20/1/09

Nhớ thầy Đặng Quang Khang

Nếu ai đã từng trải qua thời sinh viên thì chắc rằng cũng sẽ có ấn tượng hoặc sự kiện nào đáng nhớ về thời gian đó. Cũng có thể rằng đó là những kỷ niệm gian khổ khi học tập, những trò nghịch ngợm hoặc cuộc sống ký túc xá thiếu thốn nhưng rất vui và ấm áp tình thương đùm bọc. Tôi có nhiều điều đáng nhớ lắm, nhung có lẽ một trong số đó là những gì về một người thầy của mình, đó là thầy Đặng Quang Khang - Giáo sư Vật lý của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tôi học thầy Khang vào giai đoạn đại cương (hai năm học đầu tiên) của thời đại học. Đại cương có thể là những môn học cơ bản cho quá trình học tập chuyên môn sâu hơn sau này bởi vì chúng phục vụ cho các môn học khác sâu hơn về chuyên môn. Các môn học đại cương thường ngắn và có số học trình thấp hơn so với các môn chuyên nghành nên nhiều sinh viên ra trường thường ít nhớ đến các thầy cô giảng giạy trong giai đoạn đó. Thế nhưng ở thầy Khang thì lại để lại được nhiều ấn tượng đáng nhớ trong nhiều sinh viên đã được học tập qua thầy, có lẽ không phải là do kiến thức của thầy truyền giảng mà do tính cách của thầy khác biệt so với các thầy cô khác.

Hồi chúng tôi học thầy Khang thì có lẽ thầy mới từ nước ngoài giảng dạy về. Trong câu chuyện mà thầy kể thì có lẽ thầy về từ Châu Phi (mà tôi nhớ không nhầm thì là Angêri thì phải) do đó phong cách dạy ở nước ngoài cũng khác so với sinh viên Việt Nam. Những lúc bực bội vì sinh viên không chịu chuẩn bị bài hoặc không trả lời được các câu hỏi của thầy mặc dù đó đã có sự chuẩn bị trước. Thầy bị bệnh cao huyết áp, mỗi khi tức giận vì lũ sinh viên không chịu học hoặc trả lời ngây ngô trước những câu hỏi kiểm tra thì thầy bắt đầu quát tháo. Thú thật là những lời tức giận của thầy có vẻ mang tính miệt thị và không phù hợp với nghề giáo, chẳng hạn như mắng sinh viên là "nông dân", hay những gì khác nữa. Với cụm từ "nông dân" nghe có vẻ miệt thị về xuất thân bởi đa số chúng tôi là các sinh viên ngoại tỉnh lên học, nhưng cũng cảm nhận được rằng đó là lối tư duy và suy nghĩ kiểu hẹp như những người nông dân mà không phải là người làm khoa học. Tuy nhận được những sự quát tháo như vậy nhưng chúng tôi ít có đứa nào có thái độ phản kháng hoặc nói xấu thầy ở sau lưng, bởi vì tự mình cảm thấy đó là sự thật - những đứa sinh viên lười học. Có lần sau một hồi quát tháo, thầy nói: "Tôi biết là có tiết bài tập ở lớp này vào thứ năm, thứ hai tôi đã tự bảo: Phải thật bình tĩnh, thật bình tĩnh.... Thứ ba tôi lại cố gắng tự nhủ rằng bình tĩnh...thứ tư cũng thế, và bây giờ thì tôi không thể bình tĩnh được. Tôi biết rằng khi tôi bực tức thế này là rất ảnh hưởng đến bệnh cao huyết áp của tôi, nhưng tôi không thể nhịn được". Chúng tôi hiểu được rằng thầy đã quen với lối học tập của sinh viên nước ngoài. Cho dù là sinh viên tại các nước Châu Phi (mà nhiều người có thể coi thường họ) thì việc thuê chuyên gia nước ngoài về chắc rằng cũng học tập rất nghiêm túc, còn lũ sinh viên bọn tôi tuy được học thầy nhưng chắc là do cái sự "bụt chùa nhà không thiêng" hay tâm lý chểnh mảng các môn học đại cương nên thầy bực mình là phải.

Một hôm, tự nhiên thấy thầy vui tính hẳn. Hôm đó chúng tôi học chung ở giảng đường lớn C1 (giảng đường rộng và cao bằng hai tầng lớp học cả bốn tầng của nhà C1 mà thành hai cái giảng đường mà thôi, bây giờ thì đã phá đi rồi), có đến 4, 5 lớp học cùng một giảng đường này thì thấy thầy vui vẻ từ đầu đến cuối. Thầy hỏi: "Các bạn có biết hôm nay là ngày gì không", tất nhiên là chúng tôi không biết được, nhưng có vẻ gì đó mà thầy phấn chấn hơn "Hôm nay là ngày sinh nhật tôi, và tôi sẽ đọc một bài thơ của mình", cả lớp vỗ tay rầm rầm vì quá ngạc nhiên. Tôi nhớ rõ bài thơ thầy đọc trên giảng đường ấy lần đầu tiên là bài Phố nắng, đường mưa, nội dung bài thơ như sau:

Phố nắng, đường mưa

Phố anh mưa

Đường em nắng

Anh đến em

Áo quần ướt đẫm

Em mỉm cười long lanh

_

Phố anh nắng

Đường em mưa

Anh mãi chờ

Em không tới

Phố nắng thành mưa...

_

Anh chết đuối

Giữa hè trưa

Đó là buổi đọc thơ đầu tiên một thầy giáo mà tôi được biết trong quãng đời sinh viên của mình. Thực tình thì tôi không nhớ rằng thầy Khang đã đọc những bài thơ nào khác nữa không sau bài này bởi lúc đó chắc đã quá ngạc nhiên về sự thay đổi đến 180 độ về thái độ so với những lúc thông thường. Có lẽ lúc đó tôi cũng đã nhận ra một điều một cách hơi hài hước rằng mỗi khi gặp thầy vừa đi vừa lẩm bẩm hay như thẫn thờ đến nỗi sinh viên có chào mà không đáp lại là không phải tính lãng đãng thường thấy ở một số giáo sư khác - mà là lẩm bẩm như thế là thầy đang làm thơ!.

Thầy diễn giải: Người ta ví em như như bông hoa, như dòng sông...như mặt trăng, như gì cả mặt trời nữa, còn tôi thì ví em như cả thiên hà! Đúng là một giáo sư vật lý, mà là giáo sư chuyên về vũ trụ, do đó mà thầy đã ví em như cả một dải thiên hà rộng lớn mà có lẽ rằng nếu ở nghĩa đen thì trái đất chỉ là một cái chấm nhỏ xíu so với kích thước của dải thiên hà. Nhưng đó không phải là ý nghĩa đúng của tập thơ Thiên Hà, em của thầy mà sau này chúng tôi tìm được một lý do khác. Chẳng nhớ được rằng chúng tôi đã hỏi các thầy cô nào trong Viện Vật lý để biết rằng cho đến bây giờ thầy vẫn không lấy vợ bởi vì đã có một mối tình tan vỡ với một cô sinh viên tên là Hà. Đó mới là lý do chính mà thầy đặt tên cho tập thơ là Thiên Hà, em. Thật bất ngờ khi mà chúng tôi biết được điều đó: Một người không lấy vợ chỉ vì một tình yêu không đi đến tận cùng của hạnh phúc!

Những ngày về sau chúng tôi được tiếp xúc với thầy nhiều hơn. Thời gian đó tầng 1 của thư viện nhà C2 được phá bỏ để chuyển thành phòng hội thảo thì số lượng sách ở đây được cho các thầy cô nào muốn lấy bao nhiêu cũng được, sau đó đến lượt một số sinh viên vào nhặt. Còn lại các giá sách thì được chuyển lên thư viện tầng hai (phòng đọc sách) hoặc tầng ngầm, nhưng thầy Khang cũng xin được một cái giá sách, và chúng tôi được nhờ chuyển hộ giá sách về nhà thầy, do đó mà chúng tôi có may mắn được đến thăm nhà thầy.

Nhà thầy Khang ở gần khu Ký túc xá sinh viên nước ngoài (khu nhà A) của ĐH Bách Khoa, đi vào đoạn đường hẹp thông sang phố Bạch Mai (mà bây giờ thì nó đã được mở một con đường lớn từ Bệnh viện Bạch Mai sang đường Bạch Mai rồi). Căn hộ tập thể của thầy ở tầng một trong khu vực đó, nhưng có lẽ rằng cho đến bây giờ thì tôi không thể xác định chính xác về căn hộ này bởi vì con đường đã được mở rộng và có quá nhiều sự thay đổi so với những mốc ghi nhớ vị trí còn lại trong bộ nhớ của tôi.

Khi thầy mở cửa để chúng tôi khênh giá sách vào thì chúng tôi nhận thấy rằng đó là một căn hộ của một người đàn ông độc thân. Nó bừa bộn như một căn phòng của một cậu con trai mới lớn, bốc mùi ẩm mốc tưởng như không có người sống đã nhiều năm. Đúng thế thật, thầy bảo mới ở nước ngoài về, và căn hộ đã được để như vậy nhiều năm mà không có người ở, mà có lẽ rằng với lứa tuổi gần 60 thì cha mẹ thầy cũng có thể đã quy tiên, thầy lại không có vợ con nên căn hộ không có người ở lâu năm và bốc mùi ẩm mốc. Vật dụng trong nhà cũng không có nhiều, một bộ salông cùng chiếc tủ kiểu cũ, một chiếc xe máy Honda đời 81 và chiếc máy giặt cổ. Căn phòng tầng một thiếu ánh sáng mặt trời chỉ được chiếu bằng những ngọn đèn sợi đốt đỏ quạch khiến cho nó nhìn giống một cái hầm nhiều hơn là một căn hộ.

Ấn tượng đối với chúng tôi là toàn bộ căn hộ chứa nhiều giá sách và giá nào cũng có nhiều cuốn sách. Phải đến 5, 6 giá sách cao ngang người, chia thành nhiều tầng được chất đầy những cuốn sách ố vàng màu thời gian. Sau này tôi cũng có thử tìm trên Internet những thông tin gì về thầy Khang hay không thì thấy một số tựa sách mà thầy dịch còn được liệt kê ở thư viện Khoa học tổng hợp Tỉnh Bình Định, tuy nhiên số thống kê này chắc chắn là con số ít ỏi so với những đầu sách có công sức của thầy. Giá sách chứa đầy các sách không những bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Nga và tiếng Anh, có lẽ chủ yếu về khoa học, vật lý. Tôi nhớ lại có lúc thầy kể chuyện rằng trong giai đoạn sách in theo chỉ tiêu thì thầy đã viết và dịch rất nhiều cuốn sách về vật lý vũ trụ, nhưng do sau một thời gian thì số lượng sách tồn đọng không bán được đã được mang ra nghiền thành bột để tái sản xuất giấy, thầy nghe được tin đã tức tốc bay từ nước ngoài về kịp vơ vài chục cuốn để dành. Cũng trong khi kể đoạn này thì với một thái độ bực tức như đã từng mắng mỏ sinh viên mỗi khi không chịu làm bài tập hoặc chuẩn bị sơ sài, thầy lại sử dụng câu "...thế có nông dân không chứ".

***

[Hình minh hoạ]. Sao Chổi Comet West, (tác giả ảnh: Curps)
Thiên hà 81, ảnh minh hoạ từ Wikimedia Commons

Loanh quanh bên những ký ức cũ của thầy có lẽ rằng chỉ là điều mà những cựu sinh viên của trường mới mong muốn tìm hiểu, chắp vá lại những kỷ niệm ấn tượng, với những người khác có lẽ những dòng trên không phải là một điều gì đáng tìm hiểu. Vậy đến đây thì tôi xin giới thiệu về một ông già sáu mươi tuổi ở thời điểm những năm 199X cả đời không lấy vợ vì một mối tình với cô gái tên là Hà, ông già ấy đã viết một tập thơ với tựa đề: Thiên Hà, em[1].

Có lẽ rằng trước đây tôi đã viết chưa đúng về bài thơ này bởi đó là trong trí nhớ, còn bây giờ thì trên tay tôi đã cầm tập thơ nên sẽ đúng từng chữ, xin chép lại và đính chính đối với những gì đã viết trước đây như sau:

Vĩnh hằng

Vũ trụ vĩnh hằng

Cuộc đời ngắn ngủi

Anh chỉ là kiếp mây trôi nổi

Chẳng thành mưa

Vì không khóc được

Chẳng thành gió

Vì không muốn thở than

Trong Vũ Trụ mênh mang
Anh muốn hoá thân làm Sao Chổi
Để suốt đời rong ruổi
Quay vĩnh hằng
_______quanh em...

Trong tập thơ Thiên Hà, em của thầy Đặng Quang Khang thì trang đầu tiên được trích bốn câu thơ cuối cùng và được viết bằng tay cùng với chữ ký của tác giả. Nếu như không được mối tình của thầy đối với cô sinh viên mang tên Hà thì có lẽ rằng người đọc sẽ khó hiểu được hết ý nghĩa của đoạn thơ này, và nếu như không biết về sao chổi thường lang thang với một quỹ đạo rất lớn của mình quanh vũ trụ thì khó mà hình dung được sự quay của nó là bất biến. Và có lẽ rằng người đọc sẽ lờ mờ nhận ra được về tác giả của bài thơ có lẽ rằng là một người có am hiểu về vật lý để viết những dòng chữ vậy. Cảm giác ấy có lẽ sẽ rõ ràng hơn nếu đọc những bài thơ dưới đây:

Những người sống về đêm sẽ cảm nhận được sự lặng im của đêm, sự im lặng mà con người có thể nghe được âm thanh co bóp của con tim của mình. Vũ trụ cũng thế, khi không có một tiếng động nào thì con người sẽ cảm nhận rõ nét nhất về sự im lặng và cô đơn như thế. Bài thơ này tác giả đã đã nhận thấy tuy rằng mình đã không phải chịu cảnh cô đơn khi được sống trên trái đất, sống giữa những con người nhưng tâm hồn lại trống vắng vì thiếu vắng một bóng hình.

Cô đơn trong vũ trụ

Nhà du hành bay trong vũ trụ

Không thấy nơi đâu cô đơn bằng giữa những tinh cầu

Không thấy nơi đâu lặng im bằng vũ trụ

Nhà du hành nghe thấy tiếng tìm mình rất rõ

Nhưng trái đất nơi đâu

Trái tim em nơi đâu

Để bớt cô đơn, người ta bắc nhịp cầu

Bằng những sóng điện từ cực ngắn...!

_

Anh và em, phải chăng là may mắn

Cùng sống trên một trái đất này

Nhưng tâm hồn anh nhưng một kẻ biệt xứ đi đầy

Xa lạ với bàn tay em sưởi ấm

Anh thấy mình nhưng con tầu bay trong khoảng không hoang vắng

Còn cô đơn hơn cả giữa những tinh cầu

Anh biết tìm em

__________và thu sóng nơi đâu... ?

Và những bài thơ khác nữa có liên quan đến tình yêu và ... vật lý

Tình yêu và vật lý

Vật chất tạo bằng những nguyên tử

______Vô cùng, vô tận

Nỗi nhớ tạo bằng gì

______Mà vô bờ, vô bến

Vật chất tạo thành bao la vũ trụ

Trong không gian, thời gian

Nối nhớ tạo thành gì

Mà xâm chiếm cả hồn tôi

Trong tận cùng sâu thẳm ... !

Và đây nữa, bài thơ này mặc dù rằng bản thân tôi cảm nhận rằng nó hơi hụt, nhưng có lẽ rằng tâm trạng tác giả khi viết là như thế: Với tình yêu, không chỉ có ở nền văn minh Trái Đất mà ở một nền văn minh cao hơn ngoài vũ trụ thì cũng có tình yêu, mà những tình yêu đó đều có sự khổ đau.

Vũ trụ nơi em

Anh vẫn lắng nghe tiếng em từ ngoài miền vũ trụ

Từ chòm sao Oriôn hay chòm sao Alfa

Anh vẫn hình dung nền văn minh siêu trái đất,

Từ bao triệu năm đã rực rỡ nở hoa

_

Nơi em, chắc cũng có những hoàng hôn

Những bình minh và những biển sóng cồn

Có cả những dòng sông và đêm trăng trong vắt

Thì cũng có

_Trái tim

__Tình yêu

____

_____Nước mắt..!

(Oriôn và Alfa là tên một số chòm sao trong vũ trụ, nơi mà trước đây người ta cho rằng có thể có nền văn minh cao hơn trên trái đất)

Một bài thơ mà tác giả đã phải viết những phần chú thích giống như những báo cáo nghiên cứu và các bài báo khoa học chỉ có ở tác giả là người làm khoa học, xin giới thiệu một bài như vậy

Vũ trụ nở rộng

Vũ trụ bao la ngày càng nở rộng

Những Thiên Hà đang mãi tản xa nhau

Ước gì nối được nhịp cầu

Giữa những Thiên Hà xa cách

_

Nếu em sống trong một miền hoang vu hẻo lánh

Tận ngoài biên của một Thái dương hệ xa xôi,

Hay một chòm sao mãi cuối chân trời

Cách xa anh hàng ngàn năm ánh sáng

Thì những sóng tâm linh ngoại cảm

Tự hồn anh vẫn đến được nơi em

Với ánh trăng anh sẽ bắc nhịp cầu đêm

Và tia nắng làm đường ngày nối tiếp

_

Đường vào tim em không gì ngăn được hết

Dù không gian có rộng đến vô cùng

Hình dung một hố đen phía trước Ngân Hà, nặng khoảng 10 lần Mặt Trời, nhìn từ cách 600 năm ánh sáng

Và đây nữa, một bài thơ về sao đen trong vũ trụ. Đó là những ngôi sao sau hàng tỉ năm thôi không phát ánh sáng nữa, trong khoa học gọi là hố đen hay lỗ đen. Khi đó chúng có sức hút mãnh liệt hơn rât snhiều lần so với khi chúng phát sáng, chúng hút được cả ánh sáng do đó nếu quan sát bằng ánh sáng chúng ta không nhìn thấy được chúng. (Bạn có thể xem thêm ở mục từ Hố đen trên Wikipedia).

Sao đen

Có những ngôi sao tắt đi trong vũ trụ

Mãi mãi biến thành những sao đen

Trái tim sao ngừng đập

Sức hút bỗng mãnh liệt tăng lên

Sao chết rồi

______tâm hồn đâu bình yên

_

Có những mối tình trong cuộc đời dang dở

Đã chế đi thành những mối tình côi

Tình không còn bột phát chơi vơi

Nhưng ngọn lửa cháy ngầm càng đốt thiêu dữ dội

_

Mối tình chết rồi

Nỗi đau càng tăng không vợi

_

Tôi sống mãi trong dòng đời trôi nổi

Với một tâm hồn tang tóc những sao đen

Và cũng liên quan đến Hố đen thì thầy Đặng Quang Khang lại có bài thơ sau

Hốc đen

Có một điều chỉ riêng mình em biết

Trong thế gian này

Có một nơi chỉ riêng mình em biết

Trên hành tinh này

Có những thứ qua đi không để vết

Trong vũ trụ này

_

Em thắp thêm ánh sáng

Cho bóng tối dày thêm

Sát bòng đèn là nơi tối nhất

Nơi công khai là nơi càng bí mật

_

Em là hốc đen ngay trên trái đất này.

***

Có lẽ đọc đến đây thì nhiều người nghĩ rằng thơ Đặng Quang Khang thường liên quan đến vật lý, vũ trụ ? Không phải như thế, bởi vì cả tập Thiên Hà, em mà tôi đang có chỉ có vài bài như trên là liên quan đến Vật lý, những bài thơ còn lại trong tổng số 96 bài của tập thơ thì không còn có bóng dáng vật lý trong đó nữa.

Bài thơ này có lẽ rằng đã diễn ra đúng trong thực tế của cuộc đời tác giả. Có lẽ rằng sự thuỷ chung với một mối tình để đến nỗi không lấy được nhau là thôi không lấy người khác nữa là rất hiếm xảy ra trên thế giới, trong những nhà thơ thì lại còn hiếm hơn bởi có thể trong tâm hồn yêu dào dạt của họ lại tiếp tục xuất hiện một mối tình mới và thậm chí ngay cả khi những nhà thơ đó đã có gia đình hạnh phúc (không thế sao ra thơ được nhỉ).

Thế rồi

Thế rồi em lấy chồng

Anh chẳng mong có vợ

Suốt đời tang thầm em

Cả đời ta mắc nợ ...

_

Dòng nước mãi trôi đi

Ngày xanh dần đốm bạc

Anh đứng làm cây si

Buông mình trong hoang mạc

Bài thơ này có lẽ rằng đã nhắc đến căn hộ của thầy mà đã tôi đã nói đến ở phần trên (?) - có lẽ thế khi mà tôi đọc lại bài thơ này thì chợt tưởng tượng đến bóng hình thầy trong căn phòng cô quạnh đó...

Em đến, rồi đi

Một căn phòng nhỏ trong cô quạnh

Hàng ghế lặng im phủ bụi mờ,

Em đến, rồi đi và đi mã

Trong anh còn lại những cơn mơ.

_

Tiếng cười tiếng nói mãi ngừng im

Nỗi buồn lại xâm chiếm con tim

Đêm khuya lặng lẽ sao rơi rụng

Nhưng mảnh hồn anh tan trong đêm ... !

_

Anh vẫn thấy như có bóng em

Trong từng lời nói nụ cười duyên

Nhẹ nhàng chân bước trong tâm tưởng

Tóc đượm hương nồng, thơm gió đêm...

Không chỉ làm thơ, thầy Đặng Quang Khang còn dịch thơ. Có một vài bản dịch trong tập thơ Thiên Hà, em nhưng tôi giới thiệu ở đây một trong những bài đó.

Chanson d'automne

[Tác giả: Paul VERLAINE (1844-1896)]

Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langueur
Monotone.
_
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure,
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure
_
Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
Deçà, delà,
Pareil à la
Feuille morte.

---

Tiếng Thu (bản dịch 1)

Những thổn thức triền miên

Đơn điệu buồn man mác

Của vĩ cầm mùa thu

Làm tim tôi tan nát

_

Ôi ngột ngạt

Và nhợt nhạt

Khi giờ đã điểm

Tâm hồn tôi hoài niệm

Về những ngày xa xưa

Mắt tôi dòng lệ ứa

_

Rồi một cơn gió dữ

Cuốn tôi theo lên đường

Như chiếc lá lìa cành

Lênh đênh đời tha hương

---

Tiếng Thu (bản dịch 2)

Những thổn thức triền miên

Của những cây vĩ cầm

__Mùa thu

Làm đau tim tôi

Với nỗi buồn chơi vơi

__Đơn điệu

_

Ôi ngột ngạt

Và nhợt nhạt

Khi giờ đã điểm

Tôi hồi tưởng

Những ngày xa xưa

Và tôi khóc

_

Rồi tôi ra đi

__Theo cơn gió dữ

____Cuốn tôi theo

______Đó, đây

________Giống như

__________Chiếc lá

____________Lìa cành...

____________________________________

Nghĩa trang

Nghĩa trang!

Nơi an nghỉ của mọi cuộc đời

Nơi khép kín những hờn ghen oán trách

Ta chỉ thấy hoang vu, gió mưa và lau lách

Trong tàn hương của những khách viếng thăm,

Những buổi chiều sướng xuống ướt dầm

Những đêm trăng một màu trắng đục...!

_

Trái tim ta,

Nghĩa trang của bao mối tình uẩn khúc

Của những ngập ngừng dang dở hẹn mùa sau

Của những trang thơ mới viết những dòng đầu

Của những khuôn mặt dịu hiền mờ đi trong gió thoảng,

Của những âm thanh nghẹn ngào trong màu tang ảm đạm

_

Tất cả đã xa rồi

___Nằm yên trong dĩ vãng

_____Một trời buồn

_______Hiu hắt

_________Cõi hư vô !

Cuối cùng thì có lẽ tôi nhận ra một điều đơn giản rằng: cả tập thơ Thiên Hà, em là dành cho chỉ một người...

.... Theo như một thông tin mà một bạn đã comment trên blog của tôi thì có lẽ rằng thầy đã chấm dứt tình yêu của mình trên cõi trần thế để tiếp tục lang thang trong vũ trụ vĩnh hằng tìm đến với tình yêu của mình: Thiên Hà...

Chú thích

1^. Thông tin thêm về tập thơ: Tập thơ Thiên Hà, em: NXB Phụ nữ phát hành năm 1995. Bìa do hoạ sĩ Trương Thảo vẽ; Chịu trách nhiệm xuất bản: Trần Thu Hương; Biên tập: Nguyễn Thị Hồng; In 1200 bản khổ 13x19; Số xuất bản: 851 VH/PN, Cục Xuất bản cấp ngày 19/4/94.

Xem thêm

Thơ tình Đặng Quang Khang, trên Diễn đàn Thời Áo Trắng, Có một số bài thơ mà các thành viên diễn đàn này sưu tầm được.

Kỷ niệm về những giáo sư ấn tượng, trên Diễn đàn thanh niên xa mẹ; trong đó có một thành viên viết: "Ai học Vật Lý Đại Cương tại BK sẽ biết tiếng, hoặc được học trực tiếp thầy Đặng Quang Khang, uyên bác, thông minh, hơi cực đoan, giỏi làm thơ và yêu thơ. Thầy hay có câu: "Cái anh kia mặt cứ nghệt ra, chắc buổi trưa (bọn em học chiều) quên không ngậm muối i ốt rồi", nhìn chung là xúc phạm, nhưng mà cũng chẳng giận nhiều. Em cũng bị thầy chửi, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy chẳng có gì mà ghét thầy cả"

Trương Mạnh An (20/1/2009)

[Lưu ý rằng các bài thơ được giới thiệu ở đây là của thầy Đặng Quang Khang, xin vui lòng không sử dụng chúng cho mục đích thương mại.]

8 nhận xét :

  1. Hôm nay tình cờ đọc được bài viết của bạn về thày Đặng Quang Khang. Thày đã ra đi nhưng những kỷ niệm vẫn còn lại. Mình có thể share bài viết này về trang facebook của Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐHBK có được không?. Để các bạn sinh viên của Viện có thể biết về một người thày rất ấn tượng của Viện.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn,
    Anh trai tôi trước cũng học thầy Khang ở BK. Tôi có nhớ anh tôi chép lại một bài là Bài thơ yêu, rất hay. không biết bạn biết bài này ko?
    Nếu tìm kiếm trên google thì ko ra kết quả nào cả :(

    Trả lờiXóa
  3. Bạn cho mình hỏi muốn liên hệ với người thân của thầy thì tìm đến địa chỉ nào hoặc có số đt nào? Cảm ơn bạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa (những năm 9X) còn sống thì thầy đã sống một mình rồi, lúc đó thầy đã 60 thì bây giờ mình nghĩ thầy cũng đi theo người thân hết rồi.

      Xóa
    2. Thầy mất năm 2005 bạn ạ

      Xóa
  4. Một người thầy, một nhà thơ, khá ấn tượng về thầy.
    Tiếc là em không được học thầy.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết hay quá ạ, cháu mới chỉ đọc quyển sách vật lý đại cương của Thầy để phục vụ cho việc học ở trường. Cảm ơn chú đã cho cháu hiểu hơn về Thầy ạ.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh bạn chia sẻ/góp ý/phản hồi để bài viết được phổ biến hoặc hoàn thiện hơn!
- Nếu bạn thấy thích bài viết và muốn chia sẻ tới mọi người, xin vui lòng bấm nút "Like" và các nút chia sẻ tương ứng.
- Nếu bạn không có các tài khoản Blogger/WordPress... để phản hồi/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" phần "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các bài viết khác mà có thể bạn sẽ quan tâm, được liệt kê tại Mục lục.