31/5/08

Dân ép xung với sở thích kỳ quặc

Dân ép xung (tạm dịch từ: overclocker) là những người có những ham mê đặc biệt về chế ngự phần cứng máy tính nhằm giúp cho hệ thống máy tính của họ có thể hoạt động quá mức thiết kế cho phép. Hiện nay thì từ này vẫn chưa được sự chấp nhận của nhiều từ điển, những "dân ép xung" vẫn là những người có ham mê của mình, không cần đòi hỏi thú đam mê đó có được chấp nhận một cách chính thống hay không.

Không có một tổ chức hợp pháp nào đặt biệt danh hay công nhận danh hiệu cho một cá nhân ép xung, cũng không có một trường lớp chính thống nào đào tạo ra người có sở thích này. Những kiến thức trang bị cho sở thích của họ thường là tự tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với những người cùng sở thích khác (qua thư điện tử, diễn đàn…). Do vậy biệt danh dân ép xung thường là do những người cùng sở thích công nhận, đặt biệt hiệu khi nhận thấy người đó đã đủ hiểu biết về phần cứng và các phương pháp làm tăng tốc phần cứng máy tính.

Để giải thích về sự không công nhận này, tôi lấy một ví dụ sau:

  1. Trên Wikipedia tiếng Anh, nếu tra từ overclocker (dịch thô là: người làm quá xung nhịp) thì nó sẽ tự động chuyển sang bài về overclocking (hành động làm quá xung nhịp). Rõ ràng rằng điều này là không đúng, nếu nhưng người ta muốn tìm hiểu về sở thích của con người, nhưng anh lại cho người ta đọc về những gì người ta làm, đó là điều không đúng.
  2. Trên Wikipedia tiếng Việt, với mong muốn mở rộng và phát triển số người tham gia, và đặc biệt là muốn có người có cùng sở thích để cùng nhau viết lấp đầy các khoảng trống trong kiến thức về phần cứng, tôi đã viết bài này với mục đích chính là muốn lôi kéo một số thành viên ở vOz tham gia cùng viết. Tuy nhiên khi mục từ này xuất hiện thì đã gặp một sự phản đối. Tất nhiên, mục từ này vẫn còn tồn tại, nhưng nó vẫn có vẻ như gượng gạo, và một phần được chấp nhận bởi sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên có nhiều đóng góp (điều này bất quy tắc).
  3. Trên các từ điển được biên soạn bởi các tập thể biên soan khác thì cũng không có từ này. Ở đây tôi đang nói đến từ overclocker bằng tiếng Anh, có nghĩa là một từ mà nếu được công nhận thì nó sẽ được nhiều người sử dụng nhất. Việc dịch ra tiếng Việt là "người ép xung" hoặc là "dân ép xung" thì vẫn còn gượng gạo (chưa thông dụng, chưa được chấp nhận rộng rãi), bởi vì có thể tôi là một trong những người đầu tiên đề xuất cách dịch từ này.

Xin lưu ý thêm về "được công nhận", ở đây được hiểu là được một vài người công nhận một cách công khai hay là âm thầm trong lòng họ (cũng như có nhiều quan điểm về cách gọi từ hacker, blogger... thế nào là đúng, thế nào là được công nhận hay là tự chủ nhân công nhận điều đó - tôi sẽ có bài phân tích điều này theo ý hiểu của tôi).

Hiểu biết về phần cứng

Hai overclocker đang 'chế' bộ giải nhiệt cho máy tính. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Dân ép xung thường là người có hiểu biết về phần cứng máy tính một cách khá thành thạo để có thể thực hiện các hành động ép xung một cách có bài bản mà không chỉ thực hiện theo các lời khuyên, kinh nghiệm của những dân ép xung thực sự khác truyền lại. Điều này xuất phát do mỗi người trong số họ thường sở hữu các hệ thống máy tính có cấu hình khác nhau, do đó mọi hành động thực thi và kết quả của việc ép xung là không giống nhau.

Thế nào được coi là đạt về "hiểu biết phần cứng", cũng có nhiều quan điểm cho rằng chỉ cần biết đâu là CPU, đâu là RAM, đâu là HDD thì gọi là hiểu biết phần cứng máy tính, nhưng cũng lại có quan điểm rằng cần phải hiểu sâu hơn nữa: ví dụ về RAM cần thông số gì (dung lượng RAM, bus của RAM), nhưng lại còn sâu hơn nữa khi biết thêm từng nguyên lý hoạt động, các tham số CAS, điện áp... đó là do sự khắt khe của từng người khi nhìn nhận, và cũng là những yếu tố lớn ảnh hưởng đên sự thành công của hành động ép xung.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào có thể làm tăng tốc phần cứng máy tính cũng có thể được gọi là dân ép xung bởi hành động ép xung ngày nay đã trở lên rất đơn giản do sự tạo điều kiện của các nhà sản xuất phần cứng. Chính sự tạo điều kiện thuận lợi này khiến cho nhiều người có sở thích này không cần hiểu biết nhiều đến nguyên lý hoạt động của phần cứng máy tính nữa mà vẫn thực hiện ép xung thành công.

Lịch sử hình thành tính cách

Xuất phát đầu tiên là cho lịch sử của việc overclock tốc độ máy tính cá nhân có lẽ từ những chiếc máy tính của AT của hãng IBM với cơ chế hoạt động của nó khiến cho người ta chú ý đến nó để thực hiện việc ép xung.

Thiết bị dùng ép xung bằng cách thay đổi giao động thạch anh - năm 1985

Chúng ta biết rằng các hoạt động của máy tính đều dựa trên một số thiết bị phát xung nhịp chuẩn. Những thiết bị này nhằm tạo ra các chu kỳ hoạt động để đảm bảo sự đồng nhất khi chuyển dữ liệu làm việc giữa các bộ phận khác nhau. Trong máy tính cũng như nhiều thiết bị khác phải làm việc dựa trên xung nhịp chuẩn đều sử dụng một thiết bị có nguyên lý hoạt động dựa trên sự giao động của tinh thể, và đa phần vật liệu này là thạch anh.

Những chiếc máy tính AT của IBM đầu tiên sử dụng bộ dao động tinh thể để vận hành bộ xử lý. Hai hệ thống XT của máy tính IBM dùng các bộ dao động tinh thể thạch anh có tần số 12 Mhz và 16 Mhz. Các chip kiểm soát xung nhịp chia dao động đó cho 2, và kết quả là các bộ xử lý đó hoạt động ở xung nhịp 6 Mhz và 8 Mhz. Những dân ép xung đầu tiên đã sử dụng các tiểu xảo bằng cách thay thế các bộ dao động tinh thể 12 Mhz và 16 Mhz bằng các linh kiện dao động tinh thể 18 Mhz và 20 Mhz để các hệ thống máy tính này hoạt động ở tốc độ cao hơn: 9 Mhz và 10 Mhz.

Những hành động overclock này đã được một số công ty cho ra đời các mạch cho phép thay đổi sự dao động mà không phải thay thế từng linh kiện một trong hệ thống thời bấy giờ. Thiết bị này có các nấc điều khiển để thay đổi các dao động tinh thể (hình dạng của nó gần giống với các đồng hồ vạn năng dùng đo các thông số về điện/điện tử ngày nay). XCELX là tên một thiết bị như vậy (xem ảnh) có thể cho phép thay đổi xung nhịp của các máy tính IBM ban đầu các xung nhịp từ 6,5 Mhz đến 12,7 Mhz.

Đây là những hành động ép xung đầu tiên mà có thể nhiều người ép xung ngày nay chưa biết về những người đi trước họ đã làm.

Dân ép xung ngày nay

Những người ép xung đầu tiên thường chỉ tập trung vào xung nhịp của CPU mà ít chú ý đến các hình thức làm tăng hiệu năng các thiết bị khác như GPU, RAM...Ngày nay, khi mà xung nhịp của CPU đã đạt đến các mức giới hạn về tốc độ xử lý của CPU thì dân ép xung còn sử dụng thêm nhiều hình thức khác để thực hiện việc làm tăng hiệu năg máy tính của mình.

Sự thay đổi tần số xung nhịp làm việc của máy tính ngày nay không còn chỉ còn phụ thuộc vào các tinh thể thạch anh bởi linh kiện này chỉ còn được sử dụng cho việc tạo ra các giao động cơ bản, việc điều chế các giao động cho CPU được các chipset đảm nhiệm và có thể thay đổi trong BIOS máy tính cũng như ngay trên hệ điều hành thông qua các phần mềm của hãng sản xuất bo mạch chủ. Do đó những người ép xung hiện nay chỉ việc điều chỉnh tần số thông qua chuột và bàn phím mà không phải thay thế linh kiện phần cứng hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như các bậc tiền bối của họ nữa.

Một mặt khác, hiệu năng hiện nay đánh giá cho các phần mềm xử lý đồ hoạ, game còn phụ thuộc vào nhiều loại phần cứng khác như: Bo mạch đồ hoạ, RAM, nguồn máy tính, vỏ máy tính...nên người ép xung càng cần chú ý thêm đến các kiến thức tổng thể của một hệ thống máy tính.

Nhà sản xuất tiếp tay cho sở thích

Mặc dù không được công nhận trên cả phạm vi quuốc gia và quốc tế, nhưng hiện nay đa số các nhà sản xuất bo mạch chủ, RAM và một số linh kiện khác phụ cho quá trình ép xung như nguồn máy tính, vỏ máy tính đều có xu hướng phát triển theo.

Nếu tinh ý, các bạn có thể nhận thấy sự phát triển của bo mạch chủ đã phát triển theo hai hướng sau: Ban đầu là các tính năng mở rộng và khả năng ép xung - những điều này làm nổi trội các thương hiệu cho các hãng sản xuất. Sau đó đến khả năng tiết kiệm điện năng (đó là thời điểm năm 2007-2008 hiện nay).

RAM được thiết kế sao cho các thông số làm việc của chúng tối ưu cho tổng thể chung hệ thống, tức là các loại RAM chất lượng cao thì có các chỉ số CL thấp đi đến mức tối thiểu có thể. RAM còn cho phép ép xung bằng cách chịu đựng được mức điện áp lớn hơn, thiết kế tản nhiệt trên các chip RAM được tốt hơn.

Vỏ máy tính cũng được thiết kế sao cho thuận lợi nhất cho quá trình tản nhiệt mà vẫn đảm bảo tính mỹ thuật, độc đáo.

Các thiết bị gải nhiệt được bán nhiều trên thị trường phần cứng máy tính. Ngoài tác dụng làm ổn định hệ thống thì phần lớn các hệ thống giải nhiệt (mà giá của chúng có thể lớn hơn cả những hệ thống máy tính giá rẻ - không bao gồm màn hình) thì rõ ràng rằng chúng phục vụ cho mục đích ép xung. Trước đây các hệ thống này đều được những tay overclocker tự chế tạo theo cách hiểu biết của mình thì ngày nay đa số chúng được chế tạo sẵn.

Chính do sự cho phép đến mức lộ liễu (thậm chí khuyến khích ép xung đạt các kỷ lục quốc tế để làm nổi tiếng các thương hiệu) nên người sử dụng hiện nay có thể vô tình bị đẩy trở thành những người ép xung theo cách thức tò mò tiếp cận lĩnh vực này.

Sở thích khó hiểu

Những dân ép xung có thể không cần thiết hệ thống máy tính của họ cần đạt được một tốc độ cao để đảm bảo có thể thực thi các ứng dụng nặng nề (các phần mềm biên tập video, xử lý đồ hoạ nặng, game yêu cầu cấu hình hệ thống cao…) nên ép xung đối với họ nhiều khi chỉ là một sở thích mà chính họ cũng không lý giải nổi hành động ép xung nhằm mục đích gì (tôi cũng vậy, khi mua các loại linh kiện máy tính luôn chú ý đến khả năng ép xung của chúng. Giá thành các thiết bị này có thể tăng gấp 2-3 lần so với các linh kiện thông thường).

Nếu nói về sự tăng tốc phần cứng nhằm phục vụ các phầm mềm, game mạnh thì điều này trở lên vô lý khi họ sẵn sàng chi phí một lượng tiền lớn để có được các hệ thống làm mát đắt tiền. Giá trị của các thiết bị, hệ thống làm mát này còn đắt hơn cả những CPU có hiệu năng và xung nhịp cao hơn mà khi họ ép xung (với CPU cũ và hệ thống làm mát mới) không đạt đến được.

Chính điều này gây ra sự khác biệt giữa sở thích của dân ép xung thời nay với các dân ép xung trước đây (đơn thuần là làm tăng hiệu năng với tất cả các CPU mới nhất xuất hiện). Những mâu thuẫn đó khiến nhiều người cảm nhận về sở thích của dân ép xung là: khó hiểu, kỳ quặc. Và thực chất, không có một nhận xét chính xác nào về những người có sở thích ép xung như vậy.

Tham khảo:

Upgrading and Repairing Pcs, 17th Edition, Scott Mueller (ISBN: 0789734044); Có thể mua tại Amazon (phiên bản 18: ISBN-10: 0789719037)

Dân chơi tăng tốc độ máy tính, VnExpress, 15/11/2007.

Ép xung hệ thống: Đôi điều cần biết, Xemsach.com.vn (Nguồn dẫn này không nổi trội, mang tính mở rộng thông tin là chính).

Xem thêm:

Vietnam Overclocker Zone Forum (vOz): Diễn đàn của những người yêu thích Overclock lớn nhất ở Việt Nam;

Trương Mạnh An (2008)

(Ghi chú: Bài này đã được tác giả đóng góp chính viết trên Wikipedia tiếng Việt. he he, lập blog thì lấy về, khỏi phải cám ơn wiki^^)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.