các loại pin máy tính cũng như pin sạc để mà có thể viết riêng một entry về chúng. Vậy thì viết vào một phần nhỏ ở đây là một điều hợp lý. Tuy không nhiều nhưng có lẽ đây là một thông tin thú vị về pin của laptop.

Bạn có thể đang sử dụng một chiếc máy tính xách tay? Hoặc là bạn chưa có chúng và đang mơ ước sở hữu một chiếc cho thuận tiện cho việc học tập và làm việc của mình? Không sao, bạn có thể hay nghe nói đến một thông số rằng pin 6 cell hay là pin 8 cell. Bạn có hiểu các cell này có nghĩa gì không?

Thật thú vị rằng số cell này lại chính là các viên pin nhỏ, chúng được ghép với nhau vào thành một khối 6 hoặc 8 pin dùng cho máy tính xách tay. Thông thường rằng chúng được ghép nối tiếp với nhau để cho ra các khối pin có hình dạng khác nhau phù hợp với từng loại máy tính và có mức điện áp chung vào khoảng trên 10V (ví dụ như máy tính xách tay của tôi thì dùng pin Li-ion và có điện áp 11,1 V).

Các khối pin này không được ghép đơn thuần và chỉ ra hai cực, tôi chắc chắn là như vậy bởi vì chúng thường có nhiều hơn hai điểm tiếp xúc mà bạn cũng có thể nhìn thấy ở mỗi khối pin cho máy tính xách tay (hoặc cả các cục pin của điện thoại di động nữa). Vậy thì tại sao lại có nhiều chân tiếp xúc như vậy mà không phải là hai? Bởi vì ở trong mỗi khối pin đó lại có một mạch điện nhỏ. Mạch điện này đảm bảo cho việc nạp pin hoặc xuất nguồn pin được thuận tiện hơn so với chúng không có gì cả. Như vậy là laptop sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc nạp pin nữa, bởi vì chúng không thể đòi hỏi rằng phải dùng đúng một loại pin nào đó. Vậy thì nếu như với một khối pin thích hợp với hình dạng của laptop thì bạn có thể sử dụng pin của các hãng khác nhau hoặc các model khác nhau mà không phải e ngại rằng chúng có phù hợp hay không với mạch nạp (giả sử) đã được tích hợp sẵn. Và do đó thì bạn có thể nâng cấp lên các loại pin khác có dung lượng cao hơn - miễn là chúng phù hợp với vị trí lắp ráp của máy tính xách tay của bạn.

Không có gì mâu thuẫn với những điều này khi mà bạn biết rằng mỗi loại máy tính xách tay có thể có đến vài loại pin với dung lượng khác nhau cho chúng. Tôi nhận thấy có một vài loại pin có kích thước to hơn bình thường cũng phù hợp với chiếc máy tính của tôi, chúng tích được nhiều năng lượng hơn, nhưng cũng làm cho tổng thể của chiếc máy trở lên xấu hơn do sự lồi ra của phần lắp pin.

Và như vậy khi bạn nghe quảng cáo rằng có một loại laptop nào đó giá rẻ, nhưng phần thông tin về pin thì chỉ có 4 cell thì không nên mua nếu như bạn không muốn nhanh hết pin trong những lúc không sử dụng với điện lưới dân dụng. Tốt nhất là sử dụng loại thông dụng 6 cell hoặc các loại đặc biệt và hiếm hơn: 8 cell và nhiều hơn nữa.

Ở đây tôi cũng nhắc tới các loại pin của điện thoại di động. Trong mọi trường hợp thì pin của điện thoại di động thường là có mức điện áp thấp (khoảng 3,6 - 4,2 V), do đó tuy chúng không có nhiều cell (mà cũng chẳng ai nói đến pin của điện thoại di động có bao nhiêu cell cả) nhưng chúng có một điểm gần giống với pin của máy tính xách tay rằng chúng có một mạch điện ở bên trong pin. Tôi đã từng tháo tung một số quả pin của các điện thoại di động và nhận thấy điều này.

***

Và tôi nghĩ là nên kết thúc entry này ở đây mặc dù có thể dông dài ra những thứ vụn vặt được nữa. Nhân dịp ngày thành lập Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam, chúc mẹ tôi, vợ tôi và những người mẹ, người vợ của bạn (nếu có) hoặc là bạn có nhiều sức khoẻ và niềm vui trong cuộc sống.

...Bây giờ tôi phải đi mua hoa đây... ^_^.

Xem thêm

Các loại Pin thông dụng, viết trên Thế giới pin.

Battery charger(en) (Bộ sạc pin), mục từ trên Wikipedia tiếng Anh.

Trương Mạnh An (20/10/2008)

19 nhận xét :

  1. Nặc danh14:31 27/9/11

    Bài viết rất hữu ích. Cám ơn anh!

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh04:33 23/10/11

    Cảm ơn bạn nhiều nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh15:19 15/12/11

    cám ơn anh nhiều về bài viết hay...chúc anh và gđ mùa giáng sinh nhiều niềm vui.
    Lệ Nguyên

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16:54 28/12/11

    Anh này viết đọc không thể hiểu được 1 cái gì.Văn phong lôi thôi dài dòng. Mình không đủ kiên nhẫn đọc hết bài mặc dù nó thực sự hữu ích.

    Trả lờiXóa
  5. Vậy anh cho em hỏi thêm mối quan hệ giữa sạc laptop và pin laptop

    Trả lờiXóa
  6. À còn nữa, quan hệ giữa công suất của pin và công suất sạc của bộ sạc, vì dụ như có thể dùng bộ sạc có công suất sạc là 2450mAh để sạc pin có công suất 2650mAh được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chênh nhau nhỏ như thế chắc là được, tuy nhiên hiếm có bộ sạc nào nói rằng nó dùng cho loại pin bao nhiêu Ah hay mAh đâu.
      Một bộ sạc chuẩn thì nó tự động tính toán để nạp đầy thì ngừng.

      Xóa
    2. Tôi mua Canong A810 ở Nguyễn Kim được khuyến mãi bộ xạc pin AA Uniross 2100 mAh, trên xạc có ghi thời gian xạc cho pin 2100 mAh là 23h40, pin AA 1300 mAh và 800 mAh thì tôi không nhớ vì không mang ở đây, nhưng có 2 mức thời gian tương ứng, và nhỏ hơn so với pin 2100 mAh. Nghĩa là dùng hết pin thì xạc theo thời gian khuến cáo, chứ không tự động ngắt. Tôi tìm trên mạng chưa thấy tên loại xạc này, chỉ có loại tương tự của Uniross thôi.
      Cám ơn bài viết của anh lắm. (Thế mà tôi vẫn mắc phải lỗi: quên pin dự phòng, và cũng mua phải 2 cục pin AA như của anh nhưng với giá 50k ở Hạ long, chụp được 2 kiểu nó đã báo hết pin! Trong khi cục pin kèm máy Panasonic thì chụp thoải mái! Chụp cố thêm 20 kiểu nữa, về lắp đồ chơi cho con thì lại chạy tít!!!)

      Xóa
  7. À ông anh góp ý cho đệ chuyện này nhé.
    Đệ có kiếm mua trên mạng mấy bộ sạc pin, kiếm được 1 bộ "PIN + Bộ Sạc 2450 ENERGIZER" (2 Pin AA + Bộ sạc 4 Pin AA - AAA hoặc 2 Pin 9V. Công suất sạc 2450mAh. Điện thế : 100-240V) giá 330k (có chỗ bán tới 390k). Và còn kiếm thêm mấy hiệu khác như SANYO, PANASONIC, PHILIPS nhưng giá rất mắc (rẻ thì cũng > 400k) mà hình như công suất sạc pin còn nhỏ hơn cái của ENERGIZER nữa (điển hình như cái máy sạc PHILIPS SCB3030NB/12 tới 590k mà công suất sạc thì có 2100mAh).
    Điều đệ muốn hỏi và để anh góp ý là tại sao giá cả lại chênh nhau như thế, do thương hiệu chăng (hay chẳng lẽ hiệu ENERGIZER có tiếng mà lại không chất lượng bằng?) (theo thông số thì thằng SANYO có dung lượng 2700mAh, PHILIPS 2100mAh nhưng PHILIPS lại mắc hơn SANYO nhiều?)
    Đệ gửi anh 3 trang mà đệ kiếm được của 3 nhãn hiệu trên:
    ENERGIZER: http://www.tnc.com.vn/product/detail/pin-+-bo-sac-2450-energizer-1967.html
    SANYO: http://www.nguyenkim.com/may-sac-sanyo-ncmqn04esp27-s.html
    PHILIPS: http://www.nguyenkim.com/may-sac-philips-scb3030nb-12.html
    Có 1 thắc mắc nữa, đệ nghĩ là công suất sạc càng cao thì thời gian sạc càng nhanh đối với cùng 1 loại pin có cùng công suất, không biết vậy là đúng hay sai, và trong phần thông số thời gian sạc của 2 thằng SANYO và PHILIPS đưa ra rất khác nhau (SANYO thì pin NiMH, còn PHILIPS là AA NiMH; và máy cái số mAH không biết có nghĩa gì vì của SANYO có thì PHILIPS không có và ngược lại, như của SANYO là NiMH - 2700mAh khoảng 13 giờ, thì của PHILIPS là AA NiMH - 2600mAh khoảng 10 giờ mà chẳng có 2700 hay 2500 như của SANYO).
    Mong anh giải cho góp và giải đáp giùm những thắc mắc trên.
    Đệ xin chân thành cảm ơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong các loại sạc mà bạn nêu trên thì người bán có nhần lẫn rằng viên pin được bán kèm theo sạc là công suất sạc. Phần lớn các loại sạc pin không quy định về công suất sạc nhất thiết phải là bao nhiêu mAh mà chỉ quy định loại pin sạc có phù hợp hay không (pin Ni hay pin Cd) - minh chứng đơn giản nhất cho điều này là chính các loại pin bán kèm đó sẽ bị hụt dung lượng dần dần (chẳng hạn loại 2700 mAh sau thời gian sử dụng sẽ còn 2000 mAh hoặc nhỏ hơn...) thì loại sạc đó sẽ không phù hợp? Chắc chắn không.

      Chọn loại sạc nào? Tốt nhất nên chọn các loại sạc có thể tự động ngừng sạc khi pin đã đầy - mà loại đó thường có dải điện áp đầu vào rộng (chẳng hạn 90 đến 240V, 100-220V...) bởi mạch điện trong đó dùng nguồn switching (chứ không phải dùng biến áp) nên thuận tiện cho việc kiểm soát dòng và áp nạp và ngắt nạp khi pin đầy (tất nhiên nguồn biến áp cũng làm được điều đó nhưng người ta lại hay làm nguồn biến áp với một mạch ngắt điện theo thời gian nạp - chẳng hạn cứ nạp 10 giờ là ngắt, nếu bị cúp điện giữa chừng thì nó cứ nạp tiếp 10 giờ sau mới ngắt...). Sạc loại biến áp thì thường đầu vào chỉ 100-110 V hoặc chỉ 220-240V chứ không cho phép dải rộng.

      Loại sạc tự động ngắt sẽ thuận tiện cho việc nạp trong bất kỳ tình tích điện còn lại của pin (chẳng hạn bạn dùng hết một nửa thì bộ nạp cũng chỉ nạp cho đến đầy). Với bộ không ngắt thì nó sẽ cứ nạp cho đến đủ thời gian đặt trước, do đó sẽ gây hiện tượng "quá nạp" và nhanh hỏng pin.

      Ba loại trên mình không rõ nó thuộc loại tự động hay không, tốt nhất bạn nên xem kỹ. Nếu thuộc dòng điện áp vào rộng và không ghi thời gian nạp ở phía đằng sau nó thì có lẽ là loại ngắt tự động.

      Xóa
  8. Ông anh trả lời chậm quá nên em đã mua bộ sạc và pin của Energizer rồi, nhưng nó có dải điện áp đầu vào rộng là 100-240V nên cũng an tâm.
    Tự nhiên em lại có 1 ý tưng tửng thế này là nếu gắn pin không sạc được vào bộ sạc và cắm điện để sạc thì có sao không nhỉ, anh thử trường hợp này chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn sạc đầy 1 đôi pin, sau đó để nguội một thời gian (cứ 30 phút đến 1 giờ là được), sau đó mang vào sạc, nếu thời gian hoàn thành sạc trong vài phút đến 10 phút là sạc tự ngắt, còn nếu sạc trong vài giờ là sạc không tự ngắt.

      Pin thường thì không được sạc - bởi sạc nó có khả năng bị nổ. Cách đây khoảng 20 năm - khi còn học cấp III thì mình cũng sạc thử pin con thỏ 1,5V thấy vào điện (sạc nửa chu kỳ, vừa nạp vừa xả) và dùng được thêm một ít - tuy vậy không nên sạc các loại pin thường vì mình cũng bị nổ pin một lần khi cố thử như vậy.

      Xóa
  9. Nặc danh18:00 7/9/12

    Nhờ anh chỉ giúp :
    -Em nghe nói pin nào có màng thoát khí ở cực dương mới sạc lại được ? vậy làm sao biết pin nó có cái màng đấy hay ko ? mà cực dương là cực nào
    -Pin sạc lại chắc cũng có giới hạn số lần sạc của nó ? thường thì sạc lại đc bao nhiêu lần thì phải vứt pin đấy đi ?
    -Em chỉ biết pin con thỏ là loại dùng 1 lần,làm sao biết đc pin nào thì có thể sạc lại đc ? và thời gian sạc là bao lâu ?
    thank anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây pin con thỏ có vỏ kẽm, lõi bằng than thì mình đã sạc thử và thấy sạc được một số lần tiếp theo, tuy nhiên giờ đây pin rẻ nên không ai sạc pin con thỏ nữa.
      Các pin thường đều có khuyến cáo là cấm sạc, cấm bỏ vào lửa - bởi sạc có khả năng gây nổ dẫn đến nguy hiểm.

      Pin sạc thường thấy ghi sạc được khoảng 500 đến 1000 lần (có loại nói sạc được nhiều hơn), tuy nhiên số lần sạc thực tế có thể thấp hơn.

      Pin sạc được nó sẽ ghi "rechargeable" và thường ghi thêm thông số dung lượng pin (mAh). Một điểm dễ nhận ra nữa là pin sạc loại AA thường là 1,2V (so với pin dùng một lần là 1,5V).

      Xóa
    2. cảm ơn anh.Em mới mua 1 bộ pin sạc kèm 2 pin.Em muốn hỏi về cách bảo quản chiếc pin còn lại khi ko dùng đến :
      -Sạc đầy rồi cứ để yên trong bộ sạc ,khi nào dùng thì lôi ra
      -Dùng hết pin rồi cứ để yên trong bộ sạc,khi nào dùng lôi ra
      Em thấy mọi người bảo bảo quản pin thì cất đi mà chả hiểu cất đi là thế nào,gói giấy báo cho vào tủ lạnh giống pin laptop ?
      và thời gian mình ko dùng đến pin là bao lâu thì pin sẽ bị chai ?

      Xóa
    3. Trường hợp của bạn hơi phiền là chỉ sử dụng 1 pin! Thường phần lớn các sạc hoạt động theo kiểu sạc nối tiếp 2 pin nên chúng phải có trạng thái giống nhau khi bắt đầu sạc. Do vậy cách bảo quản là không tối ưu.

      Xin lỗi, tôi đang dùng đt nên khó đánh chữ, mai tôi sẽ trả lơì cụ thể hơn

      Xóa
    4. Rảnh hơn một chút, mình trả lời thêm thế này:
      - Phần lớn các bộ sạc pin hiện nay hoạt động theo nguyên lý sạc cả cặp (kiểu như sạc ắc quy 24 V thì phải dùng 2 ắc quy 12V nối tiếp nhau), do đó pin cũng phải dùng theo kiểu một đôi (dùng cho máy ảnh, thiết bị nghe nhạc...) nên trường hợp bạn dùng từng chiếc một thì cho dù dùng lần lượt từng quả đến kiện pin mới sạc - cũng vẫn tạo ra chế độ hoạt động không đồng đều và sạc có thể lỗi không sạc được (đèn chỉ thị nhấp nháy một hồi rồi tắt). Ngay cả khi dùng cả cặp pin thì sau một thời gian chúng xuống cấp khác nhau và chế độ sạc cũng không hoạt động.
      - Phần nhỏ các bộ sạc có thể hoạt động theo nguyên lý sạc từng pin một - trường hợp này mới phù hợp cho nhu cầu dùng 1 pin của bạn. Loại sạc này có thể gồm 2 hay 4 pin nhưng bạn có thể sạc từ 1 đến tối đa số lượng pin

      Xóa
    5. rất cảm ơn anh

      Xóa
  10. Nặc danh22:44 6/11/13

    Bài A viết rất chi tiếc. Tôi cũng gặp phải trường hợp tương tự. Sau đó tôi cũng tìm đọc trên trang web của hãng mới biết. Loại cục sac của Enerziger cũng có nhiều loại khác nhau. Loại thường bán trên thị trường VN là loại compact hay theo phân loại của hãng là loai basic. tức là sử dụng thủ công. Tôi thấy trên web cũng có nhiều loại khác như như smart, rapid ... thì có nhiều tính năng khác tự ngắt điện khi đầy, sạc nhanh..... Nhưng cái này là lỗi do người sử dụng mình thiếu hiểu biết thui.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.